- Tìm hiểu về trào lưu
Tịnh Độ tại Việt Nam
-
Qua thực tế sinh hoạt tâm linh, tín
ngưỡng của Phật giáo Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng dấu ấn của
pháp môn Tịnh độ là hết sức sâu đậm. Đây là một trong những vấn
đề đáng quan tâm và cần sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để xác
định truyền thống tu học của người Phật tử Việt Nam, nhằm xây dựng
các nguyên tắc tổ chức trong các tự viện nói riêng và đời sống tín
ngưỡng, tu học của người Phật tử nói chung một cách hiệu quả, phù hợp
với tâm lý, bối cảnh văn hóa và truyền thống của dân tộc. Vậy tư
tưởng Tịnh độ du nhập Việt Nam bao giờ, phát triển ra sao và có đặc
điểm gì, trong bài viết này, chúng tôi sẽ bước đầu tìm hiểu về những
vấn đề trên qua các tư liệu hiện có.
1.Sự
du nhập và phát triển của tín ngưỡng Tịnh độ tại Việt Nam
Danh hiệu của
Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo
VN là ở Cựu tạp thí dụ kinh, truyện 60. Pháp môn niệm Phật cũng đã
được đề cập trong Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội (?-280) dịch
sang chữ Hán. Đây là những bộ kinh xưa nhất lưu hành tại Việt Nam hiện
biết được. Như vậy, ngay từ rất sớm, vào trước thế kỷ thứ III,
trong khuynh hướng tư tưởng Phật giáo Đại thừa được giới thiệu tại
nước ta, người Phật tử Việt Nam cũng đã bước đầu được tiếp xúc
với tín ngưỡng Tịnh độ (A Di Đà). Tư tưởng này đã đi vào đời sống
tu tập của người Phật tử và trở thành một trong những trào lưu lớn
mạnh ở thế kỷ thứ V với sự có mặt của các bản kinh quan trọng làm
nền tảng cho nó là Vô lượng thọ (Quán thọ), (1) do sư Đàm Hoằng
(?-455), một vị Tăng người Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh độ
với ước nguyện vãng sinh Cực Lạc, đến việt Nam tu học tại nước ta
truyền bá.
Theo Cao tăng
truyện của Huệ Hạo, sư Đàm Hoằng (Thích Đàm Hoằng) người Hoang Châu,
Trung Quốc, xuất gia từ nhỏ, là người giới hạnh tinh nghiêm, sâu sắc về
Luật bộ. Khoảng năm 423, sư đến nước ta, ở tại chùa Tiên Sơn, chuyên
hành trì kinh Vô lượng thọ và Quán Vô lượng thọ. Năm 455 sư tự thiêu
nhưng không thành vì giữa chừng học trò biết được và dập tắt lửa\.
Sau đó, nhân cả thôn làng bận rộn vì gần có hội, cả chùa đều đi Phật
sự, sư lén vào hang núi tự thiêu lần nữa\. Khi mọi người biết được
đến nơi thì sư đã tịch. Tương truyền, hôm đó, dân làng nhìn thấy sư
thân có sắc vàng, cỡi một con nai vàng, không nói năng gì mà đi về hướng
Tây rất nhanh. Phật tử trong Tăng ngoài tục biết đó là điều thần dị
nên thu nhặt tro xương, dựng tháp để tôn thờ.
Nguyên nhân
sự tự thiêu của sư Đàm Hoằng là do đâu? Như chúng ta biết, vào thế kỷ
thứ V, tại nước ta đang diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt.
Nền tư tưởng Phật giáo quyền năng được thiết định mấy thế kỷ
trước tỏ ra không còn sức thuyết phục trước bước phát triển của
dân tộc, đặc biệt ở giai đoạn đấu tranh vận động cho sự ra đời của
nhà nước độc lập Vạn Xuân. Những tranh luận này đã để lại cho chúng
ta ngày nay tư liệu 6 lá thư giữa Lý Miễu và hai vị thầy của ông là
các ngài Pháp Minh (k.370-460) và Đạo Cao (k.365-445), tranh luận xung quanh vấn
đề tại sao nói Phật thần thông biến hóa nhưng người Phật tử không
thấy chân hình của Ngài ở đời (nạn Phật bất kiến hình sự). Sự kiện
tự thiêu của sư Đàm Hoằng xảy ra vào thời điểm cao trào của cuộc đấu
tranh này và chắc chắn đó không phải là một trường hợp ngẫu nhiên.
Thêm nữa, sư Đàm Hoằng tự thiêu là một sự kiện lớn thời bấy giờ.
Bởi lẽ tiếng tăm của nó đã vang dội vượt ra ngoài nước ta, đến cả
Trung Quốc và mấy trăm năm sau, Huệ Hạo đã ghi vào tác phẩm của mình
là Cao tăng truyện. Phải chăng sự tự thiêu này, cùng với những tương
truyền về việc dân làng thấy điều thần dị là một câu trả lời
trong nỗ lực củng cố niềm tin đối với nền tư tưởng Phật giáo quyền
năng, mà khuynh hướng Tịnh độ sư Đàm Hoằng chuyên tâm thực hành là một
trong những đại biểu.
Như vậy, có
thể nói rằng, ở thế kỷ thứ V, tư tưởng Tịnh độ đã phát triển
và trở thành một trào lưu tại nước ta\. Đó cũng là giai đoạn quan trọng
với sự lưu hành rộng rãi các bộ kinh căn bản của tư tưởng Tịnh độ
mà chúng ta đã được biết qua tiểu sử của sư Đàm Hoằng, chùa Tiên Sơn.
Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, tức từ sau sư Đàm Hoằng đến nửa đầu
thế kỷ thứ IX, chúng ta hiện không có tư liệu nào để lại đề cập
đến Tịnh độ, mà mãi đến năm 826, nó mới được nhắc đến trong bài
kệ của sư Vô Ngôn Thông (759?-826) nói cho đệ tử là sư Cảm Thành
(?-860). Trong bài kệ có câu : "Tây Thiên là đất này, Đất này là
Tây Thiên Ẩ" (Tây Thiên thử độ, Thử độ Tây Thiên Ẩ). Chữ Tây
Thiên ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, chỉ cho thế giới Cực Lạc của
Đức Phật A Di Đà, đồng thời cũng có thể hiểu đó là nước Aán Độ,
quê hương của Phật giáo.
Từ giữa
thế kỷ thứ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh độ được phổ biến rộng rãi,
với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo, đạo tràng Ẩ Đặc biệt là
vào thờivua Lý Thánh Tông (1023-1072), nhà vua tuy thuộc thế hệ thứ 1 dòng
thiền Thảo Đường, nhưng đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà độc
đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc
hiện nay vẫn còn (2) và cho dựng một ngôi tháp để thờ tại chùa Vạn
Phúc. Ngoài ra, còn có tượng Phật A Di Đà do sư Trì Bát (1049-1117), người
thuộc thế hệ thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, chủ trương tạo
dựng năm 1099 (3), tượng A Di Đà trong hội đèn Quảng Chiếu trước Đoan
Môn, được tạo lập để cầu nguyện cho hoàng hậu Linh Nhân siêu sinh Tịnh
độ (4) v.vẨ Cùng với tín ngưỡng A Di Đà, tín ngưỡng Quán Thế Âm, vị
Bồ tát thân cận của Phật A Di Đà, ở thời này cũng trở nên phổ biến.
Từ giai đoạn này trở về sau, trên phương diện tín ngưỡng, trào lưu Tịnh
độ đã thực sự có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm
linh của nhân dân ta.
Thế kỷ
XII, qua một các tiểu truyện về các thiền sư được Thiền uyển tập
anh ghi lại, chúng ta biết được có thiền sư mặc dù được coi là thuộc
hệ truyền thừa của các thiền phái nhưng vẫn hành trì theo pháp môn
này, chẳng hạn Thiền sư Tịnh Lực (1111-1175), thuộc thế hệ thứ 10 dòng
thiền Vô Ngôn Thông, 12 thời thực hành sám hối và thâm nhập được pháp
môn niệm Phật tam muội (5); Thiền sư Trì Bát "nhân tưởng niệm Phật
A Di Đà ở thế giới Phương Tây Cực Lạc, nên đã phổ khuyến đạo tục,
dựng một đạo tràng lớn " (6). Đến đời Trần, các nhà tư tưởng
lớn như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông Ẩ cũng bàn đến vấn đề
niệm Phật. Tư tưởng Tịnh độ với cơ bản là quan niệm về Đức Phật
A Di Đà và 48 lời nguyện của Ngài cũng được đặt ra trong các kỳ thi
tuyển nhân tài do triều đình tổ chức mà hiện biết được qua bài thi của
tiến sĩ Lê Ích Mộc (1459-?), kỳ thi năm 1502. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
do Trần Nhân tông chủ trương cũng có nói về Đức Phật A Di Đà và thế
giới Cực Lạc, tuy ở một sắc thái khác, chúng tôi sẽ đề cập trong phần
sau.
Sự phát
triển này ngày mỗi mạnh mẽ, nhất là từ cuối thế kỷ XVI trở đi\.
Nhiều tác phẩm về Tịnh độ được viết, phiên âm và chú giải nhằm cổ
súy và truyền bá cho trào lưu này\. Có thể kể một vài tên tuổi như ngài
Viên Văn (1590-1644) viết tác phẩm Bồ đề yếu nghĩa, thuyết minh về Tự
tính Di Đà; thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1708) phiên âm A Di Đà kinh
sớ sao của ngài Châu Hoằng; thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) với nhiều
tác phẩm mang đặc điểm tư tưởng Tịnh độ của Trung Hoa như Phật tâm
luận, Tịnh độ yếu nghĩa Ẩ, đặc biệt là đã cho thiết kế ba đài
Liên hoa cửu phẩm làm pháp khí trong lễ nghi thực hành niệm Phật (7); thiền
sư Tánh Thiên với Phổ khuyến niệm Phật, v.vẨ Sự phát triển đó được
tiếp nối cho đến ngày nay, chúng ta có thể thấy tín ngưỡng và pháp
môn niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Cực lạc là một trong những khuynh hướng
tín ngưỡng lớn, nếu không nói là chủ yếu, của Phật giáo nước ta hiện
tại\. Tuy nhiên, quan niệm Tịnh độ của người Phật tử Việt Nam mang những
điểm đặc thù, dẫu có sự ảnh hưởng nhưng vẫn khác biệt so với Tịnh
độ tông của Trung Hoa hay của Nhật Bản.
2.
Đặc điểm của trào lưu Tịnh độ tại Việt Nam
Nói
"trào lưu" mà không phải là "tông phái", đây cũng là một
trong những đặc điểm về sự phát triển của tư tưởng Tịnh độ tại
Việt Nam.
Sự lưu hành
của các bộ kinh quan trọng thuộc hệ tư tưởng Tịnh độ là Vô lượng
thọ và quán Vô lượng thọ ở nước ta vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ
V là một điều đáng chú ý, nó cho phép chúng ta nghĩ rằng Việt Nam thời
bấy giờ có thể là một trung tâm Tịnh độ có tiếng tăm ở vùng Viễn
Đông mà chùa Tiên Sơn, nơi sư Đàm Hoằng, một vị Tăng Trung Quốc chọn
làm chỗ dừng chân tu tập, là một thí dụ. Bởi khi sư Đàm Hoằng đến
chùa Tiên Sơn, sau năm 422, cách thời điểm thành lập Bạch Liên xã của
ngài Huệ Viễn (334-416), người sáng lập Tịnh độ tông ở Trung Hoa, chỉ
khoảng 20 năm (năm 402).
Tuy du nhập
Việt Nam từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Tây lịch, được phổ
biến và trở thành một trong những trào lưu chủ yếu của đời sống tín
ngưỡng của Phật giáo nước ta, và dẫu có lúc phát triển mạnh mẽ, nhưng
tư tưởng Tịnh độ không như ở Trung Hoa và Nhật Bản, hình thành một
tông phái với chủ trương, lịch sử truyền thừa chặt chẽ và độc lập,
tách biệt với các tông phái khác như Thiền, Mật hay Luật tông. Ở nước
ta, nó không đứng biệt lập và không hề thấy xảy ra những tranh luận với
các hệ tư tưởng khác cũng như đấu tranh trong tự thân nó để phát triển.
Vậy, đặc điểm chung của tư tưởng Tịnh độ tại nước ta là thế
nào?
Để có một
nhận định chính xác về điều này, chúng ta cần khảo sát và so sánh với
Tịnh độ tông ở Trung Hoa và Nhật Bản. Tuy nhiên, ở khuôn khổ một bài
báo, chúng tôi không tiện làm việc đó và cũng không thể khảo sát sự
phát triển, các mặt tư tưởng của trào lưu này ở các giai đoạn lịch
sử, mà chỉ đưa ra vài nhận xét bước đầu qua một số quan niệm đặc
thù mang tính chủ yếu mà thôi.
Như đã
nói, từ thời vua Lý Thánh Tông, trào lưu Tịnh độ đã phát triển mạnh
mẽ. Tuy nhiên, các quan niệm bàn luận về A Di Đà và Tịnh độ thì mãi
đến thế kỷ XIII mới được vua Trần Thái Tông (1218-1277) đề cập một
cách chính thức. Trong sách Khoá hư lục, Trần Thái Tông đã có hẳn một
đề mục là "Niệm Phật luận", bàn về những lợi ích của phương
pháp niệm Phật. Nhà vua quan niệm con người có ba loại : thượng, trung và
hạ trí. Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, do đó pháp môn niệm Phật
chỉ dành cho hai đối tượng là trung và hạ trí. Bên cạnh đó, cũng trong
tác phẩm này, về phương diện thực hành, Trần Thái Tông cũng đã soạn
"Lục thời sám hối khoa nghi" mà kính lễ Phật a Di Đà và các vị
Bồ tát thân cận để sám hối nghiệp chướng là chủ yếu\. tự tính Di
Đà và Tịnh độ được Trần Thái Tông quan niệm chỉ có ở ngay hiện tiền,
trong tâm của con người này mà không phải thuộc một quốc độ khác tồn
tại ngoài thế gian. Quan điểm đó cũng thống nhất trong các tác phẩm của
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) và Trần Nhân Tông (1258-1308) (8). Như vậy,
trên mặt lý luận, quan niệm Tịnh độ ở đây được nhìn và giải
thích theo đôi mắt thiền. Đấy là một trong những đặc điểm của trào
lưu Tịnh độ ở giai đoạn thời Trần nói riêng và cũng là một trong những
đặc điểm căn bản trên phương diện lý luận của tư tưởng Tịnh độ
tại Việt Nam nói chung.
Sau đó, từ
thế kỷ XVII trở đi, tư tưởng Tịnh độ tông Trung Hoa cũng đã được
giới thiệu và truyền bá ở nước ta, bắt đầu là sư Viên Văn Chuyết
Chuyết (1590-1644) với tác phẩm Bồ đề yếu nghĩa, Minh Châu Hương Hải với
A Di Đà kinh sớ sao, tư tưởng của ngài Châu Hoằng qua sự giới thiệu của
sư Chân Nguyên Ẩ Những mô tả về sự toàn thiện của thế giới Cực lạc,
chủ trương niệm Phật để nhẹ nghiệp chướng được phước đức trong
đời này, vãng sinh về thế giới Cực lạc sau khi chết cũng được truyền
bá rộng rãi, phù hợp với nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo
quần chúng Phật tử, nhất là cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ
XX,
khi đất
nước ta đang rơi vào một hoàn cảnh bị xâm lược, đời sống nhân dân
cơ cực lầm than dưới sự đô hộ khắc nghiệt của thực dân Pháp (9). Cũng
trong giai đoạn này, nhiều nhóm chuyên thực hành niệm Phật (Liên Trì xã,
Niệm Phật liên xã ) được thành lập khắp nơi trong nước. Dấu ấn của
cao trào này được thấy qua Phổ khuyến niệm Phật của Thiền sư Tánh
Thiên (1784-1847), các tác phẩm của thiền sư Toàn Nhật (1755-1832), Phật Thầy
Tây An Ố Đoàn Minh Huyên (1807-1856), các sư Tâm Truyền (1832-1911), Phước Huệ (1875-1863)
v.v.
Tóm lại,
trào lưu Tịnh độ ở nước ta dẫu có một lịch sử lâu dài nhưng không
tự thân phát triển thành một tông phái, không có vị trí độc lập, tách
biệt với các pháp môn khác; đồng thời cũng không phong phú trong lý luận
và phương pháp thực hành như Tịnh độ tông Trung Hoa hay Nhật Bản. Ở phương
diện lý luận, Đức Phật A Di Đà chủ yếu được quan niệm như một mẫu
hình con người lý tưởng tuyệt đối và phương pháp thực hành nổi bật
gần như duy nhất là phương pháp niệm Phật. Sự không tách biệt độc lập
này, có lẽ thuộc về đặc tính của dân tộc ta, cũng như đã thấy trong
truyền thống Phật giáo Việt Nam, qua sự ra đời, sinh hoạt và truyền thừa
của các dòng thiền. Dẫu là thiền sư, nhưng trong thực hành tâm linh thì
vẫn trì tụng thần chú và niệm danh hiệu Phật. Trường hợp các thiền
sư Lý Thánh Tông, Tịnh Lực, Trì Bát, Trần Nhân Tông v.vẨ. đã nói sơ
lược trên có thể xem là những tiêu biểu.
Tư tưởng
Tịnh độ cũng đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm
linh, văn hoá, tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam nói riêng và của dân tộc
ta nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật (văn học, kiến trúc,
điêu khắc.). Chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu đến độc giả những ảnh
hưởng này một cách tập trung hơn vào dịp khác, nhằm góp phần vào việc
tìm hiểu những điểm đặc thù của tư tưởng và phương pháp thực hành
tâm linh trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.
1. Vô lượng thọ kinh chủ
yếu trình bày những tiền thân của Đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện
lớn của Ngài khi chưa thành Phật, khi còn là một tỳ kheo có tên là Pháp
Tạng (Dharmakara). Quán vô lượng thọ chủ yếu nói về 16 phép quán liên hệ
đến thế giới của Đức Phật A Di Đà và các vị Bồ tát Quán Thế Âm,
Đại Thế Chí.
2. Tượng
được tạc vào năm 1066, hiện được thờ tại chuà Phật Tích (Vạn Phúc
tự), thuộc tỉnh Bắc Ninh.
3. Chuà Một
Mái, tức chùa Hoàng Kim, nay thuộc xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà
Tây\.
4. Theo văn
bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi.
5. Xem tiểu
truyện Thiền sư Tịnh lực, trong Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền Uyển
Tập Anh, Nxb. TPHCM, 1999, trang 223.
6. Theo những
dòng chữ khắc trên bệ tượng hình sư tử đội tòa sen ở chùa Một
Mái, xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây
7. Một
trong các đài Liên hoa cửu phẩm đó hiện còn tại chùa Bút Tháp (Ninh
Phúc tự), tỉnh Bắc Ninh.
8. Trong bài
phú nổi tiếng nói lên chủ trương của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử :
"Cư trần lạc đạo phú", ngài Trần Nhân Tông đã viết : "Tịnh
độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây phương, Di Đà là tính
sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.".
9. Chẳng hạn,
trong Phổ khuyến niệm Phật, thiền sư Tánh Thiên đã viết :
"Niệm Phật tội nghiệp tiêu khô
Như
sương tan nắng như hồ nước trong
Niệm
Phật để đặng tấm lòng
Kẻo
mà trắc ẩn mắc vòng gian nan
Niệm
Phật Cực lạc hân hoan
Ta
bà khổ não giàu sang mấy hồi
http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/traoluu_TinhDoVN.htm