Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NIỆM PHẬT VÃNG SANH DƯỚI MẮT NGÀI ẤN THUẬN
Trích Ấn Thuận Đại Sư Ngữ Lục

Người thời nay cho rằng chỉ ở Trung Quốc mới niệm Phật A Di Đà, người Ấn Độ hoàn toàn không niệm danh hiệu vị Phật này. Nói vậy là không chính xác. Trên thực tế, Ấn Độ- đặc biệt là vùng Tây Bắc Ấn đến Iran (xưa là An Tức)- Người niệm Phật A Di Đà rất đông (nay thì không còn) chỉ vì lúc đó không lập tông chuyên niệm như người Trung Quốc bây giờ. Vả lại, trong Đại Thừa Khởi Tín Luận của Bồ Tát Mã Minh và Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của Bồ Tát Long Thọ đều từng đề cập thêm pháp môn này. Trong Vãng Sanh Tịnh Độ Luận của Bồ Tát Thế Thân đặc biệt chuyên đề xướng pháp môn này (Hoa Vũ Tập _QI, trang 355)

Niệm Phật không phải chỉ niệm trong miệng, nên thường không quên Đức Phật cùng Tịnh độ của Ngài và phát nguyện sanh về cõi ấy. Kinh Bát Nhã Tam Muội ghi: "Khi tu hành niệm Phật A Di Đà, thành tựu Bát Nhã Tam Muội tức được thấy Phật A Di Đà, cũng chính là thấy tất cả chư Phật hiện tiền cho nên có thể nói Phật A Di Đà là đại diện chung cho tất cả các Đức Phật, đây là ý nghĩa căn bản của Phật A Di Đà. (Hoa Vũ Tập _QI, trang 357)

Tiền thân của Phật A Di Đà là Tỳ kheo Pháp Tạng, nay thành Phật thuyết pháp ở phương tây. Sau khi Ngài diệt độ, Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ kế tục ngôi vị Phật. Nếu thế giới cực lạc ở phương tây, tức có phương hướng vị trí, cố nhiên thọ mạng của Ngài cùng cõi nước ấy đều chẳng phải là vô lượng. Đây phải hiểu như thế nào? Nhân vì tâm chúng sanh hữu hạn cho nên nói như vậy. Như trong kinh Duy Ma Cật, Xá-lợi-phất nghi ngờ cõi uế độ của Phật Thích Ca mà không biết đó là đó là mắt của Xá Lợi Phất thấy ra là uế chứ chẳng phải cõi Phật xưa nay như vậy. Cõi nước Phật A Di Đà vốn là vô lượng vì chúng sanh hữu lượng nên phương tiện nói ở phương tây như vậy… như vậy… Đây chính là trong vô lượng hiện ra cái hữu lượng, khiến cho chúng sanh từ hữu lượng đạt đến vô lượng (Hoa Vũ Tập _QI, trang 358)

Bàn về Cực lạc, trứơc tiên cần làm rõ có hay không có Tịnh độ, nếu như không có Tịnh độ, thì lấy đâu vãng sanh? Nay nhận xét theo lý thường tình, không cần tự thân từng trãi qua, cũng không cần hoàn toàn dựa vào kinh nói cũng có thể nhận định chắc chắn là có. Nay xin nêu ra vài quan điểm như sau:

  1. Như Khoa học tiến bộ ngày nay đã chứng thật thế giới của chúng ta chỉ là một hành tinh trong vô số tinh cầu, vậy nên biết ngoài thế giới này còn có các loại thế giới khác.
  2. Lại hỏi các loại thế giới có sự tốt xấu khác nhau không? Chỉ nhìn trên thế gian, các nơi đều có tốt xấu, có thể suy mà biết được các loại thế giới ắt có tốt xấu.
  3. Nếu như thế giới có tốt xấu thì thế giới này của chúng ta có phải là thế giới tốt đẹp nhất hay không? Nên biết là không phải vậy. Thế thì không còn gì phải nghi ngờ về sự tồn tại của một thế giới tốt đẹp hơn. Đến như giới khoa học ngày nay nhân nơi sự bí ẩn của dĩa bay cũng cho là những tinh cầu khác có thể tồn tại một sinh vật thông minh hơn chúng ta nhiều (Hoa Vũ Tập _QI, trang 359)

Từ những điều trên cho biết Tịnh độ không những có mà còn có rất nhiều và sự thù thắng của nó khác nhau. Trong giới Phật Giáo lại có nói "Duy tâm Tịnh độ" , cho là Tịnh độ chỉ có ở trong tâm, ngoài tâm ra thật sự không có Tịnh độ. Nói như vậy rất trái với ý của Phật. Nên biết, nói thế giới chỉ do tâm hiện vốn không sai, nhưng đã nói vậy thì cũng nên biết uế độ cũng là do tâm hiện. Nay thừa nhận uế độ do tâm hiện là thật có trứơc mắt, sao lại không thừa nhận Tịnh độ do tâm hiện là thật có? Cho nên đã tin Tịnh độ ắt tin nó thật có, không thể chấp lý bỏ sự. (Hoa Vũ Tập _QI, trang 360)

Tịnh độ rốt cuộc là báo độ hay hoá độ? (Tức thế giới Ứng hóa thân của Phật). Xưa nay nói (chỉ tạm nói) Phật có hai thân: Pháp thân và Ứng hoá thân. Quốc độ của Pháp thân là thật báo độ. Quốc độ của Ứng hoá thân là hoá độ. Nay quốc độ này nếu như là báo độ thì những chúng sanh tội ác sao có thể đến được? Nếu như là hoá độ, thì những chúng sanh chưa đoạn hết phiền não cũng có thể nương vào nguyện lực tự thân và nguyện lực của Phật có thể vãng sanh. Song quốc độ này dường như lại không rốt ráo lắm, dường như chuyên vì giáo hóa những chúng sanh uế độ mà hiện ra để tiếp dẫn họ. (Hoa Vũ Tập _QI, trang 360)

Nếu y theo kinh Bát Nhã Tam Muội nói: "Người niệm Phật thành tựu được Đức Phật A Di Đà hiện thân ra trước người ấy thuyết pháp, hành giả lúc đó khởi niệm quán: "Phật há có đến, há có đi. Không đến không đi mà Phật hiện ra trước mặt biết do tâm hiện. Tâm này niệm Phật, tâm này thành Phật, Phật tức là tâm, tâm tức là Phật". Quán pháp như vậy,từ đó ngộ nhập thật tướng các pháp, nếu như vãng sanh cực lạc, thì thế giới cực lạc tức chẳng phải ứng hoá độ. Khi người kia hoa nở thấy Phật, ngộ vô sanh nhẫn thì Tịnh độ ấy không ở phương đông, không ở phương tây mà biến khắp mọi nơi, chính là báo độ vậy. (Hoa Vũ Tập _QI, trang 360)

"Niệm Phật tức sanh cực lạc". Một số người giải thích: "Niệm Phật nhất định vãng sanh, ấy gọi là đới nghiệp vãng sanh. Số người khác thì cho đây chính là "Biệt thời ý thú", tức nói vãng sanh nhưng chẳng phải vãng sanh ngay mà phải trải qua nhiều kiếp tiến tu cuối cùng ắt được vãng sanh. Kỳ thật Tịnh độ chỉ một mà thấy là báo độ, hoá độ; đây hoàn toàn nhắm vào trình độ tu hành của chúng sanh mà định.Nếu công đức tu hành sâu dày vẫn có thể ngay Hoá độ được Pháp thân, thì Hoá độ này cũng không lìa báo độ.(Hoa Vũ Tập _QI, trang 361)

Niệm Phật là dùng tâm để niệm, nay có người chỉ niệm ngoài miệng là sai lầm. Niệm nghĩa là tâm chuyên nhất nơi cảnh. Như khi niệm Phật thì tâm chuyên chú nơi danh hiệu Phật. Khi niệm Pháp thì luôn luôn nhớ "Tất cả pháp không sanh không diệt", chuyên nhất không quên. Tịnh độ tông có pháp môn ba thời chuyên nhất là ý này. Có thể niệm đến nhất tâm bất loạn tức được thiền định, thành tựu trí huệ ngoài ra không còn pháp nào khác. Niêm niệm tương tục không lìa nhất niệm này; được như vậy tức có thể vãng sanh thấy Phật A Di Đà.(Hoa Vũ Tập _QI, trang 371)

Công đức bố thí của Bồ Tát thật sự có thể khiến cho chúng sanh thọ phước lạc không? Luận Đại Trí Độ nói: "Bố thí cho tất cả chúng sanh là nói về quả baó; vì phước đức không thể cho tất cả chúng sanh, mà quả báo thì có thể… Lấy trong quả nói nhân cho nên nói phước đức cho chúng sanh. Nếu như phước đức có thể đem cho người khác được thì phước đức tích tụ được của chư Phật từ khi mới phát tâm có thể cho hết chúng sanh". Nếu như có thể đem phước đức của mình hồi hướng cho chúng sanh, đó là trái với nguyên tắc "Tự lực". Công đức vô lượng của Phật, Bồ Tát nếu như có thể hồi hướng cho chúng sanh thì lẽ ra chúng sanh ở thế gian không có khổ não, đều là Phật, Bồ Tát; cũng không cần Phật,Bồ Tát đến hoá độ. (Hoa Vũ Tập _QII, trang 160)

Người Trung Quốc ca ngợi Tịnh độ cường điệu thái quá tính chất đặc biệt thù thắng của Tịnh độ, những thuyết như: "Hoành xuất Tam giới(1)" có phần nên xét lại. "Hoành xuất Tam giới" có lẽ căn cứ theo "Hoành tiệt ngũ ác thú, ác thú tự nhiên bế" (Cắt ngang năm đường ác, đường ác tự đóng bít). Trong kinh Vô Lượng Thọ có người cho rằng pháp môn Tịnh độ của Phật là Hoành siêu (2), những pháp môn khác là Thụ xuất: Thụ xuất là từ từ, không bằng ra lập tức của Hoành siêu. Như vậy, pháp môn Tịnh độ là tuyệt vời nhất! Theo tôi hiểu, pháp giải thoát sanh tử của Phật đều là dứt ngay, là Hoành xuất; Thụ xuất(3) không thể giải thoát Tam giới. (Hoa Vũ Tập _QIV, trang 175)

Hành giả Tịnh độ nhàm chán đời ác năm trược mà vui cầu Tịnh độ. Đối với sanh tử trong ba cõi mà nói, tâm ưa hay chán đều không qua khỏi sanh tử. Chẳng qua sống ở Tịnh độ, do hoàn cảnh tốt "Các bậc Thượng Thiện câu hội một chỗ", từ hoa sen hoá sanh; không còn sanh già bệnh chết mà thôi. Trong hoàn cảnh như vậy nhất định sẽ giải thoát sanh tử, cho nên "trong nhân nói quả", không ngại gì khi nói "vãng sanh Tịnh độ đã giải thoát sanh tử". Chính như những vị đắc quả Tu đà hoàn, tuy còn sanh tử trở lại 7 lần, nhưng quyết định giải thoát, nên có thể nói: "Sanh thân đã tận". (Hoa Vũ Tập _QIV, trang 177)

Về việc tu hành, có phải ở Tịnh độ sẽ mau hơn so với uế độ không? Kinh nói: "Tu hành ở Tịnh độ không bằng ở uế độ". Như kinh Vô Lượng Thọ ghi: "Ở cõi Ta bà năm ác trược này: làm đức, lập thiện, chánh tâm, chánh ý, trai giới thanh tịnh trong một ngày một đêm vượt hơn làm thiện ở nước Phật Vô Lượng Thọ trăm kiếp". Có thể nói: Ở Tịnh độ tu tiến bộ chậm nhưng không bị rơi đoạ, rất chắc chắn. Ở uế độ công đức tu hành ưu việt tiến bộ nhanh chỉ có là bị chướng ngại nhiều, nguy hiểm hơi lớn. Pháp môn uế độ cùng Tịnh độ "Hoành xuất Tam giới". (Hoa Vũ Tập _QIV, trang 177)…..Còn tiếp.

http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/vangsanh.htm

 


Vào mạng: 1-8-2004

Trở về mục "Niệm Phật"

Đầu trang