- ANAGARIKA
DHARMAPALA
Ðại đức Anagarika Dharmapala xuất hiện như một vì sao chói
sáng trong lịch sử Tích Lan bởi lòng nhiệt tâm phục vụ cao cả và chân
thành cho xứ sở Ấn Ðộ thân yêu và nhân loại. Chẳng khác gì A Dục Vương,
đời sống của đại đức cũng được hướng dẫn bởi tinh thần nhân đạo. Vào thế
kỷ thứ 03 trước tây lịch vua A Dục đã bành trướng Phật Giáo khắp Ấn Ðộ,
Tích Lan và thế giới do những đoàn truyền giáo của ngài, trong thời đại
chúng ta. Ðại Đức Dharmapala cũng làm một công việc vĩ đại lợi ích cho
nhân loại là phục hưng Phật Giáo và văn hóa đạo Phật ở Ấn Ðộ, Tích Lan,
nhiều quốc gia Á Châu Phật Giáo suy đồi, cùng các nước Tây Phương thịnh
hành Thiên chúa.
Sự thịnh suy của những nền văn minh là một điều tất nhiên trong lịch sử.
Cho nên thời gian từ thế kỷ thứ 03 trước tây lịch đến thế kỷ thứ 12 sau
tây lịch, có thể xem như là thời kỳ cực thịnh vàng son của nền Phật Giáo
Ấn Ðộ, Tích Lan. Nhưng từ thế kỷ 12 sau Thiên Chúa, những nền văn minh này
bắt đầu suy đồi. Và đến thế kỷ thứ 16, khi người Bồ Ðào Nha, Ðức và Anh
xâm lăng Châu Á thì những nền văn minh trên gần như rơi vào tình trạng suy
sụp hẵn. Sự thống trị này của ngoại bang đã phá hủy nền văn hóa cổ truyền
của xứ sở và những đoàn truyền giáo Thiên Chúa đã được dịp phát triển mau
lẹ tại các quốc gia trên ở Châu Á. Nhiều trường học Thiên Chúa đã được
thành lập bởi các giáo hội Thiên Chúa. Số đông trẻ em Phật tử bắt buộc
phải đến học tại những trường này và các Phật tử không tránh khỏi bị cưỡng
bức đi lễ nhà thờ.
Thêm vào đó người ta còn dùng áp lực kinh tế để khuyến dụ các Phật tử vào
đạo. Thật là một thời kỳ tủi nhục, giai đoạn mà người con Phật cảm thấy sợ
sệt mỗi khi tự nhận mình là Phật tử và nền văn hóa Phật Giáo bị suy đồi
thảm hại. Chính giữa lúc Tích Lan gặp cơn quốc biến này, một hài nhi thuộc
gia đình phú quí Sinhalese đã ra đời tại Colombo (Tích Lan) để sau trở
thành vĩ nhân, hướng dẫn dân tộc ông phục hưng lại nền văn hóa và đạo lý
cổ truyền cao quý của quốc gia. Hài nhi đó tên là David Hewavitharne và
sau mang pháp danh là Anagarika Dharmapala, sinh ngày 17-09-1864 và mất
ngày 27-09-1934.
David Hewavitharne được giáo dưỡng trong văn hóa Sinhalese, xây dựng trên
nền tảng nhân sinh Phật Giáo. Lòng thành kính chánh pháp của cha mẹ ông đã
rèn luyện cho ông có được cái đạo hiếu cổ truyền, vốn là di sản của dân
tộc ông từ hơn 2.500 năm về trước. Noi gương hai thân sinh, hằng ngày ông
sống quy y theo Phật, Pháp, Tăng và giữ gìn năm cấm giới theo tập tục của
hàng dân chúng. Số kiếp ông sinh ra như để trở thành một nhân vật cao cả
và một đệ tử nhiệt thành của đức Phật. Thay vì chạy theo những cám dỗ của
xã hội tân tiến bấy giờ, ông đã sống một cuộc đời trong sạch và bình dị,
tránh xa những ý tưởng tội lỗi và bất thiện.
Theo tục lệ Phật Giáo, bài vở lòng tiếng Sinhalese đầu tiên của đứa trẻ
phải do một nhà sư chỉ dạy. Do đó không ai ngạc nhiên thấy rằng Dharmapala
đã thụ giáo bài học khai tâm với đại đức học giả Siri Sumangala, giáo sư
đại học đường Vidyodaya Pirivena, tức trường đại học Vidyodaya của Tích
Lan bây giờ. Sau khi theo học một vài trường Thiên Chúa giáo, Dharmapala
vào dự học ở trường Anh Quốc giáo phái tại Kotte cách Colombo sáu dặm. Tại
đây, Dharmapala bị bắt buộc đi lễ nhà thờ vào lúc 7 giờ 30 mỗi sáng và để
nghe giảng kinh Thánh (Bible) hằng ngày.
Về sau, Dharmapala xin vào học tại trường đại học Thánh Thomas gần
Colombo. Ðây là một trường giáo dục cao cấp của Thiên Chúa, có một kỷ luật
rất nghiêm khắc. Và trong thời gian này, điều đã khiến cho Dharmapala giữ
được tín ngưỡng Phật Thích Ca là chính bởi những đức tính khoan dung và
kính trọng các tôn giáo khác của Phật Giáo cũng như do ở sự hấp thụ sâu xa
giáo lý đức Phật nơi hai thân sinh ông ta. Ngày nay nhờ ảnh hưởng công
trình rộng lớn của đại tá Phật tử Olcolt (Hoa kỳ) và đại đức Dharmapala mà
tất cả những con em Phật tử đều được hấp thụ nền học vấn Sinhalese và Phật
Giáo tại bất cứ trường nào chúng theo học.
Tháng 05 năm 1886, Ðại tá Olcolt và bà Blavatsky (người Nga) đến Colombo
là một biến cố trọng đại trong phong trào phục hưng Phật Giáo tại Tích
Lan. Cả hai là những nhà sáng lập Hội Thông Thiên Học tại thành phố Nữu
Ước (Mỹ quốc). Trước kia họ từng liên lạc mật thiết với đại đức
Migettuwatte Gunananda, một danh Tăng diễn thuyết tài ba và đã nhiều lần
đánh bại những giáo sĩ Thiên chúa trong các cuộc tranh luận tôn giáo được
tổ chức công cộng tại Panadura vài năm 1873. Giáo lý cao siêu của đức Phật
đã vượt thắng mọi giáo điều của Thiên Chúa. Và chính những cuộc tranh luận
này đã ảnh hưởng đến quyết định sang Tích Lan tìm hiểu Phật Giáo của hai
nhà sáng lập Hội Thông Thiên Học nói trên.
Có thể nói rằng, hành động đến Galle, miền Nam Tích Lan ngày 21-05-1880
của đại tá Henry S. Olcolt và bà Blavatsky để làm lễ quy y Tam Bảo và thọ
ngũ giới với một đại sư Tích Lan đã ảnh hưởng sâu xa đến tâm hồn chàng
thanh niên Dharmapala. Và chính Dharmapala cùng với hai thân sinh của
người cũng có tham dự trong buổi lễ nầy. Ðây là biến cố trọng đại, lần đầu
tiên trong lịch sử Phật Giáo Tích Lan đã có hai người Tây phương đến xứ
này để công khai thọ lãnh Phật pháp. Hành động quy y Phật của bà Blavatsky
và đại tá Olcolt đã mở đầu một kỷ nguyên mới cho lịch sử Phật Giáo Tích
Lan.
Năm 1883 một đám đông tín đồ Thiên Chúa đã đánh phá một đám rước Phật Giáo
ngay tại trước nhà thờ Thiên Chúa ở Kotahena, phía bắc Colombo. Việc này
khiến cho thân sinh của Dharmapala vô cùng căm tức và từ đó ông nhất quyết
không cho con ông đến học các trường Thiên Chúa nữa. Dharmapala bị bắt
buộc phải rời Ðại Học Ðường Thánh Thomas và mấy tháng đầu ông được gởi đến
thư viện quốc gia Colombo để nghiên cứu về các môn cổ học Châu Âu. Năm
1884, Dharmapala được 18 tuổi, đã cùng hai nhà sư khác tham gia hoạt động
cho Hội Thông Thiên Học tại Tích Lan. Dharmapala cũng với đã trải qua một
thời gian nghiên cứu với bà Blavatsky tại trụ sở Hội Thông Thiên Học ở Ấn
Độ.
Mặc dù chẳng ham thích nghiên cứu về các hiện tượng huyền bí, nhưng bà
Blavatsky vẫn khuyến khích anh ta học hỏi thêm tiếng Pali và kinh điển
Phật Giáo. Khi trở về Tích Lan, bấy giờ Dharmapala đúng 20 tuổi. Ông xin
phép thân phụ cho ông sống độc thân để bắt đầu hoạt động phụng sự cho Phật
Giáo. Nhưng thân sinh ông do dự trước trước lời thỉnh nguyện này. Sau đó,
Dharmapala vào làm việc ở Hội Thông Thiên Học tại Tích Lan, sống cuộc đời
như một nhân viên thư ký của chính phủ.
Năm 1886, đại tá Phật tử Olcolt và đại đức C.M.Leadbeater từ Adyar (Ấn Ðộ)
trở sang Colombo để quyên tiền giúp cho tổ chức giáo dục Phật tử Tích Lan.
Họ định đi khắp Tích Lan và cần một thông dịch viên vì bấy giờ họ không
nói được tiếng Sinhalese. Dharmapala lúc đó đang làm thư ký ở Bộ Quốc Gia
Giáo Dục Tích Lan, liền xin thôi việc và lập tức nhận lời giúp họ trong
công tác này. Thân sinh Dharmapala nghe tin liền hoảng hốt nhưng bà thân
ông lại bằng lòng. Sau ba tháng đi khắp các xóm làng Tích Lan bằng xe bò
(bullock cart), đến năm 1887 phái đoàn họ trở thành những hình ảnh quen
thuộc trong phòng trào phục hưng Phật Giáo xứ ở Tích Lan. Chàng thanh niên
Dharmapala đã nói trôi chảy như đại tá Phật tử Olcolt về mọi vấn đề xã
hội, kinh tế và tôn giáo.
Từ năm 1885 đến 1889, Dharmapala đã dành hết cả thì giờ hoạt động cho
phong trào chấn hưng đạo pháp để rồi ông nghiễm nhiên chẳng khác gì A Dục
Vương thời xưa của Ấn Ðộ, trở thành nhà truyền bá Phật Giáo vĩ đại nhất
của thời đại chúng ta. Trong thời gian này, Dharmapala cùng với đại tá
Phật tử Olcolt thành lập tờ tuần san “San-darasa” bằng tiếng Sinhalese và
tháng 12 năm 1888 lại cho ấn hành số đầu tiên tạp chí
“Phật
tử” (The Buddhist) bằng Anh văn do đại đức Leadbeater làm chủ nhiệm. Tạp
chí này sau trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Thanh Niên Phật Tử Colombo
(Colombo Young Men’s Buddhist Association) và đến nay đã có một lịch sử
lâu dài 75 năm phụng sự đạo pháp.
Năm 1889, đại tá Olcolt cùng với đại đức Dharmapala sang Nhật Bản. Họ mang
theo bức thư tỏ bày thiện cảm của Phật tử Tích Lan gởi đến toàn dân chúng
Phật tử Nhật viết bằng Phạn văn (Sanskrit). Nhật Bản là một trong vài ba
quốc gia được độc lập ở Châu Á và họ đã đóng góp một vai trò quan trọng
trong sự phục hưng Phật Giáo tại những nước Á Châu. Tháng giêng năm 1891,
đại đức Dharmapala cùng với một vị Tăng Nhật Bản, đại đức Kozen Gunaratne
sang thăm các nơi thánh tích Phật Giáo tại Ấn Ðộ.
Đại Đức Dharmapala thấy cảnh Bồ Ðề Ðạo Tràng (Buddha Gaya), nơi đức Phật
thành đạo tiêu điều hoang phế và Chùa Bồ Ðề Ðạo Tràng bấy giờ thuộc quyền
quản trị của một tên xấu xa trục lợi là Mahant. Ðại đức đã nhiều năm đứng
ra nổ lực tranh đấu để giành lại thánh tích này nhưng thất bại. Tuy nhiên
về sau chính phủ Ấn Đọ giao Bồ Đề Ðạo Tràng cho một ban quản trị hỗn hợp
gồm các tín đồ Ấn Giáo lẫn Phật Giáo chăm sóc, đã gây nhiều thiện cảm đối
với Phật tử Á Châu.
Sự thay đổi này là hoàn toàn do công trình tranh đấu cương quyết của đại
đức Dharnapala cùng với sự đồng tình lên tiếng ủng hộ của hang triệu Phật
tử khắp nơi trên thế giới Hội Ma Ha Bồ Đề (Maha Boddhi) do đại đức
Dharmapala thành lập tại Bồ Ðề Ðạo Tràng năm 1881 và được dời về Calcutta
năm 1882. Hiện nay Hội này vẫn còn là một cơ quan Phật Giáo hoạt động mạnh
nhất tại Ấn. Trụ sở của hội đặt tại số 4A đường Chatterjee, Calcutta 12
India (Ấn Ðộ). Tại đó hiện còn di tích một đài kỷ niệm tráng lệ để ghi nhớ
công đức không riêng mình đại đức mà cả bà Foster ở Hạ Uy Di (Hawai) cũng
là ân nhân của hội. Tại Calcutta, đại đức đã chủ trương ấn hành tạp chí
Đại Giác (Maha Bodhi). Tờ báo này đã tiếp tục xuất bản suốt 71 năm qua và
hiện nay nó là một trong những nguyệt san Phật Giáo đã góp phần đắc lực
trong việc truyền bá chánh pháp của đức Phật.
Năm 1893, nhân dịp triển lãm quốc tế ở Columbia một cuộc hội thảo các tôn
giáo thế giới đã được tổ chức tại phòng khánh tiết Columbus ở thành phố
Chicago (Mỹ quốc) và đây là một biến cố trọng đại nhất vào cuối thể kỷ 19.
Tại diễn đàn công cộng, cùng với những lãnh tụ các tôn giáo lớn khác, đại
đức Dharmapala đã diễn thuyết ba lần trước số đông thính giả trí thức về
tôn giáo cao siêu của đức Phật. Mặc dù đại đức không có tài hùng biện hấp
dẫn như Vivekananda, thuyết trình viên về Ấn Ðộ giáo, nhưng bằng một lời
nói giản dị và cứng rắn, những bài thuyết pháp của đại đức đã khiến cho đa
số dân chúng Mỹ quốc bấy giờ chú ý và ham thích.
Đại Đức Dharmapala cũng đã sang thăm Anh quốc nhiều lần. Trong chuyến đi
đầu tiên vào năm 1893, đại đức đã cố gắng mong thành lập tại Luân Ðôn một
chi nhánh của Hội Ma Ha Bồ Đề, nhưng công việc không thành. Lần đầu tiên
trong lịch sử Ấn Ðộ, đại đức cũng là người đã đứng ra tổ chức lễ Phật Đản
vào ngày 26-05-1896 tại Calcutta Ấn Độ. Buổi lễ này được đặt dưới quyền
chủ tọa của ông Narenda Nath Sen. đại đức cũng cơ duyên may mắn đứng ra tổ
chức đại lễ Phật Đản đầu tiên tại Nữu Ước (Hoa Kỳ) vào năm 1897, nhân
chuyến sang thăm Mỹ quốc lần thứ hai do lời mời của bác sĩ Paul Carus.
Thân sinh của đại đức, người đã cúng rất nhiều tài chánh vào việc bành
trướng giáo lý đức Phật, mất năm 1891. Nghe tin này, bà Foster ở Hạ Uy Di,
người đã ủng hộ tích cực phong trào chấn hưng Phật Giáo, đã viết thư thỉnh
cầu Dharmapala nhận bà làm mẹ nuôi. Bà đã gởi cúng cho đại đức một số tiền
lớn, mà nếu không có số tiền này thì chắc đại đức khó lòng theo đuổi chí
nguyện hoằng pháp tại Ấn Ðộ cũng như Tích Lan.
Năm 1913, đại đức Dharmapala rời Tích Lan đi Honolulu (Hạ Uy Di) để cảm
ơn bà Foster đã nhiệt thành giúp đỡ cho hội Ma Ha Bồ Đề chính nhờ số tiền
hỷ cúng của bà này mà hội đã mua được một tòa lầu tại Calcutta để làm trụ
sở. Trước khi đại đức rời Hạ Uy Di, bà Foster đã cúng cho đại đức một số
tiền 60.000 Rupees. Đại đức đã dùng số bạc này để xây cất một nhà thương
danh tiếng tại Colombo (Tích Lan) và đặt tên là bệnh viện Foster Robinson
để ghi nhớ công đức vô lượng của bà ta. Bà Foster còn giúp trong việc xây
cất chùa Siri Dharmarajika Chaitiya ở Calcutta.
Năm 1920, Lord Ronaldshay, toàn quyền Anh tại Ấn Ðộ cũng có cúng cho chùa
1 viên xá lợi của Phật để thờ. Xá lợi này tìm thấy ở quận Madras (Ấn Ðộ)
và Phật sự sau cùng mà đại đức đã hoàn thành là trùng tu Chùa Muladhakuti
ở Sarnath, nơi đức Phật thuyết pháp đầu tiên và an vị thờ tại đó một xá
lợi của Phật do vị thống đốc Anh ở Bengal cúng. Và cũng như sự nghiệp đóng
góp của vua A Dục vào thế kỷ thứ 03 trước tây lịch, đại đức đã xây dựng
tháp Sanchi ở Bhopal, miền tây bắc Ấn, để thờ xá lợi của hai vị đại đệ tử
của đức Phật là ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
Từ năm 1917, Devapriya Valisinha trở thành vị đệ tử nòng cốt của đại đức
Dharmapala. Từ khi đại đức từ trần đến nay, ông đã giữ nhiều trọng trách
trong mọi ngành hoạt động của hội Ma Ha Bồ Đề tại Calcutta. Phải kể thêm
một vị đệ tử khác của đại đức là tỳ kheo Sangaratane, người từng phục vụ
đắc lực cho Hội trên và đã nhận chức trú trì chùa Sarnath từ tháng 12 năm
1930. Tháng giêng năm 1933, mặc dù kém sức khỏe đại đức đã thọ giới với
pháp hiệu là Siri Devamitta Dharmapala. Sau khi đại đức viên tịch vào năm
1934, công nghiệp của ngài đã được tiếp tục bởi đạo hữu Valisinha, tỳ kheo
Sangaratane cùng với số đông Phật tử trí thức ở Bengal như bác sĩ Nag N.
Dutt. Và gần đây, phong trào dân chúng cải giáo quy y theo Phật của cố
tiến sĩ Ambedkar, nhà lãnh đạo những giai cấp hạ tiện tại Ấn Ðộ với hàng
triệu tín hữu của ông ta cũng nhờ bởi công trình đóng góp vô vị lợi cho
nhân loại của cố đại đức Dharmapala trước kia vậy.
Theo tạp chí “Phật Tử” (The Buddhist) số tháng 5-1964 phát hành tại
Colombo (Tích Lan).
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/A_Duc_vuong.htm