Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Sự phát triển Phật giáo ở phương Tây
Ursula Gauthier
NGUYỄN BÁ VIỆT & CÔNG BẢY dịch
 

Hiện nay, có 5 triệu người Pháp theo Phật giáo. Nhưng thật sự là Phật giáo hay Thiền học? Một hệ thống triết học - tôn giáo mang tinh thần bất bạo động, lòng khoan dung và sự tự chủ, có từ 2500 năm trước là giáo lý của Đấng Giác Ngộ, có thể bị các tín đồ mới ở phương Tây biểu lộ như một kiểu mốt thời thượng, do sự tiếp cận hời hợt và sự đơn giản hóa vụng về?

Ursula Gauthier đã làm một cuộc nghiên cứu trong giới tân tín đồ để tìm hiểu động lực chủ yếu của họ, cùng với việc khôi phục lại tính chân thật lịch sử và tinh thần của một trong những chuyển biến lớn lao của nhân loại.

Những người đệ tử đã tiếp cận với Phật giáo đều có chung một nhận định rằng sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, họ đã cảm nhận được chân lý sâu xa, và không còn tranh luận nữa, rằng họ đã “ngộ”. Nhưng ngộ điều gì? Một con đường, một bậc thầy, một cõi đích thực, một thực tại, một chân lý về cảm thụ...

Tuy nhiên, không một ai bảo rằng họ đã tìm thấy một tôn giáo. Phải chăng đây là hậu quả của khuynh hướng chống giáo quyền tiềm ẩn trong lòng người Pháp, khiến họ không thể tuyên xưng đức tin, và nhất là thú nhận việc cải đạo của họ? Hoặc là do ảnh hưởng của trào lưu thời đại mới (new age), thấm nhuần lòng sùng bái các giá trị tinh thần?

Thật sự là đại đa số Phật tử Pháp, ngay cả những người dấn thân nhất, cũng thích nhấn mạnh đến “đời sống nội tâm”, đến sự tìm kiếm những giá trị tinh thần, hơn là quan tâm đến phương diện tín lý, giáo điều của tôn giáo. Đó là chưa kể đến số đông tín đồ yêu thích nụ cười thánh thiện của Đức Đạt Lai Lạt Ma và tin tưởng vào thuyết luân hồi. Dẫu sao, qua cuộc hạnh ngộ này, các tín đồ mới cũng đã nói lên quá trình tìm đến đạo của họ, gồm nỗ lực tìm kiếm, những biến đổi trong cuộc đời họ.

Bà Marie, một nghệ sĩ 40 tuổi, đã vui sướng tuyên bố: “Tôi đã tìm thấy quanh mình nhiều tha nhân tuyệt vời hơn lúc trước”. Từ một năm nay, bà thường lui tới Thiền viện Rigpa, đã làm công quả ở đây. Bà đã tìm thấy đúng vị trí của mình. Thời thanh niên, bà là người rất sùng mộ Chúa Jésus đến độ bà có ý định vào dòng tu. Bà đã từng đọc Lão Tử, Khổng Tử, Vệ Đà, Kinh Thánh. Và trong nỗi khát khao chân lý, bà cũng đã tìm hiểu Ấn giáo, Yoga, các giáo phái khoa học, Hội Tam điển... Cuối cùng, bà gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà bà hết lòng sùng kính.

Tuy nhiên, chính Sogyal Rinpoché mới là người đã khai tâm, chỉ lối cho bà tìm đến Đấng Giác Ngộ, bằng phương pháp giảng dạy giáo lý của ngài. Bà nói: “Ngài đã biết cách trình bày giáo lý của Đức Phật với người phương Tây”. Nhưng thực sự bà Marie đã theo đạo chưa? Bà khiêm tốn tuyên bố: “Tôi đang còn trên đường tiếp cận với đạo”. Điều chắc chắn là từ ngày tiếp cận với đạo của lòng từ bi, bà đã trở thành một người tích cực với công việc bố thí. Bà đã thoát ra khỏi ốc đảo của  nghề nghiệp để tham gia làm việc thiện, lập nhóm bạn trẻ giúp các bệnh viện, làm công quả trong các thiền viện.

Nhưng cũng có những Phật tử Pháp không ngại ngùng khi tuyên xưng tín ngưỡng của họ. Tông Soka-Gakkai (Nhật Liên tông) gồm có 10.000 Phật tử, là tông phái Phật giáo mạnh nhất ở Pháp hiện nay. Phái này xuất phát từ Nhật Bản, nơi đó họ có đến 10 triệu tín đồ, và đã du nhập vào châu Âu từ nhiều thập niên qua. Với giáo lý rất cụ thể, họ chủ trương cải thiện đời sống tâm linh và vật chất của những người tu tập.

Nhà xã hội học Pháp Louis Hourmant nhận định: “Khác với nhiều tông phái khác muốn tạo ra hình ảnh của lòng khoan dung rộng lớn và lảng tránh việc đã nhập vào phương Tây nhiều giáo thuyết khác nhau, tông phái Soka ố Gakkai không ngần ngại tuyên bố rằng họ là tông phái Phật giáo chính thống duy nhất”.

Như vậy, có phải tùy thuộc vào khuynh hướng, giáo lý, đẳng cấp và lòng nhiệt thành khuyến tu mà người ta công nhận sự cải đạo của họ? Nhà nhân chủng học Lionel Obadia không tin như vậy. Ông cả quyết rằng tông phái này sẽ bám rễ ở phương Tây.

Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta theo đạo mà không phải dấn thân vào những giá trị tinh thần mới mẻ nào, bởi họ đã có kinh nghiệm thuần thục rồi, còn đối với các tông phái mới thì vẫn còn những điều mới lạ”.

Vào giữa thập niên 70, những vị Lạt ma đầu tiên đã đến Pháp và đã tạo ra một phương thức truyền giáo mới. Có lời truyền tụng rằng: khi Bồ Đề Đạt Ma rời phương Đông, thì Bồ Đề Đạt Ma sẽ xuất hiện ở phương Tây.

Giáo sư Olivier Raurich, Chủ tịch Hội Rigpa, cho rằng mọi người cần tiếp cận với Phật giáo, một tôn giáo có khả năng giải phóng con người, mà không cần phải giam mình trong các tu viện. “Tôi đã không tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời trong xã hội phương Tây”. Ông đã tìm kiếm chân lý trong đạo Thiên Chúa, nhưng giáo lý có quá nhiều điều “phải làm thế này, không được làm thế kia”. Ông thích thực hành thiền định và đã tìm thấy trong Phật giáo Tây Tạng “những phương pháp làm biến đổi tâm tính ích kỷ của mình, chứ không phải là những mệnh lệnh luân lý”.

Phật giáo Tây Tạng hiện nay chiếm 70% giới Phật tử Pháp, nhờ coi trọng vai trò của thụ cảm và biết sử dụng những kỹ thuật tiết chế, diệt dục.

Ba năm trước, thương nhân Alain hứng chịu một cuộc tình duyên đổ vỡ, đã quyết định nương nhờ cửa Phật một thời gian ở Thiền viện Karmaốling tại Savoie. Ở đây, Alain đã học cách “hành thiền”. Những câu chú trên miệng của người cải đạo biểu thị một nghi thức pháp điển, bổ sung cho sự thiền định hoặc việc tụng các bài kinh. Alain tâm sự: “Hiệu quả của Thiền mạnh mẽ đến độ vẫn tạo ra tác dụng, dù người ta chẳng biết gì về giáo lý. Năm hay sáu giờ thiền định mỗi ngày, thật tuyệt diệu!”. Trong hoạt động thương mại của mình, từ lâu Alain đã không còn một ước mơ nào nữa. Điều gì đã khiến cho anh trở nên nồng nhiệt như vậy? “Thiền đã giúp tôi dẹp bỏ mọi dục niệm. Tôi học tập cách nhận chân đức chính trực và khiêm cung. Trước đây, tôi vốn tính hay cáu kỉnh, nhưng nay đã tìm thấy được sự bình an của tâm hồn, điều mà tôi không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu. Tôi đã nương thân cửa Phật, sống trong giáo luật và sống cùng Tăng chúng”.

Alain tu tập thiền định, đọc kinh sách, học giáo lý tại Đại học Phật giáo Âu châu (UBE), nhưng vẫn tự xem mình chỉ là một “Phật tử nửa vời” (bouddhiste bricoleur): “Có lẽ đúng vậy, tôi đã không trọn hiến cả thân tâm, như một Phật tử chân chính”.

Nhưng Phật giáo không phải là một hình thức thiền đạo, cũng chẳng phải là một thứ triết lý vô ngã. Vậy phải làm thế nào để dung hợp với Phật giáo mà không phản lại với giáo lý của Đức Phật cũng như không chỉ là trò học đòi bắt chước mù quáng? Thiền sư Eric Rommeluère là một trong những “Phật tử trí thức” băn khoăn suy ngẫm về điều đó. Năm 19 tuổi, Eric xuất gia, vào sống ở thiền viện, 20 năm sau, ngài trở thành một Thiền sư nổi tiếng, Phó Viện trưởng Học viện UBE, và là thành viên của nhiều Học viện Phật giáo khác ở châu Âu.

Là một Thiền sư, Eric đã quyết định không tuân thủ theo truyền thống vì truyền thống. Khác với các bậc thầy đầy quyền lực khác, thường ngồi trầm tư trước mặt các đệ tử rồi đứng lên sửa sang áo xống, Eric thích tập hợp một nhóm đệ tử để truyền dạy giáo lý cho họ, nhưng vẫn cùng ngồi tĩnh tọa và diện bích như các đệ tử của ngài. Noi gương vị thầy Tokuda, ngài kết hợp việc học tập với kinh nghiệm tu thân, một sự lựa chọn hiếm có trong thiền môn ở Pháp, đôi khi nó biểu thị sự chống lại khuynh hướng duy trí. “Ở Pháp, đa số các trung tâm Phật giáo đều cóp nhặt những nghi thức Á Đông, khiến cho sự hành đạo tôn nghiêm lại mang sắc thái dân gian”.

Như vậy Phật giáo ở phương Tây cần được mô phỏng như thế nào? Phải cập nhật hóa giáo lý cũng như các nghi thức ra sao? Eric phát biểu: “Chúng ta có khai sinh ra một tông phái xa rời nguồn cội vì có một hệ thống giáo lý chắp vá hay không? Đó là cuộc tranh luận đang được làm sáng tỏ ở Pháp”. Với những vấn đề nêu trên, Eric đã tìm kiếm sự biểu đồng tình ở các quốc gia phương Tây khác, như Mỹ, Anh..., nơi mà Phật giáo đã du nhập vào rất sớm. Eric Kommeluère cho rằng: các bậc tôn đức của Phật giáo phải suy ngẫm phương cách để hiện đại hóa Phật giáo. Nếu vấn nạn này không được đặt ra thì Phật giáo ở phương Tây sẽ gặp nguy cơ bị biến đổi thành một bộ môn kỹ thuật dưỡng sinh, như những gì đã từng xảy ra đối với môn yoga trước đây.

(DỊCH TỪ TẠP CHÍ LE NOUVEL OBSERVATEUR)

(Báo Giác Ngộ, số Xuân 2002)

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/PGophuongTay.htm

 


Vào mạng: 1-4-2002

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang