Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG SẼ GIỐNG NHƯ VATICANMECCA ?

Công trình kiến trúc vĩ đại nhất tại Bồ-đề Đạo Tràng chính là tháp Đại Bồ-đề. Tháp Bồ-đề Đạo Tràng hay còn gọi là chùa Đại Bồ-đề (Mahābodhi Mahā-vihāra) hay Đại tháp (Great Stūpa) là một trong số 84.000 đền tháp được đại đế A-dục kiến dựng vào thế kỷ thứ 3 TTL.

Bồ-đề Đạo Tràng là nơi thái tử Tất- -đa đã trở thành đức Phật, bậc giác ngộ vào thế kỷ thứ 6 TTL. Trong suốt thời đại của vua Piyadassi Aśoka (A-dục) vào thế kỷ thứ 3 TTL, nơi này đã trở thành thánh địa nổi bật nhất của Phật giáo. Đại đế A-dục đã sắc lệnh xây dựng toà Kim Cương hay còn gọi là toà giác ngộ và tháp Đại Giác để tưởng nhớ và tôn kính đức Phật. Quần thể kiến trúc Bồ-đề Đạo Tràng mà chúng ta thấy hiện nay đã trải qua nhiều lần trùng tu và kiến tạo dưới nhiều triều đại Phật giáo khác nhau, và hoàn thành vào thế kỷ thứ 7, dưới triều đại Gupta.

Không chỉ đối với người Phật tử Ấn-độ, rất nhiều lãnh tụ Phật giáo có mặt ngay ngày lễ kính mừng Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Tích Văn Hoá Thế Giới đều mong mỏi rằng trong một tương lai gần, thánh tích Bồ-đề đạo tràng sẽ trở thành thánh địa của Phật tử năm châu, như Vatican của Cơ-đốc giáo hoặc Mecca của Hồi giáo, hay gần nhất là Đền Vàng (Golden Temple) của đạo Sikh. Điều mơ ước này mặc dù rất chính đáng nhưng khó có thể trở thành hiện thực, là vì đại đa số thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của Bồ-đề Đạo Tràng là người theo Ấn giáo và chính quyền Ấn Độ chưa đầu tư đúng mức cho thánh địa này.

            Hội Đồng Quản Trị của Bồ-đề Đạo Tràng gồm 10 thành viên, trong đó chỉ có 3 vị tăng sĩ là TT. Bhadant Gyaneshwar Mahathera, TT. Bhadant Ārya Nāgārjuna Surei Sasai và ĐĐ. Bodhipala (tri sự). Bảy thành viên còn lại đều là người theo Ấn giáo, trong đó, ông Brijesh Mehrotra thị trưởng Gaya là chủ tịch của HĐQT, và uỷ viên thư ký là tiến sĩ Kalicharan Singh Yadav. Thành phần HĐQT với đại đa số là người Ấn giáo được Luật về Bồ-đề Đạo Tràng do chính phủ bang Bihar ban hành vào năm 1949, đã tạo ra sự bất bình trong quần chúng Phật tử Ấn-độ. Để làm giảm bớt dư luận, gần đây chính phủ Ấn-độ đã thành lập thêm Ban Cố Vấn, bao gồm các vị đại sứ của các nước Phật giáo và ngài Dalai Lama thứ 14.

            Trong lịch sử, tháp Bồ-đề Đạo Tràng đã từng trải qua các bước thăng trầm. Từ lúc mới được xây dựng cho đến đầu thế kỷ 13, Bồ-đề Đạo Tràng thuộc về quyền quản lý của Phật giáo. Khi quân Hồi giáo xâm lăng Ấn-độ, thánh địa này đã mất vào tay đạo Hồi. Vào năm 1590, một vị đạo sĩ Ấn giáo là Mahant Ghamandi Giri đã lấn chiếm và tự xưng là người kế thừa Bồ-đề Đạo Tràng. Vị truyền thừa hiện tại là vị Mahant thứ 16. Ông Sir Edwin Arnold, tác giả quyển Viếng Sáng Á Châu (The Light of Asia) là người có công trong việc kêu gọi chính quyền Ấn-độ giao trả Bồ-đề Đạo Tràng cho Phật giáo. Người có công thứ hai là Anagarika Dharmapāla đã vận động các nước Phật giáo gây sức ép chính phủ Ấn-độ. Năm 1891, một phần của Bồ-đề Đạo Tràng đã được giao lại cho Phật giáo, từ dòng họ Mahant. Bộ luật về Bồ-đề Đạo Tràng được ra đời vào ngày 19-6-1949 nhằm xác định Bồ-đề Đạo Tràng thuộc di tích Phật giáo nhưng đại đa số thành phần quản trị thuộc Ấn giáo.

Trong một lá thư gởi cho bộ trưởng Bộ Du Lịch, thượng toạ Priya Pal đã khẳng định rằng thành phần quản trị Bồ-đề Đạo Tràng phải thuộc về Phật tử, chứ không thể thuộc về người Ấn giáo. Thượng toạ còn than phiền rằng phía Phật giáo không có vai trò quan trọng trong hệ thống quản trị của Bồ-đề Đạo Tràng từ năm 1949. Lễ chúc mừng Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Tích Văn Hoá Thế Giới theo thượng toạ sẽ không làm thay đổi gì trong hệ thống pháp lý bất công của chính quyền Ấn giáo. Các vị khai sơn của các chùa nước ngoài tại Bồ-đề Đạo Tràng đều bất mãn và yêu cầu chính quyền Ấn-độ cần sửa đổi luật quy định về thánh địa này. Hoà thượng Thích Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ-đề Đạo Tràng và Lâm-tỳ-ni, cho biết “các tăng sĩ Phật giáo Ấn-độ cũng như các tu sĩ Phật giáo nước ngoài đang hành đạo tại đất Phật đã nhiều năm đấu tranh, yêu cầu chính quyền Ấn-độ giao quyền quản trị cho Phật giáo nhưng không thành công.”

Hơn 50 năm đấu tranh đã trôi qua, số lượng thành viên Hội Đồng Quản Trị của Bồ-đề Đạo Tràng vẫn nghiêng về người theo Ấn giáo. Đây là điều bất công mà Giáo Hội Tăng Già Ấn Độ đã nhiều năm đấu tranh nhưng vẫn không làm thay đổi được cục diện.

Một điều nghịch lý khác là trong khi chính quyền Ấn-độ, đặc biệt là bộ Du Lịch và Văn Hoá phối hợp với bộ Hàng Không Dân Dụng, đã bỏ ra một khoảng tiền rất lớn, 250 lakh rupee, tương đương 625.000 đô Mỹ để tổ chức hội nghị thì giới truyền hình và báo chí Ấn-độ dường như “phớt lờ” trước sự kiện trọng đại này. Hai tờ Nhật báo lớn nhất của Ấn-độ là The Times of India The Hindustan Times chỉ đưa tin vài hàng như thể đây là sự kiện bất lợi cho Ấn giáo, trong khi đó các đài truyền hình và các tờ nhật báo khác tại Ấn Độ hầu như không đưa tin! Nhiều giới chức Phật giáo nước ngoài tham dự hội nghị cho rằng chính quyền Ấn-độ chỉ muốn thu hút khách hành hương và du khách ngoại quốc đến Ấn-độ, để góp phần phát triển kinh tế qua con đường du lịch, hơn là giới thiệu cho người bản địa biết đến giá trị của một di sản văn hoá lớn của Phật giáo đang hiện hữu trên đất nước họ.

Mặc dù chính quyền bang Bihar, nơi Bồ-đề Đạo Tràng được thiết lập, đã đầu tư 3 tỉ rupee (tương đương 1050 tỉ đồng VN) để duy trì tính nguyên thuỷ của Bồ-đề Đạo Tràng và làm vệ sinh khu xung quanh tháp, du khách vẫn khó có thể mườn tượng được đâu là phần đã được đầu tư. Đoạn đường mười mấy km từ ga xe lửa Gaya đến Bồ-đề Đạo Tràng vẫn y nguyên hình bóng cũ, không có gì thay đổi. Gần đến Bồ-đề Đạo Tràng mới có các tấm biểu ngữ chào mừng, với nhiều em học sinh tiểu học đứng dọc theo hai lề đường với nhiều rác rưởi. Trong tay các em cầm hai lá cờ năm sắc Phật giáo và cờ nước Ấn-độ, miệng hô vang các khẩu hiệu chào mừng các đại biểu của các nước.

Một điều ngạc nhiên khác nữa là gần như dân chúng quận Gaya hầu như không quan tâm đến sự kiện trọng đại này. Chỉ có khoảng 1500 người tham dự (kể cả 350 đại biểu Phật giáo từ 25 nước) trong một khuông viên nhiều mẫu! Trong khi đó, năm 2003 vừa qua, lễ Kalachakra (bánh xe thời gian) và lễ cầu nguyện hoà bình do đức Dalai Lama tổ chức trong khuôn viên Bồ-đề Đạo Tràng thu hút gần 200.000 Phật tử trong và ngoài nước Ấn-độ về dự trong suốt 10 ngày liền! Ngài Dalai Lama cũng như Karmapa của Tây Tạng không được mời dự trong lễ chính thức tại Bồ-đề Đạo Tràng !?

Điều đó cho thấy chính quyền Ấn giáo của Ấn-độ có thể không muốn các giá trị tâm linh và văn hoá của các thánh địa Phật giáo được nhân rộng thật sự, mà chỉ nhằm đề cao giá trị thương mãi của hành hương, dưới danh nghĩa “du lịch tâm linh.” Tất cả những điều này không thể nào biến Bồ-đề Đạo Tràng thành thánh địa Phật giáo như VaticanMecca, và theo một cách nhìn nào đó, đây có thể là chủ đích của những nhà chính trị Ấn giáo.

  

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/bodedaotrang.htm

 


Vào mạng: 3-7-2004

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang