Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ PHẬT GIÁO CHÂU ÂU
Đồng Thành dịch

 

Người phương Tây bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo (PG) kể từ khi các quốc gia châu Âu tiến hành xâm lược các nước ở châu Á và thiết lập chế độ cai trị tại các quốc gia mới này. Phần lớn những người phương Tây đầu tiên biết đến PG chính là các giáo sĩ được Giáo hội Ky-tô cử đến phương Đông để truyền giáo.

Dù các bản tường trình về tình hình sinh hoạt PG ở châu Á được gởi về châu Âu từ thế kỷ XIII, song bức tranh về một PG đầy minh triết và khoan dung vẫn chưa được khám phá, mãi cho đến giữa thế kỷ XIX, tức chỉ mới cách đây khoảng 150 năm thôi. Trước đó, một số học giả châu Âu cũng đã bắt đầu tìm hiểu PG với vẻ rời rạc và sơ sài. Người đầu tiên đã nghiên cứu PG một cách nghiêm túc là một triết gia Pháp: Eugene Burnouf. Burnouf đã nghiên cứu các bản kinh viết bằng các cổ ngữ như Pàli, Sanskrit, Tây Tạng do các nhà khảo cổ mang về Paris. Dựa vào các bản kinh này, ông đã viết một cuốn sách dày 600 trang với tựa đề “Giới thiệu lịch sử PG Ấn Độ”. Dù rằng các thế hệ học gia về sau có những công trình nghiên cứu quy mô hơn nhưng họ vẫn luôn đánh giá cao tác phẩm mở đường của Burnouf.

Sau Burnouf vài thập kỷ, ở châu Âu xuất hiện nhiều học giả lỗi lạc đã khám phá ngọn nguồn kho tàng PG qua việc tìm hiều các tông phái đương thời. Các học giả này thuộc về ba trường phái chính. Trường phái Anh - Đức chú trọng nhiều đến kinh tạng Pàli. Công việc của các học giả thuộc trường phái này gắn liền với những thành quả của Hội Thánh điển Pàli do GS Rhys Davids, Oldenberg, Wood Ward, Honer, Faisboll, Anderson, Helmer Smith... Trường phái thứ hai Pháp - Bỉ chuyên nghiên cứu PG Ấn Độ cả về Tiểu thừa lẫn Đại thừa thông qua các bản kinh bằng tiếng Sanskrit, Tây Tạng và Trung Quốc. Những học giả uy tín thuộc trường phái này là Walle Poussin, Sylvain, Levy và Lamotte. Trường phái thứ ba là trường phái Nga với các học giả tiêu biểu như Stcherbatsky, Rosenberg và Obermiller. Trường phái này chuyên nghiên cứu tư tưởng Phật học Ấn Độ và các quốc gia PG khác, đặc biệt là Tây Tạng. Dù rằng các học giả này thường giữ thái độ kín đáo về tín ngưỡng của mình, song việc sưu tầm, biên dịch, khảo cứu và xuất bản các công trình nghiên cứu Phật học của họ đã trở thành một nền tảng quan trọng cho sự phát triển PG ở phương Tây. Công cuộc nghiên cứu của các nhà tiên phong này mãi cho đến hôm nay vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Dù gặp phải những trở ngại của hai cuộc thế chiến và sự thiếu thốn về mặt tài chính, các học giả tại các viện nghiên cứu và trường đại học phương Tây càng ngày càng quan tâm, nghiên cứu PG sâu sắc hơn, quy mô hơn, đặc biệt là khi khảo sát những cổ thụ PG từ Sri Lanka đến Mông Cổ, từ Gandhara đến Nhật Bản. Trên đây là những phác họa cơ bản về thời kỳ đầu tức giai đoạn chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển sau này của PG tại phương Tây.

Giai đoạn thứ hai của PG tại châu Âu được gọi là giai đoạn “thích ứng kỳ diệu”. Đến thời kỳ này, PG đã trở thành một tín ngưỡng sống động có ảnh hưởng sâu sắc đối với rất nhiều nhà văn, họa sĩ, nhà nghiên cứu và các vị giáo sư đại học. Đối với giới trí thức Đức, nhân vật quan trọng đã tạo một bước ngoặt từ việc nghiên cứu PG thuần túy theo tính hàn lâm sang hướng đề cao vai trò thực tiễn là triết gia Arthur Schopenhauer. Năm 1819, Schopenhauer đã xuất bản kiệt tác Thế giới là ý chí và biểu tượng. Vài thập kỷ sau đó, kể từ khi gặp gỡ, nghiền ngẫm và nghiên cứu các tài liệu PG, ông mới chợt nhận ra rằng các tiền đề triết học của ông có những điểm tương hợp kỳ lạ đối với giáo lý Đức Phật. Trong lần tái bản tác phẩm nổi tiếng trên, ông đã bổ sung nhiều điều, trong đó có một nhận định rằng: PG là tôn giáo hoàn hảo nhất trong tất cả các tôn giáo trên thế giới. Sự ngưỡng mộ của ông đối với Đức Phật được thể hiện qua việc ông luôn mang bên mình một pho tượng Phật nhỏ cùng với tượng bán thân thần tượng của ông: Immanuel Kant.

Bản thân Schopenhauer không phải là Phật tử nhưng các tác phẩm của ông đã tạo một ảnh hưởng sâu sắc đối với các tư tưởng gia châu Âu sau đó và đưa nhiều người quay về với đạo Phật. Có ít nhất ba nhân vật tầm cỡ đã đến với PG qua các tác phẩm của ông, đó là: nhà Ấn Độ học người Bỉ K.E. Neumann - người đã dịch kinh Trường Bộ, Trung Bộ cùng các bộ kinh khác sang tiếng Đức, và hai nhà nghiên cứu George Grimm và Paul Dahlke. Hai nhà học giả này là hai nhân vật hàng đầu trong phong trào cổ xúy PG ở Đức trong suốt thời gian đầu thế kỷ XX. Các tác phẩm của họ không chỉ đơn thuần phân tích PG với thái độ khách quan, trung thực mà còn đào sâu bản chất của giáo lý giải thoát như thể họ đã thấu suốt ngọn nguồn giáo lý vi diệu này.

Đối với các học giả người Anh, nhân vật có công thức tỉnh các học giả phương Tây về chân giá trị PG là Edwin Arnold với thi phẩm bất hủ Ánh sáng Á châu. Arnold đã mô tả Đức Phật như một vị anh hùng với nhân cách đầy nét từ bi dào dạt đối với nhân loại và khả năng tư duy rất minh triết và thâm sâu. Hai đặc tính này rất phù hợp với môi trường tri thức châu Âu đương thời và làm dấy lên trong lòng độc giả của Arnold một niềm tôn kính, ngưỡng mộ của họ đối với Đức Phật và giáo lý của Ngài. Dù rằng các nhà bảo thủ Thiên Chúa giáo cảm thấy bực bội trước sự thành công của thi phẩm trên, nhưng giới trí thức Anh đương thời rất hân hoan vì họ đã thoát khỏi sự kiềm tỏa từ lời tuyên bố của Thiên Chúa giáo về quyền sở hữu độc nhất đối với chân lý. Phong trào thần trí do Madame Blavatsky và Henry Steel Olcott lãnh đạo đã mang lại cho PG một hình ảnh mới mẻ hơn đối với giới trí thức Anh - Mỹ. Với lối diễn dịch mới về trí tuệ PG cổ truyền từ lâu bị bao phủ trong màn sương thần bí, các nhà thần trí đã mang đến cho những người quan tâm đến PG một niềm tin vững chắc hơn về tôn giáo này.

Từ sự say mê giáo lý PG, một số người thích phiêu lưu và không thỏa mãn với tri thức sách vở đã đến phương Đông để tìm hiểu cội nguồn PG. Trong khi đó, một số công chức châu Âu đang làm việc tại châu Á như Childers và Rhys Davids đã để tâm nghiên cứu PG. Càng ngày càng có nhiều người phương Tây đến châu Á để nghiên cứu và dành trọn đời mình cho lý tưởng giải thoát của PG. Hai nhân vật tiên phong trong trào lưu này là Ananda Metteya và Nyanatiloka. Năm 1901, Thượng tọa Nyanatiloka đã xây dựng một tu viện tại Sri Lanka để đào tạo các vị tu sĩ phương Tây.

Tại châu Âu, vào đầu thế kỷ XX, các tổ chức PG bắt đầu hình thành và phát triển. Báo chí, kinh sách PG được xuất bản khắp nơi, các tài liệu Phật pháp dành cho giới bình dân cũng như trí thức ngày càng nhiều thêm. Phần lớn các nhà lãnh đạo PG chú trọng nhiều hơn về kinh tạng Pàli và PG Nguyên thủy. Có thể nói trong giai đoạn này PG châu Âu thiên về lý thuyết hơn thực hành.

Giai đoạn phát triển thứ ba của PG châu Âu là bắt đầu từ những năm 1960 và kéo dài cho đến ngày nay. Giai đoạn này được gọi là “phổ cập PG”. Trong giai đoạn này, PG đã thu hút nhiều người châu Âu thuộc mọi thành phần khác nhau. Con số tín đồ PG gia tăng nhanh chóng. PG được xem là một trào lưu văn hóa phù hợp nhất đối với xã hội hiện đại, tôn giáo này có một sức cảm hóa rất lớn đối với nhiều thương gia, các nhà vật lý học, các lập trình viên, những người nội trợ, các ngôi sao thể thao, các diễn viên đện ảnh và những ca sĩ tiếng tăm. Hàng trăm ngàn người châu Âu luôn áp dụng giáo lý PG trong cuộc sống hàng ngày của mình. Hàng ngàn đầu sách PG được xuất  bản, các tạp chí và thời báo PG gia tăng mỗi năm. PG có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi khía cạnh của xã hội châu Âu như: triết học, sinh thái học, tâm lý học, y tế, nghệ thuật, văn chương và ngay cả thần học Thiên Chúa giáo.

Sự chuyển hướng của PG phương Tây từ giai đoạn II sang giai đoạn hiện tại xuất phát từ hai yếu tố chính: thứ nhất là công lao hoằng pháp của các vị đại sư PG đến từ Nhật Bản, Tây Tạng các quốc gia PG Nguyên thủy; thứ hai là sự trở về của những vị cư sĩ và tu sĩ phương Tây sau nhiều năm tu học tại các quốc gia phương Đông. Từ những năm 1980, một dấu hiệu mới cho thấy sự trưởng thành PG châu Âu, đó là sự xuất hiện các vị giáo thọ PG người phương Tây. Một đặc điểm khá nổi bật của PG phương Tây trong giai đoạn này là các tín đồ PG hướng đến việc tu trì hơn là bàn luận trên lý thuyết. Ngày nay, PG được xem là một phương tiện để chuyển hóa đời sống tinh thần hữu hiệu và thiết thực đối với đa số quần chúng phương Tây.

(Lược dịch từ bài viết Promoting Buddhism in Europe của TT. Bồ Đề)

Báo Giác Ngộ, số Phật đản PL.2546

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/chauAu.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang