-
CUỘC SỐNG Ở TU VIỆN
- Eko
Susan Noble
- Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Tôi
được xuất gia, tu học ở Mt. Koya là nơi xuất phát dòng Shington (Chân
Ngôn Thông). Mt. Koya nằm trong một quần thể các dãy núi cách thành phố
Osaka, trung tâm Nhật Bản khoảng 35 kilomét về phía Nam. Mt.Koya được
coi là một thánh địa, mà theo phong tục của hơn một ngàn năm trước, phụ
nữ không được đặt chân lên đó. Vì lẽ đó dòng tu này chỉ mới nhận ni sinh
trong thời gian gần đây, trong khi các tăng sinh đã bắt đầu được nhận từ
năm 1872, mặc dù vẫn có nhiều nữ cư sĩ theo tông này đã tu chứng từ
nhiều thế kỷ trước.
Trong khoảng một trăm năm
trở lại đây, các nữ tu bắt đầu được thọ giới chính thức và được tu học ở
Mt.Koya. Ni chúng cũng phải giữ đủ các giới như bên Tăng.
Ở ni viện Mt.Koya, các nữ
tu phải tự học, dưới sự hướng dẫn của vị trụ trì. Tuy nhiên, cũng có
thời gian ngắn, họ được rèn luyện chung với các Tăng ở Viện Đào Tạo Tăng,
là nơi được thành lập rất sớm. Giờ thì Ni viện có thể đón nhận khoảng
16 Ni sinh hàng năm đến tu học trong một cơ sở khang trang.
Người ngoại quốc đến Nhật
để tu học Phật pháp thường được giới thiệu đến các thiền viện nơi có thể
thỏa mãn các yêu cầu cá biệt của họ. Họ có thể tham gia các khóa tu
thiền chuyên sâu ở các thiền viện mà không cần phải biết tiếng Nhật. Tuy
nhiên, theo truyền thống của dòng Shington, thiền sinh bắt buộc phải đọc
được các kinh bằng chữ Hán cũng như tiếng Sanskrit. Dầu đã có các Tăng
người Tây Phương đến tu tập ở đây, tôi là người phụ nữ Tây Phương đầu
tiên được thọ giới theo truyền thống của Shington, và cũng là người phụ
nữ đầu tiên đã bước vào các chùa đào tạo Tăng hay Ni ở trên ngọn núi
Mt.Koya. Khi tôi bắt đầu đến đây tu học, giới báo chí, truyền thanh đặc
biệt chú trọng đến sự kiện này. Và điều đó đã mang đến cho tôi nhiều
phiền toái ở thời điểm đó. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn họ, vì
nhờ đó mà chúng tôi có các tài liệu quý báu về sự huấn luyện cổ xưa
trong dòng Shington, và có thể sử dụng chúng để giới thiệu với tất cả
những ai muốn muốn tìm hiểu về Shington.
Cảnh quan thiên nhiên của
núi Mt.Koya hoàn toàn khác biệt. Trên cao thường có các chấn động khác
thường, vì đó là một trong những nơi được coi là thánh địa ở Nhật. Theo
truyền thống Phật giáo ở Á Đông, các ngọn núi thiêng với những năng
lượng đặc biệt và các mỏ nam châm thường được dành làm nơi thờ phụng các
đấng thần linh. Tôi được biết là các phi cơ không bay qua vùng núi
Mt.Koya vì các chấn động trên núi làm ảnh hưởng đến hệ thống radar của
phi cơ. Tôi rất hãnh diện được phép tu tập ở đó, dầu trường hợp của tôi
có thể nói cũng chỉ là một trường hợp thử nghiệm, tôi vẫn thấy phải cố
gắng hết sức mình. Tôi đã phải hứa là sẽ tuân theo mọi giới luật nghiêm
túc, không có trường hợp ngoại lệ, dầu tôi không phải là người Nhật. Với
những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ mà tôi phải đương đầu hàng ngày,
đây quả là một thử thách lớn, nhưng ước muốn được trở thành một đạo sư
(priest) theo truyền thống Shington là niềm mong ước lớn nhất của đời
tôi. Kinh nghiệm tu tập ở đây dầu thật quý báo, nhưng xét về nhiều mặt,
cũng gây nhiều trở ngại cho tôi.
Người ta thường lãng mạn
hóa về cuộc sống trong một thiền viện tráng lệ trên một ngọn núi huyền
bí, những giá trị tinh thần thực sự nằm trong liên hệ giao tiếp căng
thẳng của cuộc sống chung đụng vơi15 người phụ nữ khác.
Sự tu tập theo truyền
thống Shington bắt đầu bằng nghi lễ xuất gia cho các cư sĩ: qua đó chúng
tôi bắt đầu xuống tóc, nhận y áo, và thọ 10 giới luật. Khóa thứ nhất và
thứ ba dành cho việc học các nghi thức lễ bái căn bản, tụng niệm các
kinh mỗi sáng, chiều cũng như chuyên sâu vào các môn học. Chúng tôi học
cách mặc y, cách ngồi, cách tụng, cách sống theo các điều lệ trong những
tu viện Phật giáo Nhật Bản.
Khóa tu thứ hai bắt đầu
khi chúng tôi thực hành các nghi lễ trang nghiêm trong hành thiền gọi là
bốn giai đoạn chuẩn bị cho sự tu tập giải thoát. Đây là thử thách cam go
của truyền thống Shington: một trăm ngày tu chuyên sâu về nghi thức gọi
là “nghi quĩ” (Sadhana) thường được dùng trong Kim Cương thừa, gồm các
bài chú về những phép tu thiền định đặc biệt (1) Phải thực hành viên mãn
các nghi thức này rồi mới được truyền thừa Pháp, được coi như đã bước
vào thứ bậc đầu tiên trong hàng giáo phẩm, và được thọ giới Tỳ kheo.
Những thứ bậc cao hơn chỉ có thể đạt được sau nhiều năm học hỏi, thực
hành chuyên sâu.
Bốn giai đoạn chuẩn bị cho
sự tu tập giải thoát này được coi là rất cam go. Đó là quá trình thanh
tịnh hóa thân tâm, cũng như quyết định xem người tu sĩ có căn duyên gắn
bó với truyền thống Shington không. Nhiều giờ liên tục ngồi thiền khiến
bao nhiêu vọng tưởng khởi dậy, phải đối mặt với sai lầm ta đã phạm phải
trong quá khứ.
Chúng tôi thường thức dậy
từ 2 giờ sáng và thực hành nghi quĩ từ 12 đến 15 tiếng mỗi ngày. Ngồi
thiền trên gót chân theo lối của người Nhật trên mặt sàn gỗ cứng, chỉ
được trải một lớp chiếu mỏng, đối với các bạn đồng tu người Nhật cũng đã
khổ thân, huống gì là tôi. Phải chú tâm quyết liệt trong các nghi thức
và thiền định theo nghi quĩ là một thử thách cam go về tâm đối với mọi
người. Rồi lại còn những câu hỏi cứ khởi lên: “Không biết mình có qua
được thử thách này không?” Trong 16 phụ nữ tham gia khóa tu lúc bắt đầu,
đậu lại chỉ còn 11.
Theo chương trình tu tập,
chúng tôi còn phải dự một cuộc hành hương chiêm bái cả ngàn cây số để
viếng 88 ngôi chùa trên đảo Shikoku. Phải mất hơn 2 tháng nếu đi bộ,
nhưng chúng tôi tổ chức đi bằng xe buýt với sự tham gia của các cư sĩ
khắp mọi miền trên đất Nhật. Một chuyến đi giàu ấn tượng và rất cảm động,
vì phần đông các Phật tử tham gia đã lớn tuổi, và đây là chuyến đi mà họ
hằng ấp ủ suốt cuộc đời. Cuối chuyến đi ai cũng rơi lệ vì cảm xúc. Riêng
tôi, lòng chánh tín của họ đã khích lệ tôi thêm tinh tấn, và cuộc hành
hương để lại những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tu tập của tôi. Căn
duyên sâu xa nào đó đã mang tôi, một phụ nữ Mỹ, đến với nhóm phụ nữ Nhật
hoàn toàn xa lạ. Thật là một kinh nghiệm hữu ích cho tôi và cả họ. Khiến
chúng tôi phải nhìn lại mình, xét lại bao thành kiến sẵn có, để thay đổi
bao cách nhìn, cách nghĩ của chúng tôi.
Chính phụ nữ là những
người đầu tiên mang Phật giáo đến Nhật. Sự kiện này dù không được ghi
trong sách vở, nhưng hầu như ai cũng biết. Vào khoảng 552 Tây lịch, có 3
phụ nữ Nhật gốc Triều Tiên đã từ Nhật trở về bán đảo Triều Tiên. Họ xuất
gia ở đó rồi trở về dựng lên ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trên đất Nhật,
dưới sự bảo trợ của một gia đình quý tộc.
Khi Phật giáo được truyền
từ Ấn Độ, về phía Bắc vào các nước như Trung Hoa, Triều Tiên rồi đến
Nhật Bản, có nhiều quan điểm khác nhau về cách giữ các giới luật. Ngay
như ở Ấn Độ, không lâu trước khi viên tịch, Đức Phật đã tuyên bố một số
giới luật không quan trọng có thể được sửa đổi. Nhưng rõ ràng là ở Nhật,
đã có rất nhiều thay đổi táo bạo.
Một bước ngoặt quan trọng
về sự thay đổi các giới luật trong quá trình phát triển Phật giáo ở Nhật
Bản do lão sư Saicho thuộc phái Tào Động khởi xướng. Saicho đã viết về
các giới luật và cho rằng việc phải tuân theo 250 giới luật đã được tạo
hình ở Ấn Độ là không thích hợp với người Nhật. Lý giải của Ngài không
trái ngược với những lời dạy cuối cùng của Đức Phật cũng như đạo đức văn
hóa của Nhật Bản, nên đã dẫn đến sự hình thành của các giới luật bố tát
như đã được đề ra trong thời đại Heian (781-1191) trong dòng Tào Động và
Chân Ngôn tông.
Vào năm 1224, Ngài Shinran,
người đã sáng tạo ra Jodo Shinshu, một tông phái cho rằng phải hòa hợp
giữa đạo và đời. Có nghĩa là không có sự khác biêệ giữa đạo và đời. Do
đó ông công khai lâp gia đình với một sư cô. Đó là một việc làm không
được chấp nhận thời điểm đó. Từ đó mới có việc người tu sĩ vẫn lập gia
đình. Và sau này hầu như các tôn giáo phái ỏ Nhật không còn giữ giới độc
thân. Với cách giữ giới luật như thế của Phật giáo Nhật Bản dẫn đến các
mâu thuẫn với các truyền thống Phật giáo khác, vì chúng quá khác biệt
với những giới luật xuất phát từ Ấn Độ.
Cũng có lúc PG bị đàn áp ở
Nhật Bản. Đó là lúc Hoàng đế Meiji ra sắc lệnh vào năm 1872 cho phép các
tu sĩ Phật giáo ăn thịt, lập gia đình một cách chính thức, để tóc, giữ
tên dòng họ và bãi bỏ truyền thống đi khất thực. Vào năm 1865 ở Nhật có
hơn nửa triệu Tăng Ni. Năm năm sau con số đó chỉ còn lại 77.000. Chùa
chiền bị đóng cửa, thường xuyên bị lục soát, kiểm tra và rất nhiều hình
thức tôn giáo quan trọng bị sửa đổi. Việc nới lỏng giớiluật là một
phương cách hết sức khôn khéo nhằm đánh đổ sức mạnh của Giáo hội. Vì sự
thay đổi đó, đa số Tăng Ni không thể tiếp tục cuộc sống ở tu viện, vì
thế họ trở về đời sống thế tục. Khi giai đoạn đàn áp đã được xóa bỏ,
nhiều chùa chiền lại được mở cửa. Các tu sĩ, thay vì từ bỏ vợ con, lại
mang vợ con họ trở lại chùa. Do đó họ đã lập ra tiền tệ cho Phật giáo ở
xã hội Nhật Bản sau này. Phần đông các chùa ở Nhật Bản, chính yếu là do
cha truyền con nối.
(Theo Monastic Life,
Woman & Buddhism, NXB Wisdom)
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/cuocsong_tuvien.htm