Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
BẢY NGÀY HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC
Tâm Chơn

 

1 . Bắc Kinh và Vạn Lý Trường Thành

Ngày 15-09-2007 , từ sân bay Tân Sơn Nhứt – Tp. HCM , chúng tôi khởi hành đi Thượng Hải trên chuyến bay FM 838 (01: 10-05:55).

Mặc dù đã biết lịch trình hành hương Trung Quốc có sự thay đổi , không như dự định ban đầu , nhưng những hình ảnh về một đất nước Phật Giáo Trung Quốc xa xưa mà tôi có biết qua sách vở vẫn êm đềm hiện lên trong tâm trí .

Nào là chùa Nam Hoa , nơi có đạo tràng Bảo Lâm của Lục Tổ Huệ Năng; chùa Thiếu Lâm , cội nguồn Thiền Tông , nơi Tổ Đạt Ma “ cửu niên diện bích” ; chùa Bạch Mã , chiếc nôi đầu tiên của Phật Giáo Trung Quốc , nơi hai ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dịch kinh , thuyết pháp mà bản kinh được dịch trước nhất ở đây là Tứ Thập Nhị Chương ; rồi những Tứ đại danh sơn với các đạo tràng của chư vị Bồ Tát lớn như Ngũ Đài Sơn của Ngài Văn Thù , Nga My Sơn của Ngài Phổ Hiền , Cửu Hoa Sơn của Ngài Địa Tạng , Phổ Đà Sơn của Ngài Quan Âm..

Những vọng tưởng nhẹ nhàng đó đã đeo đẳng tôi mãi đến khi máy bay cất cánh một hồi rồi mới chịu buông . Xém chút nữa là tôi  quên luôn việc tranh thủ nghỉ ngơi để sáng mai có đủ sức “ mở màn” chuyến du hành Trung Quốc .

Nghĩ cũng ngộ ! Lịch hành hương cầm trên tay mà ý tưởng về những nơi sắp đến lại hoàn toàn không hiện khởi . Thoáng lạ lùng , tôi quay về thực tại . Ồ! Ngủ.

Chợp mắt được một chút thì đèn máy bay bật sáng , tôi mở mắt tỉnh táo . Sân bay Phổ Đông – Thượng Hải dần hiện ra trong màn sương sớm . Tia nắng bình minh rực rỡ dịu dàng .

Đoàn lại tiếp tục đi Bắc Kinh trên chuyến bay nội địa . Từ sân bay Hồng Kiều – Thượng Hải , sau 2 giờ bay , đoàn tới Bắc Kinh lúc 1h30 phút ..Trời Bắc Kinh mùa này nắng nhẹ .Gió hiu hiu thổi mát cả cõi lòng . Chúng tôi bắt đầu cuộc hành hương.

Thủ đô Bắc Kinh , nơi tập trung tất cả những gì xưa cổ nhất của đất nước Trung Quốc – anh Hướng dẫn viên người Trung Quốc nói sành sỏi tiếng Việt giới thiệu . Qua sách báo phim ảnh , chúng tôi có biết ít nhiều về Trung Quốc . Nhưng để đặt chân lên xứ sở này thì thiệt là chưa từng nghĩ tới .

Hôm nay, được cùng huynh đệ ngao du , ngắm nhìn , sờ đụng những thành quách đền đài miếu cổ ở Trung Quốc thì quả là nhân duyên . Lạ mà quen. Bất ngờ và không bất ngờ là thế !

Ở Bắc Kinh , đoàn được đi tham quan các điểm :

 

{                 Di Hòa Viên , cung điện mùa hè nổi tiếng của Từ Hy Thái Hậu và các Vua chúa nhà Thanh .

{                 Tử Cấm Thành , cố cung với 9999 phòng là nơi ở của các vị Hoàng Đế Trung Quốc xưa . Người ta nhẫm tính để đi hết Hoàng cung này phải mất khoảng 20 ngày .

{                 Thiên An Môn , quảng trường rộng nhất thế giới .

{                 Kỳ Niên Điện , còn gọi là Thiên đàn , nơi các vua chúa Trung Quốc tế trời cầu mưa hàng năm .

{                 Định Lăng , ngôi mộ chôn sâu dưới mặt đất , nằm trong khu Thập Tam Lăng , khu lăng tẩm các vua chúa nhà Minh .

{                 Đức Thắng Môn , cổng thành có phong thuỷ tốt nhất Trung Quốc . Tất cả các tòa nhà trong nội thành Bắc Kinh , dù kiến trúc kiểu nào cũng không được cao hơn Đức Thắng Môn . Giống như ở Siêm Riệp – Campuchia , nhà cửa không được xây cao hơn đền Angkorwat .

{                 Vạn Lý Trường Thành , kỳ quan duy nhất của thế giới có thể nhìn thấy từ mặt trăng , nơi gắn liền với tên tuổi Tần Thủy Hoàng ,

Theo nhiều tài liệu , thời Chiến Quốc , nước Trung quốc chia thành nhiều nước nhỏ : Yên, Tề , Hàn, Ngụy , Triệu , Sở , Tần … Và giữa các nước này thường xảy ra chiến tranh . Do đó , để phòng thủ , mỗi nước đều xây trường thành .

Năm 221 trước công nguyên , Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc . Ông cho xây nối các trường thành lại với nhau . Tên Vạn Lý Trường Thành có lẽ được gọi từ đó (?) Sau nhà Tần , Trường thành được các đời vua kế tiếp tu bổ lại và xây dựng thêm . Đến đời nhà Minh , Trường thành mới hoàn tất với quy mô lớn như bây giờ.

Vạn Lý Trường Thành dài 6700 km , vút cao , uốn lượn  trên các sườn núi chạy dài qua các tỉnh thành : Hồ Bắc, Thiên Tân , Bắc Kinh , Sơn Tây , Nội Mông , Ninh Hạ , Thiểm Tây và Cam Túc . Có người đã ước tính , nếu đi hết Vạn Lý Trường Thành phải mất khoảng 20 năm .

Tuy nhiên , đoàn chúng tôi chỉ được leo lên đoạn Trường Thành “ Thiên hạ đệ nhất hùng quan” , nơi dễ đi nhất , Cư Dung quan gần Bắc Kinh .

Thế mà…. leo chưa “ đã chân” thì Hướng dẫn viên đã hối thúc trở xuống rồi . Chúng tôi cằn cưa . Hướng dẫn viên xoa dịu : Leo nhiêu đó là huốt hảo hán rồi , “ Bất đáo trường thành phi hảo hán” mà ! Tôi quay lại nhìn huynh đệ khẽ nói : Làm trượng phu không hay hơn sao !

            “ Thiện tai đại trượng phu

               Năng liễu thế vô thường

               Khí tục thú Nê Hoàn

               Công đức nan tư nghì”

            Tôi đọc bài kệ cho bạn nghe mà thật ra là để nhắc nhở mình .

            Nói tới Vạn Lý Trường Thành người ta nhắc ngay đến Tần Thủy Hoàng với bao tội trạng . Tôi thì thấy thương một bậc bạo chúa như ông.

            Nghe nói khu lăng mộ khổng lồ của ông cũng thuộc hàng “ độc nhất vô nhị” . Hình như vì quá lo xa, đúng hơn là lo sợ , cho nên khi xây dựng nghiệp đế cho mình , ông đã cố tình làm trái quy luật Thành – trụ – hoại – không vốn rất tự nhiên của nhơn hoàn . Ôâng muốn tất cả những gì của ông đều phải trường tồn, vĩnh cửu . Nhưng ông chẳng ngờ rằng, theo năm tháng Trường Thành có nhiều đoạn đã hư hỏng nặng . Có một góc thành bị sụp mà dân gian bảo là do nước mắt khóc chồng của nàng Mạnh Khương.

            Họ lưu truyền rằng chồng của nàng bị bắt làm phu dịch đi xây Vạn Lý Trường Thành . Vì nhớ thương chồng , nàng đã lặn lội tháng ngày , vượt qua muôn dặm đường dài để tìm kiếm . Đến nơi thì chồng nàng đã chết , xác bị vùi sâu dưới chân thành mất biệt . Đau đớn , khổ sầu , nàng kêu gào thảm khốc . Suốt mấy ngày đêm bi thương tuyệt vọng , tiếng khóc thảm thiết của nàng đã làm kinh động đất trời , đến nỗi một góc thành cũng mủi lòng sụp đổ .

            Và khu huyệt mộ bí mật của Tần Thủy Hoàng , ngày nay cũng đã được phát hiện . Không biết bên kia cõi chết , Ông có thức tỉnh nhận ra lẽ vô thường của nhân sinh thế sự hay chỉ u hoài ôm nỗi nuối tiếc , xót xa? …

            Ba ngày ở Bắc Kinh , đoàn còn được đưa đến tham quan nhiều cơ sở danh tiếng như Xưởng chế tác Cẩm thạch , Xưởng bào chế thuốc Bắc Đồng Nhân Đường , Trung tâm chế tác các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Cảnh thái lam , tham quan và mua sắm tại phố đi bộ Vương phủ tỉnh . Hay nhất là được xem chương trình KungFu do các võ sinh Thiếu Lâm Tự biểu diễn bằng những pha võ thuật độc đáo lồng trong câu chuyện đạo - đời đặc sắc nói về “ Một vị Thầy KungFu”

            À ! Phải nhắc đến việc thưởng trà ở Bắc Kinh nữa chứ ! Nghe Hướng dẫn viên thông báo là sẽ đưa đoàn đi tham quan một danh trà nổi tiếng để tìm hiểu về trà đạo Trung Hoa , chúng tôi hớn hở vì có cơ hội uống trà thiền trên đất Trung Quốc . Ai dè ! … Sau khi quảng cáo sản phẩm , họ ưu ái mời đoàn uống thử nhiều trà quá: Nào là trà Ô Long –ø Lan quý nhân, trà trắng –Khổ cam lộ , trà sinh thái –Phổ Nhỉ , Trà trái vải – Ngự phẩm hồng , mỗi thứ một chung , chủ –khách , rót – uống… liên tục đến không còn phân biệt mùi vị từng loại .

            Ô hay ! Tôi lại nhớ đến chung trà của Ngài Triệu Châu : uống trà đi !... Ồ ! sao không tự thưởng cho mình chung trà Triệu Châu để đời thôi loanh quanh mỏi mệt ? – Tôi nhủ thầm.  

Ba ngày ở Bắc Kinh đúng là “ chạy” tham quan . Thời gian thì quá ít , thắng cảnh lại quá nhiều , chúng tôi phải vừa đi vừa chạy muốn hụt hơi vậy. Mệt nhất là lúc ở Ga xe lửa : đông đúc , ồn ào , lộn xộn . Hướng dẫn viên nhắc đoàn: “ở đây đừng có nhường chỗ. Phải nhanh chân mới kịp. Cẩn thận coi chừng mất vé”.

            Chúng tôi không quen chen lấn , chỉ lặng lẽ xếp hàng mà cũng chẳng được yên . Họ xô đẩy , giành lấn , ào ạt quá cỡ . Nếu không nhờ Hướng dẫn viên mở lối còn lâu tôi mới lọt vô được bên trong khu soát vé . Hú hồn hú vía!

            Tàu chạy . Chúng tôi cũng chưa tìm được giấc ngủ ngon lành . Ồn ào quá cỡ!

            Có người nói “ thà cãi lộn với một cô gái Tô Châu còn hơn chuyện trò với người đẹp Thượng Hải” . Toa chúng tôi đa phần là đàn ông mà cũng um xùm ỏm tỏi như chợ trời . Họ là dân vùng nào ? Mù tịt !...

            Lúc mới tới Bắc Kinh , chúng tôi có hơi bất ngờ . Họ thì tự nhiên quá . Bất cứ chỗ nào, trên đường phố , trong siêu thị , trong nhà hàng, thậm chí cả chốn tôn nghiêm , họ đều mặc nhiên bình thản ồn ào , nói năng to tiếng như là ở nhà mình vậy!

            Phải thôi!... Trung Quốc đất rộng người đông , cái gì cũng lớn lao , to tát , mênh mông mà âm thanh lại nhỏ xíu thì coi sao được!? Còn mình ? Ai biểu mắc nghe chi rồi mắc mệt !

 

2. Tô Châu và tiếng chuông chùa Hàn Sơn

            Sáng sớm ngày 18-09-2007 , đoàn tới Tô Châu . Lúc này trời vẫn còn mưa . Mưa không lớn mà dai dẳng suốt đêm hôm qua ở Bắc Kinh , kéo dài liên tỉnh tới đây như luyến lưu bước chân lữ khách . Mưa gợi trong tôi chút tình man mác giữa lòng thành phố cổ : Tô Châu .

            Trước thời Xuân Thu Chiến Quốc , Tô Châu có tên là Cô Tô ( vì có thành Cô Tô ), sau là nơi đóng đô của Ngô Phù Sai , nay thuộc tỉnh Giang Tô Trung Quốc .

            Tô Châu được ca tụng là Thành phố cổ , Thành phố cây xanh , Thành phố lâm viên , Thành phố nước . Điều này không ngoa . Chúng tôi đã nhận thấy ở Tô Châu đủ đầy như thế . Và hơn thế nữa , qua màn mưa mỏng , Tô Châu càng đẹp hơn , huyền ảo hơn trong cõi thực thực hư hư giăng mờ sương khói lạnh . Thảo nào người ta đã ví Tô Châu như cảnh Thiên đàng.(Còn Thiên đàng đẹp như thế nào thì chịu, ai mà biết!)

            Mới tới Tô Châu , chúng tôi nghĩ ngay đến Cô Tô đài do Ngô Phù Sai xây cho người đẹp Tây Thi , một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc . Cũng như không thể nào không nhắc tới tiếng chuông chùa Hàn Sơn và bài thơ “ Phong kiều dạ bạc” bất hủ của Trương Kế .

            Chuyện kể rằng đêm nọ , dưới bóng trăng đầu tháng mờ ảo , Sư cụ tức cảnh làm được hai câu thơ rồi “ hết ý” . Đương lúc đó , chú tiểu cũng vừa nghĩ ra hai câu thơ bèn mạo muội dâng hầu Thầy . Sự cụ xem qua thấy ý tứ hài hòa ,vần điệu nhịp nhàng liền dạy chú tiểu lên điện Phật thắp hương , thỉnh chuông mừng bài thơ đã được làm xong :

                        “ Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung

                           Bán tự ngâm câu bán tự cung

                           Nhứt phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn

                           Bán trầm thủy để bán phù không”.

            Bài thơ được dịch là :

                                  “Đêm nay đầu tháng trăng mờ

                           Nửa như móc bạc nửa ngờ vành cung

                                     Hồ xanh ai để đôi vàng

                           Nửa chìm đáy nước , nửa lồng chân mây”

            Cũng trong đêm trăng khuya huyền ảo ấy , nơi bến Phong Kiều , Trương Kế , người đất Thượng Châu –Hồ Bắc , cũng vừa làm được hai câu thơ rồi “ bí”. Đến khi chợt nghe tiếng chuông chùa trầm hùng vọng lại ngân nga thì nguồn cảm hứng thi nhân trỗi dậy trong lòng . Giây phút xuất thần , Trương Kế làm tiếp hai câu cuối bài thơ Phong kiều dạ bạc ( Đêm đậu thuyền ở Phong Kiều ):

                        “ Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

                           Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

                           Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự

                           Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

            Tản Đà dịch là :

                                    “Trăng tà tiếng quạ kêu sương

                           Lửa chài , cây bến sầu vương giấc hồ

                                    Thuyền ai đậu bến Cô Tô

                          Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn”.

            Thiết nghĩ , cũng như bao nhiêu văn sĩ thi nhân khác , Trương Kế hạ bút cốt để thỏa lòng . Nào ngờ bài thơ đã lưu danh thiên cổ . Và chùa Hàn Sơn cũng nhờ bài thơ nói đến tiếng chuông mà nổi tiếng gần xa .

Chúng tôi đến viếng bái chùa Hàn Sơn vào một buổi sáng trời mưa . Mưa càng lúc càng nặng hạt mà khách thập phương vẫn tấp nập ra vào . Họ đến đây vì tiếng chuông . Chúng tôi đến đây cũng vì tiếng chuông . Tiếng chuông của Trương Kế vọng ngân không dứt từ bấy đến nay hay bởi tiếng chuông ấy đã được thỉnh lên tự cõi lòng thanh tịnh của một nhà tu? Chắc là cả hai !

            Mặc dù trời đang mưa , chúng tôi cũng tranh thủ ngắm nghía bến Phong Kiều thơ mộng và rảo bước lên chiếc cầu xinh xắn để chụp hình  (làm kỷ niệm ).

            Vô chùa , chúng tôi cũng bon chen theo thiên hạ thỏa tánh hiếu kỳ mua vé để đóng chuông . Thú thật , dù biết rằng chiếc chuông thời xa xưa ấy đã bị thiêu hủy rồi , tôi cũng không thất vọng . Chuông mới chuông cũ không thành vấn đề . Tôi chỉ thỉnh chuông thôi mà !

                        “ Cùng bạn hành hương Bắc Trung Quốc

                           Đến chùa Hàn Sơn ta thỉnh chuông

                           Đâu ngờ tiếng vọng ngân trầm lắng

                           Là chỗ xưa nay chẳng nghĩ lường !”

            Đó là mấy câu thơ cảm tác của “ Tui”  sau khi lắng lòng nghe tiếng chuông do tự tay mình thỉnh . Cũng may , tiếng chuông mà chúng tôi thỉnh lên nghe không đến nỗi nào .

            Nhưng mà than ôi ! Tiếng chuông muôn thuở vẫn thâm trầm , thoát tục , sâu lắng vọng ngân mà người thỉnh chuông cơ hồ hời hợi . Tiếng chuông đâu đã dứt ngân nga mà lại dọng boong… boong ? Chúng ta dóng liên tục , vội vàng mau lẹ , đóng cho có , cho xong thì chỉ làm cho âm thanh tiếng chuông loạn xạ , mệt nhoài . Thỉnh chuông mà không để tâm để ý mình trong đó, không chí thành chí thiết thì tiếng chuông có cũng như không . Tiếc thật !

            Trong chùa Hàn Sơn còn có Hàn Thập điện , nơi tôn thờ Hàn Sơn – Thập Đắc, hoá thân của Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền . Hai vị này hành trạng như ngài Tế Điên , thường lui tới chùa này nên sau khi hai ngài mất chùa có tên là chùa Hàn Sơn .

            Một ngày ở Tô Châu , gặp lúc trời mưa không dứt nên chúng tôi chỉ tham quan lướt qua thôi . Tuy vậy , từng cảnh , từng nơi cũng đã ít nhiều làm say lòng người . Nào là một Thái Hồ bao la như biển , một phim trường nổi tiếng Tam Quốc thành mênh mông (ở Vô Tích), một phố cổ êm đềm , một công viên Sư Tử lâm rộng lớn (ở Tô Châu).

            Và trước khi đi Hàng Châu , đoàn cũng được đưa đi tham quan đặc sản của vùng này như cửa hàng Ngọc trai , Ấm trà tử sa , xưởng sản xuất tơ lụa Tô Châu .

 

3. Hàng Châu và chùa Linh Ẩn

            Ngày 20-09-2007. Từ xế chiều hôm qua , đoàn đã có mặt ở Hàng Châu . Cũng như Tô Châu , Hàng Châu được ví như Thiên đàng ở hạ giới .

                                    “ Trên có Thiên đàng

                                       Dưới có Tô- Hàng”

            Thật vậy , phong cảnh Hàng Châu rất đẹp . Đẹp như thế nào cũng khó mà tả được . Nói đẹp như tranh vẽ, không được . Đẹp như trong phim , không xong ( vì những cái đó đều từ thực tế mà phát họa nên ) . Thôi thì…đẹp như thiên đàng, đẹp như Tô – Hàng ! Trong làn mưa phất phất , Hàng Châu càng diễm ảo hơn .

            Hàng Châu , cố đô của nhiều thời đại , nay thuộc tỉnh Triết Giang , nơi có con sông Tiền Đường gợi nhắc chúng ta nhớ đến Đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều tuyệt tác , nơi có những tình sử đượm buồn .

            Chỉ với một Tây Hồ thôi mà dệt nên bao chuyện tình diễm lệ : Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài , Ngưu Lang – Chức Nữ , Bạch Xà – Hứa Văn …..

            Vì Hàng Châu có nhiều cảnh đẹp , nên thơ nên còn là nơi dừng chân của nhiều thi nhân văn sĩ nổi tiếng như Bạch Cư Dị , Tô Đông Pha …..

            Không những thế , Hàng Châu còn ghi dấu một tăng sĩ kỳ dị tên là Tế Điên với chùa Linh Ẩn danh tiếng .

            Theo lịch trình , chiều nay , chúng tôi đến chiêm bái thắng tích Linh Ẩn Tự . Đây là một trong những ngôi cổ tự lớn nhất và danh tiếng nhất Trung Quốc, nơi gắn liền với sự hành hoá của Ngài Tế Điên .

            “ Chùa Linh Ẩn được khởi xây từ năm 326, nằm trong một khuôn viên cực lớn” . Cách chùa Linh Ẩn một con suối nhỏ là ngọn Phi Lai Phong với vô số hang hốc và gần 500 pho tượng Phật được tạc vào vách núi .

            Tương truyền , khi mới đến Linh Ẩn Tự , Tế Điên nằm mộng thấy điềm chẳng lành , liền báo cho dân làng biết mà tránh xa . Nhưng mọi người không tin . Đến khi xảy ra sự việc : ngọn núi Linh Thứu ở Ấn Độ bay đến “ nghĩ tạm” trước chùa Linh Ẩn , nhưng nhờ có Tế Điên cứu giúp , dân làng thoát nạn . Để ngọn Phi Lai Phong ( bay lại đây ) linh thiêng từ Ấn Độ bay qua không bay tiếp nữa , Tế Điên dạy dân làng tạc tượng Phật quanh núi này để giữ lại . Nhờ thế , đến nay Phi Lai Phong vẫn còn cho đời sau chiêm bái . Chùa Linh Ẩn thì đã nhiều lần bị phá huỷ và xây dựng lại .

            Chúng tôi đến chùa lúc trời đang nhỏ hạt lâm râm , gió khẽ khàng se lạnh. Dẫu thế , chúng tôi vẫn nghe mát dịu tâm hồn khi tới nơi đây . Phải chăng nhờ sự u tịch của cảnh lâm tuyền, trang nghiêm của Phật tự mà bao nỗi muộn phiền , mệt nhọc được xua tan , gột sạch ? Phải lắm chứ ! Bởi vì nơi đây , chùa Linh Ẩn , núi Phi Lai Phong , đã từng có La Hán ẩn tu , bậc cao Tăng đắc đạo mà sức sống tâm linh lan tỏa đến giờ .

            Mặc dù , ngày nay chùa “ bị biến” thành nơi du lịch nhưng tôi vẫn cảm nghe dư âm đạo lực của các Ngài quyện cùng linh khí núi non tưới mát trần tâm tục lụy của khách lãng du này ! Tiếc là thời gian có hạn , chúng tôi phải quay về phố trước khi trời sập tối .

            Hồi lúc lên chùa , gần tới giờ công phu chiều , chúng tôi thoáng thấy quý Thầy trang nghiêm từng bước chân thanh thản đang từ từ bước vào chánh điện tụng kinh . Tự dưng tôi nhớ đến hình ảnh chư Tăng trong các Viện chuyên tu ở Việt Nam : thong dong , tĩnh tại . Chỉ tiếc là đó đây trên cõi đời này không có ít người ( hình như có chúng ta nữa ) đã đem tâm phàm phu tục tử dẫy đầy tham , sân , si mà học đòi cách sống thõng tay vào chợ của một Tế Điên ? Thật là tội nghiệp !

            Sáng hôm sau , trước khi về Thượng Hải , đoàn được đi du thuyền ngắm cảnh Tây Hồ . Tây Hồ rộng gần 6km , có núi bao bọc ba phía . Trên một đỉnh núi có tháp Lôi Phong , tương truyền là nơi nhốt Bạch xà ngày xửa ngày xưa. Nhưng tháp đó đã bị sập rồi . Tháp bây giờ là mới xây lại trên nền tháp cũ , cũng y như cũ . Cái hay của Trung Quốc là ở chỗ đó .

            Trong mấy ngày ngắn ngủi du lịch Trung Quốc , chúng tôi được đi tham quan một phần hướng Bắc . Tuy không nhiều nhưng cũng đủ thấy biết bao cảnh đẹp . Và đẹp hơn nữa chính là ý thức bảo tồn những gì là xưa cổ ở đây . Từng viên ngói , cục gạch , tảng đá , gốc cây …. tất cả đều được chăm sóc , giữ gìn kỹ lưỡng . Kiến trúc cổ ra cổ , tân ra tân , đâu đó rõ ràng , không có sự xen tạp , đẹp quá đi chứ !

            Rời Hàng Châu , chúng tôi đem theo Danh trà Long Tỉnh . Dù không đậm đà hương vị nhưng lại là loại trà xanh nổi tiếng của vùng này và có tác dụng tẩy lọc độc tố , dễ pha , dễ uống .

 

4. Thượng Hải và chùa Ngọc Phật

            Ngày 21-09-2007. Ngay từ trưa hôm qua, chúng tôi đã trở về Thượng Hải . So với Tô – Hàng thì Thượng Hải thiếu thốn cây xanh trầm trọng . Đến Thượng Hải chỉ thấy toàn là những toà nhà cao tầng , chọc trời đến choáng ngộp . Nhìn lạng quạng là đơ cần cổ đấy ! Người ta gọi Thượng Hải là thành phố bê tông , không sai .

            Thượng Hải tuy không giàu bằng Bắc Kinh nhưng lại là thành phố lớn nhất Trung Quốc , thành phố trẻ .

            Con sông Hoàng Phố có tuyến đường ngầm ( dưới lòng sông ) dài 2km và chiếc cầu Nam phổ đại kiều dài 8km nối liền hai khu Phổ Tây – Thượng Hải cổ và Phổ Đông – Thượng Hải hiện đại ( xây dựng từ năm 1990 và đang trên đà phát triển ).

            Ở Thượng Hải nhà cao 20, 30 tầng là bình thường . Có những toà nhà trên 100 tầng , chót vót .

            Đa phần du khách đến Thượng Hải đều thích leo lên tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu cao nhất Châu Á ( 468m ) , đứng hàng thứ ba trên thế giới và du thuyền trên sông Hoàng Phố về đêm để ngắm nhìn một “thành phố không đêm” sa hoa , lộng lẫy .

Riêng đoàn chúng tôi thì chẳng có lấy một người hứng thú tham gia khám phá “ Bất dạ thành”, hòn ngọc về đêm của Trung Quốc , làm cho Hướng dẫn viên phải sững sờ , kinh ngạc ( vì ai đến đây cũng đều đòi đi ) . Chúng tôi chỉ muốn tìm tòi vài địa danh nghe quen quen thôi . Hướng dẫn viên lại cho biết : Bến Thượng Hải không có bến , Miếu Thành Hoàng không có miếu .

            Tất cả giờ đây đều phải “thay da đổi thịt” để phù hợp với sự kiêu sa , hoa lệ của Thượng Hải , một thành phố đang vươn mình lớn dậy hàng ngày , thậm chí hàng giờ! ….

            Sáng hôm sau , chúng tôi đến tham quan chùa Ngọc Phật , một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Thượng Hải, nơi tôn thờ hai pho tượng Phật bằng ngọc thạch tuyệt đẹp.

            Tương truyền ,vào cuối thế kỷ 19, có một nhà sư ở Phổ Đà Sơn đi tham bái Ấn Độ . Sau đó , Ngài đi tiếp lên vùng Myanma. Thấy ngọc ở đây đẹp và tốt , Ngài phát tâm thuê thợ tạc 5 pho tượng Phật . Nhờ sự giúp đỡ của bà con bản địa , công việc sớm hoàn thành . Ngài thỉnh Phật về Tứ Xuyên . Khi ngang qua Thượng Hải gặp lúc trời giông bão, ngày cho neo thuyền trú lại. Thấy thế người dân Thượng Hải cho là duyên lành bèn thỉnh cầu Ngài để tượng Phật cho dân chúng phụng thờ . Ngài hoan hỉ để lại một pho tượng Phật ngồi và một pho tượng Phật nằm ( ngày nay vẫn còn ) . Chùa Ngọc Phật được kiến tạo từ đó.

Rồi  chiến tranh xảy ra ở Thượng Hải năm 1918, chùa bị phá hủy gần như hoàn toàn. Sợ ảnh hưởng tới hai pho tượng Phật, dân chúng đã thỉnh đến nơi khác cất giữ. Sau đó, họ xây dựng một ngôi chùa mới để phụng thờ và vẫn giữ nguyên tên chùa cũ. Đó chính là Chùa Ngọc Phật mà hiện nay chúng ta đang chiêm bái.

Cũng như nhiều ngôi chùa ở thành thị Việt Nam , trước đây chùa Ngọc Phật cũng thuộc vùng ngoại ô thanh vắng, yên tĩnh . Lâu dần , theo đà phát triển của xã hội , chùa lọt thỏm giữa chi chít nhà cửa của phố thị đông đúc , ồn ào .

            Về mặt hình thức , chùa thành thị không u tịch , êm ả như chùa miền quê nhưng nét thanh nhã vẫn còn , mạch nguồn tâm linh vẫn chảy , để dân thành thị có chỗ quay về . Ở chốn thiền môn thanh tịnh , sự thực học , thực tu nào có phân biệt phố xá hay thôn quê! Tôi hằng tâm niệm như vậy dù biết mình vốn không quen với đô hội phồn hoa .

            Rời chùa Ngọc Phật , chúng tôi đi dọc dài Đại Lộ Nam Kinh . Đoàn được dành cả buổi chiều còn lại của ngày cuối cùng của tuần lễ hành hương Trung Quốc để mua sắm ở phố đi bộ này . “Chi nhiều vậy ! Những nơi thích hợp với chúng tôi thì thời gian gấp rút , hối không kịp chạy . Còn những chỗ như vầy thì giờ giấc vô tư, tha hồ mua sắm” – Chúng tôi ta thán . Hướng dẫn viên thố lộ : “ Không thể khác hơn được . Các công ty , xí nghiệp phục vụ tham quan có nhiệm vụ bù lỗ cho ngành du lịch Trung Quốc mà !” Thảo nào ….  

            Nói đến chuyện mua sắm ở Trung Quốc , đối với chúng tôi cũng là một kỷ niệm . Họ ngã giá trên trời , mình trả dưới đất mà vẫn bị hố . Ví như có món hàng họ nói 1000 tệ , mình trả 100 tệ , tưởng là được rồi, liền mua . Ồ lầm tuốt!  Mua trước lầm trước , mua sau lầm sau , giá nào cũng dính .

            Trời vừa tối , chúng tôi chuẩn bị rời Thượng Hải , giã từ Trung Quốc để trở về Thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến bay FM 837. 21:30-00:30.

            Thú thật , với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc , lại có lịch sử hơn 5000 năm , và cũng là một trong những nền văn minh cổ của nhân loại thì một tuần tham quan có thấm tháp vào đâu .

            Thường thì người ta chỉ đi đến những điểm chính , điểm cần thiết với mình . Chúng tôi thì ngược lại . Vì lý do khách quan , chúng tôi chưa đến được những nơi mình cần . Thôi thì hẹn lần sau vậy .

            Vâng ! Lần sau nếu đủ duyên chúng tôi sẽ hành hương về phương Nam Trung Quốc , nơi có nhiều danh lam cổ tự , cội nguồn Phật giáo Trung Quốc , nơi có dòng suối Thiền tông tuôn chảy đến Việt Nam . Còn chuyến du lịch này , tuy cũng ít nhiều biết đó biết đây , niềm vui cũng trọn , mà sao vẫn nghe bên lòng len lỏi chút nuối tiếc , ngậm ngùi! Kỳ cục thiệt ! .

TP. HCM , Tết Trung Thu 2007

                                                                                    Tâm Chơn

SÁCH THAM KHẢO :

v                 Nguyễn Tường Bách , Mùi Hương Trầm , NXB Trẻ , Tp. HCM , 2006.

Nguyễn Văn Dũng , Linh Sơn Mây Trắng , NXB Thuận Hóa , Huế , 2007.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/hanhhuongTrungQuoc.htm

 


Vào mạng: 9-10-2007

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang