-
PHẬT QUANG SƠN ĐÀI LOAN TỔ
CHỨC
-
HỘI LIÊN HỮU PHẬT GIÁO THẾ
GIỚI LẦN THỨ 23
Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới
(WFB – Hội liên hữu) lần thứ 23, Hội Liên Hữu Thanh Niên Phật Giáo Thế
Giới (WFBY) lần thứ 14 và Hội Đồng Đại Học Phật Giáo Thế Giới (WBU) lần
thứ 6 đồng khai mạc vào lúc 13h00 ngày 20-4-2006 tại hội trường Phật Quang
Sơn, Cao Hùng, Đài Loan, với sự tham dự của hơn 700 tôn đức Tăng Ni và
Phật tử từ hơn 20 quốc gia. Cả ba hội nghị diễn ra cùng thời điểm từ ngày
19-22 tháng 4 năm 2004 tại ba hội trường khác nhau trong Phật Quang Sơn.
Trong số các cộng đồng Phật
giáo Việt Nam trong và ngoài nước tham dự Hội nghị lần này, có thể kể
GHPGVNTN tại Úc và Tân Tây Lan do đại đức Phước Tấn, phó chủ tịch của Hội
liên hữu, làm trưởng đoàn; Hội Ni giới Việt Nam tại Hoa Kỳ do Ni trưởng
trụ trì chùa Dược Sư làm trưởng đoàn; Hội Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ do
Hoà thượng Trí Tuệ làm trưởng đoàn và chúng tôi đại diện Việt Nam.
Đây là lần thứ hai, Phật Quang
Sơn đăng cai tổ chức. Trong lần tổ chức thứ nhất vào năm 1992, hoà thượng
Tinh Vân và hoà thượng Dhammananda được đề cử làm chủ tịch danh dự trọn
đời. Chủ đề của đại hội lần này là “Phật giáo: sự khoan dung và hoà
bình thế giới.”
Hoà thượng Tinh Vân, đại sư
sáng lập Phật Quang Sơn, chủ tịch danh dự trọn đời của WFB đã nhấn mạnh
trong diễn văn khai mạc rằng “nhu cầu hoà hợp, đoàn kết, hợp tác đa phương
giữa các truyền thống Phật giáo rất bức thiết, để đáp ứng các nhu cầu của
thế giới hiện đại, biến Phật giáo trở thành thực phẩm của từng cá nhân,
gia đình và xã hội.” Các cử toạ đều cho rằng giáo pháp Phật là giáo pháp
hoà bình, trên nền tảng của từ bi và tuệ giác. Đó là giáo pháp chứa đầy
những lời dạy về sự khoan dung, cởi mởi, chấp nhận sự khác biệt, đề cao sự
hoà giải và hợp tác, xoá bỏ chủ nghĩa độc tôn, chuyển hoá tinh thần tự ngã
trung tâm, đề cao giá trị vô ngã và vị tha, trong tất cả hoạt động và sinh
hoạt thường nhật.
Trong lễ khai mạc, Ban tổ chức
đại hội đã trao tặng huy chương danh dự cho bốn thành viên đã có công phát
triển Phật giáo theo tinh thần nghị quyết của Hội liên hữu, bao gồm: Điền
phu nhân, nguyên phó chủ tịch Hội liên hữu, Ni sư Từ Dung (Đài Loan), viện
trưởng Viện giáo dục Phật Quang Sơn, cư sĩ Hoàng Văn Huỳnh (Thái Lan) và
chủ tịch Hội Liên Hiệp Phật Giáo Nhật Bản.
Hội liên hữu Thanh Niên Phật
giáo thế giới đã thảo luận về các vấn đề được tăng ni và Phật tử rất quan
tâm, như a) Quan hệ Phật giáo quốc tế trong thế giới đổi thay, b) Truyền
bá đạo đức Phật giáo cho giới trẻ, vấn đề và giải pháp, c) Đổi đạo và xung
đột tôn giáo, d) Chia sẻ nguồn năng lực Phật giáo, e) Nhận dạng các vấn đề
thanh niên Phật giáo phải đối diện trong các nước đang phát triển. Các vấn
đề trên được các đại biểu thanh niên Phật giáo thảo luận trong tinh thần
chủ đề chính của đại hội, nhằm tìm ra những giải pháp phát triển Phật giáo
và đem Phật giáo vào cuộc đời.
Tại đại hội, Hội đồng Đại Học
Phật Giáo Thế Giới đã chấp nhận đề xuất của viện trưởng Trường Đại Học
Phật Giáo Mahachulalongkorn, biến Buddha Monthon, trung tâm Phật giáo thế
giới tại Bangkok thành cơ sở chính của Đại Học Phật Giáo Thế Giới, nhằm
giúp cho trường đại học internet đào tạo từ xa này trở thành trường đại
học công lập của Phật giáo, với chương trình và quy mô đào tạo lớn hơn,
hiệu quả hơn.
Một trong những điểm nổi bật
khác của Đại hội lần này là tinh thần thảo luận dân chủ các chương trình
hành động của 9 uỷ ban thường trực và sửa đổi hiến chương của Hội, với mục
tiêu, một mặt nhằm mở rộng đối tượng thành viên và vai trò của các vị phó
chủ tịch, mặt khác, nhằm giúp các ban thường trực ứng dụng hiệu quả nghị
quyết của Hội liên hữu.
Đại hội đã lắng nghe bài phúc
trình của đại đức Veeraparn về đề tài: “Sự Hồi Phục – Hành Trình Tâm Linh”
phản ánh kinh nghiệm dấn thân, thiết lập sự hoà hợp giữa các cộng đồng Hồi
giáo và Phật giáo tại ba tỉnh miền Nam Thái Lan, sau sự xung đột tôn giáo
tại đây, đẩy Thái Lan vào tình trạng biến động và khủng hoảng tôn giáo.
Hoà thượng Tâm Định, trụ trì Phật Quang Sơn (đại diện Phật giáo Đại thừa),
Thượng toạ TS. Dhammaratana (đại diện Phật giáo Thượng toạ bộ) và Lama
Denys Ringpoche (đại diện Mật tông) được mời làm thảo luận viên về đề tại
nghiên cứu thực địa vừa nêu, gây nhiều cảm hứng cho tất cả cử toạ. Từ
trường hợp điển mẫu tại ba tỉnh miền Nam Thái Lan, tất cả cử toạ đã thảo
luận về các phương pháp cụ thể nhằm ứng dụng vào các tình huống đa dạng và
phức tạp trong các bối cảnh địa lý và văn hoá khác nhau trên thế giới.
Sau mấy ngày làm việc tinh tấn
12 giờ một ngày (8 giờ sáng đến 10 giờ tối, trừ giờ ăn trưa và ăn tối),
Đại hội đã kết thúc trong tinh thần hoà hợp và quyết tâm cùng chung vai
sát cánh, đưa Phật giáo vào cuộc sống thường nhật của mọi người. Ban tổ
chức đã trao cờ tổ chức cho Hội Liên Hiệp Phật Giáo Nhật Bản đăng cai tổ
chức đại hội lần thứ 24 tại Nhật Bản vào năm 2008.
Đại hội của Hội liên hữu đã
khép lại bằng chương trình biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc Phật giáo,
mang đậm nét truyền thống Phật giáo Đài Loan, do các Tăng Ni và Phật tử ca
múa chuyên nghiệp của Phật Quang Sơn biểu diễn.
VÀI NÉT VỀ HỘI LIÊN HỮU PHẬT
GIÁO THẾ GIỚI
Danh xưng tiếng Anh của Hội là
“The World Fellowship of the Buddhists” thường được dịch trong tiếng Việt
là “Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới.” Dịch sát nghĩa là “Hội Hữu Nghị Phật
Tử Thế Giới” (Thế Giới Phật Giáo Đồ Hữu Nghị Hội).
Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới
được lãnh đạo các tổ chức Phật giáo của 22 quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và
châu Á trong đó có Việt Nam, thành lập vào ngày 25-5-1950 tại Colombo,
Tích Lan. Người có công sáng lập tổ chức Phật giáo mang tính quốc tế đầu
tiên này, đã hội tụ được các vị tôn túc của các truyền thống Phật giáo Nam
tông, Bắc tông và Mật tông, là Giáo sư G.P. Malalasekera. Chỉ trong vòng
vài năm thành lập, Hội liên hữu đã nhanh chóng trở thành tiếng nói chung
của hàng triệu Phật tử từ nhiều truyền thống Phật giáo trên khắp thế giới.
Mục đích của Hội liên hữu là
hợp tác truyền bá thông điệp của đức Phật đến các châu lục cho mọi thành
phần xã hội, đề cao sự thống nhất các sơn môn pháp phái Phật giáo trên thế
giới, xác định vai trò đạo đức và tâm linh của Phật giáo trên thế giới. Cứ
hai năm một lần, Hội liên hữu tổ chức đại hội một lần để đối thoại, giao
lưu và trao đổi kinh nghiệm hành trì và truyền bá Phật giáo. Tổ chức của
Hội liên hữu Phật giáo thế giới gồm có các hội đồng và uỷ ban sau đây:
1) Đại hội đại biểu là bộ
phận quyết định chính sách của Hội liên hữu, xác định trụ
sở, kết nạp trung tâm chi nhánh khắp thế giới.
2) Hội đồng tổng quát là bộ
phận hành chánh, chịu trách nhiệm về ngân sách, tổ
chức bầu cử, tuyển cử nhân sự, thiết lập luật lệ và chương trình làm việc
của các đại hội.
3) Hội đồng trị sự chịu
trách nhiệm và tư vấn hành chánh cho Hội liên hữu, dựa
theo tinh thần hiến chương và nghị quyết của đại hội đại biểu. Chủ tịch
của Hội liên hữu luôn kiêm nhiệm chủ tịch Hội đồng trị sự. Hội đồng trị sự
hội họp 6 tháng một lần để giám sát và đánh giá hoạt động của Hội liên
hữu.
4) Uỷ ban thường trực chịu
trách nhiệm triển khai và thực hiện các quyết định của
Đại hội đại biểu. Hiện tại có 9 uỷ ban thường trực (UB tài chánh, UB hoạt
động hoằng pháp, UB từ thiện xã hội, UB hoà hợp và hoà giải, UB thanh
niên, UB phát triển xã hội và kinh tế, UB phụ nữ, UB cư sĩ Phật tử và UB
ấn hành, công chúng, giáo dục, văn hoá và nghệ thuật).
Kể từ thập niên 80 trở đi, do
nhu cầu Phật sự, Hội liên hữu đã thành lập Hội Liên Hữu Thanh Niên Phật
Giáo Thế Giới (WFBY) tại Đại hội đại biểu tổ chức ở Tích Lan vào năm 1972,
trường Đại Học Phật Giáo Thế Giới (WBU) tại đại hội đại biểu của Hội liên
hữu tổ chức ở Úc vào năm 1998. Ngoài ra còn có uỷ ban đối tác với UNESCO
và các tổ chức liên hiệp quốc.
Hiện tại, Hội liên hữu gồm có
38 quốc gia thành viên với 151 trung tâm chi nhánh (bao gồm 5 trung tâm
mới được gia nhập đại hội lần này). Trước đây trụ sở của Hội được đặt tại
Colombo, Tích Lan (1950-1958) và Rangoon, Miến Điện (1958-1963). Kể từ năm
1963 trở đi, Trụ sở của Hội liên hữu được đặt vĩnh viễn tại Bangkok, Thái
Lan.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/hoilienhuu_23.htm