Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
HỘI NGHỊ CỦA CÁC LÃNH TỤ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
VỀ ĐẠO PHẬT VÀ DU LỊCH TÂM LINH

  
BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG ĐƯỢC LIỆT VÀO DI TÍCH VĂN HOÁ THẾ GIỚI
Vào ngày 27-6-2003, Tổ chức Văn Hoá, Xã Hội và Giáo Dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức liệt Bồ-đề Đạo Tràng vào danh sách Di Tích Văn Hoá Thế Giới (World Heritage Site), đứng hàng thứ 23 trong tổng số các công trình văn hoá tôn giáo ở Ấn-độ. Sự kiện trọng đại này đã làm nức lòng tăng ni và Phật tử trên khắp năm châu bốn biển.
Để đánh dấu sự quan trọng đại này và nhằm đẩy mạnh các chuyến hành hương về đất Phật, Bộ Du Lịch và Văn Hoá cũng như Bộ Hàng Không Dân Dụng của chính phủ Ấn-độ đã phối hợp tổ chức “Hội Nghị của các Nhà Lãnh Đạo Phật Giáo Thế Giới về Đạo Phật và Du Lịch Tâm Linh” vào hai ngày 17-18 tháng 2 tại toà nhà hội nghị quốc tế Vigyan trong lòng thủ đô New Delhi, và lễ chúc mừng thánh địa Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Tích Văn Hoá Thế Giới vào ngày 19-2-2004.
Phát biểu trong ngày khai mạc, tổng thống Ấn-độ, tiến sĩ A.P.J. Abdul Kalam, nhấn mạnh rằng mục đích của hai ngày hội nghị là nhằm thảo luận các vấn đề liên hệ đến hành hương về các thánh tích Phật giáo ở Ấn-độ, đề cao giá trị tâm linh và văn hoá của các chuyến du lịch Phật tích, đồng thời, thông qua đó, giới thiệu các giá trị nhân bản của Phật giáo cho đời sống xã hội hiện đại.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị về Phật giáo và du lịch tâm linh được tổ chức một cách trọng thể với sự tham dự của khoảng 1200 đại biểu, trong đó có khoảng 300 vị là các nhà lãnh đạo tâm linh, các tăng sĩ lỗi lạc cũng như các nhà học giả Phật giáo đến từ 25 nước. Phái đoàn đại biểu của Việt Nam gồm 22 vị, do HT. Thích Thanh Tứ (phó chủ tịch thường trực HĐTS) làm trưởng đoàn. Cùng đi với đoàn còn có HT. Thích Trí Quảng (phó chủ tịch HĐTS), TT. Thích Thiện Nhơn và TT. Thích Thanh Nhiễu (đồng là phó tổng thư ký HĐTS), TT. Thích Giác Toàn và TT. Thích Gia Quang (đồng là phó ban PGQT TW), TT. Thích Bảo Nghiêm (Phó thường trực BTS Hà Nội), TT. Thích Quảng Tùng (Phó ban trị sự tỉnh Hải Phòng), ĐĐ. Thích Nhật Từ (phó thư ký VNCPHVN), ĐĐ. Thích Đức Thiện (UV ban PGQT TW), NS. Thích Nữ Huệ Từ (phó thường trực Ban TTXHTW) và các thượng toạ cũng như quý ni sư khác v.v... Nhân dịp này, còn có một phái đoàn hành hương gồm 24 vị đi từ miền Bắc Việt Nam cũng đến tham dự hội nghị. Tất cả chi phí giao thông, du lịch và ăn ở trong suốt thời gian đoàn ở Ấn Độ đều do chính phủ Ấn-độ đài thọ.
Khi đến phi trường quốc tế Indra Gandhi tại thủ đô Ấn-độ, đoàn đại biểu của các nước đều được nhân viên ngoại giao của Ấn-độ đón rước rất trịnh trọng. Riêng đoàn GHPGVN còn có khoảng 60 tăng ni sinh Việt Nam tiếp rước. Mỗi đại biểu được choàng vào cổ một vòng hoa vạn thọ và một tấm vãi lụa để chúc phúc. Các đại biểu được đưa về khách sạn năm sao Aśoka, với đầy đủ các phương tiện như điện thoại quốc tế và đường dây internet v.v... Ngoài các món chay đặc sản của Ấn-độ, còn có nhiều món ăn châu Á được phục vụ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho quý đại biểu về một đất nước tràn đầy tình thương đối với các loài động vật và gia súc.
 CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ
Hội nghị được diễn ra trong hai ngày 17 và 18 tháng 2 với các phần hội  thảo chính như sau.  Phần thứ nhất là Lễ Khai Mạc với chủ đề: “Du lịch Tâm Linh Phật Giáo.” Trong lễ khai mạc, hơn 1200 đại biểu có mặt tại hội trường lớn trong Vigyan Bhavan. Hoà thượng Thích Thanh Tứ đại diện đoàn đại biểu GHPGVN nhận cây bồ-đề do tổng thống Ấn-độ trao tặng. Trong buổi thuyết trình 45 phút, đức Dalai Lama thứ 14 đã nhấn mạnh đến các lời dạy của đức Phật về đạo đức, trí tuệ, tình thương, hoà bình và bất bạo động như là các giá trị tâm linh và văn hoá bất hũ, làm tiền đề cho các chuyến hành hương về đất Phật. Tổng thống Ấn-độ cho rằng du lịch tâm linh không phải là sự trở về đất nước Ấn-độ bằng vật lý, với những di tích bằng vật chất mà là sự trở về với các giá trị văn hoá và tâm linh mà đức Phật và các vị thánh Phật giáo đã dạy cho nhân loại mấy mươi thế kỷ trước. Sau lễ khai mạc, quý hoà thượng Thích Thanh Tứ và hoà thượng Thích Trí Quảng được mời dùng cơm đặc biệt với đức Dalai Lama và các viên chức quan trọng của chính phủ Ấn-độ, như một dấu chỉ liên kết tình hữu nghị giữa các nước.
            Buổi chiều ngày 17-2 được bắt đầu bằng các lời kinh tụng của Tích-lan, Thái-lan và Tây Tạng. Ngay sau đó, hai chủ đề hội thảo được diễn ra cùng một lúc trong hai hội trường khác nhau. Đoàn GHPGVN chia làm 2 để tham dự vào hai cuộc hội thảo. Chủ đề hội thảo thứ nhất là: “Phật Giáo trong Thế Kỷ 21” với sự thuyết trình của 8 nước, trong đó, Hoà thượng Thích Thanh Tứ trình bày về đề tài “Các Giá Trị Phật Giáo và Sự Hấp Dẫn Du Lịch Tâm Linh.” Chủ đề hội thảo thứ hai là “Phật Giáo và Hoà Bình Thế Giới” với sự thuyết trình của 9 đại biểu. Các đại biểu đã tuần tự trình bày sự thích ứng của triết học Phật giáo trong thế giới hiện đại và thông qua đó nhằm xác định rằng thông điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật sẽ là phương châm sống và hành động vì lợi ích của các cộng đồng và dân tộc trên khắp thế giới.
            Từ 16g đến 18g30, các xe du lịch đã lần lượt đưa qúy đại biểu tham quan Viện Bảo Tàng Quốc Gia tại New Delhi, để thưởng thức Các Bộ Sưu Tập về các Kho Tàng Phật Giáo cũng như Triển Lãm Hình Ảnh về các Thánh Tích Phật Giáo. Tại đây, quý đại biểu còn có dịp chiêm ngưỡng và đảnh lễ các viên xá lợi của đức Phật được thờ trong tháp vàng do những nghệ nhân của Thái Lan thiết kế. Sau đó, đoàn đại biểu được chở đến Nhà Trưng Bày Nghệ Thuật Hiện Đại cấp Quốc Gia, để thưởng thức các bức tranh tượng hình rất sắc xảo của nhiều hoạ sĩ tài danh Ấn-độ. Các cuộc triển lãm về nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật hiện đại của Ấn-độ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một đất nước phong phú và đa dạng về nghệ thuật và văn hoá. Tối 19g30 đến 20g15, chương trình văn nghệ với chủ đề: “Phật giáo - Cuộc Hành Trình Tâm Linh” đã làm cho quý đại biểu yêu quý đất nước Ấn-độ với những điệu múa và lời ca đầy thiền vị giải thoát.
            Buổi sáng ngày 18-2, 3 phần hội thảo khác được diễn ra cùng một lúc trong ba hội trường khác nhau. Hội thảo thứ tư với chủ đề “Hành Hương Đất Phật – Các Vấn Đề và Triển Vọng” đã đặt ra các trở ngại và thách thức trong du lịch Ấn-độ và hướng khắc phục. Hội thảo thứ năm với chủ đề “Phật Giáo và Quốc Tế Hoá” nhằm khẳng định các giá trị Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc quốc tế hoá mối quan hệ hữu nghị giữa các nước yêu chuộng hoà bình và văn hoá tâm linh. Hội thảo thứ sáu với chủ đề “Các Di Tích Văn Hoá Phật Giáo ở Ấn-độ” nhằm giới thiệu về tầm quan trọng cũng như các giá trị văn hoá và nghệ thuật của các thánh tích Phật giáo như là cội nguồn của nhiều truyền thống tâm linh ở Ấn-độ.
            Buổi chiều ngày 18-2, hai phần hội thảo cuối cùng được diễn ra trong hai hội trường khác nhau. Hội thảo thứ bảy với chủ đề “Đẩy Mạnh các Chuyến Du Lịch Phật Giáo tại Ấn Độ” nhằm thảo luận các phương án hữu hiệu để thu hút du khách và khách hành hương đến Ấn-độ nhiều hơn, để các giá trị tinh thần và tâm linh của Phật giáo luôn được sống mãi trong lòng của nhân loại. Phần hội thảo cuối cùng gồm hai phần: phần đầu thuyết trình về chủ đề “Đức Phật Đã Dạy Những Gì” và phần sau là trình bày “Nghệ Thuật Ajanta.”
            Đoàn đại biểu của GHPGVN được chia làm nhiều nhóm để tham dự tất cả tám buổi hội thảo khác nhau. Hoà thượng Thích Thanh Tứ là đại biểu duy nhất của Việt Nam có thuyết trình. HT. Thích Trí Quảng, TT. Thích Thiện Nhơn, TT. Thích Giác Toàn và ĐĐ. Thích Nhật Từ mặc dù có bài hội thảo từ nhiều góc độ khác nhau, và bài được phân phối đến quý đại biểu nhưng vì do đăng ký trễ, nên không được sắp vào chương trình thuyết trình chính thức của hội nghị.
Lúc 16g00 ngày 18-2, hơn một ngàn đại biểu ngoại quốc và Ấn-độ đến nhà ga thủ đô New Delhi, đi Gaya bằng chuyến xe lữa siêu tốc Liên Bang Radhani. Các hành khách được phục vụ ăn uống rất chu đáo. 7g30 ngày 19-2, khoảng 100 nhà lãnh tụ tâm linh Phật giáo cũng như các giới chức cao cấp của Phật giáo đến từ 25 nước đến Bồ-đề Đạo Tràng bằng một chuyến bay đặc biệt của Bộ Hàng Không Dân Dụng.
Mặc dù chiếc máy bay đặc biệt này đã đến trễ 2 tiếng và chuyến xe lửa đến trễ 4,5 tiếng, Lễ mừng “Tháp Đại Giác” được UNESCO liệt vào Di Sản Văn Hoá Thế Giới được diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm và trọng thể. Cờ năm sắc của Phật giáo tung bay khắp khuôn viên tháp Đại Giác. Tiếng tụng kinh của các vị kinh sư Tây Tạng ngân vang, làm không khí của tháp càng linh thiêng hơn. Tăng ni và Phật tử hiện diện chấp tay hướng về lễ đài, như để kính lễ đức Phật. Đèn cầy được thấp lên làm cho trời sáng càng thêm sáng. Các loại hoa quý đẹp được trang hoàng lộng lẫy xung quanh tháp. Tượng đức Phật chuyển pháp luân trong chánh điện tháp được thép vàng sáng rực. Tăng ni và Phật tử, người cầm chuổi, người niệm Phật, người thiền toạ trong khuôn viên tháp làm cho không khí ngày 19 –2 trở thành ngày lễ hội văn hoá Phật giáo.
Khi buổi lễ vừa kết thúc, đoàn đại biểu vào chánh điện Tháp Đại Giác để đảnh lễ đức Phật. Sau đó, tất cả đại biểu đi kinh hành quanh tháp để tưởng niệm sự kiện đức Phật thành đạo tại đây. Các đại biểu còn được hướng dẫn tham quan các ngôi chùa ngoại quốc được xây dựng trong khu vực quanh tháp. Sau khi ăn cơm trưa, các đại biểu Phật giáo tiêu biểu của các nước được hướng dẫn tham quan thánh tích Sarnath, nơi đức Phật chuyển bánh xe chánh pháp.
Chiều 16g00 ngày 20-3, toàn thể đại biểu dự tiệc trà thân mật do tổng thống Ấn-độ chiêu đãi, trong không khí thân mật và cởi mở. Vị tổng thống đã đến từng chỗ ngồi, bắt tay từng đại biểu một. Trước khi chia tay, với một giọng nói thâm trầm va tha thiết, ông bày tỏ rằng các nhà tâm linh và các nhà lãnh đạo Phật giáo trên khắp thế giới hãy cùng Ấn-độ xây dựng một trường đại học của tình thương, hiểu biết và đoàn kết khắp nơi trên trái đất này. Trường đại học đó phải vắng mặt các thái độ “tôi và của tôi” để mọi người có thể cùng sinh sống, cùng hành động và cùng chia sẻ các giá trị tinh thần và văn hoá mà đức Phật  Thích-ca đã dầy công giảng dạy, để thế giới này không còn chiến tranh, hận thù và khổ đau.
 THĂM TĂNG NI SINH VÀ ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM
Sau ba ngày làm việc, chương trình hội nghị đã chấm dứt. Phái đoàn GHPGVN chia làm hai nhóm, một nhóm tiếp tục lên đường chiêm bái các thánh tích còn lại, một nhóm đã đến viếng trường Đại học Delhi tại thủ đô Ấn-độ. Tại hội trường Tagore, hơn 100 tăng ni sinh Việt Nam phần lớn đang theo học bộ môn Phật học đã thể hiện nét mặt hân hoan và hạnh phúc khi nhìn thấy chư tôn đức lãnh đạo giáo hội đã quan tâm sâu sắc đến sự tu học đầy khó khăn của họ tại đất Phật. Thượng toạ giáo sư Satyapal trưởng bộ môn Phật học và các tiến sĩ đồng nghiệp của ông đã tiếp đón đoàn một cách trọng thể. Các giáo sư bộ môn Phật học và chư tôn đức trong phái đoàn đều nhất trí rằng trong tương lai sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ hơn để giao lưu văn hoá và giáo dục giữa Ấn-độ và Việt Nam. HT. Thích Thanh Tứ, HT. Thích Trí Quảng và TT. Thích Giác Toàn đã lần lượt sách tấn tăng ni sinh, bằng cách khẳng định tăng ni sinh là trụ cột tương lai của GHPGVN. Chư tôn đức đã tha thiết khuyên họ nên tinh tấn nhiều hơn nữa trong tu học để sớm trở về phục vụ giáo hội và dân tộc. 10.000 đô Mỹ và quà tết đầy hương vị của quê hương Việt Nam như: mứt sen, rong biển, nước tương, kỷ yếu đại hội kỳ V, kỷ yếu thành lập GHPGVN, lịch chú tiểu và báo xuân Giác Ngộ v.v... đã được gởi đến các tăng ni sinh hiện diện.
Vào lúc 14g00 ngày 20-2-2004, phái đoàn đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi. Ông Đại sứ và các nhân viên Sứ quán đã tiếp đoàn một cách thân mật. Sau khi nghe ông Đại sứ trình bày về các mối quan hệ song phương và đa dạng về chính trị, kinh tế, giáo dục và tôn giáo giữa Ấn-độ và Việt Nam, Hoà thượng Thích Thanh Tứ thay mặt đoàn yêu cầu Sứ quán Việt Nam giúp đỡ tăng ni sinh nhiều hơn nữa, trong các thủ tục nhập học và học tiếp, để họ sớm hoàn tất các chương trình học đang theo đuổi, nhờ đó, họ có thể sớm trở về phục vụ Phật giáo và dân tộc.
 LƯU LUYẾN DƯ HƯƠNG
Rời khỏi Ấn-độ, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng, tràn đầy pháp hỷ như dư hương của thánh tích Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Sản Văn Hoá Thế Giới vẫn còn phảng phất đâu đây. Trong sâu thẳm tâm thức của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, hình ảnh tăng ni sinh đang tu học tại đất Phật lại hiện lên như một nguồn hy vọng cho một tương lai rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam. Máy bay đã cất cánh. Hình ảnh của đất Phật thân yêu mất dạng. Các di sản văn hoá liên hệ đến cuộc đời của đức Phật vẫn còn mãi trong tâm trí mỗi người. Nhớ lại hình ảnh của các tăng ni sinh đang tu học tại Tây Trúc, các thành viên trong đoàn không khỏi liên tưởng đến sự kiện “hành trình về đất Phật” hay “hành trình thỉnh kinh trên đất Phật” không còn là ước vọng nữa, mà đã trở thành hiện thực của hôm nay và ngày mai!

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/

 


Vào mạng: 10-8-2002

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang