-
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH PHẬT GIÁO LẦN 4
-
TRUNG TÂM HOÀ HỢP VÀ THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO
Các lãnh tụ Phật giáo
tin tưởng và nỗ lực thống nhất các truyền thống thành một đạo Phật duy
nhất, một giáo pháp thống nhất, dựa vào các những lời dạy nguyên thuỷ của
đức Phật, để làm cho đạo Phật trở thành tôn giáo toàn cầu trong giai đoạn
đa nguyên và đối thoại liên tôn phức tạp hiện nay.
-
-
Các vị lãnh tụ của 23 nước thành viên trong hội
nghi thượng đỉnh Phật giáo lần 4
I. NỘI DUNG HNTĐPGTG LẦN 4
Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo
lần thứ 4 được tổ chức tại Toà Nhà Hội Nghị Chumphon Khet Udomsak thuộc
khuôn viên Hải Quân Hoàng Gia Thái Lan, Bangkok, từ ngày 1-11 đến
5-11-2005. Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo được xem là trung tâm hoà hợp
Nam tông và Bắc tông và các tông môn pháp phái Phật giáo trên khắp thế
giới, nơi đó, chư tôn thiền đức lãnh đạo các giáo phái Phật giáo trên khắp
thế giới gặp gỡ trong tinh thần hoà hợp, trao đổi quan điểm trong tinh
thần hiểu biết, thiết lập sự hợp tác trong tinh thần tương trợ và vượt qua
tất cả những dị biệt về văn hoá, phong tục, tập quán cũng như trong hành
trì, nhằm nỗ lực duy trì và phát triển Phật giáo trong giai đoạn đa nguyên
và đối thoại liên tôn hiện nay.
Khắp các trục lộ giao thông
chính ở Thái Lan đều có ghi băn-rôn chào mừng HNTĐPGTG làm cho Hội nghị
thượng đỉnh Phật giáo tăng thêm ý nghĩa hội nhập xã hội. HNTĐPGTG lần này
còn nhằm vào sự kiện kỷ niệm năm thứ 60 ngày lên ngôi của vua Thái Lan
Bhumibol Adulyadej, một hành giả Phật giáo nổi tiếng ứng dụng lời Phật dạy
trong việc giải quyết các vấn nạn quốc gia và thế giới. Một cách gián tiếp
HNTĐPGTG nhằm khẳng định vai trò chuyển luân thánh vương trong các nước
Phật giáo là quốc giáo, với sự mong mỏi rằng nguyên thủ của các nước mà
Phật giáo chiếm đại đa số, nên lấy tư tưởng Phật dạy làm nền tảng văn hoá,
đạo đức và tinh thần của quốc gia.
HNTĐPGTG lần này do Trường Đại
Học Phật Giáo Mahamakut, Thái Lan, đăng cai tổ chức với sự phối hợp của
Tông Niệm Phật Nhật Bản (Nenbutsushu), dưới sự chứng minh và bảo trợ của
Tăng thống Thái Lan, đại lão hoà thượng Nyanasamvara và Hội Đồng Tối Cao
Tăng Già Thái Lan cũng như Hoàng gia Thái Lan, Chính phủ Thái Lan và nhiều
tổ chức phi chính phủ khác.
Trong số hơn 3500 đại biểu đến
từ 23 nước có các nhà lãnh tụ Phật giáo vốn là thành viên sáng lập Hội
Nghị Thượng Đỉnh và các phái đoàn Phật giáo đại diện các tông môn pháp
phái trong nhiều nước. Đoàn có số lượng đại biểu đông nhất là Nhật Bản,
trên 2000 người. Kế đến là Thái Lan hơn 1000 người. Còn lại là đại biểu
của các nước.
Bắt đầu lễ khai mạc, công chúa
Thái Lan Chikri Sirindhorn, nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng, đã dóng
tiếng chuông tỉnh thức với một nghi thức rất đơn giản nhưng không kém phần
trang trọng. Trong diễn văn khai mạc, công chúa đã bày tỏ lòng hân hoan:
“Tôi rất hạnh phúc khi lãnh tụ Phật giáo và các nhà hành trì Phật giáo của
23 nước Nam tông và Bắc tông đã hội tụ tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo
để cùng tìm kiếm các giải pháp chung nhằm truyền bá lời giáo pháp Phật đến
với nhân loại.” Với lòng xác quyết, công chúa khẳng định rằng giáo pháp
của Phật sẽ góp phần bảo vệ hoà bình trên thế giới này bằng lòng từ bi và
tinh thần tương ái.
Đặc biệt HNTĐPGTG có sự tham dự
của thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, hai phó thủ tướng Thái Lan
Suwat Liptapanlop và Wissanu Krea-ngam, và một số bộ trưởng Thái Lan.
Khách danh dự quốc tế gồm có thủ tướng Hun Sen, hoàng tử Norodom
Chakrapong, đại diện tối cao của Vua Campuchia và nhiều bộ trưởng
Campuchia; thủ tướng Lào Bounnhang Vorachith; công chúa nước Bhutan Ashi
Sonam Dechan Wangchuck; đệ nhất phu nhân Mông Cổ Tsolmon Onon; tổng thống
thứ hai của Mông Cổ Natsagiin Bagabandi và cựu phu nhân Mông Cổ Oyunbileg
và hơn 10 đại sứ nước ngoại tại Thái Lan và 7 thành viên cao cấp của Liên
Hợp Quốc, v.v.... Phái đoàn chính thức của PGVN gồm có năm vị: HT. Thích
Trí Quảng làm trưởng đoàn, TT. Thích Giác Toàn và TT. Thích Gia Quang làm
phó đoàn, TT. Thích Huệ Trung, ĐĐ. Thích Nhật Từ làm thư ký và sáu tăng
sinh Việt Nam đang du học tại Thái Lan.
Bên cạch chư tôn đức lãnh đạo
tâm linh Phật giáo đến từ các nước sáng lập như Áo, Úc, Bangladesh,
Bhutan, Campuchia, Pháp, Đức, Ấn-độ, Ý, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Loà,
Malaysia, Mongolia, Miến-điện, Nepal, Nga Sô, Singapore, Tích-lan, Thuỵ
Sĩ, Thái Lan và Việt Nam, còn có các thành viên đại diện cho các giáo hội
Phật giáo khắp nơi.
Chủ tịch HNTĐPGTG, hoà thượng
tiến sĩ Kyuse Enshijoh (Cửu Thế Viên Tâm Định), người đã có sáng kiến
thành lập hội nghị thượng đỉnh Phật giáo lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1998
tại Kyoto Nhật Bản đã khẳng định: “Đây là lần thứ tư, lãnh tụ tối cao của
Phật giáo ở các nước đã vượt qua các rào cản giữa các trường phái Thượng
toạ bộ, Đại thừa và Kim Cang thừa, nỗ lực cùng nhau truyền bá thông điệp
từ bi và trí tuệ của đức Phật, để góp phần làm giảm bớt sân hận, xung đột
ngày càng gia tăng trên khắp thế giới.” Trong bài phát biểu sâu sắc của
mình, hoà thượng Kyuse Enshijoh đã xác quyết rằng HNTĐPGTG là “trung tâm
của Phật giáo” nơi mà hơn 370 triệu Tăng ni và Phật tử trên khắp thế giới
có thể dựa vào sự hỗ trợ tâm linh của các lãnh tụ Phật giáo thế giới, để
cùng nắm tay nhau, vượt qua các dị biệt về truyền thống và quốc tịch, cùng
nhau xây dựng một đạo Phật thống nhất, phát triển trong lòng của xã hội và
thế giới.
Mục đích của HNTĐPGTG là nhằm
thiết lập diễn đàn quốc tế nhằm vượt qua các trở ngại về địa dư, văn hoá,
và sự khác biệt về pháp môn hành trì, để nhiều trường phái Phật giáo có
thể ngồi lại với nhau, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục và hoằng
pháp. Tất cả đều thừa nhận rằng sự khác biệt giữa các trường phái Phật
giáo nằm ở các thức giải thích khác nhau về những gì đức Phật đã giảng
dạy. Trải qua chiều dài lịch sử mấy ngàn năm phát triển, từ 18 trường phái
Phật giáo lớn trong quá khứ, bây giờ chỉ còn hai truyền thống chính, đó
là, Phật giáo Thượng Toạ Bộ (Nam tông) và Phật giáo Đại thừa (Bắc tông).
Riêng Đại thừa có nhiều hình thái khác nhau, bao gồm Kim Cang thừa.
Các lãnh tụ Phật giáo tin tưởng
và nỗ lực thống nhất các truyền thống thành một đạo Phật duy nhất, một
giáo pháp thống nhất, dựa vào các những lời dạy nguyên thuỷ của đức Phật.
Tất cả cùng tôn thờ đức Phật Thích-ca Mâu-ni là thầy tâm linh cao cả, các
giáo pháp về bốn chân lý thánh, nguyên lý duyên khởi tương thuộc, ba dấu
ấn của thực tại và con đường tu tập thiền quán để giải phóng nỗi khổ niềm
đau được xem là những điểm chung nhất giữa các truyền thống Phật giáo, cần
phải được phát huy để thống nhất đạo Phật về một mối. Mặc dù các truyền
thống Phật giáo giải thích khác nhau về lời Phật dạy dẫn đến các hành trì
khác nhau, nhưng trong lịch sử, chưa bao giờ có bạo động và đỗ máu. Đó là
do tinh thần hiểu biết trong tuệ giáo, độ lượng trong quan điểm dị biệt và
sự hành trì thiền quán.
Để góp phần tháo gở và giải
quyết các vấn nạn toàn cầu mà các nhà lãnh tụ Phật giáo trên khắp thế giới
đang quan tâm, chương trình nghị sự bao gồm bốn nhóm chủ đề chính được các
đại biểu đăng ký toạ đàm tại bốn hội trường khác nhau: 1) Phật giáo và
công nghệ thông tin (Buddhism and Information Technology), 2) Sự
hoằng pháp trong thời đại toàn cầu hoá (Propagation of Buddhism in the
Globalisation Age), 3) Phật giáo: tôn giáo của nhân loại, do con người
tạo ra, nhưng dành cho tất cả chúng sinh (Buddhism: Religion of Human
Beings, by Human Beings but for All Sentient Beings), 4) Vai trò của
cộng đồng Phật giáo chống lại chủ nghĩa khủng bố và thiên tai (Role of
Buddhist Community against Terrorism and Natural Disater).
HT. Thích
Trí Quảng, TT. Huệ Trung và ĐĐ. Nhật Từ tham gia thảo luận chủ đề hai,
trong khi TT. Giác Toàn và TT. Gia Quang tham gia thảo luận chủ đề 4.
Trong lời phát biểu, hoà thượng
Thích Trí Quảng đề nghị chư tôn đức thành viên sáng lập biến HNTĐPGTG
thành một hình thái của Liên Hợp Quốc Phật Giáo, nơi đó, các lãnh tụ Phật
giáo sẽ bầu chọn hội đồng lãnh đạo tối cao không chỉ làm việc vài ngày sau
2 năm, mà làm việc mỗi ngày để thiết lập và ứng dụng chính sách giáo dục,
hoằng pháp và phát triển Phật giáo một cách với hệ thống quy mô. HT. Thích
Trí Quảng đã thay mặt đoàn tặng bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam cho đơn vị đăng
cai tổ chức HNTĐPGTG lần 4 là trường đại học
Phật giáo Mahamakut, và tặng
chùa Một Cột, biểu tượng của văn hoá Phật giáo Việt Nam cho Hoà thượng chủ
tịch HNTĐPGTG.
Ngày 3-11-2005, sau ba ngày hội
thảo và làm việc trong tinh thần đoàn kết và hoà hợp, lãnh tụ Phật giáo
của các nước đã ký chung một nghị quyết gồm 8 điều. Điều 5 xác định rằng
để tạo ra biểu tượng thống nhất Phật giáo thế giới, HNTĐPGTG chấp nhận lấy
Đại Chánh Điện Hoàng Gia Phật Giáo ở Nhật Bản do Niệm Phật Tông Nhật Bản
xây dựng trong nhiều năm qua làm trung tâm tâm linh của HNTĐPGTG. Điều 7
xác quyết rằng để làm sống lại tinh thần giáo dục độc đáo và quy mô nhất
trong lịch sử Phật giáo của đại học Phật giáo Nalanda ở Ấn Độ, Niệm Phật
Tông Nhật Bản sẽ xây dựng trường đại học Nalanda mới trong khuôn viên của
Đại Điện Hoàng Gia Phật Giáo. Trường đại học Nalanda mới này dự kiến sẽ
đào tạo các nhân tài Phật giáo, các nhà nghiên cứu Phật học và các hành
giả của nhiều truyền thống Phật giáo để truyền bá lời Phật dạy một cách có
hệ thống và quy mô theo kế hoạch lâu dài.
Các nước thành viên sáng lập đã
nhất trí Niệm Phật Tông Nhật Bản đăng cai tổ chức HNTĐPGTG lần thứ năm vào
đầu năm 2007 tại Nhật Bản nhân ngày khánh thành Đại Điện Hoàng Gia Phật
Giáo.
Hai ngày cuối cùng của
HNTĐPGTG, các đại biểu được phân thành bốn nhóm đi tham quan các di tích
văn hoá lịch sử và tâm linh của Phật giáo Thái Lan ở Bangkok. Các địa điểm
tham quan của ngày thứ nhất bao gồm Hoàng Cung, chùa Phra Kaeo, chùa Pho,
chùa Arun. Các địa tham quan ngày thứ hai thuộc Ayatthaya, thủ phủ của
Thái Lan trước Bangkok, bao gồm chùa Yai Chai Mongkon, chùa Phra Mahathat
và chùa Phra Shi Sanphet.
HNTĐPGTG lần thứ tư đã kết thúc
nhưng chương trình nghị sự về cách làm thế nào để Phật giáo trở thành tôn
giáo chính của thế kỷ 21 trở đi, các phương pháp làm cho Phật giáo ngày
càng phát triển trong bối cảnh đa nguyên và đối thoại tôn giáo hiện nay,
và đặc biệt trong bối cảnh Thiên chúa giáo chọn châu Á làm điểm truyền bá
trong thiên niên kỷ thứ ba Phật giáo phải làm gì để tín đồ Phật giáo vẫn
vững tin sống đạo trong chiến lược “theo đạo có gạo mà ăn” của Thiên chúa
giáo, vẫn còn đọng mãi trong tâm trí và hạnh nguyện của chư tôn đức lãnh
đạo. Mong sao tinh thần của HNTĐPGTG sẽ sớm được chư tôn đức lãnh đạo giáo
hội Phật giáo ở các nước đưa vào chương trình nghị sự và thực hiện trong
mỗi quốc gia, để thông điệp từ bi, trí tuệ và giác ngộ của đức Phật đến
với nhiều người hơn.
II. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ HỘI
NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
Người sáng lập: HT. Tiến sĩ
Kyuse Enshijoh (Cửu Thế Viên Tâm Định).
Các nước và thành viên sáng
lập: Áo, Úc, Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Pháp, Đức, Ấn-độ, Ý, Nhật Bản,
Nam Triều Tiên, Loà, Malaysia, Mongolia, Miến-điện, Nepal, Nga Sô,
Singapore, Tích-lan, Thuỵ Sĩ, Thái Lan và Việt Nam.
HNTĐPGTG lần 1: tổ chức vào
tháng 4-1998 tại thành phố Kyoto Nhật Bản, do Niệm Phật Tông Nhật Bản khởi
xướng và tài trợ. Đây là lần đầu tiên lãnh tụ Phật giáo ở 23 quốc gia khác
nhau ngồi lại với nhau trong tinh thần thống nhất hoà hợp và tôn trọng các
dị biệt về văn hoá và phương pháp hành trì của các truyền thống Phật giáo,
thảo luận về phương pháp giáo dục và hoằng pháp, để đạo Phật trở thành
điểm tựa tâm linh của thế giới.
HNTĐPGTG lần 2: Tổ chức vào năm
2000 tại Buddhamonthon vương quốc Thái Lan, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ
72 của vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, dưới sự chứng minh và bảo trợ của
tăng thống Thái Lan, và có sự tham dự của hoàng tử Maha Vajiralongkorn đại
diện vua Thái Lan và thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là Chuan Leekpai.
HNTĐPGTG lần 3: Tổ chức vào năm
2002 tại Hội trường Ngai Vàng thuộc Cung Điện ở Phnom Penh, thủ phủ của
vương quốc Campuchia, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của vua Norodom
Sihanouk, dưới sự chứng minh của vua và hoàng hậu Norodom Monineath
Sihanouk, thủ tướng Hun Sen và các quan chức của chính phủ.
HNTĐPGTG lần 4:
Dự kiến tổ chức vào tháng 12-2004 tại Miến
Điện, nhưng chương trình chính thức đã được huỷ bỏ, ngay sau sự kiện cựu
thủ tướng Khin Nyunt bị bắt. Chương trình của HNTĐPGTG lần 4 vẫn được
chính phủ quân phiệt Miến Điện tiếp tục tổ chức nhưng không có giá trị
pháp lý, vì lãnh tụ Phật giáo ở 23 nước sáng lập đã không ủng hộ. HNTĐPGTG
lần 4 đã được tổ chức lại vào tháng 11-2005, nhân kỷ niệm 60 năm
lên ngôi của vua Thái Lan.
Mục đích của HNTĐPGTG: 1) Là
trung tâm, nơi mà các lãnh tụ Phật giáo Nam tông và Bắc tông trên thế giới
sẽ vân tập, trao đổi quan điểm và kinh nghiệm hành trì, vượt qua mọi khác
biệt về truyền thống, sắc tộc, quốc tịch và địa dư. 2) Là nơi tạo ra một
không gian hiểu biết, tương kính và hợp tác giữa các trường phái Phật
giáo, để các lãnh tụ Phật giáo của Nam tông và Bắc tông đồng tâm hiệp lực,
tay trong tay, truyền bá thông điệp cứu khổ của đức Phật đến với nhân
loại. 3) Kêu gọi thế giới tích cực nghiên cứu và đưa vào hành trì giáo
pháp của Phật đẻ cho xã hội và nhân loại ngày nay được thịnh vượng và hạnh
phúc trong hoà bình và chúng sinh được an lạc.
(Tường
thuật tại Bangkok, ngày 4-11-2005)
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/hoinghi_thuongdinh4.htm