Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
MỤC ĐÍCH CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
DƯỚI CÁI NHÌN CỦA BAN TỔ CHỨC
 Thích Nhật Từ

Mặc dù chương trình làm việc trong ba ngày hội nghị trật kín, ĐĐ. Thích Nhật Từ đã cố gắng liên lạc và phỏng vấn hoà thượng chủ tịch sáng lập HNTĐPGTG Kyuse Enshinjoh và TT. quyền viện trưởng Đại học Phật giáo Mahamakut. Giác Ngộ trích đăng nội dung của phỏng vấn.

 

Thích Nhật Từ:  Trong HNTĐPGTG có nhiều trường phái Phật giáo khác nhau. Hẳn mục đích là nhằm thiếp lập nền tảng cho sự thống nhất Phật giáo thế giới. Xin hoà thượng nói rõ hơn.

 HT. TS. Kyuse Enshinjoh: Có hai truyền thống lớn trong Phật giáo: Thượng toạ bộ (thường bị ngộ nhận là Tiểu thừa) và Đại thừa (bao gồm Kim Cang thừa của Tây Tạng). Phật giáo Thượng toạ bộ đã trở thành nền tảng văn hoá và hành trì ở Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia. Phật giáo Đại thừa trở thành nguồn tâm linh của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Sự khác biệt có nguồn gốc từ kinh điển dẫn đến các hình thái hành trì khác nhau, mặc dù mục đích đạt được chỉ là một. Từ lâu, sự khác biệt đó đã có lúc trở thành rào cản làm ảnh hưởng đến sự hợp tác xây dựng và hiểu biết giữa những người con Phật trên khắp thế giới. Nỗ lực của Tông Niệm Phật qua việc khởi xướng và bảo trợ các Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo là nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực, bằng cách tạo cơ hội để hai truyền thống lớn trong Phật giáo và các tông môn pháp pháp có thể gặp gỡ, hội hợp, làm việc trong tinh thần hoà hợp. Tôi cho rằng cách thức tương tác như vậy sẽ thiết lập sự hiểu biết và hỗ tương trong mục đích truyền bá Phật pháp đến với cuộc đời và góp phần thiết lập một xã hội thanh bình và hạnh phúc.

Hỏi: Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo được xem là trung tâm, nơi mà các lãnh tụ của hai truyền thống Phật giáo có thể gặp gỡ, chia xẻ quan điểm, thiết lập sự hợp tác,  vượt qua những dị biệt và dĩ nhiên mang lại sự phát triển và an ninh cho Phật giáo. Trong quá khứ đã từng có các tổ chức và hội nghị quốc tế của Phật giáo. Về bản chất, HNTĐPGTG có gì khác biệt với các hội nghị quốc tế khác của Phật giáo?

HT. TS. Kyuse Enshinjoh: Có hai khác biệt rất lớn giữa HNTĐPGTG và các hội nghị quốc tế khác của Phật giáo. Thứ nhất, trong các tổ chức và hội nghị Phật giáo thế giới trong quá khứ, các nhà lãnh tụ Phật giáo thế giới thường bị sử dụng như một công cụ hỗ trợ các khuynh hướng chính trị, hoặc là tư bản hoặc là cộng sản, trong khi HNTĐPGTG thuần tuý Phật giáo, do Phật giáo thành lập, hoạt động theo tông chỉ thuần tuý của đạo Phật, không cổ suý cho bất kỳ chính thể nào, và không để bất kỳ tổ chức nào lợi dụng để cổ suý cho ý thức hệ chính trị. Chỉ với như vậy, chất xám và trí tuệ tập thể của chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo ở các nước mới có thể phục vụ cho nhân loại lâu dài. Thứ hai, vì không bị chính trị lợi dụng và không cổ suý cho chính thể nào, HNTĐPGTG sẽ là trung tâm chia sẻ kinh nghiệm hành trì, giáo dục và hoằng pháp giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau, tôn trọng các dị biệt về văn hoá và pháp môn, để bảo vệ đạo Phật không bị suy thoái và mất gốc ở châu Á, trước tình hình bành trướng của Thiên chúa giáo hiện nay.

 Hỏi: Con nghĩ rằng bên cạnh việc biến HNTĐPGTG trở thành nơi và cơ hội trao đổi kinh nghiệm hành trì và ứng dụng trong giáo dục và hoằng pháp, HNTĐPGTG còn có mục đích cao thượng hơn, đó là, dóng tiếng chuông chấn hưng Phật giáo, trước sự giảm thiểu số lượng tín đồ Phật giáo, và làm cho đạo Phật trở thành đạo của nhân loại. Xin hoà thượng cho biết thêm về vấn đề này.

HT. TS. Kyuse Enshinjoh: Quả thực đúng vậy. Vào tháng 4 năm 1998, tại HNTĐPGTG lần 1 tổ chức tại Kyoto Nhật Bản, quê hương của tôi, tôi đã trao đổi với hoà thượng tăng thống Thái Lan Somdet Phra Nyanasamvara và pháp hữu của tôi là đức Dalai Lama thứ 14. Tôi không thể quên  nội dung của cuộc trao đổi giữa ba chúng tôi. Một trong các chủ đề mà chúng tôi thảo luận là: “Ai chịu trách nhiệm cho sự suy thoái Phật giáo trên thế giới, đến độ nhiều nước vốn trước đây Phật giáo là quốc giáo nay không còn đạo Phật nữa?” Cả ba chúng tôi đều nhất trí: “Trách nhiệm thuộc về các lãnh tụ Phật giáo trong mỗi quốc gia và trên thế giới.” Nếu chúng ta cứ mãi hãnh diện và tự hào về tuệ giác của Phật giáo hơn hẳn các tôn giáo mà không ứng dụng các ngôn ngữ và phương pháp luận thời đại để giới thiệu đạo Phật một cách có nghệ thuật, quần chúng Phật giáo sẽ dần dần bỏ đạo theo các tôn giáo có những sinh hoạt giới trẻ hấp dẫn hơn. Tôi cho rằng đã đến lúc, nếu không nói là quá muộn, các nhà lãnh tụ Phật giáo cần phải cách tân cách thức truyền bá đạo Phật. Đừng để đạo Phật trở thành một thực thể tâm linh siêu giá trị trong viện bảo tàng, mà hãy làm cho đạo Phật sống mãi trong lòng của nhân loại. Phải xây dựng một đạo Phật tại nhân gian, cho nhân loại và phục vụ nhân loại bằng những phương tiện hữu hiệu của công nghệ thông tin. Đạo Phật phải dấn thân vào cuộc đời, góp phần giải quyết các vấn nạn của thời đại, mang lại hoà bình cho những nơi có khủng bố, xung đột và chiến tranh; cung ứng tình thương và chia sẻ tài vật cho những nạn nhân thiên tai đang cần sự giúp đỡ. Nếu lãnh tụ của Phật giáo các nước cứ chờ quần chúng đến với mình thì đạo Phật sẽ không thể phục vụ cho ai được. Các nhà hoằng pháp phải mang đạo Phật đến với cuộc đời. Vì muốn biến các mơ ước đó trở thành hiện thực, tôi đã quyết định thành lập HNTĐPGTG để góp phần cùng chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo của các quốc gia chấn hưng Phật giáo quốc gia và thế giới. Ước mơ đó đã và đang là hiện thực. Tôi tha thiết kêu gọi chư tôn đức và các nhà nghiên cứu Phật giáo biến chúng trở thành hiện thực.

---2---

Hỏi: Trong bốn lần tổ chức HNTĐPGTG, Thái Lan đã may mắn được đăng cai tổ chức hai lần. Bên cạnh các nỗ lực thiết lập mạng lưới Phật giáo toàn cầu, xin Thượng toạ cho biêt với tư cách là đơn vị tổ chức các mục đích khác của hội nghị.

 TT. Rajmedhaphorn: Đât nước Thái Lan may mắn vì có hoàng gia Thái Lan là Phật tử thuần thành. Hai lần tổ chức HNTĐPGTG đều được hoàng gia và chính phủ ủng hộ về nhiều phương diện. Hội Nghị Thượng Đỉnh Phật Giáo Thế Giới lần 4 được tổ chức tại Bangkok (thành phố thiên thần) đã đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử truyền bá Phật giáo trong thời hiện đại. Đây là lần thứ tư các lãnh tụ Phật giáo khắp năm châu bốn biển đã vân tập về trong sự hoà hợp, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hoằng pháp, làm cho đạo Phật trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hoà bình trên thế giới. Tôi tin chắc rằng sự thành công của HNTĐPGTG sẽ mang lại hoà bình, hạnh phúc, hoà hợp và thống nhất các trường phái Phật giáo trong tương lai. Nhờ đó, Bắc tông không còn quan niệm Nam tông là tiêu nha bại chủng và Nam tông không còn xem Bắc tông là ngoại đạo. Thiết lập tình pháp hữu giữa các trường phái Phật giáo là điều không thể không làm trong thời hiện đại, khi các tôn giáo lớn trên thế giới như Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo vốn đã từng tiêu diệt lẫn nhau, còn đối thoại liên tôn. Phật giáo là tôn giáo nổi tiếng yêu chuộng hoà bình, không có xung đột nội bộ bằng chiến tranh mặc dù có những khác biệt căn bản về học thuyết và hành trì, có cơ hội thống nhất hơn các tôn giáo khác. Nếu Phật giáo không thống nhất, Phật giáo sẽ yếu đi và do đó thông điệp của đức Phật sẽ không thể đến với nhân loại được.

 Hỏi: Theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa, chúng ta có thể nói rằng: “Phật tử là người sinh ra từ miệng đức Phật, thông qua sự truyền bá chánh pháp của ngài, sinh ra từ chánh pháp và được nắn tạo từ chánh pháp. Như vậy, sự hợp nhất Phật giáo thế giới thành một đại gia đình là một nhu cầu không thể thiếu?

TT. Rajmedhaphorn: Phật giáo đã phát triển trong nhiều bối cảnh lịch sử và văn hoá khác nhau, nhưng bản chất của chánh pháp như con đường diệt khổ vẫn thống nhất và không hề thay đổi. Tất cả chúng ta đều là con của đức Phật, dù thuộc nhiều truyền thống khác nhau, ăn mặc khác nhau, hành trì khác nhau về pháp môn, nhưng vẫn được xem là những nhánh lá của một cây Phật giáo, do chính đức Phật gieo trồng hơn 25 thế kỷ trước. Tôi quan niệm rằng HNTĐPGTG là ngày tái hợp, tái thống nhất của các truyền thống Phật giáo, vì lợi ích của tín đồ Phật giáo và hạnh phúc cho con người. Ý thức được nhu cầu thống nhất Phật giáo, HNTĐPGTG được ra đời. Tuy nhiên trong thực tế hành trì, vẫn còn đó nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Khó khăn lớn nhất là các lãnh tụ Phật giáo  trong các quốc gia thành viên cần triển khai và ứng dụng tinh thần của HNTĐPGTG tại nước mình. Nhưng vì ở các nước có nhiều phái Phật giáo khác nhau chưa hẳn đã nhất trí vì có thể chưa thấy được tầm quan trọng của nó.

 

Hỏi: Thống nhất Phật giáo thế giới là một điều khó nhưng chúng ta đã làm được một phần ba. Vấn đề còn lại là làm thế nào để thông qua sự thống nhất đó, Phật giáo được truyền bá rộng rãi hơn, trở thành điểm tựa tâm linh của nhân loại ở thiên niên kỷ mới. Dĩ nhiên, để làm điều đó, chúng ta có thể vận dụng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Thượng toạ nghĩ gì về vấn đề này?

TT. Rajmedhaphorn: Hai trong bốn chủ đề lớn của HNTĐPGTG lần này là xác định vai trò của Phật giáo trong thời đại toàn cầu hoà, cũng như mối liên hệ giữa Phật giáo và công nghệ thông tin.  Bên cạnh việc duy trì các hình thái truyền thống của Phật giáo, các nhà lãnh tụ Phật giáo cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện thông tin đại chúng vào việc giáo dục và hoằng pháp cho con người trong một thời đại bận rộn, không có nhiều thời gian đến chùa, có thể học Phật và tu Phật tại mọi nơi và mọi chốn. Chúng ta nên thành lập một giáo hội Phật giáo và một ngôi chánh điện quốc tế trong không gian internet ảo để tạo ra một thực thể Phật giáo thật, nơi đó, có người truyền bá đạo, có người học đạo và hành đạo. Các cộng đồng Phật giáo qua các phương tiện nghe nhìn này sẽ là những con đường, phương tiện để mang thông điệp của đức Phật đến với quần chúng trong thời đại toàn cầu hoá. Chỉ vì chúng ta thiếu thống nhất và chưa mạnh dạn sử dụng mặt tích cực của công nghệ thông tin để tạo ra các hiệu ứng tốt trong hoằng pháp, chúng ta đã nhường các cơ hội đó cho các tôn giáo khác.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/mucdich_hoinghi_TNT.htm

 


Vào mạng: 6-11-2005

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang