Cuộc đời và tiểu sử Bà Maha
Pajapati Gotami, sự xuất gia của bà và sau đó sự thành lập Giáo Hội Tỳ
Khưu Ni (Bhikkhuni) là một trong những mẫu chuyện sáng chói và hấp dẫn nhất
trong văn học Phật Giáo. Nó biểu lộ cùng lúc trí tuệ thấy xa và lòng
nhân đạo của Đức Phật Đại Từ Đại Bi. Hơn nữa nó cho thấy đến mức
nào năng lực hùng mạnh của sự quyết tâm bất khuất, bất thối chuyển
và lòng quả cảm của một thiếu phụ có thể gieo ảnh hưởng đến xã hội
đương thời. Nó cũng cho thấy như thế nào một sự can thiệp làm trung
gian để thỉnh cầu đầy lòng từ ái, có thể giúp làm mềm dịu lập trường
cứng rắn nhất và dẫn đến tình trạng thân hữu và mềm dẽo hơn.
Trên hết, đây là một giai đoạn đầy hiểm hóc có những
thành quả sâu xa nhất trong lịch sử giải thoát hàng phụ nữ. Hai ngàn năm
trăm năm sau thời Đức Phật, cuộc vận động để giải phóng nữ giới
vẫn còn được mạnh mẽ tiếp diễn khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên,
hơn hai mươi lăm thế kỷ về trước Đức Phật đặc ân công nhận và
cho phép hàng phụ nữ được xuất gia và gia nhập vào giáo hội, mặc dù
không khỏi phần nào do dự. Người trực tiếp đảm đang trách nhiệm
đưa vượt qua khúc quanh lịch sử, giải phóng nữ giới, không ai khác hơn
là Bà Maha Pajapati Gotami vĩ đại.
Giữa nhóm các mạng phụ phu nhân đã có ảnh hưởng trên
bước đường giải phóng nữ giới, bà trổi lên là vị nữ anh hùng nổi
bật. Bà đứng hàng đầu các bà tín nữ của Phật. Đức Phật chỉ định
cho bà địa vị quan trọng nhất về tuổi tác cũng như về kinh nghiệm.
Nhưng nếu không có lòng dũng cảm kiên trì và bất khuất của bà trước
những bất trắc chồng chất, giới Phật tử không bao giờ biết có Giáo
Hội Tỳ Khưu Ni.
Bà sanh trưởng tại thị trấn Devadaha của xứ Ấn Độ cổ
xưa, trong gia đình Suppabuddha. Bà là em của Hoàng Hậu Maha Maya, mẹ Thái Tử
Siddhattha. Tên tộc bà là Gotami. Người ta gọi bà là Maha Pajapati Gotami bởi
vì các nhà tiên tri đoán rằng về sau bà sẽ trở nên vị lãnh đạo của
một nhóm người rộng lớn. ‘Maha’ có nghĩa lớn. ‘Pati’ là người dẫn
đầu và ‘Paja’ là một nhóm đông người có tổ chức. Vua Suddhodna, trị
vì dân tộc Sakyan tại Kapilavattu, cưới luôn cả hai bà, Maha Maya và em là
Gotami. Theo quan niệm xã hội của người thời bấy giờ, một cuộc hôn
nhân như thế ấy không có chi là lạ và vẫn thích hợp với tập tục
đương thời.
Bà Gotami sanh một gái tên là Sundari Nanda và một trai tên
Nanda. Về sau cả hai đều gia nhập vào Giáo Hội. Hoàng Hậu Maha Maya băng
hà sau khi hạ sanh Hoàng Tử Siddhattha được bảy ngày. Trong một cử chỉ
cao cả, hy sinh tình mẫu tử, bà Gotami giao con lại cho người khác nuôi dưỡng
và lãnh lấy trọng trách thiêng liêng dưỡng dục và chăm sóc con của chị
mình.
Dưỡng nuôi và chăm sóc vị Phật tương lai, bà không những
được toàn thể Phật tử trên thế gian tri ân, mà cũng đặt Thái Tử
Siddhattha vào vị trí phải mang trọng ân đối với bà.
Lòng biết ơn không phải là phẩm hạnh chung của người tầm
thường, nam cũng như nữ. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu nổi bật của chư
Phật. Đó là một trong những đức hạnh chánh yếu và đặc thù của chư
Phật. Cũng chính lòng tri ân này, trong số những lý do khác, đã thúc giục
Đức Phật cuối cùng tán thành lời thỉnh cầu khẩn thiết và bền dai của
Bà Gotami và chấp nhận bà vào Giáo Hội Thánh Thiện của chư Tỳ Khưu Ni.
Khi Vua Suddhodana băng hà Bà Gotami, lúc ấy đã không còn chị,
không còn chồng và con (con bà đã gia nhập vào Giáo Hội Tăng Già), quyết
định từ bỏ thế gian và những gì rực rỡ sáng chói của kiếp nhân
sinh phàm tục và trở về nương tựa trong cuộc sống không nhà cửa. Bà
xin được xuất gia, nhưng Đức Phật không chấp thuận.
Ngày kia Đức Phật đến thành Kapilavattu để giảng hòa một
cuộc tranh chấp dữ dội giữa hai dân tộc, Sakyan và Koliyan, đang dành quyền
xử dụng nước của dòng sông Rohini. Sau khi cuộc cãi vã cay đắng đã
được dàn xếp ổn thỏa và hai bên dịu giọng, như thường lệ, Đức Thế
Tôn mở lời thuyết giảng Giáo Pháp, và sau khi lắng nghe thời Pháp một số
đông người trai trẻ Sakyan xin gia nhập vào Giáo Hội chư Tỳ Khưu. Các
bà vợ của những vị ấy, do Maha Pajapati Gotami hướng dẫn, đến xin xuất
gia với Đức Bổn Sư. Các bà khẩn khoản van xin như sau: ‘Bạch Đức Thế
Tôn, thật là một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ chúng con
được chấp nhận gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Khưu Ni để khép mình trong
khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Ngài công bố’.
Tuy nhiên, Đức Phật không sẵn sàng khích lệ thỉnh nguyện
của Bà Gotami và trả lời, ‘Đủ rồi, này Bà Gotami, Như Lai không thể
làm vừa lòng Bà và chấp nhận như vậy.’ Lần thứ nhì, rồi lần thứ
ba Bà Gotami lập lại lời thỉnh cầu, nhưng mỗi lần đều bị từ chối.
Sau đó, Đức Thế Tôn lần hồi sang thành Vesali và ngự trong một đền thờ
trên đỉnh núi. Bà Gotami vẫn không nao núng, không ngã lòng vì những đợt
thỉnh nguyện bất thành, mà bền gan cam chịu mọi khổ nhọc và đương đầu
với nghịch cảnh, quyết định theo chân Đức Thế Tôn đến Vesali cùng với
một số mạng phụ phu nhân có niềm tin nơi bà. Nơi đây ta mục kích sự
biểu dương tinh thần dũng cảm bất khuất của bà, đáng gợi lòng ngưỡng
mộ và tôn kính của mọi người.
Cắt lìa những chùm tóc đẹp đẽ một thời nào, vứt bỏ
những đồ trang điểm giàu sang tráng lệ, và khoác lên mình tấm y vàng
thô thiển, các bà cam chịu khổ nhọc đi bộ, trải qua đoạn đường dài
150 dặm đến Vesali. Vốn chưa từng quen thuộc với những thử thách quá
cam go dường thế ấy trong quá khứ, các bà chiến đấu và vất vả khổ
nhọc trăm bề trên cuộc hành trình. Dài theo đường, nhiều người thấy
vậy rất cảm kích, sẵn lòng hào hiệp nhường chỗ trên xe, nhưng các bà
lễ độ khước từ và tiếp tục nhọc nhằn lê bước. Cảnh tượng thật
não nề và rất đáng thương tâm. Cuối cùng các bà đến Vesali, suy yếu và
kiệt quệ, đùng trước cổng chùa, mình mẩy lấm lem cát bụi - y phục nhăn
nhó tả tơi, chân cẳng sưng vù đau nhức.
Đại đức Ananda, vị thị giả trung thành và rất tận tuyﬠngười
hầu cận thân tín và cần mẫn siêng năng của Đức Phật, thấy cảnh tượng
khổ đau như vậy, động lòng trắc ẩn, đến gần Đức Bổn Sư và bạch
như sau: ‘Kính bạch Đức Thế Tôn, Bà Gotami cùng với đoàn tùy tùng
đang đùng phía trước điện, vẻ mặt hốc hác mệt nhọc, sức lực kiệt
quệ. Các bà ấy phải đi đường xa tìm đến gặp Đức Thế Tôn để khẩn
khoản thỉnh nguyện. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài từ bi cho phép nữ
giới được xuất gia tỳ khưu ni, trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Gìới
Luật mà Đức Thế Tôn đã công bố. Đây sẽ là một đại hạnh, bạch hóa
Đức Thế Tôn, nếu Ngài cho phép hàng phụ nữ được gia nhập vào Giáo Hội’.
Ba lần Đại Đức Ananda cố nài xin, nhưng Đức Phật một
mực từ chối. Tuy nhiên, Đại Đức Ananda không nãn lòng. Khi một người
thành thật và kiên trì cầu khẩn cho người khác và tập trung cố gắng
nhằm làm mềm dịu một thái độ cứng rắn thì không có lý do gì để từ
bỏ triển vọng. Lúc bấy giờ Đại Đức Ananda áp dụng đường lối khác,
kính cẩn bạch đấng Toàn Giác như sau: ‘Bạch hóa Đức Thế Tôn, người
phụ nữ có chăng khả năng thành đạt những mức sống cao thượng trong
đời sống tinh thần - bốn tầng thánh (1) - một khi họ từ bỏ cuộc sống
tại gia, tiến đến đời sống không nhà cửa, tự khép mình vào khuôn khổ
của Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Thế Tôn?’ ‘Có, này Ananda, họ
có đủ khả năng làm được vậy’ (2), Đức Phật trả lời.
Tiến được một bước vững chắc trong chiều hướng thuận
lợi, được khích lệ, Đại Đức Ananda thiết tha khẩn bạch, ‘Bạch hóa
Thế Tôn, nếu hàng phụ nữ có đủ khả năng đạt thành thánh quả, như
vậy Bà Maha Pajapati Gotami mà trước kia đã nuôi Đức Thế Tôn bằng sữa
của bà, đã bồng bế Ngài trong lòng sau khi hoàng hậu thăng hà và sau đó
dưỡng nuôi chăm sóc Ngài cho đến lúc trưởng thành, vậy, bạch Đức Thế
Tôn, hàng phụ nữ có thể được phép gia nhập vào nếp sống không nhà cửa,
trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Thế Tôn đã công bố?’.
Đến đây Đại Đức Ananda đã chạm đến một điểm rất tế nhị. Đại
Đức đã đề cập đến vấn đề biết ơn, và biết ơn là một đức tình
được chư Phật hết lời tán dương và thâm sâu thấm nhuần. Trước lời
khẩn cầu nồng nhiệt của Đại Đức Ananda, Đức Phật không thể làm
gì hơn là thuận lòng.
Tuy nhiên, với trí tuệ nhìn xa và hiểu rộng, Đức Thế Tôn
có thể thấy những hiểm họa và những khuyết điểm không thể tránh
trong việc điều hành song song hai Giáo Hội Tăng Già cùng một lúc. Do đó
Ngài ban hành một vài điều kiện và quy định và giới luật cho Giáo Hội
chư Tỳ Khưu Ni nhằm giữ gìn và bảo vệ tương lai cho cả hai Giáo Hội.
Những điều kiện được ban hành là:
1. Môt vị tỳ khưu ni, dầu có trăm tuổi hạ do sự thọ
trì cụ túc gìới (upasamapada) phải chào hỏi một vị tỳ khưu, đứng dậy
trước mặt vị tỳ khưu, đãnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận
thích nghi đối với vị tỳ khưu, mặc dầu vị này mới thọ cụ túc giới
trong ngày hôm nay.
2. Một tỳ khưu ni không thể nhập hạ (vassa) ở một nơi
mà không có tỳ khưu.
3. Vào mỗi ngày sám hối (một tháng hai lần), vị tỳ khưu
ni phải hỏi Giáo Hội chư Tỳ Khưu ngày giờ nào một vị tỳ khưu đến
hành lễ phát lồ (uposatha) (3).
4. Khi mãn thời gian an cư kiết hạ mỗi vị tỳ khưu ni phải
thọ lễ tự tứ (pavarana) (4) trước cả hai Giáo Hội, tỳ khưu và tỳ khưu
ni (để kiểm thảo xem trong ba điểm: thấy, nghe và hoài nghi, mình có làm
điều chi lỗi lầm không).
5. Một vị tỳ khưu ni đã phạm một trọng tội phải chịu
hình phạt manatta (5) trước cả hai Giáo Hội, Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni.
6. Một nữ giới tử (sikkhamana, trong thời gian học tập)
đã có tu tập sáu giới trong thời gian hai năm, có thể thọ trì cụ túc
giới với cả hai Giáo Hội, Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni.
7. Bất cứ trong trường hợp nào một vị tỳ khưu ni không
quyền khiển trách hay nặng lời một vì tỳ khưu.
8. Kể từ hôm nay tỳ khưu ni không được làm lễ sám hối
cho tỳ khưu, nhưng tỳ khưu ni có thể hành lễ sám hối cho tỳ khưu ni.
Những giới luật và điều kiện trên đây phải được tôn
trọng, khâm sùng, kính cẩn tuân hành, và nghiêm túc thọ trì suốt đời,
không được vi phạm dầu bất cứ trường hợp nào.
Giờ đây Đại Đức Ananda đã học nằm lòng với Đức Thế
Tôn tám giới chủ yếu ấy, đến gặp Bà Maha Pajapati Gotami và trao truyền
lại bà. Bà Gotami hoan hỷ lãnh giáo, chấp thuận nghiêm trì tám giới chủ
yếu ấy và nguyện trọn đời không vi phạm (6). Sau đó bà Gotami xuất
gia. Bà đến trước Đức Phật và đảnh lễ. Đức Bổn Sư thuyết giảng
cho bà một thời Pháp và ban truyền cho bà một đề mục hành thiền. Bà
Gotami, vị đệ tử có tâm đạo nhiệt thành, thực hành đúng theo lời
giáo huấn, hành thiền, khai triển tuệ minh sát (vipassana) và chứng đắc
Đạo Quả A La Hán cùng với bốn patisambhida (7), tri kiến phân tách. Về
sau các đệ tử của bà cũng đắc Quả A La Hán khi Ngài Trưởng Lão
Nandaka (8) chấm dứt một thời Pháp giảng cho các bà. Trong khi cư ngụ tại
Vesali, Bà Gotami nhận biết rằng cuộc đời của bà sắp kết liễu, đến
đảnh lễ từ giả Đức Phật và viên tịch - lúc ấy bà được một
trăm hai mươi tuổi thọ.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo một Giáo
Hội Nữ Tu Sĩ được thành lập và nữ gìới được chấp nhận vào đời
sống tu viện. Cánh cửa đã rộng mở để cho hàng phụ nữ xuất gia, đặc
ân cho phái nữ gia nhập vào một Giáo Hội Nữ Tu Sĩ đã được ban hành.
Giáo Hội Tỳ Khưu Ni sớm được thành lập, tốt đẹp và vững chắc. Nhiều
bà ở lứa tuổi lớn khôn, các bà khác giữa độ thanh xuân và những bà
khác nữa tuổi hạc đã cao đến mức hoàng hôn của cuộc sống, tất cả
đều gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Họ đến thật đông - hạng người
giàu sang sung túc và những người nghèo khổ bần cùng, người dốt nát
và người có trình độ văn hóa sâu rộng, người chất phát thật thà và
người nhiều học thức - họ đến từ các nẻo đường của đời sống
và xin gia nhập vào Giáo Hội Thánh Thiện của chư vị Tỳ Khưu Ni. Giáo Hội
tồn tại trong nhiều trăm năm. Những vị tỳ khưu ni này, sau khi đã gia nhập
vào Giáo Hội và thành đạt giải thoát cuối cùng, bắt đầu thốt ra những
lời tán dương và những khúc ca khải hoàn hay thánh thi, như người ta gọi,
được góp nhặt trong một quyển sách có tên là Therigatha (những bài
Thánh Thi của các Trưởng Lão Ni, hay Trưởng Lão Ni Kệ). Những bài thánh
thi này nói lên mức độ phỉ lạc mà các bà đã kinh nghiệm trong khi xuất
gia và sau đó khi thành đạt chánh quả.
Câu hỏi đôi khi được nêu lên là Đức Phật có đặt Ni
Bộ dưới quyền của Tăng Bộ chăng. Câu hỏi thật sự không cần được
nêu lên, bởi vì Đức Phật khai sáng hai giáo hội riêng biệt tách rời
và sinh hoạt song song, và không có ý định làm cho giáo hội nào sẽ kiểm
soát giáo hội nào. Giáo Hội chư Tỳ Khưu có những vị tăng trưởng, hai
vị đại đệ tử ấy là nhị vị Trưởng Lão A La Hán, Sariputta và Maha
Moggallana. Cùng thế ấy, bên Ni Bộ cũng có hai vị Ni Trưởng, tức hai vị
A La Hán Kherna và Uppalavanna. Sự kiện Đức Phật không bao giờ có ý định
đặt Giáo Hội Tăng Già, tăng bộ hay ni bộ, dưới quyền kiểm soát của
một người hay một nhóm người, được lời dạy của Ngàì trong kinh Đại
Niết Bàn, Mahaparinibbana Sutta, cho thấy tỏ rõ. Nơi đây Ngài tuyên bố
không bao giờ có ý rằng Ngài, là vị Phật, phải kiểm soát Tăng Già
(Sangha). Theo Đức Phật, Tăng già không bao giờ có nghĩa là một cơ cấu
được hàng ngũ hóa, được tổ chức thành đoàn, phải sùng bái và trung
thành phục tùng một vị giáo chủ duy nhất. Nhưng đây phải là một tập
đoàn của những người nam và những người nữ tự do, nhiệt thành dấn
thân vào nhiệm vụ cao cả là thành đạt Niết Bàn, giải thoát cuối cùng
cái tâm. Và những vị này có đủ tự do tư tưởng và hành động trong một
cơ cấu gồm những người trang nghiêm, thấm nhuần những lý tưởng cao
thượng, cố gắng bắt tay vào công trình cao cả là phá vỡ những xiềng
xích của vòng luân hồi, samsara, những kiếp sống triền miên lập đi lập
lại.
Câu hỏi thường được nêu lên là Đức Phật do dự, không
sẵn sàng cho phép nữ giới gia nhập vào Giáo Hội, có phải vì Ngài xem nữ
giới là thấp kém hơn nam giới và nghĩ rằng họ không thích hợp với một
khuynh hướng cao cả như vậy không. Giải đáp cho câu hỏi là không bao giờ,
không có lần nào, Đức Phật công bố rằng người nữ thua kém người
nam, bất luận trên phương diện trí thức hay cương nghị hay khả năng thành
đạt Niết Bàn.
Chỉ có thể giải thích sự do dự của Đức Phật trên căn
bản là Ngài có thể nhận thấy rằng nếu người phụ nữ gia nhập vào
đời sống tự viện thì phẩm hạnh cốt yếu của người sống độc thân,
vốn dĩ rất cần thiết cho sự điều hành suôn sẻ của một tự viện, sẽ
bị ảnh hưởng và tổn thương. Và cũng vì điều này mà Ngài ban hành
tám gìới hay điều kiện bảo vệ. Chính tám gìới này tạo điều kiện
để điều hành tốt đẹp hai cơ quan trong tinh thần trang nghiêm và thích hợp
với tâm tánh người nữ. Cũng chính tám giới này đã hổ trợ trạng
thái điều hòa và thuận hảo và đem lại tình giao hảo thích nghi giữa tỳ
khưu và tỳ khưu ni.
Không nên diễn dịch bất cứ như thế nào sự chấp thuận
muộn màng của Đức Phật là Ngài chấp nhận tánh cách yếu đuối hay suy
nhược của người phụ nữ. Theo một lối, đó là phương tiện để chỉ
cho cả hai, chư tỳ khưu và chư tỳ khưu ni hiểu rằng sự hình thành Giáo
Hội Tỳ Khưu Ni từ giai đoạn sơ khởi đã mang theo với nó một vài yếu
tố hiểm nguy, và nếu không có những phương sách dự phòng, trong tương
lai có thể xảy ra những bất trắc khó lường.
Sự chấp thuận cuối cùng biểu lộ trí sáng suốt thâm
sâu của Đức Phật và khả năng thấy xa trong tương lai hậu quả của bất
cứ sinh hoạt nào. Nó cũng cho thấy sự biết ơn và lòng bi mẫn mênh mông
như trời biển của Ngài bao gồm mọi tầng lớp và tất cả mọi loài
chúng sanh. Nên ghi nhận rằng công trình nghiêm túc hành trì tám giới này
có một vai trò rất trọng yếu và có rất nhiều ý nghĩa để gìn giữ
tình trạng thanh khiết và thánh thiện của hai Giáo Hội trong một thời
gian rất lâu dài. Chính tám giới trọng yếu này (được gọi trong tiếng
Pali là garu-dhammas) là tảng đá vững chắc làm nền để xây dựng kiến
trúc đồ sộ và công trình sinh hoạt chảy trôi suôn sẻ của hai Giáo Hội.
Cái quyền to lớn và đặc ân mà Bà Maha Pajapati Gotami đã
tranh đấu và thành công, tức quyền của nữ giới được gia nhập vào
Giáo Hội Thánh Thiện, quả thật là quan trọng trong lịch sử tôn giáo.
Chí đến ngày nay còn nhiều hệ thống tôn giáo hưng thạnh trên thế giới
vẫn chưa chịu nhượng quyền cho hàng phụ nữ thọ giới tu sĩ. Cũng có một
số ít tôn giáo đã nhường cho nữ giới quyền xuất gia, bắt đầu hoài
nghi rằng không biết nhân nhượng nhiều quyền như thế mình có sáng suốt
không, và đặt câu hỏi có cần bước sang giai đoạn này không.
Đức Phật nổi bật là một trong số ít các vị giáo chủ của nhân loại
đã nâng cao hàng phụ nữ lên một vị trí xứng đáng trong đời sống, bằng
cách cho phép nữ giới gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Kheo Ni, và như vậy, mở
ra một chương sách hoàn toàn mới trong lịch sử giải phóng của người
phụ nữ.