Ngài Khương Tăng Hội thuộc dòng
dõi quyền quý ở nước Khương Cư (Iran ngày nay). Để tránh vấn đề
tranh chấp xảy ra ở Khương Cư, cha mẹ Ngài đã rời bỏ quê hương, sang
Giao Chỉ (Việt Nam) lập nghiệp. Với vốn liếng sẵn có, lại thêm tài giỏi,
chẳng bao lâu gia đình Ngài tạo được một tài sản đáng kể ở nơi vừa
đến sinh sống.
Vừa tạo dựng được sự nghiệp nơi đất lạ quê người,
thì cha mẹ Ngài liền lâm trọng bịnh và lìa đời. Bấy giờ mới 10 tuổi
đầu, Ngài đã cảm nhận sâu sắc ý nghĩa cuộc sống vô thường. Với
căn lành sâu sày từ bao kiếp gieo trồng nơi Phật pháp, đã thúc đẩy chú
bé thơ hành động sáng suốt như một người trưởng thành nhiệt tình hộ
đạo. Thật vậy, Ngài đem dâng tất cả tài sản của cha mẹ để lại
cho Trung tâm phiên dịch kinh điển Luy Lâu. Và hơn thế nữa, cùng lúc với
việc xả ái tài, Ngài xuất gia tu học ở Luy Lâu.
Là một bậc siêu phàm, chẳng bao lâu tài đức của
Phương Tăng Hội vang danh khắp chốn. Bấy giờ Giao Chỉ lệ thuộc Đông
Ngô. Ngô Tôn Quyền thấy uy danh Ngài lừng lẫy, được dân chúng hết
lòng kính trọng. Ông ta lo sợ Ngài sẽ thu phục nhân tâm, tụ họp anh
hùng hào kiệt nổi loạn, chống lại Đông Ngô.
Niên hiệu Ngô Xích Ô, đầu năm thứ 10 Công nguyên năm
248, Ngô Tôn Quyền vội cho sứ sang Giao Chỉ thỉnh Ngài về Đông Ngô. Ông
đưa ra lý do bề ngoài có vẻ tốt đẹp rằng Khương Tăng Hội là vị cao
Tăng uyên thâm Phật pháp nên mời Ngài sang giảng dạy, truyền đạo ở
nước Ngô. Thật sự, đó là phương kế để buộc Ngài rời khỏi nơi có
uy tín và cô lập Ngài ở xứ xa xôi, không thể liên lạc với người quy
ngưỡng Ngài.
Lúc mới sang, Ngô Tôn Quyền đối xử rất trịch thượng,
nhằm hạ nhục, thậm chí giết Ngài, bằng cách đưa ra những vấn đề rất
khó khăn; nếu không giải quyết được, họ sẽ lấy cớ đó để hành
quyết. Một trong những mưu kế giết Ngài như nếu Phật pháp linh nghiệm,
Ngài hãy chứng tỏ cho thấy việc hiển linh đó, Nếu không chứng minh được,
phải buộc tội chết.
Trong đó nổi bật nhất là ngọc Xá lợi của đức Phật.
Chỉ có chư Thiên mang được Xá lợi đến và cao Tăng mới giữ được. Xá
lợi phải phát ra hào quang 5 màu và đập không bể. Nếu tu hành trai giới
trong vòng 7 ngày, chư Thiên sẽ mang ngọc Xá lợi để vào bình và bình
phát ra ánh sáng. Tôn Quyền nghe xong việc khó làm ấy, rất mừng nói:
"Nếu người có thể đem Xá lợi đến đây, chính mắt ta thấy, thì
ta sẽ xây dựng chùa tháp. Nhưng nếu hư vọng, hoang đường, dùng vật giả
để lường gạt, ta sẽ y pháp nước mà trị tội".
Chúng đệ tử đều run sợ trước thử thách quá khó này.
Riêng Ngài bình thản vào tịnh thất, đem bình đồng đặt trên kỷ án, đốt
hương lễ bái và thỉnh cầu Xá lợi.
Bảy ngày trôi qua, trong bình vẫn không có gì. Khương Tăng
Hội xin thêm 7 ngày nữa. Tôn Quyền bằng lòng.
Bảy ngày sau lại qua đi, không chút kết quả. Tôn Quyền
ra lệnh: "Linh nghiệm cái gì, rõ ràng lừa dối người. Quân lính hãy
mau mang hắn đi".
Khương Tăng Hội nói: "Khoan đã, Bệ hạ, chắc có lẽ
trong hàng đệ tử tôi, có người vì sợ oai lực của đại vương nên
tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì cầu nguyện không thể đạt
kết quả. Mong Bệ hạ khoan dung, cho thêm 7 ngày nữa. Lần này mà không
thành tùy Ngài xử lý". Tôn Quyền chấp thuận, trong lòng tin chắc thế
nào cũng hại được Khương Tăng Hội. Thời gian lạnh lùng trôi qua, đại
chúng càng sợ. Trước mắt họ, hoàn toàn mờ mịt ánh sáng của Xá lợi,
chỉ hiển hiện ánh sáng của lưỡi đao. Vì mọi người chờ đợi từ sáng
sớm đến trưa, trưa lại đến tối, thế mà bình đồng vẫn trống không.
Còn sư phụ của họ vẫn an nhiên tĩnh tọa, thần sắc không hề thay đổi.
Mãi đến canh năm hôm sau, trong bình bỗng nhiên phát ra tiếng
động. Khương Tăng Hội nhìn thấy trong bình tỏa ra ánh sáng. Đại chúng
mừng rỡ, nước mắt tuôn như mưa.
Khương Tăng Hội vào triều, đặt bình đồng trên án.
Trong bình đột nhiên phát ra ánh sáng ngũ sắc, khiến mọi người sợ hãi.
Tôn Quyền liền cầm bình lên và đổ Xá lợi ra chiếc đĩa bằng đồng.
Lạ thay, chiếc đĩa lập tức vỡ nát. Tôn Quyền nói: "Đây là điềm
lành hiếm có".
Khương Tăng Hội lại cho biết: "Bệ hạ, thần uy của
Xá lợi rất phi phàm. Ngoài ánh sáng và màu sắc ra, Xá lợi không thể bị
đốt cháy, kim cang cũng không thể phá hoại được".
Tôn Quyền ngạc nhiên: "Thực ư! Hãy thử một lần nữa
cho ta xem!"
Xá lợi liền được đặt trên đe sắt và cử một đại
lực sĩ dùng chùy đập xuống. Một lát sau, chùy vỡ nát, còn Xá lợi lõm
sâu vào đe sắt, nhưng không chút hư hao.
Tôn Quyền liền cho xây dựng chùa Kiến Sơ đề thầy trò
Khương Tăng Hội truyền đạo. Đó là ngôi chùa đầu tiên ở Giang Đông.
Hai mươi năm trôi qua, đến cuối đời Ngô, Tôn Hạo lên kế
vị. Vốn bạo ngược, lại không tin Phật giáo, ông cho Trương Dục đến
hạch hỏi, lý luận với Khương Tăng Hội, có lúc đích thân ông tranh luận
với Ngài, nhưng lần nào cũng phải chịu thua.
Tôn Hạo tuy để Phật giáo lưu hành, nhưng bản tính hung bạo
vẫn không đổi. Một hôm, vệ binh của Tôn Hạo sửa chữa hoa viên ở hậu
cung, đào lên được một tượng Phật bằng vàng, đem dâng lên Tôn Hạo.
Ông đem để tượng Phật ở chỗ bất tịnh, dùng phân bôi đầy lên tượng,
rồi cùng với quần thần cười đùa chế nhạo. Tôn Hạo nói: "Phật,
Phật được nhân thế nhân phụng thờ như thần linh. Ta không chút kính trọng
ngươi, xem người làm gì được ta!"
Đột nhiên toàn thân Tôn Hạo sưng phù, đau nhức kỳ lạ,
liền hất tung chiếc bàn từ chỗ ngồi của mình, té quị xuống đất, hốt
hoảng kêu la. Tôn Hạo nhờ người tiên đoán. Người này giải rằng vì
phạm đến thần linh, nên phải chịu hình phạt như vậy.
Tôn Hạo đi các đình miếu, nhờ đạo sĩ cầu nguyện,
nhưng bịnh tình không hề thuyên giảm. Bấy giờ, có một cung nữ tín phụng
Phật pháp trình với Tôn Hạo: "Tâu Bệ hạ, Bệ hạ nên đến chùa cầu
nguyện, sám hối. Phật là bậc Đại thánh, không thể không cầu
Ngài".
Tôn Hạo đến chùa Khương Tăng Hội, quỳ gối ăn năn kể
lại tội trạng của mình. Tương truyền rằng trong triều không ai bê nổi
tượng Phật để đặt lên bàn. Chính Khương Tăng Hội rửa tượng Phật,
mang đặt lên bàn thờ và làm lễ sám hối cho Tôn Hạo. Bịnh tình Tôn Hạo
tiêu mất, không còn đau nhức.
Từ đó, Tôn Hạo không còn khởi niệm ác với Phật pháp
và xin quy y thọ ngũ giới. Mười ngày sau, bịnh của ông khỏi hẳn. Tôn Hạo
liền cho sửa sang lại chùa Kiến Sơ.
Tuy nhiên, Khương Tăng Hội nhận thấy không có cơ duyên hoằng
hóa Phật pháp nơi đây, nên Ngài chuyên tâm phiên dịch kinh điển. Các bộ
kinh Ngài đã dịch như: A Nan niệm di, kinh Diện Vương, Sát Vi Vương, Phạm
Hoàng kinh, tiểu phẩm (Bát Nhã), Lục độ phẩm (Sáu pháp Ba La Mật), tạp
thí dụ (phẩm thí dụ trong kinh Pháp Hoa) v.v.. Mỗi bộ kinh đều được giải
thích tường tận, chuẩn xác.
Đến năm thứ 4 tức Công nguyên 280, vào tháng 9, bậc xuất trần thượng
sĩ Khương Tăng Hội mãn duyên hành đạo ở Ta Bà, Ngài thu thần nhập diệt.