- Nhà Sư Nhật Bản
- Làm Từ Thiện ở Nước
Ngoài
- Thích Nguyên Tạng
Đó là Hòa thượng Yto Zosimichi, viện
chủ một ngôi chùa lớn ở gần núi Phú Sĩ và cũng là Chủ Tịch Trung
Tâm Cứu Trợ Phật Giáo BAC, một tổ chức phi chính phủ, giúp đỡ các nước
đang phát triển ở châu Á theo tinh thần từ bi bố thí của Phật giáo.
Thành viên của Hội là những tăng sĩ và phật tử tại gia hoạt động tình
nguyện.
Hòa thượng Yto Zosimichi đã bắt đầu
quan tâm đến châu Á vào 14 năm trước. "Lúc đó, dân tỵ nạn
Kampuchia" Ngài cho biết "liên tục đổ xô qua lãnh thổ Thái
Lan, một hôm tôi có đọc một bài phóng sự nhỏ về tìm người tình nguyện
hoạt động ở các trại tỵ nạn của một đoàn thể Phật giáo chủ xướng.
Lúc đó tôi rất băn khoăn khi thấy tin tức về người tỵ nạn đăng tải
quá nhiều mà chỉ có những đoàn thể Công giáo và nhiều tổ chức khác
cứu trợ, còn Phật giáo Nhật Bản thì không thấy tăm hơi gì cả. Nên chưa
đầy một tuần sau khi đọc bài báo đó, tôi đáp chuyến bay đi thăm
Kampuchia".
Thế là từ đó Hòa thượng Yto
Zosimichi đã tham gia vào hoạt động cứu trợ người Kampuchia bên trong lẫn
bên ngoài lãnh thổ của đất nước này. Ngài tặng quà cho các cô nhi viện
ở Phnom penh, như quần áo, thuốc men... "Có hôm tôi ghé thăm một
trường cấp I ở Phnom penh" Ngài nhớ lại "ông hiệu trưởng
có nhã ý muốn xin hạt giống hoa. Vì dưới thời Pôn Pốt mọi thứ đều
bị tiêu hủy, nên bấy giờ cái gì cũng cần, nhưng cần nhất là nụ cười
của trẻ em. Ông hiệu trưởng muốn trồng hoa để mang lại cho trẻ em những
nụ cười hồn nhiên. Thật tình lúc đó, chúng tôi chỉ biết tặng tiền
và đồ vật, nên ý kiến của vị hiệu trưởng đã làm cho tôi sáng mắt
lên".
Sau khi được ông hiệu trưởng đề
nghị tặng hạt giống hoa. Hòa thượng Yto bèn quyết định biến hoạt động
cá nhân của mình trước đây thành một tổ chức từ thiện lớn hơn. Ngài
kết hợp với một số Tăng Ni trẻ đang hoạt động cứu trợ ở các trại
tỵ nạn và lập tức thành lập Trung Tâm Cứu Trợ Phật Giáo BAC (Buddhist
Assistance Centre) vào năm 1982. Hiện nay Trung tâm này đã phát triển lên một
ngàn hội viên trên khắp nước. Nguồn tài chánh dựa vào tiền hội phí,
quyên góp và tài trợ. Địa bàn hoạt động của Trung Tâm BAC là tỉnh
Ysang, vùng đông bắc Thái Lan, khu vực này nổi tiếng là nghèo khổ, đất
đai cằn cỗi khó trồng trọt, vì thế dân chúng ở đây thường phải đi
kiếm việc làm ở các nơi xa xôi như thủ đô Bangkok hoặc đến tận Nhật
Bản. Khu vực này người dân thường bị ung thư gan và ung thư tuyến giáp
trạng nhiều hơn ở các vùng khác.
Để đáp lại nguyện vọng của
các bác sĩ ở một bệnh viện trong khu vực này. Trung tâm BAC đã đặt
văn phòng ở thành phố Phongken và cho xe khám bệnh lưu động đi khám quanh
vùng. Với sự hợp tác của các bác sĩ và y tá của bệnh viện này, mỗi
tháng văn phòng cho xe đi khám vòng quanh một lần. "Ung thư là một bệnh
rất nguy hiểm" Ngài Yto nói "cần phải phát hiện sớm. Vùng
này rất nghèo, phần đông không có tiền xe đi đến bệnh viện, thì làm
sao có tiền để chữa bệnh. Nếu phát hiện trễ thường dẫn đến tử
vong. Cha mẹ chết đi thì con cái phải ra Bangkok để kiếm sống, cuối cùng
đi đến chỗ bán dâm và làm những nghề dùng tay không vào thủy ngân rất
có hại. Cho nên chúng tôi đã khởi sự từ hoạt động y tế với ước
mong là cho mọi người đừng chết sớm. Nhiều người sống lâu chừng
nào thì tốt chừng ấy để họ có thể cứu được cho con cái của mình".
Tính đến nay xe khám bệnh lưu động đã hoạt động được sáu năm, đem
lại nhiều thành quả tốt đẹp cho Trung tâm. Cô Katahachi Muhito, y tá Nhật
Bản, nhân viên của văn phòng Trung tâm BAC ở Phongken, từng đi khám bệnh
cho biết: "Nhờ kiên trì thực hiện khám bệnh lưu động như thế
chẳng những hữu ích trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư, mà còn phát
hiện và điều trị cấp thời các bệnh giun sán, sẩy thai và nhiều bệnh
thường đe dọa tính mạng con người. Bây giờ mọi người đều biết tiếng
xe khám bệnh lưu động và rất trông đợi xe này đến khám cho họ".
Hiện nay, Ngài Yto hoàn toàn giao
phó mọi hoạt động ở Thái Lan cho mười một nhân viên thường trú nơi
đó và Ngài đang chuyển mối quan tâm qua quốc gia Lào. Hòa thượng Yto đã
và đang có kế hoạch xây dựng trường cấp I cho Lào. Nước Lào có khoảng
7000 trường học, nhưng thực tế chỉ có 2000 thôi, còn 5000 trường khác
thì đang ngưng trệ vì hư nát và xuống cấp trầm trọng, không sử dụng
được. Ở Lào chỉ có 50% trẻ em đi học cấp I. Trung tâm BAC đã hợp
tác với Bộ Giáo dục Lào để xây dựng trường cấp I. Đến nay đã
hoàn thành xong 7 trường và bảy trường khác đang thi công. Mối quan tâm của
Hòa thượng Yto khởi đầu từ Kampuchia rồi dần dần lan rộng đến Thái
Lan và Lào. Điều gì đã khiến Ngài Yto quan tâm đến như thế?
Ngài cho biết: "Hồi nhỏ
tôi cứ tưởng nước Nhật là một nước rất hay. Vì lúc ấy, hầu như
nước Nhật chưa có các loại máy móc điện gia dụng. Cho nên mọi người
trong nhà đều chia sẻ và giúp đỡ các việc như nấu cơm, quét nhà, giặt
quần áo... Tinh thần giúp đỡ nhau như thế được khởi dậy từ chỗ hiền
hòa và tình thương đồng loại của con người. Ngày nay, đời sống quá
tiện nghi, nên người Nhật đã tỏ ra lãnh đạm và ít quan tâm đến người
bên cạnh. Đó là kết quả của sự phát triển khoa học kỹ thuật".
Tôi không thể quên lời nói của một người Việt Nam lúc trước. Hồi đó
muốn đi thăm Kampuchia phải đi ngang Việt Nam, khi đó có một người Việt
đang công tác cho cơ quan Unicef (Quỹ bảo trợ nhi đồng của Liên hiệp quốc)
giúp đỡ chúng tôi. Một hôm người đó đề nghị chúng tôi quan tâm và
giúp đỡ cho thiếu nhi Việt Nam và chúng tôi gật đầu tán thành. Nhưng rồi
người đó lại nói : "Thật ra còn có những nơi khác khốn khổ và
khó khăn hơn Việt Nam, xin các ông nên giúp đỡ những nơi đó trước".
Tôi rất cảm động trước tình thương người như thế. Tôi cho rằng :
"Nhật Bản là một nước có thể nói đầy đủ về tiền bạc, vật
chất và tự do mang đi đâu cũng được. Nên chúng tôi đem đi giúp các nước
khác. Nhưng ngược lại, người dân ở các nước khác còn có những điều
quý giá hơn mà chúng tôi cần phải học hỏi, đó là tấm lòng thương
người và đó cũng là ý nghĩa thật sự của Trung tâm BAC".
Hòa thượng cũng cho biết, Ngài sẽ
trụ trì trong vòng 5 năm nữa, và sau đó Ngài qua sống ở Thái Lan hoặc
sang Lào trong thời gian còn lại của đời mình để cống hiến cho sự
nghiệp "Cứu tế độ sinh".
(Theo BANGKOK
POST, 15/ 08/1994)
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/009-nhatban.htm