Ông Philip Kapleau, được xem là một
trong những Thiền sư người Mỹ đầu tiên, một Thiền sư người phương
Tây nổi tiếng ở khắp nước Mỹ và các nước ở châu Âu. Ông sinh năm
1912 trong một gia đình theo đạo Tin Lành ; ông học ngành luật và sau khi
ra trường làm thư ký nhiều năm ở Tòa án Liên bang Mỹ. Trong thế chiến
thứ II (1939-1945), ông được chỉ định làm báo cáo viên tại hai phiên
tòa xử tội ác chiến tranh Tòa án Quân sự Quốc tế tại Nuremberg-Đức và
tại Tokyo-Nhật Bản. Đây cũng là nhân duyên đẩy đưa ông đến với Phật
giáo (PG).
Tháng 3 năm 1947, ông cùng với người bạn
trẻ Richarch Demartino đến làm việc tại Tòa án Quân sự Quốc tế tại
Tokyo. Khác với phiên xử những tội phạm khủng bố của phe trục phát
xít ở Nuremberg, phiên xử ở Tokyo dễ chịu hơn, ít căng thẳng hơn. Vì người
Nhật nhìn chung biết chấp nhận hậu quả chiến tranh với sự điềm tĩnh
và tự kềm chế mình. Qua tìm hiểu, Kapleau biết rằng người Nhật chấp
nhận quả khổ này là dựa trên "Luật nghiệp quả báo ứng"
(The law of karmic retribution). Khái niệm về luật nhân quả này được hoạt
động trên bình diện đạo đức kích thích sự chú ý của Kapleau, vì nó
ngược lại hoàn toàn với sự tự bào chữa rất thường nghe ở Đức. Với
sự tò mò về vấn đề nghiệp lực, cuối cùng Kapleau được người ta
đưa đến gặp Đại sư Suzuki. Tại Kamakura, ông gặp và tiếp xúc với
Suzuki, nghe giảng giải về cốt lõi của nghiệp quả và giáo lý thiền Đại
thừa. Kapleau rất vui mừng và bắt đầu quan tâm đến PG.
Tiếp đó, ông tới thăm Trung Hoa rồi trở
về Mỹ, ông tiếp tục đi làm ở thị trấn Connecticut, nhưng cuộc sống của
ông không thể trở lại ổn định được sau hai phiên xử tội ác chiến
tranh, có hàng trăm ấn tượng và suy nghĩ chưa giải quyết được, cứ lơ
lửng trong đầu ông, giống như có nhiều đồ giặt cần phơi khô và xếp
lại. Cuộc sống của ông trống rỗng, không còn ý nghĩa nhưng vẫn chưa có
gì thay thế được, ngoài việc tìm đến New York vào những ngày cuối tuần
để xem xét những tôn giáo lớn châu Á. Không có thầy dạy thiền, ông
tham gia vào một lớp giáo lý đạo Bahai và những cuộc họp của Hội Vệ
Đà, nhưng rốt cuộc không giúp gì được cho ông. Sự quan tâm đến đời
sống tâm linh đã héo mòn. Năm 1950, tiến sĩ Suzuki đến Mỹ nhóm ngòi nổ
mà sau này làm nổ ra "sự bùng nổ thiền" (Zen boom). Philip
Kapleau liền ghi danh học triết lý Phật giáo thiền cùng với 20 họa sĩ,
nhà sáng tác, nhà thơ, bác sĩ tâm lý, các giáo sư triết học tại Đại học
Columbia. Suzuki nhắc nhở các học trò : "Thiền không phải là triết
học mà là một lối sống. Nếu các vị muốn học thiền nên đến thẳng
Nhật Bản, các vị phải sống với nó và cuộc đời của các vị sẽ
thay đổi".
Năm 1953, ở tuổi 44, Kapleau bỏ việc làm
và đến xin xuất gia tu học. Trước tiên ông đã gặp chướng ngại, hai
Thiền sư Nhật Bản không nhận ông làm đệ tử, vì ông không biết nói
tiếng Nhật. Tuy nhiên, với lòng nhiệt thành cầu đạo, cuối cùng Lão sư
Soen đã tiếp nhận Kapleau ở tu tại chùa Phát Tâm (Hosshinji). Ông tu ở đây
được 3 năm, sức khỏe của ông ngày càng một tệ đi vì bầu không khí
căng thẳng, giới luật khắc nghiệt và chế độ ăn uống thiếu thốn.
Theo lời giới thiệu của Lão sư Soen, Kapleau đến cầu pháp với Thiền sư
Bạch Vân (Yasutani), người thừa tự pháp của Lão sư Đại Vân (Harada),
lúc bấy giờ Thiền sư Bạch Vân không có tu viện, điều kiện tu học rất
khó khăn. Thiền sư Bạch Vân khuyên Kapleau : "Sứ mệnh của con là
đem thiền sang truyền bá ở phương Tây, nên con phải kham nhẫn đối với
mọi thứ ở đây". Nhờ sự nỗ lực thiền tập mà trong khóa tu thứ
20 (mùa Hè năm 1958) với TS Bạch Vân, Kapleau đã đạt ngộ, được Thiền
sư Bạch Vân ấn chứng và ban cho danh hiệu "Roshi" - Lão sư (một
danh hiệu khó đạt được, chỉ được ban cho những ai đã đạt ngộ chân
lý).
Với khả năng ghi tốc ký của người báo
cáo viên cộng với khả năng thành thạo Nhật ngữ của mình, thiền nhân
Philip Kapleau được Lão sư Bạch Vân cho phép ghi lại hầu hết các bài giảng
về thiền, đặc biệt là những bài giảng nhập môn tu thiền. Cuối cùng
Kapleau đã biên soạn thành cuốn sách với tựa đề là "Ba Trụ Thiền"
(Three Pillars of Zen), in tại Nhật Bản vào năm 1965. Điều đáng chú ý, đây
là quyển sách tiếng Anh viết chi tiết về cách thức thực tập thiền.
Trong phần lời nói đầu, Kapleau nói rõ mục tiêu của ông : "Người
phương Tây thích tu thiền, nhưng gặp một chướng ngại lớn là không có
tài liệu chỉ dẫn. Sự thiếu thốn này không những hạn chế trong tiếng
Anh mà còn cả trong những ngôn ngữ châu Âu khác nữa (...). Do đó, học cần
có một bản đồ mà tâm trí của họ có thể tin tưởng được, đây là
một phác họa lộ trình tâm linh mà họ có thể tin được trước khi khởi
hành".
150.000 bản tiếng Anh (quyển Ba Trụ
Thiền) được phát hành đi khắp thế giới, đến nay nó được dịch
ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ba
Lan, Việt Nam (Do Đỗ Đình Hồng dịch)... Rõ ràng đây là loại sách kinh
điển của thiền và nó sẽ tiếp tục được sử dụng như cuốn sách hướng
dẫn cho những ai muốn tu thiền trong tương lai, năm 1980 tại Mỹ lại tái
bản cuốn sách này.
Sau 13 năm tu học tại Nhật, năm 1965,
Kapleau trở về nước và bắt đầu sứ mệnh truyền giáo. Khởi đầu Ngài
được thỉnh về Rochester, một vùng thuộc miền Tây bang New York, nơi đã
có nhiều tôn giáo phát sinh trong quá khứ. Năm 1966, Ngài cho xây dựng Trung
tâm thiền Rochester và liên tục mở những khóa tu nhiếp tâm cho thiền sinh
Mỹ đến dự. Bấy giờ cuốn "Ba Trụ Thiền" đã gây được
tiếng vang lớn. Từ giữa thập niên sáu mươi đến giữa thập niên bảy
mươi, Lão sư Kapleau đi khắp nước Mỹ để thuyết giảng cho mọi tầng lớp
trong xã hội Mỹ. Ngài nói chuyện ở trường cao đẳng, viện đại học,
trung tâm phát triển và các hội nghị chuyên đề, Ngài xuất hiện trước
những tổ chức tôn giáo và những nhóm tham vấn. Ngài cũng được mời đến
Canada, Mexico, Costa Rica, Đức, Pháp và Ba Lan. Sự hiện diện của Ngài,
phong cách bình dị, kinh nghiệm và đầy khôi hài, đã khẳng định thêm những
giá trị mà Ngài đã hứa hẹn trong tác phẩm "Ba Trụ Thiền".
Ngài là người phương Tây hoàn toàn tự nhiên quen thuộc với thiền. Hơn
nữa, qua phong thái, hành động, cử chỉ cho thấy Ngài đã tiến sâu vào
lãnh vực của thiền, Ngài đã vượt qua và giải quyết rất nhiều điều
từng làm cản trở và làm thất vọng ở nhiều người đang lắng nghe Ngài.
Kết quả trước tiên là dòng chảy, rồi đến một dòng suối rồi một
biển người đổ về Trung tâm thiền Rochester để được Ngài hướng dẫn
tu học.
Năm 1968, cơn hỏa hoạn tàn khốc đã
thiêu rụi tất cả chỉ còn lại cái sườn của Trung tâm. Lão sư Kapleau cùng
với đệ tử tái tạo lại trung tâm tu học và trung tâm đã được mở rộng
kể từ đó và nhiều sự cải thiện đã được thực hiện. Dù bị hỏa
hoạn, những đề án xây dựng, những thay đổi liên tục, thời khóa tu học,
tọa thiền, nhiếp tâm, hội thảo, lễ lạc... vẫn được thực hiện. Những
buổi lễ truyền thống đã được chọn và được điều chỉnh lại để
đáp ứng những đòi hỏi phù hợp với thời đại và nền văn hóa Mỹ.
Tuy vậy, Lão sư Kapleau vẫn không ngừng giữ gìn tinh thần thiền được các
tiền bối Đại Vân và Bạch Vân để lại.
Hai mươi năm sau từ ngày ấn hành quyển
Ba Trụ Thiền, năm 1980, lão sư Kapleau đã cho in quyển Thiền, ánh
bình minh ở phương Tây (Zen, dawn in the West, cuốn này chưa có bản Việt
ngữ). Đây cũng là một quyển sách thiền có giá trị, nó chuyên chở một
nội dung cũ trong một hình thức mới, nó phản ánh sự tác động của thiền
ở những người Bắc, Nam Mỹ và châu Âu, những phản ứng thân thiện và
khác nhau trong chính bối cảnh văn hóa Tây phương. Trong phong cách thiền,
nó trả lời những câu hỏi mà họ háo hức đi tìm và những hoài nghi thẳng
thừng của họ. Cũng như quyển Ba Trụ Thiền, quyển sách này cũng
trình bày những cuộc đối thoại giữa thầy và trò, những lá thư mang đến
xoáy sâu vào những e dè của những người mới tu thiền. Để giúp đỡ các
thiền sinh Tây phương, lão sư Kapleau đã dịch những bài kệ, kinh thiền
chính yếu ra tiếng Anh để cho họ thọ trì hàng ngày.
Đặc biệt trong phần cuối cuốn sách,
tác giả đã đề cập đến vấn đề đạo đức trong xã hội Mỹ. Ngài
viết : "Người ta nói rằng thiền ở trên đạo lý nhưng đạo lý
không nằm dưới thiền. Câu phát biểu mâu thuẫn này cùng với sự tự do
thoát khỏi sự đa cảm và những thuyết giảng đạo đức đã nảy sinh
khái niệm sai lầm là thiền chống lại đạo lý và làm ngơ trách nhiệm
xã hội. Thật ra, độc giả sẽ khám phá thì vấn đề sẽ hoàn toàn ngược
lại, thiền nuôi dưỡng hành vi đạo đức và có trách nhiệm với xã hội
bằng cách chế ngự ngọn lửa tham, sân si đang đốt cháy con người".
Mặc dù được xem là người có tư tưởng
tự do, phóng khoáng, nhưng Lão sư Kapleau rất khắt khe đối với những ai
bước vào Trung tâm Thiền của Ngài. Những đòi hỏi của Ngài đối với
người đệ tử cũng lớn như những đòi hỏi được thực hiện ở chùa
Phát Tâm khi xưa ở Nhật Bản. Ngài không tha thứ cho sự buông thả và tự
ti, Ngài cũng không chấp nhận các lời xin lỗi hoặc lời cầu xin đặc biệt,
Ngài chỉ mong đợi sự thành tâm và tinh tấn ở mọi đệ tử. Ngài từng
nhắc nhở học trò của mình rằng : "Nếu trò không bằng thầy hoặc
hơn thầy, thì đều xem là thất bại". Lão sư Philip Kapleau rõ ràng là
một người Tây phương vừa đạt ngộ, vừa là một Pháp sư, một Thiền
sư nổi tiếng tại Mỹ, người biết được những nghi ngờ, những mối
quan tâm và những hy vọng của những người thiên về kỹ thuật thời hiện
đại. Thật hiếm thấy một con người có được sự kết hợp các phẩm
chất độc đáo như vậy./.
- * Theo các tài liệu:
- - Zen : Dawn in the West, Anchor Press, USA, 1980)
- - How the Swans came to the Lake, a narrative history of Buddhidm
in America. USA, 1992