- Pháp Sư Nikkyo Niwano,
- nhà lãnh đạo tôn
giáo thế giới
- Thích
Nguyên Tạng
Pháp sư Nikkyo Niwano
(1906-1999), người khai sáng Hội Phật Giáo (PG) Lập Chánh Giảo Thành
(Rissho Kosei-kai, phát xuất từ phái Pháp Hoa Nhật Liên Tông của Nhật),
nhà lãnh đạo Hội Tôn Giáo và Hòa Bình Thế Giới, Hiệp Hội Tự Do Tôn
Giáo, Hiệp Hội Hòa Bình Niwano, Liên Đoàn Tân Tôn Giáo Nhật Bản, là tác
giả của nhiều tác phẩm Phật học quan trọng v.v.. đã qua đời tại
Tokyo vào ngày 4 tháng 10 năm 1999, hưởng thọ 92 để lại phía sau mình một
tổ chức khổng lồ với niềm tiếc thương và kính trọng không nguôi đối
với nhân dân Nhật bản và Phật tử thế giới.
Cuộc đờ詍 và đạo nghiệp
của Pháp sư Nikkyo Niwano
Pháp sư Nikkyo Niwano sinh ngày
15 tháng 11 năm 1906 trong một gia đình nông dân uy tín ở Suganuma, một ngôi
làng nhỏ ở tỉnh Niigata, thuộc miền Bắc Nhật Bản. Lên bảy tuổi, ông
học trường làng và kết thúc chương trình học vấn của ông ở tuổi
hai mươi.
Năm 1923, được cha cho phép,
ông lên đường đến Kyoto để tìm việc. Nghề đầu tiên của ông là mở
tiệm bán gạo, sau đó là đại lý bán than củi. Sau ba năm (1926-29) phục vụ
trong ngành Hải quân Nhật, ông trở lại công việc của mình. Một năm sau
đó, ông thành hôn. Sau khi đứa con gái đầu lòng chào đời năm 1931, ông
mở shop bán dưa chua, một ngành đang phát triển ở Nhật thời bấy giờ.
Tháng 8 năm 1934, đứa con gái
9 tuổi của ông, bị chứng bệnh mất ngủ, không phương cứu chửa. Trong
nỗi thất vọng, ông nghe theo lời khuyên từ một người láng giềng và nhờ
ngài Sukenobu Arai, hội trưởng Hội PG Reiuykai giúp đỡ phương pháp điều
trị. Không lâu sau đó, bệnh tình của con gái được hồi phục. Đối với
ông Niwano, đây là công đức của Hội Reiyukai và điều gây ấn tựợng mạnh
mẽ cho ông là công đức thọ trì Kinh Pháp Hoa, một trong những bộ kinh
quan trọng của Phật giáo Mahayana.
Vì kính tin lời Phật dạy
và Kinh Pháp Hoa đã lôi cuốn ông vào con đường đạo. Con đường này có
thể cứu độ thế giới, từ cá nhân đến xã hội, từ thể chất đến
tinh thần. Ông hiểu rõ những gì ông học được. Càng học và thọ trì
Kinh Pháp Hoa, ông cảm nhận được sự mầu nhiệm, sâu sắc và tiềm lực
vô biên của Kinh. Lòng từ bi và cứu độ, cả hai ý nghĩa này đều phù hợp
với lý tưởng của ông. Ông cũng nhận ra rằng ông phải thay đổi công
việc để có nhiều thời gian để tham gia công tác Phật sự và tu học Phật
pháp.
Tiếp đó, ông quyết định
đổi nghề, ông mở một đại lý bán sữa, công việc chỉ làm vào lúc
sáng sớm để bỏ sữa ở các đại lý nhỏ khác, trưa và chiều là thời
gian để ông nghiên cứu giáo lý và tu tập. Trong những khách hàng của
ông có một phụ nữ, chủ một quán nước nhỏ. Bà bị bệnh và đau khổ
nhiều năm vì người chồng không chung thủy và người con qua đời từ nhỏ.
Bác sĩ cho hay là bà không sống được bao lâu nữa.
Tuy nhiên,không lâu sau khi
bà nhận được sự giúp đỡ tinh thần của Pháp sư, bà đã phục hồi
nhanh và nhờ đó bà đã tin tưởng vào Phật pháp. Sự hồi phục của bà
cũng làm cho nhiều người ngạc nhiên. Trong một ngày nọ, bà và Pháp sư
Niwano đã đưa 50 người vào tổ chức này. Bà chính là Myoko Naganuma, người
mà về sau cùng với Pháp sư đứng ra thành lập Hội Phật Giáo (PG) Lập
Chánh Giảo Thành.
Sau một thời gian học hỏi
và nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, Pháp sư Nikkyo Niwano và bà Naganuma cùng với 30
người khác thành lập Hội Rissho Kosei-kai vào ngày 5 tháng 3 năm 1938, lúc
ấy ông chỉ mới 38 tuổi và bà Naganuma, 48 tuổi. Năm 1941, số thành viên
của hội đã lên đến 1000. Năm 1942, cả Pháp sư Niwano và bà Naganuma đã
từ bỏ công việc buôn bán và cống hiến toàn thời gian cho hội. Trong thời
gian này, một trụ sở mới của hội đã được tạo dựng, nhưng quá nhỏ
không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hội, nhiều lúc thành
viên phải đứng bên ngoài hành lang và sân cỏ để tụng kinh.
Vào ngày 11 tháng 8 năm 1948,
Hội đã chính thức gia nhập vào một tổ chức tôn giáo lớn ở Nhật là
Hội đoàn Tôn giáo Nhật bản. Năm 1951, ông được cử làm Chủ tịch thường
trực của Liên Đoàn Tân Tôn giáo Nhật (Federation of New Religion of
Japan / Shinshuren) sau khi hội này thành lập.
Ngày 10 tháng 9 năm 1957, bà
Naganuma qua đời. Sau khi trở về với Chánh pháp, bà phát tâm dành thời
gian còn lại của đời mình để phổ biến Kinh Pháp Hoa. Do đó bà đã
làm việc không biết mỏi mệt để hướng dẫn những thành viên mới của
hội cho đến ngày cuối cùng, bà đau nặng và qua đời trong yên bình vào
ngày 10 tháng 9 năm 1957. Hội đã tổ chức trọng thể tang lễ của bà
trong hai ngày 14 và 15 tháng 9, có đến 250.000 người trên khắp nước Nhật
đến viếng linh cữu của bà. Cùng trong năm này, Pháp sư cho ra tờ nhị nguyệt
san Dharma World để phổ biến giáo lý, đến nay tờ báo này vẫn phát
hành đều đặn.
Năm 1958, Pháp sư Niwano tổ
chức chuyến hoằng pháp trên khắp nước Nhật. Năm 1959, cho xuất bản cuốn
sách "Đạo Phật Ngày Nay, một diễn dịch mới của Kinh Pháp Hoa"
(Buddhism for Today : A modern Interpretation of the Threefold Lotus Sutra) in bằng tiếng
Nhật. Năm 1963, Pháp sư lên đường đi châu Âu để tham dự Hội nghị về
Hòa bình và bãi bỏ vũ khí hạt nhân tại Italy. Nhân dịp này Pháp sư có
gặp riêng đức Giáo hoàng Paul đệ lục để trình bày những kiến nghị
về hòa bình. Tháng 3 năm 1964 Pháp sư cho in cuốn : "Giảng luận mới
về Kinh Pháp Hoa " (A Modern Commentary on the Threefold Lotus Sutra). Ngày
14 tháng 9 năm 1945, Pháp sư đi Italy dự Hội nghị tôn giáo lần thứ hai,
nhân dịp này Pháp sư đã gặp và trao đổi với đức Giáo hoàng Paul đệ
lục về các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Tháng 7 năm 1965, Pháp sư
được bầu làm Chủ tịch hội Shinshuren.
Tháng giêng năm 1968 , Pháp sư
tham dự Hội nghị đối thoại Tôn giáo Nhật - Mỹ vì hòa bình tại Tokyo.
Từ ngày 21 đến 23 tháng hai năm 1969, Pháp sư tham dự phiên họp của ủy
ban tư vấn lâm thời của Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình thế giới
(World Conference on Religion and Peace / WCRP) và được cử làm ủy viên Ban thường
trực. Tháng 4 cùng năm này, Pháp sư được bầu làm chủ tịch Liên Đoàn
các Tôn giáo Nhật (Japan Religious League). Đến tháng bảy Pháp sư tham dự
Đại hội lần thứ 20 của Hiệp hội Tự do Tôn giáo Quốc Tế
(International Association for Religious Freedom / IARF) và được bầu làm ủy
viên ban quản trị của hội.
Ngày 28 tháng tư năm 1970, Chánh
Điện Phổ Môn của hội xây dựng hoàn thành. Tháng 10 cùng năm, Pháp sư
bảo trợ và tổ chức Hội nghị Tôn giáo và Hòa Bình Thế giới (WCRP)
lần thứ nhất tại Tokyo, hơn 300 đại biểu đến từ 39 quốc gia trên thế
giới về dự để bàn thảo về các vấn đề như giải trừ quân bị,
nhân quyền và kêu gọi chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Trong kỳ hội nghị
này, Pháp sư được bầu làm Chủ tịch Hội WCRP tại Tokyo và là phó Chủ
tịch hội WCRP Quốc tế. Cuối hội nghị, Pháp sư đã mời tất cả đại
biểu đại hội tham dự buổi lễ cầu nguyện hòa bình được tổ chức tại
chánh điện Phổ Môn của hội. Từ ngày 18 đến 23 tháng 12 cuối năm này,
Pháp sư đến thăm miền nam Việt Nam để tìm giải pháp hòa bình cho vùng
Đông Dương.
Tháng tư năm 1972, Pháp sư là
người Nhật đầu tiên được bầu vào chức vụ chủ tịch Hiệp hội
Tôn giáo và Hòa Bình Thế giới (WCRP). Tháng 5/1972, xuất bản cuốn
"Giải pháp của Phật giáo về hòa bình" (A Buddhist Approach to
Peace) bằng tiếng Nhật. Tháng 6 cùng năm này, Pháp sư được bầu làm
thành viên Ban Cố Vấn Hội Tôn Giáo Nhật- My半
(Inter-Religious Consultation on
Japanese-American Relations) trong kỳ hội nghị tại Hawaii. Đến tháng 8/1972,
Pháp sư đi Tây Đức để dự Hội nghị lần thứ 21 của Hiệp hội Tự
do Tôn giáo Quốc Tế.
Tháng tư năm 1974, Pháp sư
nhận lời mời của Hội Thân Hữu Nhật-Trung và viếng thăm Hoa lục.
Tháng 9 cùng năm, Pháp sư tham dự hội nghị WCRP lần thứ 2 tại Leuven, Bỉ
quốc và được bầu làm Chủ tịch danh dự của hội WCRP quốc tế .
Tháng 3/1975, Pháp sư được
Trường đại học Chicago, Hoa kỳ trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự. Tháng
8, Pháp sư tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc Tế lần thứ 22 tại
Canada. Ngày 15/11, sinh nhật lần thứ 70 của Pháp sư và cho xuất bản cuốn
Đời sống phong phú hơn (The Richer Life) bằng tiếng Anh.
Tháng 2/1976, Pháp sư tham dự
cuộc họp Ủy ban Thường Trực chuẩn bị cho Hội nghị Tôn giáo và
Hòa bình châu A٠(Asian Conference on Religion and Peace/ACRP) tại Singapore.
Tháng 3, Pháp sư cho ấn hành cuốn "Đạo Phật Ngày Nay, một diễn dịch
mới về ba Kinh Pháp Hoa" (Buddhism for Today : A modern Interpretation of
the Threefold Lotus Sutra) bằng tiếng Anh (cuốn sách này đã được GS Trần
Tuấn Mẫn dịch ra tiếng Việt và VNCPHVN xuất bản năm 1997). Tháng 8, xuất
bản cuốn "Nikkyo Niwano Tự Truyện" (Autobiography of Nikkyo
Niwano) bằng tiếng Nhật.
Tháng 4/1977, Hội của Pháp
sư tiếp nhận 102 thuyền nhân Việt nam. Tháng 12, cho xuất bản cuốn sách
tiếng Anh : "Giải pháp của Phật giáo về hòa bình" (A
Buddhist Approach to Peace).
Tháng 1/1978, Pháp sư được
cử làm đại diện cho Hiệp hội Tôn giáo và Hòa Bình Thế giới
(WCRP) dự hội nghị đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (UN) về vấn đề giải
trừ quân bị. Tháng 7, Pháp sư được bầu làm Phó Chủ tịch của Hiệp
hội Tự do Tôn giáo Quốc Tế trong kỳ hội nghị lần thứ 23 tại
Oxford, Anh quốc. Tháng 11, nhà khách Horin-Kaku của hội ở Tokyo xây dựng
được hoàn thành. Tháng 12, cho xuất bản cuốn Suốt đời vẫn là người
khởi đầu (Lifetime Beginner) bằng tiếng Anh. Tháng 12, Tổ chức Hòa
Bình Niwano ra đời và Pháp sư được bầu làm Chủ tịch.
Tháng 4/1979, là nhà Tôn
giáo người Nhật đầu tiên nhận giải thưởng Templeton Foundation cho công
trạng hợp tác các tôn giáo của Pháp sư tại Luân Đôn, Anh quốc. Tháng
9, Pháp sư được bầu làm phó Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Tôn
giáo và Hòa Bình Thế giới (WCRP) tại hội nghị ở New Jersey, Hoa kỳ.
Tháng 12, Pháp sư được Quốc hội và các nhà Lãnh đạo Tôn giáo Mỹ mời
tham dự cuộc họp thương thảo với các nhà chính trị và tôn giáo Iran để
giải thoát những con tin do Iran bắt giữ.
Tháng 6/1980, Pháp sư được
Cộng hòa Hồi giáo Iran mời tham dự Hội nghị quốc tế về việc can thiệp
của Mỹ ở Iran. Tháng 10, Pháp sư cho xuất bản cuốn Lược sử Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni, A Narrative Biography) bằng tiếng Anh.
Tháng 2/1981, Pháp sư được
mời tham dự cuộc gặp giáo hoàng John Paul II cùng với 28 đại diện cho Tôn
giáo khác ở Tokyo. Tháng 7, Pháp sư tham dự hội nghị IARF lần thứ 24 tại
Hòa Lan, và được bầu vào chức Chủ tịch của hội này. Tháng 10, cho xuất
bản cuốn "Kim chỉ nam về ba bộ Kinh Pháp Hoa" (A Guide to The
Threefold Lotus Sutra) bằng tiếng Anh. Tháng 11, Pháp sư tham dự hội nghị
ACRP lần thứ 2 tại New Delhi, Ấn độ.
Tháng 2/1982, Pháp sư xuất bản
cuốn "Cuộc sống ý nghĩa" (The Meaningful life) và "Đời
sống hạnh phúc gia đình "(The wholesome Family Life). Tháng 6, với tư
cách là Chủ tịch Hiệp hội Tự do Tôn giáo Quốc Tế (IARF) Pháp sư
tham dự phiên họp lần thứ 2 tại Liên Hiệp quốc về việc giải trừ
quân bị. Tháng 9, Pháp sư viếng thăm nước Nga theo lời mời của Giáo
hội Chính Thống giáo Nga (Russia Orthodox Church).
Tháng 11/1983, Pháp sư được
Youth Mission Service của Ý trao giải thưởng hòa bình. Tháng 4/1984, Pháp sư
nhận Giải thưởng Nhân đạo Quốc tế (the International Humanitarian
Award) tại Ý. Tháng 7, tham dự hội nghị IARF lần thứ 25 ngay tại trụ sở
của hội ở Tokyo. Tháng 8, Pháp sư tham dự hội nghị WCRP lần thứ 4 tại
Nairobi và được bầu làm Chủ tịch danh dự của tổ chức này.
Tháng12/1985, Pháp sư là
khách đặc biệt được mời phát biểu tại Đại hội kỷ niệm lần thứ
40 của LHQ Liên Hiệp quốc tổ chức tại Geneva. Tháng 6/1986, Pháp sư tham dự
Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình châu Á (Asian Conference on Religion and
Peace / ACRP) lần thứ 3 tại Seoul, Hàn quốc. Tháng 4/1987, Pháp sư đọc diễn
văn trong cuộc Hội thảo quốc tế tổ chức tại đại học quốc gia Nhật
bản về chủ đề Tương lai nhân loại và hợp tác Tôn giáo (Future
of Mankind and Cooperation among Religions).
Tháng 6/1988, với tư cách
là Chủ tịch Hội Rissho Kosei-kai, Pháp sư được mời phát biểu lần thứ
3 tại hội nghị đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (UN) về vấn đề giải
trừ quân bị. Tháng 1/1989, tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa Bình Thế
giới (WCRP) lần thứ 5 tại Melbourne, Úc châu. Tháng 7/1990, cùng với
các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới tham dự Hội nghị Thế giới về
thiếu nhi (World's Children Conference) tại Hoa kỳ.
Tháng 1/1991, với tư cách Chủ
tịch WCRP, Pháp sư phát lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Vùng Vịnh.
Tháng 3, Pháp sư phê chuẩn cho con trai trưởng là Nichiko Niwano, người kế
thừa Pháp sư và là chủ tịch Hội Rissho Kosei-Kai. Tháng 10, Pháp sư tham dự
hội nghị Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình châu Á (ACRP) lần thứ 4 tại
Katmandu, Nepal.
Tháng 10/1992, Pháp sư được
bầu làm Chủ tịch danh dự Ban Điều Hành Shinshuren. Tháng 11, phát biểu tại
Hội nghị về các quốc gia Trung Đông tổ chức tại Tokyo. Ngày 15/11, Pháp
sư được Order of Saint Greory trao tặng Ngôi sao bạc trong dịp sinh nhật lần
thứ 86 của ông.
Tháng 8/1993, Pháp sư được
Ủy Ban Tôn giáo Quốc tế trao tặng Giải thưởng Thế kỷ (Centenary
Award). Ngày 13/04/1994, bạn đời của Pháp sư , bà Naoko Niwano qua đời. Tháng
11, Pháp sư tham dự hội nghị WCRP lần thứ 6 tại Ý, đây là lần đầu
tiên có Giáo hoàng Paul 2 tham dự và phát biểu tại hội nghị. Tháng 12,
cho xuất bản cuốn Hàng mi vô hình (Invisible Eyelashes) bằng tiếng
Anh.
Tháng 3/1996, thôi giữ chức
Chủ tịch WCRP trong phiên họp Ban Điều Hành và Pháp sư được bầu làm
Chủ tịch danh dự. Tháng 6, Pháp sư tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 của
Liên Đoàn Tôn Giáo Nhật bản. Tháng 10, nhận giải thưởng quốc tế
do Franciscan Internation Center trao tặng. Tháng 8/1997, Pháp sư tham gia lễ cầu
nguyện hòa bình thế giới do Hội liên Tôn giáo tổ chức tại Tokyo. Tháng
3/1998, đọc diễn văn trong lễ kỷ niệm lần thứ 60 của Hội Rissho
Kosei-kai, có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới về dự trong lễ
này.
Ngày 5/3/1999, Pháp sư tham dự
lễ kỷ niệm lần thứ 61 của Hội Pháp Hoa Rissho Kosei-kai và đến 10 giờ
34 phút sáng ngày 4 tháng 10 năm 1999, sau một thời gian pháp thể khiếm an,
Pháp sư đã qua đời tại bệnh viện đa khoa ở Tokyo, hưởng thọ 92 tuổi.
Tang lễ của
cố Pháp sư Nikkyo Niwano
Tin về sự qua đời của Pháp
sư Nikkyo Niwano đã nhanh chóng loan đi các chi nhánh của Hội Pháp Hoa Rissho
Kosei-kai trên khắp nước Nhật và thế giới. Tin buồn này đã được các
hãng truyền hình thông báo ngay trong bản tin tức đầu tiên trong ngày và
các tờ báo lớn của Nhật đều liên tục đưa tin về cuộc đời và sự
nghiệp hoạt động tôn giáo của Pháp sư. Các nhà lãnh đạo tôn giáo,
chính trị ở Nhật và nhiều quốc gia trên thế giới đã gởi điện thư
chia buồn cho sự mất mát này.
Linh cữu của Pháp sư được
quàn tại nhà riêng trong 3 ngày, vào ngày cuối cùng, linh cữu được đưa
đến đặt tại Đại Thánh Đường (Great Sacred Hall) của hội. Tại
nơi đây linh cữu được an trí sau tượng đài đức Phật Thích Ca và một
buổi lễ truy điệu cử hành vào lúc 5 giờ 18 chiều ngày 6/10. Buổi lễ
được truyền hình trực tiếp phát đi trên khắp Nhật Bản. Tiếp đó
thành viên của Hội thay phiên tụng Kinh Pháp Hoa để nguyện cầu và trợ
tiến giác linh của Pháp sư. Khi tụng đến phẩm Như Lai Thọ Lượng (Revelation
of the Eternal Life of the Tathagata) và phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát
(The Bodhisattva Never Despise), những giọt nước mắt xúc động chảy dài
trên những khuôn mặt của thành viên.
Trong buổi lễ, hai bức điện
thư chia buồn của Giám mục Ronrad Raiser, Tổng thư ký Ủy hội Gia Tô Thế
giới ở Geneva, và một của giáo sư Andrea Riccardi, Chủ tịch Hội Thánh
Egidio ở Ý, được đọc lớn để đại diện cho hàng trăm bức điện
thư khác trên khắp thế giới. Tiếp đó, 18 người đại diện cho các đoàn
thể đến trước linh cữu thắp hương để tưởng niệm cố giác linh
Pháp sư Niwano, gồm có các vị như Hòa thượng Kinzo Takemura, cố vấn cho Hội
Pháp Hoa Rissho Kosei-kai, Thủ tướng Nhật ông Keizo Obuchi .v.v… Lễ truy điệu
kết thúc vào lúc 7 sau khi quan khách dâng hương hoa để tưởng niệm giác
linh.
Từ chiều ngày 6 đến sáng
ngày 10 tháng 10, các khóa lễ tụng kinh Pháp Hoa vẫn liên tục duy trì, có
khoảng 30.900 thành viên đã phân thành 2 ban (Nhóm ban ngày có 21.700 người,
chia thành 3 toán khác nhau, và nhóm ban đêm gồm có 9.200 thanh niên Phật tử
tựu về từ tất cả chi nhánh trên khắp nước Nhật, dẫn đầu bởi đại
đức Keiji Kunitomi, Chủ tịch Hội Thanh Niên) để luân phiên tụng niệm.
Lễ động quan và hỏa táng
được cử hành vào sáng ngày 10/10, có khoảng 60.000 thành viên và quan
khách hiện diện đông đủ tại Đại Thánh Đường để tham dự lễ. Tại
đây tất cả đều thành kính trước linh cữu và bức chân dung luôn nở nụ
cười của Pháp sư. Có khoảng 60.000 hoa cúc trắng và 16.000 hoa phong lan hồng
và trắng được bài trí trước tượng đài Phật Thích Ca và xung quanh
linh cữu của Pháp sư. Hoa phong lan trắng cũng được kết thành một vòng
tròn để gắn lên bức chân dung của pháp sư như để biểu trưng cho tính
toàn bích của Kinh Pháp Hoa, riêng hoa cúc trắng là biểu tượng nơi ra đời
của pháp sư ở Suganuma đầy tuyết trắng bao phủ.
Lễ động quan này cũng được
truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, mở đầu hai dàn nhạc Tokyo Kosei và
Kosei Gagaku đã trổi những bản nhạc tang lễ theo truyền thống của Nhật
Bản, rất trang nghiêm và xúc động. Tiếp đó, một lần nữa thành viên của
hội tụng Kinh Pháp Hoa với các phẩm Như Lai Thọ Lượng (Revelation
of the Eternal Life of the Tathagata) và Như Lai Thần Lực (The Divine Power
of the Tathagata).
Sau nghi thức tụng niệm là
phần tuyên đọc tiểu sử, điếu văn tưởng niệm. Mở đầu là ông
Nichiko, là trưởng tử và cũng là người kế thừa sự nghiệp của Pháp sư.
Ông đã đại diện gia đình và toàn thể thành viên của hội dâng lời
tri ân công đức đến pháp sư Niwano, người đã dâng tặng cả cuộc đời
và lời dạy của mình để đem lại niềm vui sống cho mọi người. Và nhiều
quan khách khác cũng đọc ai điếu, đó là Hòa Thượng Eshin Watanabe, tông
chủ của Tông Thiên Thai, HT. Mitsushiro Fukata, chủ tịch Liên Đoàn
Tân Tôn Giáo Nhật Bản, Tiến sĩ WilliamF. Vendley, Tổng thư ký Hội Tôn
giáo và Hòa bình thế giới..v.v..
Tiếp đó linh cữu được
đưa đi hỏa táng, trên linh cữu của pháp sư được đặt một quyển Kinh
Pháp Hoa và một quyển giảng luận về kinh Pháp Hoa do chính pháp sư viết.
Hàng chục ngàn người đứng dọc theo hai bên đường từ Đại Thánh Đường
đến nơi hỏa táng, người ta nghe được tiếng nhạc tang lễ và tiếng
khóc vang lên khi xe tang đi ngang qua. Tất cả mọi người đều xúc động và
kính tiếc về sự ra đi của một con người vĩ đại đã cống hiến trọn
đời mình cho hạnh phúc nhân sinh.
Linh cữu của pháp sư được
hỏa táng vào lúc 1 giờ 25 chiều tại quận Suginami, Tokyo. Và đến 2 giờ
40 cùng ngày, tro hỏa táng được thỉnh về tôn thờ ngay trên lầu 7 của
Đại Thánh Đường, nơi thờ phụng thành viên quá cố của hội.
Cũng trong thời gian tang lễ
xảy ra ở Nhật bản, các chi nhánh của Rissho Kosei Kai ở nước ngoài như
Triều Tiên, Tích Lan, Đài Loan, Thái Lan, Bangladesh, Hong Kong, Nepal, Úc châu,
Anh quốc, Geneva, Brazil, Hoa Kỳ .v.v...đều tổ chức các khóa lễ truy điệu
và trợ tiến giác linh Pháp sư Niwano.
Đôi nét về
Hội Phật Giáo Lập Chánh Giảo Thành (Rissho Kosei-kai)
Hội do pháp sư Niwano thành
lập vào năm 1938, từ 38 thành viên lúc ban đầu đến nay đã có hơn 6,5
triệu hội viên và đã trở thành một Hiệp hội Phật tử tại gia
(Lay Buddhist Organisation) lớn nhất ở Nhật bản và trên thế giới. Cở sở
sinh hoạt của hội hiện này gồm có:
- Nhà khách Horin-kaku : dùng cho những hoạt
động hợp tác tôn giáo và hòa bình thế giới.
- Đại sảnh Phổ Môn ở Osaka: là một
trung tâm hoạt động tôn giáo ở miền Tây Nhật Bản.
- Trường y khoa Kosei: nơi đào tạo sinh
viên y khoa để trở thành những y, bác sĩ điều trị bệnh theo tinh thần
của PG.
- Bệnh viện đa khoa Kosei : nơi điều trị
và chăm sóc sức khỏe cho thành viên và mọi người.
- Nhà khách hành hương: nơi cung cấp nơi
ăn chốn ở cho du khách đến thăm hội
- Đại thánh đường: trung tâm chính cho những
hoạt động tôn giáo của hội.
- Đại sảnh Phổ Môn: sử dụng cho nhiều
mục đích của hội bao gồm một sân khấu lớn và một hội trường lớn
với đầy đủ tiện nghi để tổ chức hội nghị thế giới.
- Trụ sở Kosei: bao gồm văn phòng chính và
các ban ngành của hội.
- Nhà xuât bản Kosei-kai: chuyên lo in ấn
sách báo của hội và nhiều tổ chức PG khác.
- Trường Trung học Kosei-gakuen.
- Trường Cao đẳng Hoju-Jogakuin.
- Thư viện Kosei.
Lời kết
Cuộc đời và đạo nghiệp
của pháp sư Niwano là một tấm gương sáng ngời trong tinh thần hòa hợp
hòa giải tôn giáo nói chung cũng như hộ trì và phát triển đạo Phật trên
thế gian này. Sự ra đi của pháp sư Niwano là một mất mát to lớn cho tôn
giáo thế giới và Phật giáo nói riêng. Hy vọng rằng sự nghiệp hoằng dương
Chánh Pháp của Pháp sư sẽ được các thành viên của Rissho Kosei-kai kế
thừa, duy trì và làm lớn mạnh hơn nữa trong tương lai./.
Tổng hợp theo tạp chí
Dharma World, Jan/Feb. 2000, Vol 27 (Special Memorial Issue for Rev. Nikkyo Niwano, (http://www5.mediagalaxy.co.jp/kosei/index1.html
).
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/030-Nikkyo
Niwano.htm