Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Nhục thân Hòa thượng Hổ Phách tại Thái lan

 

 Trên Trang nhà Đạo Phật ngày nay, vào tháng 1 năm 2007, Thầy Nhuận Ân có viết một bài giới thiệu về nhục thân Hòa thượng Phổ Sái tại chùa Khánh Vân, thủ đô Bangkok, Thái lan. Từ bài viết đó, tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết tại Thái lan, ngoài nhục thân của Hòa thượng Phổ Sái tại chùa Khánh Vân còn có một nhục thân nữa. Đó là nhục thân của Hòa thượng Hổ Phách tại thất Khánh Thọ[1] thuộc tỉnh Kanchanaburi, cách thủ đô Bangkok hơn 100 km.

 Sau đây chúng tôi xin dịch bản tóm tắt tiểu sử của Hòa thượng Hổ Phách, được ghi bằng Hán văn, dựng ngay trong tổ đường, nơi thờ nhục thân của ngài tại thất Khánh Thọ.

 Thiền sư Hổ Phách tên là Trần Xuân Dụ, phụ thân tên Trần Chiếm và mẫu thân tên Lâm Đức Ma. Ngài là huynh trưởng trong gia đình có ba anh em trai. Ngài sinh tại tỉnh Kanchanaburi vào năm Phật lịch 2447 tức năm Giáp Thìn 1904. Năm 11 tuổi ngài xuất gia tại chùa Khánh Thọ[2], thờ Hòa thượng Bạch Ngọc[3] làm bổn sư. Thiền sư Hổ Phách một đời từ bi thương người, chuyên tâm tu học, chăm chỉ hành thiền, không giữ tài vật, xả bỏ tất cả, trường trai thanh tịnh, chuyên cần tụng niệm, luôn nhập thiền định, cầu sớm ngộ đạo, liễu thoát sinh tử, quyết tâm trừ bỏ tất cả dục tình; do đó đạt được trí tuệ, đạo đức, Phật tử xa gần tôn sùng quy ngưỡng. Vào ngày 1 tháng 2 năm Phật lịch 2493 tức thứ Tư ngày 15 tháng 12 năm Kỷ Sửu1949, tại thất Khánh Thọ này, Thiền sư Hổ Phách viên tịch một cách nhẹ nhàng như người đang ngủ, hưởng thọ 46 tuổi, xuất gia hành đạo được 35 năm. Sau khi ngài viên tịch được 7 ngày, môn đồ đặt kim quan của ngài tại thất Khánh Thọ này, định ba năm sau tổ chức lễ hỏa táng. Nhưng ba năm sau, khi mở nắp kim quan, thân của thiền sư không bị hủy hoại, da thịt khô, sáng, mắt hơi mở, tượng giống như hồi còn sinh tiền không khác. Thiện tín xa gần đều đến tham quan và tất cả đều công nhận rằng thiền sư Hổ Phách tu hành đắc đạo, đạt được diệu qủa. Ban quản lý thất Khánh Thọ cùng nhau bàn bạc, cuối cùng quyết định phủ vàng lên nhục thân của ngài và thờ nhục thân của ngài tại tổ đường này.

 Trên đây là sơ lược tiểu sử của thiền sư Hổ Phách tại thất Khánh Thọ. Tiểu sử này qúa sơ sài, không cho chúng ta biết nhiều về hành trạng của ngài và lý do tại sao ngài lại viên tịch tại thất chứ không phải là chùa Khánh Thọ nơi ngài xuất gia. Và sự khác nhau giữa chùa Khánh Thọ và thất Khánh Thọ là gì. Rất may, vì thiền sư mới viên tịch cách đây khoảng 60 năm nên chắc chắn còn có nhiều người đang sống biết về hành trạng của ngài. Chúng tôi được gặp và nghe Hòa thượng trụ trì chùa Sắc tứ Cảnh Phước ở Bangkok, Thái Lan, là đệ tử út của thiền sư Hổ Phách kể về cuộc đời của bổn sư mình. Sau đây là lời kể của Hòa thượng trụ trì chùa Cảnh Phước :

 “Thiền sư Hổ Phách rất thông thạo tiếng Việt, xuất gia với Hòa thượng Bạch Ngọc tại chùa Khánh Thọ. Phái Annam Nikaya[4] tại Thái lan ngày xưa không có nhiều tăng sĩ nên sau khi vị Hòa thượng trụ trì của một ngôi chùa nào đó viên tịch thì chùa thỉnh chư tăng từ các chùa khác đến trụ trì. Cho nên khi Hòa thượng trụ trì chùa Hội Khánh[5] viên tịch, bổn sư cử thiền sư đến đây làm trụ trì. Sau đó, các Hòa thượng lại cử thiền sư đến trụ trì chùa Sắc tứ Khánh Vân nơi đang thờ nhục thân của Hòa thượng Phổ Sái.Thời gian này chiến tranh tại Việt nam đã bắt đầu và đang tiếp diễn[6], ngài lại được Hòa thượng Giác Mẫn cử về trụ trì chùa Long Sơn nằm dưới chân núi nhưng ngài không nhận chức vị trụ trì, chỉ xin được ở trong chùa như một vị tăng sĩ bình thường và chuyên tâm hành đạo. Tại chùa Long Sơn, hàng ngày ngài lấy việc tụng kinh, bái sám và hành thiền làm thời khóa chính. Trong thời gian này ngài cũng thường xuyên nhập thất để tọa thiền và niệm Phật, không giao tiếp với bất cứ ai. Khi nào chùa có việc gì quan trọng thì viết giấy gởi vào cho ngài. Tình hình chiến sự tại Việt nam ngày càng phát triển và nhận thấy chùa Long Sơn không phù hợp với việc tu học của mình nên cuối cùng ngài xin về thất Khánh Thọ. Tại đây, ngài nhập thất, hàng ngày tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, chỉ ăn mỗi ngày một bữa vào giờ ngọ, do thị gỉa mang vào thất cúng ngài. Trong thời gian cư ngụ tại chùa Long Sơn ngài thường xuyên nhập thất nhưng lại giúp về mặt phong thủy cho rất nhiều chư tăng, Phật tử Việt cũng như Thái xây dựng chùa hoặc nhà. Ngài chỉ ở trong thất, ghi trên giấy phương hướng hợp với tuổi tác xây dựng v.v... Đây là điều hiếm có nên chư tăng và Phật tử cho rằng ngài đã chứng qủa A la hán. Sau khi ngài viên tịch một tuần, da thịt của ngài không đông cứng lại mà vẫn mềm mại như người đang sống, trong tư thế ngồi chắp tay niệm Phật. Do đó các đệ tử của ngài dùng dây cột vào bụng ngài để giữ thăng bằng, giúp cho nhục thân ngài có thể ngồi bền vững[7], sau đó đóng một quan tài hình trụ để quàn nhục thân của ngài tại thất Khánh Thọ. Hai năm sau khi mở quan tài hình trụ ra để nhập tháp thì thấy nhục thân của ngài vẫn còn nguyên vẹn trong tư thế ngồi chắp tay niệm Phật. Phật tử xa gần đến đảnh lễ và biết ngài đã đắc qủa nên thờ nhục thân của ngài tại tổ đường thất Khánh Thọ cho tới ngày nay.”

 Theo hai nguồn tư liệu trên, thiền sư Hổ Phách tuy sanh ở Thái lan nhưng nói thông thạo tiếng Việt. Chỉ muốn chuyên tâm hành đạo nên tuy được cử làm trụ trì nhiều ngôi chùa nhưng ngài đều từ chối, cuối cùng chọn thất Khánh Thọ làm nơi hành đạo và viên tịch tại đây. Nhục thân của ngài ngày nay được phủ một lớp vàng bên ngoài[8] có lẽ do phần bụng bị hư hoại. Nhưng điều đặc biệt, tư thế ngồi của ngài hoàn toàn khác thế ngồi của các nhục thân mà chúng ta biết được. Nhục thân của các vị cao tăng chúng ta biết được từ trước đến nay ngồi theo tư thế thiền định kết già hoặc bán gìa. Còn thế ngồi của thiền sư Hổ Phách là niệm Phật chắp tay. Như vậy, ngài viên tịch trong khi đang niệm Phật. Nói cách khác, ngài vãng sanh trong khi đang niệm Phật.


 


[1] Tên chữ Hán của thất Khánh Thọ là Khánh Thọ đường. Tuy nhiên, ngày nay cũng trở thành chùa. Nhưng để phân biệt với chùa Khánh Thọ nơi ngài Hổ Phách xuất gia, chúng tôi gọi nơi tôn thờ nhục thân của ngài là thất Khánh Thọ.

[2] Chùa Khánh Thọ nếu nói đủ là Sắc tứ Khánh Thọ tự, thuộc tỉnh Kanchanaburi nhưng cách thất Khánh Thọ nơi thờ nhục thân của ngài Hổ Phách khoảng 30 km.

[3] Hòa thượng Bạch Ngọc có hình thờ tại chùa Khánh Thọ và theo bài vị ghi tại Tổ đường thì Hòa thượng Bạch Ngọc thuộc đời thứ 43 của Tào Động tông. Do vậy, ngài Hổ Phách thuộc đời 44 của Tào Động tông.

[4] Chỉ cho các ngôi chùa Việt Nam Bắc tông tại Thái Lan. Ngày nay thống kê có 17 ngôi chùa nhưng không còn vị trụ trì nào là người Việt.

[5] Chùa Hội Khánh trước kia gần con sông Chaophraya của Bangkok. Theo lời của Hòa thượng trụ trì chùa Cảnh Phước thì đa số các ngôi chùa Việt nam xây dựng trên Thái lan đều nằm gần những con sông chùa Khánh Thọ cũng nằm gần sôngđể có thể liên lạc với chính quyền Việt nam thời xưa và có thể báo tin tức cho đất nước về tình hình chính trị thời chiến tranh.

[6] Có lẽ là các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.

[7] Chính vì điều này mà sau này phần bụng của ngài bị hư hoại hết, không còn nguyên vẹn. Nhìn vào tấm hình chụp nhục thân của ngài ba năm sau khi viên tịch sẽ thấy phần bụng của ngài không còn nguyên vẹn.

[8] Trong khi nhục thân của Hòa thượng Phổ Sái tại chùa khánh Vân thì còn được giữ nguyên theo trạng thái nguyên thủy tức không phủ vàng như nhục thân thiền sư Hổ Phách, không phủ lớp sơn như nhục thân của hai ngài Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở Việt nam.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nhucthan_htHoPhach.htm

 


Vào mạng: 10-4-2007

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang