...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
- Phật giáo tại
Mã-lai
- Thích Nguyên Tạng
Mã Lai (Malaysia) một quốc gia
theo chế độ quân chủ lập hiến (constitutional monarchy) nằm ở Đông Nam
Châu Á. Nam giáp với Thái Lan, Bắc giáp với Singapore, là một thành viên của
khối thịnh Vượng Chung (Commonwealth of Nations), thủ đô và cũng là thành
phố lớn nhất Mã lai là Kuala Lumpur. Diện tích: 329.750 km2. Dân số:
17.890.000 người. Mật độ dân cư: 54,2 người/km2. Dân số dưới 15 tuổi:
36,2%. Tuổi thọ trung bình: 70,1 tuổi. Tử suất trẻ em: 22%. Học sinh từ
12-17 tuổi: 70%. Nguyên thủ quốc gia: quốc vương Azlan Muhibuđin Shah. Thu nhập
bình quân đầu người: 2.420 đô la. Đơn vị tiền tệ: Ringgit. Ngôn ngữ
thông dụng: tiếng Mã Lai, tiếng Hoa, tiếng Ấn và tiếng Anh. Giành lại nền
độc lập từ năm 1957, Mã Lai có được vị trí nằm ở ngã tư đường
giao thông quốc tế. Dân số đa phần là người Mã Lai rất đa tạp (khoảng
62%). Người Hoa (khoảng 30% dân số) nắm về ưu thế kinh tế. Ngoài ta còn
có người Ấn, Nam Dương, Thái Lan... sống trong quốc gia này. Người theo
đạo Hồi, chiếm đa phần trong dân số, ít được ưu đãi trong lĩnh vực
kinh tế nhưng lại nắm giữ độc quyền về chính trị. Mã lai có nhiều
tài nguyên thiên nhiên như thiếc, cao su, dầu hỏa, rừng. Trong ba thập niên
qua, Mã lai đã hướng theo con đường công nghiệp hóa năng động, ưu tiên
cho ngành xuất khẩu, và có mức độ đầu tư của nước ngoài cao nhất
so với các quốc gia láng giềng.
Tôn giáo chính của Mã Lai là Hồi Giáo (Islam) và Phật
giáo (Buddhism), những tôn giáo nhỏ khác là Khổng giáo, Lão giáo, Ấn Độ
giáo và Ky Tô giáo.
1. Thời kỳ đầu của Phật giáo tại Mã Lai:
Tầm ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ đã vượt qua biên giới để
đến với vùng Đông Nam châu Á. Nhu cầu thương mại lúc ấy là động lực
chính làm chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa và tôn giáo lại với
nhau. Mặt khác, Ấn Độ thành lập một số Chính quyền Thực dân ở bán
đảo Mã Lai vào khoảng 5 thế kỷ đầu của Tây lịch. PG nhờ thế mà
được truyền vào Mã Lai trong thời điểm ấy. Có nhiều bằng chứng cho
thấy điều này hoàn toàn hợp lý qua những địa danh của Mã Lai bắt nguồn
từ nguyên ngữ Pali như Niddesa và Milindapanha.
PG được truyền vào Mã Lai vào khoảng đầu thế kỷ thứ
3 Tây lịch. Nhiều sách sử đã ghi nhận rằng các nhà sư Sona và Uttara đã
đến miền Đông Nam châu Á theo sau kỳ đại hội kết tập Kinh điển lần
thứ 3 tại Ấn Độ vào 325 trước Tây lịch ( sau Phật Niết bàn 218 năm.
Đại hội lần này do Hoàng đế A Dục đề xướng và bảo trợ.) Một
tài liệu của PG Tây Tạng cũng đề cập đến ngài Dharmapala đã đến đảo
Malay vào thời đi?m này. Và theo lời của Ngài Pháp Hiển (Fa-Hsien), một
nhà chiêm bái người Trung Hoa, từng du học sang Ấn, trên đường hồi
hương, (khoảng thời gian: 399-414 Tây lịch) ngài có ghé ngang trung tâm văn
hóa Java ( Indonesia) , Tích Lan và Mã Lai trước khi ngài trở về Trung Hoa
vào năm 414 Tây lịch.
Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 13 Tây lịch, Java
và Sri Vijava đều nằm dưới sự kiểm soát của triều đại hùng mạnh
Sailendra. Những vị vua của triều đại này đã cho xây nhiều công trình
kiến trúc PG vĩ đại như vườn Tháp nổi tiếng thế giới Borobodur ở
Trung tâm Java. Ông I-Tsing, một nhà chiếm bái Trung Hoa khác, cũng mô tả rằng
vào năm 671 Tây lịch thủ đô Sti Vijayan ở Bukit Seguntang được xem là một
trung tâm văn hóa PG quan trọng, với hơn một ngàn tăng sĩ đang tu học tại
đây. Sau khi triều đại Sri Vijaya sụp đổ, PG vẫn tiếp tục truyền vào
Mã Lai.
2. Những bằng chứng lịch sử và khảo cổ:
Những nhà khảo cổ tìm thấy những bằng chứng của thời kỳ đầu này
qua những tác phẩm điêu khắc PG tại Mã lai. Tuy nhiên những bằng chứng
lịch sử có thể tìm thấy trong văn học Trung hoa rằng PG đã được thiết
lập tại Mã Lai vào thế kỷ thứ 6 Tây lịch. Theo biên niên sử Trung Hoa
ghi nhận rằng Hoàng đế của Mã Lai đã gởi một phái đoàn ngọai giao đến
Trung Hoa vào những năm 527, 530 và 536 Tây lịch với những món quà bao gồm
xá lợi Phật (relics), tranh ảnh PG, và lá Bồ Đề. Tài liệu này cũng xác
nhận rằng những thành viên trong đoàn ngoại giao này có tên là Tan-Tan,
Chip-Tu và Fo-Lo-An. Và tại nơi đây, hàng năm lễ Phật Đản được tổ chức
vào ngày trăng tròn tháng sáu với những đám rước và lễ nhạc và pháp
danh của vị Thầy chủ trì cuộc lễ lúc ấy là Tỳ kheo Pi-ch’iu.
Ngành thương mại của Trung hoa bắt đầu tiếp xúc với Đông
Nam châu Á vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 TL, khi triều đại nhà Wu gởi
một phái đoàn đến Đông Nam châu Á để tìm hiểu tình hình chính trị
và thương mại ở vùng này. Từ đó, thị trường của Trung Hoa đã trở
thành quan trọng đối với vùng Đông Nam châu Á này, và phần lớn các thương
gia thời bấy giờ đều là Phật tử, nên PG đã chẳng bao lâu đã phát
triển mạnh tại các quốc gia trong khu vực.
Các cuộc khai quật ở Kedak và Penang (các tỉnh lỵ của
Mã Lai), các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tàn tích về các ngôi chùa,
tháp và tượng Phật còn sót lại ở đó. Tại hai nơi này, vào khoảng đầu
thế kỷ thứ 4 hay 5 TL đã có những bia đá khắc Kinh Phật bằng tiếng
Sanskrit. Một trong những bia đá quý báu này được tìm thấy dưới một
ngôi nhà đổ nát ở tỉnh Kedah.
Một di vật quan trọng khác được thấy là một bia bằng đất sét ở
Kedak với ba bài kệ chữ Sanskrit khắc vào thế kỷ thứ 6 TL và hai bức tượng
Quan Thế Âm Bồ tát cũng được tìm thấy ở tại địa danh này.
Những tác phẩm điêu khắc PG vào thế kỷ thứ 4 TL đều
được tìm thấy ở nơi khác của bán đảo Malaysia, đặc biệt là Cheruk
Tekun và tỉnh Wellesley. Những hình Phật và những di vật khác cũng được
tìm thấy ở Kuala Selinsing, Kinta Valley, Tanjung Rambutan, Bidor and Sungei Siput
và Perak.
Trong khi đó, một bằng chứng lịch sử khác vào năm 1006
TL cũng được ghi nhận, Vua Kataka ở Kedak đã xây dựng một ngôi chùa ở
Negapatam. Vua Rajaraja đệ nhất đã ban hành những đạo luật miễn thuế
cho chùa chiền. Những ngôi chùa cổ cũng đã được khai quật ở phía đông
bờ biển Mã Lai. Dù có một số nơi bây giờ thuộc về phần đất của
Thái Lan. Nhiều tượng Phật bằng đồng và đá từ thế kỷ thứ 13 TL cũng
được khám phá trong vùng này. Theo biên niên sử Trung Hoa, cho thấy rằng
PG đã truyền vào vùng P'an P'an này vào thế kỷ thứ 6 TL và kéo dài đến
700 năm sau.
Còn rất nhiều di vật khảo cổ được tìm thấy vào đầu
những năm 1900, trong khoảng thời gian Thực dân Anh xâm chiếm Mã Lai, một
số khác cũng được khám phá vào những năm 1970 ở Kedah. Trong khi đó có
nhiều dấu tích của chùa chiền cũng được tìm thấy ở thung lũng Bujang,
điều này cung cấp thêm nhiều dữ kiện cho sự có mặt của PG ở Mã Lai
từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14 TL. Hiện tại tất cả những di
sản khảo cổ này được bảo trì và trưng bày tại Viện bảo tàng quốc
gia ở tỉnh Bukit Batu Pahat mà mọi du khách đều có thể đến viếng thăm.
3. Thời kỳ suy tàn của Phật giáo tại Mã Lai:
Phật giáo đã suy yếu dần theo sau sự tấn công của Hồi giáo vào Mã Lai
ở thế kỷ thứ 14 TL của người Ả Rập và thương gia Ấn Độ. Đầu thế
kỷ thứ 15, một vị vua Mã Lai dựng Kinh đô ở Malacca, vốn là tín đồ của
Ấn Độ giáo, đã cải đạo theo Hồi giáo và vì thế mà đạo này có cơ
hội để truyền bá rộng khắp trên toàn bán đảo Mã Lai. Lúc bấy giờ
PG lui dần về ngoại ô và sau đó chỉ còn để lại bóng dáng của mình
trên nền văn học, trong truyện cổ tích, huyền thoại và địa danh của
đất nước Mã Lai.
4. Thời kỳ phục hưng của Phật giáo tại Mã Lai:
Sau 300 năm tàn lụi, PG Mã Lai lại phục hồi theo sau làn sóng di dân của
người Trung Hoa đến Mã Lai vào thế kỷ thứ 17. Tuy nhiên, sự phục hưng
này được xác định rõ ràng nhất là vào thế kỷ thứ 19 khi di dân người
Hoa đổ xô qua Mã Lai. PG ở thời kỳ này mang sắc thái tổng hòa: Tam giáo
đồng nguyên, Phật (phần lớn theo tông phái Tịnh Độ/Pure Land), Lão
(Taoism) và Khổng giáo (Confucianism), để đem lại niềm an lạc và lợi ích
tâm linh cho người tín đồ.
Theo thống kê của chính phủ Mã Lai vào năm 1991, có tất cả
3,2 triệu tín đồ theo Đạo Phật và 0,9 triệu người theo Đạo Lão và Đạo
Khổng trong tổng số 17.6 triệu người Mã Lai. Con số này đã minh chứng rằng
PG đã thực sự hồi sinh và phát triển mạnh trên quốc gia này.
5. Phật giáo Bắc Tông tại Mã Lai:
Một số chùa Bắc Tông được xây dựng rất sớm tại Penang. Chùa Kuan Imm
Teng xây dựng vào khoảng đầu những năm 1800, chùa Cheng Hoom Teng xây dựng
rất sớm ở Malacca vào khoảng thời điểm ấy. Hai ngôi chùa này hiện nay
là những ngôi chùa cổ nhất ở Mã Lai, tuy nhiên những nơi này chỉ được
xem là danh lam để du khách viếng thăm hơn là nơi để đến nghiên cứu
và tu học Phật Pháp.
Năm 1887, Pháp sư Miao Lian đến Penang từ Fuchow, Trung Hoa và
bắt đầu xây dựng chùa Tịnh Độ (Kek Lok/ Sukhavati). Ngôi chùa được thiết
kế tổng hợp theo lối kiến trúc PG Thái Lan, Miến Điện và Trung Hoa.
Ngôi chùa này đã chính thức khánh thành vào năm 1905 và nó được xem là
một trong những ngôi chùa lớn nhất của vùng Đông Nam châu Á. Từ thập
niên tám mươi đến nay, chùa Tịnh Độ là tụ điểm an cư tu học của đông
đảo Tăng Ni Bắc Tông của Mã Lai. Hiện tại chùa cũng đang được mở rộng
thêm và cũng được xem là nơi thu hút khách du lịch.
Hội Phật giáo Penang (The Penang Buddhist Association) được thành
lập năm 1925 với mục đích truyền bá lời Phật dạy. Ngôi chùa của Hội
này được xây dựng trên đường Anson và hoàn thành năm 1931. Hội này đã
trở thành một tổ chức hoằng Pháp sớm nhất tại xứ sở này. Thời
gian đầu, hội này đã gặp sự chống phá của truyền thống mê tín địa
phương lâu đời tại Mã Lai này. Nhưng sau đó do nỗ lực hoạt động, nên
Hội đã cảm hóa được quần chúng và đưa họ trở về với ánh sáng của
Chánh Pháp.
Năm 1955, Hội Thanh Niên Phật Tử Penang ra đời (Youth Circle
of the Penang Buddhist Association) dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của một
tăng sĩ người Mỹ, ngài Venerable Sumangalo, người đến Mã Lai vào năm 1955
và có những chương trình hoạt động hoằng Pháp đổi mới, như mở trường
Phật Pháp Chủ Nhật (Dharma Sunday School) cho thanh thiếu niên, thành lập Hội
Liên Hữu PG Mã Lai (Malaysian Buddhist Youth Fellowship) cho mọi giới Phật tử
có thể tham dự tu học. Năm 1956, Thượng tọa Sumangalo đã viếng thăm Úc
châu, và ngài đã nhanh chóng thu hút thính giả qua các buổi giảng giáo lý
ở Melbourne và Sydney trong nhiều tuần lễ. Sau đó ngài trở lại Mã Lai
làm việc cho đến ngày viên tịch vào năm 1963.
Mặc dù Hội PG Penang thuộc trường phái Bắc Tông, nhưng hội luôn cung thỉnh
nhiều tăng sĩ Nam Tông đến để hoằng Pháp như cố trưởng lão K.
Gunaratana Maha Nayaka, Hòa thượng P. Pemaratana Maha Nayaka từ Tích Lan.
Một vị nữ tu Bắc tông, sư cô Fang Lian, xây dựng Ni Viện
Phor Thay vào năm 1936. Sư cô đã có những hoạt động tích cực như xây dựng
một trung tâm nuôi trẻ mồ côi, một trường Tiểu học và một trường
Trung học, chương học có kèm môn Phật Pháp. Cả ba trường này hàng năm
thu nhận hơn 3000 học sinh đến ghi danh để học.
Năm 1950, 14 thành viên của Hội Phật giáo Penang đã đến
tham dự Đại hội khoáng đại của Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới
(The World Fellowship of Buddhists/WFB) nhóm tại Colombo, Tích Lan. Theo sau kỳ đại
hội này, Phật tử ở Mã Lai đã thành lập một chi nhánh trung tâm của
WFB tại Penang vào năm 1951.
Tiếp đó, Giáo Hội Phật Giáo Mã Lai (The Malaysian Buddhist
Association/MBA) được thành lập vào ngày 19 tháng 4 năm 1959, với sự hợp
mặt của hầu hết các chùa chiền người Mã Lai và người Hoa. Vị chủ tịch
Giáo hội đầu tiên là Hòa Thượng Chuk Mor. Giáo hội đã thành lập một
Học viện Phật giáo (Buddhist Institute) để đào tạo tăng ni và mở một
trường Phật học miễn phí dành cho người lớn tuổi. Trường dạy nhiều
ngôn ngữ khác nhau như tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và Anh văn.
Hòa thượng Chuk Mor là một Pháp sư rất nổi tiếng ở Mã
Lai, Ngài sinh ngày 13 tháng 8 năm 1913 tại Trung Hoa. Ngài xuất gia năm 12 tuổi
(1924) và đến hoằng Pháp tại Mã Lai vào tháng 5 năm 1954. Vào tháng 7 năm
1962, Ngài đã xây dựng Thiền Đường Tam Trí (Triple Wisdom Hall) để dạy
thiền cho Phật tử Mã Lai. Một trong những đệ tử của Hòa thượng là
Đại Đức Sik Chi Chern, là người kế thừa sự nghiệp của Bổn sư và cũng
là Chủ Tịch Hội Thanh Niên Phật Tử Mã Lai (Young Buddhist Association of
Malaysia/YBAM) trong hai nhiệm kỳ từ 1990 đến 1996.
Vị chủ tịch thứ hai của MBA là Hòa thượng Kim Beng, viện
chủ chùa Cheng Hoon Teng ở Malacca, cũng là Pháp sư giảng dạy Phật Pháp nổi
tiếng ở Mã Lai. Chính phủ Mã Lai đã trao tặng Ngài giải thưởng Jasa
Setia Mahkota để biểu dương sự đóng góp và làm lớn mạnh nền văn hóa
Phật giáo tại xứ sở này.
Vị Chủ tịch hiện nay (1999) của MBA là Hòa Thượng Negri
Sembilan. Ngài cũng là một Pháp sư nổi tiếng ở Mã Lai, ngài vốn được
xem là một vị Thầy thuốc bắc lừng danh tại Mã Lai.
Ngôi chùa chính của trường phái Bắc Tông ở thủ đô Kuala Lumpur là chùa
Kuan Imm Teng do Đại đức Keng Aun, đây là ngôi chùa Tàu lớn nhất ở thủ
đô.
Trong những năm gần đây, các Pháp sư của Hội Phật Quang
Sơn (Fo Kuang Shan) cũng đến hoằng Pháp tại Mã Lai, đặc biệt là Hòa Thượng
Tinh Vân đến dự lễ khánh thành Chùa Phật Quang (Buddha’s Light Vihara) vào
năm 1998. Trong dịp này, một đảng phái chính trị người Hoa (đảng này
là liên minh với Thủ tướng đương nhiệm, Tiến sĩ Mahathir Mohamed) đã
cung thỉnh HT. Tinh Vân thuyết pháp cho quần chúng Phật tử. Đây là lần
đầu tiên chính quyền Mã Lai đã tham gia và đóng góp thiết thực cho sinh
hoạt PG có ý nghĩa nhất tại quốc gia này.
Mặt khác, cố Hòa thượng Tuyên Hóa và nhiều đệ tử người Hoa và Mỹ
của Ngài cũng từng đến hoằng Pháp tại Mã Lai vào hai thập niên tám mưoi
và chín mươi. Những hoạt động thuyết giảng này đã làm cho Phật giáo
tại Mã Lai lớn mạnh nhiều hơn trong những năm gần đây.
Một sự ảnh hưởng Bắc tông khác đến từ Đài Loan là Hiệp Hội Từ
Thiện Phật Giáo Từ Tế (Buddhist Tzu Chi Merit Society) do Ni sư Chứng Nghiêm
thành lập ở Taiwan vào năm 1966. Tại Mã Lai, Hội có trụ sở chính ở
Kuala Lumpur và có những hoạt động từ thiện xã hội từ năm 1990. Hiện
nay hội đã có thêm nhiều chi nhánh khác ở Penang, Melaka và Ipoh.
6. Phật giáo Nam Tông tại Mã Lai:
Nếu như phần lớn người Trung Hoa theo Bắc Tông PG, thì ngược lại, người
Thái Lan, Miến Điện và Tích Lan lại theo Nam Tông PG. Cộng đồng người
Thái Lan tập trung ở Perlis, Kedah và Kelantan. Ước lượng có khoảng 200
ngôi chùa Thái Lan nằm về các tỉnh này của miền Bắc Mã Lai. Các chùa
Thái cũng thu hút nhiều người Hoa để chiêm bái và tu học.
Ngôi chùa cổ nhất của Nam Tông tại Mã Lai là chùa
Candaram ở Green Lane, Penang, hiện nay chùa này đổi sang làm Trung Tâm Thiền
PG Mã Lai (Malaysian Buddhist Meditation Centre), chùa được xây dựng vào năm
1918. Đầu thập niên 1970, Thượng tọa Abhidhammapalanana, một tăng sĩ trí
thức Thái Lan đã đến trụ trì ngôi chùa này và ngài bắt đầu dạy về
Thiền quán niệm và luận Abhidhamma cho Phật tử Mã Lai. Các buổi thuyết
giảng của ngài đã thu hút giới trẻ Mã Lai, cả học sinh Trung học và
sinh viên đại học đều đến tham dự. Hiện nay sự nghiệp hoằng Pháp
này được đệ tử của ngài thừa kế là Đại đức Sujivo, một tăng sĩ
Mã Lai. Một tu sĩ Thái Lan khác có công truyền bá PG tại Mã Lai là Thượng
tọa Silananda, trụ trì chùa Pin Wang ở Penang ( chùa này xây dựng năm 1889)
ngài cũng thành lập trường Phật Pháp Chủ nhật và dạy thiền hằng tuần
cho Phật tử trong địa phương.
So với người Thái Lan, cộng đồng người Miến và Tích
Lan thì nhỏ hơn. Người Miến Điện phần lớn ở tỉnh Penang và ngôi
chùa sinh hoạt chính của họ là Dhammikarama, xây dựng 1828, đây là ngôi
chùa duy nhất của người Miến tại xứ sở này. Chùa do Đại đức U
Pannavamsa trụ trì, ngài là người làu thông về Tạng luận và Thiền quán
niệm, ngài cũng cho mở trường Phật Pháp chủ nhật để phổ biến giáo
lý. Nhiều tăng sĩ Miến khác cũng có công truyền bá lời Phật dạy ở 렍ã Lai là các Đại đức
Dhammabanchanvud, Mahasi Sayadaw, Sayadaw U Pandita, Sayadaw U Janaka, các ngài đến Mã
lai vào cuối những năm 1980 và thành lập nhiều Trung Tâm Thiền Học ở
Johor, Perak, Malacca, Petaling Jaya và Selangor.
Sự đóng góp chính cho PG Nam Tông ở Mã Lai phải nói là đến từ phía
các Tăng sĩ người Tích Lan. Phần lớn họ đều nói tiếng Anh và được
đào tạo trong môi trường Phật học chính quy tại quê nhà. Các chùa Tích
Lan tập trung ở tỉnh Penang, Taiping, và hai chùa lớn khác ở thủ đô Kuala
Lumpur, những ngôi chùa này đều có số 1ượng lớn tín đồ người bản
xứ nói tiếng Anh đến tham học.
Ngôi chùa chính của PG Tích Lan là Mahindarama ở đường
Kampar, Penang, do Hòa thượng A. Pemaratana xây dựng vào năm 1918. Ngôi chùa đã
một thời nổi tiếng là trung tâm tu học dưới sự dẫn dắt của Trưởng
lão K. Gunaratana Maha Nayaka Thera (1933-1964). Là một pháp sư hùng biện, ngài
Gunaratana đã tổ chức nhiều khóa tu học và thuyết giảng cho Phật tử địa
phương cũng như đi diễn giảng trên khắp xứ Mã Lai. Sau khi ngài viên tịch,
Hòa thượng P. Pemaratana Maha Nayaka Thera đã kế thừa sự nghiệp hoằng
Pháp tại ngôi chùa này.
Một trong những tăng sĩ Tích Lan thành công nhất trong sự
nghiệp hoằng Pháp tại Mã Lai là Đại lão Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Maha Nayaka Thera, sự xuất hiện của ngài đã làm cho PG tại xứ sở này lật
qua một trang sử mới. Ngài Dhammananda sinh năm 1919 và đến Mã Lai vào ngày
2 tháng giêng năm 1952. Ngài thành lập ngay một Hiệp Hội Truyền Bá Chánh
Pháp (Buddhist Missionary Society) vào năm 1963 và tổ chức thuyết giảng, hội
thảo Phật Pháp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, ngài viết và xuất bản
nhiều tác phẩm Phật học, đặc biệt là loại bỏ những quan niệm sai lầm
về PG cũng như quan điểm tu học của người Phật tử trong đời sống hằng
ngày. Các tác phẩm đặc sắc như "Người Phật Tử phải tin gì
?" (What Buddhists believe); "Làm thế nào để sống khỏi sợ hải và
lo lâu" (How to live without fear and worry); "Hạnh Phúc lứa đôi"
(A happy married life); "Thiền Định , con đường duy nhất"
(Meditation, the Only way); "Kho báu của Chánh Pháp" (Treasures of the
Dhamma)... đã nhanh chong thu hút mọi giới Phật tử và đến nay những tác
phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Một trong
những đệ tử xuất gia của HT. Dhammananda, là Thượng tọa Mahinda, người
có khả năng kế thừa sự nghiệp to lớn của Bổn sư.
7. Phật Giáo Nhật Bản ở Mã Lai:
Phật giáo Nhật Bản (Thiền tông và Pháp Hoa tông) được giới thiệu ở
Mã Lai vào đầu những năm 1960 bởi các thương gia người Nhật đến làm
việc tại Mã Lai, hoặc do một số tổ chức của người Mã Lai sang Nhật
du học rồi về nước thành lập. Thập niên tám mươi, chính quyền Mã Lai
với chính sách "Hướng về Phương Đông" (Look East Policy) Nhật Bản
là một trong những quốc gia để họ hướng về học hỏi. Về công nghiệp
hóa, hệ thống quản lý, đạo đức nghề nghiệp và những thứ khác mà
Nhật Bản đã thành công, trong đó PG Nhật Bản là một trong những chủ
đề để Mã Lai nghiên cứu và học hỏi. Ngày nay Tông Pháp Hoa đều có
chi nhánh ở các thành phố lớn của Mã Lai, bao gồm Kuala Lumpur, Penang,
Ipoh, Malacca và Kuantan.
8. Phật Giáo Tây Tạng ở Mã Lai:
PG Tây Tạng được giới thiệu ở Mã Lai trễ nhất nhưng lại được đại
đa số quần chúng biết đến theo sau các sự kiện: giải thưởng Nobel Hòa
Bình của Đức Dalai Lama vào năm 1989; tác phẩm "Tạng Thư Sống Chết"
(Tibetan Book of Living and Dying) của Lama Sogyal Rinpoche; Phong trào giải phóng
cho Tây Tạng do các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng của Hollywood khởi xướng,
hai cuốn phim "Bảy năm ở Tây Tạng" và "KunDun"... đã làm
khuấy động và thu hút mọi giới Phật tử hay những tín đồ đạo khác
ở Mã Lai đều chú ý đến PG Tây Tạng.
Tuy nhiên trước đó, vào tháng 12 năm 1980, Lạt ma Gwalya Karmapa đã đến hoằng
Pháp tại Mã lai. Sự xuất hiện của ngài đã đánh dấu chính thức của
sự truyền nhập của PG Tây Tạng vào Mã Lai. Từ đó đến nay đã có nhiều
Lạt ma Tây Tạng đến thuyết Pháp và nhiều Trung tâm tu học đã xây dựng
rải rác ở khắp Mã Lai.
9. Một số Tổ chức Phật giáo tại Mã Lai:
* Hội Thanh Niên Phật Tử Mã
Lai (the Young Buddhist Association of Malaysia/ YBAM): Hội được thành lập vào 1970, kết quả từ sự thống nhất của
243 tổ chức thanh niên Phật tử trên toàn quốc với tổng số hội viên
là 3000. Tổ chức này đã có các sinh hoạt như giảng dạy Phật Pháp, cắm
trại tu học, và đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội. Hội
này hàng năm đã kết hợp với Giáo Hội PG Mã Lai tổ chức kỳ thi Phật
Pháp cho Phật tử trên toàn quốc. Hội YBAM cũng từng nhận được giải
thưởng Hội đoàn thanh niên xuất sắc của Mã Lai. Hội cũng có những phương
cách để tạo ngân quỹ cho tổ chức như mở nhà hàng cơm chay và trung
tâm dạy điện toán..... Số tiền thu được dùng để xây dựng tổ chức,
cúng dường Tăng Ni, cấp học bổng và các công tác từ thiện xã hội
khác.
* Các tổ chức in ấn và phát hànhh kinh sách Phật giáo
(Dharma publications): Một số Hội đoàn PG Mã
Lai nổi bật trong việc in ấn và phát hành kinh sách PG bằng tiếng Trung
Hoa, tiếng Anh như Hiệp Hội Truyền Bá Chánh Pháp; Tổ chức thu sang băng
Trí Tuệ (Wisdom Audio Visual) ở Kuala Lumpur; và Giáo Hội PH Mã Lai ở
Penang..v.v...đều tổ chức in và ấn tống miễn phí rất nhiều Kinh, sách,
truyện PG để phát không cho người đọc, không những cho Phật tử ở Mã
Lai và còn gởi đi ấn tống cho các trung tâm PG có liên hệ trên khắp thế
giới.
10. Kết Luận:
Mặc dù Hồi giáo là quốc giáo nhưng con số tín đồ Phật giáo đã gia tăng
ở Mã Lai trong những thập niên qua. Phật tử Mã Lai luôn yêu chuộng hòa
bình và tinh tấn thực hành đạo Pháp. Cũng giống như Việt Nam, PG Mã Lai
là một hình ảnh tổng hòa giữa các trường phái Nam và Bắc Tông, Thiền
tông và Kim cang tông đều sinh hoạt hài hòa trong niềm tương kính để
đem lại ánh sáng và bình yên cho xứ sở.
Rất nhiều chùa chiền do Phật tử Mã Lai đứng ra xây dựng
trong vòng hai mươi năm qua. Nhiều người Mã lai đã phát tâm xuất gia tu học
và trở thành những nhà hành đạo và truyền đạo cho đất nước. Nhiều
hội đoàn thanh niên, Phật tử trẻ tuổi đã và đang tìm về với ánh
sáng của Chánh Pháp qua các khóa học Trường Phật Pháp ngày chủ nhật
ở thủ đô Kuala Lumpur và nhiều thành phố khác. Rõ ràng họ thích thú
khám phá ra cái đẹp trong lời Phật dạy hơn là dựa theo truyền thống
tín ngưỡng mà cha mẹ hay ông bà từng tin theo.
Tương lai của PG Mã Lai tương đối rất sáng sủa với tầng
lớp, thế hệ trẻ của Mã Lai đang hướng về Chánh Pháp, nhất là xuyên
qua lãnh vực giáo dục và từ thiệm xã hội. Nguyện cầu cho PG Mã Lai đầy
đủ tiềm lực, phương tiện và thuận duyên để chuẩn bị bước vào
thiên niên kỷ mới với đầy niềm tin và hy vọng trong sứ mệnh mang hạnh
phúc đến cho cuộc đời./.
Tổng hợp theo các tài liệu:
- Dr Sukumar Sengupta (1994), Buddhism in South-East Asia, Atisha Memorial Publishing
Society, Calcutta,
- Benny Liow Woon Khin (1989), Buddhist Temples and Associations in Penang, 1945-1948,
Journal of the Malaysian Branch of the Royal Asiatic Society, Vol LXII Part 1.
- Venerable Sumangalo – 40 Years of Appreciation, a collection of some of Venerable
Sumangalo’s Dharma talks with biographical notes by Dato’ Khoo Keat Soo, a free
distribution publication of the Penang Buddhist Association Dharma Sunday School, undated.
- Buddhism in Malaysia, Volume 2 (1987), Young Buddhist Association of Malaysia, Buddhist
Digest Publication Board.
- Paul Croucher (1989), Buddhism in Australia 1848-1988, New South Wales University Press.
- BUDDHISM IN MALAYSIA, Volume One, published by YBAM in 1984.
Unpublished Notes on the history and contemporary status of Buddhism in Malaysia compiled
by Mr Yeap Tor Hor & Kerry Trembath, Malaysia (1999).
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nuoc/010-malai.htm
|
|