Phật Giáo ở Tô-Cách-Lan
Thích Nguyên Tạng
Tô Cách Lan (Scotland) là một quốc
gia thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Aien ( United Kingdom of Great
Britain and Northern Ireland). Diện tích khoảng 79.000km2, chiếm một phần ba đảo
Great Britain. Dân số : 5 triệu người. Thủ đô là Edingburgh.
Phật giáo được hai Tăng Sĩ người
Tây Tạng truyền đến Tô cách Lan vào đầu những năm 60 của thế kỷ
này. Đến nay đã có hơn 10 tự viện Phật giáo được xây dựng rải rác
ở đất nước này. Dưới đây là bài viết của nữ ký giả Julia
Wilkinson, mô tả về sinh hoạt của Tu viện Samye Ling nằm trên bờ biển
phía tây của Tô-Cách-Lan. Bài viết khá tỉ mỉ có thể cho chúng ta thấy
được toàn cảnh của Phật giáo tại Tô Cách Lan .
Đó là một gốc núi của đảo, giống
như bạn đang ở Tây Tạng, cây cối bao phủ dày đặc đến nỗi bạn dễ
dàng lạc vào con đường quẹo đến ngôi tu viện Phật giáo nằm ở trên
bờ của một con sông lạnh lẽo và chảy xiết. Một ngôi tu viện
được trang trí lộng lẫy đứng sừng sững giữa một quần thể kiến trúc
độc đáo của phương đông, gió đưa tiếng chuông leng keng từ mái vàng của
tu viện, trong khi từ xa dội lại nốt trầm trầm của một loại kèn Tây
Tạng.
Đây là một trong những tu viện
sinh động nhất tại Tô Cách Lan. Thêm vào khóa tu thiền mỗi ngày, các vị
tăng, ni, cư sĩ và người làm công quả đều bận rộn xây dựng mở rộng
thêm cho tu viện, lại có một trại bò sữa, xưởng mộc, phòng khắc tượng,
vẽ tranh.... Trong vườn rau quả luôn xanh tươi với những luống hoa hướng
dương và cúc đại đóa, nơi có những con công lông màu trắng đang thanh
thản đùa giởn. "Failte" hoặc "xin chào" theo tiếng địa
phương lại càng làm cho bạn thêm bối rối đối với Tu viện Samye Ling Tây
Tạng, nằm sâu trong rừng thông thuộc biên giới Tô-Cách-Lan.
Tu viện Samye Ling được xây dựng
gần 30 năm trước tại một ngôi làng Eskdalemuir gần Lockerbie bởi hai vị
tăng sĩ trẻ người Tây Tạng - Đại đức tiến sĩ Akong Tulku Rinpoche và
Đại đức Trungpa Tulku Rinpoche . Hai vị đã đào thoát khỏi Tây Tạng năm
1959 khi Trung quốc tấn công vào đất nước họ. Năm 1964, hai vị đến Anh
quốc và thực hiện một số buổi diễn thuyết cho một vài nhóm Phật tử
. Sau đó, họ đã tìm ra một nơi để thành lập Trung tâm tu học, họ đã
mua lại khu nhà trọ (dành cho người đi săn) và đất xung quanh.
"Tôi có thể chỉ nghĩ rằng đó
là do duyên nghiệp đã đưa chúng tôi đến đây" Thượng tọa Viện
trưởng Along Rinpoche nói, (Ngài Trunpa Tulku hiện sống ở Hoa Kỳ) "Tại
sao chúng tôi không đến một nơi khác ? Không, vì đây là nơi thích hợp
cho chúng tôi tu tập và hành đạo".
Tu viện Samye Ling (được đặt theo
SAMPY, tên của Phật học viện đầu tiên ở Tây Tạng) đã trở thành
Trung tâm Phật giáo đầu tiên ở thế giới phương Tây trong sứ mạng truyền
bá lời Phật dạy theo tinh thần Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Nơi đây vẫn
là một trung tâm lớn nhất với một cộng đồng thường trú khoảng 100 tăng,
ni và cư sĩ tại gia, với 3,000 người đến tham dự các khóa tu và 30.000
du khác mỗi năm. Tu viện cũng có một số hoạt động quốc tế với một
tổ chức Trung ương ROKP ("cứu giúp" theo tiếng Tây Tạng) điều hành
11 Trung tâm từ thiện Samye Dzong trên khắp thế giới, bảo trợ thực phẩm
cho các tu viện ở Châu Âu cũng như chăm sóc y tế và giáo dục ở Nepal
và các vùng nông thôn Tây Tạng. Samye Ling đã trở nên nổi tiếng kể từ
khi có cuộc viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 1984 và một dịp
khác là năm 1988. Samye Ling là ngôi tu viện lớn nhất Tây-Âu, được xây dựng
theo kiến trúc của Tây Tạng. "Samye Ling có một 'chính sách' không quá
căng thẳng", Thom MacCarthy, người quản lý cư sĩ tại gia nói "cho
đến khi nào nó thực sự được mở rộng".
Samye Ling được mở rộng rất
nhanh trong mấy năm qua, ngân quĩ lớn ra bởi những ủng hộ viện tư nhân
và tiền tệ phí thu được từ du khách. Một trung tâm bên cạnh tu viện
đã được tái tạo vào năm 1988 để cung cấp chỗ ở cho 50 người. Tu viện
đã thành công trong việc tổ chức hai nhóm tu dưỡng bốn năm. Một phần
ba trong nhóm 45 người từ 16 nước khác nhau đã bắt đầu khóa tu bốn năm
lần thứ ba vào tháng mười một năm 1993.
Cùng lúc một khu nhà mới vừa được
xây dựng xong. Năm ngôi nhà nhỏ xếp dài trên bờ sông và ba cái khác ở
trên triền đồi, chúng được sử dụng như nhà ở cho các vị cư sĩ sống
và làm việc lâu năm nơi đây. Năm ngoái, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chính
thức khởi công xây dựng một Trường Cao Đẳng Samye Ling, Viện bảo tàng,
thư viện, giảng đường và phòng triển lãm. Nói chung, chúng được sử dụng
như một trong trung tâm nghiên cứu Phật Giáo ở phương Tây.
Rồi mới đây Trường Cao đẳng y
khoa Tara Tây Tạng đã được mở cửa với khóa học đầu tiên cho học
viên Tây phương và đang tiến hành xây dựng một Bảo Tháp Hòa Bình (Peace
Stupa) cao 15 mét. Quả vậy, với tất cả những công trình xây dựng ở
Samye Ling đang được tiến triển tốt. Một số Phật tử địa phương đã
có "công ăn việc làm". Ông Bernard Provost, người Pháp, là một
nhà thầu chính cho các công trình xây dựng ngôi tu viện trong suốt mười
hai năm qua. Giờ đây, ông đã phát đạt với số thu nhập hàng năm là
500.000 bảng Anh (khoảng 756.000 đô la). Họ không những có lợi về mặt vật
chất mà còn đạt được nhiều thành quả về tâm linh qua các khóa tu. Bà
Rose Laing, người đến tu viện từ năm 1972, được Thượng tọa viện trưởng
chữa lành bệnh hắc lào và dị ứng da bằng thảo dược (herbal remedy).
Sau đó bà đã thành lập một công ty sản xuất loại thuốc gia truyền của
Tây Tạng. Còn nhiều người nữa, những người thường trú lâu năm ở đây
đã giúp tăng nhanh cư dân và làm sống lại một cộng đồng sắp tan rã.
"Chúng tôi đang lấp vào những khoảng trống", MsCarthy nói "phần
lớn trẻ em ở trường làng là đến từ các gia đình trong cộng đồng
Samye Ling, nếu không thì ngôi trường đã đóng cửa".
Năm 1990, một hòn đảo khoảng năm
cây số vuông, không có cư dân nằm giữa vùng Arran và bờ biển phía tây
Scotland, được bán cho tu viện với giá 350.000 bảng Anh, rẻ hơn giá trị
trường một nửa. Theo truyền thuyết, khoảng 1.400 năm trước Thánh
Molaise, một ẩn sĩ Thiên Chúa giáo đã từng sống trong một hang động ở
phía Tây của ngôi đão này. Thượng tọa Yeshe Losal, em ruột của ngài viện
trưởng, đến Samye Ling năm 1985, ngài có ý muốn mở rộng thêm cơ sở tu
học cho tu viện, và sau một đêm tĩnh tọa trên ngôi đão, ngài Yeshe tự
nhủ rằng "Thánh đảo" (Holy Island) sẽ thuộc về Phật giáo. Những
cố gắng về ngân quỹ được gia tăng sau đó và đến tháng tư năm 1992,
Thánh đảo đã trở thành một phần quan trọng của tu viện Samye Ling.
Ít ra những kế hoạch tạo dựng
trên Thánh đảo này cũng là một hoài bảo lớn lao đối với Phật giáo
ở Tô-Cách-Lan. Đây là một đề án lớn cả về tái tạo lại hệ sinh
thái lẫn phát triển về tâm linh, với mục tiêu nhằm tạo sự tồn tại
và hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Phía nam của đảo dành để xây
dựng các thiền thất để cho tăng ni tịch cốc tu dưỡng ba tháng hoặc ba
năm theo truyền thống. Cuối phía Bắc của đảo sẽ mang dáng hình của một
trung tâm hòa bình, hòa giải và tu thân dành cho cư sĩ tại gia và mọi giới
trong xã hội cũng như những người có tín ngưỡng khác.
Một cuộc tranh tài về kiến trúc
quốc tế cho ngôi Chánh điện (Buddha 's Shrine) đã thu hút 198 đồ án tham
gia trong năm rồi. Người thắng cuộc với đồ án có định mức thấp nhất.
Nhưng đáng kể là nó có nét giống cung điện Potala, nơi sống và làm việc
xưa kia của Đức Dalai Lama ở thủ đô Lạt Xá, Tây Tạng.
Suốt trong một tháng, những Phật
tử tình nguyện đã xây một bức tường bằng đá để ngăn chặn sự phát
triển của cỏ dại và tiến hành việc trồng rừng, đến nay đã có
18.000 gốc đã được trồng xuống Thánh đảo. Bốn căn nhà tranh đổ nát
cũng được sửa lại để dành cho những khóa tu ngắn ngày, trong khi một
khu vườn được cải tạo để trồng rau quả cho tu viện và cho cư dân.
Khi hoàn tất, Thánh đảo sẽ thành một Trung tâm tu học lớn nhất Anh quốc
và cả Tô-Cách-Lan, với 200 tăng ni và cư sĩ theo tu học. MsCarthy nói đùa
với tôi "Đây là cửa ngõ để Phật giáo đi vào phương Tây".
Những người đã từng sống ở
Samye Ling trong mấy thập niên qua đã thừa nhận rằng sự thay đổi đối
với Samye Ling đáng yêu của họ là điều không thể tránh được. "Lúc
đầu tôi mới đến đây", Christine Jefferey, Samye Ling chỉ gồm những
nhóm nhỏ, không có sứ mạng hay bất cứ một ý tưởng cố định nào về
việc khôi phục cộng đồng. Chỉ có ngài viện trưởng Akong Rinpoche hướng
dẫn thôi. Rồi dần dà các vị Lạt Ma đến, mọi người bắt đầu chú
ý đến dự khóa tu càng đông, nên chúng tôi mới mở rộng để đáp ứng
nhu cầu đó. Mặc cho sự đổi thay, nhưng Samye Ling vẫn không bao giờ mất
đi giá trị nguyên sơ và truyền thống của nó".
Một điều thú vị nhất là cách
đổi mới của Thượng tọa Yeshe Losal trong việc mở một khóa "tập sự
xuất gia một năm" trong hai năm trước đây. Cố nhiên, đó không phải
là một phần theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, vì ngoài một số
nước theo truyền thống Theravada như Thái, Lào, Campuchia, Miến Điện... hầu
hết các thanh thiếu niên ở các nước này tối thiểu phải hoàn tất ba năm
xuất gia tu học. Nhưng đối với các quốc gia theo truyền thống Mahayana
thì đòi hỏi đương sự phải lập nguyện tu suốt đời. Như vậy thì có
gì đặc biệt trong trường hợp này ? Thượng tọa Yeshe giải thích :
"Dù sao đi nữa thì nền tảng của Đạo Phật vẫn là lòng từ bi. Sứ
mệnh của người tăng sĩ chúng tôi là phụng sự chúng sanh trong bất kỳ
trường hợp nào họ cần đến. Phật giáo phải tự uyển chuyển để
thay đổi lúc cần thiết. Lập nguyện tu suốt đời quả là một điều khó.
Nhưng ở phương Tây phát tâm xuất gia một năm thì khả dĩ chấp nhận
được".
Đa số những người đó đã chụp
lấy cơ hội hiếm có này, phần lớn đều ở lứa tuổi hai mươi, họ tựu
về Samye Ling với đủ mọi thành phần : nghiện rượu, nghiện ma túy và
nhiều vấn đề xã hội khác. Thượng tọa Yeshe đã trấn an họ :
"Không sao, các anh chị có thể ở lại đây và mặc áo tu. Nếu anh chị
đã quyết định thì trong sáu tháng đầu phải làm quen với nếp sống ở
tu viện và từ bỏ những tật xấu. Sau đó nếu thích thú thì cứ tiếp tục".
Một số người trong nhóm đầu tiên
đã thích ứng lối sống và tu ở đây trong một năm. Nội quy cho các hành
giả này rất khắt khe : Không sát sinh, không nói dối, không nhục dục,
không nghiện ngập, không ca hát, không trang điểm và không được ra khỏi
Thánh đảo.
"Nhiều người trong số họ đã
chống đối lại gia đình và xã hội", Ngài Yeshe cho biết thêm "nhưng
họ đã chấp nhận những gì do tôi nói, bởi vì họ tin ở tôi. Họ
biết rằng tôi không bao giờ yêu cầu họ làm lợi cho tôi. Vì rằng mọi
thứ mà tôi làm cũng chỉ muốn tốt đẹp cho họ. Vâng, trong một chừng mực
nào đó, tôi giống như một người làm công tác xã hội theo hướng đi của
Phật giáo". Tất nhiên, điều đó không phải tốt cho tất cả,
"nhiều người đã không hoàn tất một năm", Ngài Yeshe cười thừa
nhận : "và một số khác đã quay lại lần thứ hai và nhiều hơn nữa".
Chú Russel Murdoch, 24 tuổi, trưởng
ban Trai soạn, đang ở tháng thứ tám trong khóa xuất gia một năm, chú nghĩ
rằng việc mặc áo tu là một điều tốt mà chính bản thân chú đã trải
qua. Chú nhớ lại : "Tôi rất đau khổ khi tôi mới đến Samye Ling. Tôi
thật tình không biết gì về lợi ích của việc tu học, tôi chỉ mong kiếm
được một ít tiền, vì tôi cảm thấy cuộc đời tôi quá ngắn ngủi. Nhưng
khi đến đây tôi thấy mọi người đều vui tươi và hạnh phúc, đó là lần
đầu tiên trong đời tôi, và đây cũng là lý do chính đã kéo tôi ở lại
Samye Ling. Bạn không phải đến đây để trở thành một Phật tử mà là
để tự hoàn thiện mình. Samye Ling là nơi trở về của mọi người. Mẹ
tôi có ấn tượng rất lớn về những lợi ích đã mang lại cho tôi, bà cũng
muốn đến đây để trở thành một ni cô".
Chị Anni Lhamo, 37 tuổi, đến Samye
Ling từ năm 1979. Chị từng nổi tiếng là một người soạn thảo phần mềm
vi tính ở Glassgow, có nhà, có xe, có người yêu và những kỳ nghỉ mát tự
chọn. Rồi vào một dịp nào đó chị đã gặp một vị sư gốc Tây Tạng
với một đạo phong khác thường đã khiến cho chị viếng thăm Samye Ling vào
mỗi cuối tuần và mỗi kỳ nghỉ. Năm 1989, chị bỏ sở làm, bỏ tất cả
để ghi tên gia nhập khóa tu bốn năm. Ngủ một đêm năm giờ trong thiền
phòng chật chội, thức dậy vào bốn giờ sáng và chỉ gặp mọi người vào
các giờ ăn. Suốt trong bảy tháng đầu phải hoàn toàn im lặng. "Đó
là những năm tháng hoàn hảo nhất trong đời của tôi", chị kể lại
"Tôi đã vượt qua mọi giới hạn của sự khắt khe. Nó thật sự đã
giúp tôi có thêm nội lực và ổn định về mặt tinh thần. Nói chung Samye
Ling đã mang lại cho tôi niềm vui rất lớn, giờ đây tôi muốn đem nó để
chia xẻ cho các bạn".
Không phải ai cũng thích mặc áo tu
hoặc ở lâu trong tu viện. Một số người đến vì muốn tìm kiếm sự
bình ổn cho tâm hồn và làm một cái gì đó cho Tam Bảo. Chẳng hạn David
Neviazsky, 27 tuổi, tốt nghiệp đại học mỹ thuật, hiện đang vẽ tranh và
phụ trách trang trí cho tu viện, Sherab Palden Beru, bốn năm trước tìm đến
Samye Ling trong lúc đang suy sụp về tinh thần, anh cho biết "lúc đó
tôi gần như đã ngã quỵ, tôi không biết gì về Đạo Phật cả. Nhưng
khi tôi gặp được ngài viện trưởng, ngài thật sự đã ban vui cho tôi.
Tôi ở lại đây từ ngày ấy. Đạo Phật đã giúp tôi tìm lại chính
mình và tin vào mình hơn ai cả. Tôi vẫn chưa chắc là mình sẽ trở thành
một tăng sĩ, nhưng tôi sẽ đợi khi thời điểm thích hợp".
Cậu Shiwa, 24 tuổi, hiện là một
người phụ trách chăm sóc vườn rau quả, cậu có ba tháng tập chạy bộ
quanh đảo để thách thức cái rét cắt da ở đây vào mùa đông, trước
khi quyết định khoác áo tu. Cậu nói về mình : "Sau sáu năm theo học
Trường Nghệ thuật về ngành nghệ thuật quảng cáo thương mại, tôi trở
nên vỡ mộng và chán nản. Tôi sống ở Luân Đôn và nghiện ngập. Nhưng
tôi vẫn ý thức được là mình cần một hướng đi khác và tôi biết chỉ
có cách đó mới thay đổi được cuộc đời tôi. Thánh đảo đã giúp
tôi làm việc đó. Khi ở đây, bạn không thể che dấu bất cứ điều gì
từ chính bản thân bạn. Từng bước bạn sẽ lột bỏ những lớp vỏ giả
tạo của mình. Việc đó sẽ đến như một vụ nổ có điều khiển".
Một ngày khác, trong lúc đang trồng củ cải đường, cậu nói : "Vào
cuối khóa tu, chúng tôi sẽ quyết định tu luôn hoặc không. Đây là một
quyết định rất khó cho tất cả. Nhưng dù sao đi nữa, thì trong thời
gian sống ở đây, chúng tôi đã có một bóng dáng của một cuộc đời khác".
Anh Zangpo, 35 tuổi, trước kia là người
phụ trách phát hành sách cho nhà xuất bản Malcolm, hiện đã tìm thấy sự
ổn định về cuộc sống sau khi bỏ rượu và thuốc lá. Trong khi, cô Anni
Peta, 29 tuổi, tốt nghiệp Đại học Oxford, đang ở thời gian tập sự xuất
gia, cô đang bận rộn lo cơm nước cho đại chúng.
Đến thăm Thánh đảo, bạn sẽ tìm
thấy sự yên tĩnh và một cái gì đó quyến rũ lạ thường. Có phải vì
do Samye Ling hay do chính hòn đảo ? Anh Perryman Tom Sheldon, 41 tuổi, ở làng
Lamlash, nơi anh ta đang điều hành một bến phà đưa khách qua Thánh đảo,
"Không nghi ngờ gì nữa, Thánh đảo có một cái gì rất thiêng liêng
và đặc biệt vô cùng", anh nói "Không khí ở đây rất thanh bình,
Phật giáo đã bổ sung thêm cho giá trị của đảo".
Thánh đảo đã mang lại niềm vui
và sức sống cho mọi người. Nơi đây không những chăm sóc cho các trẻ
em thường lui tới từ ngôi làng Lamlash mà còn là "nghĩa trang" cho
các cụ già. Thánh đảo có thể ví như một Trung tâm huấn luyện đội quân
cảm tử cho quân đội. Và đặc biệt nó vẫn là một nơi hấp dẫn cho các
trường đại học gởi sinh viên đến để nghiên cứu về sinh thái và
thú vật, vì Thánh đảo vẫn là nơi trú của các loài thú hiếm.
Hơn thế nữa, Thánh đảo đang điều
khiển một cộng đồng đa dạng và luôn đổi mới. Nơi đây, bạn có thể
tìm thấy đủ mọi thành phần : giám đốc công ty, cựu chiến binh Việt
Nam, cựu binh, tu sĩ, thợ xây dựng, sinh viên, dân nghiện....
"Vâng, ở đây, chúng tôi có mọi
thứ", Alex Duncan, 43 tuổi , vị Tri khách của tu viện, trước kia anh ta
là một giáo viên dạy trống chuyên nghiệp và cũng từng là một công
nhân dầu khí, "ngay cả những người vô đạo, những bà đồng cốt
cho đến các tay 'anh chị' với vết xăm đầy trên cơ bắp... mọi người
đều được đón tiếp miễn là họ đừng phá rối là được. Nói chung tất
cả đều đến đây với mục đích tìm học liệu pháp của Phật giáo để
tự chữa bệnh cho bản thân. Đối với những người ở được một năm
hoặc lâu hơn, vì sự cách ly có thể tạo ra một cú sốc lớn. Mọi người
đều nghĩ rằng cách ly là biện pháp ban đầu tốt nhất để 'tân hành giả'
khỏi phải đối đầu với những chi phối 'tới tấp' của ngoại cảnh. Nội
quy và giới luật ở đây rất nghiêm khắc, bất kỳ ai có những vấn đề
gì sẽ tự phơi bày ngay. Đây là một nơi tốt nhất để đối mặt với
chính mình và sự cách ly hoàn toàn đó sẽ tạo ra một hiệu quả rất lớn".
Mặt trời chiếu khuất bên kia đỉnh
núi và hoàng hôn buông xuống Thánh đảo, Samye Ling, mọi vật nơi đây
dường như đang quyện lẫn vào nhau như sự quan sát của Thượng tọa
Yeshe Losal : "Thiên nhiên, con người và tôn giáo luôn ở trong sự hài
hòa". Các người con Phật đang tụng kinh, trì chú với âm thanh vang rền
bên trong chánh điện dưới ánh đèn mờ nhạt, các chú bồ câu bay lượn
qua cửa sổ và đậu trên nóc tu viện, Shiwa đang tươi cười, ngoài kia
chim hải âu đang réo gọi, tiếng re ré của gà rừng và các con hàu thì
đang bò qua lại trước hang động của Thánh Molaise, còn những 'tân hành
giả' thì đang tĩnh lặng thiền định trong thiền phòng.
Cảnh vật làm mọi người nhớ lại
khuyến cáo của vị Tri khác Alex Duncan : "Đây không phải là nơi để
nghỉ mát, mà là Thánh Địa (Holy Place) để mọi người tôn kính và quy ngưỡng".
Theo Julia Wilkinson, DISCOVERY, 11/1997
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nuoc/019-tacachlan.htm