- Đại cương lịch sử
Phật giáo Trung quốc
- Thích Tâm Khanh
- A- Dẫn nhập
Nếu xem Phật giáo (PG) như một thực
thể văn hóa - tôn giáo sống động góp phần tạo ra văn hiến - văn minh
nhân loại thì chính vì lý do này đã khiến PG có nhiều khuôn mẫu, hình
thái rất khác nhau trong mỗi thời đại lịch sử và ở mỗi quốc gia
khác nhau. Từ nguồn cội Ấn Độ, PG đã theo dòng thời gian truyền đi khắp
nơi. Cách đây hơn 2000 năm, PG đã có mặt tại Trung Quốc. Trên phương diện
tổng quát, quá trình du nhập - phát triển của Phật giáo Trung Quốc (PGTQ)
có liên hệ mật thiết với lịch sử phát triển PG của các nước trong
khu vực, mà đặc biệt là PG Việt Nam. Do vậy, tìm hiểu về lịch sử
PGTQ giúp chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu lịch sử PG Việt Nam.
- B- Nội dung
- I- Phật giáo du nhập vào Trung
Quốc
- 1)- Con đường du nhập của PG vào
Trung Quốc
Về mặt địa lý, PG đã theo
chân các nhà sư truyền giáo Phạm Tăng được truyền đến Trung Quốc theo
hai ngả đường là đường bộ và đường thủy. Về đường bộ, chủ yếu
là hai con đường giao thông lớn: phía Bắc và phía Nam của các nước Tây
vực. Về sau, giữa hai con đường trên, còn có con đường "Nhập Trúc
cầu pháp" của ngài Pháp Hiển. Về đường thủy thì chủ yếu là từ
các hải cảng ở tỉnh Quảng Đông(1).
2)- Niên đại
du nhập
Hiện nay, có rất nhiều thuyết
khác nhau đề cập đến niên đại du nhập của PG vào Trung Quốc. Có hai
thuyết đáng tin tưởng hơn cả là thuyết Khẩu truyền PG của Y Tồn được
chép trong sách Ngụy thư Thích Lão Chí và thuyết Niên hiệu Vĩnh Bình
năm thứ 10 (67 TL) chép trong sách Hậu Hán Kỷ và sách Phật Tổ Thống
Kỷ.
- Theo thuyết thứ nhất thì PG được
biết đến ở Trung Quốc sớm nhất cũng từ năm thứ 2 trước Tây lịch
(niên hiệu Nguyên Thọ năm đầu - đời vua Ai Đế nhà Tiền Hán).
- Theo thuyết thứ hai thì PG có mặt
ở Trung Quốc từ năm 67 Tây lịch (niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 - đời
vua Minh Đế nhà Hậu Hán).
Từ hai thuyết trên, có thể nói PG
được truyền vào Trung Quốc rất sớm, chủ yếu là theo hai con đường thủy
- bộ từ phía Bắc và phía Nam của các nước Tây vực vào thế kỷ đầu
Tây lịch.
- II- Đại cương lịch sử phát
triển của PGTQ
- 1)- Năm thời đại phát triển của
PGTQ
Trên đại cương, một số nhà
nghiên cứu sử học PG hiện nay(2) đã theo những nét đặc trưng của quá
trình hoạt động PG mà phân lịch sử phát triển của PGTQ thành 5 thời đại
là:
a/- Thời đại phiên dịch: từ khi
PG bắt đầu truyền tới cho đến đầu đời Đông Tấn.
b/- Thời đại nghiên cứu: từ đầu
đời Đông Tấn cho đến thời đại Nam - Bắc triều.
c/- Thời đại kiến thiết: từ đời
Tùy đến đời Đường.
d/- Thời đại kế thừa: kể từ
đời Ngũ đại đến đời nhà Minh.
e/- Thời đại suy vi: từ đời
Thanh trở về sau.
Đến thời đại Trung Hoa Dân quốc
thì nhiều phong trào chấn hưng PG nổi lên tạo cho PG Trung Hoa cận đại có
nhiều bước phát triển.
- 2)- Các danh tăng và các sự
kiện Phật giáo nổi bật của PGTQ qua 5 thời đại
- a/- Thời đại phiên dịch
PGTQ thời kỳ này bao gồm PG ở
các đời Hậu Hán (25-220 TL); Tam quốc (220-280 TL) gồm hai nhà Ngụy (220-265
TL), Ngô (222-280 TL) và Tây Tấn (265-317 TL).
PGTQ giai đoạn này chủ yếu lấy
việc phiên dịch làm công tác Phật sự chính. Tuy ở mỗi triều đại, mức
độ phát triển của PG có khác nhau, nhưng nhìn chung sự thành tựu của
các công trình phiên dịch đã dần định hình, tạo tiền đề cho các
công trình nghiên cứu ở thời đại sau. Trong thời đại này có các danh tăng
kiệt xuất xuất hiện với các công trình phiên dịch giá trị như sau:
- Đời Hậu
Hán (25-220 TL)
Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapamátanga)
và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) là hai vị Tăng Ấn Độ đầu tiên đến Trung
Quốc vào niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (67 TL) thời vua Minh Đế Hậu Hán.
Trong khi truyền đạo tại miền Bắc Ấn, hai Ngài đã sang Trung Quốc theo lời
thỉnh cầu của phái đoàn 18 người do vua cử đến Tây Trúc tìm đạo.
Khi hai Ngài tới Trung Quốc, vua Minh Đế rất tôn kính, vua cho dựng chùa Bạch
Mã, là ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc, để hai Ngài phiên dịch kinh điển.
Tứ Thập Nhị Chương là bộ kinh đầu tiên được hai Ngài dịch tại
chùa Bạch Mã.
Sau hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và
Trúc Pháp Lan, được sự ủng hộ của Sở Vương Anh - người em khác mẹ
của Hán Minh Đế, nhiều vị Tăng và cư sĩ người Ấn khác cũng tới
Trung Quốc và tiếp tục các công trình phiên dịch kinh điển từ tiếng Phạn
(chủ yếu là Bắc Phạn, Sanskrit) sang Hán ngữ như ngài Trúc Phật Sóc
(Sangha Buddha), cư sĩ An Huyền - người nước An Tức (Parthia), ngài Đàm Quả
(Dharmaphàla) - người Tây vực... Nổi bật trong số đó là các ngài An Thế
Cao (Arsakes) và Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksa), đến Trung Quốc vào đời vua Hoàn
Đế cuối đời Hậu Hán. Đặc biệt, có ngài Nghiêm Phật Điều là vị
tu sĩ người Trung Quốc đầu tiên tham gia vào công trình phiên dịch kinh
điển. PG đã dần dần được phổ cập trong dân gian.
- Đời Tam
quốc (220-280 TL)
Sau đời Hậu Hán, Trung Quốc chia
thành ba nước là Ngụy, Thục, Ngô. PG trong thời kỳ này phổ cập chủ yếu
ở hai nước Ngụy và Ngô. Cũng như thời kỳ mới du nhập, các hoạt động
PG ở thời kỳ này chủ yếu vẫn là các công trình phiên dịch kinh điển.
Ở nước Ngụy, có các bậc cao tăng
có công phiên dịch và quảng bá giới luật đầu tiên là các ngài Đàm Ma
Ca La (Dharmakàla) và ngài Đàm Đế. Bộ Tăng kỳ giới bản của ngài
Đàm Ma Ca La và bộ Đàm vô đức Yết ma là hai bản giới pháp căn bản
đầu tiên của người xuất gia. Tuy vào thời Hậu Hán đã có tu sĩ người
Hán, nhưng người Trung Quốc được thọ giới luật theo các pháp Yết ma
đầu tiên lại là ngài Chu Sĩ Hành, người nước Ngụy. Cũng chính Ngài
là Tăng sĩ Trung Quốc đầu tiên sang Tây vực để cầu pháp, là người mở
đường cho các chuyến "nhập Trúc cầu pháp" của các thời đại
sau này.
Các bậc cao tăng thạc học của PG
nhà Ngô nổi bật là ngài Khương Tăng Hội và cư sĩ Chi Khiêm. Trước khi
sang Ngô, ngài Khương Tăng Hội (Kang Seng-Hui) là một trong những vị Tăng
sĩ Ấn Độ đã có công đưa PG vào Việt Nam (thời đó gọi là Giao Chỉ).
Tác phẩm kinh điển của Ngài phiên dịch nổi bật còn lại đến ngày nay
là Lục độ tập kinh, cũng là nguồn sử liệu giá trị cho việc
xác định niên đại du nhập của PG Việt Nam(3).
- Đời Tây
Tấn (265-317 TL)
Theo bộ sách Khai nguyên Thích
giáo lục, PG đời Tây Tấn có nhiều vị Tăng sĩ rất có công trong việc
phiên dịch Tam tạng, nhưng nổi bật hơn cả là ngài Đàm Ma La Sát
(Dharmaraksa - Hán dịch âm là Trúc Pháp Hộ).
Sau hơn 3 thế kỷ, PG đã phổ cập
trong nhân dân. Các cơ sở vật chất của PG như chùa, tháp được xây dựng,
số lượng Tăng Ni và tín đồ Phật tử tuy chưa nhiều nhưng đã đặt nền
móng vững chắc cho các thời đại PG sau này. Nét đặc trưng chủ yếu của
PGTQ thời đại này là các công trình phiên dịch kinh điển của các vị Tăng
sĩ Ấn Độ cũng như Trung Quốc.
b/- Thời đại
nghiên cứu
Về phương diện lịch sử, thời
đại PG này bao gồm trong hai thời đại lịch sử Đông Tấn và Nam - Bắc
triều. Trong cả hai thời đại lịch sử này, PGTQ ngoài công tác phiên dịch,
đã dần bước vào nghiên cứu những giáo nghĩa trong kho tàng kinh luận PG.
Xu hướng nghiên cứu này được bắt đầu từ thời Đông Tấn. HT Thích
Thanh Kiểm đã nhận định: "Trong thời đại Đông Tấn, PG đều được
phát triển trên cả hai phương diện hình thức tín ngưỡng và tư tưởng
giáo học. Vì trong thời đại này có nhiều bậc Phạm tăng từ Tây phương
tới, lại có nhiều bậc cao tăng của Trung Quốc xuất hiện"(4).
Các bậc cao tăng của thời Đông Tấn
có rất nhiều. Nổi bật là các ngài Phật Đồ Trừng (Buddhasimha), Đạo
An, Cưu Ma La Thập (Kumarajiva), Đạo Sinh, Tăng Triệu, Tăng Duệ, Đạo
Dong... của các nước Ngũ hồ ở phía Bắc Trung Quốc. PG nhà Đông Tấn
ở phương Nam có các ngài Tuệ Viễn, Giới Hiền, Phật Đà Ba La
(Buddhabhadra)... Về tổng quan, PGTQ thời đại này có các sự kiện nổi bật
là:
- Phong trào
"nhập Trúc cầu pháp"
Theo bước chân của ngài Chu Sĩ Hành
của thời Tam quốc sang Tây vực học đạo, phong trào du học trong thời đại
này đã phát triển khá mạnh với các vị nổi tiếng như ngài Pháp Hiển,
ngài Trí Nghiêm, ngài Bảo Vân. Nhưng đáng kể nhất vẫn là ngài Pháp Hiển.
Ngoài những kinh sách phiên dịch, tác phẩm Phật quốc ký (còn gọi
là Cao tăng Pháp Hiển truyện) là bộ sách tư liệu PG sử đầu tiên
của PGTQ.
- Giáo đoàn
của PGTQ hình thành
Kể từ ngài Chu Sĩ Hành, vị Tăng
sĩ thọ giới đầu tiên của PGTQ, đến thời Đông Tấn, số lượng Tăng
sĩ đã phát triển rất nhanh và theo sau đó là sự gia tăng số lượng chùa
cảnh. Đã có 1.768 ngôi chùa lớn với 23.000 Tăng Ni trong thời kỳ này.
Các tổ chức Tăng đoàn do vậy cũng nhanh chóng được thành lập. Giáo đoàn
PGTQ được hình thành đầu tiên là tổ chức giáo đoàn của ngài Phật Đồ
Trừng và sau đó là của các ngài Thích Đạo An, ngài La Thập ở phía Bắc
Trung Quốc. Về phương Nam có tổ chức giáo đoàn "Bạch Liên xã"
của ngài Tuệ Viễn. Các chức vụ Tăng như Tăng chính, Tăng lục... cũng bắt
đầu có trong thời kỳ này.
- Phiên dịch bốn bộ kinh điển trọng
yếu và sự phát huy của giáo lý Đại thừa - nền tảng cho sự thành lập
các tông phái
Có thể nói PGTQ là nơi triển khai
mạnh mẽ tư tưởng Đại thừa PG. Các kinh luận thuộc hệ thống Đại thừa
PG được phiên dịch và trở thành những bộ sách căn bản cho giới học
Phật nghiên cứu. Trong thời PG Đông Tấn (kể cả 16 nước thuộc Ngũ hồ
ở phương Bắc Trung Quốc), có 4 bộ kinh quan trọng được phiên dịch là
kinh Bát Nhã (bao gồm đại phẩm Bát Nhã và tiểu phẩm Bát Nhã) và kinh
Pháp Hoa do ngài La Thập dịch, kinh Đại Bát Niết Bàn do ngài Đàm Vô Sấm
dịch, kinh Hoa Nghiêm do ngài Giác Hiền dịch. Các bộ luận liên quan đến
Bát Nhã được dịch trong thời kỳ này là Đại Trí Độ luận, Trung luận,
Thập Nhị Môn luận đều do ngài La Thập dịch. Các kinh luận nêu trên
cùng với một số kinh luận Đại thừa khác, sau khi phiên dịch đã là
các tác phẩm y cứ cho tư tưởng Đại thừa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến
giáo nghĩa của các tông phái PGTQ các thời kỳ sau.
PGTQ trong thời kỳ Nam - Bắc triều
(420-588 TL)(5) tuy chịu nhiều thăng trầm do hai lần bị "phế Phật"
vào đời vua Võ Đế - Bắc Ngụy và vua Võ Đế - Bắc Chu, cũng như các
nghịch duyên về chiến tranh, nhưng nhìn chung PG vẫn phát triển về mọi
phương diện từ tư tưởng - tín ngưỡng, tổ chức giáo đoàn và các mặt
văn hóa vật chất như kiến trúc, điêu khắc, hội họa...
Các bậc danh tăng của Nam triều có
các ngài Phật Đà Thập (Buddhajìva), Cương Lương Da Xá (Kàlayàsas), Câu Na
Bạt Ma (Gunavarman), Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra)... của nhà Tống. Ở nước
Tề có các ngài Tăng Tuệ, Huyền Xướng, Tăng Già Bạt Đa La
(Sanghabhadra)... Đến đời Lương, vua Lương Võ Đế rất thâm tín PG. Do vậy,
PG ở Nam triều thịnh phát nhất trong giai đoạn này. Các bậc danh tăng
trong và ngoài nước có rất nhiều như Trí Tạng, Pháp Vân và Tăng Mân đều
là những bậc cao tăng người Trung Quốc .; Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma),
Tăng Già Bà La (Sanghapàla), Ba La Mật Đa (Paramàntha) tức ngài Chân Đế.
Điểm đặc biệt là trong thời nhà Lương, nhiều bộ luận PG quan trọng
cũng được dịch, giảng, và không khí nghiên cứu học thuật ấy còn được
kéo dài cho đến PG đời Trần.
PG ở Bắc triều khá phát triển
trong quảng đại quần chúng. Do ảnh hưởng của hai pháp nạn dưới thời
vua Thái Võ Đế nước Bắc Ngụy (466 TL) và sau đó hơn 100 năm là của vua
Võ Đế nước Bắc Chu (560 TL), nên sự phát triển của PG không có tính
ổn định như PG Nam triều. Tuy vậy, không khí sinh hoạt của PG không vì
thế mà bị tắc trệ. Hàng ngàn bậc danh tăng từ Tây vực và Ấn Độ vẫn
đến Trung Quốc. Nhiều bộ kinh, luận được phiên dịch từ thời Đông Tấn
hoặc trong đương đại đã trở thành kim chỉ nam lập tông cho các tông
phái PG như Niết Bàn tông lấy giáo nghĩa kinh Niết Bàn làm chỗ y cứ,
Thành Thật tông theo bộ luận Thành Thật để lập tông. Các tông phái PG
khác cũng theo khuynh hướng trên mà thành lập như Tỳ Đàm tông, Tam Luận
tông, Tịnh Độ tông, Địa Luận tông, Thiền tông...
Như vậy, có thể nói không khí
nghiên cứu học thuật của PG dưới thời Nam - Bắc triều đã được nâng
lên ở mức độ cao hơn và cũng phức tạp hơn. Đặc biệt là sự xuất
hiện của Thiền tông do Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma với tuyên ngôn "bất
lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền" (không dựa vào văn tự, chỉ
truyền riêng ngoài giáo) thành lập. Điều này dường như phản ánh thái
độ cách mạng tư tưởng của PG giai đoạn này. Bởi lẽ, khi nghiên cứu
học thuật trong PG một khi đã trở thành lối mòn trí thức, gây nhiều
tranh cãi luận lý, thiếu hẳn hơi thở của sự chứng nghiệm thì sự ra
đời của tinh thần chú trọng vào thực nghiệm tâm linh của Thiền tông hẳn
là hết sức cần thiết.
PGTQ thời Đông Tấn và Nam - Bắc
triều đã phát triển khá mạnh về mặt nghiên cứu học thuật, thành lập
tông phái và đặt nền tảng cho sự thăng hoa của PG trong các thời đại
sau. Đến thời Tùy - Đường, sự ổn định trong cơ cấu kinh tế - văn hóa
xã hội đã tạo điều kiện cho PG thực hiện những công trình Phật sự
quan trọng.
c/- Thời đại
kiến thiết
Cuối thời Nam - Bắc triều, PG do
ảnh hưởng của nạn "phế Phật" nên suy yếu trầm trọng. Bước
sang đời nhà Tùy, được sự ủng hộ của các vị minh quân Tùy Văn Đế
và Tùy Dạng Đế nên được phục hưng nhanh chóng. Sách Lịch sử Phật
giáo Trung Quốc viết: "Ngay sau khi tức vị, vua (Văn Đế) hạ chiếu
dựng chùa ở các danh sơn thuộc Ngũ Nhạc, và dựng một chùa công cộng lớn
ở mỗi châu, gồm có 45 châu, đều lấy tên là "Đại Hưng Quốc",
công hứa cho dân gian được tự do đi xuất gia, nên số Tăng Ni đã có tới
100.000 người" (sđd, tr.135-136). Sau khi Văn Đế băng hà, tiếp nối truyền
thống của vua cha, Tùy Dạng Đế cũng tận lực hưng long PG. Năm Khai Hoàng
thứ 11 (năm 591 TL), vua thọ giới Bồ tát với ngài Trí Khải, tổ chức hội
"Thiên Tăng trai" cúng dường cho 1.000 vị Tăng và sau đó đặt tên
hiệu "Trí Giả Đại sư" cho ngài Trí Khải. Tông Thiên Thai (Pháp
Hoa tông) do vậy cũng được hoằng truyền mạnh mẽ kể từ đời vua Tùy
Dạng Đế. Các học phái, tông phái có từ trước như Tam Luận tông có từ
thời Đông Tấn giờ đây được cách tân thành Tân Tam Luận tông do công
của ngài Cát Tạng.
Các danh tăng của các học phái nổi
bật là các ngài Đàm Thiên của Nhiếp Luận tông, ngài Đàm Diên, ngài Tuệ
Viễn của Niết Bàn tông... Các công trình phiên dịch kinh tạng vẫn tiếp
tục với các ngài Na Liên Đề Xá (Nàrendrayasas), Xà La Quật Đa (Jnanagupta)
và Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta). Đặc biệt PGTQ đời Tùy có các công
trình biên soạn để chỉnh lý những kinh điển đã phiên dịch từ trước
như Chúng kinh mục lục, Lịch đại Tam bảo ký của các ngài Pháp
Kinh, Phi Trưởng Phòng, Ngạn Tôn đều là các tư liệu rất giá trị cho việc
nghiên cứu lịch sử PGTQ.
Từ nền tảng của PG nhà Tùy, PGTQ
đời Đường đã phát triển vượt bậc. Có thể nói đây là thời kỳ PG
phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử PGTQ. Gần 300 năm (618-907 TL), PG
được các đế vương bảo hộ nên nhiều bậc cao tăng thạc đức cũng xuất
hiện tổ chức các tông phái PG mang tính quy củ ảnh hưởng không những
trong đương đại mà còn đến tận các thời kỳ sau; không những trong phạm
vi Trung Quốc mà còn quảng bá đến các nước khác như Nhật Bản, Triều
Tiên, Việt Nam... Đó là Tịnh Độ tông của ngài Đạo Xước, Thiện Đạo;
Nam Sơn Luật tông của ngài Đạo Tuyên; Pháp Tướng tông của ngài Huyền
Trang và Từ Ân; Hoa Nghiêm tông của ngài Pháp Tạng; Thiền tông của ngài
Thần Tú và Huệ Năng; Mật giáo của ngài Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí và
Bất Không. Sự nghiệp phiên dịch kinh điển và các tác phẩm trước tác
của ngài Huyền Trang đã vượt quá khuôn khổ PG trở thành một công
trình văn hóa - lịch sử của toàn nhân loại. Tác phẩm Đại Đường Tây
vực ký (Tây du ký) của Ngài là nguồn tư liệu vô giá cho khoa văn bản
học, văn hiến học... và các ngành khoa học lịch sử hiện nay. Có thể
nói PGTQ kể từ đời Đường đã thoát ra khỏi các tư tưởng PG từ thời
đại Đông Tấn và Nam - Bắc triều và phát triển thành một hệ tư tưởng
mới mà về sau các ngài Nghĩa Tịnh, Bát Nhã, Thiện Vô Úy... kế thừa.
Tuy nhiên, cuối đời Đường, do chịu pháp nạn Võ Tôn phế Phật (năm 842
TL) nên PG đã kém phát triển, không còn rực rỡ như các giai đoạn lịch
sử PG sơ Đường và thịnh Đường trước đó.
d/- Thời đại kế
thừa
Sau thời kỳ PG toàn thịnh của đời
Đường, PG ở các thời Ngũ đại (gồm Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn,
Hậu Hán, Hậu Chu), Tống, Liêu - Kim, Nguyên, Minh vẫn phát triển nhưng không
được rực rỡ như trước. Chủ yếu tư tưởng của PG các thời đại lịch
sử nêu trên là kế thừa các thành tựu của PG đời Đường. Lần thứ
tư trong lịch sử PGTQ, PG lại gặp pháp nạn "phế Phật" vào đời
Hậu Chu theo lệnh của vua Thế Tôn Anh Mại (năm 955 TL). Ngoài ra, xu hướng
thoái hóa trong tổ chức giáo đoàn phần nào cũng tác động khiến PG thời
đại này hầu như không tạo ra các giai đoạn thăng hoa tư tưởng nào như
PG đời Đường. Tuy nhiên, có thể nói PG từ Ngũ đại đến đời Minh vẫn
kế thừa được tư tưởng cơ bản của PG thịnh Đường. PG trong thời đại
này có các sự kiện nổi bật như sau:
- Sau suốt 200 năm gián đoạn, kể
từ đời vua Đức Tôn cuối nhà Đường, công tác phiên dịch kinh điển
đến đời Tống lại được phục hưng. Dưới các triều đại Bắc Tống
và sau đó là Nam Tống, PG đã tiến hành công trình khắc in Đại tạng
kinh PG. Trong suốt đời Tống, tổng cộng có 5 lần khắc ván ấn hành Đại
tạng kinh. Bản Đại tạng kinh (thục bản) khắc vào năm Thái Bình Hưng Quốc
thứ 8 (năm 983 TL) là bộ Đại tạng kinh lịch sử đầu tiên của PGTQ.
Về sinh hoạt của các tông phái PG
thì trong các tông phái PG có từ trước, chỉ Thiền tông vẫn duy trì và
phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Các tông phái còn lại vẫn hiện
diện nhưng không đạt đến tầm vóc quốc tế như Thiền tông. Đến đời
Nguyên - Minh, Lạt Ma giáo của Mật tông Tây Tạng trở thành tông phái
chính và có ảnh hưởng khá mạnh trong xã hội. Vào đời nhà Minh, Đại tạng
kinh Tây Tạng cũng truyền vào và được chuyển ngữ sang chữ Hán. Tuy
nhiên, chính do khuynh hướng quá chú trọng các hình thức lễ nghi và biểu
tượng hư ảo cộng thêm sự thoái hóa trong tổ chức giáo đoàn đã khiến
PG thời đại Nguyên - Minh dần dần thu hẹp sự phát triển và khởi đầu
cho thời đại suy vi của PG trong các giai đoạn sau.
e/- Thời đại
suy vi và công cuộc chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Đại sư
Trong 12 đời vua nhà Thanh từ Thế
Tổ Hoàng đến đời vua cuối cùng là vua Tuyên Thống, suốt gần 250 năm
(1622-1911 TL), PG vẫn được xem như tôn giáo chính thống. Trong các đời
vua Thế Tổ Thuận Trị, Thánh Tổ Khang Hy, Thế Tôn Ung Chính và Cao Tôn
Càn Long, tông phái PG được chú trọng đặc biệt là Lạt Ma giáo (Mật
tông). Thiền tông và Tịnh Độ tông là hai tông phái còn có ảnh hưởng
trong quần chúng. PG dưới thời bốn vị vua trên đã có một số công
trình Phật sự quan trọng mà nổi bật nhất là công tác ấn hành và xuất
bản Đại tạng kinh. Vào đời Thanh có ba bản Đại tạng kinh được khắc
in là Tục tạng kinh vào đời vua Khang Hy, Long tạng bản khắc in kéo dài
trong hai đời vua Thế Tôn Ung Chính và Cao Tôn Càn Long; Mãn Châu văn Đại
tạng kinh là bản Đại tạng kinh Hán được chuyển ngữ sang chữ Mãn
Châu, cũng hoàn thành trong thời vua Càn Long. Trong ba bản Đại tạng kinh trên,
hai bộ đầu được xem là có nhiều giá trị nghiên cứu.
Tình hình giáo đoàn PG dưới thời
nhà Thanh tuy đông đảo về số lượng tự viện và Tăng Ni, nhưng về thực
chất, tổ chức giáo đoàn khá lỏng lẻo, việc độ người xuất gia tùy
tiện khiến cho PG rơi vào tình hình "có lượng mà không chất".
Sách Lịch sử Phật giáo Trung Quốc viết: "Riêng về giáo học của
PG thì không có gì phát triển mới lạ, chỉ là duy trì các học thuyết của
tiền nhân. Trong giới PG lại không có nhân tài xuất hiện, Tăng Ni không
có chí hoằng pháp. Hơn nữa, PG lại bị tai nạn phá hủy của loạn
"Thái Bình thiên quốc" nên PG ở đời nhà Thanh đã bước xuống dốc
suy vi"(6).
Sau loạn Thái Bình thiên quốc,
ngày 25-12-1911, Cách mạng Tân Hợi thành công đã mở ra một thời đại mới
cho nhân dân Trung Quốc, PG cũng theo đó mà có cơ hội phục hưng. Ngay từ
năm 1912, Hiệp hội Trung Quốc PG Tổng hội được thành lập tại Thượng
Hải; năm 1913, Trung ương PG Công h橠cũng ra
đời tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, mãi đến năm 1924, sự nghiệp vận động hộ
pháp mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ do công lao của các ngài Thái Hư,
Ấn Quang, Đế Nhàn, Đạo Giai, Viên Anh, Nhân Sơn, Vương Nhất Đình, Đại
Bi... Đến tháng 8-1931, PG mới chính thức được sự bảo hộ của Chính
phủ. Kể từ đó, PGTQ nhanh chóng được phục hưng về mọi phương diện,
từ tổ chức giáo đoàn, tông phái đến các công trình Phật sự kiến thiết,
trùng tu danh lam, văn hóa học thuật, xuất bản Đại tạng kinh... Công cuộc
vận động phục hưng PGTQ không những thành công trong nước mà còn ảnh hưởng
sâu rộng đến PG trên thế giới. PG Việt Nam cũng do đó mà thành lập nhiều
tổ chức hội đoàn PG - Phật học trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
C- Kết luận
Lịch sử PGTQ trên phương diện lịch
đại đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Như lớp sóng sau phủ
lên lớp sóng trước, các giai đoạn PG đi sau luôn kế thừa, phát huy những
thành tựu của các giai đoạn PG trước đó tuy mức độ đậm nhạt có
khác nhau. Có thể nói PGTQ từ thời đại phiên dịch đến thời đại kiến
thiết đã từng bước đạt đến đỉnh cao mà thời kỳ rực rỡ nhất
là triều đại nhà Đườâng. Từ thời đại kế thừa trở về sau, PGTQ
cũng đã duy trì được các thành tựu PG trong các thời kỳ trước đó.
Tuy nhiên, đến đời Thanh, ngoài công trình Phật sự đáng chú ý nhất là
công tác in ấn xuất bản Đại tạng kinh, sự vắng mặt của các bậc cao
tăng khiến cho công tác quản lý và công tác tổ chức Tăng đoàn lỏng lẻo.
PGTQ thời kỳ này dường như đánh mất vị trí trong lòng người dân. Sự
suy vi của PG do vậy là điều không tránh khỏi. Các phong trào chấn hưng
trong những thập niên đầu thế kỷ XX của Thái Hư Đại sư đã đem lại
cho PGTQ luồng sinh khí mới. Từ đó đến nay, theo khuynh hướng ấy, PGTQ đã
được phát triển nhanh chóng và trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng
rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Trung Quốc.
Chú thích
(1) Theo ý kiến của các học giả
nghiên cứu sử PGVN hiện nay, PG đã du nhập vào trung tâm Luy Lâu - Giao Chỉ
(Việt Nam hiện nay) rất lâu trước khi truyền sang trung tâm Bành Thành và
sau đó là trung tâm Lạc Dương của nhà Hán.
(2) Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật
giáo Trung Quốc, TP HCM, 1991, tr.6-7.
(3) Xem Lục độ tập kinh và Lịch
sử khởi nguyên dân tộc ta, Lê Mạnh Thát, 1972.
(4) Lịch sử Phật..., sđd,
tr.47.
(5) Nam triều gồm các nước Tống
(420), Tề (479), Lương (502), Trần - Tùy (589). Bắc triều có các nước Bắc
Ngụy (439), sau chia thành Đông Ngụy (534) và Tây Ngụy (535). Kế tiếp triều
Đông Ngụy là Bắc Tề (550), kế tiếp triều Tây Ngụy là Bắc chu (536). Về
sau, Bắc Chu thôn tính Bắc Tề nhưng cuối cùng bị nhà Tùy diệt vong.
(6) Lịch sử Phật..., sđd,
tr.271.
Sách đọc thêm
1- Lịch sử Phật giáo Trung
Quốc, tác giả Thích Thanh Kiểm, Thành hội PG TP HCM xuất bản, 1991.
2- Lịch sử Phật giáo thế giới,
tập I (nguyên tác: Thế giới Phật giáo thông sử, tác giả Thích
Thánh Nghiêm, Việt dịch: Trung tâm Tư liệu Phật học - Phân viện Nghiên cứu
Phật học Hà Nội), Nxb Hà Nội, 1995 (xem Chương VII, từ tr.450 đến
tr.461).
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nuoc/022-trungquoc.htm