- Sơ lược lịch sử hình
thành và phát triển
- các tông phái Phật
giáo Trung Quốc
- Thích Tâm Khanh
- A- Dẫn nhập
Từ Ấn Độ du nhập vào Trung Quốc,
Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập vào các hệ tư tưởng văn hóa - tôn
giáo bản địa. Trong quá trình du nhập, hình thành và phát triển có thể
nói Phật giáo Trung Quốc đã tạo ra bản sắc riêng so với nguồn cội Ấn,
đồng thời đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống tư tưởng - văn hóa
Trung Quốc. Công lao ấy thuộc về các bậc cao tăng của nhiều thế hệ Phật
giáo Trung Quốc.Đây là ý kiến nhận định chung của các nhà nghiên cứu
văn hóa - tư tưởng Trung Quốc: Giáo sư Zenryu Tsukamoto trong tác phẩm The
Path of the Buddha đã nhận định: "Chính nhiều các thế hệ thiền sư
trong nỗ lực truyền giáo đã đưa tư tưởng và nghệ thuật Phật giáo
vào trong nền văn hóa Trung Quốc và đem lại sự thay đổi vĩ đại trong
văn hóa, triết học, văn học, nghệ thuật và ngay cả trong các tập tục
truyền thống của dân tộc Trung Quốc" (1).
- B- Nội dung
- I. Phật giáo và Nho gia:sự tiếp
xúc của hai nền văn hóa Á Đông
Văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ
là hai nguồn tư tưởng văn hóa tối cổ của Á Đông. Trước khi Phật giáo,
đại diện cho luồng tư tưởng văn hóa Ấn Độ có mặt tại Trung Quốc
thì ngay tại bản địa đã hình thành nền văn hóa khá cao.Trong hệ tư tưởng
lúc bấy giờ, Nho gia theo tư tưởng hiện thực "lễ nghi chủ
nghĩa" được xem là hệ tư tưởng chủ đạo. Tư tưởng Nho gia được
khởi đầu từ thời Xuân Thu -Chiến Quốc (kéo dài từ 722 - 221 TTL) với
các học thuyết của Bách gia chư tử và hoàn thiện trong khoảng 400 năm thời
kỳ nhà Hán. Từ khi Phật giáo Ấn Độ và Tây Vực được truyền tới
Trung Quốc vào cuối đời Hậu Hán, có thể nói đây là thời điểm tiếp
xúc đầu tiên của hai nền văn hóa Á Đông. Dân tộc Trung Quốc theo tinh
thần hiện thực của tư tưởng Nho gia tiếp nhận Phật giáo, và do vậy
ngay từ đầu Phật giáo ở Trung Quốc đã có những nét đổi thay so với
cội nguồn Ấn Độ mà biểu hiện rõ là sự hình thành và phát triển của
các tông phái Phật giáo.
- II. Sơ lược lịch sử hình
thành và phát triển của
- các tông phái Phật giáo Trung
Quốc
Khác với Phật giáo Ấn Độ, quá
trình hình thành và phát triển các tông phái Phật giáo Trung Quốc luôn đi
liền với công tác phiên dịch thánh điển. Theo quá trình phiên dịch, các
tông phái Phật giáo Trung Quốc thường y cứ và cổ xướng theo tư tưởng
của kinh luận để lập tông.Tuy quá trình phân phái và lập tông đã manh
nha từ thời Đông Tấn nhưng hoàn chỉnh việc lập tông thì rõ nét nhất
là ở thời đại Nam - Bắc triều. Theo nhận định của các nhà Phật học
như Thích Thanh Kiểm trong "Lịch sử Phật giáo Trung Quốc" và
J. Takakusu trong "The Essentials of the Buddhism Philosophy" (Các tông
phái Phật giáo, bản Việt dịch của Tuệ Sỹ), chúng ta có thể phác thảo
sơ lược lịch sử hình thành và phát triển của các tông phái Phật giáo
Trung Quốc như sau:
1. Tỳ Đàm
tông (Câu Xá tông)
Tỳ Đàm (nói đủ là A Tỳ Đàm)
là tên gọi tắt của Trung Hoa về Abhidharma. Trước khi luận Câu Xá
(Abhidharma Kosa) được dịch sang Hán ngữ thì đã có một học phái mệnh
danh là Tỳ Đàm tông. Người đầu tiên nghiên cứu về A Tỳ Đàm là Ngài
An Thế Cao ở đời Hậu Hán. Các tác phẩm của A Tỳ Đàm được dịch
sang Hán ngữ rất sớm trong giai đoạn từ 383 đến 434 TL như "A Tỳ Đàm
Cửu Thập Bát Kết Kinh" của Ngài An Thế Cao, "A Tỳ Đàm Tâm Luận",
"A Tỳ Đàm Bát Kiền Độ Luận"...của Ngài Tăng Già Đề Bà đời
Tiền Tần. Các học giả thuộc Tỳ Đàm tông nổi bật có thể kể đến
là các Ngài Huệ Tập, Tăng Mân, Pháp Vân,Tăng Tung... Tuy nhiên, khi Luận
Câu Xá của Ngài Thế Thân được Ngài Chân Đế (Paramartha) dịch sang Hán
ngữ từ năm 563-567 TL, sau đó là Ngài Huyền Trang dịch từ 651-654 TL và
được truyền bá rộng rãi thì Tỳ Đàm tông được thay thế bằng Câu
Xá tông.
2. Thành
Thật tông
Tông này được lập và cổ xướng
từ thời Ngài La Thập theo tư tưởng của Luận Thành Thật (Satyasiddhi), một
bộ luận thuộc Tiểu thừa Phật giáo.Bộ luận này do Ngài Ha Lê Bạt Ma
(Harivarman) viết và được Ngài Cưu Ma La Thập (Kumàrajìva) chuyển sang Hán
ngữ thật sớm,vào 411-412 TL.Kể từ thời Ngài La Thập về sau, không khí
nghiên cứu học thuật của Thành Thật tông được phát triển nhanh
chóng.Trong khoảng từ 411 đến 498 TL đã có hơn 12 bộ sớ giải của các
môn đồ Ngài La Thập viết về Luận Thành Thật và đã có: "Hàng trăm
buổi giảng thuyết về bản văn này được truyền bá khắp Trung Hoa"
(2). Đến đời Lương (502-507) thì Thành Thật tông phát triển cực thịnh
và được phổ biến rộng rãi với công lao của ba ngài Pháp Vân, Trí Tạng
và Tăng Mẫn. Trong giai đoạn này, Thành Thật tông được xem là khuynh hướng
Đại thừa. Thế nhưng, vào đời Tùy, kể từ khi Ngài Gia Tường Đại Sư
Cát Tạng nhận định Thành Thật luận là bộ luận thuộc Tiểu thừa Phật
giáo thì Thành Thật tông bắt đầu kém phát triển. Đến đời Đường,
Ngài Đạo Tuyên tuyên bố luận Thành Thật thuộc kinh Lượng bộ,một tông
phái Ấn Độ được xem là tiểu thừa, thì Thành Thật tông bước vào thời
kỳ suy vi và không còn phát triển ở các thời kỳ sau đó.
3. Nhiếp
luận tông (Pháp tướng tông)
Nhiếp luận tông (Samparigraha) là tiền
thân của Pháp tướng tông (Dharmalaksana).Nhiếp luận tông được thành lập
từ khi Ngài Chân Đế (499-569) dịch và giảng về bộ Nhiếp Đại Thừa luận
(Mahàyànasamparihraha) Nhiếp Đại Thừa Luận do Ngài Vô Trước viết vào thế
kỷ V (được Ngài Thế Thân chú giải) là bộ luận đầu tiên phát biểu
học thuyết Duy thức. Ngài Phật Thủ (Buddhasanta) dịch bộ luận này sang
Hán văn lần đầu vào năm 531 TL, nhưng kể từ khi bản dịch của ngài
Chân Đế vào năm 563 hoàn thành và do nỗ lực truyền bá của Ngài thì Nhiếp
Luận tông mới chính thức phát triển tại phía Nam Trung Quốc.Sau khi Ngài
Chân Đế viên tịch, do công lao của ngài Đàm Thiên nên tông phái này cũng
dần dần phát triển ở phía Bắc Trung Quốc. Đến đời Đường, Ngài Huyền
Trang đã dịch lại hai bản "Nhiếp Đại thừa luận" và "Nhiếp
Đại thừa luận thích", đồng thời theo học thuyết "Thành Duy Thức
luận " của Ngài Hộ Pháp mà thành lập và truyền giảng tư tưởng
Duy Thức.Đệ tử Ngài Huyền Trang là Ngài Khuy Cơ là người có công hệ
thống hóa và chính thức thành lập nên Pháp tướng tông. Hai sáng tác quan
trọng của Ngài: "đại thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương" và
"Thành Duy Thức luận thuật ký" là căn bản của tông phái này.
Nhiếp luận tông kể từ đời Đường đã được hòa nhập vào Pháp tướng
tông.
4. Tam Luận
tông
Tam luận là ba bộ Trung luận, Bách
luận và Thập nhị môn luận. Lịch sử của tam luận bắt đầu ở Trung
Quốc với sự xuất hiện của Ngài Cưu Ma La Thập. Ngài là người có
công phiên dịch cả ba bộ luận trên sang Hán ngữ. Quá trình truyền thừa
của Tam luận tông bắt đầu từ thời Ngài Cưu Ma La Thập và được phân
thành hai giai đoạn:
Giai đoạn 1:Giai đoạn này được
sử Phật giáo Trung Quốc gọi là "Cổ Tam luận tông" gồm các
Ngài Cưu Ma La Thập, Đạo Sinh, Đàm Tế, Đạo Lãng (Tăng Lãng), Tăng Thuyên,
Pháp Lãng.Trong đó, Ngài Tăng Lãng là người có công tách hẳn Tam luận
tông khỏi ảnh hưởng của Thành Thật tông, và Tam luận tông kể từ
Ngài Tăng Lãng đã có một nền móng thật sự.
Giai đoạn 2: là giai đoạn truyền
thừa của Ngài Cát Tạng. Ngài ngụ ở chùa Gia Tường nên thường được
gọi Gia Tường Đại Ar Cát Tạng. Ngài đã trước tác và biên soạn nhiều
khá nhiều tác phẩm. Trong đó có 3 tác phẩm Tam Luận sớ, Tam Luận Huyền
Nghĩa và Đại thừa Huyền Luận đã đem lại một cái nhìn mới cho tông
Tam luận. Do vậy, Tam Luận tông trong thời kỳ của Ngài Cát Tạng được
gọi là "Tân Tam Luận tông".
Cả hai giai đoạn trên kéo dài
trong hai thế kỷ thứ V và VI TL.Tuy nhiên, khi Pháp Tướng tông hưng khởi
do công của các Ngài Huyền Trang và Khuy Cơ thì Tam Luận tông tại Trung Quốc
đã không còn phát triển như trước mà được truyền sang và quảng bá tại
Nhật Bản do công Ngài Tuệ Quán (người Cao Ly) và sau đó là Phúc Lượng
(người Nhật Bản).Tam Luận tông bắt đầu có mặt tại Phật giáo Nhật
Bản từ thế kỷ thứ XII.
5. Hoa
Nghiêm tông
Khai tổ chính thức của Hoa Nghiêm
tông là ngài Đỗ Thuận (551-640).Pháp danh của Ngài là Pháp Thuận nhưng vì
Ngài họ Đỗ nên thường được gọi là Đỗ Thuận. Tuy nhiên, trước khi
Hoa Nghiêm tông chính thức được thành lập ở đời Đường thì tại
Trung Quốc đã có hai học phái là Niết Bàn tông và Địa Luận tông.
Niết Bàn tông là học phái y cứ
trên nội dung của kinh Niết Bàn. Địa Luận tông là học phái chuyên
nghiên cứu và truyền giảng trên tinh thần và nội dung của tác phẩm
"Thập Địa Kinh Luận", bản luận giải của Ngài Thế Thân về
kinh Thập Địa (Dasabhumi sutra) vốn là một bộ phận của Kinh Hoa Nghiêm.Về
sau do có nhận thức, giải thích khác nhau về các chủ đề tư tưởng
trong hai bộ kinh luận trên nên cả Niết Bàn tông và Địa Luận tông đều
được phân thành hai dòng phía Bắc và phía Nam. Các nhóm học giả của
"Bắc phái Niết Bàn" cũng như "Nam phái Thập địa" về
sau đều hòa nhập vào tông Hoa Nghiêm. Các bậc cao tăng trong phổ hệ truyền
thừa của Hoa Nghiêm tông của Phật giáo Trung Quốc tiếp theo Ngài Đỗ Thuận
là các Ngài Trí Nghiễm (602-668), Nghĩa Tương (625-702), Pháp Tạng (643-712),
Trừng Quán (738-839), Tôn Mật (780- 841). Trong các vị trên, Pháp Tạng là người
có công rất lớn trong việc hệ thống hóa toàn vẹn nền triết học Hoa
Nghiêm.Có thể nói Hoa Nghiêm tông trở thành một tông phái đích thực là
do công lao của Ngài.
6. Thiên
Thai tông (Pháp Hoa tông)
Thiên Thai là tên một hòn núi ở tỉnh
Thai Châu miền Nam Trung Quốc. Suốt trong hai thời đại Trần và Tùy, Ngài
Trí Khải (531-597) trú ở núi này và xiển dương kinh Pháp Hoa. Tông phái do
Ngài thành lập do vậy có tên Thiên Thai tông hoặc Pháp Hoa tông. Trước Ngài
Trí Khải, kinh Pháp Hoa vốn đã là bộ kinh được nghiên cứu rất kỹ
ngay sau khi Ngài La Thập phiên dịch xong bộ kinh này, gồm 7 quyển - 27 phẩm,
vào năm 406 TL. Về sau, Ngài Pháp Hiển từ Ấn trở về đã phiên dịch và
bổ sung thêm phẩm Đề Bà Đạt Đa vào nên mới có 28 phẩm. Trong giai đoạn
đầu, quá trình hình thành giáo nghĩa của Pháp Hoa tông có liên hệ tới
việc nghiên cứu của Ngài Huệ Văn (505-577) về tư tưởng: "Không - Giả
- Trung trong Đại Trí Độ luận. Ngài đã dựa theo đó mà lập tư tưởng:
"Nhất tâm tam quán" (3). Phương pháp quán niệm này được truyền
bá mạnh do công của đồ đệ Ngài là Ngài Huệ Tư (514-577). Đồng thời
Huệ Tư còn đề ra pháp tu thiền quán theo tư tưởng "chỉ quán nhất
như", tức chủ trương việc kiêm tu định và huệ. Tuy nhiên, chỉ khi
truyền đến Ngài Trí Khải thì giáo nghĩa Thiên Thai tông mới chính thức
được kiện toàn. Kể từ đấy tông này mới được gọi là Thiên Thai
tông. Từ pháp tu quán "Nhất tâm tam quán", Ngài Trí Khải đề ra một
pháp tu quán mới là "Nhất niệm tam thiên" (4). Sự nghiệp trước
tác, chú sở của Ngài Trí Khải là một công trình đồ sộ, nhưng nổi bật
là ba bộ sách Pháp Hoa Văn Cú, Pháp Hoa Huyền Nghĩa và Ma Ha Chỉ Quán; giải
thích rõ ràng về yếu nghĩa kinh Pháp Hoa.Về sau ba bộ này được Ngài
Quán Đảnh (561-632), đệ tử truyền thừa của Ngài Trí Khải soạn tập
và thường được gọi là "Pháp Hoa Tam Đại Bộ".Sau khi Ngài Quán
Đảnh viên tịch, do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các tông phái khác như
Pháp Tướng, Hoa Nghiêm,Thiền và Chân Ngôn nên Thiên Thai tông đã suy yếu
dần. Đến thế kỷ thứ VIII, Thiên Thai tông được phục hưng do công của
Ngài Trạm Nhiên (717-782) và sau đó được Ngài Đạo Toại, đồ đệ của
Ngài Trạm Nhiên dạy cho Ngài Tối Trừng (người Nhật).Thiên Thai tông
chính thức được truyền sang Nhật Bản kể từ Ngài Tối Trừng.
7- Mật
tông (Chân Ngôn tông)
Chân Ngôn dịch nghĩa Phạn ngữ
"Mantra", nghĩa là "Bí mật giáo", giáo pháp không thể phát
hiểu bằng những ngôn ngữ thông thường. Chân Ngôn tông hay Mật tông
phát xuất từ Ấn Độ và được truyền tới Trung Quốc khá muộn. Vào thời
Đông Tấn, tuy đã có một vài bản kinh tiếng Phạn được các vị Tăng
Ấn Độ như Ngài Cát Hữu (Srimitra),Ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La dịch sang
Hán ngữ như Đại Quán Đính kinh, Khổng Tước Vương Kinh...và rải ráác
các bài thần chú trong các kinh điển, nhưng đó không phải là thuần túy
Mật giáo.Phải đến đời Đường (618-907) thì Mật tông mới chính thức
du nhập vào Phật giáo Trung Quốc, khởi đầu với sự hiện diện của ba
đại học giả Ấn Độ là Ngài Thiện Vô Úy (Subhakarasimha, 637-735), Ngài
Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 671-741), Ngài Bất Không (Anoghavajra,705-774). Bộ
kinh căn bản của Mật tông là bộ Đại Nhật kinh được Ngài Thiện Vô
úy dịch sang Hánngữ với sự trợ giúp của đệ tử là Ngài Nhất Hành
(cũng là đệ tử của Ngài Kim Cương Trí, 638-727).
Sự truyền thừa của Mật tông tại
Trung Quốc tương đối giản đơn hơn các tông phái khác. Tuy vậy, tông
này lại rất được các triều vua Đường: Huyền Tông, Túc Tôn, và Đại
Tôn ủng hộ.Đặc biệt là Ngài Bất Không đều được ba đời vua trên
trọng đãi. Các công trình phiên dịch kinh điển Mật tông được tiến hành
với qui mô đồ sộ.Theo sử Phật giáo Trung Quốc, Ngài Bất Không cùng với
các ngài La Thập, Chân Đế và Huyền Trang được gọi là "bốn nhà đại
phiên dịch" của Phật giáo Trung quốc. Không những trong Phật giáo mà
Mật tông còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong nền văn hóa Trung Quốc
như điêu khắc, kiến trúc, hội họa...Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của
nạn Võ Tôn phế Phật vào cuối đời Đường (5) nên Mật tông của Phật
giáo Trung Quốc bị suy yếu trầm trọng nhưng lại được truyền sang Nhật
Bản do thầy trò hai ngài Huệ Quả (người Trung Quốc, đệ tử Ngài Bất
Không) và Không Hải (người Nhật Bản theo học với Ngài Huệ Quả). Ngài
Không Hải là người sáng lập ra "Chân Ngôn tông" của Phật giáo
Nhật Bản.
8. Thiền
tông
Trong các tông phái Phật giáo Trung
Quốc, thiền tông là tông phái có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối
với toàn bộ hệ thống tư tưởng Phật giáo Trung Quốc từ đời Đường
trở về sau.Đây là nhận định chung của hầu hết các nhà nghiên cứu Phật
học hiện nay. Nếu xét từ cội nguồn thì hai phái chính trong hệ thống
Thiền tông là Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền. Như Lai Thiền được xem là
phương pháp tu thiền có cội nguồn từ Phật giáo Ấn Độ, trong khi Tổ
Sư Thiền lại có khuynh hướng được xem là sáng tạo riêng của Phật
giáo Trung Quốc và khởi nguyên với sự hiện diện của Ngài Bồ Đề Đạt
Ma. HT Thích Thanh Kiểm viết: "Ở Trung Quốc, đời Hậu Hán, Ngài An Thế
Cao đã thông đạt thiền kinh và đã thực hành về Tiểu thừa Thiền.Nhưng
tới khi Ngài La Thập dịch kinh "Tọa Thiền tam muội" và sau đó
Ngài Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) dịch "Đạt Ma Đa La Thiền
kinh" thì thời đại cơ vận Đại thừa Thiền được nhanh chóng lưu hành.
Trong tình thế ấy, lại xuất hiện một hệ thống Thiền của Tổ Bồ Đề
Đạt ma và trở thành nền tảng cho Thiền tông các đời sau" (6).
Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là
thái tử thứ 3, con vua Kancipura xứ Nam Ấn. Theo lời dạy của thầy là
Ngài Bát Nhã Đa La (Prajnàtara), Ngài sang Trung Quốc vào đời Lương ,khoảng
năm 470-520 TL (7). Theo phổ hệ truyền thừa của Thiền tông Ấn Độ, từ
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến đời Ngài là thứ 28, nhưng Ngài được
xem là người khai sáng của phổ hệ truyền thừa Thiền tông Trung Quốc gồm;
1/Bồ Đề Đạt Ma. 2/Huệ Khả (? - 593) 3/ Tăng Xán (?-606) 4/ Đạo Tín
(580-651) 5/ Hoằng Nhẫn (602-675). Bắt đầu từ Ngài Hoằng Nhẫn, Thiền
tông Trung Quốc đã bắt đầu phát triển cực mạnh với sự truyền giảng
của hai ngài Thần Tú (605-706) và Huệ Năng (được xem là Tổ thứ 6 của
Thiền tông Trung Quốc, 638-713). Ngài Thần Tú truyền giáo ở phương Bắc nên
dòng thiền này gọi là dòng thiền Bắc tông.Tương tự dòng thiền của Huệ
Năng được gọi là dòng thiền Nam tông.Thiền Bắc tông chủ trương giáo
pháp tiệm ngộ (sự bừng sáng của trí tuệ giải thoát có được theo quá
trình tu tập thứ lớp) nên được gọi là "Bắc tiệm".Trong khi đó,
Thiền Nam tông lại có mục tiêu đốn ngộ (giác ngộ ngay, không theo thứ
lớp) nên được gọi là "Nam đốn".Trong các thời đại sau đó,thiền
phái của Ngài Huệ Năng phát triển rất mạnh và phân thành 5 tôn là Lâm
Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Lâm Tế tôn sau lại
chia thành hai phái là Hoàng Long và Dương Kỳ. Năm tôn trên, thêm vào hai
phái sau thường được sử viết là "Ngũ gia thất tôn".
Vào các thời đại Nguyên, Minh,
Thanh, trong khi một số tôn phái khác bị suy thoái dần do sự du nhập và
phát triển mạnh mẽ của Lạt ma giáo Tây Tạng thì Thiền tông lại trở
thành tông phái phổ biến nhất. Từ Trung Hoa Dân Quốc đến nay, Thiền tông
vẫn là một tông phái chủ đạo của Phật giáo Trung Quốc.
9. Tịnh
Độ tông
Tịnh Độ tông là tông phái cùng với
Thiền và Mật tông có ảnh hưởng trong Phật giáo Trung Quốc hiện nay.Tịnh
Độ tông là tông phái chủ trương pháp môn "Vãng sanh Tịnh Độ".Pháp
môn tu Tịnh Độ ở Trung Quốc khởi thủy từ khi Ngài Tuệ Viễn lập ra hội
"Bạch Liên xã" ở Lư Sơn vào đời Đông Tấn, chủ trương quán tưởng
niệm Phật, tức quán niệm tướng tốt của Đức Phật A Di Đà. Đến thời
Nam - Bắc triều, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch bộ "Vãng sanh Tịnh Độ
luận" do Ngài Thế Thân trước tác và trở thành bộ luận căn bản
cho tông Tịnh Độ. Pháp tu Tịnh Độ của Ngài Bồ Đề Lưu Chi được Ngài
Đàm Loan kế thừa và truyền cho cao đệ là Ngài Thiện Đạo (613-681). Ngài
Thiện Đạo là vị có công hoàn thành giáo nghĩa của tông Tịnh Độ.Các
tác phẩm của Ngài viết như "Quán Kinh Sớ", "Vãng Sinh Lễ
Tán", "Ban Chu tán", "Quán Niệm Phật Môn", "Pháp Sự
tán" bao hàm giáo lý tinh yếu của Tịnh Độ tông, giải thích kinh
Quán Vô Lượng Thọ, bộ kinh trọng yếu của tông phái này.
Sau Ngài Thiện Đạo còn có pháp
môn niệm Phật của Ngài Từ Mẫn (Tuệ Nhật, 680-740) nhưng đã chịu ảnh
hưởng của Thiền tông.Từ Ngài Từ Mẫn trở về sau, giáo nghĩa Tịnh Độ
có khuynh hướng "Thiền Tịnh song tu". Tịnh Độ tông vẫn âm thầm
phát triển theo khuynh hướng trên và được hưng khởi mạnh mẽ vào thời
nhà Minh do công của các Ngài Vân Thê Châu Hoằng (1535-1615), Ngẫu Ích Trí
Húc (1599-1655) và Đại sư Ấn Quang ở cuối đời nhà Thanh tới thời Trung
Hoa Dân Quốc.
10- Luật
tông
Luật tông là tông phái nương theo
giới luật mà thành lập nên có những điểm khác với tông phái khác.Giới
luật là những qui giới phải tuân thủ của giáo đoàn Phật giáo. Trước
khi truyền vào Trung Quốc, mỗi bộ phái Ấn Độ đều có giới luật của
bộ phái mình. Thế nhưng, khi truyền đến Trung Quốc chỉ có 4 bộ "Ma
Ha Tăng Kỳ luật" do Ngài Pháp Hiển và Phật Đà Bật Đà La dịch;
"Thập Tụng luật" do hai Ngài Phất Nhã Đa la và Đàm Ma Lưu Chi dịch;
"Tứ phần luật" do Ngài Phật Đà Da Xá đời Diêu Tần dịch;
"Ngũ Phần luật" do Ngài Phật Đà Thập dịch là được lưu hành.
Dưới thời đại Nam - Bắc triều, việc nghiên cứu Thập Tụng Luật rất
được thịnh hành ở phương Nam; nhưng kể từ khi Ngài Huệ Quang ở Bắc
Ngụy bắt đầu nghiên cứu và truyền giảng Tứ Phần luật thì xu hướng
theo Tứ Phần luật được hưng thịnh. Trong suốt đời Tùy đầu đời
Đường, qua sự nghiên cứu và giảng giải của các Ngài Pháp Thông đời
Bắc Ngụy, Ngài Đạo Phú, Ngài Tuệ Quang (468-537), Đạo Vân, Đạo Huy,Trí
Thủ (môn đệ của Ngài Đạo Vân), Hồng Tuân (đệ tử Ngài Đạo Huy) thì
Tứ Phần luật trở thành bản luật phổ biến của Phật giáo Trung Quốc.
Đến đời Đường, Tứ Phần luật tôn hoàn toàn được thành lập và
chia thành ba phái: Nam Sơ tôn của Ngài Đạo Tuyên, (môn đồ Ngài Huyền
Trang, 596-667), Tướng Bộ tôn của Ngài Pháp Lệ (569-635) và Đông Tháp tôn
của Ngài Hoài Tố (624-697).Tuy nhiên, chỉ có Nam Sơn tôn của Ngài Đạo
Tuyên còn được duy trì và phát triển cho tới ngày nay.
C- Kết luận
Quá trình hình thành và phát triển
của các tông phái Phật giáo Trung Quốc luôn gắn liền với lịch sử văn
hóa - tư tưởng Trung Quốc. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở từng thời
đại và mỗi triều đại, sự phát triển của các tông phái Phật giáo
Trung Quốc như nước ở trong đại dương, đôi khi lặng lẽ êm đềm
nhưng cũng có lúc hưng khởi mãnh liệt. Sự hưng khởi của tông phái này
dường như là để bổ túc cho sự suy vi của một tông phái khác. Điều này
phản ánh trọn vẹn tinh thần Duyên khởi rất hiện thực của đạo Phật.
Tuy nhiên, một đặc điểm quan trọng cần lưu ý là không bao giờ có sự
đối kháng đến trở thành mâu thuẫn trong quá trình phát triển các tông
phái của Phật giáo Trung Quốc nói riêng và Phật giáo nói chung. Bởi lẽ
toàn bộ quá trình ấy luôn nằm trong tinh thần xây dựng những tư tưởng
hướng nghiệm cho con người trong quá trình sống - tu tập - đạt đến giải
thoát. HT Thích Thanh Kiểm trong sách Lịch sử Phật giáo Trung Quốc đã
viết: "Giáo học của Phật giáo được cấu thành bởi ba môn học là
"Giới học", "Định học" và "Tuệ học". Phật
giáo Trung Quốc vì nghiên cứu về Tuệ học nên Tam Luận tông, Thiên Thai
tông, Hoa Nghiêm tông được thành lập; vì tu tập về "Định học"
nên có Thiền tông ra đời; và nương theo "Giới học" để tu trì
nên có Luật tông xuất hiện (8). Đây có lẽ không phải là một đặc tính
riêng Phật giáo Trung Quốc mà còn là đặc điểm chung của toàn bộ lịch
sử phát triển Phật giáo từ Ấn Độ cho đến các quốc gia có Phật
giáo trên thế giới và cả ở Phật giáo Việt Nam chúng ta hiện nay.
Chú thích
(1) Kenneth W. Morgan, The Path of the
Buddha, Chapter V: Buddhism in China and Korea (Zenryu Tsukamoto, translated by Leon
Hurvitz).The Ronard Press Company. NewYork 1956, p 183-184.
(2) J. Takakusu, The Essentials of the
Buddhism Philosophy (Xem "Các tông phái Phật giáo" bản dịch Tuệ
Sỹ, Tu thư Đại học Vạn Hạnh , 1973, tr.147).
(3) Tam quán là "Không
quán", "Trung quán" và "Giả quán". Nhất tâm tam quán
nghĩa là trong một tích tắc của ý niệm đều có đầy đủ ba tính chất
không , giả và trung.
(4) Nhất niệm tam thiên: Theo Ngài
Trí Khải, mỗi ý niệm mê vọng của con người đều bao hàm toàn thể thế
giới , nói hẹp là 10 giới (Tứ thánh và lục phàm), nói rộng là 3000
pháp, có nghĩa là toàn thể thế giới. Ba tính Không, Giả, Trung trong mỗi
ý tưởng đều có quan hệ mật thiết với nhau, chúng thật ra chỉ là một.
Ở đây, Ngài Trí Khải chủ yếu muốn nêu lên phương pháp quán niệm
trên để người tu tập có nhận thức đúng về bản chất của tâm mình.
(5) Xem lại bài PHHT, Đại cương
lịch sử Phật giáo Trung Quốc, phần 2b.
(6) Thích Thanh Kiểm, Giáo trình lịch
sử Phật giáo Trung Quốc (Tài liệu giảng dạy của Học viện Phật
giáo Việt Nam tại TP.HCM) tr.14 (bản ronéo).
(7) Tài liệu của Thích Thanh Kiểm
ghi "khoảng năm 470" (Giáo trình lịch sử ...Sđd,t.14) trong khi
J. Takakusu trong Essentials of Buddhism Philosophy lại viết "đến Trung Hoa
năm 520" (Xem "Các tông phái Phật giáo" , bản Việt dịch
của Tuệ Sỹ, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1973, tr. 304). Do vậy, chúng tôi
ghi khoảng thời gian ước định để học viên tiện việc tham khảo (tg).
(8) Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật
giáo Trung Quốc, Thành hội PG TP.HCM ấn hành,1991. tr 157.
(*) Sđd: Sách đã dẫn.
(*) TL: Tây lịch . TTL: trước Tây lịch
Sách tham khảo
1. Kenneth W. Morgan, "The Path
of the Buddha", Chapter V: Buddhism in China and Korea (Zenryu Tsukamoto,
translated by Leon Hurvitz). The Ronard Press Company. NewYork 1956.
2 . J.takakusu, The Essentials of the
Buddhism Philosophy (Các tông phái Phật giáo; bản Việt dịch của
Tuệ Sỹ, Tu thư Đại học Vạn Hạnh ấn hành 1991).
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nuoc/023-tongtrungquoc.htm