- Những
đóng góp của người Trung Hoa đối với Phật giáo
- HT. Thích Minh Châu
- Thích Nữ Liên Hiếu dịch
- (Nguyên tác bằng Anh ngữ: "Chinese
Contributions to Buddhism" đăng trong Tạp Chí The Maha Bodhi, Vol.
69. No 5. Nov. Dec. CE. 1961)
Nghiên
cứu tổng thể lịch sử Phật giáo từ lúc mới du nhập Trung Hoa năm
64 TL dưới triều đại của vua Minh Đế cho đến thời cận đại,
chúng ta nhận thấy có hai sự đóng góp nổi bật trong những đóng
góp khác nhau của người Trung Hoa đối với Phật giáo nói chung và
đối với văn hoá và kiến thức Phật giáo nói riêng. Trước hết
là biên tập và bảo tồn Ba Tạng Kinh Trung Hoa (Chinese Tripi.taka). Ba
tạng này bao gồm hầu hết những thánh điển quan trọng trong kinh
điển Phật giáo. Tiếp theo là những ký sự của những nhà chiêm
bái Trung Hoa nổi tiếng đã đến Ấn Độ để nghiên cứu kinh điển.
Khi trở về nước các vị đó đã để lại các sử ký của mình
hết sức nổi bật, có giá trị về mặt lịch sử, địa lý và xã
hội.
Ba Tạng Kinh Trung Hoa hiện nay
là thành quả của sự cộng tác mật thiết giữa chư tăng Ấn Độ
và Trung Hoa. Với lòng nhiệt thành và cống hiến hết sức mình như
để tán thán giáo pháp cao thượng [của Đức Phật], các vị đã
thực hiện phiên dịch những bản kinh Sanskrit, Prakrit và ngay cả những
bản kinh Paali sang tiếng Hoa. Trong các vị tăng dịch thuật nổi tiếng
đầu tiên của Trung Hoa và Ấn Độ, là: Ngài Ca-diếp-ma-đằng (Skt.
Kaasyapa Maatanga, Chin. Chia-yeh-mo-tseng) và Trúc-pháp-lan (Skt.
Dharmaraksha, Chin. Chu-fa-lan) [1]. Hai vị này đã bắt đầu dịch bản kinh đầu tiên
là Tứ Thập Nhị Chương Kinh (Ssu-shi-erh-chang-ching) và
Phật Bổn Hạnh Kinh (Skt. Buddhacarita, Chin. Fu-pen-hsing-ching). Kế đó
là 55 bản dịch của Ngài An Thế Cao (An-shi-kao) ở nước An Tức ( Skt.
Parthia, Chin. An-si) hết sức có uy tín. Ngài Cưu-ma-la-thập (Skt.
Kumaarajiva, Chin. Chiu-mo-lo-shi) cũng dịch được 55 tác phẩm. Ngài Huyền
Trang (Hsuan-tsang) nổi tiếng đời Đường cũng dịch được 75 tác
phẩm, nhưng được trích dẫn [trong Ba Tạng] không nhiều. Ba Tạng Kinh
Trung Hoa được chia thành 4 phần lớn. Phần thứ nhất là Kinh Tạng
(Skt. Suutrapi.taka, Chin. Ching-pu), phần hai là Luật Tạng (Skt. Vinayapi.taka
Chin. Lu-pu), phần ba là Luận Tạng (Skt. Abhidharmapi.taka, Chin. Lun-pu).
Trong mỗi phần được chia nhỏ thành các Kinh, Luật, Luận tương ứng
của Đại Thừa (Mahaayaana) và Tiểu Thừa (Hiinayaana). Phần
bốn bao gồm những tạp phẩm của các vị tăng Ấn Độ và Trung Hoa.
Vì các nhà biên tập Trung Hoa không có thái độ [phân biệt] bộ
phái, nên những văn bản được sưu tầm của tất cả các trường
phái Mahaayaana và Hiinayaana đều được có mặt trong Ba Tạng Kinh này.
Do đó, phần Luật Tạng bao gồm [những bộ luật của các trường
phái] như Thập Tụng Luật (Sarvaastivaadavinaya), Tứ Phần Luật (Dharmaguptavinaya),
Ma-ha-tăng-kỳ-luật (Mahaasanghikavinaya), Ngũ Phần Luật (Mahiisaasakavinaya).
Ngay cả bản sớ giải Samantapaasaadikaa bằng tiếng Paali
về Luật tạng của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) cũng được nói là
đã được dịch sang tiếng Hoa. Bản gốc của tác phẩm Vimuttimagga
(Giải Thoát Đạo) bằng ngôn ngữ Paali đã bị mất ở Tích Lan, nhưng
lại được bảo tồn dưới hình thức bản dịch tiếng Hoa. Một trong
những tác phẩm nổi bật trong Luận Tạng của trường phái Nhất
Thiết Hữu Bộ (Sarvaastivaada) là luận phẩm nổi tiếng Tỳ-bà-sa (Vibhaasaa).
Tác phẩm này là một bản sớ giải nhiều tập của luận phẩm Jnaanaprasthana,
được Ngài Huyền Trang dịch thành 200 tập, bản gốc Sanskrit này không
may mắn bị mất. Vì vậy Ba Tạng Kinh Trung Hoa cung cấp nguồn tài liệu
nghiên cứu vô tận, không những trong phương diện nội điển của
các trường phái Phật giáo mà còn là tài liệu có tầm quan trọng
rất lớn về địa dư, văn hoá, lịch sử khi nghiên cứu về Ấn Độ
cổ đại.
Ba tạng kinh điển Trung Hoa có
đánh động [tâm thức] của tín đồ khi tiếp cận về mặt tâm linh
hay tri thức [Phật giáo] hay không, nhưng các cuộc hành hương của
những nhà chiêm bái Trung Hoa đến Ấn Độ cùng với những ký sự
của họ dường như đã để lại tiếng ngân cảm xúc trong trái tim
và tâm thức của tất cả mọi người.
Cả hàng trăm, nếu không nói
là hàng ngàn vị tăng từ Trung Hoa đến Ấn Độ nghiên cứu kinh
điển, có 3 vị vượt trội hơn những vị khác với những thành
tựu nổi bật và có nhân cách lỗi lạc, đó là Ngài Pháp Hiển
(Fa-hsien), Huyền Trang (Hsuan-tsang) và Nghĩa Tịnh (Y-tsing).
Nhà chiêm bái Trung Hoa nổi
tiếng đầu tiên là Ngài Pháp Hiển, tên thật của Ngài là Cung,
quê ở Vũ Dương (Wu-yang) huyện Bình Dương (Ping-yang). Ngài được
đưa vào Tăng đoàn lúc 3 tuổi, và được đặt pháp danh là Pháp
Hiển. Lúc Ngài đã được 65 tuổi, Ngài rời Trường An (Chang-an)
[sang Ấn Độ] cùng với 9 hay 10 [2] vị tăng khác vào năm
339 TL. Ngài băng qua sa mạc Gobi, các nước Trung Á, Cao nguyên Pamir,
rồi đi khắp Ấn Độ từ Tây sang Đông, đáp thuyền đến Tích Lan,
và từ đó đi vòng đến Sumatra, băng qua biển Trung Hoa và cuối cùng
đến Lao Sơn (Lao-shan) vào năm 413 TL. Trở về Trung Hoa lúc ấy Ngài
được 79 tuổi. Ngài khởi hành từ Trung Hoa cùng với 9 hoặc 10 vị
tăng, nhưng khi trở về trong đơn độc, không một người bạn đồng
hành, vì các pháp lữ của Ngài đã trở về Trung Hoa [không tiếp
tục cuộc hành trình], hoặc bị chết trên đường hay ở lại Ấn
Độ. Cuộc hành trình của Ngài tròn 15 năm.
Ngài Pháp Hiển lên đường
đến Ấn Độ với mục đích sưu tầm các bản luật lưu truyền ở
Ấn Độ. Vì Ngài nhận thấy ở Bắc Ấn luật tạng chỉ được khẩu
truyền, do đó Ngài vội vã xuống phía nam để thu thập một số bản
cảo về luật tạng. Bốn bản kinh văn sau đây được cho là Ngài
đã sưu tầm, đó là: Mahaaparinirvaanasuutra (gồm có 2 bản dịch), samyuktapi.takasuutra,
Mahaasanghabhikkhuniisuutra
[3]. Sau khi trở về Trung Hoa Ngài viết
ký sự chiêm bái của Ngài, gọi là Phật Quốc Kyù (Ký Sự
về Những Nước Phật Giáo, Record of Buddhist Countries) [4].Tác
phẩm này ghi lại đầy đủ cuộc hành trình của ngài, và ngang qua
tài liệu đó, chúng ta hiểu được những tập quán, thời tiết,
địa lý và lịch sử của các nước Trung Á, Ấn Độ, Tích Lan, và
Ấn Độ dương.
Những lời tường trình của
Ngài cho chúng ta thấy biết bao bất lợi khốc liệt mà Ngài đã
phải đối đầu, biết bao sự khổ nhọc mà Ngài phải chịu đựng
để hoàn thành cuộc hành trình của mình. Ngài nói rằng: "khi
tôi nhìn lại quãng đường mà tôi đã đi qua, tim tôi đánh thình
thịch và bắt đầu tháo mồ hôi. Tôi liều mạng trước tất cả
những nguy hiểm mà không hề nghĩ đến bản thân, bởi vì tôi đã
có mục đích xác định; và thật đơn giản, tâm tôi chỉ có một
hướng. Đó là lý do tại sao tôi đã dấn thân vào một cuộc hành
trình mà cái chết hầu như chắn chắn, và tôi chỉ có một chút cơ
may sống sót của vạn tử nhất sinh mà thôi "[5]. Ở đây,
chúng tôi trích dẫn lời ca ngợi của một vị tăng [vô danh] Trung Hoa
ở đoạn cuối ký sự của Ngài Pháp Hiển như sau:
"Chúng tôi thật xúc
động trước những gì mà Ngài [Pháp Hiển] đã nói. Một con
người như vậy thật hiếm có dù xưa hay nay. Từ khi tôn giáo vĩ
đại đến phương Đông, chưa từng có một người nào ngang tầm
với Ngài Pháp Hiển trong việc xả thân để truy tầm Luật tạng. Qua
đó, chúng ta có thể hiểu rằng: mọi việc đều có thể thực hiện
từ một trái tim chân thành, và mọi việc có thể được hoàn
thành nếu người ấy có kiên định. Phải chăng sự thật Ngài đã
thành công là do Ngài từ bỏ những gì mà người khác cho là có
giá trị và lại cho là có giá trị những gì người khác từ
bỏ?" [6]
Khoảng hai thế kỷ sau, một
nhà chiêm bái nổi tiếng khác là Ngài Huyền Trang đến Ấn Độ để
nghiên cứu kinh điển. Ngài sinh năm 600 trong một gia đình Khổng giáo
ở Hồ Nam. Ngài vào Tăng đoàn lúc 12 tuổi và thọ cụ túc
giới vào năm 622 lúc vừa tròn 20 tuổi[7].
Ngài đã thông hiểu Phật pháp khi Ngài còn ở Trung Hoa, căn bản
là luận tạng (Abhidharma) của Mahaayaana và Hiinayaana. Đặc biệt
là Duy thức (Vij~naanavaada) trong luận phẩm Nhiếp Đại Thừa
Luận (Mahaayaana-Sa"mparigraha Saastra) của Ngài Vô
Trước (Asa"nga). Vì Ngài đã khám phá rất nhiều sự mâu thuẫn
trong các bản kinh của Trung Hoa, và nhiều sai lầm trong các bản dịch.
[Để giải quyết vấn đề trên], Ngài Huyền Trang đến Ấn Độ để
nghiên cứu Phật giáo tận ngọn nguồn. Năm 629, Ngài bí mật
trốn sang Ấn Độ lúc 26 tuổi. Cuộc hành trình của Ngài từ Trung Hoa sang
Ấn Độ mất hết gần 2 năm. Ngài đã trải qua 12 năm du hành ở Ấn
Độ từ Kashmir ở phía Tây đến Assam [nay vẫn thuộc bang Assam] ở
phía Đông Ấn và toàn bộ cao nguyên Decan. Ngài trở về Trung Hoa
bằng con đường bộ Tokharistan, [núi tuyết] Pamir, Đôn Hoàng (Tun-Huang)
và đến Trường An (Chang-an) vào đầu năm 642, lúc bấy giờ Ngài
đã 43 tuổi. Ngài mang về 657 tác phẩm, gồm có 224 bản kinh (suutras),
192 bản luận (saastras) của Mahaayaana, 14 bản của Thượng Toạ Bộ
(Sthavira), 15 bản thuộc Đại Chúng Bộ (Mahaasa"nghika), 17
bản thuộc Ẩm Quang Bộ (Kaasyapiya), 42 bản của Đàm-vô-đức Bộ
(Dharmagupta), 67 bản thuộc Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvaastivaada),
36 tác phẩm nói về luận lý học (Hetuvidraa), và 13 tác phẩm
về ngôn ngữ học (Sabdasaastra). Tất cả số sách đó
được chuyên chở bằng 20 con ngựa.
Có lần nọ, Ngài Huyền Trang
đã từ chối không nhận một chức quan do vua ban, Ngài bắt đầu dịch
số sách mà Ngài đã mang về từ Ấn Độ. Ngài đã dịch 75 tác
phẩm khác nhau gồm 1335 tập nhỏ (facilities). Công trình dịch thuật của
Ngài thật vô song, đã đưa ngài đến vị trí dẫn đầu trong hàng
học giả. Các dịch phẩm của Ngài phối hợp được kiến thức hoàn
hảo về Sanskrit và kiến thức sâu sắc tuyệt vời của nền văn hoá
và ngôn ngữ Trung Hoa. Sự uyên bác về Sanskrit của Ngài rõ ràng
là không chỉ trong việc dịch thuật kinh điển mà còn trong các cuộc
tranh luận giáo lý với các học giả Ấn Độ, không chỉ trong sáng
tác những bài kệ hoà hợp giữa Trung Luận (Madhyamika) với Duy
Thức Luận (Vij~naanavaada) mà Ngài còn dịch Đạo Đức Kinh
(Tao-te-ching) sang tiếng Sanskrit theo yêu cầu của vua Kumaara Bhaskararman ở
Kaamaruupa [thuộc bang Assam, Đông Ấn ngày nay]. Ngài cũng dịch bộ Đại
Thừa Khởi Tín Luận (Mahaayaanasraddotpaadasaastra) của Ngài Mã Minh
(Asvaghosa) sang Hoa văn. Ngài viên tịch lúc 65 tuổi, năm 664 TL, để lại
niềm thương kính cho toàn đất nước. Lễ tưởng niệm Ngài được
[toàn quốc] tổ chức hết sức trọng thể.
Nếu Pháp Hiển và Huyền Trang
đi đến Ấn Độ bằng đường bộ thì Ngài Nghĩa Tịnh một vị
chiêm bái Trung Hoa khác đã đến đất Phật bằng đường thuỷ.
Ngài Nghĩa Tịnh sinh ở gần
Bắc Kinh (Peiking) vào năm 634. Ngài xuất gia năm 13 tuổi. Theo gương
của Ngài Huyền Trang, lúc 37 tuổi năm 671 TL, Ngài theo thương thuyền
người Ba Tư (Persian) sang Ấn Độ. Ngài có nghỉ lại Sriivijaya [8]
(hiện nay là Sumatra), rồi từ đó đi đến Tamralipti. Ngài gặp đệ
tử của Huyền Trang và cùng họ đi đến đại tòng lâm Naalandaa,
Tỳ-xá-ly (Vaisali), Câu-thi-na (Kusinagara). Ngài Nghiã Tịnh đã lưu lại
Naalandaa 10 năm để học với các vị thầy Ấn Độ và sưu tầm một
số bản kinh Sanskrit. Sau đó Ngài rời Tamralipti về lại Srivijaya
mang theo 10 ngàn bản kinh Sanskrit (gồm 685 quyển) và ở lại đó 4 năm
để dịch số kinh điển này. Vì số sách [chưa dịch] quá nhiều mà chỉ
một mình thực hiện, nên Ngài đi đến Quảng Đông (Canton) để tìm
đệ tử mới.[9] Rồi Ngài trở về Srivijaya và ở lại đó
thêm 5 năm nữa. Vào năm 695, Ngài quyết định trở về Lạc Dương
(Lo-yang), được triều đình và nhân dân [Trung Hoa] tiếp đón nồng
hậu. Từ năm 700 đến năm 712 Ngài dịch được 65 bộ sách trong đó
có bộ luật của trường phái Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ (Muulasarvaastivaada)[10].
Ngài viên tịch ở Lạc Dương (Lo-yang) lúc 79 tuổi.
Trong ký sự của Ngài Nghĩa
Tịnh có đề cập đến một ngôi chùa Trung Hoa được đại đế Sri
Gupta xây dựng để làm nơi trú chân cho các vị tăng Trung Hoa. Ngôi
chùa này nằm ở phía đông của tu viện Naalandaa, cuối dòng sông
Hằng (Ganges), có tên là M.rgasikhavana [Lộc Học Uyển]. Khoảng 20
vị tăng Trung Hoa đến Ấn Độ bằng con đường tắt, nhưng con đường
ấy rất nguy hiểm, phải ngang qua thượng phần Miến Điện (Upper Burma)
và Assam [bang Asam thuộc Đông Ấn ngày nay]. Vua Sri Gupta gặp 20
vị tăng Trung Hoa này đang đảnh lễ Đại Tháp ở Bồ Đề Đạo Tràng
(Buddha Gaya). Do đó, ông đã ra lệnh xây dựng một ngôi chùa đặc
biệt dành cho các vị tăng Trung Hoa, và ban đặc ân ngân khoản [tiền
thuế của dân cho quốc gia] của 24 ngôi làng lớn cho các việc sinh
hoạt của họ.
Dựa theo tài liệu của Ngài
Nghĩa Tịnh, ngôi chùa được vua Sri Gupta xây dựng ở một nơi nào
đó gần Naalandaa dành cho các vị tăng Trung Hoa. Bây giờ chúng ta hãy
trở về với hiện tại. Ngôi Chùa Trung Hoa ở Naalandaa này hôm nay
khánh thành được là nhờ sự cúng dường rộng rãi của người
Trung Hoa ở nước ngoài. Sự chuyển tiếp từ quá khứ huy hoàng cho
đến cận đại rồi hiện tại này, dường như nó đã nối lại ở
đâu đó một truyền thống tốt đẹp nhất của người Trung Hoa về
sự nhiệt thành đối với Đạo Phật, và nỗi thao thức truy tầm
giáo pháp của người Trung Hoa.
Chúng tôi tha thiết hy vọng
rằng ngôi chùa Trung Hoa Tân Naalandaa này cũng là ngôi Chùa Học
Thuật, cống hiến hết sức mình cho nhiệm vụ cao quý - thắp sáng và
giương cao Ngọn Đuốc Chánh Pháp mà bao thế hệ chư tăng và phật
tử Trung Hoa đã từng giương cao trong quá khứ.
Chúng tôi xin cầu nguyện cho
Naalandaa mới này dần dần theo kịp hình thức và nội dung của
trường Đại Học Naalandaa cũ, sự đổ nát điêu tàn của nó bây
giờ vẫn còn chứng minh hùng hồn một thời kỳ vàng son.
Xin Tam Bảo ban phúc lành và
hộ trì các tín chủ đã tôn tạo ngôi chùa này!
Cầu nguyện cho tất cả chúng
sanh được hạnh phúc trong an bình và thịnh vượng!
CHÚ THÍCH
(của người dịch)
[1] Chữ viết tắt Sanskrit là
Skt., còn phiên âm chữ Trung Quốc theo kiểu Mỹ, được viết tắt là
Chin.
[2] Theo tác phẩm Pháp Hiển
- Nhà Chiêm Bái Khiêm Tốn (Fa-shien, The Unassuming Pilgrim) của
Hoà Thượng Minh Châu do Ni Sư Trí Hải dịch, thì chín vị cùng tháp
tùng với Ngài có tên là: Huệ Cảnh, Huệ Đạt, Đạo Chỉnh, Huệ
Ứng, Huệ Ngôi, Trí Nghiêm, Huệ Giản, Tăng Thiệu và Bảo Vân.
[3] Có sự khác biệt rất
lớn giữa bài nghiên cứu này với tác phẩm trên của Hoà
Thượng. Theo tác phẩm trên có đề cập Ngài Pháp Hiển đã mang về
rất nhiều bản Kinh Luật Luận khác như: Samyuttaabhidharahrdayasaastra,
.
Ngay cả những tác phẩm đề cập trong bài nghiên cứu trên cũng
không tương ứng. (Xem tác phẩm Pháp Hiển - Nhà Chiêm Bái Khiêm
Tốn (Fa-shien, The Unassuming Pilgrim), Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam ấn hành, 1997, tr. 244-245).
[4] Người Trung Quốc thỉnh
thoảng gọi tác phẩm này là Cao Tăng Pháp Hiển Truyện.
[5] Nguyên bản tiếng Anh
"when I look back on what I have been through, my heart begins to pound and I start
to sweat. I risked all those dangers with no thought for myself, because I had a fixed
purpose and, simple as I am, was single-minded. That was why I embarked upon a journey in
which death seemed almost certain, and I had one chance only in 10.000 of surviving"
[6] Nguyên bản tiếng Anh "we
were moved by what he said. Such men as this are rare whether in ancient times or at the
present day. Since the great religion travelled East, there has been no one to equal
Fa-hsien in his selfless search for the Law. From this we may know that all things are
possible to a sincere heart, and all things can be accomplished if a man has
determination. For is it not true that he succeeded because he disregarded what others
value, and valued what others disregard?"
[7]. Con số được Hoà
Thượng đề cập trên không tương ứng giữa năm sinh với năm
xuất gia, năm thọ giới, năm đi Ấn Độ và năm trở về. Tham khảo
thêm trong A Dictionary of Chinese Buddhist Terms của William Edward Soothill
và Lewis Hodous
[8] Srivijaya, một tiểu
quốc nằm giữa biên giới Trung Hoa và Ấn Độ, chịu ảnh hưởng sâu
sắc văn hoá Ấn được thành lập dưới triều đại Sailendra.
Các vị vua của triều đại đóng góp rất nhiều cho các công trình
nghệ thuật điêu khắc kiệt tác của Phật giáo.
[9] Theo tác phẩm Buddhism in
China của Kenneth K.S. Chen, ông cho rằng, Ngài chỉ tìm người
trợ giúp (assistants) mà thôi. tr. 239.
[10] Trong tác phẩm Buddhism in China của
Kenneth K.S. Chen, nói rằng Ngài Nghĩa Tịnh còn viết 2 tác phẩm quan
trọng khác nữa là: Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện, [Ký Sự
các Nước Phật Giáo ở Quần Đảo Phía Nam] (A Record of the Buddhist
Kingdoms in the Southern Archipelago. Chin. Nan-hai-chi-kuei-nei-fa-chuan) và
tác phẩm Đại Đường Tây Vức Cầu Pháp Cao Tăng Truyện
[Tiểu Sử Cao Tăng Đời Đường Đi Cầu Giáo Pháp ở Ấn Độ]
(Biographies of Eminent Monks of the Tang Who Sought the Dharma in the Western
Religions. tr. 239.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nuoc/028-lienhieu-donggop.htm