Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO LÀO
 Đại cương

 

Nước Lào nằm  ở giữa lòng bán đảo Đông  Dương, trong khu vực Đông Nam Á, thuộc vùng nhiệt đới gió  mùa, có đường biên giới chung với nước: Việt Nam, Kampuchia, Myanma,  Thái Lan và Trung Quốc. Lào không có đường  biên giới biển. Lào có  diện tích 236,800km2, 85% lãnh thổ toàn là núi non trùng điệp với độ cao từ 1,500m -2,500m. Dân  số Lào  hiện nay  (2002) là  4,900,000 người,  được phân làm nhiều sắc dân: Lào Lùn (chiến  56%), Lào Thỏng (chiếm 34%) và Lào Sủng (chiếm 9%).

Hầu hết nhân dân Lào theo đạo Phật. Phật Giáo trở thành quốc giáo của họ. Ở  Lào, Phật Giáo giữ vị  trí quốc giáo từ nhiều  thế kỷ nay. Phật  Giáo có ảnh  hưởng đến viẹc  hình thành tính  cách dân tộc, nhân sinh của người Lào. Tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp Đông  Nam Á vẫn  còn được nhiều  bộ tộc giữ  gìn. Tôn giáo Thiên Chúa đa số là ngoại kiều.

Năm 1349-1357, vua  Phà Ngừm thống nhất nước Lào,  đặt tên là Lạn Xạng  (nghĩa là  "đất nước  triệu voi",  có thủ  đô là Xiêng Dong Xiêng Thong  (ngày nay là Luang  Prabang). Từ năm 1479  đến 1570, nhân dân  lào phải chống lại  giặc ngoại xâm bảo  vệ tổ quốc. Năm 1560, thủ đô được chuyển đến  Vientiane.

Vào thế kỷ XVII, đất nước Lào phát  triển và rạng danh  với các nước láng  giềng. Năm 1893, thực dân Pháp thôn tính Lào.  Ngày 19-12-1945, Lào trở thành quốc gia  độc lập.  Ðầu năm  1946, Pháp  quay lại  xâm lược nước Lào. Tháng 7-1954, Pháp ký hiệp định  Genève công nhận nền độc lập của Lào.

 

Phật Giáo du nhập

Người Lào có  nguồn gốc từ biên giới tây  nam Trung Quốc, từ khi người Nam Chiếu hưng  khởi vào đời Đường đến khi Đại  Lý bị Mông Cổ tiêu diệt.  Vùng nầy chịu ảnh  hưởng sâu sắc văn  hoá Trung Quốc, đồng thời chịu ảnh hưởng văn hoá  Đông Nam Á Ấn Độ hóa. Phật Giáo thịnh hành ở đây trong giai đoạn  sơ khởi là loại tín ngưỡng Phật Giáo hỗn  hợp văn hoá  Trung Quốc lẫn  Ấn Độ, đồng  thời mang ảnh hưởng tín ngưỡng bản địa.

Theo tập tục dân gian, người Lào thời cổ thờ phụng thần linh, gia tiên, thờ  vong hồn và thế  giới thiên nhiên. Thời  đó, Phật Giáo chỉ là tín ngưỡng của thiểu số. Lịch sử Lào ghi chép Phật Giáo du nhập từ đời vua Phà Ngừm (1349).

Đất đai của nước  Lào trong thời bấy giờ bao gồm  toàn bộ Bắc Lào và Trung  Lào hiện nay, cộng  thêm đất Chiêng May  của Thái Lan và miền đông bắc  Miến Điện, đã giúp cho Lào  trở thành một quốc gia khá hùng mạnh trong thời bấy giờ. Sau khi vua Phà Ngừm dựng nước, chế độ chính  trị phần nhiểu mô phỏng theo  vương triều Khmer của Kampuchia, đặt  ra quyền trung ương  tập quyền. Do đó,  Phật Giáo của Kampuchia cũng bắt đầu du nhập vào Lào.

Lịch  sử  ghi  lại  rằng:  Vua  Phà  Ngừm  kết hôn với  Kiều Lạc, công chúa Kampuchia, lại là một tín đồ Phật Giáo thuần thành. Khi sang Lào, bà thấy  dân chúng thời  đó sùng  bái  quỷ thần, mê  tín dị đoan, thường hay hiến tế bằng phụ nữ, cho nên bà khuyên nhà vua nên can thiệp để đưa Phật Giáo vào, để có thể giúp dân chúng thay đổi tín ngưỡng. Bằng  không, sẽ không thể  lưu lại lâu dài  được. Vua Phà Ngừm nghe  theo.

Công chúa  Kiều lạc chính  là động lực  thúc đẩy việc xin  du nhập Phật Giáo  vậy. Nhiều cao tăng  được cung thỉnh sang hoằng dương Phật Pháp. Vị Tăng thống Maha Bansamanda và 2 vị trưởng lão ở  Tu viện Maha Devanlanka dẫn 30  vị tỳ kheo sang Lào để tổ chức công  việc truyền thừa giáo lý. Ngoài ra  có thêm 3 vị học giả tinh thông Phật  Pháp là Manrasinha, Manramad và Manrasad đưa sang Tam tạng Thánh Điển để phiên dịch ra tiếng Lào để truyền bá sâu  rộng. Nhiều Tu  viện được thành  lập trong bước  đầu nầy. Tiếp theo,  lại thêm nhiều pho  tượng Phật, thánh điển,  học giả,cao tăng tiếp tục được đưa sang Lào.

Theo sử liệu,  vua Phà Ngừm là người hung  bạo, tham quyền cố vị, nhưng đến  khi kết hôn  với công  chùa  Kiều Lạc thì  đã chịu ảnh hưởng tư tưởng từ bi của nàng, dần dà thay đổi thái độ và cũng đã hết lòng  trong việc du  nhập tôn giáo  nầy. Quốc Vương  và Hoàng Hậu đã  cho xây cất chùa  Pasamanerama ở phía bắc  Hoàng cung để các cao  tăng cư ngụ,  thuyết pháp cho  hoàng thân quốc  thích và quan lại  trong triều. Ngôi chùa  nầy qua nhiều lần  trùng tu nay vẫn  còn dù  trải qua  7 thế  kỷ vừa  qua. Dân  chúng Lào cũng đã chuyển sang tin Phật.

 

Phật Giáo Lào thời kỳ Trung đại

 

Năm 1373,  vua Pha Ngửm qua  đời, con trai lên  nối ngôi là Praya Xảm Xẻn Thay.  Dưới thời nầy, chế độ chính  trị bền vững, kinh tế phồn thịnh.  Nhà vua cho xây  dựng nhiều chùa chiền  khắp nơi, tổ chức tăng  hội nghiên cứu kinh  điển Phật Giáo. Nhiều  công trình kiến trúc, điêu khắc được thực  hiện, nổi tiếng nhất là pho tượng Phật tại chùa Wat Manorom, vào năm 1372.

Đến đời  vua Vixunharat (1501-1520),  nhiều công trình  kiến trúc Phật Giáo khác được xây dựng. Trong số đó, nổi tiếng nhất là chùa Vixun (1503) để thờ Xá lợi của  đức Phật Thích Ca.  Quốc vương nầy là một tín đồ Phật Giáo thuần thành, chống đối những lối bùa chú, vu thuật và tín đồ của Linh hồn luận (Animism). Khi  vua  Photisanarat  lên  ngôi  (1540),  kinh  đô  được dời về Vientiane. Nhà  vua sai xây dựng  nhiều chùa chiền ở  kinh đô mới; ngôi chùa Phật  Ngọc (Wat Phra Keo) nổi tiếng  được kiến tạo trong thời nầy.  Ngôi chùa gồm ba  tầng, kiến trúc theo  phong cách Ấn, Phật đàn rộng lớn. (Khi nước Thái đến tấn công và cướp phá đã cướp đi những pho tượng bằng ngọc trong ngôi chùa nầy).

Năm 1566, nhà vua lại còn xây Tháp Luông lịch sử, phía bắc Vientiane chừng 2km . Toà tháp nầy dựa trên nền móng của toà tháp cũ, nhưng được mở rộng thêm lên đến 340 mẫu; tháp  hình vuông, gồm 3 tầng, chiều  đông tây 60m, chiều nam bắc 59m.

That Luông là một công trình đồ sộ gồm một tháp lớn hình quả bầu, đặt trên một cái đế là một  đài sen hình vuông với những cánh sen nở tung  ra bốn phiá,  bên dưới là  một cái bệ  khổng lồ hình bán cầu, nhưng lại tạo thành bốn múi có đáy vuông.

Trên miệng quả bầu đỡ một ngọn  tháp, chóp nhọn của ngọn tháp  được dát vàng và bốn mặt cong  của tháp thì được  quét sơn trắng xoá,  trông ngọn tháp rất rực  rỡ. Tất cả  nằm trên một  nền cao ba  bậc, có tường  bao chung quanh. Ngoài  cùng là một đường hành lang  có mái, giới hạn cho khuôn viên  vuông vức và rộng lớn của  That Luông với bốn cửa vào nằm chính giữa mỗi mặt.

Tháp chính  hình quả bầu không  phải đứng một mình,  mà đứng giữa một khu có 30 tháp nhỏ bao  chung quanh. Các tháp nhỏ nầy có hình dáng tương tự  như ngọn tháp ở giữa, đỉnh  các tháp nhỏ cũng được dát vàng  và thân tháp  quét sơn trắng.  Tuy kích thước  của các tháp đều gần  bằng nhau, nhưng bốn tháp  ở bốn góc có bệ  cao hơn nên nhô  cao hơn một  chút so với  các tháp nhỏ  bên cạnh.

Ở  mặt chính của  các tháp nhỏ  có ghi một  câu kệ Phật  Giáo, viết bằng tiếng Pali. That Luông  cũng như các tháp  Phật Giáo ở các  nơi khác, là hình ảnh tượng trưng cho hình núi vũ  trụ Tu Di (Meru): đỉnh trung tâm là Núi Thần  Meru; các tháp nhỏ bao quanh  là các vòng núi; những bậc tam cấp hình thủy quái Makara  và rắn Naga biểu trưng cho nước của Đại  Dương.

Theo quan niệm  của Phật Giáo Tiểu  Thừa mà người Lào tôn thờ, thì  chỉ có một đức Phật duy nhất  trên cõi Niết Bàn (chứng quả ở  tháp chính hay trên ngọn Núi  Thần Meru; những nhà tu hành chứng quả cũng chỉ đạt  đến A La Hán (Arahat) (chứng quả ở các tháp nhỏ có ghi câu kệ Ba La Mật). Ba vòng hồi lang là hình ảnh tam giới (dục giới, sắc giới,  vô sắc giới) mà những người tu hành phải trải qua.

Năm 1569,  Miến Điện đem quân  sang xâm chiếm nước  Lào, bắt nước nầy  phải chịu  thần phục,  nhưng chính  Miến Điện  cũng không ổn định, cho nên phải  rút về. Suốt 50 năm sau đó,  nước nầy rơi vào tình trạng vô chính phủ.

Cho đến năm  1637, vua Soulina Vongxa lên ngôi,  chỉnh đốn lại quốc gia. Nhà  vua ổn định chính  trị coi trọng tôn  giáo mở những trung tâm nghiên cứu Phật Giáo quan trọng; nước Lào trở thành trung tâm Phật  Giáo ở Đông Nam Á hồi đó.  Không ít tăng ni ở Thái Lan  và Kampuchia sang  Vientiane nghiên cứu  Phật Giáo.

Jean Marie Leria và  Henry Van Wusthf sang Lào hồi  đó, đã viết: "Nước Lào phát triển Phật Giáo rất cao dưới triều đình vua Soulina Vong Xa, nhiều công trình kiến trúc  trác việt của những chùa tháp nơi  đây rất  đặc sắc. Có người  thử đưa Thiên Chúa  Giáo vào đất Lào, nhưng bị  các tín đồ  Phật Giáo phản  đối, nên không  thành công" (trích Lữ Hành Ký).

Vào thế kỷ XIX, Lào bị ngoại xâm, trước là Miến Điện, sau là Thái Lan. Miến Điện đánh chiếm Luang  Prabang, cướp bóc vàng bạc, châu báu, kể cả tượng Phật, sách Phật.  Lào phải liên minh với Thái để chống trả. Nhưng rồi lại bị Thái trở mặt. Quân Thái  Lan đánh chiếm Vientiane năm 1828,  tàn phá 6,000 ngôi  nhà, triệt hạ chùa  chiền.

Cuộc xâm  lăng nầy kéo dài cho đến 1893, thì Pháp tấn công, đặt nền đô hộ 3 nước Đông Dương.

 

Thời kỳ cận đại và hiện đại

 

Dưới chế độ thống trị của Pháp, các mặt kinh tế, chính trị đều bị Pháp khống chế,  các mặt văn hoá, giáo dục,  tôn giáo đều không được coi trọng.  Tuy nhiên, trong truyền thống  dân tộc, tuyệt đại đa số nhân dân Lào đều theo  Phật Giáo, nên vẫn duy trì tinh thần tín ngưỡng trong dân gian. Phương thức giáo dục của người Lào đặt trên cơ sở Phật  Giáo; nhà chùa là trường học, sư  trụ trì ở chùa là hiệu  trưởng, sư tăng là  giáo viên, chuyên giảng  giáo lý cho giới thiếu niên nầy. Chính người Pháp cũng không thể nào ngăn cấm được truyền thống giáo dục nầy.

Phong  tục  của  người  Lào  cũng  như  Thái  Lan  và  Miến Điện, Kampuchia,  trong lứa  tuổi thanh  thiếu niên,  tất cả nam giới, không kể thuộc  quý tộc hay bình dân  đều phải đến chùa làm  sa di hay tỳ kheo  để theo giới luật và nghiên  cứu Phật học. Thời gian xuất gia dài, ngắn, hoặc suốt  đời đều do từng cá nhân tự nguyện. Một người  xuất gia ở chùa  trong thời kỳ nầy,  thì gia đình được tín đồ trong vùng giúp đỡ.

Năm 1954,  Lào được độc lập,  nhưng chính trị và  quân sự ở trong tình trạng chia cắt,  chủ yếu là 3 thế lực: phái  Hữu, phái Tả và phái Trung  Lập.

Năm 1961,  Hiến Pháp Lào ban  hành. Điều 7 của  Hiến Pháp nêu rõ: "Phật Giáo  là quốc giáo; quốc  vương là người bảo  hộ cao nhất".

Điều 8  của Hiến Pháp ghi  rằng: "Quốc vương phải  là tín đồ Phật Giáo nhiệt thành".  Những điều khoản khác, ít  nhiều đều theo tinh thần đó. Nhân dân Lào đều là tín đồ Phật Giáo nhiệt thành; chỉ có một bộ phận dân tộc ít người  mới theo đạo Thiên Chúa, đạo Cơ Đốc hay  Khổng Giáo.  Người Khả  thờ đạo  Tổ Tiên,  người Mèo thờ vật linh, một ít người Thái thờ cúng  quỷ thần.

Bộ Tôn Giáo trực thuộc  Quốc Vụ Viện  phụ trách quản lý tôn giáo.  Bộ trưởng phải là Phật tử thuần thành.Cho đến  giữa thế kỷ  XIX, vua Lào đứng  trước nguy cơ suy thoái trầm trọng; phần thì bị Thái Lan khống chế; mặt khác bị  Pháp xâm lăng. Hoà  ước 1884 thừa nhận  quyền bảo hộ của người Pháp.

Trong thời gian bị  đô hộ Pháp, có  nhiều phong trào kháng chiến của  dân chúng Lào, kể cả  cuộc tranh  đấu giành độc lập của  tín đồ Phật Giáo, nhưng bị  Pháp giẹp yên. Một trong những lãnh tụ tranh đấu là vị cao  tăng A Tra Hãn Cưu bị Pháp bắt và bị đày ải.

Cuộc xâm lăng Pháp kéo dài từ 1884 đến 1940 thì bị quân Nhật lật  đổ. Sau khi Nhật bại trận,  Pháp trở lại Lào nắm quyền.  Phong trào tranh  đấu giành độc  lập kéo dài  từ năm 1947 đến năm 1954, Hiệp định  Genève (có liên quan đến Kampuchia) ký kết, Pháp công nhận chủ quyền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của  Lào.Phật Giáo Lào trong thời kỳ cận  đại do chịu ảnh hưởng của nền cai trị của  Pháp cho nên  không được coi  trọng.

Tuy nhiên,  văn hoá Phật Giáo và văn hoá truyền thống  của dân tộc nầy đã được ăn sâu vào quần chúng, cho nên vẫn được  truyền bá trong cả nước. Chế độ giáo dục  Lào quy định: Trường  học được hướng dẫn  do các sư sãi, nhà sư  đóng vai trò chỉ  đạo trong giáo dục.  Chùa chiền vẫn được kiến lập khắp nơi.

Ngay trong chế  độ giáo dục hiện nay, cũng còn có nhiều trường học do chùa chiền đảm trách việc hướng dẫn và bảo quản; tại  nông thôn, nhà sư  còn kiêm nhiệm thầy  giáo làng.  Năm 1914, tại thủ  đô Luang Prabang đã xây dựng  Trường dạy Pali cao cấp (Pali High School),  tiến hành dạy cho thanh  niên xuất gia trong vòng 4 năm; đồng thời, còn quan tâm đến việc truyền thụ kiến thức hiện đại về  văn hoá mới.

Về sau, ngôi  trường nầy được đổi thành Học viện (College) và chỉnh đốn  hoàn mỹ, hệ thống cao cấp hơn trước. Năm 1933, thành lập những trước dạy Pali sơ cấp nhiều đô thị khác, có đến 400  ngôi trường theo kiểu  mẫu đó.

Trường Đại  Học Phật Giáo (Buddhist  University) được  thành lập  năm 1955  (Preah Siharu Raja).Năm 1925,  chính phủ cho  xây dựng Thư  Viện Hoàng Gia  tại Luang Prabang, tập trung nhiều tư liệu  quý giá Phật Giáo nhiều nước, đồng thời vạch ra kế hoạch chỉ đạo Phật Giáo. Năm 1930, thành lập Viện Nghiên Cứu Phật Giáo (Buddhist Institute).

Năm 1932, lại lập ra "Tam tạng Ủy Viên Hội" (Tripitaka Board) do Chính phủ chỉ định, bao gồm nhiều học giả Phật Học nổi  tiếng, để biên soạn và ấn  hành kinh điển Phật Giáo bằng tiếng Pali và tiếng Lào. Tổng số kinh sách lên đến 110 bộ.

Hiện nay tăng  đoàn Kampuchia được phân chia ra  làm 2 tông phái: Đại tông phái (Mahanikaya) và Pháp tông phái (Thammajutnika). Theo thống kê  năm 1957, cả  nước có 1,800  ngôi chùa và  22,000 vị Tỳ kheo thọ giới. Đại tông  phái truyền thống chiếm  94% số chùa, 90%  số sư  sãi. Tông phái nầy từ Thái Lan truyền sang vào thế kỷ XIV. Pháp tông  phái vốn do  nhà vua Mongkuk  (Rama IV) của  Vương triều Bangkok (Thái Lan) khi nhà  vua chưa lên ngôi.

Phái nầy chủ trương cải  cách Phật Giáo,  chủ trương bảo  vệ giới luật  nghiêm túc, do các cao tăng điều hành.  Sư tăng của phái nầy tuy hạn chế, nhưng phần lớn là các quý tộc  xuất gia, nhiều nhà trí thức, được Hoàng gia ủng hộ.  Theo thống kê hiện nay, trong nước có đến 85% dân chúng theo Phật Giáo.

Hiến  pháp mới có  quy định: "Phật  Giáo là quốc  giáo", và "Bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng". Quốc vương tượng trưng cho quyền lực bảo vệ Phật Giáo. Đại đa  số thanh niên trong cả nước đều cần phải xuất  gia 1 lần  (4 năm) để  tiếp thu sự  giáo huấn của Phật  Giáo. Ngay  cả nhà vua  cũng có một  thời gian từ  bỏ ngôi vua để  xuất gia.

 

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/

 


Vào mạng: 4-5-2007

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang