Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Chương III
Bồ Đề Đạo Tràng
(Bodhgaya)

 

1. Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) khởi nguyên đạo Phật

   

    Quang cảnh xung quanh tháp Đại Giác.       Ảnh: Tâm Bửu

Bồ đề đạo tràng được xem là khu thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và được sự quan tâm với lòng kính trọng đặc biệt đối với Phật tử và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô BodhGaya, cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía  Nam bang Bihar, cạnh dòng sông Ni Liên Thiền (Niranjara).

Vào thế kỷ thứ VI trước kỷ nguyên tây lịch, chính nơi đây đã xảy ra  sự kiện trọng đại và chỉ xảy ra một lần duy nhất trong Hiền Kiếp đó là sự giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Bồ Tát Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhāttha) dòng họ Thích Ca (Sakyā), dưới cội cây Pippala, hay còn được gọi là cây Bồ Đề. Và từ một sự kiện trọng đại nhất mà trải qua nhiều đại kiếp mới xuất hiện trên thế gian, quý giá  gấp trăm ngàn lần so với loài hoa linh thoại ngàn năm trổ hoa một lần, đó là người con Phật chúng ta có được diễm phúc tôn thờ đấng đại giác Thích Ca Mâu Ni nói riêng hay nhân loại thừa hưởng được một chân lý tuyệt vời, một niềm phúc lạc vô biên ngay tại cõi đời này nói chung.

Giá trị nhất trong khu thánh địa này chính là ngôi Đại Tháp và cội cây Bồ Đề thiêng, nơi đức Phật thành đạo vẫn còn tồn tại mãi theo dòng chảy thời gian. Cho dù cuộc đời có đổi thay bao lần, sự cố tình tàn phá của những kẻ đối nghịch, sự biến thiên thăng trầm trong vũ trụ, thì những gì liên quan đến cuộc đời đức Phật vẫn còn lý do để tồn tại, để được biết đến như một báu vật trong tiến trình phát triển văn minh và văn hoá nhân loại. Vì lẽ đó, vào ngày 27 - 6 - 2003, UNESCO, một tổ chức văn hoá, xã hội, giáo dục của liên hiệp quốc chính thức công nhận Bồ Đề Đạo Tràng trong danh sách di tích văn hoá thế giới. Mặc dù đó cũng là niềm vinh dự lớn lao nhưng không là vấn đề quan trọng quan trọng nhất là chân giá trị Phật giáo, đạo Phật đã đóng góp được gì cho thế giới cho nền văn minh nhân loại, cho hạnh phúc của con người thì sự công nhận muộn màng đó có nghĩa lý gì đối với bề dày lịch sử của Phật giáo chúng ta!

Hiện nay, khu Bồ Đề Đạo Tràng có diện tích khoảng 3 hecta đất, bao gồm nhiều thánh tích quan trọng như tháp Đại Giác, cội Bồ Đề, Bảo Toà Kim Cang, bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo, quần thể tháp cổ..... Và dường như Bồ Đề Đạo Tràng khu là thánh tích còn nguyên vẹn nhất so với tất cả những thánh tích khác liên quan đến Phật giáo.

 

2. Tháp Đại Giác

    Mặt chính tháp Đại Giác                             Ảnh: Tâm Bửu

 Đại Tháp hay còn gọi là Tháp Đại Giác (Mahabodhi) nằm giữa khu đất trũng  thấp hơn so với mặt đường khoảng 10m. Tuy vậy, từ xa chúng ta vẫn thấy ngọn tháp cao sừng sững, vươn lên khỏi các ngọn cây cổ thụ. Cho nên nếu nền tháp ngang bằng mặt đường thì chiều cao của tháp còn cao hơn nhiều so với chiều cao hiện tại. Với sự trũng xuống tại ngọn Tháp Chính (Main Stupa) người ta mới nói lên được ý nghĩa giác ngộ của Phật tại cõi đời này như hoa sen trong bùn hôi tanh mà vẫn ngoi lên khỏi mặt nước những đoá sen tinh khiết, thơm tho làm đẹp cuộc đời cả hương và sắc.Theo các nguồn tài liệu sử học, Bảo Tháp được vua A Dục xây dựng vào khoảng hơn 2 thế kỷ sau khi Phật nhập Niết Bàn, tức khoảng thế kỷ thứ III trước Tây Lịch để tưởng niệm nơi Thành Đạo của Phật Thích Ca. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về lịch sử của ngôi Bảo Tháp này. Theo lịch sử Phật giáo thì khoảng 218 năm sau ngày đức Phật nhập diệt, vua A Dục đã đến đây chiêm bái và đảnh lễ. Sau đó Ông đã cho xây tháp để tưởng niệm nơi Đức Thế Tôn thành đạo. Căn cứ theo niên đại của những đồng tiền vàng trong số những di vật được chôn trước Kim Cang Tòa, chúng ta được biết ngôi đại tháp ngày này được xây dựng lại vào thế kỷ thứ II sau Tây Lịch, được tái tạo ngay trên nền tháp cũ do vua A Dục xây dựng và đặc biệt là ngôi tháp lẫn  Kim Cang Tòa và cây Bồ Đề vẫn  giữ nguyên vị trí cũ không thay đổi. Tháp này được quốc vương Bengal cho trùng tu vào thế kỷ VII, nhưng đến thế kỷ XII lại bị quân Hồi giáo phá hủy. Mãi đến thế kỷ XIV, các vương triều của xứ Miến Điện cho trùng tu lại, nhưng sau đó thì thiên tai, lũ lụt đã nhận chìm và kể từ đó khu thánh tích này bị chìm vào quên lãng. Vào năm 1861 ngôi đại tháp được nhà khảo cổ người Anh tên Alexander Cunningham phát hiện và đã tu sửa một lần. Đến năm 1875 vua Mindoon Min đã chịu toàn bộ kinh phí tiếp tục cho việc trùng tu đại tháp này. Hiện nay ngôi đại tháp có kiến trúc tương tợ hình kim tự tháp, vuông bốn cạnh và nhọn dần lên đỉnh, mỗi cạnh tại chân tháp có độ dài khoảng 15m, chiều cao là 52m. Bốn gốc đại tháp có bốn ngọn tháp nhỏ, kiểu dáng thu gọn từ đại tháp. Xung quanh thân tháp có nhiều hoa văn và mỗi hốc tường từ chân tháp lên đỉnh đều có tôn trí tượng đức Bổn Sư và chư vị Bồ Tát, đặc biệt là hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm theo truyền thống Kim Cang Thừa Tây Tạng.

Tháp có nhiều tầng, riêng tầng trệt chu vi khoảng 5 mét vuông, phía trước chỉ có duy nhất một cửa ra vào, xung quanh không có cửa sổ hay lỗ thoát khí,  tường thành rất dày gần một mét. Bên trong có tượng Bổn Sư ngồi kiết già trang nghiêm với tư thế xúc địa ấn, mặt quay về phía cửa ra vào. Hàng ngày có hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới trở về thăm viếng, đảnh lễ và cúng dường. Ngoài sự cúng dường tài vật hoa quả, những người Phật tử thuần tín còn cúng dường những bộ kim y để đắp lên tượng Phật. Vì nội điện chật hẹp lại có quá nhiều người chờ đợi nên ít khi nào chúng ta được ngồi lâu làm lễ tưởng niệm và ngắm nhìn chân dung của Phật. Từ bên trong cho đến bên ngoài khu đại tháp lúc nào cũng có những đoàn thể hoặc cá nhân tham quan, tụng kinh, lễ bái, tọa thiền hoặc đi kinh hành xung quanh đại tháp và cây Bồ Đề trong không khí trầm ấm, thanh tịnh, thiêng liêng với lời kinh nguyện cầu, tiếng lâm râm tụng chú ... mà không bị loãng bởi bất cứ một tạp âm nào. Một điều kỳ diệu đối với bất cứ ai được một lần dừng chân nơi đây, hoặc lễ bái, hoặc tụng kinh hoặc kinh hành, hoặc khởi lòng chánh tín đối với đức Phật chúng ta đều có chung một cảm giác an lành, một niềm hoan hỷ trào dâng, đó chính là sự gia trì của đức Phật cho hàng đệ tử của Ngài hay bất cứ những ai có một chút nghĩ tưởng đến ân đức của Phật. Vì vậy trong kinh Pháp Hoa đức Phật đã thọ ký cho mọi người có duyên với Ngài sẽ thành Phật cho dù đó là đứa trẻ ngịch cát hay những người lòng tán loạn cũng biết nghĩ tưởng đến Ngài: “ Nhược nhơn tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng nam mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo. Du chí đồng tử hí, tụ sa vi Phật Tháp, giai dĩ thành Phật đạo”. Nghĩa là: Nếu người lòng tán loạn, vào trong tháp miếu thờ Phật, chỉ cần xướng lên một câu niệm Phật, (họ) đều đã (có nhân tố) thành Phật. Cho đến trẻ con đùa giỡn, gom cát xây tháp Phật, đều đã (có nhân tố) thành Phật.

Một dịp may hiếm có đối với chúng tôi chính là đến Bồ Đề Đạo Tràng vào dịp chư tăng ở các nước Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan.... trở về đây tụng đọc tam tạng thánh điển trong mười ngày, kể từ ngày 12/ 2 – 23/2/2008. Chính vì điều này nên Bồ Đề Đạo Tràng đã đẹp lại càng thêm rực rỡ bởi đèn trang trí khắp nơi, hoa kiểng được trưng bày thật trang nhã từ góc tường cho đến những nơi thờ cúng trong thánh tích, trông thật tuyệt vời và hoành tráng. Nhất là về đêm nơi Bồ Đề Đạo Tràng càng thêm lộng lẫy, thiền vị gây cho con người một niềm say mê, yêu thích, trút được bao nỗi niềm sầu muộn, khổ đau, dứt tất cả ưu tư và hoài nghi khi một lần được đảnh lễ hay ngắm nhìn kim thân của đấng cha lành, một trong những đấng cứu thế có mặt sớm nhất trong lịch sử tôn giáo thế giới.

 

3. Linh thọ Bồ Đề

 

Linh Thọ Bồ Đề phía sau tháp Đại Giác.        Ảnh: Tâm Bửu

 Chúng ta được biết đức Phật thành đạo dưới cội cây Pippala, loại cây linh thiêng trong tín ngưỡng truyền thống Ấn Độ bởi họ tin tưởng rằng loài cây này có nhiều thần linh trú ngụ. Vì đức Phật giác ngộ dưới cội cây Pippala nên chúng ta lấy sự kiện đó đặt tên cho loài cây này là Bồ Đề, nghĩa là cây giác ngộ. Chính tại dưới gốc cây này, đức Phật đã phát lời thệ nguyện: “Nếu không đạt thành chánh giác, dù cho thịt nát xương tan, ta quyết không đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi này”.

Hình dáng của loại cây này rất dễ nhận diện nhờ vào chiếc lá hình quả tim. Loài cây này rất phổ biến, chúng ta đi khắp nơi trên đất Ấn chỗ nào cũng thấy  bóng dáng của nó. Ngày nay loại cây này không còn lạ gì trong mắt người Việt Nam, nhất là người Phật tử, cây Bồ Đề luôn ẩn hiện trong lòng một cảm giác thiêng liêng, không phải bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng Ấn Độ mà vì nó liên quan đến từ ngữ đặc trưng trong Phật giáo: Bồ Đề - Giác Ngộ. Mặc dù vậy nhưng không có một cây Bồ Đề nào trên đất Ấn hay trên mọi miền thế giới có giá trị từ tâm linh đến lịch sử như linh thọ Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, vì nó chính là hậu thân nhiều đời từ cây thủy tổ, cây đã từng che mưa đỡ nắng trong suốt bốn mươi chín ngày đêm trước khi đức Phật giác ngộ.

Cội cây Bồ Đề này cũng chịu đựng biết bao sóng gió để tồn tại, như chính con người chúng ta cũng phải chống chọi với biết bao gian khổ để tìm sự sống cho mình. Dù là một loài cây nhưng phải hội đủ những yếu tố cần thiết mà trong đó không thể thiếu được tình cảm của con người dành cho nó. Nếu không có bàn tay yêu thương chăm sóc của con người thì làm gì có cây Bồ Đề hôm nay để có một giá trị tín ngưỡng thiêng liêng và sức lôi cuốn mãnh liệt đối với người con Phật hay hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về Bồ Đề Đạo Tràng để chiêm ngưỡng cội cây đặc biệt này.

Để thấy được tầm quan trọng của cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử cây Bồ Đề này.

Cội Bồ Đề cách nay hơn 2500 năm che mưa nắng cho đức Thế Tôn ngày nào không còn nữa. Giờ đây chỉ là cây kế thừa ít nhất là 5 đời được tính từ cây thủy tổ theo tài liệu của tiến sĩ Schumann và khoảng 7 - 11 đời theo một số tài liệu nghiên cứu khác. Do đó có nhiều giả thuyết khác nhau về lịch sử cây Bồ Đề, nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều là cội cây này vẫn là cháu chắt nhiều đời từ thủy tổ của nó. Cây Bồ Đề nguyên thủy vẫn còn sống đến thời của vua A Dục (Asoka) và được nhà vua xây rào bảo vệ. Bên cạnh đó Ông đã  nhân rộng cây quý này bằng cách chiếc nhánh của nó gửi tặng cho vua Tích Lan (Devanampiya Tissa), trồng tại thành phố cổ Anuradhapura  vào năm 242 trước kỷ nguyên Tây lịch.

Vua A Dục chăm sóc cây Bồ Đề này rất cẩn thận. Hàng ngày vua đến thăm cây Bồ Đề với cả lòng ưu ái và kính trọng xem như một báu vật quốc gia vì quá sùng kính đức Thế Tôn. Do lòng ghen tỵ, quý phi diễm lệ của A Dục  tên là Tisyaraksita, đã hạ lệnh lén chặt cây Bồ Đề và thiêu hủy nó, bởi bà tưởng rằng trong cây ấy có loại tiên nữ nào đã làm mê muội nhà vua mà Ông phải dành nhiều thời giờ quan tâm đến cây ấy hơn bà.

Vua A Dục đã trồng lại cây Bồ Đề từ nhánh cây được chiết ở Tích Lan đem về. Lần này nhà vua chăm sóc cây rất cẩn thận, Ông cho xây bức tường thành cao 3m để bảo vệ.

Việc phá hủy cây Bồ Đề lần hai do vua Sasanka xứ Ganda (Bengal), trị vì khoảng năm 600 – 620, vì lý do tôn giáo. Vua Sasanka theo ngoại đạo nên không thích Phật giáo. Ông đã truyền lệnh đốn cây thiêng này đồng thời đem đốt toàn bộ gốc rễ làm cho tuyệt giống cây này.

Đến cuối thế kỷ VIII vua Purnaverma của Maghada, người nối dõi cuối cùng dòng vua Asoka, Ông đã trồng lại cội Bồ Đề. Vua thành khẩn cầu nguyện và chăm sóc cây Bồ Đề cẩn thận, mong nó được tốt tươi và phát triển nhanh. Ngoài ra, Ông còn cho xây bức tường cao khoảng 7,5m để bảo vệ, tránh đi sự phá hủy của kẻ xấu.

Sự phát triển và tươi tốt của cội cây thiêng này đến khi quân đội Hồi giáo xâm chiếm Ấn Độ vào năm 1201 thì bị phá huỷ. Chính vì chiến tranh tôn giáo của kẻ cuồng tín và cực đoan trong nhận thức, nên họ đã phá hủy toàn bộ thánh tích Phật giáo, trong đó ngôi Đại Tháp và cây Bồ Đề cũng chịu chung số phận hoại diệt dưới tay của kẻ xâm lăng bạo tàn. Mặc dù vậy, chân lý vô thường sinh diệt của đạo Phật đã được minh chứng qua sự kiện hồi sinh của cây Bồ Đề. Ngay nơi gốc cây đã bị tàn phá, một chồi non đã nhú lên và phát triển nhanh chóng, cành lá sum suê, như báo hiệu một niềm hạnh phúc đã trở về trên quê hương Phật giáo. Nạn kiếp trôi qua, vạn vật cũng như con người trở lại sống trong chuỗi ngày thanh bình, như chính thuở nào họ đã thừa hưởng được cuộc sống hạnh phúc, an lành trong ánh đạo từ bi của Phật giáo.

Đến năm 1875, cây Bồ Đề bị khô chết và trong một cơn bão sau đó, cội Bồ Đề đã bị cuốn phăng đi, kết thúc một giai đoạn cho sự tồn tại và phát triển của cây này. Về sau cũng chính nơi đó chồi non lại tiếp tục nảy nở và phát triển, sự sống vẫn được liên tục kế thừa từ mạch sống của cây Bồ Đề tổ tiên. Cội Bồ Đề này đã lớn lên và phát triển đến ngày nay, được tính trên 130 tuổi, cách tháp chính khoảng 5m. Mặc dù trải qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí ngày hôm nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi chuyển dịch, vẫn định vị như gốc cây nguyên thủy mà hơn 2500 năm về trước nơi mà nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta đã giác ngộ thành Phật.

Theo định nghĩa thực vật học, cây Bồ Đề là "ficus religiosa" nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên gọi là "cây giác ngộ," hoặc thường được gọi là "cây Bồ Đề." Thực ra, các nhà thực vật học xác tính tuổi thọ của loại cây này chỉ trên dưới 300 năm. Do đó, nếu không có sự hủy hoại của những thế lực ngoại đạo hay lòng hiềm thù cá nhân của một ai đó thì tự thân của loại cây này cũng phải tự diệt tự sinh theo một quy luật của nó mà thôi. Cần biết thêm một điều, cây Bồ Đề là cây có khả năng ký sinh, nghĩa là có thể sống và phát triển trên một hốc cây mục nào đó, hoặc ngay nơi thân cũ của nó. Hầu như quá trình kéo dài hàng ngàn năm cho sự tồn tại và phát triển, thì các chồi non của chính nó, sẽ lấy dưỡng chất từ thân cây mẹ nuôi dưỡng cây mới và cây cũ sẽ chết trong một hình thái bị bao bọc và che kín dần của cây mới tức cây con của nó. Đó là quy trình sống của loài cây đặc biệt này, loài cây có khả năng sống mãnh liệt và dễ thích nghi dù bất cứ môi trường khắc nghiệt nào. Nơi nào có sự sống thì nơi đó cây Bồ Đề có khả năng tồn tại, cũng giống như nơi nào có chúng sanh nơi đó có mặt đạo Phật, nơi đó cần được cứu khổ.

 

4. Bảo Tòa Kim Cang (Vajrasana)

Bảo tòa Kim Cang là vị trí đức Phật ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới cội cây Bồ Đề, khoảng cách nằm giữa Đại Tháp và cội Bồ Đề. Theo lịch sử Phật giáo thì tòa này được vua A Dục xây vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây Lịch. Ngày nay tòa Kim Cang được bảo vệ trong một hàng rào xi măng có lối kiến trúc cổ và thêm một hàng rào có trụ bằng kim loại mạ vàng do Tích Lan xây dựng bao quanh rất trang nghiêm. Thật ra, ngày xưa đức Phật không phải ngồi tịnh tu trên một bảo tòa sang trọng và uy nghiêm như chúng ta được nhìn thấy từ các bức tượng mà Ngài ngồi trên một bó cỏ khô được trải trên đất. Vị trí này đã làm sáng ngời lên một chân lý từ một con người khổ hạnh vĩ đại trở thành một vị Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sākyamuni), giống như lời huyền ký của quá khứ Phật Tỳ Bà Thi từ 91 kiếp về trước. Bằng sự nỗ lực thiền định trong 49 ngày đêm, vào đêm cuối, khoảng canh đầu, tuệ giác được sáng ngời lên trong tâm trí từ sự quán chiếu về lý duyên khởi, Ngài chứng được Túc Mạng Minh, thấy rõ luân hồi tái sanh của chính mình và chúng sinh từ vô lượng kiếp về trước đã từng sanh đi tử lại như thế nào, đã từng làm loại chúng sanh nào trong quá khứ... Sang canh giữa, Ngài chứng được Thiên Nhãn Minh, thấy rõ con đường tái sanh của chính mình và tất cả chúng sanh trong tương lai nên còn gọi là sanh tử minh. Đến canh cuối Ngài chứng được lậu tận minh, đoạn tận vô minh, chấm dứt mọi nhân tố tái sinh, thấy rõ khổ nguyên nhân đưa đến đau khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Khi sao mai vừa ló dạng, Ngài thấu triệt toàn thể vũ trụ, giác ngộ hoàn toàn, chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức thành Phật, đã khởi nguồn cho một đạo Phật xuất hiện trên thế gian. Bài kệ xướng lễ tóm tắt trọn vẹn sự kiện đặc biệt này trong bốn câu: “Bồ đề thọ hạ, hàng phục ma quân, nhất đổ minh tinh, đạo thành chánh giác”. Nghĩa là: dưới cội Bồ Đề, nhiếp phục ma quân, thấy ánh sao mai, giác ngộ thành Phật. Lúc đó vào ngày rằm tháng 12 âl, Ngài vừa tròn 30 tuổi theo Bắc Truyền và Nam Truyền vào ngày trăng tròn Vesak, tức khoảng rằm tháng tư âl, Ngài được 35 tuổi.

 

5. Bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo

 

Nơi Phật thiền hành vào tuần thứ ba sau khi giác ngộ.  Ảnh: Sưu tầm

Xung quanh khu đại tháp có những tấm bảng xác định vị trí bảy nơi mà đức Phật đã ngồi để suy tưởng chánh pháp và chuẩn bị cho con đường hoằng pháp của mình.

Tuần đầu tiên sau khi giác ngộ, Ngài vẫn ngồi yên tịnh tại vị trí cũ để thọ hưởng sự tịch tịnh giải thoát mà Ngài đã khổ công tìm kiếm, chút nữa là phải bỏ mình để trả giá cho cuộc tìm cầu chân lý vĩ đại này.

Tuần thứ hai Ngài rời khỏi cội Bồ Đề di chuyển đến hướng Đông Bắc cách cội Bồ Đề không xa để ngắm nhìn lại nó suốt cả tuần không hề chớp mắt nhằm tỏ lòng tri ân cội cây này đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian qua.

Tuần thứ ba, Ngài thiền hành tại dãy Chankramenar, dọc theo hành lang phía Bắc của đại tháp. Trên hành lang này có khối đá dài khắc biểu tượng hoa sen, chính là những đóa hoa kỳ diệu hiện ra đỡ chân đức Phật khi Ngài kinh hành lui tới trong phạm vi này.

Tuần thứ tư, tại đền Ratnagraha, đức Phật đã ngồi thiền để suy tưởng về những pháp cao thượng. Lúc đó toàn thân Ngài phóng ra những luồn hào quang năm màu rực rỡ: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Từ sự kiện đặc biệt này, ông Henry Steel Olcott đã lấy năm màu này phối hợp cho lá cờ Phật giáo, trở thành màu đặc trưng tiêu biểu cho lá cờ Phật giáo quốc tế.

Sau đó đức Phật đã đến ngồi dưới tàng cây Nigrodha vào tuần lễ thứ năm. Ngày nay vị trí này đối diện với đại tháp gần cổng ra vào. Trong lúc đang ngồi thiền định có một vị Bà La Môn đến hỏi Phật: “Này tôn giả Cồ Đàm, làm thế nào để trở thành một Phạm thiên và những điều kiện nào để trở thành Phạm Thiên?”.   Đức Phật đáp: “Này Bà La Môn, người nào đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi, không còn ngã mạn, đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học, sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là Phạm Thiên. Đối với người ấy không còn có sự bồng bột, dầu vẫn đang ở bất cứ nơi nào trên thế gian”.

Vào tuần thứ sáu đức Phật ngồi thiền tại bờ hồ Mucalinda thuộc hướng Nam của đại tháp. Lúc ấy mưa to sấm chớp nổi lên, rồng chúa Mucalinda hiện ra lấy thân quấn xung quanh thân Phật và dùng đầu làm tàng lọng che cho Phật khỏi bị mưa gió làm ướt.

Tuần thứ bảy, đức Phật ngồi thiền định dưới cội cây Rajayatana. Lúc đó có hai vị thương gia TapussaBhallika người Miến Điện đi ngang qua thấy đức tướng trang nghiêm của Phật, hai vị này khởi tâm cung kính nên dâng bánh bột gạo và mật cúng dường Ngài. Đức Phật đã ban tặng cho hai vị thí chủ này những lời cầu chúc an lành cùng với một nhúm tóc của Ngài để làm kỷ niệm. Hai vị này được xem là hai vị cư sĩ đầu tiên cúng dường đức Phật sau ngày thành đạo.

Sau tuần thất thứ bảy này đức Thế Tôn tư duy về pháp mà Ngài vừa chứng ngộ, đồng thời quan sát căn tánh chúng sinh để chuẩn bị cho cuộc chuyển bánh xe chánh pháp, vì lợi lạc cho chư thiên và loài người.

 

6. Sông Ni Liên Thiền (Niranjara)

     Lòng sông Ni Liên Thiền (Niranjara)                         Ảnh: Tâm Bửu

Cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 200 m về hướng Đông có một con sông cạn chạy dài dọc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam hiện nay được người dân địa phương gọi là sông Lilajan, tức là sông Ni Liên Thiền (Niranjara), nơi mà có vài sự kiện trọng đại liên quan đến cuộc đời của đức Thế Tôn được diễn ra trước khi đắc đạo. Trải qua sáu năm khổ hạnh tại rừng Uruvela, thân thể đã kiệt quệ chỉ còn da bọc xương nhưng Ngài vẫn chưa nhận ra được đạo giải thoát. Đức Phật đã diễn tả lại cảm giác của mình và cả sự thất vọng cũng như nghi ngờ trong đường lối tu khổ hạnh được nhắc đến trong kinh Trung Bộ: “Bất cứ Sa Môn, Bà La Môn nào từng có những cảm thọ đau đớn, khốc liệt, khủng khiếp cũng không thể vượt qua khổ thọ này của ta. Tuy thế, với khổ hạnh vô cùng khắc nghiệt này, ta vẫn không đạt được tối thượng cứu cánh của nỗ lực trượng phu, đó là tri kiến thù thắng, trí tuệ của bậc thánh. Vậy có thể có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ hay chăng!?”

Sau khi sức cùng lực kiệt, không còn có thể đứng vững hay dời bước chân của mình được nữa, Ngài được nàng Su Dà Ta dâng cúng bát cháo sữa rất kịp lúc. Sau khi dùng bát cháo sữa xong, cảm thấy cơ thể khỏe mạnh trở lại, Ngài đã nhận ra đạo lộ của bậc thánh chính là con đường trung đạo và Ngài đến bờ sông Ni Liên Thiền ném bát sữa xống dòng nước với lời khấn nguyện rằng: “Nếu ta sẽ đạt được giác ngộ rốt ráo thì cái bát này hãy trôi ngược dòng sông”. Quả nhiên, khi cái bát vừa chạm mặt nước thì nó liền trôi ngược dòng. Lúc ấy Ngài khẳng định rằng con đường mình chọn là đúng đắn và quyết chắc rằng sẽ thành Phật. Ngài  bước xuống dòng sông này tắm rửa sạch sẽ và vượt qua bên kia bờ tìm chỗ hạ thủ công phu theo con đường mà mình vừa nhận ra. Trên đường đến nơi quyết định chọn làm chỗ công phu bằng cả bầu nhiệt huyết cuối cùng, Ngài có nhận bó cỏ Kusa do chàng thanh niên chăn bò dâng cúng để làm tòa ngồi tu dưới cội cây Tất Bát La (Pippala), tức linh thọ tại Bồ Đề Đạo Tràng hôm nay. Cũng từ việc nhận bát cháo sữa của nàng Sujāta và tắm rửa, đức Phật đã bị năm người bạn đồng tu khổ hạnh xem thường và họ đã bỏ đi đến vườn Lộc Uyển xứ Ba La Nại tiếp tục con đường khổ hạnh, cách Khổ Hạnh Lâm (Uruvela) khoảng 200 km.

Trước mắt chúng ta dòng sông Ni Liên Thiền không có nhiều nước, lòng sông bằng phẳng, rất nhiều cát và độ sâu khoảng 5 tấc nước từ đáy sông. Vào những mùa khô dòng sông này có những đoạn không còn một chút nước nào. Và chúng ta có thể đoán chắc rằng, lòng sông này cạn không phải qua thời gian bị đất cát lắp bồi mà từ mấy nghìn năm về trước nó vẫn như thế, bởi vì đức Phật đã vượt bộ ngang con sông này để đến Bồ Đề Đạo Tràng.

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ bắt ngang sông này một cây cầu, nên chúng ta rất dễ dàng qua lại các khu thánh địa xung quanh vùng Bồ Đề Đạo Tràng. Từ trên cầu chúng ta có thể nhìn thấy được một số thánh tích như, chót tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng, núi tượng đầu nơi đức Phật từng tu khổ hạnh.... và cuộc sống cũng như nếp sinh hoạt của toàn thể cư dân quanh vùng, đâu đó cũng phản ánh được thực tại của đời sống người dân nông thôn trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.

 

7. Nơi kỷ niệm nàng Su Già Ta (Sujāta)

   Nơi kỷ niệm mục nữ Su Già Ta (Sujāta)                  Ảnh: Tâm Bửu 

   Nơi kỷ niệm mục nữ Su Già Ta (Sujāta)             Ảnh: Tâm Bửu

Đoàn chúng tôi có ghé thăm một ngôi làng tên là Su Già Ta (Sujāta), cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng  5km. Tại nơi này có một ngôi trường làng dành cho học sinh nghèo cũng tên là Su Già Ta thuộc đạo Hindu. Bên cạnh trường học có một ngôi mộ cổ bằng gạch nung rất lớn, đường kính khoảng 20m, cao khoảng 10m, được rào bảo vệ xung quanh, hình dáng giống như tháp Trà Tỳ của Phật, được các nhà khảo cổ khai quật vào năm 2002. Người ta cho rằng, ngôi mộ này là tháp tưởng niệm nàng Su Già Ta, do vua A Dục xây dựng trên ngôi nhà cũ của nàng. Từ địa điểm này, đi bộ ngang qua một cánh đồng nhỏ khoảng 1, 5 km, chúng tôi đến một ngôi đền nhỏ thờ nàng Su Già Ta, người thôn nữ năm xưa đã dâng bát sữa cúng dường đức Thế Tôn trước ngày thành đạo, một trong hai bữa ăn được đức Phật cho là công đức lớn nhất trong suốt cuộc đời hoằng hóa của Ngài. Ngôi đền này do Phật giáo Miến Điện xây dựng để tưởng niệm người thôn nữ ấy vào năm 1983. Bên trong, trên bệ thờ chỉ có hình tượng đức Phật và tượng người con gái đang quỳ dâng sữa cho đức Thế Tôn, đây là hình ảnh mà chúng ta được biết qua các tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo ở Việt Nam. Chuyện được kể rằng: Tại ngôi làng nhỏ sát cạnh khu rừng có gia đình một anh chăn bò, cô vợ tên Tu Già Ta (Sujāta). Nàng rất sung sướng vừa mới sinh được cháu trai đầu lòng. Cô dùng sữa thơm ngon nhất vắt từ những con bò của anh chồng chuẩn bị nấu một bữa ăn thịnh soạn để mang vào rừng dâng cúng đền ơn cho những vị thần đã giúp cho cô sinh được một đứa con khỏe mạnh.

Khi vào trong rừng, cô thấy sa môn Tất Ðạt Ða đang ngồi ở đó. Thân hình của đạo sĩ trông ốm gầy và yếu đuối, nhưng nét mặt của Ngài vẫn trong sáng và dung nghi toát lên vẻ phi thường. Nàng Su Già Ta nhìn sa môn với sự ngạc nhiên, cô thầm bảo: “Xưa nay ta chưa bao giờ thấy nhân vật nào phước tướng như thế, có thể Ngài chính là vua của các thần cây ở đây!” Và nàng mang thức ăn đặc biệt ấy đến dâng cúng cho Người. Từ sự kiện này người ta tạc hình tượng một người thôn nữ đang quỳ dâng sữa cúng dường đức Thế Tôn.

Hướng ngược lại sau lưng ngôi đền này, cũng có bệ thờ hình một người con gái dáng vẻ quý phái với một người hầu gái dang quỳ dâng sữa cho đức Phật. Hình ảnh thứ hai này được giải thích như sau: Nàng là con gái của một điền chủ tại làng Senānī, gần Uruvelā. Nàng vốn từng cầu nguyện với một vị thần cây rằng nếu sinh được con trai nàng sẽ dâng cúng cháo sữa cho vị thần ấy. Khi nguyện ước được thành tựu nàng bèn sai một tỳ nữ có tên là Punna sửa soạn nơi dâng cúng. Người hầu gái của nàng  Su Già Ta ngang qua khu rừng, nhìn thấy dung nghi lạ thường của nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta, nghĩ rằng đó là vị trời hay các bậc thánh, nên chạy về nhà báo cho chủ hay để chuẩn bị bữa ăn cúng dường. Vì thế sau khi chuẩn bị xong nàng  Su Già Ta cùng với người hầu của mình đến tận nơi để dâng cúng đức Phật. Dựa vào sự ghi chép này nghệ nhân đã tạc tượng hai người con gái quỳ dâng sữa cúng dường đức Phật.

Dù sao, sự kiện người thôn nữ tên Su Già Ta dâng cháo sữa cúng dường nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta trước khi thành đạo là một sự thật lịch sử mà không ai có thể phủ nhận, là những điều mà chúng ta lấy làm tiền đề cho phước đức của phương pháp bố thí, là nền tảng cho lòng nhân ái và đại từ bi, được thể hiện cao đẹp trong đời sống nhân đức của người Phật tử, là phép tu đầu tiên trong lục độ vạn hạnh, Bố Thí Ba La Mật của chư Bồ Tát muốn phát đại thệ nguyện để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh trên cõi đời này.

 

8. Núi Tượng Đầu và Khổ Hạnh Lâm

 

          Núi tượng đầu nhìn từ xa                                   Ảnh: Tâm Bửu

Khu khổ hạnh lâm.                                     Ảnh: Tâm Bửu

Núi tượng đầu cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 8 km bằng lộ xe, nơi mà xưa kia đức Phật với nhóm năm anh em Kiều Trần Như (Kondañña) cùng tu khổ hạnh trong rừng Uruvela, nên khu rừng này còn có tên là khổ hạnh lâm, tức khu rừng của những người tu khổ hạnh. Từ xa quan sát, chúng ta thấy trên đỉnh núi này có những mô đá nối dài giống như hình hai con voi đang nằm đâu đầu với nhau, nên người ta gọi tên núi này là núi tượng đầu (núi đầu voi).

Đức Phật đã trải qua sáu năm trường gian khổ tại khu rừng này. Sự tinh tấn miệt mài thực hiện con đường khổ hạnh được những người bạn đồng tu đương thời phải thán phục và thần tượng một hình ảnh vĩ đại đáng để noi gương. Ngài nghĩ có thể đạt đến sự giác ngộ bằng cách khổ luyện, chế ngự mọi cảm thọ, kìm hãm mọi nhu cầu của thân xác, với niềm hy vọng rằng một khi đã làm chủ được ham cầu của thân xác thì tâm sẽ được giải phóng khỏi sự thống trị của vật chất để đạt đến mức độ giải thoát cao siêu. Quá trình tu khổ hạnh đưa đến cho ngài một kết quả thật thê thảm, một thân xác tiều tụy, héo mòn gần như không còn chút sức lực để có thể duy trì được mạng sống lâu hơn nữa. Đức Phật đã mô tả lại điều này trong kinh Trung Bộ: “Vì ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể ta hết sức gầy yếu. Tay chân ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của ta trở thành giống như mống trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn ta lộ rõ như rui cột của một ngôi nhà đổ nát. Đồng tử của ta nằm sâu trong hố mắt thăm thẳm long lanh giống như ánh nước long lanh từ đáy giếng sâu. Da đầu ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo. Nếu ta muốn sờ da bụng thì ta đụng nhằm xương sống vì hai thứ đã dính sát vào nhau. Nếu ta muốn đi đại tiện hay tiểu tiện thì ta ngã úp mặt xuống đất. Nếu ta chà xát tay chân thì đám lông hư mục rụng xuống trong tay ta”. Giờ đây chúng ta không thể hình dung được rằng xưa kia đức Thế Tôn vẫn duy trì mạng sống với một thân thể da bọc xương như thế. Khi đọc qua đoạn kinh trên, chúng ta cứ ngỡ rằng đó là một bộ xương khô biết di động mà thôi!

     Tượng Phật khổ hạnh thờ trong hóc đá, kỷ niệm nơi Ngài ngồi tu.   Ảnh: Tâm Bửu

Chúng tôi đến thạch động, nơi mà nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta đã ẩn cư sáu năm tu hành. Thạch động nằm lưng chừng núi, không cao lắm, cách mặt đất khoảng 120 mét. Bên ngoài thạch động có khoảng trống rộng, có thể dung chứa được vài chục người, mọi người có thể tập trung để hành lễ. Muốn vào bên trong chúng ta phải chui qua một cái cửa bằng đá khoảng 1,2 m chiều cao, ngang khoảng 7 tấc. Bên trong rất tối chu vi nhỏ hẹp, khoảng 3m chiều ngang, 5m chiều dài, cao khoảng 2m, trong đó có một bệ đá, trên bệ đá thờ tượng Phật khổ hạnh, thân xác ốm gầy chỉ còn da bọc xương. Nhìn hình ảnh này chúng ta rất cảm động khi nhớ lại những tháng ngày gian khổ của đức Thế Tôn, Người đã vì đạo, vì muốn tìm đường cứu khổ chúng sanh mà phải quên mình. Nhiều người òa khóc thành tiếng, hoặc trào lệ từng giọt lăn dài trên má, thì thầm trong miệng những lời xót xa hoặc chắt lưỡi, hít hà khi quỳ lạy trước tôn dung của Ngài. Thật là một hình ảnh đầy ấn tượng không chỉ đối với người con Phật mà đối với bất cứ những ai biết suy nghĩ yêu thương đồng loại, biết nghĩ đến nỗi buồn nhân thế.

 Ngày hôm nay cuộc sống mọi người nơi đây cũng phản ánh được phần nào đời sống khổ hạnh của Phật, bởi có quá nhiều người nghèo đói đang sinh sống, phần lớn họ nhờ vào những đồng tiền van xin nơi lòng thương hại của khách hành hương ban bố. Và có thể nói, chưa có nơi nào trên suốt đoạn đường đi tham quan có số lượng người nghèo khổ và ăn xin nhiều như khu Khổ Hạnh Lâm này. Chúng tôi có cảm giác mảnh đất lịch sử đầy kỷ niệm này, không chỉ làm nao lòng chúng ta bởi sáu năm trường khổ tu của Phật, mà cả một quãng thời gian dài hàng mấy nghìn năm sau đó chỉ để chứng kiến từng hơi thở mệt mỏi và giọt nước mắt khổ đau, những mảnh đời bất hạnh, làm cho ai cũng phải chạnh lòng buông tiếng thở dài khi tận mắt chứng kiến: thế kỷ XXI vẫn còn tồn tại một cuộc sống thiếu văn minh, thiếu vật chất, thiếu những điều kiện tối thiểu, và thiếu cả tình thương, sự quan tâm chia sẻ của mọi người. Chúng tôi thiết nghĩ bao giờ có trái tim từ bi như đức Phật mới thật sự dung chứa và san sẻ hết bi kịch này.

 

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/phatquoc_kysu3.htm

 


Vào mạng: 10-9-2008

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang