Thành Vương Xá (Rājagaha) là kinh đô
của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), một
kinh thành cổ xưa nhất Ấn Độ, rất trù phú, nguy nga nhưng lại hiểm trở
vì núi non bao quanh do vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara)
trị vì vào thời đức Phật còn tại thế. Nhờ nằm trong thung lũng được bao
quanh bởi những rặng núi chạy dài nên thiên nhiên ưu đãi nguồn tài
nguyên khoáng sản, quặng sắt cũng như mỏ đồng làm cho đất nước Ma Kiệt
Đà càng thêm cường thịnh. Các nguồn văn hóa lớn được xuất xứ từ Ma Kiệt
Đà, như ngôn ngữ Magadhi và lịch số...
Ngày nay kinh
thành này chỉ là một thị trấn nhỏ với tên gọi là Rajgir, cách thủ phủ
Patna 70 km về phía Tây Nam. Xung quanh vùng có một vài bức tường thành
bao bọc ở các rặng núi chính là những phế tích còn sót lại của một kinh
thành cổ. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều lạc hậu, phố xá nhà cửa
đơn giản, lưa thưa, kinh tế không mấy gì khả quan so với nhiều vùng
khác. Hơn 2500 năm về trước, tại nơi đây nhiều sự kiện trọng đại liên
quan đến Phật giáo vẫn còn lưu dấu vết cho đến ngày nay. Chính tại kinh
thành này, trên đường thái tử Sĩ Đạt Ta tầm đạo đã xảy ra cuộc gặp gỡ
giữa Ngài và đại vương Tần Bà Sa La. Được biết tâm nguyện cao cả của vị
thái tử bộ tộc Thích Ca (Sakyā) thành
Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), nhà vua vô
cùng thán phục, xin nhường lại nửa giang san cho Sĩ Đạt Ta cai trị nhưng
thái tử đã một mực từ chối. Trước khi chia tay, nhà vua cầu chúc cho
thái tử Sĩ Đạt Ta sớm thành tựu đạo quả và trở về thành Vương Xá để độ
ông. Do đó, kinh đô Vương Xá trở thành một trong những trung tâm truyền
bá Phật giáo đầu tiên có sức ảnh hưởng rất lớn vào thời đức Phật. Những
thánh tích trọng đại liên quan đến Phật giáo vẫn còn lưu tiếng tăm cho
đến ngày nay như: tinh xá Trúc Lâm, động
Saptaparni (nơi kết tập kinh điển lần thứ nhất), núi Linh Thứu
(nơi Phật diễn pháp Hội tam thừa quy nhất).... Giờ đây chúng ta cùng tìm
hiểu thêm một số dấu tích còn sót lại liên hệ đến các danh xưng lịch sử
này.
2. Vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara) và tịnh
xá Trúc Lâm (Veluvana Vihara)
Khu tịnh xá
Trúc Lâm
Có thể nói vai
trò của vua Tần Bà Sa La rất lớn đối với việc truyền bá chánh pháp, là
chỗ dựa vững chắc để làm
nền
tảng phát triển Phật giáo, khi
một đạo Phật còn quá non trẻ so với
những tôn giáo truyền thống đương thời của Ấn Độ. Nhưng làm cách nào
thực hiện được điều đó để có thể đứng vững và làm cho mọi người tin
tưởng hướng về, đó là điều trăn trở mà một vị giáo chủ vừa mới ra đời
như đức Phật phải suy nghĩ và lo ngại!? Vì thế đức Phật không vội đi
truyền bá chánh pháp ngay sau khi giác ngộ mà Ngài đã lưu lại tư duy
quán sát bảy tuần lễ xung quanh cội Bồ Đề. Mặc dù đức Phật không thể
hiện rõ về đường lối hay phương hướng truyền giáo của mình như một chiến
lược, nhưng mọi biểu hiện của Ngài đều được cân nhắc kỹ càng có tính
logic hợp lý trong mọi tình huống và trong mọi nơi khi Ngài dừng chân.
Vì lẽ đó, mặc dù nhớ rất rõ lời hẹn ước với vua Tần Bà Sa La nhưng đức
Phật không vội trở về thành Vương Xá để độ Ông bởi vì Ngài thừa hiểu tâm
lý của những người đương quyền không dễ gì bị thuyết phục bởi những lời
nói suông mà không có một cái gì để minh chứng. Do đó, việc quyết lòng
hóa độ ba anh em Ca Diếp (Kassapa) đạo
thờ lửa xứ Ưu Lầu Tần Loa (Uruvela) là
một suy nghĩ đúng đắn nhất, có cơ sở tin cậy nhất đối với việc tiếp kiến
đại vương nước Ma Kiệt Đà, một cường quốc nhất nhì thời bấy giờ. Bởi vì
ba anh Ca Diếp là những người có uy tín lớn, có ảnh hưởng quần chúng
rộng rãi trong thành, mà cả vua Tần Ba Sa La cũng để lòng kính nể đến
các vị này. Tất cả điều kiện trên đã hội đủ nên cuộc gặp gỡ theo lời hẹn
ước đã đem lại lòng tin sâu sắc và sự kính trọng tột độ của nhà vua dành
cho đức Thế Tôn. Một nhà khổ hạnh hôm nào, nay trở thành một vị Phật,
đầy đủ uy nghiêm cốt cách của bậc thầy trời người, lại thêm tiếp độ một
ngàn môn đệ bao gồm ba anh em Ca Diếp chỉ trong thời gian ngắn ngủi thì
việc đó ngoài sức tưởng tượng của nhà vua. Sau khi thân hành ra tận ngọ
môn tiếp đón, vấn an đức Phật và chúng tăng, vua Tần Bà Sa La thỉnh Phật
ngày hôm sau vào hoàng cung thọ trai và chính ông đã phục vụ cho Phật và
chúng tăng, một vinh dự mà nhà vua chỉ dành cho đức Phật. Ngay bữa ngọ
trai hôm đó, vua tuyên bố cúng dường ngự hoa viên Trúc Lâm (Veluvana),
một khu rừng trúc xinh đẹp thoáng mát cho đức Phật làm nơi lưu trú tu
hành. Tại khu rừng trúc này, một ngôi tinh xá được xây dựng, và nó cũng
là ngôi tinh xá đầu tiên khởi nguồn cho lịch sử tự viện Phật giáo phát
triển mãi đến sau này. Được sử ghi
chép rằng, ngôi tinh xá rất là khang trang, rộng lớn, trong đó bao gồm
nhiều phòng ốc, giảng đường và các tiện nghi sinh hoạt khác khảm đủ cả
chục ngàn người. Tại ngôi tinh xá này, đức Phật đã trải qua mùa an cư
thứ hai và nhiều mùa an cư khác nữa, và Ngài đã thuyết nhiều bài kinh
quan trọng được ghi lại trong Trung Bộ kinh như: Kinh
Vương Tử, Đại Kinh Vacchagotta, Kinh Thiện Sanh Ưu Đà Di ...
Ngày nay, khi
dừng chân nơi ấy, chúng ta không còn thấy khu vườn trúc sum suê và ngôi
tinh xá đồ sộ thuở nào như kinh điển mô tả. Trước mắt chúng ta chỉ thấy
cảnh vật hoang sơ, thầm lặng trong một thị tứ bé nhỏ. Trước cổng ra vào
có dựng một tấm bảng xác định vị trí ngôi tinh xá năm xưa, xung quanh có
rào chắn um tùm cây tạp và cỏ dại. Bên trong chỉ còn vài khóm trúc khá
tốt và xinh đẹp nhưng chắc được người sau trồng lại để tưởng niệm một
danh xưng thơ mộng và nổi tiếng bởi
hai chữ Trúc Lâm (rừng trúc), nhưng không đủ sức để phản ánh hết uy thế
của một ngôi tinh xá trang hoàng và khu thượng uyển thời vàng son Phật
giáo. Đi hết khu vườn, ngoài những khóm hoa được trồng dọc theo lối đi
chúng ta không còn thấy một vết tích nào, cho dù bờ tường đổ nát rêu
phong để có thể hình dung được tí gì liên quan đến nó. Trong khuôn viên,
cách cổng ra vào khoảng 100 mét chúng ta thấy có một cái hồ vuông, xung
quanh cẩn gạch vén khéo, nước trong hồ trong vắt và sạch sẽ, mặt hồ
phẳng lặng in bóng những hàng cây tàng rộng mọc xung quanh, vài đàn cá
trê chập chờn bơi lội dưới nước, tìm ăn những miếng mồi ngon từ khách
tham quan và cư dân dạo mát quanh vùng. Hồ này có tên là hồ Kalandaka,
được tương truyền rằng, đức Phật và chúng tăng thường tắm trong hồ này
khi lưu trú tại tinh xá Trúc Lâm. Bên bờ hồ có một tượng Phật Bổn Sư do
người Nhật tôn trí trên một bệ thờ trong tư thế thiền định, Ngài đang
ngồi lặng lẽ giữa tiếng bước chân qua lại chầm chậm lưa thưa, giữa bốn
mùa yên ả trầm buồn, buồn cho số kiếp chúng sanh thời Mạt không đủ phước
duyên để chứng kiến thời hoàng kim chánh pháp.
Sau khoảng thời
gian khiêm tốn ghi một vài hình ảnh kỷ niệm trong buổi chiều tà xế bóng,
một vài hạt mưa muộn màng còn nhỏ giọt trên lối đi, hoàng hôn cũng dần
dần buông màn khép lại cho một ngày tiếp tục trôi qua, một thao tác vạn
kỷ, đoàn chúng tôi rời khỏi tinh xá Trúc Lâm, nơi đầy kỉ niệm trong trí
tưởng tượng để trở về khách sạn nghỉ ngơi với bao niềm xao xuyến miên
man.
Linh Thứu Sơn
tiếng Pāli là
Gijjhakuta, nghĩa là ngọn núi kên kên
(Vulture’s Peak), tức trên đỉnh núi có hình dạng của con Kên Kên là loài
chim rất phổ biến ở Ấn Độ, gần thành Vương Xá (Rājagaha). Từ trên đỉnh
núi này, chúng ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành Vương Xá: những rặng
núi chạy dài bao bọc xung quanh, các đồng ruộng mênh mông bát ngát, các
làng mạc và những phố xá nằm rải rác quanh vùng. Tại Linh Thứu sơn này,
nhiều bài kinh quan trọng đã được đức Phật tuyên thuyết khi Ngài còn tại
thế. Theo truyền thuyết của Đại Thừa, tại núi này, đức Phật đã thuyết
kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharmapundarika
Sutta), là bộ kinh quan trọng của Đại Thừa Phật giáo, là kim chỉ nam
của hành giả Pháp Hoa Tông. Cho nên vào đầu kinh chúng ta thấy câu xướng
lễ: Nam Mô Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát, chính là nói đến pháp
hội tam thừa quy nhất tại núi Linh Thứu, đức Phật khuyến hóa hàng thánh
giả Tam Thừa (Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát), nên hướng về nhất thừa,
tức là Phật thừa. Trong kinh này, đức Phật khẳng định Phật tính bình
đẳng trong tất cả chúng sinh, không phân biệt nữ nam, quí tiện vì ai
cũng có Phật tánh và sẽ thành Phật, qua lời tuyên ngôn của Phật: “Ta
Là Phật Đã Thành, Chúng Sinh Là Phật Sẽ Thành”. Một điều đặc biệt
không thể không nhắc đến, đó là hình thức chiếc y của các thầy tỳ kheo,
là một bảo vật, là tấm bùa hộ mạng luôn mang bên mình không được xa rời
dù chỉ một đêm. Sở sĩ y của các thầy tỳ kheo được gọi là áo ruộng phước
(phước điền y) chính là lời dạy từ kim khẩu của đức Thế Tôn. Một hôm,
đức Phật cùng với các môn đệ của mình đứng trên núi Linh Thứu ngắm nhìn
cảnh sinh hoạt của nông dân và bao cánh đồng mênh mông dưới chân núi.
Ngài thấy những thửa ruộng được chia thành từng luống cách ly với nhau,
vừa để phân biệt quyền sở hữu của mỗi người đồng thời dễ canh tác, nhất
là trong việc giữ nước. Từ hình ảnh này đức Phật liên tưởng đến các thầy
tỳ kheo. Đức phật nghĩ rằng, các thầy tỳ kheo như những ruộng phước để
chúng sanh gieo trồng hạt giống bồ đề; nếu các thầy tu tập giới đức
thanh tịnh trang nghiêm, thì bản thân các thầy như mảnh ruộng tốt làm
cho chúng sanh gieo giống được mùa. Bằng ngược lại, các thầy là mảnh đất
cằn cỗi không đem lại nguồn sống tốt cho mọi người. Vì vậy, chiếc y các
thầy tỳ kheo, dù là y bá nạp hay cắt may đều phải thành từng ô vuông nho
nhỏ kết lại mà không được mặc vải liền. Ý nghĩa y phước điền được xuất
xứ từ ngày ấy.
Trên đỉnh Linh Thứu sơn Ảnh: Sưu tầm
Trước khi đến
đỉnh núi Linh Thứu chúng ta đi qua những địa điểm được đánh dấu là vị
trí quan trọng. Khoảng nửa đoạn đường lên đỉnh được xác nhận nơi Vua Tần
Bà Sa La xuống kiệu để thân hành viếng thăm đức Phật. Qua đoạn đường dốc
gần đến hương thất Phật ngự, chúng ta thấy hang động nhỏ, nằm bên tay
phải lối đi, được cho là thạch thất của Ngài A Nan, vị thị giả suốt đời
hầu cận trung thành bên đức Thế Tôn. Phía trước thạch thất này, có tảng
đá lớn và nhiều mảnh vỡ được đánh dấu đó chính là tảng đá mà xưa kia Đề
Bà Đạt Đa (Devadatta), người anh em
chú bác của Phật, lăn xuống để hại Phật, lúc Ngài đi ngang qua lối hẹp
này. Nhờ oai thần của bậc đại giác, Đề Bà Đạt Đa đã không thực hiện
thành công mưu đồ bất chính của mình. Phía trên thạch thất ngài A Nan
khoảng 15 bậc thềm thang, gần hương thất của Phật là thạch thất của Ngài
Xá Lợi Phất (Sāriputta), vị tôn giả
trí tuệ bậc nhất trong hàng môn đệ của Phật. Xung quanh khu vực này còn
nhiều thạch thất khác của chư thánh đệ tử Phật như Ngài Ma Ha Ca Diếp,
Mục Kiền Liên ....Trên cùng là hương thất của Phật, gần mõm đá được cho
là giống cái đầu con chim kên kên, nơi đức Phật thường ngự khi Ngài dừng
chân tại Linh Thứu. Đây là điểm cao nhất của ngọn núi này. Từ đây chúng
ta có thể quan sát quanh khu vực này cho dù các cảnh vật rất xa. Hai
chữ Hương thất là từ xưng tán công đức, giới hạnh của Phật tỏa ngát như
hương thơm bay khắp bốn phương, làm cho mọi người phải ngưỡng mộ một
cách say sưa. Trong kinh Pháp Cú phẩm Hoa đức Phật dạy: “Trong
các loài hoa, dù là hoa Chiên Đàn, hoa Đa
Dà La hay hoa Mạc Lợi, tuy thơm thật nhưng không thể bay ngược gió. Chỉ
có mùi hương của người tu đức hạnh tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn
phương” (PC – 54).
“Hương thơm hoa quý thua xa
Hương người đức hạnh chan hòa vượt trên
Xông lên mãi tận chư Thiên
Tỏa ra ngan ngát khắp miền trời cao”.
(Tâm Minh)
Ngày hôm nay,
hương thất này không còn nữa, chỉ được người đời sau xây dựng một nền
gạch tưởng niệm khoảng 3 mét vuông để đánh dấu vị trí chỗ thường ngự của
Phật hơn 2500 năm về trước. Các đoàn hành hương thường làm lễ và cầu
nguyện trong phạm vi hương thất này. Các bản kinh thường được dùng để
tụng đó là kinh Phổ Môn, được trích từ kinh Pháp Hoa,
phẩm Quan Thế Âm thứ 25.
Trong khoảnh
khắc dừng chân ở tận đỉnh cao nơi hương thất của Phật, bốn bề gió lộng
mênh mông, cảnh vật im lìm trong khoảng không bất tận, cho dù có người
qua kẻ lại, nhưng ai cũng giữ chánh niệm, im lặng để cảm niệm hồng ân
của đức Thế Tôn, lòng chúng tôi cảm thấy được an ủi đôi phần. Mặc dù
không đủ duyên lành được sinh ra trong thời Phật còn tại thế để được dự
phần trong Pháp Hội Linh Sơn, nhưng cũng may mắn tận mắt chứng kiến,
tưởng niệm và đảnh lễ những nơi đức Phật từng tu tập và giảng kinh
thuyết pháp năm xưa, dù là trên đỉnh núi cao hay trong các hang động
liên quan đến cuộc đời Ngài. Bốn mươi lăm năm hoằng hóa độ sanh với đôi
chân trần bằng xương bằng thịt, đức Phật đã vân du khắp bốn phương trong
xứ Ấn để hóa độ chúng sanh, cho dù là kẻ hạ tiện như Ni Đề, người làm
nghề gánh phân, là công việc bẩn thỉu nhất hay những người kỹ nữ như
Ambapali... đều được sự che chở, thương yêu bình đẳng như các thánh đệ
tử của Ngài. Một tấm gương sáng chói, một đức hạnh cao vời, chỉ có một
và chỉ một lần trong lịch sử xuất hiện đấng cứu thế trong hiền kiếp này.
Bằng chút tấc lòng son, trọn đời chúng con quyết noi theo con đường của
Phật, dẫu không đạt đạo cũng nguyện từ đời này đến vạn kiếp sau ghi khắc
mãi trong tim những lời vàng ngọc của Người, không cô phụ một đời gian
nan, khổ cực của đấng cha lành đã tìm ra ánh đạo quang minh, tìm ra con
đường giải thoát khổ đau cho vạn loại hữu tình mà không có một con đường
nào khác, một tôn giáo hay một học thuyết nào ngoài lời dạy của Phật có
thể giải quyết tận gốc thảm kịch muôn đời của trần thế, tức giải thoát
luân hồi tử sinh.
Bên phải Linh
Thứu sơn là núi Sonagiri, trên đỉnh có
một cái tháp cao màu trắng được gọi là tháp Hòa Bình của Phật giáo Nhật
Bản, do Hòa thượng Nichidatshu Fuji, thuộc tông Thiên Thai, xây dựng
với ước nguyện cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an cư lạc nghiệp.
Đây là một trong rất nhiều công trình được hòa thượng xây dựng trên đất
Phật, kể từ sau sự kiện hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố
lớn trên xứ sở hoa anh đào của Ngài: Hiroshima và Nagashaki vào tháng 8
năm 1945. Kiến trúc tất cả các tháp đều có kiểu dáng giống nhau, đều cấu
trúc hình tròn và chóp nhọn ở đỉnh. Bốn mặt phân đều theo bốn hướng tôn
trí 4 tượng phật màu vàng, dựa trên bốn sự kiện trọng đại: Đản sanh,
Thành đạo, Chuyển pháp luân và nhập Niết Bàn.
Các đoàn hành hương, thường hay nhầm lẫn giữa núi Linh Thứu và núi
Sonagiri , nơi có tháp Hòa Bình Nhật Bản, nếu không được quí thầy cô
thường dẫn đoàn hay những người hiểu biết về di tích hướng dẫn. Cũng là
khu vực quanh núi Linh Thứu, nhưng đường lên Tháp Hòa Bình rất dễ vì đi
bằng cáp điện treo (chairlift), còn đường lên núi Linh Thứu thì đi bằng
bậc tam cấp. Vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ càng hoặc tư vấn với
những người đã từng đi một cách tường tận, chính xác để khỏi phải xảy ra
những điều đáng tiếc như chúng tôi năm xưa hăm hở lên tận tháp Hòa Bình
mà cho rằng mình đã đến đỉnh núi Linh Thứu, bởi vì mình chỉ biết trong
kinh điển chớ không biết được địa điểm thực tế. Khi hiểu ra thì mọi việc
đã trôi qua hơn hai năm rồi. Đúng là chuyện dở khóc dở cười!!!
4. Ngục khám vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara)
Nền nhà tù, nơi A Xà Thế nhốt vua cha Bình Sa Vương
Ảnh: sưu tầm
Trên
quãng đường đi đến Linh Thứu sơn khoảng 2 km từ tinh xá Trúc Lâm có một
bờ tường đá dày 2m, nằm bên trái cách con đường chính chừng 30 m, hình
chữ nhật, dài khoảng 100m, rộng độ 70m, đó là nhà tù giam vua Tần Bà Sa
La thuở xưa. Từ vị trí này, chúng ta nhìn thấy xa xa thấp thoáng tháp
Hòa Bình trên đỉnh Sonagiri và chóp
núi Linh Thứu, cách chừng 5 km bằng đường chim bay, khoảng 7 km đi đường
lộ nhựa.
Sử chép rằng: vì còn quá trẻ, tính tình bồng bột nông
nổi nên bị sự xúi giục sai trái của Đề Bà Đạt Đa, người dốc lòng hại
Phật, thái tử A Xà Thế (Ajatasattu) dùng mọi thủ đoạn để hãm hại vua
cha, tức vua Tần Bà Sa La, bằng cách bắt giam vào đại lao và dùng nhiều
cực hình bức tử Ngài. Những ngày cuối đời trong ngục thất, đức vua hướng
về núi Linh Thứu cầu khẩn đức Thế Tôn chỉ dạy phương pháp tu tập để
thoát khỏi cuộc đời đầy đau khổ này. Vì ham mê danh vọng, quyền thế hư
ảo, vì chứa đầy tham sân si trong lòng mà con người gian trá lọc lừa,
tìm cách hãm hại nhau để vun bồi cho dục vọng và ngã chấp, ngay cả như
cha với con cũng không từ nan. Trần gian là bể thành sầu khổ. Sự có mặt
của mọi con người trên cuộc đời chỉ nhằm giải quyết “ân oán giang hồ”,
cứ thế mà trả vay, vay trả đến kiếp nào cho xong! Vì vậy, khi được đức
Thế Tôn từ trên đỉnh Linh Thứu sơn phóng quang, xoa đầu và hiển hiện kim
thân thuyết pháp, ông liền đắc quả A Na Hàm, rũ sạch mọi đau buồn và an
nhiên đi vào cõi chết. Hoàng hậu Vi Đề Hi, vợ vua Tần Bà Sa La, cũng bị
giam lỏng trong ngục thất này, nên bà cầu xin đức Phật chỉ dạy phương
pháp tu thoát khỏi cõi ta bà ô trược. Cảm được lời cầu xin của Bà, đức
Phật hiện thân thuyết pháp an ủi, giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc
của Phật A Di Đà và phương pháp tu vãng sanh về cõi ấy. Điều này đã được
ghi chép đầy đủ trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, một trong những bài
kinh căn bản của hành giả Tịnh Độ Tông.
5. Hang Thất Diệp (Sattapanni), nơi kết
tập kinh điển lần thứ nhất
Quang cảnh phía trước hang Thất Diệp Ảnh: Tâm Bửu
Để được tham quan hang Thất Diệp (Sattapanni),
mọi người trong đoàn phải nghỉ ngơi qua đêm chờ sáng hôm sau đủ sức đi
bộ lên hàng mấy ngàn bậc tam cấp mới đến được hang Thất Diệp, một động
đá trên đỉnh núi dung chứa chỗ ngồi cho 500 trăm vị A La Hán.
Hang Thất Diệp
hay còn gọi động Kỳ Xà Quật thuộc ngọn núi Vebhara hay Vaibhara, là nơi
được chọn để tổ chức cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất. Hang Thất Diệp
này thuộc thành Vương Xá chỉ cách Linh Thứu sơn khoảng 10 km. Cuộc kết
tập kinh điển này được diễn ra sau ba tháng đức Thế Tôn nhập Niết Bàn.
Trưởng lão Đại Ca Diếp (MahaKassapa)
được cử làm chủ tọa hội nghị gồm 500 vị đại A La Hán, nên còn gọi là Ngũ
Bách Kết Tập. Nội dung của cuộc kết tập kinh điển lần này nhằm ôn lại
lời dạy của đức Thế Tôn, Ngài Ưu Ba Ly (Upāli)
trùng tuyên luật tạng, Ngài A Nan Đa trùng tuyên kinh tạng, chưa có đề
cập đến tạng luận. Mọi chi phí trong suốt quá trình kết tập được sự bảo
trợ trọn vẹn của vua A Xà Thế, đại vương nước Ma Kiệt Đà.
Tại hang Thất
Diệp có khả năng chứa 500 vị thánh tăng hôm nào nay chỉ còn trong
truyền
thuyết, bởi vì qua thời gian
hang động này đã bị lấp kín chỉ còn một lối đi vào sâu bên trong độ
khoảng 10m. Bên ngoài hang động có khoảng không rộng rãi, thông gió, rất
mát mẻ và thanh vắng. Từ nơi này, chúng ta có thể thấy vùng bình nguyên
phía dưới cây cối bạt ngàn, nhà của phố xá và cả xe cộ qua lại trên con
đường chính. Muốn vào bên trong chúng ta phải có đèn pin hoặc thắp nến
mới có thể thấy đường lần theo lối mòn vì ngoài việc thiếu ánh sáng, lối
đi rất là lởm chởm đá.
Cách hang động
chính không xa khoảng 10m có một động đá không sâu nhưng khảm đủ làm nơi
trú thân lý tưởng cho các vị tu hành. Hang động này được đánh dấu chỗ mà
Ngài A Nan hành thiền suốt đêm trước ngày diễn ra cuộc kết tập kinh điển
lần này. Sở dĩ A Nan không được vào bên trong vì Ngài chưa chứng đắc quả
A La Hán, nên không đủ tư cách để tham dự hội nghị, cho dù được xem là
vị đa văn đệ nhất, nhớ rõ toàn bộ lời dạy của đức Thế Tôn. Vì buồn cho
mình mang tiếng đa văn nhưng lậu hoặc vẫn chưa dứt trừ, đồng thời không
được có mặt trong kỳ kết tập này nếu chưa chứng quả A La Hán nên Ngài đã
nỗ lực tu tập suốt một đêm cuối cùng trước khi trời sáng hội nghị bắt
đầu khai mạc. Đêm lịch sử này cũng là đêm quyết định, tôn giả A Nan đã
chứng đắc thánh quả, dứt trừ lậu hoặc và nghiễm nhiên trở thành một
thành viên hợp lệ trong hội nghị và được đề cử vai trò quan trọng là
người trùng tuyên toàn bộ kinh tạng, tức năm bộ Nikāya.
-
-
6.
Kê Túc sơn (Kukkutapadagiri), nơi nhập diệt của thánh Ca Diếp
Núi Kê Túc nhìn từ xa Ảnh: Tâm Bửu
Kê Túc sơn là điểm lịch sử rất quan trọng, nơi nhập diệt của Ngài Ma Ha
Ca Diếp, người được phó chúc giữ kim y của đức Phật, đợi đến khi Ngài Di
Lặc ra đời để truyền lại. Mặc dù nhiều người biết đến mốc lịch sử này
nhưng rất ít ai đến tận nơi để tham quan hay chiêm bái bởi nhiều lý do:
một là, đường quá xa lại thêm nhiều ổ gà nên đi rất lâu; hai, chỉ là con
đường độc lập không có liên quan đến các thánh tích khác; ba, vì nơi này
không phải là điểm du lịch tham quan, cũng không có phố xá, làng mạc hay
cảnh thiên nhiên đẹp, lại thêm leo núi cao mà không có bậc tam cấp.
Ngoài ngọn núi cheo leo, khô khan, hiểm trở nơi đây chỉ có nhiều loại
cây cỏ dại trên một vùng đất bỏ hoang, không có gì hấp dẫn cả. Cho nên
chỉ có những tu sĩ hay Phật tử nhiều thiện chí lắm mới tìm đến nơi này.
Núi Kê Túc cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 75 km về hướng
Đông Nam, đường đi rất khó khăn bởi nhiều ổ gà hay ổ voi thì đúng hơn vì
nó rất to. Từ chân núi lên tới đỉnh chúng ta đi mất gần hai tiếng đồng
hồ, do không có bậc tam cấp mà phải tìm lối mòn nơi các kẽ đá hay các rễ
cây to bò dọc theo con đường. Nhờ Phật giáo Đài Loan đang xây dựng bảo
tháp trên đỉnh Kê Túc tưởng niệm Ngài Ma Ha Ca Diếp, nên họ có tạo một
đoạn tam cấp dang dở từ chân núi lên khoảng 100 mét. Được tương truyền
rằng, trước khi nhập diệt, Ngài Ma Ha Ca Diếp cũng thường lui tới ngọn
núi này để hành thiền định. Sau khi chu toàn lễ trà tỳ của Phật, lại
thêm hoàn tất cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, Ngài Ma Ha Ca Diếp đi
vào núi Kê Túc nhập diệt tận định. Đến nơi Ngài dùng thần thông chẻ núi
thành đôi mở lối đi, Ngài bước vào bên trong lòng núi và hai mảng đá lớn
của một quả núi lần lần khép kín lại.
Núi Kê Túc chẻ đôi Ảnh: Tâm Bửu
Sở dĩ núi này có
tên là Kê Túc vì từ xa chúng ta nhìn lên ngọn núi này, những mõm đá được
nhô lên trông giống một con gà mái đang ấp trứng nên mọi người đặt tên
là Kê Túc sơn (núi con gà). Trước khi lên tới đỉnh, chúng ta phải đi
ngang qua một lối đi hẹp chỉ vừa đủ một người, hai bên là vách núi thẳng
đứng, được cho là kẽ đá chẻ đôi do thần lực của Ngài Ca Diếp còn lưu dấu
đến ngày nay. Khi đến đỉnh núi, chúng ta thấy có một hốc đá, trong đó có
ngôi tháp nhỏ thờ tượng vị thánh đệ nhất đầu đà Ca Diếp. Xung quanh được
bao bởi lớp kiếng dày, dưới chân rào lại cẩn thận nhằm tránh sự quấy phá
cũng như bụi bậm. Bên ngoài hốc đá, Phật giáo Đài Loan cũng đang xây
dựng một cái tháp lớn trên đỉnh núi này. Từ xa chúng ta thấy dường như
ngôi tháp này xây dựng trên lưng của con gà đá to lớn này. Sau phút giây
tham quan cảnh trí thiên nhiên, tận hưởng những cơn gió mát dịu và thanh
khí trên ngọn núi, chúng tôi trở lại bảo tháp trong hốc đá, đối diện
trước tượng Ngài Ca Diếp đảnh lễ, nhằm tưởng nhớ đến gương hạnh người
xưa, một con người khiêm tốn, sống khổ hạnh, suốt đời chỉ mặc y phấn
tảo. Đó là một trong những tấm gương đức hạnh sáng ngời mà ngàn đời sau
người xuất gia nên trân trọng noi theo. Xúc động trước bậc tổ đức thánh
hạnh cao ngời, tôi cảm tác một bài thơ theo thiển ý của mình để dâng tấc
lòng thành lên Ngài:
Kê Túc nắng
vàng vương áo con
Một đời sống
đạo khắc lòng son
Kim y Phật tổ
trao truyền mãi
Di Lặc hạ
sanh vẫn hằng còn.
Dập đầu kính
lạy Ngài Ca Diếp
Phấn tảo xiêm
y giữ trọn đời
Phật sự vuông
tròn hang Thất Diệp
Lời vàng tổ
đức trải muôn nơi.
Ngàn năm trở
lại đường xưa cũ
Dốc núi cheo
leo hiện dáng thiền
Sông núi đổi
dời tâm chẳng động
Con nguyền
lưu giữ mối đạo thiêng”.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/phatquoc_kysu5.htm