1. Khái quát thành Tỳ Xá Ly cổ xưa
Khoảng 1 giờ chiều ngày mùng hai Tết Mậu Tý, đoàn
chúng tôi đã đến chùa Kiều Đàm Di, ngôi chùa Việt Nam tại
Vesāli, ni sư Khiết Minh trụ
trì, xin nghỉ tạm một đêm, để thăm viếng các thánh tích tại đây. Sau khi
được một bữa cơm đậm đà hương vị Việt Nam do chư ni trong chùa thết đãi,
nhất là trong dịp tết, đoàn chúng tôi cảm thấy vui sướng và rất xúc động
cho những nữ tu Việt Nam phát nguyện dấn thân công quả, chung góp bàn
tay vun đắp nơi thánh địa này ngày càng sung thạnh, biến đất khô cằn sỏi
đá thành những luống rau xanh tươi tốt, biến mảnh đất hoang vô dụng
thành ngôi tự viện khang trang. Nhờ những hình ảnh thánh thiện, những
con người hy sinh vì đạo lớn đã khích lệ đoàn chúng tôi càng quyết tâm
hơn nữa, làm việc trong tinh thần trách nhiệm, hài hoà, mong hoàn thành
tốt những tiêu chí đã đặt ra.
Tỳ Xá Ly (Vesāli)
là thủ đô của bộ tộc Licchavi, nước cộng hoà đầu tiên trên thế giới, nơi
mà có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến Phật giáo. Chính nơi
đây, là điểm dừng chân lần cuối của đức Phật để thuyết pháp và chúc phúc
cho toàn dân thành Vesāli,
vì Ngài thừa biết rằng mình không bao giờ trở lại nơi này thêm một lần
nào nữa. Khi rời Tỳ Xá Ly, đức Phật đã ngoái đầu nhìn lại và tán thán:
“Ôi xinh đẹp thay thành phố Tỳ Xá Ly! Ôi xinh đẹp thay những điện thờ và
những khu lâm viên của Tỳ Xá Ly.” Thành phố Tỳ Xá Ly còn là quê hương
của Ngài Duy Ma Cật, một vị cư sĩ Bồ Tát nổi tiếng mà đức Phật đã đề cập
như một nhân vật giác ngộ chính trong Kinh Duy Ma Cật.
Thành phố này còn là nơi
nhận một phần tám xá lợi của đức Phật ngay sau lễ Trà Tỳ của Ngài. Những
năm trước khi nhập diệt, đức Phật thường hay lưu trú tại thành Tỳ Xá Ly
này.
Lần thứ nhất Ngài từ Ma
Kiệt Đà (Magadha) đến Tỳ Xá Ly do lời thỉnh cầu của toàn dân trong
thành, mong nhờ oai đức của Phật để cứu bá tánh chúng sinh thoát khỏi
nạn đói do hạn hán kéo dài, dân trong thành chết như rạ và dẫn đến nạn
dịch nguy hiểm. Dân chúng
Tỳ
Xá Ly với nghi lễ trang nghiêm rực rỡ đến biên giới thỉnh Phật. Ðức Phật
qua sông Hằng và lên bờ sang nội địa của Tỳ Xá Ly. Khi về đến thành Tỳ
Xá Ly đức Phật thuyết kinh Châu Báu (Ratana sutta) hay còn
gọi là kinh Cầu An, thuộc Tiểu Bộ
(Khuddhaka Nikāya). Sau đó đức Phật
sai tôn giả A Nan cùng các vương tử Licchavi đi xung quanh kinh thành,
vừa tụng kinh này, vừa rải nước được lấy từ bình bát của đức Phật. Thật
là mầu nhiệm, tiếng tụng kinh vang đến chỗ nào
thì nơi đó sấm sét nổi lên và mưa tuôn xuống, nhờ
vậy mà dịch bệnh nơi đó biến mất. Sự kiện này đã làm cho dân chúng Tỳ Xá
Ly càng kính tin đức Phật, hàng vạn người dân trong thành xin được quy y
làm đệ tử tục gia của đức Thế Tôn. Dân chúng
và Chính phủ hợp lực xây dựng tinh xá tên là Trùng Cát (Kutagara),
trong rừng Đại Lâm (Mahavana) để thỉnh Phật và chư Tăng ở lại. Sau 7
ngày đức Phật trở về lại Ma Kiệt Đà với sự tiễn đưa rất là long trọng.
2. Nơi thành lập Ni đoàn Phật giáo
Trụ đá vua A
Dục và tháp thờ Xá Lợi Phật, đánh dấu nơi thành lập Ni đoàn. Ảnh:
Tâm Bửu
Ðức Phật trở lại
Tỳ Xá Ly nhiều lần sau đó, thường ngự tại tinh xá Trùng Cát. Nhiều bộ
kinh được thuyết tại nơi này như Mahali,
Mahasihanadas,
Cula
Saccaka Mahasaccaka... Cũng
chính tại khu rừng Đại Lâm xứ Tỳ Xá Ly này, Ni đoàn Phật giáo chính
thức được thành lập, nghĩa là đức Phật chấp thuận cho nữ giới xuất gia,
đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, đó là nữ tu sĩ có vai trò trong
đoàn thể Phật giáo, đề cao vai trò của nữ giới nơi Ấn Độ nói riêng hay
tinh thần bình đẳng nam nữ trên khắp thế giới nói chung, là nét nhân văn
cao đẹp, là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong lịch sử tôn giáo
cũng như các trường phái tư tưởng được biết trước và ngay thời đức Phật.
Bằng lời nói khẳng định của đức Từ Phụ: “Nếu phụ nữ tu hành tinh tấn
cũng có thể chứng quả A La Hán”. Và cũng từ ý nghĩa quan trọng này, Đại
Thừa đã phát triển lên đến đỉnh cao về mặt tư tưởng là Phật tánh bình
đẳng hay tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật. Đây là
giáo nghĩa thâm thuý và viên đốn trong văn học tư tưởng Đại thừa. Luật
tạng ghi chép rằng, sau khi vua Tịnh Phạn (Suddhodana)
băng hà, di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahāpajāpati
Gotamī)
cùng 500 thể nữ dòng họ Thích Ca (Sakyā)
tự cạo tóc, thân đắp cà sa, đi chân đất từ thành Ca Tỳ La Vệ
(Kapilavatthu) đến Tỳ Xá Ly (Vesāli),
nơi đức Phật đang giáo hóa xin được xuất gia. Nhờ sự nhẫn nại thưa thỉnh
thống thiết của A Nan cùng với quyết tâm cao độ của di mẫu và các thể nữ
dòng họ Thích, được biểu hiện bằng những hành động cụ thể, đức Phật đã
chấp thuận cho nữ lưu gia nhập Tăng đoàn, nhưng họ phải tuân thủ tám
điều (bát kỉnh pháp) từ ngày xuất gia cho đến trọn đời. Tám điều ấy là:
1 Một Tỳ kheo ni, dầu có
trăm tuổi hạ khi gặp thầy Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào
hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ
kheo.
2- Một Tỳ kheo ni không
được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ kheo trong bất kỳ trường
hợp nào.
3- Tỳ kheo ni không được
ngăn Tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ kheo. Trái
lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo ni.
4- Muốn thọ trì Cụ túc giới
phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và Tỳ kheo
5- Nếu Tỳ kheo ni phạm tội
hữu dư (Tăng tàn) thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ý hỷ (Ma
na đỏa) trong thời gian nửa tháng.
6- Nửa tháng phải đến bên
Tỳ kheo tăng cần cầu dạy bảo.
7- Không được an cư kiết hạ
ở địa phương nào không có Tỳ kheo ở.
8- Khi an cư xong, phải đến
Tỳ kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và nghi.
Những điều lệ căn bản và thiết yếu này chính là cái
nhìn tuệ giác của Phật, không phải vì ràng buộc mà nhằm bảo hộ cho ni
đoàn sinh hoạt yên ổn và khiến nữ giới dễ diệt trừ bản ngã để đạt thánh
vị mau chóng.
Từ các nền móng của các ngôi tự viện cũ tại Tỳ Xá Ly,
người ta cũng xác định được đâu là ngôi tịnh xá mà xưa kia chư ni đã
từng lưu trú tu tập.
3. Trụ đá vua A Dục (Asoka)
Trụ đá vua A Dục Ảnh: Tâm
Bửu
Trong triều đại của vua A Dục (Asoka), vào năm thứ
20, Ông cũng thân hành đến nơi đây để chiêm bái và dựng thạch trụ, một
trong nhiều thạch trụ ở Ấn Độ, để đánh dấu sự kiện trọng đại của Phật
giáo tại thành Tỳ Xá Ly này. Hiện nay, hầu hết các trụ đá của vua A Dục
được dựng lên trong tất cả các thánh tích, điều bị tàn phá, gãy đổ, do
các đế chế đối nghịch Phật giáo và quân Hồi giáo bạo tàn. Chỉ duy nhất
nơi đây thạch trụ sư tử một đầu vẫn còn nguyên vẹn và đứng vững vàng,
hiên ngang giữa khu phế tích Phật giáo. Thạch trụ là một khối đá nguyên
được đẽo gọt tròn láng, cao khoảng 11m và đường kính khoảng 1m. Trên
thân trụ có nhiều hoa văn và những bia ký được khắc bằng kiểu chữ
Brahmi, ở đỉnh có hình sư tử một đầu hướng về phương Bắc. Nhờ những chữ
khắc trên thân trụ mà người ta được biết chính nơi đây đức Thế Tôn đã để
lại những di ngôn cuối cùng trước khi giã từ dân chúng
Tỳ Xá Ly đi về Câu Thi Na nhập
Vô Dư Niết Bàn. Phía trước thạch trụ là nền gạch cũ chu vi khoảng 15 m
vuông, cao khoảng 3m, đó là ngôi tháp do vua A Dục xây dựng để thờ Xá
Lợi Ngài A Nan, người có công đầu trong việc xin cho nữ giới thành lập
ni đoàn Phật giáo. Vào năm 1976, các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm
thấy một hộp bằng đá đựng xá lợi, vài lá vàng ròng và những viên đá quý
rất nhỏ. Xung quanh ngôi tháp này cũng có nhiều bờ tường cũ mục, cũng có
thể là di tích của những tu viện cũ hay những ngôi tháp nhỏ được xây
dựng xung quanh đại tháp này. Phía sau thạch trụ khoảng 10m, có một cái
hồ nước hình chữ nhật có tên là Ramakunda, nghĩa là Hồ Khỉ, nhằm lấy tên
của một con khỉ chúa thường xuyên thỉnh bát của Phật, leo lên các cành
cây hái trái và lấy mật để cúng dường đức Phật khi Ngài dừng chân tại
khu Đại Lâm này.
4. Tháp thờ Xá Lợi Phật của dòng họ Licchavi
Tháp thờ Xá Lợi Phật của dòng họ Licchavi
Ảnh: Tâm Bửu
Cách trụ đá khoảng 3km về hướng Tây, có một nền tháp
lớn thuộc dòng họ Licchavi xây dựng để tôn thờ Xá Lợi Phật. Người ta cho
rằng, vua A Dục đã khai quật tháp này, đem xá lợi phân chia thành nhiều
phần nhỏ và xây dựng tháp thờ trên khắp xứ Ấn Độ. Hiện nay, nơi này chỉ
còn lại nền gạch cũ chạy vòng tròn, sâu trong lòng dất khoảng 4m. Phía
trên dựng lều vòm tròn bằng vật liệu nhẹ và toon nhựa màu xanh, để che
nắng mưa làm hạn chế sự xói mòn và phá hoại của môi trường tự nhiên.
5. Ngôi nhà kỹ nữ Ambapālī
Trước cổng nền nhà kỹ nữ Ambapālī Ảnh: Tâm
Bửu
Quanh vùng Tỳ Xá Ly (Vesāli)
này, người dân thường tương truyền với nhau về câu chuyện của kỹ nữ
Ambapālī còn có tên là cô gái vườn xoài, là một kỹ nữ tài hoa,
nhan sắc tuyệt trần, dáng vẻ quí phái. Tiếng tăm của nàng không chỉ vang
dội tại thành Tỳ Xá Ly mà còn lan xa đến các nước lân cận, làm cho nhiều
vương tôn công tử bỏ nhiều công sức và tiền bạc cho nàng. Nhan sắc của
nàng chinh phục cả đại quốc vương Tần Bà Sa La (Bimbisāra), là vua của
nước Ma Kiệt Đà (Magadha) nên nàng đã có một con trai với vị vua này tên
là Vimalakondanna, vị này sau trở thành Tỳ kheo trong giáo đoàn của
Phật.
Lần cuối cùng, đức Phật và tăng đoàn ngang qua thành
Tỳ Xá Ly và dừng nghỉ tại khu vườn xoài của Bà. Bà vội đến thỉnh cầu đức
Phật và chúng tăng nhận phần cúng dường ngọ trai ngày hôm sau. Đức Phật
nhận lời bằng cách im lặng, đây là cử chỉ chấp nhận thường dùng trong
Phật giáo. Khi hay tin đức Phật nhận bữa ngọ trai ngày hôm sau do
Ambapālī cúng dường, nhiều phú gia cũng như các hàng công tử đến mặc cả
nhường buổi cơm trưa cho vị thượng khách như đức Phật với giá rất cao
nhưng Bà tuyệt đối từ chối (kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường
Bộ). Sau bữa ngọ trai thịnh soạn hôm đó, Bà phát tâm cúng dường cả
vườn xoài cho Phật và chúng tăng để xây dựng tinh xá. Một phần nhờ những
lời cảm hoá của con trai Bà, bây giờ là đại đức Vimalakondanna, một phần
do Bà quán chiếu được sự vô thường tạm bợ của thân xác, sắc đẹp chóng
tàn phai, mọi của cải vật chất không phải là cứu cánh của đời người, nên
Bà phát tâm xuất gia, trở thành Tỳ kheo ni và dốc lòng tu tập, chẳng bao
lâu chứng đắc quả vị A La Hán. Những lời giác ngộ của Bà được ghi chép
đầy đủ trong Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā).
Ngày nay, đến tận nơi khu vườn lịch sử này, chúng ta
không còn thấy gì giống như sự mô tả trong kinh điển, mà chỉ là khu phố
nhỏ nghèo nàn, buôn bán vài thứ hàng thôn quê và tạp nhạp khác. Khuôn
viên có hàng rào bao quanh, phía trên cổng vào có hàng chữ được cho là
nền nhà của Ambapālī, bên trong là ngôi trường làng nho nhỏ có hai
phòng. Thật tế một điều, cư dân quanh vùng vẫn xác định đây chính là nơi
ở của Bà ngày xưa và truyền nhau câu chuyện li kỳ, như một niềm tự hào
về một danh nhân bản địa. Chúng tôi được biết là họ sẽ trồng lại khu
vườn xoài trong một tương lai gần để kỷ niệm khu vườn xoài vang tiếng
của mấy ngàn năm về trước.
6. Nền nhà của Bồ Tát Duy Ma
Khu được cho là nền nhà của Bồ Tát Duy Ma Cật
Ảnh: Tâm Bửu
Trên đoạn đường đi đến nhà Ambapālī, chúng tôi dừng
lại khu vực được cho là nền nhà của cư sĩ Bồ Tát Duy Ma thuở xưa, nhân
vật được xem như là lý tưởng nhất, là danh xưng của một bộ kinh đặc
trưng trong văn học Phật Giáo Đại Thừa, đó là Duy Ma Cật Sở Thuyết
Kinh. Nhờ tính đa văn, biện tài xuất chúng làm cho các vị thánh đệ
tử của Phật thán phục trí tuệ của ông. Mặc dù là nơi có ngôi nhà tên
tuổi trong thành Tỳ Xá Ly năm nào, hiện nay chỉ là vùng đất hoang sơ, cỏ
mọc um tùm, bao quanh một hồ nước mênh mông, với một vài cây cổ thụ
nghiêng mình trên mặt hồ trong xanh yên ả. Không có một dấu vết gì để
chúng ta hình dung và liên tưởng đến sự huyền bí của ngôi tịnh thất một
trượng sáu vuông chứa ba ngàn toà sư tử. Nhìn cảnh vật vắng vẻ, buồn
tênh, lòng bỗng nao nao khó tả, khi nghĩ về cuộc đời vô thường sanh
diệt, nay cồn mai biển, bãi bể nương dâu, biết bao kiếp làm người trên
trần thế này cũng không thấu hết nỗi buồn nhân thế. Chỉ có tuệ giác như
đức Phật, chỉ có chứng ngộ, chúng ta mới hiểu thấu mọi vấn đề mà ngôn
ngữ trần gian không thể nào diễn tả hết mọi sự biến thiên của vũ trụ. Xe
đã rời khỏi nơi kỷ niệm ngàn xưa của Ngài Duy Ma, nhưng hình ảnh hoang
sơ, yên ả của buổi xế chiều vừa chứng kiến cứ hiện mãi trong lòng kẻ lữ
hành đang tìm lại những gì còn sót lại trên quê hương Phật giáo, đã bị
tàn phá bởi thiên nhiên và cả lòng hiềm thù, hẹp hòi ích kỷ của con
người.
7. Nơi kết tập kinh điển lần II
Khu kết tập kinh điển lần thứ II Ảnh: Tâm
Bửu
Vừa qua đoạn đường đất gồ ghề trong một vùng quê hẻo
lánh, nếu trời mưa thì không cách nào có thể đến nơi được, đó chính là
địa điểm diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai, khoảng 100 năm sau
Phật Niết Bàn. Nỗi buồn về ngôi nhà của Ngài Duy Ma Cật chưa hết niềm
vương vấn, lại phải chứng kiến cảnh xâm chiếm bất hợp lệ của ngoại đạo
đó là đền thờ Ấn giáo nằm giữa mô đất được cho là nơi lịch sử mà bảy
trăm vị thánh tăng tập trung kết tập kinh điển
còn gọi là Thất Bách Kết Tập. Và từ cuộc kết
tập kinh điển này, Phật giáo chia thành hai bộ phái: Thượng Toạ Bộ
(Theravāda) và Đại Chúng Bộ (Mahasanghika).
Không riêng gì nơi này,
hầu hết các thánh địa Phật giáo tại Ấn Độ, bất cứ nơi nào có thánh tích
Phật giáo thì người Ấn giáo lại xâm canh ngay nơi phần đất quan trọng và
dựng lên một ngôi đền, hoặc một loại thờ tự nào mà họ cho là linh
thiêng. Khu kết tập kinh điển có khả năng dung chứa bảy trăm vị
thánh tăng hôm nào, nay chỉ là mô đất nhỏ đủ để xây một cái “nhà chòi”
bằng gạch của Ấn giáo. Phía trước có một cây Bồ Đề rất lớn, tàng phủ
trùm cả một vùng chắc cũng hàng trăm tuổi thọ. Xung quanh là ruộng lúa
và những đồng cỏ hoang vu cùng với những con đường mòn của người địa
phương. Hoàng hôn bắt đầu phủ trùm trên lối đi, cảnh vật xung quanh
dường như mờ dần, lại thêm nơi vắng vẻ, đoàn chúng tôi chỉ ghi một vài
hình ảnh lưu niệm và bắt đầu lên đường trở về khách sạn từ bi (chùa Kiều
Đàm Di) nghỉ ngơi. Chúng tôi thiết nghĩ, thôi hãy để mọi việc chìm vào
quá khứ như vạn vật chìm vào bóng đêm. Đời là thế, mạnh được yếu thua,
là một quy luật mà đức Thế Tôn đã nhìn thẩm thấu và bất mãn sau lần đầu
tham dự lễ Hạ điền thuở thiếu thời. Và cũng từ cái nhìn thẩm thấu đó mà
ngày hôm nay nhân loại mới có một đạo Phật nhân bản chỉ vì lợi ích của
con người, một chân lý sống đầy tuệ giác, là quà tặng vô giá cho tất cả
mọi người con Phật, cho cả những ai biết sống vì con người vì cuộc đời.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/phatquoc_kysu7.htm