1. Khái quát về Na Lan Đà
Lối vào khu phế tích Na Lan
Đà (Nālandā) Ảnh: Tâm Bửu
Na Lan Đà (Nālandā) là một di tích quan trọng trong
lịch sử phát triển Phật giáo tại Ấn Độ nói riêng và trên toàn thế giới
nói chung, vì đây là trường Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới,
nơi có một quy cách giáo dục gương mẫu, có tầm vóc rất lớn, tiếng tăm
lừng lẫy, lưu danh cho đến ngày nay. Mặc dù trường đại học Na Lan Đà
không phải là khu thánh địa tâm linh quan trọng như những thánh tích
liên quan đến cuộc đời đức Phật, nhưng nơi đây cũng là khu đất thiêng đã
sản sinh ra các bậc thánh tăng tiêu biểu từ thời đức Phật như Xá Lợi
Phất, Mục Kiền Liên và các bậc cao tăng làu thông tam tạng truyền bá
Phật giáo sau này như Ngài Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Giới
Hiền.... và đặc biệt nhất là danh nhân Phật giáo mà ai cũng từng biết
đến với lòng kính trọng và khâm phục một cách chân thành đó là đại học
giả thông bát kinh luật tam tạng pháp sư Trần Huyền Trang, một bậc cao
tăng Trung Quốc thời thịnh Đường. Với tầm vóc lớn lao và trung tâm
giáo dục không chỉ dành cho Phật giáo mà còn là nơi đào tạo cả thế học
như văn học, nghệ thuật, y dược, ngôn ngữ, tôn giáo, triết học.... trong
một quy củ vô cùng nghiêm túc và đáng tin cậy nhất thời bấy giờ. Na Lan
Đà xứng đáng là nơi ngưỡng mộ của hầu hết các học giả Đông Tây. Trong
quyển Đường Về Xứ Phật, Hòa thượng Minh Châu có sánh ví Na Lan Đà
bằng một lòng tôn trọng: Nếu Bồ Đề Ðạo tràng là nơi đức Phật viên thành
Chánh pháp thì Na Lan Đà là đất thiêng đã truyền chiếu ánh sáng ấy đến
với vô số người, ở khắp nơi trên thế giới.
Nếu Lộc Uyển là thánh địa, bởi ở đó đức Phật đã
Chuyển pháp luân lần đầu tiên thì Na Lan Đà là đất thiêng đã hoằng
truyền chánh pháp, trong một thời gian dài hơn ngàn năm.
Nếu Câu Thi Na là Thánh địa, bởi ở đó đức Phật đã
nhập Niết Bàn thì Na Lan Đà là đất thiêng đã chứng kiến sự viên tịch
của Tôn giả Xá Lợi Phất ...
Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu một vài sự kiện trọng
đại liên quan đến Na Lan Đà, nơi được xem như là một trong những khu
thánh tích quan trọng của Phật giáo.
2. Trường đại học Na Lan Đà xưa và nay
Một phần khu
phế tích Na Lan Đà Ảnh: Tâm Bửu
Hôm nay vì trời mưa nên đoàn chúng tôi không được
thoải mái lắm trong lúc làm việc. Hình ảnh không được rõ so với trời
nắng và màu sắc các bức tường gạch cũng biến đổi ít nhiều so với màu
nguyên thuỷ. Tuy vậy lượng khách tham quan trong nước cũng như ngoài
nước đến viếng rất đông. Lối vào khu Na Lan Đà (Nālandā) rất đẹp, dù
trời có nắng thì khách tham quan vẫn cảm thấy mát mẻ bởi những hàng cây
thẳng tắp, tàng dang rộng che phủ cả lối đi. Trước khi vào bên trong khu
thánh tích giữa bùng binh lối đi, có tấm bảng bằng bê tông nằm ngang
tương đối thấp, mặt trước ghi là: công trình khảo sát khảo cổ học Ấn Độ
(Archaeological servey of India), mặt sau từ bên trong nhìn ra ghi là:
hãy cùng nhau bảo vệ di sản văn hoá (Come forward to preserve heritage).
Hoa kiểng xung quanh cũng được bàn tay con người chăm sóc khá chu đáo.
Trường đại học
Na Lan Đà cách Vương Xá, nay là Rajgir, khoảng 15 km, và cách thủ phủ
Patna, hướng Đông Nam, khoảng 95 km, là một thị trấn thịnh vượng, cư dân
đông đúc thuở xưa. Vì là trường đại học Phật giáo nên tên nguyên thuỷ
của nó là Mahavihara Nālandā, nghĩa là Đại Tinh Xá Na Lan Đà, gọi tắt là
Nālandā. Na Lan Đà được thành lập khoảng thế kỷ thứ II và phát triển
mạnh khoảng từ thế kỷ thứ IV Tây lịch. Với quy mô đầu tiên cũng giống
như các trường đại học khác nhưng dần dần được phát triển trở thành tầm
vóc quốc tế, và quy củ rất đặc trưng mà khoảng thế kỷ thứ VII Ngài Huyền
Trang đến tham học đã tán thán rằng: “Số Tăng sĩ đông đến vài ngàn đều
là những bậc tài năng xuất chúng. Những bậc này phần nhiều là những vị
kỳ tài, danh tiếng vang đến cả nước ngoài. Ðức hạnh của những vị này
hoàn toàn thanh tịnh, không thể chê trách gì. Họ theo giới luật một cách
chơn thành. Qui luật của tu viện rất nghiêm khắc và tất cả Tăng sĩ đều
phải tuân theo. Cả nước Ấn Ðộ đều kính phục và tuân theo những lời chỉ
dạy của những vị này”. Chư vị Viện trưởng tiền bối ngôi trường này là
những bậc cao tăng lỗi lạc, tài đức vẹn toàn, là những bậc tên tuổi được
biết đến ngày nay như: Long Thọ (Nagarjuna), vị Viện trưởng đầu tiên
giải thích giáo lý Ðại thừa; Thánh Thiên Đề Bà (Arya Deva), Ngài Vô
Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu).... là những vị Viện trưởng kế
tiếp lãnh đạo Na Lan Đà. Rồi đến Ngài Trần Na (Dinnaga), Ngài Pháp Hộ
(Dharmapala) và Ngài Giới Hiền (Silabhadra), là vị Viện trưởng 120 tuổi,
một vị đại học giả cũng là một bậc thạc đức vào thời Ngài Huyền Trang
đang du học tại trường đại học này.
Tường thành và cầu thang phế tích Na Lan Đà
Ảnh: Tâm Bửu
Theo các nguồn tài
liệu, đương thời Na Lan Đà có khoảng 3000 giáo sư, trên dưới 10.000 sinh
viên lưu trú tu học thường xuyên. Mặc dù số lượng đông như thế nhưng
không phải ai cũng có thể được vào học tự nhiên mà phải trải qua chế độ
tuyển sinh nơi đây cực kỳ khó khăn, phải được khảo hạch kinh luật một
cách gắt gao, sinh viên ngoại quốc phải được gạn hỏi qua nhiều cuộc trắc
nghiệm, biện luận trôi chảy và đặc biệt là phải chứng tỏ được biệt tài
của mình, vì vậy số lượng trúng tuyển chỉ đạt một cách hạn chế khoảng
2/10. Do đó, Na Lan Đà trở thành niềm mơ ước của hầu hết các sinh viên
trong cũng như ngoài nước. Vì đào tạo theo đường lối Phật giáo, nên
những sinh viên trúng tuyển được học miễn phí mà không cần phải trả bất
cứ một loại chi phí nào, nhờ có sự bảo hộ chính của các đời vua chúa
sùng tín Phật giáo và sự phát tâm cúng dường của dân chúng trên 200 làng
gần xa.
Ngoài những danh tăng bản địa xuất thân từ trường
này, còn có nhiều danh tăng ngoại quốc, tài ba xuất chúng phải được nhắc
đến như: Ngài Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Thi Hộ, Pháp Thiên ...Và
các bản kinh, luật, luận Trung Quốc mà chúng ta ảnh hưởng hiện nay, phần
lớn là bản dịch do các vị cao tăng xuất thân từ trường này mang về.
Kể từ sau những cuộc xâm lăng và tiêu diệt dị giáo
của quân Hồi do tướng Mohammad Bin Bakhtiyar
Khalji chỉ huy, trường
đại học Na Lan Đà cùng chung một số phận. Số giáo sư và sinh viên tăng
sĩ bị sát hại khoảng 10.000 người. Một số nhà sư sống sót còn lại phải
chạy sang Nepal và Tây Tạng để lánh nạn. Thư viện Na Lan Đà là kho chứa
kinh thư tập hợp trên 9 triệu bản kinh văn của các nền văn minh, triết
học, văn hoá, tôn giáo cổ kim trên thế giới và cả các bản sớ giải của
Phật giáo ....được xem như là Đại dương báu vật, đã bị bọn vô lại hiếu
sát Hồi giáo thiêu
trụi. Như vậy, nhân loại chúng ta vĩnh viễn
mất đi cơ hội quý hiếm để đọc những tác phẩm vô giá được lưu giữ tại thư
viện của trường đại học này. Sự điêu tàn và đổ máu của trường đại học
cũng có phần trùng hợp với điềm báo trước như lời huyền ký được ghi
trong Đại Đường Tây Vực Ký của Ngài Huyền Trang như sau: “Từ
thành Vương Xá đi về phía Bắc độ 30 lý là Tăng già lam Na Lan Đà. Theo
truyền thuyết thì về phía Nam của tu viện này là một cái hồ nước. Nơi đó
có một con rồng tên Na Lan Đà. Người ta đã xây một ngôi chùa bên bờ hồ
và lấy tên con rồng đặt cho tên cho tự viện. Chỗ này ngày xưa là vườn
xoài do 500 vị thương gia đã mua đến mười triệu tiền vàng để cúng dường
cho một vị Bồ Tát. Sau khi Bồ Tát nhập diệt, một vị vua thời xa xưa của
nơi này tên là Sakraditya đã cho xây dựng một ngôi già lam. Tuy nhiên,
trong khi khởi công Ông đã vô tình làm bị thương một con rắn chúa. Lúc
đó một nhà tiên tri Ni Kiền Tử đã tiên đoán rằng khoảng 1.000 năm sau,
nơi này sẽ là một địa điểm phát triển cùng cực. Những hàng Tăng sinh tại
đây sẽ thành đạt vẻ vang, tuy nhiên, vì lời thề của con rắn chúa mà máu
của nhiều người sẽ đổ ra tại đây”. Như vậy sự suy tàn của Na lan Đà đã
được dự đoán trước của các nhà tiên tri, hay đó là một quy luật mà đức
Phật dạy, mọi vật ở đời không có cái gì bền chắc mãi mãi, hết thạnh rồi
suy, sanh trụ dị diệt, không có một bàn tay thần thánh nào có thể chống
lại được với quy luật ấy.
Mặc dù đã bị sự phá huỷ của đoàn quân Hồi giáo, và
hằng bao thế kỷ bị vùi lấp trong sự lãng quên nhưng những bức tường gạch
đổ nát ở Na Lan Đà vẫn còn toát lên được vẻ hùng tráng nguy nga của thời
vàng son Phật giáo, vẫn thể hiện được tính bất hủ của chân lý không bị
phai mờ theo năm tháng, dù hiện tại chỉ còn vang trong ký ức và sự nuối
tiếc của hàng trí giả và những người có thiện chí đối với Phật giáo nói
riêng và văn hoá nhân loại nói chung.
Hiện trạng của Na Lan Đà là những bức tường thành
nghiêng đổ liên kết nhau rất dầy trong một chu vi đã được khai quật
khoảng 10 hecta đất. Chúng ta vào bên trong bằng một cổng tương đối rộng
khoảng 4m và được xác định là cổng chính của trường đại học ngày xưa.
Các tài liệu khảo cổ cho rằng, các dãy phòng tu viện trung bình khoảng 4
tầng, bởi bị vùi lấp sâu trong lòng đất và bị phá hủy nên chúng ta chỉ
nhìn thấy khoảng 1 – 2 tầng, mỗi tầng đều có cống rãnh và lỗ thoát nước
rất tốt nên không khi nào bị đọng nước cả. Tổng cộng khu đại học Na Lan
Đà có 11 tu viện nối tiếp nhau và 5 chánh điện đủ để cho toàn thể sinh
viên lưu trú và mọi thứ sinh hoạt lễ nghi khác...Mỗi tu viện có chiều
dài khoảng 500 m, chiều ngang khoảng 250m, hầu hết có kiến trúc giống
nhau: phòng dành cho giáo thọ sư, phòng thọ trai, khu nhà trù, giếng
nước, phòng đôi cho tân sinh viên, phòng đơn dành cho cựu sinh viên, khu
nhà vệ sinh, chính giữa là giảng đường.... Nhìn chung, mọi tiện nghi cho
việc sinh hoạt tại khu Na Lan Đà rất tốt, chủ yếu nhằm đáp ứng cho một
mục đích duy nhất là giáo dục mà thôi. Trong khuôn viên phế tích Na Lan
Đà chúng ta thấy những cái hốc nhỏ thờ Phật đôi khi có những bức tượng
chỉ còn bàn tọa, hoặc chỉ là dáng dấp đức Phật tọa thiền được kết nối từ
những miếng gạch nung cũ mục in trên vách. Bên cạnh đó chúng ta còn thấy
kiến trúc hoa văn bằng những hình tượng Phật nho nhỏ trông rất xinh xắn
và dễ thương còn sót lại trên một vài bức tường hay đầu cột cũ. Có những
bức tường đang bị xói mòn và sụt lở, ban bảo vệ cũng xây thêm những bức
tường phụ để chống đỡ. Càng đi tham quan nhiều nơi trong khu phế tích
này, chúng ta càng ngưỡng mộ và tiếc nuối
cho một trường đại học
quy mô từ cơ sở vật chất đến nội dung đào tạo, mà không dễ gì tìm thấy ở
bất cứ một quốc gia nào trên thế giới trong thời trung cổ. Mặc dù đại
học Na Lan Đà được chính phủ xây dựng lại vào tháng 11 năm 1951, do
Ngài J. Kashyap
đề xướng, cách khu phế tích Na Lan Đà khoảng 2 km, là viện nghiên cứu
ngữ học Pāli và Phật học cho các sinh viên từ khắp nơi trên thế giới,
nhưng nó chỉ là danh nghĩa, không phản ánh được uy thế và uy mô của Na
Lan Đà ngày xưa. Tuy nhiên, chính nơi đây đã đào tạo ra một số danh Tăng
Việt Nam thời cận đại như Hoà thượng Minh Châu, người được chính phủ Ấn
Độ mời dạy về Pāli và đạo Phật, Hoà thượng Huyền Vi, Hoà thượng Thiện
Châu ....
3. Tháp tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta)
Tháp tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta).
Ảnh: Tâm Bửu
Từ cổng chính đi vào phía tay trái, chúng ta thấy có
một nền tháp rất cao lớn đó là tháp của tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta),
một vị thánh đệ tử trí tuệ đệ nhất trong mười đệ tử đặc trưng của Phật,
được Unesco liệt vào di sản thế giới. Tương truyền rằng, tháp này xây
dựng ngay trên nền nhà của Ngài, để kỷ niệm nơi Ngài đã sanh ra và từ
giã cõi đời. Kiến trúc ngôi tháp này rất đặc biệt, hầu như không giống
với bất cứ một kiến trúc nào trong các thánh tích Phật giáo. Xung quanh
có nhiều ngôi tháp nhỏ tạo nên một quần thể tháp rất kỳ đặc trong khu Na
Lan Đà (Nālandā). Tháp này được trùng tu ít nhất là bảy lần, bắt đầu từ
thời vua A Dục (Asoka). Hiện nay chúng ta chỉ thấy nhiều đường ngang kẻ
dọc, nhiều chỗ lồi lõm, thật khó xác định được kiểu dáng hình vuông hay
tròn, một số vị nghiên cứu thì cho là hình tròn, trên thực tế thì chân
nền tháp là nền gạch vuông. Xung quanh đại tháp có nhiều bức ảnh phù
điêu mô tả các sự kiện trọng đại trong đời đức Phật. Dù thế nào chúng ta
cũng còn có một chút kỷ niệm về bậc thánh giả, một bậc đại trí đã một
thời lừng lẫy và uy nghiêm trong giáo đoàn 1250 vị A La Hán vẫn còn được
nhắc đến với lòng kính trọng và ngưỡng mộ của người con Phật chúng ta và
với những ai nghiên cứu Phật giáo.
Cổng ngoài khu tưởng
niệm Ngài Huyền Trang Ảnh: Tâm Bửu
Trên đường đến
Linh Thứu sơn thuộc thành Vương Xá, nay là
Rajgir, cách trường đại học Na Lan Đà khoảng 1500 m, đoàn chúng
tôi có viếng thăm nhà kỷ niệm Ngài Huyền Trang (Huyền Trang Kỷ Niệm
Đường) mặc dù ngoài trời mưa vẫn còn nặng hạt. Huyền Trang là tên của
một vị cao tăng Trung Quốc: Trần Huyền Trang, thuộc triều đại nhà Đường.
Với tài năng xuất chúng, thông minh đỉnh ngộ, vì không thỏa mãn sự nhận
thức của mình trong kho tàng kinh sách nội quốc mà nhất là kiến thức
Phật giáo nên Ngài quyết định sang Thiên Trúc tức Ấn Độ, để tham học
kinh luật. Vào thế kỷ thứ VII, năm 629, Ngài Huyền Trang khởi hành qua
Ấn Độ để tham học tam tạng kinh điển. Trải qua
16 năm du học trên xứ Ấn, Ngài đã từng
tham học tại Na Lan Đà (Nālandā) và được mời giảng dạy khoảng 5 năm.
Ngài được học Duy Thức với đại sư Giới Hiền (Silabhabra),
hiệu trưởng trường này thời bấy giờ đã 120 tuổi. Chính vì niềm đam mê
Duy Thức nên sau khi hồi hương Ngài đã thành lập Tông Pháp Tướng để xiển
dương tinh thần “tùng tướng nhập tánh” của Duy Thức, và được xem như là
sơ tổ tông Pháp Tướng tại Trung Hoa.
Ngài đã để
lại trong lòng vua chúa cũng như chư tăng Thiên Trúc một ấn tượng về một
nhân cách đặc thù và trí tuệ siêu việt, một đức hạnh sáng ngời không chỉ
đương thời mà còn lưu danh mãi cho đến ngàn sau. Do đó, chính phủ Ấn Độ
đã chấp thuận xây dựng nhà tưởng niệm Ngài theo kiến trúc Trung Hoa. Mặc
dù chỉ với danh xưng khiêm tốn Kỷ Niệm Đường nhưng thực tế được thiết kế
hết sức trang nhã, hoành tráng, mới nghe qua chúng ta không thể nào hình
dung được hết vẻ uy nghi của nó, cho nên chúng ta có thể gọi là Huyền
Trang Kỷ Niệm Đền thì mới tương xứng với tầm vóc của nó. Sau khi qua
cổng chính nhìn vào chu vi khoảng 2 hecta đất, chúng ta thấy một lối đi
thẳng tắp, khoảng giữa lối đi có tạc tượng của một vị hành cước Trung
Hoa trên vai mang hành lý, kinh thư, tay cầm phất trần, đầu đội nón rộng
vành, chân di hài cỏ, phía dưới có tấm bia giới thiệu tóm tắt tiểu sử
của Ngài Huyền Trang. Xung quanh hoa cỏ được chăm sóc, cắt tỉa đẹp đẽ.
Bên tay phải cách 50 m có một tấm bia tưởng niệm Ngài Huyền Trang rất
lớn bằng đá quý, tay trái đối xứng cũng có ngôi tháp tương xứng, giữa
tháp có đặt một đại hồng chung rất to theo kiểu dáng Trung Hoa. Khi vừa
bước vào bên trong cổng chính được nghe một tiếng chông ngân dài do
người trực ở đó đóng, làm chúng tôi có cảm giác như mình vừa đến một
ngôi đại tự của Việt Nam hay Trung Hoa. Trước khi vào ngôi nhà chính tôn
thờ Ngài Huyền Trang chúng ta phải đi qua một cái sân rộng. Ngôi nhà
chính được kiến trúc theo mái cong nối dài nằm ngang hình chữ nhật,
giống như các ngôi chùa cổ Việt Nam, có hoa văn uốn lượn theo chót mái
và các chỗ cần thiết. Chính diện ngôi nhà có thờ tượng cốt của Ngài
Huyền Trang. Phía trước có trang hoàng đủ phương tiện nghi lễ như:
chuông, mõ, khánh và một quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa chữ Hán.
Xung quanh tường có rất nhiều hoa văn và những bức phù điêu, đặc biệt
hầu hết các bức phù điêu được khắc chạm mô tả về cuộc đời của Ngài Huyền
Trang từ Trung Quốc đến Ấn Độ, diễn tả lại quá trình Ngài tu học với ai,
từng làm gì và công đức đóng góp cho Phật giáo của Ngài ra sao...
Quỳ trước dung
nghi của bậc cao tăng chúng ta thấy mình quá nhỏ bé, còn nhiều dở tệ,
mình chưa đóng góp được gì cho Phật pháp, lòng cảm thấy ngậm ngùi cho
tâm trí của hạng phàm phu thời Mạt không thể bì với các bậc cao tăng
thạc đức tiền bối. Đó cũng chính là động lực để khích lệ mình phải phấn
đấu nhiều hơn nữa, phải phát tâm dõng mãnh, phải hết lòng vì đạo, vì
chúng sanh thì mới sánh được công đức của quý ngài trong muôn một.
Rời Huyền Trang
Kỷ Niệm Đường, trong lòng vẫn thầm phục một bậc cao tăng siêu phàm thoát
tục, một cái tên nghe sao mà thánh thoát, êm dịu, chan hoà trong tình
đạo tình đời. Tôi mỉm cười vì trong cõi lòng bỗng vọng lên hai chữ Huyền
Trang, Huyền Trang với bao niềm xúc động trào dâng!
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/phatquoc_kysu9.htm