Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Bản hợp đồng lạ lùng ở Cannes 2006
Cẩm Vinh

 

Khung cảnh Làng Mai tại Le Pey Thenac (tây nam nước Pháp)

TTCT - 1. Ở Liên hoan phim Cannes ngày 23-5 có một sự kiện đặc biệt: vị thiền sư Thích Nhất Hạnh và các đệ tử của ngài xuất hiện giữa đám đông các nghệ sĩ điện ảnh.

Hóa ra, vị thiền sư và tăng đoàn Làng Mai được mời đến Cannes để ký hợp đồng với nhà tỉ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi, theo đó cho phép tác phẩm Đường xưa mây trắng (*) của thiền sư được dựng thành phim.

Theo tờ Hollywood Reporter, đây là lần làm phim đầu tiên của doanh nhân ngành truyền thông người Ấn có tài sản 2,4 tỉ USD đang sở hữu một hý viện gồm tám màn ảnh ở Bắc Ấn Độ. Nội dung cuốn phim nói tiếng Anh này dựa theo tác phẩm Đường xưa mây trắng, viết về cuộc đời của đức Phật Thích Ca.

Ông Modi vẫn ôm ấp giấc mộng làm phim về cuộc đời đức Phật từ nhiều năm nay. Ông từng nhận được nhiều bản thảo của các nhà Phật học viết về cuộc đời đức Phật, nhưng duyên lành mới đến cách đây hai năm, khi ông Modi được đọc Đường xưa mây trắng bằng tiếng Hindu.

Ông Modi nói với phóng viên tờ Hollywood Reporter: “Tôi tìm được cuốn Đường xưa mây trắng từ hai năm nay, cuốn sách đã thay đổi đời tôi và nay tới lượt tôi phải chia sẻ hạnh phúc với thế giới”. Kinh phí làm phim dự trù 120 triệu USD, con số phá kỷ lục về đầu tư cho sản xuất một bộ phim ở Ấn Độ. Nhà sản xuất phim Michen Shane bày tỏ: “Chúng tôi mong đợi phim này sẽ là một anh hùng ca cho các thời đại, như phim Lawrence of Arabia cộng với Gladiator”. 

Phim sẽ được chính thức bấm máy vào ngày 11-9-2006 và sẽ quay tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ với sự tham gia của các diễn viên thượng thặng trong làng điện ảnh quốc tế.

2. Xin trích dẫn cuộc thương thảo hiếm có trong lịch sử điện ảnh thế giới theo tường thuật của Hollywood Reporter: “Doanh gia truyền thông, tỉ phú người Ấn hỏi tác giả Đường xưa mây trắng:

- Xin thầy cho biết tôi phải trả bao nhiêu tiền cho tác quyền?

- Tôi xin được hiến tặng tác phẩm này và không lấy của quí vị một đồng xu. Tôi chỉ muốn những người làm phim, các nhà viết kịch bản, nghệ sĩ, diễn viên, nhà tài trợ, nhà sản xuất cùng chung sống với nhau tại Làng Mai một thời gian để có đủ điều kiện lột tả hết tuệ giác của đức Phật qua nghệ thuật điện ảnh.

Đó là món quà chúng ta sẽ hiến tặng cho thế hệ tương lai, là thông điệp của tình thương và sự hiểu biết. Giúp cho người trẻ đủ sức vượt qua những hận thù, bạo động, hiểu lầm... và chung sống với nhau trong tình huynh đệ. Trong tương lai, sau khi phát hành, nếu phim có lời, tôi chỉ xin 1% tiền lời đó để hiến tặng trẻ em nghèo khổ tại Ấn Độ mà thôi.

Tình thương và tuệ giác của thiền sư Nhất Hạnh đã làm mềm trái tim của nhà doanh nghiệp, ông Modi tiếp lời thiền sư:

- Thưa thầy, vậy thì phần tôi, tôi sẽ hiến 1% cho trẻ em nghèo khổ ngoài nước Ấn Độ chúng tôi...(ngập ngừng, xúc động) như tại VN chẳng hạn. Thế là bản hợp đồng “bất bình thường” đã được hoàn tất hôm thứ ba 23-5-2006 tại LHP Cannes”.

CẨM VINH

(*) Xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Việt năm 1988, sau đó được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác, Đường xưa mây trắng từng là sách bestseller tại nhiều nước ở Bắc Mỹ, Á, Âu.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/phim_Phat3_hopdong.htm

 


Vào mạng: 18-6-2006

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang