|
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - tác giả “Đường xưa mây trắng” - Ảnh:
Làng Mai |
Đức Phật và giáo lý của ngài, cũng như nhiều truyền thống Phật giáo
khác, không còn trở nên xa lạ với người dân phương Tây. Và sự lớn mạnh
của những đề tài phim Phật giáo ở đây đang hứa hẹn những tín hiệu đầu tư
đúng tầm vóc.
Kể từ khi nhà đạo diễn Ý, Bernado Bertolucci, cho ra đời phim “Vị
tiểu Phật” (Little Buddha) đến nay, điện ảnh, truyền hình phương
Tây, đặc biệt là Hollywood đã và đang tiếp tục vào cuộc với những dự án
lớn hơn.
Theo hãng Thông tấn Đức Deutsche Presse-Agentu, báo Indie Wire,
Hollywood Reporter và các trung tâm điện ảnh nổi tiếng khác, tỷ phú
người Ấn Độ, ông Bhupendra Kumar Modi, sau nhiều năm thao thức, đã tài
trợ khoảng 120 triệu đô-la để làm một bộ phim về cuộc đời Đức Phật, dựa
theo tác phẩm "Đường xưa mây trắng" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ngày 23-5-2006, tại Đại hội Điện ảnh Cannes (Pháp), Ban tổ chức đã đón
phái đoàn Phật giáo do Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đầu tới tham dự đại
hội và ký hợp đồng đặc biệt, cũng như họp báo công bố dự án làm phim
trên.
Tác giả Đường xưa mây trắng sẽ không nhận tiền bản quyền mà chỉ
có một mong ước (có lẽ duy nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới): từ nhà
tài trợ, đến giám đốc sản xuất, nhà đạo diễn, người viết phim, quay phim,
phân cảnh cho tới các tài tử… nên tham dự một khóa tu tập cùng Thiền sư
và Tăng thân làng Mai.
Mong ước của Thiền sư là tất cả những người tham gia vào bộ phim có thể
đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười trong chánh niệm và đạt được những trạng
thái của yêu thương và hiểu biết. Như vậy, khi đóng vai Đức Phật hay các
nhân vật chung quanh Ngài, các tài tử có thể thực hiện “vai diễn” của
mình như những người có uy nghi, chánh niệm tỉnh giác và lòng từ ái thực
sự. Nhà tài trợ Modi đã rất đồng ý với Thiền sư về điểm này
Đường xưa mây trắng bản tiếng Việt đến với bạn đọc vào năm
1988, đến nay, tác phẩm này đã được dịch ra bằng hơn 20 ngôn ngữ khác
nhau và nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại châu Âu, Bắc
Mỹ và nhiều nuớc châu Á khác.
Tờ báo chuyên điểm sách Library Journal viết: “Đó là cuốn sách
mà tác giả viết bằng trái tim. Với các nguồn tài liệu quan trọng (tiếng
Phạn, tiếng Hán), và với văn phong mới mẻ đầy chất thơ, cuốn sách kể về
cuộc đời Đức Phật sẽ làm say mê mọi tầng lớp độc giả”.
Nhà phê bình Paul Williams (Mỹ), trong bài giới thiệu những cuốn sách
hàng đầu của thế kỷ XX, đã kể tên cuốn Đường xưa mây trắng vào
hàng 12 trong số 40 cuốn. Ông viết: “Suốt tác phẩm là một thiên anh hùng
ca tỏ bày lòng ngưỡng mộ chân thành trước một lối sống đầy những hành vi
và mục đích cao cả. Đọc xong cuốn sách, tôi cảm thấy bị thu hút mãnh
liệt bởi nhân cách vĩ đại của Đức Phật…”.
Nhà tài trợ bộ phim, ông Modi nói: “Tôi muốn làm bộ phim về cuộc đời Đức
Phật từ nhiều năm rồi. Nhưng tôi mới khám phá ra cuốn sách ấy gần 2 năm
nay, ở đó có những hình ảnh giản dị về cuộc đời của Đức Phật, như một
liều thuốc để xoa dịu nỗi khổ đau trong khi cuộc sống của nhân loại vẫn
đang bị xé nát bởi chiến tranh và khủng bố. Đường xưa mây trắng
đã thay đổi cuộc đời tôi, và tôi cảm thấy cần phải chia sẻ hạnh phúc của
mình với mọi người trên thế giới”.
Michel Shane, một trong những nhà sản xuất bộ phim này nói: “Cuộc đời
Đức Phật đầy cảm hứng và là câu chuyện tuyệt vời cần được kể lại. Chúng
tôi mong đợi bộ phim này sẽ trở thành bản anh hùng ca cho các thời đại”.
Theo các hãng tin trên cho biết, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ được mời làm cố
vấn cho bộ phim này. Ngoài chi phí khổng lồ 120 triệu đô-la, bộ phim sẽ
được thực hiện bởi nhà đạo diễn phim lừng danh Michel Shane và Anthony
Romano, giám đốc sản xuất Shekhar Kapur, âm thanh gia nổi tiếng A. R
Rhaman, cùng với các tài tử điện ảnh thượng thặng được mời đóng các vai
chính.
Tháng 11 sắp tới, đoàn làm phim sẽ thực hiện cảnh quay thử tại 5 quốc
gia: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Được biết, cuốn phim
này nhắm vào đối tượng khán giả từ 15 đến 25 tuổi.
Mọi người đang hy vọng bộ phim về cuộc đời Đức Phật sẽ được chọn để khai
mạc Đại hội Điện ảnh Cannes vào năm 2008 và công chiếu rộng khắp trên
toàn thế giới.
Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/