- Sự truyền bá đạo Phật
tại Tây phương :
- một cuộc
Chuyển Pháp luân mới ?
- Trịnh Nguyên Phước
Đứng trước thềm thế kỷ
XXI, chúng tôi có một vài giả thuyết có lẽ hơi táo bạo và khiêu khích
về chiều hướng phát triển của đạo Phật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy
nên đưa chúng lên diễn đàn như một đề tài mới để cùng nhau suy nghĩ
và thảo luận.
Những giả thuyết này có thể tóm
tắt trong bốn điểm :
1) Sự gặp gỡ giữa đạo Phật
và Tây phương là một điều bổ ích, không riêng cho Tây phương mà cho
cả thế giới. Hơn nữa, sự phát triển của đạo Phật tại Tây phương
là một dịp may lớn đối với đạo Phật, nó sẽ mang lại cho đạo Phật
nguồn sinh khí cần thiết. Đó có thể là một cuộc Chuyển Pháp luân mới.
2) Đạo Phật sẽ dần dần thoát
khỏi hình thức tôn giáo, tín ngưỡng, và sẽ tồn tại lâu dài dưới
hình thức một con đường tâm linh thế tục và phổ biến (spiritualité
laique et universelle), mở rộng cho tất cả mọi người, thuộc những truyền
thống, văn hóa khác nhau.
3) Tương lai của đạo Phật không
còn nằm ở Đông phương, mà là ở Tây phương. Đạo Phật Tây phương
sẽ là đầu tầu cho sự chấn hưng của đạo Phật, qua những đổi thay tất
yếu đưa tới bởi những điều kiện xã hội kinh tế, khoa học kỹ thuật
mới, bắt nguồn từ Tây phương.
4) Phật giáo Việt Nam phải dựa
theo kinh nghiệm của đạo Phật Tây phương, nếu muốn tự canh tân, hiện
đại hóa, để thích hợp với thời đại. Dù muốn hay không, đạo Phật
Việt Nam cũng không thoát khỏi định luật toàn cầu hóa (mondialisation),
và sẽ bắt buộc phải tiến hóa theo chiều hướng thế giới, tức là chiều
hướng Tây phương.
Những giả thuyết đó dựa lên những
lập luận sau đây, mà chúng tôi xin phép được trình bầy :
Đối với nhà sử học văn minh
Arnold Toynbee, "Sự kiện có ý nghĩa nhất của thế kỷ XX là sự gặp
gỡ giữa đạo Phật và Tây phương"("L'évènement le plus significatif
du XXè siècle est la rencontre du bouddhisme et de l'Occident").
Sự đánh giá đó đã được chứng
minh một cách hùng hồn bởi sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật tại
các nước Âu, Mỹ và Úc châu, trong mấy thập niên vừa qua.
Sự phát triển này không phải chỉ
thể hiện trên bề mặt, qua các phim ảnh báo chí (hiện tượng được gọi
là "Buddhamania"), mà còn thâm nhập xã hội Tây phương trong chiều
sâu, qua sự phổ biến rộng rãi kinh sách, sự thành lập của hàng ngàn tự
viện, thiền thất, sự tổ chức những khóa tu học Phật mỗi ngày một
thêm đông đảo. Trong nhiều nước Tây phương, đạo Phật đã trở thành
tôn giáo thứ ba, sau Ky Tô giáo và Hồi giáo.
Vậy thì, từ lưu vực sông Hằng,
sau khi được truyền bá về hướng Nam vào thế kỷ thứ III trước CN dưới
hình thức Nguyên Thủy, về hướng Đông vào thế kỷ thứ I dưới hình thức
Đại Thừa, về hướng Bắc vào thế kỷ thứ VII dưới hình thức Kim Cương
Thừa, phải chăng Phật pháp đang được truyền bá về hướng Tây vào thế
kỷ XX, dưới hình thức tạm gọi là Tây Phương Thừa ?
Phải chăng sự truyền bá Phật
pháp về hướng Tây này là một cuộc Chuyển Pháp luân mới?
Những câu hỏi này lại kéo thêm
ba câu hỏi nữa :
1. Đạo Phật Tây phương có những
điểm gì khác biệt so với đạo Phật Đông phương ?
2. Đạo Phật Tây phương đã đóng
góp được những gì, và có thể nào mang lại một nguồn sinh khí mới cho
Phật giáo thế giới ?
3. Phật giáo Việt Nam có thể nào
dựa lên kinh nghiệm của đạo Phật Tây phương, để tự mình canh tân, hiện
đại hóa, thích hợp với thời đại ?
Nhìn qua những thể hiện đầu tiên
của sự gặp gỡ giữa đạo Phật và Tây phương, chúng ta có thể đưa ra
một vài nhận xét :
a) Những biến chuyển xẩy ra trên
thế giới vào cuối thế kỷ XX cho thấy rằng câu khẳng định của
Rudyard Kipling "Đông là Đông, và Tây là Tây, hai bên sẽ không bao giờ
gặp nhau" đã tỏ ra hoàn toàn sai lầm. Nhờ những tiến bộ không
ngừng của kỹ thuật truyền thông và vận chuyển, sự giao lưu văn hóa
giữa Đông và Tây đã trở thành mỗi ngày một thêm phong phú và mau lẹ.
Và không riêng những thành quả tốt
đẹp, mà ngay cả những khía cạnh tiêu cực của xã hội (như phá hủy
môi trường, bệnh do HIV, ma túy, bạo động, stress, sự suy đồi của đạo
đức, v.v.) cũng lan tràn khắp nơi. Đó là hiện tượng toàn cầu hóa
(mondialisation), một hiện tượng phù hợp với lý nhân duyên, tương hữu của
đạo Phật.
b) Khi truyền đạt tới Tây phương,
đạo Phật lần đầu tiên đối chiếu với khoa học, kỹ thuật, là
tinh hoa của nền văn minh Tây phương, phát xuất từ nền văn minh cổ Hy Lạp,
trong đó có cả khoa học tâm thần.
Đạo Phật cũng đối chiếu với
các tôn giáo thần khải, đặc biệt Ky Tô giáo, trên lãnh thổ truyền
thống của họ, nơi họ đã trị vì trong mười mấy thế kỷ.
Tại đây, và không phải chỉ tại
đây, đạo Phật cũng đối chiếu với nền văn minh vật chất cực
thịnh, với kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản, khuynh hướng tiêu thụ
và hưởng thụ đang lan tràn thế giới.
Thật ra, thử thách lớn nhất đối
với đạo Phật ngày hôm nay không phải là đối chiếu với khoa học, bởi
vì trong bản chất đạo Phật và khoa học phù hợp với nhau, bổ túc cho
nhau, và sự trao đổi giữa hai bên chỉ mang lại lợi ích cho nhau.
Cũng không phải là đối chiếu với
các tôn giáo thần khải, bởi vì dù muốn dù không xã hội cũng đã đi về
chiều hướng mất thiêng liêng (désacralisation), không thể nào đi ngược lại,
và khuynh hướng chung là mở rộng cuộc đối thoại giữa các tôn giáo lớn,
qua tiếng nói của các nhà đại diện ôn hòa mỗi bên. Tuy rằng trên thế
giới vẫn còn những cuộc chiến tranh tôn giáo giữa các giáo đồ quá
khích, nhưng đó chỉ là những hiện tượng lỗi thời sẽ bắt buộc phải
lùi dần trong bóng tối.
Thử thách lớn nhất đối với đạo
Phật là sự đối chiếu với nền văn minh vật chất đang lan tràn mọi nơi,
song song với sự phát triển kinh tế, làm cho cuộc sống con người mỗi ngày
một đầy đủ hơn về vật chất nhưng trống trải hơn về tinh thần. Điều
ngược đời là trong khi Tây phương, là cái nôi của nền văn minh vật chất,
đang đi tìm một lối thoát cho ngõ cụt mình gặp phải, bằng cách hướng
về các truyền thống tâm linh của Đông phương, thì chính Đông phương, là
cái nôi của các truyền thống tâm linh đó, lại lao mình theo mô hình tranh
đua vật chất của Tây phương.
Thật ra vấn đề không đơn giản,
bởi vì con người hiện đại vừa muốn nắm giữ những thành tựu khoa học
và tiện nghi vật chất, vừa ước vọng một cuộc sống tâm linh trọn vẹn
và thanh cao. Có thể nào dung hòa được hai khía cạnh đó, trong đời sống
cá nhân cũng như xã hội ? Đó là một câu hỏi lớn đặt ra cho tương lai
nhân loại nói chung và cho đạo Phật nói riêng.
Trở về hai câu hỏi đầu tiên, đạo
Phật Tây phương có những điểm gì khác biệt so với đạo Phật Đông phương
? đạo Phật Tây phương đã đóng góp được những gì cho Phật giáo thế
giới, và có thể nào mang lại một nguồn sinh khí mới ?, chúng ta có thể
đưa ra vài nhận xét :
1) Nhờ sống quen trong truyền thống
khoa học, cho nên người Tây phương thường nghiên cứu mọi đề tài,
ngay cả về tôn giáo, với tinh thần khoa học, phê phán, và luôn luôn sẵn
sàng đặt lại vấn đề.
Phật học đã trở thành một
ngành chuyên môn được giảng dậy trong các trường Đại học lớn trên
thế giới, và đã có nhiều công trình nghiên cứu Phật học nghiêm chỉnh
và có giá trị phát xuất từ đây, cũng như từ các Phật học viện, các
Hội Phật học Tây phương.
Nhờ những phương pháp truyền
thông dồi dào, qua sách báo và các phương tiện viễn thông, Tây phương đã
đóng góp một phần rất lớn, nếu không muốn nói là hàng đầu, trong việc
truyền bá đạo Phật. Ngay cả trong giới Phật tử Việt Nam, nhiều người
cũng phải công nhận rằng họ đã học hỏi được về đạo Phật ở các
sách báo Tây phương (như những tác phẩm của T.W. Rhys Davids, P. Carus, E.
Conze, A. Watts, C. Humphreys, P. Demiéville, E. Lamotte, A. Bareau, Nyanatiloka, H.
Dumoulin, A. Govinda, W. Rahula, H.W. Schumann, T. Cleary, R. Gombrich, H. Bechert, J.
Blofeld, v.v.) một cách đầy đủ và rõ ràng hơn là ở các sách báo Việt
Nam.
Như vậy, sự đóng góp của ngành
Phật học Tây phương cho Phật giáo thế giới, từ gần một thế kỷ nay,
là một sự đóng góp rất lớn, không thể nào phủ nhận được.
Một điểm đáng lưu ý là, trong
khi tại các nước theo truyền thống Phật giáo, người Phật tử thường
mang nặng trong đầu óc những định kiến về đạo Phật như chén trà
đầy, thì ngược lại người Tây phương thường tới với đạo Phật
như một tờ giấy trắng, sẵn sàng tìm hiểu và đón nhận một
giáo lý hoàn toàn mới lạ so với những tôn giáo thần khải họ đã gặp
trước đây. Đó là một lợi điểm không nhỏ của họ khi đi tới với
đạo Phật.
2) Vì chiều hướng chung mất thiêng
liêng (désacralisation) của xã hội, cho nên đa số người Tây phương tới
với đạo Phật không phải như một tôn giáo, một tín ngưỡng, mà như
một con đường trí tuệ, một con đường giải thoát (gần với nghĩa
giải phóng, libération) tâm linh. Ngay cả những người tu theo Phật giáo
Tây Tạng (Kim Cương thừa) cũng phải công nhận rằng các hình thức nghi lễ,
các thần chú (mantra), ấn quyết (mudra), đồ hình (mandala), v.v. chỉ là những
phương tiện thiện xảo (upaya-kausala) có tác dụng vào tâm thần, hơn là
những hình thức tín ngưỡng. Nói chung, người Phật tử Tây phương đặt
nặng vào trí tuệ (prajna) hơn là vào đức tin. Họ cũng tin, nhưng đó là
sự tin tưởng (saddha) vào Chánh đạo, vào những vị thầy đã đi
trước, những người chỉ đường cho họ, chứ không phải là sự sùng
tín (bhakti), vào những vị thần linh, đầy những phép mầu cứu vớt họ.
Gần đây, những trao đổi giữa các
nhà khoa học tâm thần và các nhà lãnh đạo Phật giáo đã mở ra một
chân trời mới đầy hứa hẹn. Đó có thể là nền móng của một con đường
"tâm linh thế tục" cho nhân loại trong những thế kỷ tới, mà
trong đó đạo Phật sẽ đóng góp một phần quan trọng, theo lời của đức
Đạt Lai Lạt Ma.
3) Chính vì khuynh hướng "thế
tục hóa tâm linh", cho nên đạo Phật tại Tây phương chủ yếu là đạo
Phật của những người cư sĩ, những người Phật tử tại gia,
chứ không phải là của những nhà tu sĩ, là một đạo Phật nhập thế
chứ không phải một đạo Phật xuất thế. Dĩ nhiên đã có một số người
Tây phương xuất gia, thọ giới, gia nhập Tăng đoàn, sống như các Tỳ
kheo, Tỳ kheo ni Đông phương, nhưng số này không nhiều so với các Phật tử
tại gia. Phần lớn các Phật tử Tây phương chọn lựa tiếp tục sống
trong gia đình và xã hội.
4) Trong khi áp dụng đạo Phật vào
xã hội Tây phương với những đặc điểm của nó, người Phật tử Tây
phương bắt buộc phải sáng tạo, khế cơ, tìm ra những giải pháp
thích hợp cho các vấn đề của thời đại, theo tinh thần của đạo
Phật. Đối với họ, đó là một điều tự nhiên và tất nhiên, bởi vì
không thể nào tránh khỏi đổi thay và chọn lựa, trong khi áp dụng một
giáo lý cổ xưa, thuộc vào một nền văn minh xa lạ. Người Phật tử Đông
phương không dễ gì làm được như vậy, bởi vì những truyền thống và
thói quen ông cha để lại đã trở thành những gánh nặng khó lòng lay chuyển.
Vậy thì nguồn sinh khí mới
mà đạo Phật Tây phương có thể mang lại cho Phật giáo thế giới là một
cái nhìn mới về đạo Phật, và những kinh nghiệm mới, trong
khi áp dụng đạo Phật vào một cuộc sống mới.
Ngược lại, những bài học và những
kinh nghiệm tu chứng của các tu sĩ Đông phương, qua những truyền thống
ngàn năm, là những kho tàng vô cùng quí báu đối với các nhà Phật học,
khoa học và Phật tử Tây phương. Những kho tàng đó, nếu biết khai thác
đúng mức, sẽ giúp họ rất nhiều trên con đường nghiên cứu và tu tập.
Phật giáo Việt Nam có thể nào dựa
lên kinh nghiệm của đạo Phật Tây phương, để tự mình canh tân, hiện
đại hóa ? đó là câu hỏi thứ ba có thể đặt ra.
Chúng tôi sẽ không đề cập tới
vấn đề cơ chế và tổ chức, đã được bàn luận nhiều trong các bài
khác. Chúng tôi chỉ xin gợi lên 5 mục tiêu cho đạo Phật Việt Nam, phát
xuất từ những bài học kinh nghiệm của đạo Phật Tây phương :
1) Triệt để gạt bỏ mọi mê
tín dị đoan ra khỏi đạo Phật.
Đó là một trong những việc đầu
tiên phải làm ở Việt Nam, vì hai lý do : thứ nhất là để trả lại cho
đạo Phật sự thuần túy nguyên thủy của nó, thứ
hai là vì tinh thần khoa học. Giáo
Hội phải cương quyết dẹp bỏ tại các chùa chiền những việc bói
toán, lấy số Tử vi, xin quẻ, lên đồng, đốt vàng mã hay
chữa bệnh bằng bùa phép, là những
tập quán lạc hậu, không những không liên quan gì, mà còn đi ngược lại
với tinh thần của đạo Phật.
Về mặt lý thuyết, cũng phải bỏ
dần những điều huyền hoặc, phản khoa học trong đạo Phật, dù là đã
được ghi trong Kinh điển. Chẳng hạn như những khái niệm "cõi Trời",
"linh hồn", "ma quỷ", "địa ngục", v.v. hay những
hiện tượng siêu nhiên (ngoài những hiện tượng tâm linh chưa giải thích
được). Những điều huyền hoặc này không mang lại lợi ích gì, mà chỉ
gây hoang mang cho những người có học, và gây thêm hiểu lầm về đạo Phật.
Đạo Phật phải tích cực đóng
góp vào công cuộc mở mang dân trí, để hòa nhập dân tộc với nền văn
minh thế giới.
Bởi vì, như lời nhà bác học Mỹ
E.O. Wilson, "Ngày nay, sự cách biệt lớn nhất giữa những con người
không tới từ chủng tộc hay tôn giáo, cũng không phải từ sự biết đọc
hay không biết đọc, mà là hố sâu chia rẽ những nền văn hóa khoa học
và không khoa học"("Aujourd'hui, la plus grande division entre les hommes ne
vient pas des races ou des religions, ni même du fait de savoir lire ou pas, c'est l'abỵme
qui sépare les cultures scientifiques et les non-scientifiques") .
2) Nghiên cứu và phổ biến giáo
lý thuần túy của đạo Phật một cách nghiêm chỉnh.
Đó là một công trình cơ bản hết
sức quan trọng đã bắt đầu từ vài chục năm nay ở Việt Nam, với công
việc dịch thuật, in ấn và phát hành các kinh sách Nguyên thủy, như Tam Tạng
Kinh điển (Tipitaka) từ tiếng Pali sang tiếng Việt. Trong công việc nghiên
cứu, chúng ta phải áp dụng phương pháp khoa học, như đi tìm tài liệu tận
gốc khi muốn có những chỉ dẫn chính xác về một vấn đề (thay vì đi
vòng vo qua những bản sao chép, dịch thuật, đa số bằng chữ Hán), và
luôn luôn tìm cách dẫn chứng và kiểm chứng.
Những trao đổi rộng rãi với các
cơ quan Phật học thế giới sẽ mang lại cho ngành Phật học Việt Nam một
nguồn sinh khí mới, thoát khỏi triệu chứng "tháp ngà" hay "ếch
ngồi đáy giếng" gây nên bởi tình trạng bị cô lập, đóng cửa với
bên ngoài trong một thời gian khá lâu.
Tất cả những nỗ lực đó đều
nhằm tới thống nhất giáo lý căn bản, thuần túy của đạo Phật, để
phổ biến cho quần chúng một giáo lý sáng sủa, giản dị và dễ hiểu.
Giáo Hội phải tổ chức hoằng pháp một cách chặt chẽ hơn, bằng cách
tuyển lựa những giảng sư Phật học (tăng sĩ và cư sĩ) vững chãi về
giáo lý, đã được đào tạo tại các Phật học viện, các Trường Cao đẳng
Phật học, để tránh những hiện tượng thuyết giảng bừa bãi, sai lạc
bởi những kẻ hiểu ít, nói nhiều.
3) Phát triển các phương pháp tu
Phật như những phương pháp tu luyện tâm linh.
Nếu người Tây phương tới với
đạo Phật như một triết lý sống và một phương pháp tu luyện tâm linh,
thì người Việt Nam thường quan niệm đạo Phật
như một tôn giáo và một truyền
thống. Vì những lý do lịch sử văn hóa, đặc biệt là ảnh hưởng Trung
Hoa, cho nên Phật giáo Việt Nam, khởi thủy là theo trường phái Nguyên thủy
và Thiền tông, đã phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng Tịnh Độ.
Có thể nói rằng ngày nay đa số chùa chiền, đa số Phật tử Việt Nam tu
theo phương pháp Tịnh Độ, tụng niệm Kinh điển Đại thừa, tôn thờ chư
Phật chư Bồ Tát và lấy hạnh nguyện Bồ Tát làm chuẩn đích.
Dĩ nhiên, tất cả những pháp môn
đều là những phương tiện tu tập, phù hợp với mỗi người tùy theo căn
cơ của mình. Nhưng nếu trở về nguồn gốc của đạo Phật, là một con
đường tự giác, dựa lên sức mạnh của chính mình (tự lực), thì cũng
như lời dậy của đức Phật trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthana-sutta), tất cả
các phương pháp tu luyện tâm linh đều hướng về một điểm tức là niệm
(sati), là "con đường duy nhất" (ekayano maggo). Nhờ chánh niệm, con
người làm chủ được cái tâm của mình, giữ cho tâm an tịnh và tránh
được phiền não, khổ đau. Đó là căn bản của Thiền định, là
phương pháp ngắn gọn, trực tiếp nhất để đi tới giải thoát.
Một lý do nữa để phát triển mạnh
mẽ phương pháp Thiền định tại Việt Nam là tinh thần dân tộc. Một điều
hiển nhiên là thời đại huy hoàng nhất của đạo pháp và dân tộc
Việt Nam là thời đại Lý, Trần. Đó cũng là lúc mà Thiền tông Việt Nam
cực thịnh, với sự xuất hiện của một dòng Thiền duy nhất thuần túy
Việt Nam là dòng Trúc Lâm Yên Tử. Triển khai truyền thống tốt đẹp này
vừa là một điều khơi dậy niềm tự hào dân tộc, vừa phù hợp với thời
đại.
Nhưng phát triển Thiền không có
nghĩa là quên Kinh. Bởi vì, cũng như Thiền sư Thanh Từ đã nói : "Thiền
là tâm của Phật, Kinh là miệng của Phật. Đức Phật tâm miệng không
khác thì Thiền và Giáo làm sao tách rời được. Cho nên chúng tôi chủ trương
"Thiền, Giáo đồng hành"". Ở Việt Nam hiện nay có phong
trào "Thiền, Tịnh đồng tu" cũng không khác gì tinh thần đó.
Đạo Phật như một cây cổ thụ,
nhiều cành lá nhưng chung một thân cây. Nhìn cành lá thì thấy khác biệt
nhau, nhưng nhìn lại thân cây thì chỉ thấy
có một, đó là thân Bồ Đề
(bodhi) hay là "giác ngộ".
4) Áp dụng tinh thần bình đẳng
trong đạo Phật
Đạo Phật có thể gọi là đạo bình
đẳng nhất trên thế giới. Hơn hai chục thế kỷ trước "Bản Tuyên
cáo Thế giới về Nhân quyền" (1789), đức Phật đã bác bỏ những
khác biệt về tâm linh giữa những thế cấp (castes), và quan niệm rằng
con người ai ai cũng có "Phật tính" (tathagata-garbha), tiềm tàng
trong mỗi người, và có khả năng tự giải thoát. Từ một cư sĩ như Duy
Ma Cật (Vimalakirti) tới một chú bé bán củi không biết đọc, biết viết
như Huệ Năng, tất cả đều có khả năng giác ngộ. Tăng hay tục, già hay
trẻ, nam hay nữ, giỏi hay dốt, tất cả những đệ tử của Phật đều bình
đẳng trên mặt tâm linh.
Vậy thì tại sao đạo Phật lại
tiếp tục bị coi như một tôn giáo khinh rẻ phụ nữ, một tôn giáo
"macho" như bao nhiêu tôn giáo khác, tại sao địa vị của các Ni
cô và Ni sư lại quá thấp như vậy, so với các Tăng sĩ ? Đạo Phật Tây
phương dĩ nhiên không bao giờ chấp nhận những kỳ thị lỗi thời đó,
và Phật giáo Việt Nam cũng sẽ bắt buộc phải cải tổ trong chiều sâu
những quan hệ nam-nữ trong Tăng đoàn, để hòa nhập mình với thế
giới hiện đại.
Truyền thống kính trọng tăng sĩ
ở Việt Nam là một truyền thống tốt đẹp, nhưng cũng đồng thời là một
sự cản trở cho các cư sĩ muốn đóng góp tích cực vào công cuộc hiện
đại hóa đạo Phật, vì kính nể các tăng sĩ cho nên không dám lên tiếng
nói. Quan hệ tăng sĩ - cư sĩ đã từ lâu được coi như một quan hệ thầy
- trò (qua sự xưng hô Thầy - con, bất kể tuổi tác), trong khi đó trong nguồn
gốc, tăng sĩ và cư sĩ chỉ khác nhau vì một bên xuất gia và một bên tại
gia, tức là đã lựa chọn hai khung cảnh tu tập khác nhau. Nếu đặt sự kính
trọng nơi sự tu chứng, thì cũng có nhiều cư sĩ rất đáng kính trọng,
và có những tăng sĩ không đáng kính trọng một chút nào.
Hơn nữa, hình thức tôn sùng quá
đáng những tăng sĩ có chức vị hay "nổi tiếng, giảng hay" bằng
cách biếu xén, cúng dường tài của, có thể đưa tới sự kiện làm hư hỏng
một số tăng sĩ dễ lung lạc, và chia rẽ Tăng đoàn. Muốn tránh những
sai lệch đó, Giáo Hội phải một đằng áp dụng chặt chẽ, nghiêm ngặt
hơn những giới luật liên quan tới tiền bạc (trong tương lai, sự quản lý
các cơ sở Phật giáo bởi những cư sĩ chuyên nghiệp sẽ không thể nào
tránh khỏi được), một đằng đẩy mạnh hơn tinh thần bình đẳng của
đạo Phật.
Đó là tinh thần bình đẳng giữa
tăng sĩ - cư sĩ một bên, và giữa những tăng sĩ một bên. Trong đạo
Phật nguyên thủy, không có sự phân chia chức vị, cấp bậc. Tất cả đều
là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni (và trước đó là Sa di, Sa di ni). Sau này mới
xuất hiện các chức vị, cấp bậc, ban cho bởi Giáo Hội (và đôi khi tự
ban bởi đương sự) : Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, v.v. Những phân
chia chức vị này không tránh khỏi gây nên một số chia rẽ, tị hiềm
làm náo động không khí thanh tịnh của Tăng đoàn. Hơn nữa, cấp bậc là
một sự cản trở cho những việc canh tân cần thiết, đối với những
tăng sĩ trẻ, năng động, có ý kiến đổi mới. Chúng ta có thể đặt lại
vấn đề của sự lợi ích mang lại bởi những chức vị này, theo kinh
nghiệm của Tây phương : mỗi chùa chỉ cần một vị tăng sĩ Trụ trì là
đủ, không cần gì đến những chức vị khác.
5) Sống đạo Phật "bây giờ
và tại đây"
Cuối cùng, Phật giáo Việt Nam nên
noi theo tinh thần thực dụng của Tây phương, bỏ bớt những
"hoa hoè hoa sói" đi, và chỉ giữ những điều gì cần thiết và
thiết thực cho đời sống con người, trong khung cảnh xã hội ngày hôm
nay.
Đạo Phật mà quần chúng Phật tử
đòi hỏi và trông đợi ở các Tăng Ni, các cư sĩ có hiểu biết và kinh
nghiệm về đạo Phật, là một đạo Phật "bây giờ và tại đây",
một đạo Phật gần gũi với cuộc sống, một đạo Phật để tu "tại
gia, tại chợ", hơn là "tại chùa".
Người Tây phương tới đạo Phật
như một con đường thoạt trông tưởng là xa lạ, nhưng thật ra rất gần
với họ. Người Việt Nam từ bé đã đi trên con đường quen thuộc đó,
nhưng nhìn kỹ lại mới thấy rằng đạo Phật chân thực còn khá xa.
Một bên cần đủ can đảm để
đi tới đạo Phật, một bên cần đủ can đảm để đặt lại vấn đề
đạo Phật. Cả hai đều có thể hỗ trợ cho nhau một cách bổ ích, nhất
là khi những hàng rào văn hóa giữa những thế hệ sau sẽ không còn nữa.
Như vậy, nếu sự truyền bá đạo
Phật sang Tây phương có thể coi là một lần Chuyển Pháp luân mới, thì tại
sao đạo Phật Việt Nam không bám víu vào vành xe này mà chuyển động ?
Và làm sao tránh khỏi chuyển động
?
- Trịnh Nguyên Phước
- Tháng 7 / 2000
Chân thành cảm ơn cư sĩ Lại Như
Bằng đã gởi tặng phiên bản điện tử. ĐPNN, 4-8-2000