Trang tiếng Anh | Đạo Phật Ngày Nay |
Trang tiếng Việt |
...... ... | . | . | . | . | . |
Tin lực lượng dân quân Hồi giáo Taliban của Afghanistan phá huỷ các tượng Phật và các công trình vĩ đại của Phật giáo bằng súng đại bác và xe tăng ở Afghanistan đã tạo ra làn sóng "sốc" trong cộng đồng Phật giáo và các xã hội văn minh trên khắp thế giới. Ngày hôm qua thứ năm 1-3-2001, chính quyền cực đoan Hồi giáo đã bắt đầu phá hủy các tượng Phật bao gồm hai tượng Phật đứng khổng lồ ở Bamiyan, được tạc trên vách núi gần thủ đô tỉnh ở Trung phần Afghanistan. Cả hai tượng Phật cao vút này được tạc vào khoảng thế kỷ thứ II sau TL, trong đó có tượng Phật đứng cao nhất thế giới [50 mét, TNT chú thích]. Các nhà lãnh tụ đạo Hồi cực đoan cho rằng [việc thờ] các tượng Phật là chống lại tinh thần của Hồi giáo và gán cho các tượng Phật là "các thần tượng sai lầm." Phần lớn các nước Phật giáo trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan, cho đến Mỹ, Đức, Pháp, Iran v.v... đã kêu gọi các giới chức quân phiệt Taliban dừng cuộc chiến cực đoan này nhưng chính quyền Taliban vẫn khăng khăng với kế hoạch của họ. Cảm giác thương tâm và bất mãn đang lớn dần trong các xã hội văn minh nói chung và cộng đồng Phật giáo nói riêng, chống lại hành động "điên rồ" của các chính khách Hồi giáo cực đoan. Giáo sư tiến sĩ Lokesh Chandra, nhà Ấn Độ học sống tại thủ đô Ấn Độ New Delhi và nguyên là thành viên quốc hội Ấn Độ trong 4 nhiệm kỳ, đã phát biểu một cách giận dữ: "Đó là hành động mọi rợ. Chính quyền Taliban đang huỷ hoại di sản văn hoá của tổ tiên họ. Các tượng Phật đó vốn gắn liền sâu xa từ ngàn xưa với dân tộc và văn hoá của Afghanistan."Thượng toạ Satyapal, cựu trưởng bộ môn Phật học, Đại học Delhi, và là tổng thư ký của Hội Truyền Giáo Tam Bảo (Buddha Triratna Mission) gọi sự kiện này là "sự điên rồ của các phần tử Hồi giáo cực đoan" và thấy rõ toàn bộ vấn đề trong bối cảnh chính trị. Thượng toạ nhấn mạnh: "Đây là hành động hoàn toàn chính trị và không phải cách thức văn hoá. Vài nhà lãnh tụ Hồi giáo do điên rồ nên suy nghĩ rằng bằng cách phá huỷ các tượng Phật cổ, họ sẽ tiêu diệt được đạo Phật. Họ hoàn toàn sai lầm." Đại đức T. K. Lochan, thành viên của Ủy Ban Dân Tộc Thiểu Số của Ấn Độ sống tại New Delhi cho rằng hành động này là "vô cùng bất hạnh" và tiếc nuối rằng: "đây không chỉ là điều đau buồn của người Phật tử; di sản hơn 2000 năm của nền văn hoá thế giới sẽ mất vĩnh viễn. Trong tình huống này, người Phật tử khó có thể làm được điều gì [để ngăn cản họ]. Người Phật tử chúng tôi hẳn không phản kháng lại một cách bạo động. Cả thế giới đang và sẽ còn phản ứng. Nếu họ không lắng nghe tiếng nói của lý trí và lương tâm thì thật là bất hạnh." Sư cô Liễu Pháp, nghiên cứu sinh của bộ môn Phật học, đại học Delhi, không thể hiểu được giới chức Hồi giáo sẽ đạt được cái gì từ hành động huỷ diệt các tượng Phật, đã phát biểu như sau: "tôi cho rằng có thể họ là những người "bất bình thường" hoặc đã không còn kiềm chế được tâm trí. Những hạng người như vậy không hiểu được và không cảm thông với các phương diện hài hoà của sự đồng tồn tại giữa các tôn giáo." Tiến sĩ Bhaswati Sinha, giảng viên lâu năm của bộ môn Tôn giáo học, đại học Panjabi ở Patiala, nhấn mạnh đến các khác biệt về nguyên lý tôn giáo trong đạo Hồi và các tôn giáo khác, phát biểu rằng: "Người Hồi giáo có thể chống lại tín ngưỡng hình tượng nhưng điều này sẽ được xem là tín điều để đặt để các nguyên lý Hồi giáo vào thế giới ngày nay, nơi mà các tôn giáo cần phải tồn tại trong hài hoà. Các phần tử Hồi giáo cực đoan này có thể nghĩ rằng họ làm việc đúng đắn nhưng riêng bản thân tôi cho rằng các tôn giáo đều dạy chúng ta nên tôn trọng các cảm xúc tôn giáo của người khác." Tiến sĩ M.L. Sharma, phó giáo sư, bộ môn Gandhi Học, đại học Panjab, ở Chandigarh vô cùng sửng sốt trước hành động cực đoan không khoan nhượng này, đã nhấn mạnh: "không nên quan sát hành động này một cách biệt lập; ngày mai, nó có thể xảy ra với các tôn giáo khác, nếu như mọi người đều giữ "im lặng." Sự không khoan nhượng tôn giáo là điều vô cùng bất hạnh. Di sản văn hoá Phật giáo không thuộc vào một đất nước hay vài quốc gia nào, mà là di sản của toàn thể nhân loại. Cần phải khơi động quan điểm thế giới chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo để tránh các thảm hoạ tương tự xảy ra trong tương lai. Nếu chủ nghĩa cực đoan tôn giáo được tự do phát triển, nó sẽ dẫn đến một đích điểm không có chỗ dừng hay lui thoái. Đã đến lúc chúng ta cần phải kiểm tra và kiềm chế." Anh Jitender Kaushik, nhà báo của tờ nhật báo toàn quốc Ấn Độ, Bản Tin Ấn Độ, (The Times of India) cho rằng toàn bộ sự kiện trên là hành động của "nhóm quá khích" trong số các lãnh tụ Hồi giáo ở Afghanistan: "Đó là hành động bẩn thỉu và điên rồ; một khi nó bắt đầu sẽ không bao giờ có kết thúc. Nhưng diễn tiến này thật là nhầm lẫn nếu chúng ta quan sát sự kiện chính quyền Taliban đã và đang nỗ lực lẫn tránh báo chí và sự chú ý của công luận từ 2 năm qua; và bây giờ chính quyền này lại hành động [phá huỷ các tượng Phật] để gây chú ý quốc tế. Rất có cơ hội nước Mỹ sẽ dội bom Afghanistan như đã dội bom Iraq." Giáo sư Lokesh Chandra tỏ ra bất mãn Ấn Độ trong cách giải quyết toàn bộ vấn đề. "Ấn Độ đã hành xử quá nhu nhược, mặc cho các nước Phật giáo khẩn cầu mình có những quyết định [kịp thời]. Ấn Độ một lần nữa đã biểu lộ đặc tính yếu mềm của mình và trở thành "khán giả thầm lặng." Đất nước của chúng tôi như là một "cây cà-rem mềm nhũng đang tan chảy trên cơn nóng bức Ấn Độ." Ông cũng đã nhìn sự kiện trong phạm vi rộng hơn khi cho rằng đây là dấu chỉ của các sự kiện tồi tệ nhất diễn ra nhằm chống lại văn hoá Ấn Độ: "Đây chỉ mới là bắt đầu. Đó là sự tấn công chống lại Phật giáo và văn hoá Ấn Độ. Dụng ý của họ là nhằm tiêu diệt bất cứ cái gì thuộc nền văn hoá Ấn Độ. Thật ra đó chỉ là sự tấn công man rợ chống lại xã hội văn minh mà thôi." Phần lớn mọi người trở nên bất mãn trước chiều hướng tiêu diệt văn hoá này và cảm thấy vô vọng khi chính quyền quân phiệt Taliban không sẵn lòng lắng nghe tiếng nói của lý trí, lương tâm và thờ ơ trước ý kiến và áp lực của thế giới. Tiến sĩ Sharma nói: "sáng nay khi đọc bản tin các tượng Phật bị huỷ diệt, tôi cảm thấy buồn, thương tổn và vô vọng. Nhưng tôi sẽ cố gắng làm hết mình – tôi sẽ trình bày với bất kỳ ai tôi có dịp gặp rằng đây là hành động sai lầm và cần phải lên án." Giáo sư Chandra thốt lên rằng: "Tổ chức Văn Hoá, Khoa Học và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chẳng làm gì cả. Họ chỉ quan tâm đến các tấm ngân phiếu lương béo bở mà thôi. Trong khả năng của một cá nhân, tôi không cảm thấy vô vọng, đất nước của tôi mới là vô vọng – lẽ ra Ấn Độ phải làm một điều gì đó [để chống lại hành động tiêu diệt văn hoá này]." Trong khi đó, Thượng toạ Thích Minh Đức, giảng viên trong một trường College ở Mỹ phát biểu: "tôi thật sự đau lòng khi biết việc này. Tôi sẽ loan báo cho các cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên v.v... khơi dậy sự ủng hộ quốc tế để chống lại hành động tiêu diệt văn hoá này. Tôi sẽ cố gắng hết mình." Đại đức Thích Nhật Từ nghiên cứu sinh ở Ấn Độ nhìn thấy được dòng tiếp nối lịch sử trong toàn bộ sự kiện—lượn chảy từ thời trung cổ cho đến hiện tại: "đây không phải là lần đầu tiên các giới lãnh đạo Hồi giáo cực đoan đã cố gắng phá huỷ nền văn hoá Phật giáo. Họ đã từng làm điều này trong quá khứ. Lịch sử là nhân chứng khi những kẻ vua chúa Hồi giáo xâm chiếm và cai trị Ấn Độ, họ đã phá huỷ tất cả các thánh tích Phật giáo." Về động cơ nằm sau cuộc chiến "đột biến" nhằm tiêu diệt văn hoá Phật giáo của chính quyền quân phiệt Taliban, đại đức Thích Nhật Từ phản ánh rằng: "người ta không nên làm rạng rỡ tôn giáo mình bằng cách phá huỷ tôn giáo người khác. Về mặt chính trị, tôi không cho rằng chính quyền quân phiệt Taliban sẽ gặt hái được sự chấp nhận của thế giới về sự hiện hữu của nó, nếu nó vận dụng phương tiện tiêu diệt văn hoá Phật giáo như một con cờ." http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/sukien/018-phahuytuongPhat.htm(Tác giả là nhà báo tự do, cấp quốc tế, hiện sống tại Ấn Độ. Mọi ý kiến và trao đổi với tác giả xin gởi về điện thư: mpreet@hotmail.com ) |
Cập nhật: 1-3-2001 | Đầu trang |