Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Các sự kiện về hai pho tượng Phật
bị phá hủy tại Afghanistan
Quang Khánh tổng hợp

 

- Ngày 26 tháng 2 năm 2001, nhà cầm quyền Taliban tại Afghanistan đã ra sắc lệnh triệt phá toàn bộ các pho tượng Phật trong nước, nhằm xây dựng một quốc gia Hồi giáo thuần nhất cho Afghanistan ngay sau khi dân quân Taliban chiếm được thành phố Ba-mi-gia, nơi có những tượng Phật cao nhất thế giới được khắc trong núi đá từ hơn 1500 năm.

- Ngày 1 tháng 3 năm 2001, chính quyền Taliban đã dùng mọi phương tiện kể cả xe tăng và rốc két để phá hủy toàn bộ các pho tượng Phật trong các bảo tàng tại các thành phố Hi-rát, Ca-bu-nhi, Ca-bun, Na-ga-ha.

- Ngày 4 tháng 3, một phái đoàn của Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) do ông Pierre Lafrance dẫn đầu, đã đến Afghanistan bàn bạc với người đối ngoại của phe Taliban về hai pho tượng Phật này. Cũng trong ngày này, phe Taliban tuyên bố : "Taliban sẽ không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào thay đổi quyết định của mình". Trước đó, Taliban cũng từ chối việc quốc gia Hồi giáo Iran đề nghị mua lại hai bức tượng Phật nêu trên.

- Ngày 5 tháng 3, Đại sứ Taliban tại Pakistan cho biết hai bức tượng Phật trên sẽ được phá hủy từ 4 tháng 3 và ¼ của hai bức tượng đều đã bị nổ tung.

- Ngày 6 tháng 3, nhân chứng tại Afghanistan cho biết chính quyền Taliban đã tạm hoãn việc phá hủy hai tượng Phật khổng lồ cao 55m và 36m để nghỉ lễ tế thần của Hồi giáo Eidul-Adha.

- Ngày 9 tháng 3, chính quyền Taliban đã bắt đầu trở lại phá hủy các tượng Phật.

- Ngày 11 tháng 3 năm 2001, Tổng thống Ngà V.Putin đã ký sắc lệnh trừng phạt Taliban ngay sau khi hay tin vào ngày 10 tháng 3, chính quyền Taliban đã phá hủy hầu như toàn phần hai pho tượng Phật có một không hai của thế giới. Sắc lệnh này nhằm thực hiện nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc trừng phạt hành động cực đoan, phi văn hóa của chính quyền Taliban do Nga và Mỹ đồng bảo trợ đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê chuẩn hồi tháng 12 năm 2000. Cũng trong ngày này, một phái đoàn gồm 20 đại biểu học giả của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo – một tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới - đã tới Kandahar (Afghanistan). Đồng thời, ông Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan đến Pakistan để thương thuyết và điều đình với chính quyền Taliban về việc ngừng bắn phá các pho tượng Phật đã bị phá hủy 80%.

- Ngày 13 tháng 3 năm 2001, Tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với đại diện của 55 quốc gia thuộc Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) nhằm kêu gọi ngăn chặn hành động hủy diệt văn hóa nhân loại của nhà cầm quyền Taliban. Ông Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) Koichi Matsuua kêu gọi cần phải ban hành một đạo luật chống các tội phạm văn hóa. Cũng trong ngày này, Thủ tướng Sri Lanka đã thân hành đến tại Pakistan để thảo luận với chính quyền về việc bảo vệ di sản văn hóa cổ tại Afghanistan.

- Ngày 17 tháng 3, Bộ trưởng thông tin Văn hóa lực lượng Taliban cho biết lệnh phá hủy các tượng Phật không phải là quyết định của thủ lĩnh tối cao M.Omar mà là từ 400 giáo sĩ Hồi Giáo trên khắp đất nước.

- Ngày 21 tháng 3, chính quyền Taliban sẽ cho phép các phóng viên đến kiểm tra đống đổ nát của 2 tượng Phật khổng lồ mà lực lượng này đã phá hủy.

- Ngày 22 tháng 3, nhà cầm quyền Afghanistan lần đầu tiên mở cửa Bảo tàng Kabul kể từ năm 1999 để mọi người thấy rằng "chẳng một pho tượng Phật nào còn tồn tại". Bảo tàng Kabul là nơi có khoảng 6000 tác phẩm nghệ thuật liên quan đến Phật giáo trong suốt 500 năm lịch sử của Afghanistan.

Trước dòng sự kiện này, Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã chia sẻ sự quan tâm, lo ngại của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhà hoạt động văn hóa xã hội trên thế giới và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn chặn hành động nguy hại của chính quyền Taliban. Các báo, đài truyền thanh, truyền hình trong nước và ngoài nước đã liên tục đưa tin, phản ánh tình hình và nguy cơ đưa đến diệt vong của nền văn hóa tiền Hồi giáo tại xứ sở này. Kể từ đây, nhân loại trên thế giới nói chung và Phật giáo nói riêng, sẽ mất đi một di sản văn hoá trên 1500 năm mà không bao giờ có thể tìm lại được.

 


Cập nhật: 1-5-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang