Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Phá hoại văn hoá là tự hủy hoại lịch sử
và đời sống tinh thần của chính mình
Thích Tâm Hải

Trong hơn một tháng nay, chúng ta đã chứng kiến bao làn sóng kêu gọi và lên án kịch liệt của các cộng đồng quốc tế về việc chính quyền Taliban phá hủy hai pho tượng Phật cổ (hơn 1500 năm) ở Bamiyan, một di sản văn hóa có một không hai không chỉ của riêng Afghanistan mà của cả thế giới. Hành động cực đoan và ngông cuồng này thực sự là một thách thức đối với tư tưởng nhân văn, đồng thời đặt ra một số vấn đề cần phải suy nghĩ trong một thế giới đang đề cao các giá trị văn hoá như hiện nay.

Trong nhiều thế kỷ Afghanistan đã từng là một trong những đầu mối trên con đường Tơ Luạ huyền thoại nối Đông với Tây, con đường thông thương huyết mạch giữa hai chiếc nôi văn minh lớn của loài người là Trung Hoa và Ấn Độ thời cổ đại. Các sử liệu cho biết rằng, vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ ở miền Đông của Afghanistan với sự có mặt đầy sinh động của nhiều tu viện, tháp Phật và Tăng sĩ. Hai pho tượng Phật vĩ đại khắc vào núi đá ở Bamiyan được Phật tử và Tăng sĩ Afghanistan thực hiện vào khoảng thế kỷ thứ IV – V (Theo Hope Ngo, Afghanistan : Treasure chest of early Asian culture, March 2,2001, Web post at : 7:04AM EST, CNN.com). Đây là một kiệt tác thuộc trường phái nghệ thuật Gandhara và là một di sản văn hoá lớn của thế giới, đồng thời là chứng tích cho một giai đoạn hưng thịnh lâu dài của Phật giáo trên xứ sở này. Trước thế kỷ IX, tức thời kỳ tiền Hồi giáo, Phật giáo, trong sự dung hoà với các tín ngưỡng khác, đã từng làm chỗ dựa cho đời sống tâm linh của nhân dân và góp phần quan trọng làm nên nền văn hoá Afghanistan phong phú trong nhiều thế kỷ.

Thế mà, với lập luận nhằm loại bỏ các ảnh hưởng khác trong đời sống xã hội, xây dựng một đất nước Hồi giáo thuần nhất, chính quyền cực đoan Taliban đã đang tâm thủ tiêu những di sản văn hoá của dân tộc mình, mà việc phá hủy hai pho tượng Phật lớn và lâu đời nhất thế giới ở thung lũng Bamiyan trong tháng Ba vừa qua là đỉnh điểm. Họ đã hành động như một con voi say trước lời kêu gọi và sự lên án của các cộng đồng quốc tế, kể cả chính phủ của các nước Hồi giáo và phi Hồi giáo trên thế giới.

Nhân danh đức tin tôn giáo để triệt tiêu các di sản văn hoá là vấn đề không thể chấp nhận. Bởi văn hoá là linh hồn, là chỗ dựa, đồng thời là cái làm nên đời sống tinh thần của mỗi con người và của mỗi dân tộc. Nếu một tôn giáo dung túng cho những hành động phi văn hoá như thế thì hẳn nhiên đó không phải là một tôn giáo đích thực. Vì lẽ, khoan dung là nền tảng của các tôn giáo, không ai có thể cho rằng tín lý của mình là tuyệt đối và duy nhất, áp đặt mọi người phải tuân theo. Do đó, hành động phá hủy hai pho tượng Phật có lịch sử hơn 1500 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới, của chính quyền Taliban nếu để xây dựng một đất nước Hồi giáo thuần nhất, như những người đứng đầu chính quyền này đã lập luận, thì đấy là một sự cực đoan và cuồng tín. Còn như nhân danh tôn giáo, phá hủy các di sản văn hoá, vì một mưu đồ quyền lực chính trị nào đó thì lại càng phải lên án và dĩ nhiên là sẽ tự chuốc lấy hậu quả hết sức nghiêm trọng và lâu dài. Bởi vì phá hoại văn hoá, dẫu với lý do gì, có nghĩa là đang hủy hoại đời sống tinh thần và quá khứ lịch sử của chính mình, mà quá khứ là cơ sở để đối diện với hiện tại, nói như nhà bác học người Nhật Daisaku Ikeda đã cảnh báo (Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, 1993, tr. 151).

Trong quá khứ lịch sử thế giới không phải là chưa ghi nhận những nỗi đau như thế. Và, đặc biệt là đối với Phật giáo, những hành động với ý đồ triệt tiêu như vậy không phải là chưa từng xảy ra. Nhưng, với nền tảng giáo lý, tinh thần khoan dung và bất bạo động, Phật giáo luôn có một con đường thênh thang đi vào tâm hồn của mọi người, của các dân tộc và các cộng đồng trên thế giới.

Hôm nay, dẫu hai pho tượng Phật cổ và lớn nhất thế giới ở Bamiyan đã bị súng đạn của chính quyền cực đoan Taliban phá hủy, nhưng nhiều tượng đài Đức Phật, Bậc nói và hành động trong Chân lý, đã và đang được dựng lên huy hoàng trong tâm thức của mỗi người ở khắp năm châu và trong lịch sử của nhân loại. Một lần nữa, lời tuyên bố của Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước vẫn vang vọng : "Như Lai không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Như Lai…"

 


Cập nhật: 1-5-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang