Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ẤN ĐỘ GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Thích Nhật Từ

 

 

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo và Ấn-độ giáo lần đầu tiên được tổ chức tại Phnom Penh, vương quốc Cam-pu-chia, từ ngày 12-15/2/2009, đã thu hút 100 lãnh tụ và học giả Phật giáo và Ấn-độ giáo đến từ 15 quốc gia, cùng chia sẻ những giải pháp phụng sự cộng đồng thế giới trên nền tảng tôn trọng, từ bi và bền vững thực sự.

 

 

Mục đích của Thượng đỉnh Ấn-độ giáo và Phật giáo, ngoài việc thiết lập mối quan hệ tâm linh như đã từng có tại Ấn-độ và Campuchia, còn nhằm tìm ra các cách thức làm thăng bằng khuynh hướng thế giới để Đông và Tây có thể cùng nhau chia sẻ các giải pháp đối với các vấn đề của thế giới.

 

Chủ đề của Thượng đỉnh lần này là “Giới thiệu thế giới về tiếng nói trí tuệ của Đông phương,” cụ thể là trí tuệ Phật giáo và Ấn-độ giáo, hai tôn giáo lâu đời nhất thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh này do Hội sáng kiến Hoà bình thế giới của phụ nữ tổ chức, dưới sự đồng chủ toạ của tăng thống Bour Kry, phái Dhammayutta và tăng trưởng Swami Dayananda Saraswati của phái Hindu Dharma Charya Sabha, Ấn-độ.

 

Đến dự hội nghị còn có nhiều giáo phái Ấn-độ giáo tại Ấn-độ và nhiều nơi trên thế giới. Đại diện các trường phái Phật giáo chính của Phật giáo đều có mặt.

 

 “Duy trì chánh pháp: Nền tảng chung và thế giới quan” là chủ đề của thảo luận nhóm đầu tiên, nhằm xác định các nền tảng chung của hai tôn giáo có nguồn gốc Ấn-độ, trong việc mang lại lợi lạc cho cộng đồng thế giới, đặc biệt là nghệ thuật truyền thông chánh pháp để tạo sự thăng bằng cho thế giới có nhiều căng thẳng như hiện nay.

 

Thảo luận nhóm thứ hai với chủ đề “Các thách thức chung” mời gọi các giải pháp nội bộ và quốc tế trước chính sách cải đạo “không đạo đức” của Thiên chúa giáo. Nghèo nàn và kém phát triển là hai cửa ngỏ dẫn đến sự cải đạo tại châu Á.

 

Thảo luận nhóm thứ ba, “Đem trí tuệ phương Đông đến các diễn đàn thế giới” đòi hỏi các đối thoại liên tôn quốc tế có sự đóng góp vai trò của Phật giáo và Ấn-độ giáo, mà hiện nay, thế giới thường chỉ biết đến Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do thái giáo.

 

Chuyển hoá thế giới và vai trò của trí tuệ phương Đông” là chủ đề của thảo luận nhóm thứ tư. Các hành trì và kỷ năng phát triển tâm thức của Phật giáo và Ấn-độ giáo là những cửa ngỏ mời gọi phương Tây đến với hai truyền thống tâm linh này.

 

Với chủ đề thứ năm, “Phát triển giáo pháp Phật giáo và Ấn-độ giáo thông qua các nguyên nhân gốc của nghèo khổ,” các cử toạ đã xác định toàn cầu hoá và sự phát triển vật chất đã làm yếu đi các truyền thống tôn giáo và văn hoá địa phương.

 

Chủ đề thứ sáu, “Nỗ lực ngăn chặn thay đổi khí hậu” kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm làm giảm bớt khủng hoảng trái đất, giảm tiêu thụ thịt, ăn cơm trong chánh niệm, để tuổi thọ của trái đất giúp cho con người và muôn vật sống hạnh phúc hơn.

 

Chủ đề thứ bảy “Nhập thế giới thế hệ tương lai” kêu gọi ý thức giới trẻ về nhu cầu bảo tồn di sản văn hoá trong giai đoạn chủ nghĩa tiêu thụ toàn cầu khống chế hiện nay.

Sự hợp tác quốc tế giữa Ấn-độ giáo và Phật giáo” là chủ đề quan trọng mà lãnh đạo tâm linh của hai tôn giáo này quan tâm, nhằm thăng bằng hoá các ảnh hưởng tôn giáo nhất thần trên thế giới, trong khi khắp nơi có khuynh hướng bỏ qua các giá trị tâm linh của đạo Phật và Ấn-độ giáo.

 

Trong bốn ngày hội nghị, mỗi diễn giả thuyết trình mười phút, sau đó là đối thoại liên tôn về vấn đề mà Phật giáo và Ấn-độ giáo cùng quan tâm. Cam-pu-chia được chọn là nơi tổ chức Thượng đỉnh Phật giáo và Ấn-độ giáo là vì đây là nước Phật giáo chịu ảnh hưởng lớn của Ấn-độ giáo. Mối liên hệ của hai truyền thống tâm linh Ấn-độ này tại Cam-pu-chia cũng như tại Ấn-độ có cấu trúc “tam giáo đồng nguyên” tại Trung Quốc và Việt Nam. Các nhà lãnh đạo tâm linh của hai tôn giáo mong mỏi sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi lạc cho cả hai, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá và chính sách truyền đạo có nhiều vấn đề của các Thiên chúa giáo như hiện nay.

 
Đây là một số hình ảnh trong buổi hội nghị tại Camphuchia:

 

 

 
 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/sukien/hoinghi_angiao_phatgiao.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang