- NI GIỚI ĐÀI LOAN VẬN ĐỘNG HỦY BỎ
“BÁT KỈNH PHÁP”
- Du học tăng tại Đài Loan
Một hiện tượng không
bình thường đang dần phát triển trong giới Phật giáo Đài Loan, đó là
việc ni giới Đài Loan mấy năm gần đây vận động huỷ bỏ “Bát Kỉnh
Pháp”.
Hiện tượng này do sư cô Thích Chiếu Huệ khởi xướng
và ngày càng lan rộng, nhận định về hiện tượng này và tìm hiểu
nguyên nhân mà nó phát sinh cần có cái nhìn toàn diện về xã hội và Phật
giáo Đài Loan.
1)
Xã hội phát triển theo xu hướng nam nữ bình
quyền.
Đài Loan đã trở thành một trong bốn con rồng Châu Á
và đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tư tưởng phát triển từ phương
tây, do đó trong xã hội ngày nay quyền bình đẳng luôn được phụ nữ Đài
Loan vận động và tranh đấu. Phong trào nữ quyền ở Đài Loan đã đạt
được những thành tựu nhất định. Nữ giới dần có địa vị cao trong
mọi lĩnh vực của xã hội. Quan điểm “nam nữ bình quyền” đã
được tuyệt đại đa số quần chúng ủng hộ và nó cũng tác động vào
sau cánh cổng chùa đến tầng lớp ni giới của Đài Loan.
2)
Chế độ quân bị ảnh hưởng đến sự phát
triển về nhiều mặt của chư tăng.
Đài Loan luôn ở
trong tư thế sẵn sàng có chiến tranh nên Luật nghĩa vụ quân sự (quân dịch)
được áp dụng chặt chẽ đến tất cả nam giới. Nam công dân Đài Loan
đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự (đi lính hai năm) và nghĩa vụ này
không từ khước bất kỳ ai kể cả tu sĩ. Do vậy tăng sĩ Đài Loan phải
đi lính và trong hai năm đi lính ấy tăng sĩ phải rời chùa (xem như hoàn tục)
nên đã ảnh hưởng đến việc tu tập lẫn nghiên cứu. Trong thời gian tăng
sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự thì ni chúng vẫn tiếp tục được đào
tạo hoặc tu tập ở các chùa và Phật học viện. Điều này làm cho ni
chúng có tâm lý cho rằng mình giỏi hơn, vượt trội hơn chư tăng về mọi
mặt.
3)
Tông phái độc lập phát triển – vai trò
của giáo hội không có.
Các tu sĩ ở Đài Loan đa phần lớn tuổi rồi mới xuất
gia (ni giới cũng vậy) cho nên khi chưa xuất gia họ có trình độ thế học
và tiếp thu những tư tưởng của xã hội rất sâu (đương nhiên là cả tư
tưởng “nam nữ bình quyền”). Lại nữa, khi vào xuất gia vì tổ
chức Phật giáo Đài Loan là tổ chức theo tông phái mà không phải là tổ
chức theo Giáo hội. Nên các tông phái độc lập phát triển có qui luật
riêng, các tu sĩ sau khi thế phát (cạo tóc) họ nhanh chóng được thọ giới
tỳ kheo, tỳ kheo ni (thậm chí chỉ cần sau mấy ngày cạo tóc thôi). Những
vị này vận dụng tư tưởng thế học vào trong thiền môn rất lớn, và họ
cũng cảm thấy rằng họ không cần, không nhất thiết phải tuân thủ “Bát
Kỉnh Pháp” nên đã ủng hộ mạnh mẽ phong trào này.
Phật giáo Đài Loan kế thừa truyền thống tông phái của
Phật giáo Trung Quốc và phát triển theo xu hướng độc lập, riêng biệt.
Trong khi đó vai trò của Giáo hội Phật giáo Đài Loan không phải là tổ
chức duy nhất mà chỉ là tổ chức trên danh nghĩa không có thực lực đối
với cả cơ cấu tổ chức của bản thân Phật giáo Đài Loan vì mỗi tông
phái có qui tắc thanh qui riêng, tổ chức tăng đoàn, giáo dục và hoằng
pháp riêng. Trong tổ chức tăng đoàn của mỗi tông phái những chức vụ
quan trọng như hoằng pháp, ngoại giao, thư ký, thị giả của các tông chủ
đều do ni giới nắm giữ. Thậm chí trong các đại giới đàn của các
tông phái có một vài tông phái trực tiếp hay gián tiếp phủ nhận “Bát
Kỉnh Pháp” nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển tăng đoàn mà đa phần
là ni giới của các tông phái.
Mặt khác, trong quá trình phát triển các tông phái ở
Đài Loan, có tông phái do ni giới sáng lập và lãnh đạo đã đạt được
nhiều thành công nhất định trong xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đến
ni giới và là nguyên nhân thúc đẩy họ đòi quyền bình đẳng với chư
tăng về mọi mặt, dần dần họ dùng mọi biện pháp phương cách để vận
động xã hội lẫn nội bộ giới Phật giáo chính thức tuyên bố hủy bỏ
“Bát Kỉnh Pháp”.
4)
Vài nhận định đối với phong trào vận
động huỷ bỏ “Bát Kỉnh Pháp” của ni giới Đài Loan.
Không phải tất cả giới Phật giáo đều ủng hộ
phong trào này nhưng Đài Loan là xã hội tự do và đa nguyên nên mọi tiếng
nói đều có được không gian tồn tại nhất định của nó trong xã hội.
Hơn nữa, Phật giáo Đài Loan phát triển theo hình thức tông phái, Giáo hội
chỉ là tổ chức tượng trưng về danh nghĩa, do vậy sự ủng hộ hay phản
đối của một vài tông phái nào đó không có được sự thống nhất hoàn
toàn của cả giới Phật giáo Đài Loan.
Việc vận động hủy bỏ “Bát Kỉnh Pháp” của
ni giới Phật giáo Đài Loan phần nào đó đã phản ảnh một thực tế
trong nội bộ Phật giáo Đài Loan, đó là : thế lực của ni giới Đài
Loan đang dần lớn mạnh và nắm thế chủ đạo trong mọi mặt của Phật
giáo Đài Loan; Phật giáo Đài Loan phần nào đang bị thế tục hóa bằng
những tư tưởng thế học của tăng đoàn (ni giới lẫn chư tăng).
Phong trào này sẽ ảnh hưởng thế nào đến ni giới Việt
Nam khi mà hiện tượng ni giới Việt Nam đang du học ở Đài Loan với số
lượng không ít, các vị này tương lai có thể là hạt nhân vận động hủy
bỏ “Bát Kỉnh Pháp” ở Việt Nam hay không ? Cũng là điều mà
Giáo hội và ni bộ cần suy tư ngay từ bây giờ.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/sukien/vandong_bobatkinhphap.htm