Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NHỚ ĐẠI SƯ THÁI HƯ
Trích Hoa Vũ Hương Vân-Ấn Thuận

 
Thái Hư Đại Sư, người đã 40 năm đem hết sức mình cống hiến cho Phật Giáo, cho quốc gia. Công đức, trí tuệ và phong độ của Đại sư có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật Giáo và xã hội. Sự quên mình đem hết tâm lực vào việc “cứu tăng, cứu đời” của Ngài đã gây một tiếng vang lớn đối với Phật Giáo quốc tế. Nặng lòng lo nghĩ cho Quốc gia và Phật Giáo, tôi khát khao Đại sư trở lại đời này! Tôi càng trông đợi các Đại Đức của Trung Quốc tự do ngày nay thừa hưởng được sự chiêu cảm của tinh thần Đại sư, kế thừa sự nghiệp tu học của Ngài, trở thành hoá thân của Đại sư mà trước mắt chúng ta đang ngưỡng vọng! Đại sư nào phải là Đại sư của một ít người. Cả giới Phật Giáo Trung Quốc tự do gần đây nhất đều đã bộc lộ lòng nhiệt thành tán ngưỡng và tôn trọng đối với Ngài. Đây là xuất phát từ tâm ý chân thành, là một tín hiệu đáng mừng.
Ngày này cách đây 7 năm, tôi từ biệt Đại sư lần cuối. Nghĩ đến Đại sư, tôi càng nghĩ đến tấm lòng từ bi của Ngài đối với tôi. Ôn lại những việc đã làm giữa tôi và Đại sư, tôi cảm thấy mình đã cô phụ thâm ơn của Ngài.
Mùa xuân năm Dân Quốc thứ 20 (1931), tôi vào Phật học viện Mân Nam tu học, bắt đầu quy hướng làm môn đệ của Đại sư. Trong tháng 7, tôi bắt đầu viết bài luận văn Phật học thứ nhất “Quyết trạch Tam thời giáo”, đây là luận văn dung hợp Tam luận và Duy thức, tôi đã nhận được thư khen ngợi và khích lệ của Đại sư gởi tới. Sau đó không lâu, tôi đi Cổ Sơn, lại viết nghiên cứu về: “Cộng, bất cộng chi nghiệp”, ngẫu nhiên nói lại thuyết của Ngài Viên Trắc hay hơn Khuy Cơ. Bài xích ý kiến trong “Độc Duy thức tân, cựu bất đồng luận” của Thủ Bồ đại nhân. Đại sư biết được ý kiến của tôi không vì cổ nhân mà dung hội, không vì các Đại đức lân cận mà bao hàm, đây là điều đáng suy nghĩ. Vì thế, lại đến Pháp sư Đại Tỉnh quan tâm nhắc nhở tôi phải giữ lòng khoan hậu; lại còn viết cho một bài phê bình bài viết “Cộng, bất cộng của Ấn Thuận”. Thế nhưng lúc ấy, tôi không thể nào giải thích cho Đại sư rõ những suy nghĩ trong lòng tôi. Thủ Lão là ngọc quý của Phật Giáo Giang Tô! Thế nhưng, ngài lại phản đối vọng lập hữu tông của Thế Thân, Hộ Pháp, Huyền Trang; nếu ở vào thời nay, có lẽ sẽ có người cho là Ngài huỷ bỏ lời Thánh, phỉ báng Tăng Bảo (Hộ Pháp và Huyền Trang). Các Đại đức hoằng pháp tại Đại Lục lúc ấy đều có đại sự nhân duyên, không rảnh để lưu tâm việc này. Mà mới học như tôi, lại lấy lập trường ủng hộ Duy Thức để phản đối chuyên tông “Lăng Nghiêm”, “Khởi Tín”, chỉ trích việc Thủ Lão cho “Hộ Pháp vọng lập Hữu tông”. Bây giờ nghĩ đến, quả thật lỗ mãng!
Mùa xuân năm 21, tôi lại về đến Mân Viện, bắt đầu giảng “Thập Nhị Môn Luận” cho các bạn đồng học lớp A.  Sang hạ, tôi về lại Phổ Đà Sơn, bắt đầu sinh hoạt xem tạng kinh mà trong suy nghĩ của tôi, vị Đại sư mà tôi ngưỡng mộ, tôi chưa được gặp mặt lần nào. Một buổi trưa mùa đông, Pháp sư Khoan Dung, hiệu trưởng trường tiểu học Hoá Vũ đến thăm tôi chuyển đạt ý kiến của Đại sư muốn tôi đến thư viện Thế Uyển nghiên cứu. Tôi muôn phần cảm tạ Đại sư nhưng trước mặt tôi lúc ấy đầy dẫy ba tạng giáo điển, lấy xưa làm thầy, tràn trề pháp hỷ; vì thế, tôi tạm thời cô phụ hảo ý của Đại sư. Năm thứ 23, vì muốn xem “Tam luận chương sớ” trong “Đại chánh tạng”, tôi mới đi Vũ Xương vào dịp tết. Lúc ấy, tôi cùng Pháp sư Hoa Thanh đi Tuyết Đậu, lần đầu tiên làm lễ yết kiến Đại sư, cầu thỉnh Ngài khai thị. Đại sư chỉ khuyên tôi lạy Phật cho nhiều, phát nguyện tu mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Tôi không hiểu dụng ý của Đại sư, nên cũng chưa chịu thực hành trung thực. Ngày nay, nghĩ đến mới thấy huệ nhãn của Đại sư thật bén nhạy dường nào. Ngài thấy tôi phước mỏng chướng dày, trừ khi tu nhiều mới dễ hành đạo, tăng trưởng thiện căn, tiêu trừ nghiệp đời trước, tương lai là “chỉ có huệ, không đủ để hoằng pháp”. Hoằng pháp ắt sẽ dẫn đến chướng nạn.
Cái nóng khốc liệt của Vũ Xương, ở Hạ Môn năm trước tôi bị bệnh vì cái nóng khắc nghiệt này, buộc tôi về Phổ Đà qua hạ. Pháp sư Thường Tinh, viện trưởng Mân Viện, nhận lời giới thiệu của Đại sư, liền mời tôi đi Mân Viện dạy học. Nhưng chỉ được nửa năm, đến tháng 2 năm 24, tôi cùng Pháp sư Vĩ Trung đã về đến Thượng Hải, cùng đến hạ viện Tuyết Đậu để gặp Đại sư. Đại sư lúc đó mới cạo bỏ râu ria, lộ ra ít nét thanh niên, Ngài khuyên tôi đi Vũ Xương. Tôi quyết tâm về Phổ Đà để hoàn thành mục đích đọc hết đại tạng.
Trong tháng 4, giữa tôi và Đại sư có xảy ra sự hiểu lầm. Vì việc của hội Phật học Trung Nhật mà Nội Học Viện và nhóm Mặc Thiền lưu học sinh Tăng Nhật Bản công kích lẫn nhau, Tăng chúng Trung Quốc lúc ấy không thể lấy bất cứ lý do gì mà đi hợp tác với Nhật Bản xâm lược hoặc bị mê hoặc mà đi Nhật Bản tìm hiểu. Tôi không biết ngoài văn chương biểu lộ ra, tận đáy lòng còn có văn chương nên mạo muội một, hai lần gởi thư lên Đại sư, chọn từ có điểm tự nhiên quá mức. Đại sư không quan tâm đến tôi. Tôi thì liền một hơi quên đi ân đức của thúc đẩy của bậc thiện tri thức, kiên quyết tách rời Đại sư, đóng cửa xem tạng kinh, muốn quên cuộc sống bên ngoài. Việc này, cho mãi đến lúc biên soạn “Đại sư toàn thư”, đọc hết mới  tự hiểu ra tất cả sai lầm từ trước nhưng không kịp sám tạ lỗi lầm, sự hối tiếc đó vĩnh viễn tồn tại nơi đáy lòng tôi!
Đầu mùa đông năm Dân Quốc thứ 25, tôi đọc xong đại tạng, đi đến Hàng Châu, chuyến đi này có tính chất du lãm mà từ hồi xuất gia đến nay chỉ mới đi một lần. Đến Hàng Châu, biết Đại sư đang giảng kinh “Nhân Vương” tại chùa Linh Ẩn, tôi được Diệu Thừa, Huệ Vân mời đi tham gia pháp hội khai kinh. Đại sư vừa thấy tôi, không nói gì khác mà chỉ nói: “Trong Phật Giáo phần nhiều là tin nhảm, cũng có kẻ đố kỵ, nhất thiết không nên nhẹ dạ cả tin!”. Thế Uyển gần đây muốn thành lập bộ nghiên cứu nên định nhờ tôi chỉ đạo hệ Tam luận. Tôi không đáp ứng việc này mà đến Trấn Giang, rồi xuôi về Nam (Đại sư phái người đến tháp Lục Hoà tìm tôi mà tôi đã đi trước rồi”. Hai tuần lễ sau, tôi về đến Thượng Hải, chuẩn bị đi Phổ Đà, đến chùa Tam Muội thăm các bạn học chung, vừa đúng ngày đó, phân hội Phật học Trung Quốc (mở ngay trong chùa) thỉnh Pháp sư Thường Tinh diễn giảng; Đại sư cũng có đến, Diệu Thừa, Huệ Vân cũng có đến. Đại sư vẫn yêu cầu tôi đi Vũ Xương, mọi người khuyên tôi nhận lời, tôi buộc lòng phải tiếp nhận ý muốn của Đại sư; bây giờ nghĩ đến, nhân duyên không thể nghĩ bàn, không phải khéo gặp ở 2 chỗ Hàng Châu, Thượng Hải, không phải ngẫu phát nguồn du hứng, sẽ không phải sự từ bi nhiếp thọ của Đại sư, mà là tiếng súng kháng Nhật! Nếu tôi ở Phổ Đà, không biết phải làm sao? Từ kinh nghiệm không thể nghĩ bàn của nhân duyên, tôi luôn nghĩ đến Đại sư.
Lúc ở Vũ viện, tôi đã trải qua một mùa hạ bệnh hoạn khổ. Tiếng súng ở Lư Câu Kiều đã nổ, mở đầu cho kháng chiến, Đại sư cũng từ Lô Sơn đến Vũ Viện. Một hôm, Ngài giảng “Tân dữ dung quán”, tôi bệnh mà vẫn đi nghe, đây là lần đầu tiên tôi đi nghe giảng. Đại sư không hạn chế ở một tông phái nào, không cố chấp ở một hệ văn nào, dưới truyền thống không mất của Phật học Trung Quốc, mà hoà hợp tất cả. Nhưng tư tưởng của Đại sư là tư tưởng có trọng tâm, là tư tưởng hoà hợp vào đời sống. Điều này mới khó học làm sao! Phải có cái khả năng nhìn cao trông xa, bao dung độ lượng, hoặc cho hoặc lấy, vô biên phương tiện mới được! Nếu tính khí hẹp hòi hoặc tài hèn sức mọn thì có thể học qua loa cạn cợt mà thôi. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy: “Bỏ tinh nghiêm thì không quán nhiếp, bỏ quán nhiếp thì không tinh nghiêm”, mà thật ra ở điều này, đối với cõi lòng Đại sư, ngăn cách nghìn núi muôn sông. Nhưng trong biển pháp mênh mông, Đại sư chưa từng chọn bỏ một nhánh nhỏ nào, khuyến khích tôi tiến lên!
Mùa thu năm 27, tôi đến Tấn Vân Sơn ở Bắc Bội. Lúc ấy, Chu Kế Vũ viết rất nhiều thứ, chủ trương “Khởi tín luận” và “Thành duy thức luận”, công kích Đại sư Hiền Thủ, Đại sư yêu cầu tôi phê bình Chu Kế Vũ. Tôi vâng lời, viết một bài chủ trương “Khởi tín” với “Duy thức” lại không giống, chỉ ra chỗ hiểu lầm của họ Chu, cuối cùng chỉ trích họ Chu.
Tôi với Đại sư, tư tưởng và văn ngữ mãi mãi quan hệ nhau. Năm 28, Đại sư từ Côn Minh gởi đến Lâm Ngữ Đường bài “Ngô quốc dữ Ngô dân”, yêu cầu tôi thêm vào phần phê bình. Tôi viết một bài “Ngô quốc, Ngô dân dữ Phật Giáo” để phê bình họ Lâm và bảo vệ Phật pháp. Về sau, Hội đồng học ở Hán viện đã in thành tập sách nhỏ cho tôi.
Năm 29,  tôi ở tinh xá Đại Giác, Quý Dương, không vừa ý “Duy Thức Tư Tưởng Sử” của Kết Thành Linh Văn (do Mặc Thiền dịch), quyết ý viết một bộ khác. Đợi đến khi bộ thứ nhất viết xong bản thảo, gởi Đại sư thẩm định, Đại sư sửa tên bộ ấy là “Duy thức học thám nguyên”. Về sau, Ngài lại đề tựa cho tôi. Ngài viết: “Quả thật vì học giả mà tham cứu một môn phương tiện khác”. Đối với lịch sử nghiên cứu giáo lý, nơi cõi lòng Đại sư trong những năm cuối cuộc đời, tuy không phải cách nghiên cứu truyền thống nhưng nhất quyết không giống như “bấùt khả dĩ” của một vài kẻ nào đó tưởng tượng ra. Cuối năm, tôi về Tấn Vân Sơn, Đại sư sai tôi chuyên tu bộ “Duy thức học thám nguyên”.
Năm thứ 39 là năm tôi viết chăm chỉ nhất. Như “Phật tại nhân gian”, “Pháp Hải thám trân”, “Phật Giáo thị vô thần luận đích tông” lấy bút hiệu là “Lực Nghiêm”, đa số đăng tải trên “Triều Âm”. Tư tưởng tôi hiển lộ một cách rõ ràng, đúng đắn, tinh vi vô cùng. Đại sư hoàn toàn không tìm ra điểm nào sai lệch đối với Phật Giáo. Có lúc Ngài còn thêm vào vài câu phê bình, nếu không nói “không nên phân chia quá đáng” thì lại nói “không cần nói thế này”. Ngoài ra, Diệu Khâm y theo sự chỉ dạy của Đại sư, đến thỉnh tôi giảng ngoại khoá. “Nhiếp Đại thừa luận giảng ký” được giảng vào năm ấy. Đến đầu thu, Diễn Bồi đi Hợp Giang để giải quyết vấn đề học viện Pháp Vương, muốn mời một vị Đạo sư, Đại sư đồng ý tôi đi. Từ lúc ấy cho đến bây giờ, Diễn Bồi gọi tôi là… Đạo sư.
Mùa hạ năm thứ 32, quyển “Ấn Độ chi Phật Giáo” của tôi xuất bản, đưa đến việc tôi cùng Đại sư bàn luận dài dài, cũng có thể nói là trường kỳ tranh luận. Trọng tâm của vấn đề ở chỗ: Tôi cho rằng: Phật Giáo Đại Thừa trước là TÁNH KHÔNG DUY DANH luận, kế là HƯ VỌNG DUY THỨC luận, sau là luận CHÂN THƯỜNG DUY TÂM  luận. Tôi từ tình huống Phật Giáo lưu hành mà nói, từ xu hướng chủ yếu Phật Giáo thịnh hành mà nói; còn Đại sư lại cho rằng: Phật Giáo Đại thừa trước luận CHÂN THƯỜNG DUY TÂM, kế là TÁNH KHÔNG, sau là DUY THỨC, tuy Đại sư thừa nhận kinh luận nói “NHẤT THIẾT KHÔNG”, so với điều đó nói CHÂN THƯỜNG,  BẤT KHÔNG, (Như Lai Tạng, Phật Tánh), thời kỳ thịnh hành phải sớm. Nhưng CHÂN THƯỜNG DUY TÂM  là tâm cảnh viên mãn Phật quả, là cội nguồn của tất cả Phật pháp phải xếp trước. Đến mùa xuân năm thứ 33, tôi viết “Vô tránh chi biện”  (Bản thảo còn giữ trong thư viện Hán Viện) đây là đề phòng tánh quên ghi chép lại, chỉ là tỏ bày ý kiến chớ không mong Đại sư phúc đáp. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình có lỗi nên không muốn vì việc này mà làm mệt nhọc Đại sư thêm. Phật Giáo vốn nhiều việc rồi, sao lại khiến Đại sư phải luôn bận tâm vì những việc này! “Đại thừa thị Phật thuyết luận” viết vào mùa Đông năm thứ 32 (vốn là tác phẩm dài, và Trung Quốc Phật Giáo sử lược” viết vào mùa xuân năm thứ 33 (Diệu Khâm sơ biên, tôi bổ sung cải chính) đều được trình lên Đại sư. Vì “Trung Quốc Phật Giáo sử lược”, đặc biệt vì Diệu Khâm, Đại sư đã nói “Luận Trung Quốc Phật Giáo” để bày tỏ ý kiến bất đồng. Nhưng “Bình Ấn Độ chi Phật Giáo” của Đại sư giữ lại một năm mới phát hành. Vì sợ phát hành sẽ ảnh hưởng không tốt, Đại sư ân cần giới thiệu “Trung Quốc Phật Giáo sử lược” cho Chánh Trung Thư Cục xuất bản với tinh thần tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, Đại sư rất độ lượng, nhã nhặn với người khác ý, khích lệ người hiếu học, những thái độ đó khiến tôi càng thấy Ngài vĩ đại hơn.
Mùa thu năm thứ 33, tôi được “Thập Phương Đường” mời, muốn đi về thành đô, Đại sư muốn tôi đến Hán Viện. Chính “A hàm giảng yếu” được giảng vào lúc này, in trên báo Hải Triều Âm năm thứ 34; Đại sư chọn là tác phẩm hay trong năm đăng trên Hải Triều Âm và thưởng tôi tiền.
Cuộc kháng chiến chống Nhật thắng lợi rồi. Mục tiêu của tôi là về lại Phổ Đà xa cách 10 năm nay. Thế nhưng, khi vừa đến Vũ Xương, tôi bị Đại sư giữ ở lại đấy. Lúc bấy giờ đang bắt đầu biên tập “Đại sư toàn thư” do Trần Không và Dương Tinh Sâm phụ trách; Đại sư  dặn dò tôi thay Ngài xét duyệt bản kỹ bản thảo sưu tập. Cương mục của bộ toàn thư, phần đại thể đã sớm quyết định. Tôi phát hiện ra một điều: Đại sư phân Đại thừa ra làm 3 môn học, là chỉ phân biệt theo nghĩa lý, và tu hành mà phát tâm Bồ Tát đều qua 3 hệ thống lớn ấy. Điều tốt nhất là nên lập riêng một thiên “Đại thừa thông học”. Ý kiến này đã qua sự đồng ý của Đại sư mà tu chính. Lúc ấy cư sĩ Lý Tử Khoan chủ trì việc xuất bản, gởi đến cúng dường, yêu cầu tôi viết một bài tựa dài để tổng luận học nghiệp của Đại sư. Tôi không đáp ứng nên không nhận cúng dường. Vì tư tưởng của Đại sư rộng lớn vô ngại: đóng cửa Phổ Đà, du hoá Âu Mỹ; phỏng vấn Bam Dương; đối với kiến giải của giáo nghĩa và kiến tăng đều có dời đổi trọng điểm. Đây không phải tôi hoàn toàn không hiểu về Đại sư, mà có lẽ hiểu không nhiều. Tôi không thể viết, vì viết ra cũng chẳng dễ gì thu được kết quả tốt.
 Chiều ngày 6 tháng 3 năm thứ 36, tôi về đến Thượng Hải, làm lễ Đại sư tại hiên Trực Chỉ chùa Ngọc Phật. Lòng Đại sư luôn muốn chỉ dạy, nhưng lúc đấy hoàn toàn không thích hợp. Sáng ngày 10, tôi xin phép Đại sư đi Tây Hồ ngắm cảnh, Đại sư nói:
_Về ngay nhé! Nhớ mang về vài cành mai!
Nào ngờ, đây là lần lễ biệt sau cùng. Chẳng mấy ngày, được điện báo Đại sư viên tịch, tôi bẻ ngay vài cành mai Linh Phong, mang về trước linh cửu cúng dường Đại sư. Sự nghiệp của Đại sư, tôi không đủ sức  chủ trì; di vật của Đại sư, tôi không đủ sức bảo tồn; Xá lợi của Đại sư, tôi không có cách gì cúng dường. Trong hàng môn đệ của Đại sư, tôi chỉ là đàn em, chướng dày, phúc mỏng và luôn luôn bướng bỉnh. Tôi không phải là Ca Diếp thượng thủ, không phải A Nan đa văn, lại càng không phải là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thay thầy giáo hoá một phương. Tôi chỉ là kể cô đôïc ẩn giấu lòng mình trong Phật pháp, chỉ cầu nương tựa học đoàn! Tôi chỉ là kẻ phụ ân Đại sư, chỉ làm phiền mà chưa từng phụ giúp Ngài.
Đại sư viên tịch, hàng đệ tử vân tập về Thượng Hải, nhưng mỗi người có một pháp vụ, biên tập toàn thư lưu lại thật là vội vã. Mọi người đều muốn tôi trợ giúp một tay. Trong hàng đệ tử của Đại sư bao quát nhờ có Pháp sư Đại Tĩnh cung cấp thức ăn và chỗ ngủ, đây chỉ là công tác chửa cháy, đối với đại cuộc tạm hoàn thành. Tôi tị nạn đến Hương Cảng, đã có viết niên phổ của Đại sư. Sau khi đến Đài Loan, lại nhân Pháp sư Đại Tĩnh ốm lâu, tôi tạm thời phụ trách Hải Triều Âm do Đại sư sáng lập, với danh nghĩa xã trưởng, những việc này theo trí nghĩ của tôi, ích nhiều gì cũng sẽ cho tôi cơ hội báo ơn Ngài.
Tôi thì vẫn phúc mỏng nghiệp dày như thế, vẫn cô độc như thế, vẫn bướng bỉnh như thế, vẫn không thể khế hợp với khuôn phép của Đại sư; thế nhưng nghĩ đến tấm lòng rộng lượng bao dung tràn trề mênh mông của Đại sư, sự khuyên dạy cổ vũ của Đại sư, cũng phải tự quên mình hủ lậu, theo nếp cũ làm những việc mà năng lực mình có thể làm.
Nhớ Đại sư, tôi cố gắng noi theo tinh thần của Ngài, và mong đợi Đại sư thừa nguyện trở lại cõi này.

  

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/daisuthaihu.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang