Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
THIỀN LÂM PA-AUK TẠI MIẾN

1. MÔI TRƯỜNG THIỀN VIỆN 

            Cảnh quang, môi trường của Pa-Auk quả là tuyệt. Có lẽ đây là thiền lâm có cảnh quang có một không hai ở Miến, đặc biệt là thượng phần và trung phần thiền viện – khu dành cho chư Tăng và nam cư sĩ. Mặc dầu tôi chưa đi nhiều nơi ở Miến, nhưng tôi tin chắc rằng đây là nơi lý tưởng nhất để tu thiền. Nhiều thiền sinh ngoại quốc đã từng đi nhiều nơi và chư Tăng Miến cũng nói vậy.

Từ ngoài lộ vào tới trung phần và thượng phần thiền viện khoảng 2- 3 cây số, bao bọc bởi rừng non, rừng cao su lấy mủ, và các dãy đồi với  bao loại cây hoang dại thật đẹp, nên thơ và yên tĩnh. Vào những buổi chiều tà, một số Sư có việc đi lại từ ngoài vào, hoặc một vài vị từ trong ra, đi bộ thảnh thơi trong chánh niệm, làm cho chúng tôi tưởng tượng những hình ảnh trong kinh mô tả các vị Tỳ-kheo giữ chánh niệm, thảnh thơi từng bước trong các Tịnh Xá Trúc Lâm, Tịnh Xá Kỳ Viên, … ngày xưa vô cùng.

Từ văn phòng của Thiền Viện (Sangha Office) lên đến Thiền đường chính, đi bộ trung bình mất phải 10-15 phút. Thiền đường toạ lạc trên một ngọn đồi khá cao, gần với tịnh thất HT. Đường đi lên rất đẹp, vì bên đường là các tịnh cốc bằng gỗ sơn đen, che phủ bởi các tàng cây ít tuổi  hoặc nhiều tuổi.

Trong rừng thiền rộng lớn đó, có nhiều cốc ở khá xa thiền đường. Phải đi nửa tiếng mới tới thiền đường, hoặc 20 - 30 phút mới tới được phòng thọ trai. Từ trên chánh điện nhìn xuống thung lũng, thấp thoáng am cốc đó đây ẩn mình trong rừng xanh bạt ngàn đó, quả thật là cảnh trí dành cho người tìm về tịch tĩnh. 

Có hai ba con đường dẫn đến thiền đường. Vào mùa an cư mưa nhiều, nước chảy xiết thành thác, thành suối lớn nhỏ ven các lối đi của chư Tăng. Gà rừng ngày đêm gáy vang núi rừng. Có khi chúng còn vô tới sàng cốc chư Tăng làm ổ !  Sóc rất nhiều. Chúng chạy nhảy tự do, sống trọn với thế giới thiên nhiên của nó. Thế giới loài người gần như chỉ là những sinh vật bé nhỏ trong vũ trụ bao la và hùng vĩ của núi rừng nơi đó!

Rắn cũng có, nhưng có lẽ không nhiều. Người viết đến ở đó trước sau hai lần, mặc dầu ngắn, nhưng chỉ thấy rắn hai lần, và dường như chỉ có một con rắn ấy. Các loại bò cạp, côn trùng khác cũng có, nhưng nhờ thanh khí tu tập của chư Tăng nên chưa nghe ai bị hại vì những độc trùng này. Người viết nghe một vài vị Sư khác nói thỉnh thoảng có một vài loài thú lớn, như báo, cọp ra “thăm viếng”, và chúng chỉ là những khách vãng lai của Thiền Lâm, đến rồi đi, không để lại ấn tượng gì xấu cho hành giả ở đó cả.

Phần lớn chư Tăng ai cũng thích môi trường thiền viện thượng phần. Ở đây ít có Phật tử hoặc tín nữ viếng thăm. Một số thiền viện khác, có những ngày khách khứa thăm viếng nhiều, hoặc chư Tăng Ni không cách biệt hoàn toàn, dù muốn dù không thiền sinh vẫn bị tác động và chi phối bởi những xung lực âm thầm và những ngoại duyên ấy. Môi trường thiền lâm Pa-Auk quả thật là môi trường tốt nhất để mình tập cắt dần mọi duyên, tập sống một đời sống độc cư thiền định.

Theo lời những vị đang tu ở đó, và theo cách quan sát của người viết, có lẽ môi trường tu ở đây chưa phải là môi trường tốt nhất cho chư Ni. Một phần một số am thất của chư Ni gần sát đường, mặc dầu đã là đường nhỏ của làng mạc, chứ không phải là đường lộ. Thứ hai có lẽ là công trình xây dựng đang tiến hành, nơi ăn chốn ở cho chư Ni chưa đi vào nề nếp thật sự. Thứ ba, khu vực chư Ni ở xa chư Tăng quá mà không có một vị Ni nào đứng đầu để lãnh đạo, giám sát Ni chúng nên cũng có những điều bất cập. Mặc dầu các vị Tăng cao hạ đã được điều ra ở gần đó để trông nom, giám sát; nhưng để chư Ni và nữ hành giả thực sự đi vào nề nếp tu tập trên mọi phương diện, có lẽ cần một khoảng thời gian nữa.

2. CÁCH ĐẾN THIỀN VIỆN

Mua vé xe từ thủ đô Yangon tới Thiền Lâm Pa-Auk tại Malamyine tốn khoảng 5-7 Mỹ kim, tuỳ theo loại xe. Loại xe chúng tôi đi, 5 Mỹ kim cũng đã sang lắm rồi, có cả máy điều hoà. Xe chỉ khởi hành vào lúc 6-7 giờ tối, và thông thường đến thiền viện 8 giờ sáng. Đi rất dễ, lên xe chỉ nói với tài xế hoặc phụ xe, mình muốn xuống Pa-Auk Meditation Center, phần lớn ai cũng biết và họ sẽ ngừng đúng chỗ. Từ đường lộ vào trong thiền viện phía Ni (hạ phần), nếu đi bộ trung bình mất khoảng 15 phút. Nếu vào phía bên trong thiền viện của chư Tăng, đi bộ mất khoảng cả tiếng đồng hồ. Trước cổng thiền viện thường có xe xích lô đạp, xe Honda hoặc xe ngựa. Đi vào thượng phần thiền viện, trả tối đa là nửa đô (đây cũng là giá hậu hỷ lắm rồi !).

Nếu là chư Tăng thì vô bên trong để làm mọi thủ tục giấy tờ, khai báo mọi thứ, như thể là giấy khai sanh cả đời lẫn đạo vậy. Xuất gia năm nào, thọ Tỳ-kheo giới với ai, ở đâu, với vị Thầy nào, năm trước an cư nơi nào, thuộc hệ phái nào ? Dĩ nhiên là những vị Khất Sĩ phải thưa là thuộc hệ phái Khất Sĩ. Để cho dễ nhớ đối với các vị có truyền thống học Pāli, tôi đã dịch chữ Hệ Phái Khất Sĩ thành Bhikkhuyana và được các vị ở đó chấp nhận ngay. Dĩ nhiên là bộ phận văn phòng ngoại quốc phụ trách phần này, và văn phòng tổng quát của thiền viện liên hệ đến phòng thất, hướng dẫn căn bản nơi thọ trai, thiền đường, v.v…

Nếu là chư Ni hoặc tín nữ, có thể vô chư Ni trước, tìm các vị quen biết để thưa hoặc vô văn phòng ở hạ phần thiền viện (Lower Monastery Office) để trình bày, rồi đảnh lễ HT viện chủ sau.

3. CÁCH QUẢN TRỊ THIỀN VIỆN

Hoà thượng viện chủ là vị có đức độ, sở chứng cao nhất, và cũng là vị có quyền tuyệt đối quyết định mọi sinh hoạt trong thiền viện. Hành giả vừa mới vào để xin tu, trước nhất là gặp vị chịu trách nhiệm tiếp khách ngoại quốc (Registration Office for Foreigners). Sau đó, các vị phụ trách văn phòng tổng quát sắp xếp phòng ốc, vị trí đi đứng trong Tăng đoàn.

Vào những mùa ít Tăng có một vài cốc trống, chư Tăng có thể được xếp vào những cốc ấy ngay. Nếu cốc không trống thì ở các phòng gần Sangha Office, hoặc ở độc lập, hoặc ở chung với một vị khác. Chờ đến khi có cốc trống, các vị sẽ sắp xếp cho mình ở cốc riêng. Việc ở một cốc nào hoặc dời đến một cốc khác tuỳ thuộc hoàn toàn vào sự sắp xếp của ban trị sự thiền viện. Có một số cốc mình đang ở, nhưng cốc đó vốn được một vị Sư hoặc một vài Phật tử nào đó xây cúng dường cho vị Sư đó, nếu vị đó đến tu tại thiền viện thì thiền sinh đang ở được sắp xếp đến một cốc khác.

Hiện nay các cốc chư Ni ở hạ phần thiền viện cũng trong tình trạng đó. Vì thiền viện không có điều kiện xây dựng phòng ở cho chư Ni, nên nếu thiền sinh nào có điều kiện xây dựng cốc cho riêng mình thì thưa với Tăng chúng, các vị sẽ liệu chỗ nào phù hợp để cho xây dựng một cốc nơi đó. Bất cứ khi nào vị ấy đến đó tu tập đều được ưu tiên tạm sở hữu cốc đó; nhưng sau khi đi rồi, cốc đó tuỳ thuộc vào sự điều dụng của Tăng chúng.

Một số vật dụng cần thiết như là gối, mền, ra trải giường, bát, muỗng, ly, dù, dép (phần lớn các Sư nơi ấy mang dép lào), thậm chí là đèn bin (nhưng bin mình phải tự lo lấy) đều có thể mượn tại Sangha Office.

Nếu muốn rời thiền viện, mình có thể nhờ văn phòng do người cư sĩ phụ trách (Lay Office) để mua vé giúp. Nên thông báo trước một tuần để các vị sắp xếp khi nào tiện thì mua vé và giữ chỗ cho tốt.

4. CỞ SỞ HẠ TẦNG

Trong vòng 15 năm trở lại từ khi nhiều người ngoại quốc biết đến Hoà thượng và đến tham vấn học Thiền với Ngài, cơ sở nhanh chóng được xây dựng. Một thiền đường uy nghiêm rất lớn, dung chứa khoảng 150 – 200 thiền sinh ít nhất mỗi tầng lầu. Tầng trên cũng còn gọi là Chánh Điện hay Giới Đường nữa, vì vào những ngày Giới chư Tăng tụ tập ở đó để tụng Giới Bổn.

Một trai đường 2 lầu và cũng dùng để làm thiền đường, ngang tầm với chánh điện chính. Bên cạnh là một dãy nhà để chư Tăng đến nhận thực phẩm. Tại thiền viện hiện nay chỉ có khoảng 220 tịnh cốc (kuti) bằng ván gỗ, sơn đen. Mỗi tịnh cốc như vậy chỉ ở một người. Những cốc của thiền viện cất lúc trước có đúng theo kích cỡ hơn, các kuti cất sau cũng đều bằng gỗ và thỉnh thoảng bằng xi măng, rất lớn, có thể ở bốn người cũng được, nhưng lại ưu tiên cho một số vị và mỗi vị ở một kuti lớn như vậy. Cốc ở nơi xa ấy cũng khá tiện nghi, có thể gần nhà tiêu tiểu, hoặc đôi khi có cả trong cốc luôn. Các cốc ấy khá lớn so với các cốc thường, phần lớn do chư Tăng hoặc Phật tử ngoại quốc tài trợ tiến cúng. Với số lượng kuti chỉ khoảng 220, nhưng thiền sinh lại quá đông, nên Chánh Điện, thiền đường, trai đường đều được tận dụng tạm thời như phòng ngủ cho chư Tăng Miến cả. Sau khi khoá thiền tối chấm dứt lúc 9 giờ, chư Tăng ngủ tại chỗ và có thể dậy lúc nửa đêm hay 3 giờ sáng và bắt đầu thiền toạ rồi.

Ngoài ra, còn có một dãy nhà 8 phòng dành làm bệnh xá, dưỡng đường. Bên cạnh đó là một dãy lầu 3 tầng dành cho 3 mục đích: tầng trên là thư viện; tầng dưới là văn phòng điều hành tổng quát của thiền viện, phòng computer dành cho văn phòng và biên tập kinh, sách, pháp thoại, các thước phim quan trọng của thiền viện; còn lại là phòng ở cho khách Tăng tạm trú ngắn hạn, hoặc lâu dài nếu các cốc đã hết; tầng dưới hoàn toàn dành làm phòng ở.

Có lẽ cũng nên đề cập ở đây, thư viện của thiền viện bao gồm kinh sách nguyên tác bằng Pāli, các bản dịch, các trước tác của HT bằng tiếng Miến, các dịch phẩm kinh văn quan trọng bằng tiếng Anh, bên cạnh các tạp chí, sách báo đủ loại. Băng đĩa của các bậc danh tăng thuyết giảng về thiền học hoặc kinh tạng cũng có một số. Tất cả đều có thể mượn nghe.

Hiện nay thiền viện đang được xây dựng tiếp. Thiền đường và các phòng ốc dành cho chư Ni đang trong giai đoạn cuối. Thiền đường cho chư Ni cũng hai tầng và lớn như chư Tăng, dung chứa từ  400 - 500 thiền sinh.

5. CÁC THIỀN SƯ TẠI THIỀN VIỆN

            Ngoài HT viện chủ Pa-Auk chịu trách nhiệm chính về mọi mặt tại thiền viện, còn 2 vị khác đặc trách phụ giúp Ngài hướng dẫn thiền tập. Thông thường, các thiền sinh (Tỳ-kheo và thiện nam) ngoại quốc được HT hướng dẫn trực tiếp. Chư Tăng Miến và cư sĩ nam được 2 vị khác, cũng có kinh nghiệm tu đặc biệt, do HT thiền chủ bổ nhiệm hướng dẫn. Một vị còn khá trẻ, năm nay khoảng 35 – 37 tuổi, nói tiếng Anh lưu loát. Còn vị khác không biết tiếng Anh.  Đôi lúc HT đi tổ chức các khoá tu ở hải ngoại, vị Sư trẻ ở nhà phụ trách hướng dẫn thiền tập cả. Thời gian HT chắc chắn ở tại thiền viện là thời an cư, từ 15 – 06 đến 15 – 09 âm lịch. Một số thiền sinh ngoại quốc lại thích trình pháp với vị Sư trẻ hơn, vì có nhiều thời gian để thưa hỏi những vấn đề liên hệ đến thiền hoặc giới luật. Điều đó cũng được, khi HT đồng ý.

Phía chư Ni phần lớn là do vị Sư trẻ hướng dẫn thiền tập. Tuy nhiên, cũng có một số chư Ni ngoại quốc, đặc biệt là Đài Loan muốn trình pháp với HT. Các vị đến trình pháp vào lúc 10:30 –11:00 giờ sáng, trước khi Ngài dẫn chư Tăng đi khất thực, hoặc sau khi Ngài đã nhận thực phẩm rồi!

6. THỜI KHOÁ TU TẬP

Thời khoá ở thiền viện này nếu áp dụng cho hành giả Miến Điện quả là khít khao, gần như không có thời giờ để làm việc khác nữa.  Đối với người ngoại quốc còn có thời gian rảnh chút đỉnh vì không phải tụng kinh và nghe pháp bằng tiếng Miến vào lúc 5:30 – 7:00 chiều tối. Thời khoá hằng ngày như sau:

3:30 sáng:                     Thức chúng.

4:00 – 5:30:                  Tụng kinh sáng và thiền toạ chung.

5:45- 6:30:                   Điểm tâm.

7:00 – 9:00:                  Thiền toạ chung.

9:00- 10:00:                 Trình pháp và các công việc lặt vặt riêng.

10:10:               Thọ trai.

12:30 – 2:30:    Thiền toạ chung.

3:00 – 4:30:                  Thiền toạ chung.

4:30 – 5:30:                  Trình pháp, các công việc cá nhân và công quả.

5:30 – 7:00:                  Tụng kinh tối và pháp thoại bằng tiếng Miến.

7:00 – 9:00:                  Thiền toạ chung.

Tụng kinh sáng chỉ khoảng 15-20 phút tối đa trước khi chính thức vào thiền toạ. HT đã ghi âm sẵn và có vị phụ trách mở máy, như vậy đại chúng cứ theo đó mà tụng. Kinh tụng ở đây bằng tiếng Pāli và đã dịch sang tiếng Anh, được biên tập thành KINH NHẬT TỤNG (DAILY CHANTS) nên hành giả có thể thỉnh khi vừa tới để học và tụng với đại chúng.

Nếu theo thời khoá biểu đúng mức đòi hỏi sự tinh tấn của hành giả rất nhiều. Các thời toạ thiền chung, tất cả thiền sinh đều phải lên đầy đủ. Trong thời gian ngồi thiền ấy, chờ cho đến khi nào tiếng chuông được đánh lên mới xả thiền. Dĩ nhiên cũng có một số vị vì lý do ngồi lâu quá chưa quen, nên xả thiền trước, đi xuống sớm một chút. Điều đó cũng ảnh hưởng đến sự tập trung tư tưởng hoặc sự gia công nỗ lực của một số thiền sinh khác. Trường hợp như vậy, các vị phụ trách trông nôm thiền sinh trên thiền đường thỉnh thoảng có nhắc nhở. Vì mục đích tạo không khí yên tĩnh tối đa cho thiền sinh trong khi tu tập, nên các thiền sinh không được nói chuyện ở khu vực thiền đường.

Sau khi xả thiền lúc 5:30 sáng, các thiền sinh trở về phòng mang bát xuống phòng nhận thực phẩm đã mất hết 10 phút rồi. Các Sư Miến và đặc biệt các Sư nhỏ hạ hoặc Sa-di, phải chờ các vị lớn hạ đi trước, nên đến khi các vị nhận được thực phẩm, vừa dùng xong, nhiều vị mang cả bát lên thiền đường tu tập.

Như thời khoá biểu chúng ta thấy, thời gian trình pháp và các công việc lặt vặt được chia thành sáng chiều. Nếu mình trình pháp vào buổi sáng thì khỏi phải trình buổi chiều. Thời gian này cũng là thời gian rảnh chút đỉnh để tắm rửa, giặt giũ cá nhân hoặc quét dọn khu vực am cốc của mình.

Thời gian bắt đầu chuẩn bị cho đến thọ trai xong từ 10: 10 cho đến 12:00. Vì 12:30 đã bắt đầu hành thiền, nên 12:15 đã đánh kiểng. Nếu các vị nhận cơm đi đầu và ăn nhanh có thể có thời gian dư từ  30 - 45 phút, còn các vị đi sau và ăn chậm gần như không còn thời gian nghỉ trưa !

Duy chỉ có chư Tăng ngoại quốc, nếu là trình pháp buổi sáng thì thời gian từ 4:30 – 7:00 là thời gian rảnh để nghỉ ngơi hoặc tham cứu thêm kinh luật hoặc pháp môn. Một số vị đau lưng hoặc ngồi lâu chưa quen có lẽ không hợp với thời khoá ngồi từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng này.

 Bên cạnh sự lợi ích của trình pháp mỗi ngày, cũng có những trường hợp ngược lại, vì mỗi ngày phải trình sự tu tập, tiến bộ của mình như thế nào, mà thực tế nhiều thiền sinh làm không được, nên lại sợ trình pháp và gặp HT viện chủ, lắm lúc tạo ra tâm lý căng thẳng đối với một vài thiền sinh.

7. KHẤT THỰC VÀ THỌ TRAI

Pháp khất thực của thiền viện, thật ra chỉ là sắp tới trưa, chư tăng đắp lum y đi nhận thực phẩm tại thiền viện, thay vì đi khất thực ngoài làng hoặc phố phường. Đó cũng là điều hay, vì nhắc nhở chư Tăng phép khất thực xin cơm nuôi thân, mình không là gì cả, hoàn toàn tuỳ vào sự bố thí cúng dâng của cư sĩ mà mình mới tu được, từ đó bản ngã của mình hầu như không có cơ hội để phát triển; và một cách tự nhiên, hành giả trở thành người khiêm hạ mà mình không cần phải cố gắng gượng gạo. Nhiều Phật tử từ xa lại, có khi còn bồng theo con cháu nhỏ, đứng thành hàng nghiêm trang chờ chư Tăng đi tới dâng cơm hoặc dâng những gì có thể, như trái cam, trái quýt, cây kẹo, bị đậu phộng, bị muối, v.v… Tất cả những hình ảnh khiêm cung, lễ độ, trân trọng, quý mến chư vị Đại Đức đó đã đập vào tim não của các nhà Sư khi nhận thực phẩm, giúp rất nhiều cho sự nỗ lực của chư Tăng trong những ngày tháng thật sự khép mình tu tập! 

Điều luật trên áp dụng cho toàn thể đại chúng, kể cả HT viện chủ, các vị Thầy giáo thọ, các vị lớn tuổi hạ và cả những vị già nua nhưng vẫn còn đi nhận thực phẩm được. Đúng thời đều phải xuống sắp hàng và lần lượt đi nhận thực phẩm (khất thực) cả. Ngoại trừ các vị bị bệnh nằm tại dưỡng xá của thiền viện, thì có các vị nuôi bệnh khất thực thế. Tất cả thực phẩm mà người bệnh dùng, phần lớn cũng giống như chư Tăng bình thường, ngoại trừ khi có yêu cầu đặc biệt. Dù là bệnh cũng không được dùng chiều, trừ khi thắt ngặt lắm mới dùng. Ngay cả những vật dụng hay thuốc men, đồ ăn cho người bệnh đều phải qua sự chứng minh của chư Tăng, không được tự mua về dùng. Nếu không như vậy, dùng đều sái luật.

Buổi sáng, chư Tăng vẫn phải mang bát xuống và sắp hàng như buổi trưa. Có một số vị cảm thấy quá mệt mỏi khi phải sắp hàng, chờ đợi, mất thời giờ chỉ vì cái bao tử, cái sắc uẩn giả hợp này nên các vị nhịn ăn sáng luôn. Mặc dầu các vị vẫn ý thức được sự đi đứng, ngồi nằm, ăn mặc, nói làm … của một vị Tỳ-kheo, nếu biết khéo tu thì trong mọi hoàn cảnh đều có thể tu được, nhưng sự thật cũng vì cái ăn mà phải tranh thủ thời gian, quả thật là một điều mệt nhọc cho hành giả ! Do đó, bữa trưa HT sắp xếp cho các nhà Sư Nguyên Thuỷ, Khất Sĩ, Đại Thừa ngoại quốc ăn mỗi ngày một ngọ đi trước, kế là các vị Miến ăn một ngày một ngọ, sau nữa là các nhà Sư Nguyên Thuỷ, Đại Thừa; và chư Tăng thiền viện đi sau cùng. Hạ lạp ở trường thiền này rất lưu tâm, nên chư Tăng phần lớn đi, đứng, ngồi đều đúng theo tuổi hạ của mình.

Thực phẩm trong trường thiền này duy nhất là chay. Một số thiền sinh ở đó cho rằng do yêu cầu của khối người Hoa, nên trường thiền mới dùng chay. Sự thật không phải vậy, vị HT trú trì đời trước chẳng những mỗi ngày ra làng đi khất thực mà chỉ dùng chay thôi, và có lẽ khi HT Pa-Auk tiếp nhận thiền viện này cũng đã dùng chay lâu rồi. Sau khi nhận thực phẩm xong, các vị lên phòng thọ trai, hoặc tìm một chỗ nào ngồi thích hợp. Một số vị lên trai đường trước để trải toạ cụ,  một số sau khi lên trai đường rồi mới trải toạ cụ để ngồi rồi thọ trai luôn đều được. Trước khi dùng, cũng tuỳ theo mỗi vị mà có cách lạy Phật, cúng dường thầm hoặc ăn trong chánh niệm mà không có đọc kinh cúng dường, cầu nguyện gì cả. Ở Miến, một số vị còn dùng tay, ăn bốc như Ấn Độ và Tích Lan vậy.

Vì chỉ nhận thực phẩm đựng trong bình bát như vậy, nên có một số vị đôi khi ăn không hết vì một lý do nào đó, nên trường thiền để sẵn 3 sô lớn để đổ cơm thừa, bánh trái dùng không hết, hoặc lá, bao, v.v… Cơm thừa trong sô lớn để cho chim, thú trong rừng. Bánh trái chư Tăng hồi hướng lại, nam nữ cư sĩ đem xuống dùng trưa hoặc đem về. Sau khi thọ trai xong, phần ai nấy lặng lẽ đi rửa bát, lau khô rồi mang về phòng cất.

Buổi chiều tại rừng thiền không có chuẩn bị bất cứ loại nước gì cho thiền sinh cả. Vào những ngày Giới, nam nữ Phật tử thỉnh thoảng lên dâng nước ngọt cho chư Tăng trước sân Chánh Điện. Thông thường là sau khi xả thiền lúc 4.30, một số ghế đã được sắp sẵn, các nam nữ rất cung kính khi dâng nước cho chư Tăng.

Có lẽ cũng cần nên biết về chất lượng thức ăn chay tại rừng thiền. Theo quý vị tu ở đó nhiều tháng, có vị vài năm cho rằng, đã không dùng nổi thức ăn chay ở đó nữa, đặc biệt là chư Ni. Riêng tôi thì thấy cũng thường, có lẽ vì ở ngắn ngày. Vì số lượng thiền sinh ở đây quá đông, trung bình các mùa từ 500 - 700, kể cả Tăng lẫn Ni và nam nữ cư sĩ, chưa kể vào các lễ hội có thể lên tới 1000. Có lẽ vì lý do này nên các cư sĩ phụ trách nhà bếp (đặt tại hạ phần thiền viện) rất vất vả, nên đôi khi chăm sóc thức ăn cho đại chúng không được chu đáo chăng ? Nhưng theo người viết, đời sống tu sĩ không làm gì ra của cải vật chất, mỗi ngày được  hai bữa cúng dường sáng trưa như vậy cũng đã là phước báu lắm rồi. Rất nhiều cư sĩ tại gia ở Miến làm rất vất vả, nhưng cơm không đủ nuôi bụng thực sự, không có điều kiện cho con cái học hành, nhưng còn nhịn lại để dâng cho chư Tăng Ni tu học nữa. Quả là những tín chủ có tấm lòng vàng, đã hỗ trợ thúc đẩy các hành giả tu học rất nhiều !

8. CÁC PHẬT SỰ KHÁC

            (1) Giảng Luật và Thiền: Năm 2005, tại thiền viện có tổ chức lớp học Luật một tuần một hai buổi tối cho các tân Tỳ-kheo, hoặc những vị muốn tham cứu về giới luật. Sách lấy làm giáo trình là GIỚI BỔN TỲ KHEO (THE BUDDHIST MONASTIC CODE -The Patimokkha Training Rules Translated and Explained) do  Đại Đức Thanissaro người Mỹ soạn dịch. Tại thiền viện có nhiều vị tinh thông luật tạng, nên thiền sinh Miến có thể tham vấn trực tiếp từ các vị ấy. Nhưng phần lớn các vị ấy không biết tiếng Anh, đó cũng là thiệt thòi cho những thiền sinh ngoại quốc muốn học thêm về giới luật.

            Một điều khá hay mà các thiền viện hay các tu viện lớn ở Miến không có, đó là, ở khu trung phần thiền viện có cả khu biệt trú để chư Tăng ra đó sám  hối tội tăng tàn. Sáng sớm các vị vô trường thiền điểm tâm và cả ngày tu tập, sinh hoạt bình thường, chiều 5 giờ các vị ra để biệt trú. Nhiều vị đã 40 hạ, nhưng khi nhận ra mình phạm lỗi nào như luật định cũng sám hối trước đại chúng và xin ra đó để biệt trú. Quả thật đối với những vị lớn tuổi hạ, tự phát lồ với tâm thành như vậy không phải ai cũng làm được, và không phải nơi nào cũng có !

            Thời gian trước, vì muốn cho thiền sinh biết rõ về phương pháp tu tập của thiền viện như thế nào, nên có tổ chức lớp học: Knowing and Seeing (Tri Kiến) dựa theo pháp thoại Ngài đã giảng khi tổ chức khoá tu tại Đài Loan, và những gì đã được chắt lọc biên tập trong tác phẩm này. 

            Và cũng với phương hướng đó, rất có thể mỗi năm có những chương trình khác biệt nhằm giúp cho thiền sinh mở rộng kiến văn và nhận thức đúng đắn về lý tưởng mình đang theo, hay là tông chỉ của thiền viện mà mình đang tu tập.

            (2) Thuyết Pháp: Pháp thoại bằng tiếng Miến đều được chư Thượng Toạ, Đại Đức ở đó giảng đều đặn vào chiều từ 6 đến 7 giờ tối. Nhưng pháp thoại bằng tiếng Anh hầu như không có. Mặc dầu HT đã qua Đài Loan tổ chức khoá tu và giảng chuyên đề bằng tiếng Anh Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-Satipaṭṭhāna-Sutta) trong Trường Bộ Kinh để hướng dẫn thiền sinh, và được thâu lại, nhưng có lẽ vì tiếng Anh của Ngài nói hơi khó nghe, nên hầu như không phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, vị nào muốn nghe để học thêm Pháp, có thể mượn tại thư viện hoặc văn phòng phụ trách thiền sinh nước ngoài.

Thỉnh thoảng có một vài vị Thượng Toạ, Đại Đức ngoại quốc đang tu hoặc viếng thăm thiền viện cũng được thỉnh giảng, đặc biệt là những ngày giải hạ. Mỗi lần giảng, vì để tiện cho chư Ni, nên chư Tăng phải ra giảng đường của chư Ni ở hạ phần thiền viện để nghe giảng. Từ thượng phần xuống hạ phần thiền viện hơi xa, nên trong mùa an cư, hầu như không tổ chức. Khối người biết tiếng Hoa ở đó tu khá đông, nên mỗi lần giảng như vậy đều có người dịch sang tiếng Hoa cả.

            (3) Khất Thực Gạo Sống: Mỗi năm như vậy các Phật tử ở một ngôi làng nào gần đấy, xin HT cho phép toàn dân của họ cơ hội dâng thực phẩm đến chư Tăng, không kể già trẻ, nam nữ, giàu nghèo. Ai có điều kiện thì cúng nhiều, không có điều kiện thì cúng ít. Vì để tiện cho chư Phật tử, nên HT sắp xếp cho họ cúng dường gạo sống. Rất nhiều Phật tử chỉ cúng mỗi vị Tăng mỗi muỗng gạo sống mà thôi. Ngày ấy toàn thể chư Tăng, không phân biệt Nguyên Thuỷ hay Đại Thừa đều được mời đi khất thực cả. Những vị theo truyền thống Nguyên Thuỷ đắp y lum, những vị Đại Thừa đắp y kẹp, đều đi chân trần, không cầm quạt. Chư Ni (Tỳ-kheo-ni và tu nữ tại Miến) đều được mời đi hết.

Sau khi điểm tâm xong, xe do thiền viện sắp xếp đã đợi sẵn, đưa các Sư tới một ngôi chùa, hoặc một địa điểm nào đó để tập trung. Thay vì chư Tăng phải tự ôm bát đi khất thực như truyền thống xưa nay, thì các em học sinh của làng đó cầm bát  thế cho chư Tăng, và cứ như vậy đi cho hết các đoạn đường mà các Phật tử đứng chờ. Khi gạo đầy bát, các  em đổ vào các bao do các cư sĩ hộ viện đem theo sẵn, và sau đó đem về thiền viện để phòng những lúc người cúng dường không đủ.

Riêng chư Ni thì tự ôm bát lấy. Bát của chư Ni tại Miến không giống như bát của chư Tăng Ni Việt Nam, có hình dạng như cái bô, màu trắng. Chư Ni tại Miến không được quần chúng cung kính cho lắm. Điều này nếu có điều kiện tôi sẽ trình bày trong một bài khác.

9. CHI NHÁNH CỦA THIỀN VIỆN

Tại Yangon cũng có một thiền viện thuộc chi nhánh của HT Pa-Auk khá lớn, quy mô, có tầm vóc, không thua gì các thiền viện khác ở thủ đô. Thiền viện có tên: Thanlyin International Meditation Centre[1] (Thiền Viện Quốc Tế Thanlyin). Từ phi trường Yangon tới thiền viện này tốn khoảng 15 - 20 Mỹ kim cả khứ hồi. Người viết đến đó vào một buổi chiều, dự định đến tu một thời gian, nhưng vì vị Thiền Sư biết Anh ngữ đi hải ngoại hướng dẫn thiền tập rồi, nên phải đành giã từ mà về. Chính vì vậy, người viết không biết nhiều về sinh hoạt thiền viện này. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số vị đã từng tu ở đó và đang học ở trường Đại học Phật Giáo ở Yangon, tu viện tổ chức khá tốt. Tiến sĩ Mehn Tin Mon, hiện đang phụ trách môn Thiền Chỉ (Samatha) và luận thư Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhamma-saghaha) tại trường là chủ tịch hội đồng quản trị của thiền viện, và cũng là người tán đồng quan điểm tu sĩ Phật giáo nên ăn chay trong bối cảnh hiện đại.

Cảnh trí trường thiền quả thật lý tưởng: diện tích đất khá rộng, cây cối nhiều. Một bảo tháp vàng lớn uy nghiêm giữa rừng cây xanh mát, nằm khuất tận phía bên trong của thiền viện trông rất cổ kính và thiền vị. Buổi tối, nhiều chư Tăng Ni và Phật tử sau khi hành thiền xong, quay về bảo tháp Shwe Dagon tại Yangon - nơi tôn trí Xá-lợi tóc của Đức Bổn Sư, cũng như rất nhiều tượng Phật - để đảnh lễ, tưởng nhớ ân đức của Ngài, và trong sâu thẳm có lẽ còn để cầu sự gia bị của chư Phật, chư Thánh Tăng nữa. 

Nếu là chư Tăng, lên Thiền Lâm Pa-Auk ở Mawlamyine tu có lẽ tốt hơn. Thời gian người viết ở đó, có 3 Tăng Việt Nam ở đó tu: một sư Nguyên Thuỷ, một sư Khất Sĩ, một thầy Bắc Tông đã chuyển sang Nam Tông, nên các vị có thể hỗ trợ về phần chuyển ngữ. Còn nếu là chư Ni biết Anh ngữ, trong giai đoạn hiện nay có lẽ tu tại thiền viện ở Yangon tốt hơn, nếu có Thiền Sư nói tiếng Anh hướng dẫn.  Vì ở đó, phòng ốc đã ổn định, và chư Ni chắc chắn được các Thiền Sư giám sát khít khao hơn. Điều này sẽ giúp thiền sinh tiến bộ nhiều trong những ngày tháng nghiêm mật tịnh tu. Tuy nhiên, chư vị không biết Anh ngữ tới Thiền Lâm Pa-Auk ở Mawlamyine tiện hơn, vì Sư Cô Tường Liên đã ở đó tu gần 3 năm rồi, nên cũng có nhiều kinh nghiệm và có thể giúp phần chuyển ngữ.

Hiện nay ở các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Tích Lan, Đài Loan, Mỹ đều có các trung tâm tu tập theo đường lối của Hoà thượng Pa-Auk.

10. TÀI LIỆU THAM CỨU TRƯỚC

Sự nghiệp nghiên cứu học thuật của HT Pa-Auk dựa vào Thánh Điển Pāli, đặc biệt Visuddhimagga của Ngài Bhaddhantācariya Buddhaghosa. Do đó,  thiền sinh có thể nghiên cứu luận thư này trước khi đến đây tu tập là điều kiện cần. Bản dịch Thanh Tịnh Đạo Luận của Ni Sư Trí Hải, hoặc Thanh Tịnh Đạo Luận Toản Yếu  do Thượng toạ Phước Sơn biên soạn là những tài liệu căn bản. Bản dịch tiếng Anh The Path of Purification của Tỳ-kheo Ñāamoli, hoặc The Path of Purity của Pe Maung Tin là nguồn tài liệu chính cho những vị biết Anh ngữ.

Tác phẩm được xem là giáo trình cho đường lối thiền tập của Ngài là Knowing and Seeing (dịch sát: Biết và Thấy), bản dịch tiếng Hoa: Như Thật Tri Kiến. Sở dĩ HT đặt tên như vậy, theo người viết, vì thiền phẩm này dựa trên hệ thống thất tịnh, mà đỉnh cao của lộ trình này là Tri Kiến Tịnh (Ñāadassana-vissuddhi). Xem ra, bản dịch tiếng Hoa thêm vào trạng từ ‘Như Thật’ nêu bật được nội dung thiền phẩm muốn trình bày. Tác phẩm được hiệu đính, xuất bản năm 2005 là ấn bản khá hoàn hảo nhiều mặt so với ấn bản đầu tiên năm1999, có thể thỉnh miễn phí tại thiền viện để học.

Cũng có thể tham khảo thêm giáo trình thiền học Samatha (2 tập) do Giáo sư tiến sĩ Mehm Tin Mon hiện đang phụ trách giảng dạy tại Trường Đại Học Quốc Tế Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thuỷ (International Theravāda Buddhist Missionary University) biên soạn. Giáo trình này xuất bản năm 2004, trên căn bản dựa trên bộ Thanh Tịnh Đạo Luận soạn ngắn lại, và dĩ nhiên, có tham khảo đối chiếu với một số Kinh, Luật trong Đại Tạng.

Hiện trên internet, tại: www.paauk.org có đầy đủ thông tin về trường thiền, cùng những quy định, v.v…. Tác phẩm Teaching and Training  được Tỳ-kheo Moneyya biên tập, đọc bằng chương trình Acrobat Reader có thể được coi như là tài liệu căn bản về hệ thống “Thất Tịnh” này.

Khi người viết rời thiền viện, đĩa CD về Thiền Lâm Pa-Auk chưa được hoàn tất, nên không có dịp thỉnh. Đĩa  CD bao gồm cuộc đời, sự nghiệp của HT, cũng như thiền viện trước khi được trùng tu, quang cảnh hiện nay, cảnh thiền sinh thiền tập tại thiền đường, tụng kinh, cảnh quý Sư khất thực, thọ trai, và một số thông tin khác, trông cũng khá hay.

***

Xin thành kính đảnh lễ chư Tôn đức đã tạo điều kiện nơi ăn chốn ở, đã hướng dẫn tu tập trong những ngày tháng ở Miến. Xin chân thành cảm tạ quý thân hữu và Phật tử đã hỗ trợ, tạo điều kiện để người viết có chuyến du lịch tâm linh vô cùng ý nghĩa này. Cũng xin ghi lại nơi đây lời tri ân đối với tất cả chư huynh đệ tại Miến đã giúp đỡ, chia xẻ kinh nghiệm tu tập trong những ngày tháng lưu trú ở Miến. Cầu mong tất cả sớm đạt được Đạo Quả (Magga-Phala) như mong đợi.


[1] Thuộc Silawah Road, Phayagone Thanlyin, Yangon.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/thienlam_Pa-auk.htm

 


Vào mạng: 1-7-2006

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang