-
TRAO ĐỔI NGẮN VỚI HOÀ THƯỢNG THÁNH NGHIÊM
Thích Nhật Từ: Sáng kiến tổ chức các toạ đàm quốc tế nhân khánh thành Pháp
Cổ Sơn, ngoài mục đích thiết lập các quan hệ xã hội và tôn giáo, Hoà
thượng muốn gởi gấm thông điệp của Phật giáo đến đại diện các tôn giáo và
các nhà nghiên cứu?
HT.
Thích Thánh Nghiêm: Cùng
một chủ đề chính “Từ Nội Tâm đến Nhãn Quan Toàn Cầu” các toạ đàm lần này
nhằm thiết lập điều kiện tạo ra một tương lai toàn cầu xán lạn, vững chãi,
hoàn bình, bằng trí tuệ và kinh nghiệm của các cử toạ đứng từ góc độ tôn
giáo và triết học khác nhau trên khắp thế giới. Với ba toạ đàm, Pháp Cổ
Sơn làm vai trò nhịp nối, để các nhà lãnh tụ Phật giáo thế giới, các nhà
học giả Phật giáo thế giới và các nhà lãnh tụ tôn giáo thế giới có thể
ngồi lại gần nhau trong tinh thần tương kính đối với các hệ giá trị khác
nhau. Điều tôi muốn nhắn nhũ đến với tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và
chính trị là đã đến lúc chúng ta phải hiểu được và nhận thức được tầm quan
trọng của sự an lạc nội tại, sự hoà hợp trong khác biệt, sự thống nhất mục
đích trong các phương tiện hành trì khác nhau trong đời sống của con người
và muôn loại. Các tôn giáo cần phải chia sẻ các giá trị của tình thương
phổ quát, giải quyết các vấn đề bằng trí tuệ và ứng xử với nhau trong tinh
thần đại bi. Với nguyên lý đó, tôi tin rằng thế giới hiện tại và tương lai
sẽ giải quyết được các thách thức mà nhân loại đang đối đầu như chủ nghĩa
giai cấp, tôn giáo, ý thức hệ chính trị, mâu thuẫn đối kháng, khủng bố và
huỷ diệt lẫn nhau.
Hỏi: Đạo đức
có thể tồn tại ngoài tôn giáo và độc lập với tôn giáo. Vai trò của tính đa
nguyên tôn giáo có thể giúp gì cho sự phát triển xã hội con người?
HT. Thích
Thánh Nghiêm: Sự phát huy nhân cách của con người lệ thuộc vào sự phát
triển cá nhân và đạo đức toàn cầu, vốn có liên hệ mật thiết với các truyền
thống tôn giáo. Trong khi xã hội toàn cầu ngày nay mang tính đa văn hoá,
khuyến khích và cho phép chúng ta duy trì các khác biệt, chúng ta có thể
chia sẻ các nguyên lý đạo đức dị biệt, với tâm huyết rằng tất cả dân tộc
trên thế giới có thể đồng tồn tại trong hoà bình. Sáu tỉ rưởi người trên
thế giới ngày nay cần đến các quy luật hỗ tương và phát triển. Bên cạnh
các luật quốc tế, các nguyên lý đạo đức phổ quát rất cần thiết cho đời
sống cộng tồn.
Hỏi: Cuộc
đời đức Phật gắn liền với sinh thái thiên nhiên, ảnh hưởng đến đời sống
vật lý của chúng sinh, và sinh thái tâm linh, tức sinh thái hành trì, ảnh
hưởng đến đời sống tinh thần của con người. Xin Hoà thượng cho biết quan
điểm bảo vệ sinh thái của Pháp Cổ Sơn?
HT. Thích
Thánh Nghiêm: Tinh thần và quan điểm bảo vệ sinh thái của Pháp Cổ Sơn,
trên căn bản dựa vào tinh thần từ bi của đức Phật và hạnh nguyện từ bi của
Bồ-tát Quán Thế Âm. Theo tôi, có bốn loại sinh thái căn bản mà con người
cần phải quan tâm và bảo vệ: 1) Bảo vệ sinh thái thiên nhiên kéo theo sự
phải vệ hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, 2) Bảo vệ sinh thái
đời sống nhằm kiến tạo một phong cách sống đơn giản, thanh khiết và trật
tự, 3) Bảo vệ sinh thái xã hội nhằm đảm bảo sự tương kính và an bình trong
các tương tác xã hội, 4) Bảo vệ sinh thái tâm linh nhằm thiết lập thái độ
sống lạc quan, hạnh phúc và an lạc bây giờ và tại đây. Bảo vệ ba loại sinh
thái đầu là điều kiện cần và đủ để phát huy sinh thái tâm linh, mãng quan
trọng nhất trong đời sống tinh thần của con người.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/