Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tìm Hiểu Ý Nghiã  “ Kruat nam” Trong Truyền Thống  Phật Giáo Thái Lan

 

Ai đã một lần đến Thái Lan và có dịp ghé thăm những ngôi chùa Thái, chắc hẳn sẽ bắt gặp một hình ảnh, một nghi thức có thể nói rằng rất quen thuộc và phổ biến trong đời sống tinh thần của người dân Thái lan, đó là nghi thức “Kruat nam”. Vậy “Kruat nam” là gì ? Ý nghĩa ra sao ? Để hiểu thêm về vấn đề này, người viết xin được giới thiệu đôi nét về nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức “ Kruat nam” trong sinh hoạt truyền thống của đất nước Phật Giáo Thái Lan.

 “Kruat nam” là tiếng gọi theo ngôn ngữ của người Thái. Trong ngôn ngữ Pāli gọi là “Uddisodaka”, Sankrit “Daksinodaka”. Chúng ta  có thể  hiểu nôm na là  một việc làm thiện để hồi hướng công đức thông qua nghi thức rót nước. Do vậy,  mỗi khi Phật Tử Thái lan phát tâm cúng dường các nhà sư như cúng dường trai tăng, trai phạn, hay bất kỳ một hình thức cúng dường nào đều có nghi thức “Kruat nam”. Theo quan niệm của người Thái, nghi thức này được xem như là một hình thức hồi hướng công đức và phước lành. Sau khi thọ nhận phẩm vật cúng dường, chư Tăng sẽ tụng một đoạn kinh ngắn mang ý nghĩa cầu nguyện và hồi hướng phước đức, trong khi đó các Phật Tử cũng sẽ thực hành một nghi thức rất quen thuộc là “Kruat nam”. Vị đại diện, thông thường là một người cao tuổi hoặc có vị trí lớn nhất trong nhóm sẽ cầm một bình nước nhỏ rót từ từ sang một cái chén khác, những người còn lại tuy không trực tiếp cầm bình nước rót nhưng tất cả sẽ đụng vào nhau tạo thành một sự liên kết qua lại với ý nghĩa rằng tất cả sẻ cùng được hưởng một phần công đức và cùng chia sẽ cho mọi người. Quan sát kỹ  ta sẽ thấy khi rót nước, họ sẽ rót rất chậm rãi, dùng một ngón tay trái hoặc ngón tay phải đặt lên miệng bát và rót cho dòng nước chảy từ từ chảy xuống bát nước. Vừa rót họ vừa thầm tụng một câu kinh bằng tiếng Pāli hoặc tiếng Thái mang ý nghĩa hồi hướng rằng một phần công đức này họ muốn hồi hướng đến một người khác. Đó có thể là người còn sống và phần lớn là hồi hướng đến cho ông bà tổ tiên cũng như những người đã mất. Động tác này được thực hiện một cách rất thành kính, và dường như tất cả người dân Thái Lan ai ai cũng phải biết làm như vậy. Không chỉ đối với người dân bình thường, mà ngay cả trong hoàng cung Thái lan, mỗi khi tổ chức đại lễ cúng dường đến chư tăng, hay phát tâm cúng dường một phẩm vật gì cho Tam Bảo, nhà vua cũng đều thực hành nghi thức này dưới sự chú nguyện của các nhà sư Thái.

Tìm hiểu thực tế,  nghi thức này không chỉ là phong tục riêng của đất nước Phật Giáo Thái Lan mà dường như nó đã trở thành một nghi thức rất đặc thù trong truyền thống của Phật Giáo Nam Truyền. Ngay cả Việt Nam chúng ta, nhất là các tỉnh đồng bằng Nam bộ, nếu có dịp đến các ngôi chùa theo truyền thống Phật Giáo Nam Truyền của người Khơ-mer, thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy các Phật Tử cũng có thực hành nghi thức này. Tuỳ theo ngôn ngữ của mỗi quốc gia mà nghi thức “ Kruat nam” có những tên gọi khác nhau. Khi hỏi thăm về nguồn gốc xuất xứ của nghi thức này, đa phần các Phật Tử Thái lan đều trả lời một cách chung nhất là không biết, vì lâu nay  họ chỉ làm theo một truyền thống quen thuộc là xưa sao nay vậy.

Nghi thức này đã có từ khi nào rất khó để có thể tìm ra được một thông tin chính xác, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng chắc hẳn nó đã có từ rất lâu. Như trên đã đề cập, vốn dĩ  nghi thức này không chỉ phổ biến trong Phong tục tập quán của đất nước Phật Giáo Thái lan, mà cho đến ngày nay dường như nó vẫn còn ảnh hưởng rất sâu sắc trong truyền thống Phật Giáo Nam Truyền. Trong ngôn ngữ Pāli, chúng ta thấy có sử dụng hai từ “Uddisodaka” và “Daksinodaka” để nói lên 2 hành động khác nhau trong việc hồi hướng công đức và phước báu cho tự thân, cùng những thân quyến hiện tiền, đồng thời cũng hồi hướng đến cho những người đã mất. Xét ở phương diện tổng quan, ta thấy cả hai từ này đều mang ý nghĩa như nhau  là đều chỉ cho hành động rót nước để hồi hướng công đức. Thế nhưng khi tìm hiểu khía cạnh lịch sử thì hai từ này không hoàn toàn mang ý nghĩa như nhau, mà bản thân mỗi từ mang ý nghĩa khác nhau.

“Uddisodaka” để nói đến một nghi thức rót nước và dâng cúng một vật gì đó  mang tính chất lớn lao, không thể trao nhận trực tiếp bằng tay, như việc cúng dường đất đai, tinh xá ….Do vậy, khi dâng cúng, người cúng dường thường dùng một ít nước rót lên tay người nhận để biểu trưng rằng việc cúng dường này đã được thọ nhận đúng pháp. Trong khi đó “Dakhkiṇodaka” cũng để chỉ cho hành động rót nước dâng cúng, nhưng hành động này mang ý nghĩa thay cho người đã mất. Ngoài ra “Daksinodaka” còn có nghĩa dâng cúng một phẩm vật gì đó cho ai, nhưng có sự khác biệt ở đây là phẩm vật dâng cúng mang tính chất vô hình, không thể trông thấy bằng mắt, tiếp xúc bằng tay, tức muốn nói đến khái niệm công đức, phước báu … Đồng thời, người thọ nhận phẩm vật cũng vô hình, tức nói đến hương linh của những người đã mất.  Do vậy, việc hồi hướng công đức cũng được biểu trưng qua hình thức rót nước, nhưng lúc này không rót vào tay người nhận mà nước được rót từ một vật này sang một vật khác (Thông thường nước được rót từ một bình đựng nước nhỏ sang một cái bát khác). Hình thức này muốn biểu trưng cho ý nghĩa rằng công đức mà chúng ta làm hôm nay đây đã được hồi hướng đến cho những người mà chúng ta đang hướng đến. Ngày nay, hình thức thực hành theo ý nghĩa của từ “Daksinodaka” đã trở nên rất phổ biến trong truyền thống Phật Giáo Thái Lan mỗi khi Phật Tử làm công đức, mà người Thái vẫn quen gọi là “ Tham Boon” hay “Tham kuson”. 

Tham khảo một số bài kinh trong tạng Nikaya, tiêu biểu như bài kinh Pabbaja Sutta trong Sutta Nipata Atthakatha ta sẽ tìm thấy một số thông tin đề cập đến vấn đề này. Bài kinh nói đến sự kiện gặp gỡ giữa Đức Thế Tôn và vua Bimbisāra (Tần Bà sa La), vị vua của Thủ đô Rajgir thuộc đất nước Maghadha (Ma Kiệt Đà), và sau này cũng là một vị đại thí chủ hết lòng ủng hộ, bảo vệ Phật Giáo. Bài kinh ghi lại rằng : Một buổi sang nọ, trong khi đang ngắm nhìn vẽ đẹp của thiên nhiên, nhìn qua cánh cửa sổ,  nhà vua bỗng bị cuốn hút bởi hình ảnh thật trang nghiêm với nét mặt sáng ngời của  một vị đạo sĩ đang trên đường đi khất thực mà trước nay ông chưa bao giờ trông thấy. Vua Bimbisāra liền chạy theo và mời vị đạo sĩ  vào cung điện của mình để vua có dịp cúng dường và đàm đạo. Nhưng vị đạo sĩ đã từ chối và hẹn sẽ trở lại thăm nhà vua sau ngày thành đạo. Vị đạo sĩ ấy không ai khác hơn đó chính là hình ảnh của Đức Thế Tôn trong những tháng ngày đầu thực hành con đường giác ngộ và giải thoát.

 Đúng như lời hứa trước đây, sau khi chứng đắc giác ngộ, Đức Thế Tôn đã ghé lại thăm Rajgir. Vua Bimbisāra rất dỗi vui mừng được cúng dường Đức Thế Tôn cùng các Tỳ kheo thọ thực tại cung điện. Sau buổi cúng dường trưa hôm ấy, vua Bimbisāra đã dùng một bình nước được làm bằng vàng rất đẹp và rót nước vào tay của Đức Phật để bày tỏ sự thành kính của mình trong việc cúng dường tinh xá Trúc Lâm cho Đức Phật và chúng Tăng làm nơi tu tập và hoá đạo. Không những thế mà từ đó trở về sau, trong suốt 37 năm trị vị còn lại,  vua Bimbisāra còn là môt vị ngoại hộ thuần thành, hết lòng bảo vệ và phát triển Phật Giáo.   

Ngoài ra, trong cuốn sách Pathamasammabhodhi (Sách nói về sự tích của Đức Phật) cũng có ghi lại rằng: Sau khi quy y và trở thành một Phật Tử thuần thành, hết lòng ủng hộ cho Phật Giáo, vua  Bimbisāra thường phát nguyện cúng dường Đức phật và Tăng chúng thức ăn cũng như những phẩm vật cần thiết. Sau mỗi lần dâng cúng, nhà vua đều hướng tâm hồi hướng công đức đến cho Ông Bà tổ tiên và các thân quyến trong hoàng tộc cũng như những người đã mất. Trong một buổi cúng dường nọ, sau khi dâng cúng Đức phật và tăng chúng xong, nhưng nhà vua đã quên không thực hành hướng tâm hồi hướng công đức như mọi lần. Ngay đêm hôm đó vua bỗng thấy trong khắp cung điện xuất hiện những hình ảnh, âm thanh của những ngạ quỷ đói khổ, trong đó có cả những thân quyến của mình với nhiều tiếng kêu la, rên rĩ thảm thiết. Sáng sớm hôm sau, nhà vua liền vội đến thưa với Đức Phật về những điều này và muốn biết nguyên do vì sao lại có những hiện tượng kỳ lạ ấy.  Sau khi nghe Đức Phật giải thích, vua mới giựt mình nhớ lại và hiểu rõ nguyên nhân của sự việc. Ngày hôm sau nhà vua đã phát tâm tổ chức một buổi cúng dường khác. Đặc biệt sau buổi cúng dường này nhà vua xin Đức Phật được thực hành nghi thức rót nước với mục đích hồi hướng công đức lành đến cho những người quá cố. Trong khi rót nước nhà vua thầm đọc “ Idam no natinam hotu”. Đây là một câu kinh Pāli có ý nghĩa rằng: xin nguyện hồi hướng công đức lành mà tôi đã làm ngày hôm nay đến tất cả những người đã mất được nương nhờ công đức này mà được thoát khỏi cảnh khổ của địa ngục, ngạ quỹ. Từ sau buổi lễ đó nhà vua không còn nghe và trông thấy những hiện tượng kỳ lạ đó nữa. Bắt nguồn từ câu chuyện này, từ đó về sau nghi lễ rót nước này đã trở thành một phong tục quen thuộc từ hoàng cung cho đến thường dân. Có lẽ, vốn ảnh hưởng sâu đậm truyền thống Phật Giáo Nam Truyền, vì vậy mà đất nước Phật Giáo Thái lan đã tiếp tục gìn giữ truyền thống này một cách liên tục. Do vậy, mà cho đến ngày hôm nay, câu nói “ Idam no natinam hotu” đã trở thành một lời cầu nguyện ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Thái Lan, và càng không thể thiếu được trong mỗi buổi lễ cầu siêu cho người thân khi qua đời.

Dựa trên những thông tin này, một số học giả  cho rằng nghi thức rót nước xuất phát từ nền văn hoá của đất nước Ấn Độ cổ đại và nó đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Chính vua Bimbisāra là người đầu tiên đã khởi xướng và đặt ra nghi thức rót nước này. Từ đó về sau nghi thức này đã trở nên rất phổ biến trong quần chúng. Có lẽ xuất phát từ yếu tố này, mà ngày nay các nước theo truyền thống Phật Giáo Nam Truyền, tiêu biểu như đất nước Phật Giáo Thái Lan đã ảnh hưởng và duy trì truyền thống một cách sâu sắc. Với một số thông tin trên, phần nào giúp chúng ta có được một cái nhìn tổng quan về nguồn gốc lịch sử. Qua đó, nghi thức “Kruat nam” hay có thể được hiểu là “Lễ rót nước” sẽ  không bị hiểu nhầm theo những ý nghĩa lệch lạc. Mà nó phải được gìn giữ và phát huy theo những giá trị nhân văn, nhằm tô điểm cho nét đẹp văn hoá Phật Giáo Nam Tông nói chung, hay đất nước Phật Giáo Thái Lan nói riêng ngày càng thăng hoa trong vai trò gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc của văn hoá Phật Giáo.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/ynghia_Kruat_PGThaiLan.htm

 


Vào mạng: 1-3-2007

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang