Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
CHIA TAY SƯ ÔNG LÀNG MAI TẠI CHÙA PHỔ QUANG
 
CÁI ĐẸP CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
 Giác Hạnh Phương

 

Hôm nay, ngày 22 tháng 3 năm 2007 (nhằm ngày mùng 2 tháng 2 năm Đinh Hợi) tại nhà Văn Hoá Truyền Thống Thành Hội Phật Giáo Tp.Hồ Chí Minh (chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình Tp. HCM) chúng tôi đã có mặt từ rất sớm 6giờ 30, tưởng rằng chúng tôi là người đến sớm nhất nhưng vẫn còn trể hơn, vì đã có người đến sớm hơn chúng tôi, họ đã ngồi vào những dãy ghế từ lúc nào rồi để chờ nghe pháp thoại buổi cuối cùng của Sư Ông, mặc dù 8 giờ pháp thoại mới bắt đầu.

Thật là hạnh phúc Tăng đoàn hoà hợp !

Thật là hạnh phúc Tăng Ni và Phật tử có cơ hội ngồi chung với nhau dưới một ngôi nhà Văn Hoá rộng lớn để cùng ngồi lại với nhau chia sẽ những kinh nghiệm tháo gỡ nỗi khổ niềm đau trong sự tu tập với hơn 2000 Tăng Ni các trường Phật Học qui tụ về hội trừơng tham dự.

Bài pháp thoại hôm nay mang tính cách “nói với nhau” về những vấn đề trong nội bộ nhiều hơn, chứ không phải giảng theo một chủ đề. Sư Ông đem hết tâm huyết của một người Thầy nhắc nhỡ những Tăng Ni sinh trẻ, hãy luôn tỉnh giác “nhớ mình” liên hệ trong lời dạy của Tổ Qui Sơn “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục.” Nhớ mình là Thầy tu đã cạo bỏ mái tóc xanh để đi tìm con đường tâm linh cao thượng hơn và đẹp hơn mái tóc ấy rất nhiều. Cái đẹp của ngừơi xuất gia không tô điểm bằng mỹ phẩm, đồ trang sức giá trị mà tô điểm bằng giới luật và uy nghi tế hạnh.

Bên cạnh đó Sư Ông cũng không quên nhắc nhở người Phật tử hãy bảo hộ Tăng Ni cũng bằng giới luật và chánh niệm thanh tịnh, không nên chiếm hữu vị Thầy, Sư Cô làm của riêng mình…mà hãy bắt chước tu tập như quí Thầy, quí Sư Cô để có được an lạc thảnh thơi và niềm vui trong cuộc sống. Đó là điều mà quí Thầy, quí Sư Cô mong đợi ở các Phật Tử.

Sư Ông dành khoảng thời gian 30 phút cho Quí Thầy và Sư Cô cơ hội chia sẽ những gút mắc trong lòng mà bấy lâu chưa có dịp thố lộ bày tỏ. Những lời chia sẽ ấy chủ yếu xoay quanh các vấn nạn của trong sự tu học như: Tình trạng đạo đức tăng ni trẻ hiện nay; Thế tục hoá đang len lõi vào đời sống người tu, Vấn đề sử dụng điện thoại, xe, Internet, Vấn đề giữa học ngoại điển và hành trì làm thế nào cân đối…

Đến 12giờ 30 thực tập thiền buông thư là phương pháp thực tập áp dụng cho tất cả mọi người, ai cũng có thể thực tập rất dễ dàng. Chỉ cần ngồi trên một chiếc ghế hoặc có thể nằm, đi, đứng …vẫn có thể thực tập được, chỉ cần ý thức được sự có mặt trong giờ phút hiện tại, tâm buông bỏ hết mọi lo toan ưu phiền trở về biết chính mình, và cảm nhận hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, hạnh phúc về đôi mắt vẫn còn sáng suốt, hạnh phúc với trai tim vẫn còn đập, hạnh phúc với lá phổi đang thở đều đặn …ý thức tất cả các bộ phận trên cơ thể chúng ta phải ý thức về chúng, Sư Ông trích trong kinh Thân Hành Niệm đức Phật dạy một trong 16 pháp quán niệm hơi thở để hứơng dẫn thực tập “Cảm giác toàn thân thở vào, cảm  giác toàn thở ra; Hạnh phúc toàn thân thở vào, hạnh phúc toàn thân thở ra…” Khi ý thức đặt thân và tâm vào một chỗ như vậy là người có chánh niệm. Khi có chánh niệm thuần thục sẽ chế tác năng lượng của định. Khi có định thì trí tuệ phát sinh…người có trí tuệ là người hạnh phúc, là người “tự do” nhất trên đời.

14 giờ chương trình giao lưu giữa Quí Thầy và Tăng Ni sinh với Tăng Thân Làng Mai trong tinh thần cởi mở, như thể là người thân kể lại mọi chuyện xảy ra khi người Thầy đi vắng. Sư Ông lắng nghe một cách khách quan để tháo gỡ những bế tắc. Các vấn đề giao lưu liên quan đến những nghịch cảnh chứơng duyên trong đời sống tu học của đa số Tăng Ni trẻ hiện nay: Làm thế nào nuôi dưỡng tâm Bồ-đề trong môi trường tu học đang bị thế tục hoá len lõi;  Làm thế nào để không đánh mất sơ tâm ban đầu, mà nguyên nhân của nó không trầm trọng, thế mà cũng làm cho một số Tăng Ni trẻ đánh mất chính mình, câu hỏi khác liên hệ đến lỗi lầm nho nhỏ như những lời qua tiếng lại trong huynh đệ…thế mà không được sự dạy bảo của Sư Huynh trái lại còn khinh rẽ xa lánh thậm chí bị đuổi ra khỏi chùa …do đó tâm Bồ đề bị chết dần dần … Tăng Thân Làng Mai chia sẽ những vấn đề này qua kinh nghiệm tu tập của bản thân và những gì Sư Ông dạy rất là chí lý và chí tình, đã tạo thêm năng lượng bồi đắp tâm linh tu tập cho những người đang vấp phải.

Ngày mai Sư Ông và Phái đoàn đã rời khỏi TP.Hồ Chí Minh rồi, để đi ra Huế tiếp tục chương trình Đại Trai Đàn trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần 2. Sự ra đi ngày mai để lại trong tâm chúng con những bùi ngùi tiếc nuối và trống trải quá, mặc dù ở Việt Nam, chúng con vẫn còn có rất nhiều bậc tôn túc khả kính, những vị Tăng trẻ có đức hạnh chăm lo cho vận mệnh Phật Pháp trong tương lai, nhưng nếu có thêm sự quan tâm của Sư Ông thì chúng con sẽ hạnh phúc hơn. Những việc làm của Sư Ông đã mang lại lợi ích cho đất nước, cho Phật giáo Việt Nam thông qua 3 lễ Trai Đàn Bình Đẳng giải oan chính thức và bên cạnh lễ Trai Đàn phụ tại Đại Tùng Lâm, thuần tuý mang thông điệp tinh thần Từ Bi, tình thương của đạo Phật nói chung và tấm lòng của Sư Ông đối với đất nước như là món quà tặng hạnh phúc, tặng sự thái bình và thịnh vượng cho mọi người trong đất nước Việt Nam mến yêu trong chuyến về thăm quê hương, thăm tình huynh đệ lần thứ 2 này nói riêng.

Dù cho một số người ban tặng cho Sư Ông bằng những hình thức phân biệt gì đi nữa, chúng con là những Tăng Ni trẻ cũng mang tâm nguyện Từ Bi đi vào cuộc đời, lấy trí tuệ soi sáng, lấy tinh thần Từ bi trong đạo Phật phục vụ cho chúng sanh, thì sống trong bất cứ quốc gia nào đều mang lại an vui hạnh phúc cho đất nứơc ấy. Đối với Sư Ông do duyên phước nhiều đời Sư Ông có cơ hội đóng góp phục vụ cho đất nứơc, nhất là nơi Sư Ông đã sinh ra là đều tất nhiên, không dừng lại trong hạn cuộc đó mà Sư Ông còn đi ban rãi tình thương và hoà bình cho Thế giới. Chúng con rất tự hào và hạnh phúc cho Phật giáo Việt Nam có được những bậc Cao Tăng trong thời đại hôm nay thật là xứng đáng. Mỗi vị tôn túc đều có những hạnh nguyện khác nhau đi vào cuộc đời, nhưng chúng con nhận thức những gì Sư Ông làm đúng với tinh thần “ban vui cứu khổ” trong  đạo Phật cho nên chúng con vui mừng cũng là tất nhiên. Chúng con tâm niệm rằng tất cả những ai có đóng góp dù ích dù nhiều chăm lo đời sống bình an hạnh phúc cho con người và xã hội thịnh vượng đều là những người đáng kính một cách bình đẳng không phân biệt Tu sĩ hay cư sĩ Phật tử, hoặc tôn giáo hay không tôn giáo, hay một vị quan chức ngoài xã hội…Khi chúng con biết trân quí những việc làm của ai đó mang lại lợi ích cho đất nước cũng là hình thức đóng góp nho nhỏ về tinh thần cho đất nước và bản thân chúng con cũng được hạnh phúc lây lan. Khi nghe kể, hoặc chứng kiến ai đó làm điều xấu có ảnh hưởng cộng đồng thì chúng con cũng không ghét, không lên án, không kết tội ngay mà tìm nguyên nhân vì sao họ xấu và tìm cách giúp họ chuyển hoá tốt hơn (nếu có duyên). Bất cứ vị Tu sĩ nào có lý tưởng cũng có chung tâm hạnh ấy. Vì chúng con vâng lời đức Phật dạy như thế. Xã hội phải rất đa dạng trong vấn đề cải tạo con người, trong đó PG cũng là một vai trò phục vụ rất cần thiết.

Mặc dù Sư Ông sẽ trở về xa cách ngàn trùng, nhưng những gì Sư Ông đã làm và dạy bảo chúng con (Tăng Ni và Phật tử VN) hôm nay thì không bao giờ xa cách, bởi vì chúng con sẽ thực tập những gì Sư Ông đã dạy, bên cạnh quí Thầy, quí Sư bà tại Việt Nam nhắc nhở, chăm sóc nuôi dưỡng chúng con, để thắp sáng trở lại lý tưởng ban đầu đó là làm cho cuộc đời và con người ngày càng đẹp hơn lên, hạnh phúc hơn lên bằng con đường thực tập tâm linh, đây là lý tưởng cao cả của người đệ tử Phật./.  

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/caidep_cuanguoixuatgia.htm

 


Vào mạng: 24-3-2007

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang