Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ký Sự CHÙA HƯƠNG
E-mail: ndcan2000@yahoo.com

                            

                                                            Bầu trời cảnh Bụt
                                                Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
                                                Kìa non non, nước nước, mây mây
                                                "Đệ nhất động” hỏi là đây có phải?
                                                Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái
                                                Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
                                                Thoảng bên tai một tiếng chày kình[1]
                                                Khách tang hải giật mình trong giấc mộng!
                                                Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng.
                                                                                                Chu Mạnh Trinh

******

Mỗi lần tôi trở về quê đi tới đâu tôi luôn luôn có ý niệm tìm hiểu các di tích lịch sử để chiêm ngưỡng, học hỏi hầu mở rộng tầm nhìn về những danh lam thắng cảnh, nơi quê hương ngàn năm văn vật mà bao đời của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và chính bản thân mình đã sinh ra,  trưởng thành trong thời thanh bình cũng như lúc chinh chiến, nơi quê nhà.

            Tôi sẽ lần lượt cống hiến quý độc giả bốn phương các nơi tôi đã đến với cảm nghĩ của mình, riêng bài này tôi mời quý vị cùng tôi đến thăm Chùa Hương Tích “Đệ nhất danh lam thắng cảnh của Việt Nam” trong tác phẩm "Trở Về Cội Nguồn" được xuất bản vào đầu thiên niên kỷ mới (năm 2000), và nhà sách Văn Nghệ tổng phát hành, hiện có bán tại các tiệm sách, tôi có nói về: "Những kỷ niệm khó quên với cảm nghĩ của lúc thiếu thời về trẩy hội Chùa Hương, nhưng bài này tôi viết Chùa Hương với cảm nghĩ của tuổi đời trên thất thập cổ lai hy." Đặc biệt, tôi đã dày công sưu khảo, tìm hiểu với nhiều tư liệu giá trị để phong phú hoá bài ký sự này hầu lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau biết về một thắng tích tuyệt vời mà mỗi năm có cả hàng triệu người từ bốn phương trên khắp thế giới đổ về chiêm bái, tham quan và lễ Phật trong suốt 3 tháng: tháng giêng, tháng hai, và tháng ba, đó là mùa "Trẩy hội Chùa Hương".

 

I. ĐỊA THẾ HƯƠNG SƠN

            Dãy núi Hương Sơn ở bên sườn đông của dãy núi đá vôi chạy từ Phong Thổ, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu xuống đến Hà Tây, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, hang động bao bọc Hương Sơn ở phía Tây Nam sông Đáy (một phụ lưu cấp 1 của sông Hồng) chạy theo hướng Bắc - Đông. Giữa sông núi là cả một hệ khe, nối suối ngầm (Suối Tuyết, Suối Yến) dẫn nước qua lại cung cấp cho Thung Dâu, Thung Mơ….phơi trải nước của các hang động. Nhũng khe núi này là nguồn cung cấp nước cho sông Đáy thuộc miền Bắc Việt Nam.

            Bên trong dãy núi, nuớc chảy  xói mòn khoét thành nhiều hang động, có một ngọn núi nối liền là thắng cảnh lâu đời - Động núi Hương Tích - Theo tương truyền rằng: Đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát trước ngày tu hành rồi thành Phật tại đây. (xin xem bài sự tích Quan Thế Âm).

            Động Hương Tích còn gọi là Động Hương Sơn, ở vào địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây tiếp giáp với tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.  Nguời ta thường nói:

"Đường vào Hương Tích lượn quanh,
Nước non gấm dệt, màu  xanh phủ màn.
Người niệm Phật, khách tham quan.
Suối thanh tịnh, rửa nhẹ nhàng trần duyên”.

Trước khi vào vãng cảnh Chùa Hương, mọi du khách đều phải đến bến Đục  và từ đây mọi người mới xuống đò (ba lá), hàng trăm chiếc  thuyền (ghe) nho nhỏ bằng thiếc vỏ dày 2 ly,  hoặc bằng gỗ, mỗi chiếc chở chỉ được 5 hoặc 7 người, quang cảnh bến đò lúc này thật là nhộn nhịp, từng đòan, lại từng đoàn  người đi xuống các thuyền này, mỗi thuyền (ghe) có một cô lái đò chèo thuyền ra đi dọc theo suối Yến (có người gọi là suối Mơ). Trong cảnh đẹp Hương Sơn, những dòng suối có một vai trò hết sức quan trọng, nó lôi cuốn du khách  một cách vô cùng hấp dẫn. Chính vì thế mà từ thời xa xưa,  chúa Trịnh Sâm đã khắc trên tấm bia đá bốn chữ "Sơn Thuỷ Hữu Tình".

            Sau đây tôi xin  mô tả những cảnh đẹp của dòng suối Yến: Suối Yến có những nét đặc thù riêng ở một địa danh vô cùng hấp dẫn, nó không đẹp ở sự mênh mông, mà đẹp ở sự buông thả hiền hòa giữa hai triền núi. Đường suối không xa lắm nhưng trông như không có chỗ tận cùng, quanh co lượn qua lượn lại chạy theo các dãy núi hai bên bờ suối còn có những ruộng lúa nước bao la, ban ngày, ban đêm lúc nào cũng đẹp như mơ, cho nên còn có tên là Suối Mơ, những chiếc thuyền thoi của các cô gái làng Yến, vừa xinh đẹp vừa khoẻ mạnh, ngày thường chở lúa, chở gạch, chở củi, chở cá… đến mùa Xuân lại chở khách thập phương đến vãng cảnh chùa.

Trong cái trạng thái vui say ấy, các du khách thường gặp nhau trong những ánh mắt  lời thơ với những tiếng cười giòn như pháo trên các con thuyền du Xuân dọc theo Suối Yến. Ta đồng hành với những vạt lúa xanh viền hai mép suối, trên giòng nước xanh trong veo, những đám rong mềm mại lay động dưới lòng suối, với những con le, con cốc thỉnh thoảng bay vù từ mặt nước…

Bây giờ tôi cùng quí độc giả hãy nhìn lên trên hai dãy núi, phía bên trái, kìa núi Đụn, cao cao và nây tròn như một hột thóc. Núi  Đụn còn  là đuôi của một con rồng, dãy núi Hàm Rồng. Gần múi Đụn là núi Soi, giống như con Kỳ Lân, còn gọi là núi Lân, gần núi Soi là núi Ái, là núi Phương dang rộng cánh. Chỗ đầu và mỏ Phượng là động - chùa Thanh Sơn, hai cánh nó là hai chỏm núi, quá chút nữa là đến núi Đổi Chèo. Ghe (đò) ra, ghe vào đến quãng này nhất thiết các cô gái phải đổi tay chèo cho nhau, đỡ mỏi. Núi Đổi  Chèo giống như một con trăn lớn đang bò trên mặt nước. Gần núi Đổi Chèo là núi Bưng. Gần núi Bưng là núi Voi. Núi Voi còn có một câu chuyện kể rằng:

Hương Sơn có một trăm ngọn núi thì 99 ngọn nghiêng đầu về phía động Hương Tích để tỏ lòng ngưỡng mộ. Đúng như câu thơ : "Núi xô về c ửa động." chỉ riêng một tên Voi bướng bỉnh, vô lễ quay đầu ra, quay mông vào. Ông Hộ Pháp giận quá lấy gươm phạt một mảng mông của tên voi. Bây giờ tên Voi vẫn mất một mảng mông.

 

II. LỊCH SỬ CHÙA HƯƠNG

    Tôi mời quý độc giả hãy cùng tôi tìm hiểu sơ qua về lịch sử của Hương Sơn, để có một khái niệm tổng quát về địa danh, thắng cảnh tuyệt đẹp mà nay đã được gắn liền với 5 chữ "Nam Thiên Đệ Nhất Động." Non sông đất nước Việt Nam có biết bao nhiêu danh lam thắng cảnh do thiên nhiên tạo thành và cũng không ít những thắng cảnh do nhân tạo. Tuy nhiên, Chúa Trịnh Sâm là người đã nổi tiếng hay chữ và sành sỏi các thú du ngoạn xưa kia đã không phẩm bình Hương Sơn là một chốn "Sơn thuỷ hữu tình" (chữ đề bên suối Yến). Hay "Kỳ sơn tú thuỷ" (chữ đề bên suối Tuyết) mà còn phong cho Hương Sơn là "Nam Thiên Đệ Nhất Động." Hàm "đệ nhất" mà Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm dành cho Hương Tích vừa là sự so sánh, vừa là một sự khẳng định một chốn cảnh đẹp  tuyệt vời mà không đâu sánh nổi trên đất nước ta.

            Đã trải qua hàng chục thế kỷ trước đây cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm hiểu nhiều về vùng đất Hương Sơn, nhưng những cảnh quan sinh thái và di tích  đã phát hiện trên đất Hà Tây được biết, trên đất Hương Sơn xưa kia đã sớm có dấu tích của con người. Nhưng nhận biết ra Hương Sơn như một cảnh quan thẩm mỹ và tâm linh, người ta nói nhiều đến truyền thuyết về một bộ tướng của Vua Hùng đời thứ 16 (Hiển Quan) đến xây Hương Tích, Bếp Trời  (Thiên Trù). Hay truyền thuyết bên bờ Suối Yến về một chàng trai tên Hùng Lang  cùng thời với Ông Gióng cũng tham gia đánh giặc Ân, có công diệt được tướng giặc Thạch Linh, khi chết được phong làm phúc thần làng Yến Vĩ.

            Nhưng cứ theo sách Hương Sơn Ký của Nguyễn Uông người làng Thanh Oai (Hà Tây) làm đốc học Nam Định thì đến khoảng đời Hồng Đức (1470-1496) con đường vào Hương Sơn mới được mở…Nhờ đó mà phong cảnh kỳ thú của núi rừng mới lộ ra, rồi trở thành một kỳ quan lớn trong vũ trụ. Chính sức hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên Hương Sơn đã bồi đắp cho danh thắng này một giá trị lịch sử và đã trở thành nơi hội tụ của những danh nhân lịch sử về văn hoá dân tộc của những bậc Đế Vương còn lưu lại nơi các bia đá với những nét chữ để đời và những bài thơ Nôm hay Hán của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm vào năm Canh Dần (1770), người ta đã biết đến dấu tích của các bà Chúa, vợ của Trịnh Cán đã góp công, góp của để xây dựng các Chùa.

            Các tao nhân mặ c khách đến với Hương Sơn thường  có những bài thơ còn  để lưu truyền lại cho các thế hệ kế tục am hiểu được những cảnh quan  tuyệt vời của Hương Sơn như: Chu Mạnh Trinh, Ngô Thi Sĩ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Cao, Cao Bá Quát, Bùi Di, Bùi Kỷ,… rồi đến thế hệ Tản Đà, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…….Không kể đến những huyền tích về thời các Vua Hùng mà những chiếc trống đồng còn lưu lại nơi đây, trong đó có chiếc  trống đồng tìm được ở Thượng Lâm (Mỹ Đức năm 1934) mang truyền thuyết là món quà của Đinh Tiên Hoàng tặ ng cho dân làng cùng với dấu tích của con đường mang tên Vua Đinh.

            Cả một vùng thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp của Hương Sơn kể từ khi được vua Lê Thánh Tông, vị vua sáng chói của Triều  Lê phát hiện, đến nay đã trải qua đúng nửa thiên niên kỷ. Thời gian ấy, bên cạnh những huyền thoại, những truyền thuyết trải qua của một thời lịch sử xa xưa, cũng đã đủ để tạo dựng lên một bề dày truyền thống với những giá trị lịch sử. Không những giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đó là món quà của đất Mẹ trao cho hiện hữu, mà còn cả những di sản tinh thần đã được hun đúc từ khí thiêng sông núi, khí phách của các bậc tiền bối để lại cho cảnh quan Hương Sơn có cả bề rộng của không gian và bề dày của lịch sử.

            Đến chùa Hương tất cả các du khách từ bốn phương đổ về gặp nhau trong một trái tim. Cảnh sơn núi hữu tình, nên thơ. Trai gái trẻ già dập dìu dắt nhau lên chùa lễ Phật thật là "Bầu Trời Cảnh Bụt" bao la với những đoàn thiện nam, tín nữ từ khắp nơi đổ về hành hương chiêm bái, như thơ Tản Đà đã diễn tả :

              Chùa Hương trời điểm lại trời tô

             Một bức tranh tình trải mấy thu

  Xuân lại, Xuân đi bao dấu vết

  Ai về, ai nhớ vẫn thơm tho.

Phong cảnh chùa Hương thật hữu tình, thơ mộng nhớ đến Bến Đục,  Suối Yến, với giòng nước chảy  nhẹ nhàng trên sông, in bóng những dãy núi chập chờn tô điểm cảnh thiên nhiên.

            Theo tôi, những người Việt Nam cần phải tìm hiểu về các danh lam thắng cảnh ở quê nhà để mở rộng kiến thức và tầm hiểu biết về quê hương của mình,  nhất là "Nam Thiên Đệ Nhất Động." Đời người ít nhất cũng phải du xuân chùa Hương một lần để chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp của Hương Sơn mà Chu Mạnh Trinh đã diễn tả với những giòng thơ như:

Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng !
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Kinh
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình.
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi ai đây
Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt
Lần hạt tràng niệm Nam Mô Phật
Cửa từ bi công đức biết là bao
Càng trông phong cảnh càng yêu.

Hay là  động Hương Tích được Trịnh Sâm diễn tả như sau:

Trời vừa hé sáng, bước lên thuyền

                                     Khoan mái chèo lan, ghé bến tiên

Phong nguyệt thờ ơ bầu ngọc đúc

Giang Sơn bỡ ngỡ, bức tranh in

Kìa kìa qui phượng ngong kinh bối [2]

Nọ lân lòng lắng gió thiền [3]

Cảnh lạ thú mầu khôn xiết kể

Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên.

                       (Tâm Thanh Tồn Duy Thi Tập)

Sau đây tôi xin mời quí độc giả hãy cùng tôi đi tìm hiểu một số di tích, lịch sử và những đặc tính tiêu biểu của Phật Giáo tại Hương Sơn để cùng nhau suy ngẫm về cảnh tích tuyệt vời, có một không hai của quê nhà:

III. PH ẬT GIÁO ĐÃ Đ ẾN VỚI  HƯƠNG SƠN T Ừ BAO GIỜ ?

            Nơi đây đạo Phật được truyền vào ngay từ khi phát hiện ra hang động Hương Sơn. Theo một số tài liệu chúng tôi khảo cứu thì vào đời Lê Thánh Tông (thế kỷ thứ XV), có 3 vị Hoà Thượng chống tích Trượng tới đây tu hành. Hàng ngày vào động Hương Tích lễ tụng - toạ thiền, tối lại ra khu vực Thiên Trù ngủ nghỉ. Hồi đó, Thiên Trù là một thung lũng hoang vu, 3 vị Hoà Thương lần lượt dựng lên một thảo am để trú ngụ  tránh mưa nắng, sau một thời gian 3 vị Hoà Thượng viên tịch thì nơi đây gián đoạn trụ trì. Tên tuổi các ngài cũng không ai nhớ rõ. Di tích của các ngài để lại đến nay chỉ còn lại là 2 ngôi mộ cổ bằng đá xanh, được đục đẽo thô sơ trong vườn tháp Thiên Trù. Ngày cúng cổ ở Hương Sơn cũng chỉ gọi là "Kị Tổ Bồ Tát" và các ngài thuộc dòng phái nào cho đến nay vẫn chưa ai biềt rõ.

            Đến năm 1687 - niên hiệu Chính Hoà mới có Hoà Thượng Trần Đạo Viên Quang ở Ty Tăng Lục (thời Lê lập ra Ty Tăng Lục để coi sóc và quản lý các vị tu hành) chống thiền trượng tới đây mới lập cảnh Phật ở Hương Sơn, tiếp theo là các vị Hoà Thượng Viên Quang, trụ trì khoảng 20 năm, Đại Sư Thông Lâm thuộc giòng Thiền Lâm Tế, Hoà Thượng Thanh Quyết, HT Thanh Hữu…HT Thanh Quyết là một vị danh tăng đương thời, học thức uyên bác, phẩm hạnh thanh cao. Các nho sĩ bấy giờ đã tôn là "Tăng Trung Hào Kiệt."

            Tiếp theo là các vị HT. Thích Thanh Tích, Đại Sư Thanh Tích tu tập Đại Bi Chân Ngôn và trì tụng Đại Bi Bát Nhã, hoằng truyền Phật Pháp đồng thời đã đào tạo hàng trăm đệ tử danh tăng như các HT. Tố Liên, Thanh Chân, Thanh Uẩn, Thanh Khánh, Thanh Nga, Thanh Châu….

             Lịch sử đất nước cũng có lúc thăng trầm, nhưng không thể bị huỷ diệt, con người cũng có lúc lên lúc xuống, đường đời thật là chông gai, nhưng rồi cũng vượt qua. Phật Giáo cũng vậy, đã trải qua 2000 năm trên  đất nước VN là một chứng tích, đất nước thăng trầm thì Phật Giáo cũng nổi trôi theo sự tiến hóa của một dân tộc. Do đó, văn hoá Phật Giáo đã gắn liền với văn hoá dân tộc Việt Nam vậy.

            Khi các Thiền Sư chống tích trượng, dựng thảo am ở Hương Sơn là xây dựng nơi qui ngưỡng các du khách thập phương vân tập về chiêm bái ngôi Tam Bảo, tô bồi nơi danh lam của đất nước cho thế nhân du ngoạn. Có như vậy là đã làm tròn trọng trách giữa Đạo Phật và Dân Tộc. Giáo lý  Phật Giáo đã tùy duyên bất biến ăn sâu vào lòng  dân Việt từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nền văn hóa Phật Gáo ở Hương Sơn đã được bản địa hóa nhận thức của con người đương thời. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara Boddhisattva)- đã thành Phật Bà Chùa Hương, hình ảnh một người mẹ với tình thương bao la trong lòng người dân Việt.

            Mỗi độ Xuân về thì lòng người lại thao thức rủ nhau đi "Trẩy Hội Chùa Hương" các du khách khi đến đây mới thấy "Bầu trời cảnh Bụt." Sau đây tôi xin mượn bốn câu thơ của Tản Đà để kết thúc bài Ký Sự này:

                                                Chùa Hương trời điểm lại trời tô
                                                Một bức tranh tình trải mấy thu
                                                Xuân lại, Xuân đi bao dấu vết
                                                Ai về, ai nhớ vẫn thơm tho.

[1] Chày kình: Cái chày đánh chuông, làm theo hình con cá kình.

 

[2] Kinh bối: Kinh Phật viết trên lá bối

[3] Thiền: Nhà chùa, giáo thiền tức là giáo lý của nhà chùa.

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/chua/chuaHuong.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang