- THĂM
CHÙA LINH ẨN Ở HÀNG CHÂU
- THÁI
THANH
Hàng
Châu vào đầu tháng 12 cũng là đầu mùa Đông ở miền Giang Nam Trung Quốc.
Hai bên đường vẫn rực rỡ sắc vàng của những hàng cây ngô đồng, lẫn
với màu đỏ của lá phong, màu xanh của liễu rũ. Vùng đất này vốn được
người dân tôn xưng là “thiên đàng” vì cảnh đẹp làm xao xuyến lòng
người, và cũng là quê hương của người đẹp Tây Thi, mà danh tánh còn lưu
lại trên một cái hồ nổi tiếng: hồ Tây Tử, hay còn gọi là Tây Hồ.
Cách
Tây Hồ không xa là chùa Linh Ẩn, nằm trong thung lũng dưới chân một ngọn
núi, rộng 16,73 hecta và là một trong 10 ngôi chùa lớn nhất Trung Quốc, đã
qua bao lần hưng phế với lịch sử 1600 năm.
Từ
con đường dẫn vào chùa, khách thập phương đã có dịp chiêm bái rất
nhiều pho tượng khắc trong đá núi, đường nét cổ kính, rêu phong. Kinh
sách kể lại rằng vào năm 326 trước Tây lịch, có một nhà sư Ấn Độ
pháp danh Huệ Căn đã đến Hàng Châu. Ngài Huệ Căn nhìn thấy thung lũng yên
tịnh, ba mặt vây phủ bởi núi đồi và cây rừng, nhận ra đây là nơi thích
hợp cho việc ẩn tu. Ngài xây một ngôi chùa và đặt tên là Linh Ẩn. Vào
thế kỷ thứ 10 tức đời Tống chọn Hàng Châu làm kinh đô, chùa có đến
9 toà lầu, 18 đình, hơn 72 sảnh đường và 300 phòng với 3000 vị Tăng.
Trong
không khí giá lạnh buổi đầu Đông, chúng tôi thắp lên một nén nhang ấm
áp trong sân chùa. Phía trước tiền sảnh là hai bảo tháp đựng Xá lợi của
Đức Phật, mang niên đại từ đời nhà Đường. Bên trong, chính giữa tiền
sảnh là một bức tượng Phật Di Lặc rất lớn, có từ 200 năm nay. Mỗi
bên của tiền sảnh có 2 tượng Bồ tát khổng lồ tạc bằng gỗ và đất
sét. Người Trung Quốc thường đến đây cầu nguyện bốn vị Bồ tát
này để mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an và sung túc.
Phía
sau tượng Phật Di Lặc, hướng về phía đại sảnh là tượng Bồ tát
Skanda. Trong truyền thuyết Phật giáo, đây là một vị tướng dưới quyền
một trong bốn vị Bồ tát trên, và tượng trưng cho pháp luật. Các nhà sư
trong chùa kể rằng bức tượng này có từ 800 năm nay, được làm bằng
nguyên một cây gỗ đàn hương với đường nét điêu khắc tuyệt mỹ. Mặc
dầu ngôi chùa đã từng bị phá hủy rồi xây dựng lại nhiều lần, bức
tượng vẫn kiên gan tồn tại, vững vàng như đá núi.
Đại
sảnh là một công trình kiến trúc cao 33,6m theo kiểu dáng đặc trưng đời
nhà Đường với nhiều lớp mái cong. Trên nóc có chạm “Lưỡng long tranh
châu”. Chính giữa đại sảnh là tượng Đức Thích Ca Mâu Ni cao 19,6 mét,
gồm 24 cây gỗ đàn hương chạm khắc nên và dát 104 cân vàng. Đây là bức
tượng Phật ngồi lớn nhất Trung Quốc hiện nay, được các nhà điêu khắc
tài ba mô phỏng theo nguyên mẫu từ đời nhà Đường nhưng cao gấp đôi,
đặt trên một tòa sen. Trên trán tượng Phật Thích Ca là huệ nhãn sáng lấp
lánh, phía sau đầu Ngài là một tấm gương tròn lớn, bao quanh gương là bảy
tiền thân của Đức Phật. Đầu Ngài hơi ngả về phía trước, tay phải
đặt trước ngực.
Gần
cửa, từ trên trần buông xuống một ngọn đèn vĩnh cửu. Các nhà sư
trong chùa giữ cho ngọn nến trong đèn cháy suốt ngày đêm, từ năm này
sang năm khác. Chúng tôi đứng chen chân giữa khách thập phương đủ các
màu da từ nhiều quốc gia đổ về, không ngớt ngạc nhiên trước tầm vóc
của ngôi chùa Linh Ẩn. Không chỉ bao gồm những di tích từ hàng trăm năm
nay, chùa Linh Ẩn còn không ngớt tạo dựng những công trình mới.
Bước
ra khỏi đại sảnh, trước mắt tôi là một sảnh đường mới xây mang
tên Đức Phật Dược Sư. Hai bên sảnh là tượng 12 con giáp. Theo lời người
hướng dẫn viên Trung Quốc, chúng tôi đến quỳ trước bức tượng mang
tuổi của mình để cầu xin được khỏe mạnh. Bên cạnh sảnh đường
Dược Sư là một sảnh thờ 500 vị La hán. Gần tiền sảnh cũng có một sảnh
đường khác mới xây với 500 vị La hán lớn bằng người thật làm bằng
đồng. Mỗi vị một dáng vẻ, thảy đều sinh động uy nghi khiến người
phương xa đến phải kính ngưỡng.
Điểm
đặc trưng của chùa Trung Quốc là những hình tượng Phật giáo và Lão
giáo đan xen lẫn nhau. Các huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc thậm chí
còn nhiều hơn những truyền thuyết về lịch sử Phật giáo. Thế nhưng lòng
tín ngưỡng thì ở đâu cũng như nhau, và trên đất nước rộng lớn này,
bất cứ vào thời đại nào cũng có những người giữ được lòng tin. Mặc
dầu bão táp hung bạo đến đâu, những ngôi chùa vẫn tồn tại, ôm trong
lòng những kho báu của đất nước.
(Báo Giác Ngộ, số Xuân 2002)
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/chua/linhan.htm