Oan và giải oan
Sự phán xét công bằng và hợp lý về một sự việc đã xảy ra,
một hành động đã làm là công lý hay bất công, thông suốt hay vướng mắc,
oan hay không oan thường không đơn giản, rõ ràng và cụ thể như trắng
với đen, sáng với tối. Do đó, sự phân định và quyết đoán rạch ròi
những hành động hay sự cố xảy ra, đã vi phạm đến mạng sống, tài sản và
tinh thần... là oan hay không oan thường bị vướng mắc do vị thế, quan
điểm, văn hóa và cả một chuỗi hệ lụy theo sau.
Với một dòng lịch sử triền miên trong chiến tranh, với bao nhiêu tai
trời ách nước, người Việt Nam thường xuyên đối mặt với những nỗi oan
ức truyền đời. Có thể nói rằng, oan là một khái niệm gắn liền
với tâm lý dân tộc Việt Nam. Trong khung cảnh văn hóa làng xã, sự oan
ức đồng nghĩa với bất công, áp bức, mất mặt, hận thù, xa lánh... có
khi là tội lỗi giữa đối tượng bị oan và tập thể xã hội đang tồn tại.
Oan, trước mắt đại chúng, có nỗi oan thể lý và nỗi oan tâm lý. Về
mặt thể lý, oan là khi bị những sự tác động từ bên ngoài như biến cố,
tai ách, bạo lực làm mất mát, thương tật, chết chóc đột ngột ngoài tầm
dự liệu của nạn nhân bị chịu oan ức. Về mặt tinh thần, oan là bị hiểu
lầm, bị nhìn sai, bị đánh giá không đúng, bị phê phán bất công, bị
nhận định thiên lệnh... và cuối cùng mang chịu kết luận, phán quyết
không hợp với công lý.
Nỗi oan ức có mẫu số chung trong cả hai nền văn hóa Đông và Tây. Nhưng
cách giải quyết nỗi oan thường mang nặng yếu tính của truyền thống, xã
hội và đức tin.
Trước khi đạo Phật và đạo Chúa ra đời và du nhập vào Việt Nam, những
nỗi oan Việt Nam được xem như đã có "Đèn Trời soi xét”. Đèn Trời là
một thứ công lý tự nhiên trong tâm thức dân tộc Việt.
Đạo Phật truyền thừa vào Việt Nam bằng con đường tâm linh xã hội
(socio-spiritual). Đấy là một sự kết hợp hài hòa giữa tín lý giác ngộ,
giải thoát, độ sanh của giáo lý Đại Thừa và đức tin truyền thống "Đèn
Trời soi xét" của tâm lý dân gian Việt Nam. Trong bối cảnh văn hóa
phương Đông, nhất là Việt Nam, thì giải oan là một sự cứu độ siêu hình
thông qua hình thức cúng tế và cầu nguyện mang đậm nét tâm lý dân tộc
và tâm linh Phật giáo.
Với khái niệm giải oan đời thường mang tính đại chúng trên đây, đạo
Phật đi vào cuộc đời và đóng vai một tôn giáo điển hình về những lễ
nghi và kinh văn sử dụng trong việc giải oan thông qua những Đại Trai
đàn Bạt độ Giải oan. Đạo Phật không dựa vào một quyền năng tuyệt đối
hay tin vào một đấng sáng tạo có toàn năng quyết định số phận của con
người như thế; mà xem mọi chuyện lớn nhỏ xảy ra là một chuỗi sự kiện
tác động qua lại với nhau theo nguyên lý nhân quả dưới tác động của
trùng trùng Duyên Nghiệp. Hình thái sự sống hiện tiền và khuynh hướng
tâm linh thay đổi thường xuyên, được tạm gọi là "số phận" của một
người, luôn luôn biến đổi theo tác động khách quan và có thể thay đổi,
cải thiện theo tác động chủ quan. Vì vậy, Đàn tràng Giải oan chỉ là
một trong muôn vàn hình thức làm phương tiện góp phần cho quá trình
thay đổi và cải thiện đó. Thế nhưng, thật ra, khái niệm “oan” và “giải
oan” không có trong kinh điển của đạo Phật nguyên thủy. Hiện trạng của
một sự dính mắc vào hành động hay hệ quả bất thường được gọi là “oan”
không hiện diện trong đạo Phật vì rằng: Sự việc xảy ra trong giây phút
hiện tiền là do tác động của Nghiệp. Nghiệp là sự tích lũy mọi hành
động và sự việc thiện ác, lớn bé, cao thấp... từ vô số kiếp trước cho
đến nay. Mọi sinh vật và sự vật (pháp) đều chết đi và sinh ra trong
từng nháy mắt hay trong từng đơn vị vi tế nhất của thời gian được gọi
là Sát-na. Một thực thể hiện tiền chỉ là một hình ảnh mang một tên gọi
giả tạm do Nghiệp tạo ra; rồi lập tức bị biến đổi do một lực tác động
khác gọi là Duyên. Sự sống chết nầy là nguyên nhân và thực thể của quá
trình thành, trụ, hoại, diệt; sinh, già, bệnh, chết mang tính khách
quan mà không một sinh vật hay sự vật nào tránh khỏi. Trong chuỗi dài
Nghiệp và Duyên tương tác, biến hiện trùng trùng đó, nguyên lý nhân
quả chi phối sự vận hành theo một tiến trình chặt chẽ. Tiến trình nầy
vừa chi li vừa rộng khắp; vừa hữu hình, vừa vô hình; vừa tâm linh vừa
vật lý mà với nhãn thức giới hạn của con người thì sự diễn tiến như
vừa hợp lý, vừa phi lý nên người ta chỉ còn biết dùng những nhãn hiệu
đã có sẵn như thiện và ác, oan và không oan, cao cả và hèn mọn... để
tạm dán vào mà phân định.
Bước chủ động và tích cực tiếp theo là sự cố gắng tìm cách hóa giải,
biến đổi cái "thân phận hiện tiền" thành một thể trạng khác theo ước
muốn cải thiện và vươn lên của người bị oan hay người giúp giải oan
trong một thời điểm, một cơ hội thuận lợi nào đó mà chữ nhà Phật gọi
là "duyên". Giải oan, do đó, là những phương tiện trung gian và tạm
thời giúp “sửa sai” một trạng huống vô minh trong quá khứ thành sáng
tỏ và công chính trong hiện tại và tương lai. Nhờ đấy – ít nhất cũng
là qua sự tin tưởng của những người ở thế tự nguyện làm kẻ cầu nguyện,
biện minh -- nỗi oan ức sẽ được hóa giải và sự đày ải của nạn nhân
chịu oan sẽ được chấm dứt. Nghi thức giải oan, tự bản chất, là một
ý hướng hành thiện, lợi tha mang tinh thần từ bi (cứu người bị chìm
đắm), hỷ xả (hóa giải) và trí tuệ (phá vô minh) của Phật giáo. Nó hoàn
toàn khác xa với những hình thức "cải đạo linh hồn tập thể" của những
tôn giáo bạn xây dựng đức tin trên căn bản mỗi người có một linh hồn
bất tử đời đời không thay đổi. Khi không còn ai theo đạo Phật, không
còn ai đau khổ giữa trần gian nầy là khi đạo Phật ca khúc khải hoàn
viên thành Phật sự.
[1]
Đạo Phật, với triết lý cơ bản cho rằng mọi vật đều không có tự tánh,
không một vật hay sự vật chi ly hay to lớn nào đứng riêng lẻ tự nó mà
thành (Tính Không); và cũng chẳng có hiện tượng hay biến cố nào không
có sự kết hợp với yếu tố khác mà vận động, biến hiện (Duyên Khởi), nên
rõ ràng quan niệm là chẳng có sự việc nào hay bất cứ hiện trạng nào
mang bản chất “oan” hay “không oan” cả. Ngay như khi một đại đệ tử của
đức Phật Thích Ca có thần thông đệ nhất, hiếu hạnh song toàn là ngài
Mục Kiền Liên bị bọn cướp giết chết thì cũng chẳng có gì là oan trái
nếu nhìn dưới nhãn quan và trí tuệ Phật đà. Trái lại, trong chuỗi
duyên nghiệp trùng trùng thì bồ tát Mục Kiền Liên cũng không thể nào
thoát khỏi lưới nghiệp. Ngài phải trả nghiệp tiền kiếp đã bỏ đói cha
mẹ giữa rừng sâu trước khi rũ sạch tất cả nghiệp báo để đạt sự giải
thoát trọn vẹn.
Nhưng kể từ khi “thiền sư xuống núi” để thõng tay vào chợ, mang đạo
Phật từ một phương trời cao viễn, từ cỗ xe dê, xe hươu tiểu thừa,
nghiêng vai vào gánh thế sự bằng cỗ xe bò đại thừa
[2]
thì đạo Phật đã đi vào cuộc đời hiện thực. Đạo vào Đời để cứu đời
và giúp đời như cỗ xe bò chuyên chở nỗi khổ trần gian. Mà trần gian
nầy thì đầy dẫy chuyện được gọi là oan khiên và thống khổ nên giải oan
và hóa giải cũng là một phần cứu khổ để góp phần băng bó những vết
thương tâm lý còn tươi; những nỗi đau đời chưa lành lặn; và những oan
trái còn đè nặng tâm linh mà thời gian chưa đủ chữa lành.
Không đợi đến khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây du mới có lễ
siêu độ cô hồn thường được coi như đã tổ chức lần đầu tiên dưới thời
nhà Đường bên Trung Quốc. Thật ra, khái niệm giải oan, mở trói, vớt
sinh linh ra khỏi địa ngục trong dòng sinh hoạt tâm linh của Phật giáo
đã có từ khi Mục Kiền Liên vận dụng sức mạnh tổng hợp từ sự chú nguyện
của các bậc tu hành tôn túc để cứu người mẹ độc ác ra khỏi địa ngục A
Tỳ. Và với dân tộc Việt Nam, từ thời bình minh của lịch sử Phật giáo
khi du nhập vào đất Việt đã có hình ảnh "oan Thị Kính" và vai trò "rửa
oan" của cửa nhà chùa rộng mở.
Tinh thần giải oan là tâm lý
dân tộc
Giải oan - trong tín lý đạo Phật hay trong bất cứ ý
hướng cứu rỗi của tôn giáo nào - vừa là triết lý sống vừa là đạo lý
của dân tộc Việt Nam. Là một đất nước nhỏ bên cạnh nước Trung Hoa đồ
sộ ở phương Bắc, với Chiêm Thành Chân Lạp đầy hiếu động ở phương Nam;
cộng với thế chiến lược và kinh tế thuận lợi cho nhiều thế lực viễn
chinh từ phương Tây, dân Việt muốn tự tồn phải biết tự hóa giải. Sự
hóa giải cao nhất vẫn là sự hóa giải khởi nguồn từ trong chính mình.
Với dân tộc Việt Nam, đấy là tinh thần tha thứ, cảm thông và bình
đẳng. Lịch sử đã ghi lại hầu như sau mỗi cuộc chiến tranh, mỗi
thời chinh chiến, dẫu thắng hay bại, người dân Việt vẫn coi trọng giá
trị làm người dài lâu hơn là thế tranh thắng tạm thời. Tinh thần hóa
giải của dân Việt được thể hiện qua những Đại Giới Đàn Giải oan cầu
siêu độ cho những linh hồn đã chết không phân biệt ta và người.
Lịch sử cận đại đã ghi lại rằng, sau khi đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu
(1789), vua Quang Trung đã hạ chiếu truyền làm lễ tưởng niệm các tướng
sĩ hữu công và tiến cúng cô hồn, giải oan cho các oan hồn uổng tử của
mấy vạn quân Thanh đã nằm xuống trên đất nước ta. Vua Gia Long sau khi
thống nhất sơn hà cũng đã cho thiết đàn tràng siêu độ cho quan quân tử
sĩ và những oan hồn đã nằm xuống trong cuộc chiến không phân biệt bên
nào (1802).
Nhiều danh nhân văn học Việt Nam đã góp phần trong việc soạn thảo ra
những bài văn tế bất hủ để truy điệu những oan hồn và tử sĩ. Tổng trấn
Nguyễn Văn Thành soạn bài “Văn tế tướng sĩ trận vong” và “Cô hồn thập
loại” bằng quốc âm. Thi hào Nguyễn Du soạn “Văn tế thập loại chúng
sanh”. Cụ Nguyễn Đình Chiểu soạn “Văn tế sĩ dân lục tỉnh” và “Văn tế
vong hồn mộ nghĩa”. Gần đây nhất, sau biến cố thất thủ kinh đô
(5-7-1885), người dân Thừa Thiên Huế trong hơn một thế kỷ qua đã sử
dụng không biết bao nhiêu phương tiện nghi lễ để cúng tế và mở đàn
giải oan cho các cô hồn tử sĩ đã bỏ mình trong cuộc nổi dậy chống Pháp
của vua Hàm Nghi bị thất bại.
Niềm tin nhất quán trong tất cả các cuộc Trai đàn bạt độ Giải oan là
cầu nguyện cho "âm siêu dương thái". Đối với các vong hồn đã chết, dù
chết bởi nhiều biến cố và tình huống khác nhau, nội dung vẫn bao gồm 3
mục tiêu giải oan chính:
-
Người đã chết cần được người còn sống ghi nhận: Vinh danh, thương
tiếc, cảm thông, chia sẻ và tha thứ;
-
Giải oan: Giải tỏa những oan ức, dằn vặt, hiểu lầm, nghi kỵ, đọa đày
và động lực đã gây ra sự chết chóc oan khiên;
- Siêu thoát: Cầu
nguyện cho các oan hồn uổng tử được siêu thoát.
Đối với người còn
sống, Đàn tràng Giải oan mang đến một nguồn tâm lý trị liệu
(psychotherapy) tập thể rất cần cho sự an hòa trong cuộc sống. Nội
dung cũng gồm 3 điểm chính:
-
Ghi nhận "nghĩa tử là nghĩa tận". Chết là bình đẳng và trút bỏ mọi
hận thù, xung đột, ân cũng như oán, lại đằng sau. Chết là hóa giải
và tự hóa giải giữa người ân và kẻ thù;
-
Yên tâm rằng, vong hồn của người thân cũng như kẻ thù đều được siêu
thoát, không còn đi theo quấy phá hoặc nuôi mối hận cừu chờ ngày báo
oán;
- Giảm thiểu hay xóa
được gánh nặng tinh thần về sự ám ảnh của quá khứ trong chính mình,
để cho tâm hồn nhẹ nhàng đối diện với đời sống trước mắt và giúp ích
cho thế hệ mai sau.
Trong lĩnh vực tâm bệnh học (Psychopathology) đương đại, chứng bệnh
tâm thần mới nhất được chính thức đưa vào Cẩm nang chẩn trị bệnh
tâm thần (DSM: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder)
lần đầu tiên vào năm 1980 là chứng bệnh "PTSD" mới được phát hiện từ
các cựu chiến binh Hoa Kỳ đã tham gia vào cuộc chiến Việt Nam. PTSD
là chữ viết tắt của Post Traumatic Stress Disorder. Xin tạm dịch
là "Hội chứng hậu chấn thương". Đây là căn bệnh tâm thần do sự
ám ảnh của một biến cố kinh hoàng nào đó đã xảy ra trong quá khứ, đeo
đẳng mãi trong tâm thức -- hữu thức và vô thức -- làm cho bệnh nhân
thường xuyên sống trong một trạng thái tâm thần bất ổn và nếu không
chữa trị sẽ thành rối loạn, điên khùng. Người bệnh thường xuyên hay
thỉnh thoảng ở trong một trạng thái tâm lý đề phòng, hồi hộp, lo sợ vu
vơ, nóng giận bất thường, vui buồn lẫn lộn mà không biết vì đâu. Trong
nhiều trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể trở nên điên tiết, bạo
động, tự tử, giết người, chống lại xã hội, bất chấp pháp luật, chà đạp
đạo lý... mà không có ý thức về hành động của mình. Đã có hàng nghìn
cựu chiến binh Việt Nam người Mỹ đang được chữa trị PTSD
[3]
. Trong lúc đó, người Việt Nam nói chung đã trực tiếp chịu đựng hậu
quả khốc liệt và lâu dài của Chiến tranh Việt Nam về cả hai mặt tinh
thần và thể xác thì vẫn còn chịu đựng Hội chứng Hậu chấn thương trong
im lặng.
Bao nhiêu con trẻ thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba sau cuộc chiến Việt
Nam vẫn còn bị khuyết tật, sinh ra dị hình, dị tướng, mang bướu độc
Hodgkin, bệnh liệt tuyến mãn tính non-Hodgkin... bởi di lụy của gần 50
triệu lít Chất độc Da cam (Agent Orange)
[4]
đã thấm vào da thịt Việt Nam? Bao nhiêu thương tích của thể xác và tâm
hồn chưa lành với hơn 5 triệu sinh mạng của quân và dân Việt cả hai
miền Nam Bắc đã nằm xuống trong suốt 30 năm chiến tranh?
Trước sự vắng bóng của một hình thức chữa trị tâm lý thường xuyên và
chuyên nghiệp như ở phương Tây, người Việt bị chấn thương hay mang hội
chứng hậu chấn thương lâu dài của tâm hồn và thể xác chỉ còn biết
nương tựa vào những người thân nhất.
Cho tất cả mọi hình thức nhắc nhở, ghi nhớ, chú nguyện cho người chết
và giải tỏa những ẩn ức tinh thần cho người sống không phải chỉ có
Phật giáo mà tất cả mọi tôn giáo và tổ chức nhân đạo... đều là cần
thiết sau cuộc bể dâu nầy.
Trai đàn chẩn tế Giải oan của Thầy
Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai
Theo thông báo của Đạo Tràng Mai Thôn và truyền thông quốc tế, cuối
tháng 2 năm 2007, thầy Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn một phái đoàn tăng
thân Làng Mai từ Pháp về Việt Nam, phối hợp với Phật giáo trong nước
để thiết Trai đàn Giải oan tại Sài Gòn, Huế và Hà Nội. Theo tinh thần
thông báo, Đại Trai đàn Giải oan nầy có tên là "Thủy lục Giải oan Bình
đẳng Cứu bạt". Mục đích là để cầu nguyện sự giải thoát, siêu độ cho
những người đã chết dưới nhiều hình thức như chiến tranh, tai nạn,
thiên tai... cũng như mong cầu sự an lạc cho người sống sau cuộc chiến.
Tinh thần chủ đạo của Trai đàn nầy hay bất cứ Trai đàn nào của Phật
giáo đúng nghĩa từ trước tới nay là tuyệt đối bình đẳng, không phân
biệt tuổi tác, giới tính, khuynh hướng hay hoàn cảnh xuất thân.
Đứng về mặt tôn giáo, Trai đàn Bạt độ Giải oan mang bản chất hành
thiện trên căn bản tâm linh và tinh thần. Khi một hệ thống lý thuyết,
suy luận biến thành đức tin trong đời sống tâm linh thì vấn đề còn lại
là tin hay không tin - linh tại ngã, bất linh tại ngã - mà thôi. Mọi
sự tranh luận, so sánh, mổ xẻ, phân tích về một đức tin tôn giáo hay
một nếp nghĩ tâm linh đã định hình của một tập thể đều không có căn
bản thực hữu để đả phá hay lung lạc được những người đã xây niềm tin
vững chắc trong chính mình.
Đứng về mặt tâm lý và xã hội Việt Nam, cuộc sống khó khăn về nhiều mặt
trong những năm qua đã giới hạn khả năng người Việt quan tâm đến
đời sống tâm thần (mental health). Nếp sinh hoạt tâm thần nầy
quan trọng ngang hàng với đời sống thể chất mà đáng lẽ chúng ta cần
phải có sau một cuộc chiến tranh dài và khốc liệt như cuộc chiến Việt
Nam.
Thế giới bên ngoài đang nhìn về Việt Nam. Và đa số những người Việt,
kể cả trong và ngoài nước, cũng đang nhìn về Đại Trai đàn Bạt độ Giải
oan của thầy Nhất Hạnh và chư tăng ni trong bối cảnh tôn giáo và tâm
lý, xã hội Việt Nam.
Với đạo Phật, trai đàn chẩn tế giải oan là một hình thức sinh hoạt tâm
linh thường xuyên và rộng khắp. Quy mô có thể khác nhau từ một nhóm
bạn bè, một gia đình, một dòng họ, một làng xã cho đến từng miền, từng
giáo hội hay toàn quốc... tùy nghi phương tiện, nhưng không phải là
một "sự cố" mới mẻ hay quá trọng đại và hiếm hoi trong quá trình hoằng
dương đạo pháp của Phật giáo như nhiều người ngộ nhận. Trai đàn chẩn
tế giải oan không phân biệt còn là cách thể hiện lòng từ bi, cầu giải
thoát trong công hạnh Bồ Tát của giới Phật tử xuất gia cũng như tại
gia.
Trên căn bản ngành Tham vấn (Counseling) và Tâm lý Trị liệu
(Psychotherapy) vốn đã phát triển sâu rộng tại hầu hết các nước phương
Tây mà Việt Nam chúng ta còn vắng bóng - hay chỉ mới ở trong giai đoạn
nghiên cứu và tham khảo - các cuộc cầu nguyện tập thể của mọi tôn giáo
nói chung và hình thức lễ nghi Đại Trai đàn Bạt độ Giải oan của Phật
giáo nói riêng có một tác dụng tâm linh và tâm lý tương tự. Nếu ngành
tham vấn và tâm lý trị liệu phương Tây giúp chữa trị những di chứng
của nhiều căn bệnh tinh thần do chiến tranh và tai ương nạn khổ gây ra
thì những cuộc thiết đại trai đàn cũng giúp hóa giải những xung đột
tâm lý và niềm tin đã bị chao đảo, đổ vỡ hay băng hoại. Đặc biệt nó có
khả năng an ủi hay giải quyết được bước đầu những di lụy hận thù, uất
ức, oan nghiệt giữa người sống và người chết; giữa người phía này và
người phía nọ.
Sống ở các nước tiên tiến phương Tây, đa số người Việt đã dựa vào gia
đình và cộng đồng sắc tộc của mình để chia sẻ, an ủi, hỗ trợ, tham
khảo... thay cho một hình thức tham vấn chuyên nghiệp (professional
counseling). Tương tự như thế, trong bao năm qua, người Việt đã nương
vào các sinh hoạt tâm linh tôn giáo tại các nhà thờ, chùa chiền, tự
viện để làm chỗ dựa tinh thần thay cho hình thức tâm lý trị liệu. Với
cái nhìn tích cực từ phía tâm bệnh học, Đại Trai đàn Bạt độ Giải oan
đang được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc là một sự góp phần tích cực
vào một cuộc "Tâm lý trị liệu" tập thể mà những người đang còn gánh
chịu di lụy của cuộc chiến Việt Nam trong thầm lặng đang cần.
Kết luận
Trong lịch sử truyền thừa của đạo Phật, hình thức Trai đàn Bạt
độ Giải oan là một phương tiện độ sanh. Theo tinh thần đạo Phật, đây
hoàn toàn không phải là một hành động ban phát "cứu rỗi" hay "phán xét"
mà chỉ là một tiến trình hành đạo mang tính cách xả kỷ, hành thiện.
Trong tinh thần đó, hàng cao tăng đại đức chủ trì nghi thức hành lễ
đóng vai những hành giả cao tuổi đạo và đầy đức độ trong khuôn khổ của
một tôn giáo phát nguyện từ tâm đứng ra thực hiện. Hùng lực giúp Trai
đàn thành công không phải là hình thức trần thiết bên ngoài mà chính
là năng lực dốc lòng chú nguyện của tất cả Phật tử và những người bạn
đạo. Phương tiện thiện xảo giúp Trai đàn đạt ý nguyện xưa nay vẫn là
hạnh từ bi và đức khiêm hạ của chư tăng ni và chư Phật tử phát tâm;
tuyệt đối không có chỗ đứng trong dòng suối tâm linh cho sự phô trương
hình thức hay thánh hóa nhân vật và cường điệu tác dụng. Theo truyền
thống Phật giáo, ngay cả các bậc tăng ni tôn túc chủ lễ trong các Đại
Trai đàn cũng chỉ xin nguyện được gieo duyên lành bằng cách chuyên trì
nương vào năng lực của Hồng ân Tam bảo để chú nguyện hầu mong cải
nghiệp cho người và cho chính mình trên con đường tu học hóa đạo, giúp
đời. Đấng giác ngộ như đức Phật ngày xưa đã thuyết pháp độ sanh trong
suốt 49 năm trời mà vẫn khiêm cung ngỏ lời rằng: "Vạn pháp như rừng
cây trùng điệp mà những điều ta nói ra thì chưa bằng nắm lá trong tay."
Bởi thế, tinh thần hành đạo của Phật giáo xưa nay vẫn thường được
ví von là "tường vân, pháp vũ". Nghĩa là những hình thức lễ
nghi, cầu nguyện, thuyết pháp xiển dương lời Phật dạy ví như "mây
lành, mưa pháp". Trong cơn mưa pháp, không phải ai cũng có nhu cầu
giống nhau và chấp nhận sự thẩm thấu như nhau. Chẳng hạn như những
người đã chết hay còn sống sau cuộc chiến tranh Việt Nam không phải ai
cũng có nỗi thống khổ, chịu đựng oan ức như nhau cần phải được nguyện
cầu hóa giải tập thể chung chung. Tuy nhiên, trong tinh thần lục hòa
và tương tác của đạo Phật, chúng sanh tùy duyên mà hóa độ nên cũng tùy
căn cơ mà thẩm thấu khi có dịp tiếp cận với cơn mưa lành chúc phúc ấy.
Trai đàn Giải oan không phải là một cuộc "lên đồng tập thể" để kéo tất
cả mọi đối tượng vào một cuộc hành hương tâm linh đồng đẳng và đồng
điệu như sự tưởng tượng quá phong phú của một thiểu số người chưa có
thiện duyên để tìm hiểu chín chắn. Thế nhưng lác đác đó đây, vẫn có
hiện tượng ngộ nhận nghiêm trọng về một cuộc "giải oan tập thể" như
vậy. Xu hướng hiểu lầm đó cho rằng, phải minh định đối tượng nào cần
phải “giải oan trước đã”. Đấy là một yêu cầu nghịch lý vì xưa nay
tiếng chuông chùa không đi tìm đối tượng nghe là ai mới gióng lên. Mọi
sự phân biệt đối xử như thế sẽ hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần
bạt độ và hồi hướng của nghi thức Trai đàn. Và hậu luận tất nhiên của
một sự ngộ nhận tiêu cực như thế là những phản ứng chủ quan biểu hiện
ở nhiều mức độ. Nhưng đáng tiếc nhất là phản ứng ở ngoài lằn mức nhân
văn như vọng ngôn, quy chụp, mạ lỵ cá nhân người khác một cách chủ
quan, thô thiển và đầy cảm tính vội vàng mà chữ nhà Phật gọi là vô
minh. Đạo Phật ra đời và tự nhận là một phương tiện phá vô minh. Dám
mong, các thiện hữu chưa quen với phương tiện phá vô minh ấy sẽ thử
dùng để không nhận lầm phương tiện làm cứu cánh, hay ngược lại.
Xin góp lời cầu nguyện cho tất cả những người anh em - kẻ mất người
còn - sẽ phù hộ cho nhau và được nhìn nhau ngày một rõ hơn với tấm màn
vô minh buông xuống.
[1]Richard
Trexter, "Review of the Birth of Purgatory". American Ethnologist;
1986.
[2]Kinh
Pháp hoa. Phẩm 3: Ví dụ. Trí Quang dịch. München - 1996
[3]Chalsam,
H.W. (1998), The Chamber of Memory: PTSD in the life stories of U.S
Vietnam veterans. Northvale, N.J.: Jason Aronson
[4]Dicks,
S. (1995). From Vietnam to Hell: Interviews with victims of
Post-Traumatic Stress Disorder. Jefferson, NC. :McFarland
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/dantranggiaioan_tamly_dantoc_trilieu.htm