- ĐÔI NẼO TÌNH NGƯỜI
- Minh Mẫn
Sau
giờ pháp thoại tại Festival Huế, 7g tối 01/4/07, chùa Diệu Đế như
người trùm chăn ngũ ráng ( ngủ nướng ),sinh hoạt vắng lặng như sự vắng
lặng của không gian núi Ngự, cái trầm lặng muôn thuở ẩn tàng bầu máu
nóng chưa bộc toạc, những Phật tử có mặt từ ngày đầu khi thiền sư bước
chân về quê mẹ nôn nóng lo âu, vì Đại Đàn Vĩnh Nghiêm SG đã biểu hiện
sinh khí buổi lễ hơn nửa tháng trước; còn nơi đây, không tới 10 giờ
đồng hồ nữa là Diệu Đế nhập đàn, thế mà…
Đồng hồ điểm 10 giờ
tối, HT Chí Mậu từ Diệu Đế điện về huy động anh em cư sĩ lẫn chúng
thuờng trụ tập trung gấp về làm vệ sinh mặt bằng, trang trí, thiết kế
đại Đàn. Trong đêm đó, những chuẩn bị các bàn thờ nội ngoại đàn, ảnh
tượng Địa Tạng, Tiêu Diện Đại Sĩ, chư Thánh của BTC thoáng chốc được
thiết lập. 5g sáng ngày 02/4, ngoài đường dọc bờ sông, cờ xí choáng
ngợp nhánh nước sông Hương. Bàn hương án để sẳn nơi mé sông, con
thuyền rồng cũng túc trực trước chùa Diệu Đế. Chiếc xe thỉnh linh cũng
sặc sở như xe hoa Phật đản, bộ mặt Diệu Đế bổng chốc khác hẳn ngày
thuờng. Bên trong sân chùa các rạp che cũng đầy người lai vãng. Khuôn
viên chùa như nhỏ lại. Sinh khí tín ngưỡng náo nhiệt, tràn trề như
những ngày hội xa xưa. Danh sách vong linh tiếp tục nối dài; 36 loại
cô hồn đang được chờ chư tăng ra tay tế độ.
Gần 7g, sư ông và chư
vị tôn đức trong BTS tỉnh hội PG TT Huế, tọa chủ các tổ đìuh quang
lâm.
Những Phật tử Âu-Mỹ mặc áo dài lam, tiếp nối Phật tử Huế và GĐPT làm
hai hàng từ cổng Tam Quang vào Đại Đàn để nghinh đón. thiền sư Nhất
Hạnh đắp y vàng truyền thống, cầm tích trượng vắt thòng dãi lục màu đỏ
thẳm đi sau ban thỉnh lễ và nhạc cổ, nghi lễ thỉnh sư không quy mô
bằng Vĩnh Nghiêm nhưng cũng nói lên được sự trang trọng; chư tôn đức
cũng tháp tùng.vào bái Phật. TT đệ nhị sám chủ đại Đàn T. Thanh Liên
xướng tụng cáo bạch Tam Bảo, cung thỉnh đức Quán Thế Âm quang giám đạo
tràng; đoàn trở ra lên xe về hướng bãi Dâu, ngã ba Sình, cách Diệu Đế
3km hướng Đông Bắc TP Huế. Nơi đây, vùng ngoại ô hoang vắng dân cư,
một nhánh của sông lớn. Cây phang cao 7m treo phất phơ tấm vải trắng
được bốn thành viên Tiếp hiện giữ thẳng đứng. Một bàn linh nằm trên
vũng nước ngập, nghi ngút khói nhang và hoa quả; ngoài sông, chiếc
xuồng nhỏ đưa một phật tử ra giữa giòng phóng sinh thủy loại, đồng
thời một thau nước sạch múc đem vào đặt ngay dưới chân cây phang. TT
đệ nhị chủ sám cùng sư ông niêm hương nhập lễ, chư tăng ni và phật tử
hiện diện hòa nhập tán tụng.Nhạc lễ, trống đờn cũng hòa âm theo nghi
thức Huế. Cũng như ở Vinh Nghiêm và Đại Tòng Lâm, nghi lễ rất ư long
trọng. Dưới cái nắng chói chan đầu giờ trưa, tất cả đều phơi người
chịu trận. Gần một tiếng theo nghi cách thỉnh linh, thầy chủ sám tán
rãi hạt nổ thí thực, sư ông và chủ sám vòng ra cây phang nơi mé nước,
sư ông cầm tích trượng thỉnh thoảng động thổ biểu hiện uy lệnh, thầy
chủ sám đi vòng quanh cây phang bắt ấn triệu thỉnh chư vong, khom mình
xuống, nhúng tay ấn quyết vớt vong, sau đó cây phang được ngã xuống,
tấm vải trắng với hàng chữ đen ngâm vào nước để tiếp rước thủy linh.
9.30 giờ kết thúc nghi thỉnh, sư ông và đoàn trở lên, tấm phang dài
được các phật tử đội trên đầu đưa về xe. 7 chiếc xe ôtô và nhiều chiếc
gắn máy hai bánh nối đuôi hướng về phố thị.. 11giờ, chư tôn đức Ban
Kinh sư từ chùa Thuận Hoá về Khai Đàn. Cung thỉnh Tiêu Diện Đại Sĩ; kế
đến là an vị chư linh
Đầu giờ chiều, khoá
lễ cầu nguyện, tiếp theo là Thủy sám do chư tăng Phật tử hiện diện
trì tụng và tiến linh trước pháp thoại vào lúc 17g30; Ai cũng ngở với
sự trầm lặng của ngày Bố tát lúc sáng, đàn chẩn tế ắt hẳn chỉ là ngày
hiệp kỵ tập thể, nhưng suốt ngày đầu, số người có mặt đã trên ba ngàn.
Sau bao năm PG tỉnh nhà ngũ yên, giờ có dịp hội tụ, quần chúng nô nức
phấn chấn như những năm 1964-1966. ngoài ra quần chúng có thân nhân
uẩn tử, cũng là dịp cầu siêu, mà ưu tiên cho người quá cố, trang trọng
cho giỗ chạp hàng năm vốn là tâm tình của người dân sông Hương núi Ngự.
20g,
mở đầu cho lễ phóng đăng , ban kinh sư hộ đàn trang phục mũ Địa Tạng,
ngoại giáp vai ngang như tướng trận xa xưa có những thẻ tua lòng thòng
phía trước, trang phục màu đỏ tươi thật sặc sở. múa hoa đăng trước khi
xuống thuyền. Cuộc phóng hoa đăng cần đến 15 thuyền đôi và 20 thuyền
nhỏ. Thuyền đôi là loại lớn, kết 2 chiếc lại thành một; đầu 2 thuyền
hình rồng, bên trong nội thất trang bị như một nhà ở, vốn là thuyền du
lịch tiếp khách tham quan du ngoạn trên sông để nghe hò Huế, một dạng
văn hoá dân gian của sông Hương. Mùa nắng là mùa kiếm cơm để những
tháng mưa dầm gió bấc, neo thuyền ngồi ngắm phố phường phủ trùm trắng
đục rét lạnh căm người! Mỗi lần xuất bến phải nộp 50 ngàn, chả biết
khách thuê bao nhiêu, nhưng cuộc sống dân du thuyền cũng nhàn nhã hơn
người lao động mua thúng ban bưng trên xứ sở còn nhiều khó khăn nghèo
khổ. Huế còn nghèo lắm, dân còn đói nhiều, và thành phố còn bẩn chật.
Dân mình quần quật suốt năm để khi lụt về đều gửi ra sông ra biển, từ
tài sản đến tánh mạng. Con trẻ vào chùa xin cơm, ông bà cụ là những
cây tre làng khẳng khiu với chiếc nón lá tơi tả chờ đồng cằc bố thí.
Nhưng lạ, khách có thể cúng hàng trăm, hàng vạn vào chùa mà chỉ vài
ngàn có thể tạo một ánh mắt rạng rỡ cho kẻ khốn khó cũng không được.
Cuộc sống luôn có một nghịch lý, từ xã hội đến tôn giáo, khó mà tiến
đến thế giới đại đồng.
Thuyền rời bến gần
22g, từ Diệu Đế, lên Gia Hội neo tại bia Quốc Học. Thuyền Kinh sư đi
trước, khi những chiếc cuối cùng đến điểm cũng là lúc sư ông niêm
hương chú nguyện, ban kinh sư tán tụng, thùng cá trê con đổ vào sông
lạnh, rồi những ngọn nến đặt trong chiếc hoa giấy cũng nhấp nhô trên
sóng nước. Trăng 16 vành vạnh trên không, mặt sông Hương sẩm màu phản
chiếu ánh sáng le lói từ phố phường hiu hắt. Hàng vạn liên đăng đua
nhau xuôi bạt cuối dòng.Những chiếc đèn cô quạnh lững thửng trôi, vài
chiếc kết bè kết bạn bị cháy khi chưa tròn sứ mạng. Riêng một cặp đèn
như 2 em bé mồ côi cặp kè bên nhau mặc cho sóng nhồi gió đuổi giữa
mênh mông mặt nước. Người dân đứng trên cầu nhìn những đốm sáng phủ
tràn mặt sông như các vì tinh tú ngự trên khoảng không vô tận; mỗi vì
tinh tú là một vận mạng con người thì mỗi ngọn nến lung linh trước gió
- nước là một hồn ma bóng quế vất vưởng cuối bải đầu ghềnh đang được
chư tăng lòng từ cứu vớt. Lễ phóng đăng không phải trò giải trí làm
đẹp sông đêm, phí phạm tiền của hay ô nhiểm sinh môi mà một nét văn
hoá dân tộc biểu hiền tình người tìm cách bạt độ sinh linh.
Hơn 23g đoàn thuyền
quay về, phố thị đã lặng mình trong giấc mộng, không gian tĩnh lặng,
chỉ riêng những đốm sáng mong manh kia vẫn lặng lờ xuôi gió giữa bóng
đêm bao la hiu quạnh. Có lẽ thiên địa cảm động buổi lễ siêu độ, không
khí oi bức mấy ngày qua, bổng dưng chuyển sang se lạnh và đến canh ba,
từng luồng gió mạnh rít trong không gian như những oan hồn gọi về
thống thiết, mưa bắt đầu rơi!
*
* *
Ngày
thứ hai của Đàn trai, gió lạnh mưa phùn phủ trùm xứ Huế, tạo nên không
gian huyền hoặc, trên các bàn thờ khói nhang không gián đoạn, khoá
tụng Địa Tạng được chư tăng và Phật tử miên trì. Có lẽ do thời tiết
nên lượng người tham dự có giảm hơn ngày đầu, tuy thế, khẩu phần cơm
cúng dường bá tánh vẫn không kịp cung ứng. Cúng Ngọ, tiến linh vẫn là
thủ tục thiền môn thường bữa, hoàn tất lúc 11 giờ để kịp quá đường cho
chư tôn đức. Về chiều, khóa lễ dành cho tăng thân làng Mai cầu nguyện,
quần chúng được phen chứng kiến các thầy các cô người nước ngoài hành
lễ chung với quý thầy VN. tuy trời không ngớt mưa bay, buổi pháp
thoại vẫn cuốn hút người nghe tìm nơi trú ẩn. Buổi lễ siêu linh bạt độ
gần 20 giờ bắt đầu đến hơn một giờ sáng hôm sau mới hoàn tất.Ban kinh
sư chạy đàn kinh hành qua 12 cửa ngục để giải cứu tinh linh. Tinh thần
quần chúng phấn chấn hẳn, vì tin rằng tổ tiên ông bà thân bằng quyến
thuộc của mình được cứu bạt siêu sanh. Không khí Diệu Đế khác hẳn Vĩnh
Nghiêm, tuy tầm vóc không bằng, quần chúng tương đương, nhưng nơi đây
mọi người thân thiện mang tính gia tộc môn phong hơn là khách vãng lai,
tuy nhiên do thứ hệ phân minh mà miền trung , nhất là tại Huế nặng óc
phong kiến, đã trở ngại một số vấn đề đáng ra không cần thiết. Một
Phật tử, chị Hòa, cháu bác Siêu, trong bửa cơm cúng dường chư tăng tại
nhà tâm sự: Con ước làm sao quý thầy đoàn kết như một. Chị ta
và cô em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng một vài phật tử có mặt, cũng
là những phật tử thuần thành, tuy sống bằng mua thúng bán bưng, từng
cúng dường rộng rãi không tính toán. một thầy hỏi: Tại sao chị chỉ
ươc như thế? chị ta đáp:vì con thấy quý thầy chia rẽ đố kỵ, con phát
tâm cúng dường đàn trai, vì xét thấy mọi thứ không tương xứng tầm vóc
buổi lễ, một thầy nói,- cô cần gì phải cúng, thầy Nhất Hạnh thiếu gì
tiền…thế là không chịu nhận, con đành mang về!....
Có những buổi gặp gở quần chúng mới thấy được tấm lòng của họ đối với
tín ngưỡng tôn giáo, và dĩ nhiên, những ai chưa thấm đạo hiểu giáo lý,
họ sẽ mất lý tưởng đối với những tu sĩ như thế, bỏ đạo hoặc ngã sang
lối rẽ tâm linh. Cũng trong buổi đàm đạo sau giờ cơm, mọi người được
biết nhạc sĩ Vũ Thành An đã nhập dòng tu Đan viện Thiên An, một con
đường lý tưởng họ đã chọn.
*
* *
Sáng sớm, mấy anh em trí thức Huế mời tôi đi uống cà phê, một nơi cuối
con kiệt 62 đường Hàn Thuyên; gọi là quán chứ nói cho đúng là một căn
nhà tươm tất, vài ba cái bàn, khách phần lớn là trí thức.Nơi đây yên
tĩnh, bàn ghế đặt nơi hàng ba chật hẹp và ngoài sân; buổi sáng vẫn mưa
bay lất phất, gió lạnh, nhạc Trịnh thoang thoảng vừa đủ nghe, đưa
người vào cỏi thiên thai mộng ảo.Tại Diệu Đế, sư ông mở đầu pháp thoại
bằng giọng ngâm bài Đầu Cành Dương Liễu thật phấn chấn lãnh lót, giọng
thanh tao, đầy uy lực, người nghe rúng động.Tuy nơi nào người cũng
thuyết chung một chủ đề: Người thương tôi mất, tôi biết tìm nơi đâu…nhưng
tại Diệu Đế, ngày cuối, nhiều vấn đề bất ngờ trong nội dung, làm
thính chúng trí thức ngỡ ngàng về lòng nhiệt thành và sự sáng tạo.
Ngài đọc cho đại chúng nghe lá thư gửi cho Thủ Tướng VN đề nghị xây
dựng đài tưởng niệm Thuyền nhân tại Vũng Tàu. Thoạt nghe thật vô lý,
nhưng rất hữu lý, vì theo sư ông, kẻ bỏ nước ra đi, không phải ai cũng
bất mãn chống đối chế độ, mà phần lớn, trong buổi giao thời, họ cảm
thấy chính họ và con cháu họ không có tương lai, chính vì tương lai đó
mà sau 30 năm, những người con xa quê, bỏ nước ra đi, nay đã trở thành
những doanh nhân thành đạt, những khoa học gia, những nhà trí thức lỗi
lạc trên thế giới có khả năng đóng góp cho quê nhà mà bây giờ họ đã
đáp lời kêu gọi, đã trở về tiếp tay xây dựng đất nước, và suốt 30 năm
cũng đã gửi tiền về nuôi dưỡng thân nhân, gọi là Việt kiều yêu nước
hay những mỹ từ đầy thân thiết cảm thông, xoá bỏ những kết án, những
mặc cảm mà lúc đầu quy kết họ, đó là lúc đã hiểu và thương nhau. Những
tượng đài Thuyền nhân trên Hồng Kông hay đâu đó mang tính kết án, thì
ngay tại VN, chính nhà nước xây dựng trở thành một hiệu triệu tình
người, có tác dụng hoà giải và cảm thông, tạo một sự ấm lòng cho những
người xa tổ quốc, đồng thời là một ngón đòn chính trị chân tình, giúp
nhà nước đoàn kết toàn dân, những ai cố chấp, sẽ bị lẻ loi giữa cộng
đồng dân tộc; chỉ có những cố chấp hẹp hòi mới ngại ngùng hoặc chống
đối. Đó là một đề nghị sáng tạo đầy tình tự dân tộc và tình người.
Một Đại trai đàn chẩn tế không chỉ bạt độ siêu linh mà còn giải quyết
được tình cảm của người sống, xoá tan ranh giới kỳ thị, tạo sự đoàn
kết toàn dân, nếu trai đàn là việc làm mang tính vô hình thì tượng đài
là một tâm lý đoàn kết hữu hình, cụ thể. Vĩnh Nghiêm có sự hả hê của
Vĩnh Nghiêm thì Huế có sự thỏa dạ của Huế qua nội dung pháp thoại và
chẩn tế siêu bạt. Trong những trai đàn vừa qua, không thiếu những tín
đồ tôn giáo bạn tham gia đồng tình.
Sau pháp thoại, đúng ra chấm dứt đại lễ là lời cảm tạ của sư ông đối
với sự hợp tác của BTS tỉnh hội TT Huế trong việc chẩn tế nầy, nhưng
nếu thế thì quá khuya, sư ông đã ngõ lời cảm tạ sớm hơn, sư ông tặng
những bức thư pháp, và những gói quà xinh xắn bọc giấy vàng, cho ban
kinh sư, BTS tỉnh hội PG, nhưng oái oăm thay, GH cũng tặng lại cho sư
ông và tăng đoàn một món quà tưởng chừng không cần thiết cho thiền
pháp: hai xâu chuổi, một lớn một nhỏ. Sư ông tiếp nhận, vui vẻ
cầm xâu chuổi nhỏ đưa lên lần hạt cho mọi người nhìn. Nếu không lầm,
BTS cũng dâng lên Người một bộ Luật tạng với lời lẽ như là kính cẩn:
Chúng con mong thiền sư dịch bộ luật nầy cho tăng ni chúng con tu học…vì
ai cũng biết rằng từng có sự bất đồng về luật giới của Phật được sư
ông xử dụng ngôn từ mới và nhẹ mà người ta cho là chế tác hoặc sửa đổi
lời Phật dạy.
Về chiều, làng Mai đã cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, và
ban kinh sư chính thức đăng đàn chẩn tế. Người tham dự thưa hơn, vì
mưa gió, nhưng không giảm tầm vóc đầy trang trọng, bên trong nhà trù,
quý sư cô không ngớt tay phục vụ cơm bửa, bên ngoài sân, anh em trật
tự cũng vất vả giữ an ninh. Các quán cóc nổi lên ven rào, thợ chụp
ảnh trưng bày sản phẩm mà hình sư ông chiếm phần lớn. Thỉnh thoảng
từng cơn gió rít thổi phần phật những lá cờ ngũ sắc cắm dọc bờ sông.
Cảnh sát, công nhân, xe ôm và bà con phật tử xử sự nhau như người cùng
một làng, phải chăng đó là đặc tính của người con xứ lụt hàng năm.
Người dân Huế mang đậm tình cảm, đàn ông xứ Huế tha phương lập nghiệp
cũng không xoá được hoài cảm và lưu luyến đồng hương.
Huế đấy, nghèo, thâm trầm, tình cảm, kín đáo, phong kiến, lãng mạn đa
tình và có những bất chợt không hề biểu lộ. Chỉ qua một đêm ngỡ chừng
Diệu Đế ngũ quên sứ mạng, nhưng người dân cố đô bổng chốc kinh ngạc
nhìn rừng cờ và đoàn người đổ về trong tinh sương, họ chợt hiểu, ngày
bạt độ mà chưa hề nghe đến. Huế đấy, vẫn kín đáo thâm trầm trong mỗi
việc làm. Ai đoán được những đổi thay nào Huế sẽ trải qua?
04/4/07
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/doineotinhnguoi.htm