Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐƯỜNG  VỀ  BÁT  NHÃ
01/3/07
Minh Mẫn

 

2 giơ’ sáng ngày 12 âm lịch, tháng giêng, năm con Heo, vào ngày 28/02/07, đoàn  người tham dự khóa tu  tại Bát Nhã, Bảo Lộc cho cư sĩ, đã trú qua đêm tại chùa Pháp Vân. Đồng loạt thức dậy, chuẩn bị cho chuyến hành trình Tâm Linh.

Tuy chùa nằm trong thành phố, nhưng về đêm thật yên tĩnh; trên sân thượng, gió lộng bốn bề.Một vài người không ngũ, suốt đêm rù rì tâm sự. Hơn 3 giờ sáng, tất cả lũ lượt kéo nhau xuống lầu, tràn ra cổng, tìm xe theo phiếu chỉ dẫn. Chiếc xe thứ 12, mãi đến 6g mới lăn bánh, vì phải chờ đón một số khách đến trể, nguyên nhân, lúc đầu hàng trăm người đăng ký tại Bát Nhã, đi tự túc,  Ban tổ chức xét thấy bất tiện, vì từ Bảo Lộc vào chùa không có xe lớn, nếu xe ôm thì không đủ cho hàng trăm lượt người, như thế sẽ không kịp thời khoá,vì thế tổ chức khởi hành tập thể  tại Pháp Vân , lăn bánh lúc 4g sáng thay vì 6 g như đã định, để khỏi kẹt xe trong thành phố, một số người không nhận được tin, một số đăng ký tên mình, lại để người nhà đi, hoặc bạn bè mang tên khác, vì thế BTC khó kiểm soát, có ngưới đến trể, phải dồn người xe sau lên cho đủ chuyến để chạy, cứ thế, những trục trặc ngoài dự tính đã làm trở ngại hết mấy giờ, nhưng ai cũng hoan hỷ. Ra đến nghĩa trang liệt sĩ, khỏi Suối Tiên, đậu thêm một giờ nữa, khách đi trể phải thuê Taxi đuổi theo. Có lẽ, lần đầu tiên tổ chức đưa đón số lượng 600  người tại TP như thế, nên thiếu kinh nghiệm. Mọi người thầm nghĩ – liệu Bát Nhã tiếp đón trên 5000 người có được chu tất chăng!

Về đến Blao, đúng 12g cùng ngày,theo sự chỉ dẫn của các anh chị Tiếp Hiện, xe số 1 đến số 6, dùng cơm tại Bát Nhã, xe số 7 đến 12 ăn trưa tại chùa Phước Huệ; một ngôi chùa vào năm 1969, tôi từng dạy học tại tỉnh hội, TT Huệ Giải là Chánh Đại Diện GH  lúc bấy giờ, gần 40 năm xa cách, nay trở lại, chùa xây dựng quy mô hơn, nhưng có vẻ hiu quạnh quá. Tháp của thầy Huệ Giải như một chứng tích vô thường, nằm trước sân; phía sau hậu liêu, thấp thoáng vài vị tăng xa lạ. Sát vách rào chùa, ngôi nhà thờ cũng vươn mình đội cây Thập ác cao hơn nóc chùa một tí. Trên con đường vào thị xã Bảo Lộc, qua Đại Lão, thỉnh thoảng vài ngọn đồi mọc lên  thập tự giá hoặc  tượng Thánh như xác định lãnh thổ mà trước 1975 chưa có mặt. PG hay các tôn giáo khác chưa có dấu hiệu phát triển nơi đây. Sinh hoạt thành phố Blao vẫn trầm lặng như thuở nào, tuy dân cư có nới rộng quanh vòng đai ở Damb’ri, Damb’ rong…

Vào  đến Bát Nhã hơn một giờ trưa, không gian thoáng đảng, đồi thông thoai thoải  nối dài diện tích chùa mà 30 mẫu như chưa đủ chứa số người tham dự. Không khí dể chịụ. Từng gốc thông, đều có bóng người, vì trong chánh điện, trong thiền đường, vỉa hè nhà Tăng đều không đủ cho người cư trú.Từ các tỉnh phía Bắc đến các vùng miền Tây, miền Đông Nam bộ đều có người đáp xe  đến tham dự khóa tu.

Năm 2005, khi sư ông về thăm quê lần đầu, nơi đây vẫn còn hoang sơ, cơ sở vật chất chưa có gì để nói, nhưng khi Thiền sư Nhất Hạnh chấp nhận  sự phát tâm hiến cúng của TT Đức Nghi, tọa chủ nơi đây; cơ sở bắt đầu phát triển, xây dựng đồ sộ, đủ chổ cho sư ông và đoàn Tăng Thân về lưu trú.

Khóa tu cho cư sĩ, lần đầu tổ chức tại đây, phòng ốc chưa xây kịp, không thể đáp ứng nơi ăn chốn ở cho gần 6 ngàn người trong nước lẫn ngoài nước về tham dự. Ngôi Thiền đường còn thơm nước sơn, nền gạch men chưa đậm vết chân người, được xây vội vả về đêm cho kịp khóa tu, nhưng địa phương cũng đã giúp đỡ  công trình sớm hoàn tất  trước thời hạn giấy phép được cấp.

Những ông bà cụ các tỉnh quê, nhất là phía Bắc và miền Trung, có vẻ thích thú mãn nguyện trước không khí trang nghiêm của Thiền môn mà những chùa  địa phương không có được;

Những Phật tử nước ngoài tỏ ra thuần thành, thú vị khi gác bỏ mọi chuyện hơn thua tất bật trong xã hội công nghiệp, về hòa nhập sinh hoạt tập thể có nề nếp, có ý thức, mà pháp tu giúp cho họ cảm nhận được an lạc hiện tiền.

Các sinh viên, giới trí thức như tìm được lối ra mà kiến thức học đường, kinh nghiệm công sở là vòng lẩn quẩn bế tắt, lạt lẽo, vô vị của đời thường.

Một số phóng viên, ký giả đã bám được của lạ để truyền tải thông tin, báo hiệu một hiện tượng thông thoáng trong sự cởi mở về tự do hành đạo mà xã hội đang tiến bộ

Nhiều người gia cảnh eo hẹp, làm ngày nào, ăn ngày đó, thế mà tự động ngưng việc, bỏ nhà, hối hả tham gia khoá tu. Có cả công nhân viên chức xin nghĩ phép,  tham dư(

Bát Nhã như tiếng gọi Tâm Linh mà những tâm hồn tin Phật, ham tu, đều được thỏa mãn niềm tin; Những người đi xe con lên tận sân chùa, bỏ xe vào một góc, hòa nhập vào dòng người xa lạ, nhập chung một đại gia đình,họ quên bẳn những tiện nghi đời thường, kẻ hầu người hạ nơi chốn giàu sang, ở đây, họ ăn chay, nằm đất, lây lất vỉa hè, không mùng mền chiếu gối,chịu cái lạnh vùng cao nguyên về đêm, gió  ùnúi từng cơn lùa qua da thịt hàng ngàn người vui vẻ mỉm cười trong giấc ngủ với chiếc áo lam mỏng manh.

Tiếng kẻng báo cơm, đoàn người lũ lượt bốn hướng, chẩm rải bước đi trong chánh niệm, tiến về các dãy bàn  bày sẳn thức ăn tự chọn, đặt dưới bóng mát hàng thông, sắp hàng đến lấy thức ăn  û, tìm đến các gốc cây, ăn trong chánh niệm.

Các cư sĩ nước ngoài, gồm nhiều quốc tịch, có vị là bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư, thương gia, chuyên gia, cũng mặc áo dài lam, từ tốn bước đi, tay cầm bát cơm,  hòa lẫn  mọi người, ngồi rải rác dưới bóng cây, nhập cùng mây ngàn tận hưởng thiền thực. Trông họ sinh hoạt thuần thục hơn những người bản xứ  tham dự khoá tu lần đầu.Họ đã theo sư ông và tăng đoàn tu tại làng Mai và du hóa khắp nơi, nhiều năm.

Các sư mắt xanh mũi lỏ cũng đẩy xe cơm phục vụ đại chúng, có người ngẩm nghĩ cười thâm: Đời sống vật chất đầy đủ của Tây Phương không muốn, lại muốn đầu trần chân đất, ăn chay đạm bạc, tiền không giữ, tư trang không có, theo Thiền sư VN, về VN, chấp lao phục dịch cho người VN tu tập trên mãnh đất VN xa lạ..

Ngày thứ 2 của khóa tu, dòng người các nơi tiếp tục đổ về mà không cần đang ký, vì Ban tổ chức khóa sổ khi số lượng đã lên trên 2 ngàn người, vì ngại rằng không chu cấp đầy đủ cho người tham dự, nhưng mọi người vẫn tiếp tục tự nguyện đến với đạo tràng Bát Nhã.Nhà bếp được báo khẩu phần đã lên đến 6 ngàn.

Từ 2g sáng, quý thầy, quý cô và một số Phật tử đã lo nấu điểm tâm cho  khóa sinh. Nhà bếp do chúng thường trú Bát Nhã phục vụ; Ngoài tiếng động cơ xe tải lương thực, và tiếng gió núi đại ngàn. Không còn nghe tiếng động nào khác của 6 ngàn người hiện diện. Từ nhà bếp đến khóa sinh làm việc trong im lặng, cần thiết để trao đổi, chỉ nói thật nhỏ vừa đủ nghe. Người đang chấp lao phục dịch hay đang đi, khi nghe tiếng chuông, tất cả ngưng lại, theo dỏi hơi thở, nhiếp tâm vào thân, đó là pháp thực tập để an tâm giúp người tại gia hạn chế nhiều chi phối. Có người bảo: Pháp tu của Thiền sư Nhất Hạnh là ngoại đạo, không có trong Nykaya, không nói đến Nhân Quả, đến Bát Chánh Đạo…Nếu không Nhân Quả thì tu làm gì, một pháp hành đem lại an lạc và nhiếp tâm thì cần gì phải nói đến Bát chánh Đạo hay dùng từ Nhân quả; Một minh sư không chỉ truyền đạt nguyên xi lời Phật dạy mà còn biết chế tác  một pháp hành  trên căn bản giáo lý, thích ứng với trình độ, căn cơ của thời, xứ mà giáo hoá, vì mỗi pháp thích ứng cho một thời đại tuy giáo lý thì vĩnh hằng.

Sau buổi điểm tâm, làng Mai hướng dẫn khoá sinh nghi cách sinh hoạt khóa tu, chia từng nhóm gọi là gia đình, có tu sĩ  làng Mai hướng dẫn, đi Thiền hành và xướng tụng Bồ Tát Quán Thế Aâm, cách buông thư, theo dỏi hơi thở…

Ai có về Bát Nhã mới thầy công đức to lớn của TT Đức Nghi, người khai sáng ngôi Già Lam nầy; Khi Bát Nhã còn là ngôi thảo am, ngài dấn thân vào cùng đồng bào sắc tộc, độ cho hơn chục em xuất gia tu học, mở trên 26 cơ sở giữ trẻ, lớp học dạy miễn phí cho đồng bào nghèo và con em sắc tộc.tại các buôn làng, thầy trả lương cho giáo viên và người làm công tác từ thiện, sau nầy làng Mai cũng bổ cử các sư cô về hổ trợ trong việc dạy dổ. Thầy là gương sáng trong công tác từ  thiện của Bảo Lộc, được địa phương tán thán ghi nhận.

Khi Bát Nhã biến thành trung tâm tu học theo pháp môn của Thiền sư Nhất Hạnh, Bát Nhã đã thâu nhận trên 300 tăng ni thường trú, Thiện nam tín nữ khắp nơi thường lai vãng tham bái; có tận mắt chứng kiến những công trình xây dựng, tuy không bề thế, nhưng không ít khó khăn từ buổi đầu, và còn vô số việc trước mắt đáp ứng mọi nhu cầu tương lai cho một làng tu, song song với  công việc từ thiện cho quần chúng, mới thấy được tâm chất của một bậc luôn hy sinh vì lợi ích cho mọi người. Vừa đôn đốc  công việc tại nội viện, vừa có mặt thuờng xuyên trong các buôn sóc, vừa chăm bón nội lực tự thân, phải nói rằng, hiện nay, tìm được vị chân tu như thế  quả rất hiếm.

Bát Nhã đang vào mùa tu cho Phật tử tại gia, chư tăng  làng Mai hướng dẫn cư sĩ sinh hoạt thường nhật trong chánh niệm, chuyển hoá không nhỏ cho những nội kết tự thân, mắc mứu với quan hệ xã hội cũng như gia đình, giúp vô số người tham gia khóa tu, có một lối thoát nhẹ nhàng trong cuộc sống, mà không phải chối bỏ, trốn chạy cuộc đời, và có một hướng đi ý nghĩa của đời người, trở thành người tốt cho gia đình, người gương mẫu cho xã hội, người hữu ích cho đất nước và một người có đạo đức đúng nghĩa không cần danh xưng tôn giáo .

Bát Nhã thật sự đã có chổ đứng trong cộng đồng dân tộc chỉ một thời gian chưa tới 2 năm. Về đến Bát Nhã, người ta vững tin rằng- không chỉ năm hay sáu ngàn người mà hơn thế nữa, vẫn có thể chu tất trong tương lai, khi mà cơ sở vật chất được tiếp tục xây dựng, không phải ăn bờ ngủ bụi mà còn được tắm mình, đượm nhuần trong pháp hành an lạc hiện tại trong từng bước đi, vật chất và tâm linh sẽ di vào biển  Trí Tuệ Bát Nhã.Sau khóa tu 5 ngày cho cư sĩ, là lể Hoa Hồng báo ân cha mẹ, Khất Thực Cổ Phật và khoá tu dành riêng cho tu sĩ đã được trên hai ngàn vị đăng ký.

Khí hậu, cảnh quan và tình người hoà cùng Bát Nhã xuân Đinh Hợi 2007 đi vào tâm khảm  khoá sinh một cách ấn tượng,thật tuyệt vời.

                                                                                      

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/duongve_BatNha.htm

 


Vào mạng: 1-3-2007

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang