Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
SỨ MỆNH HOẰNG PHÁP TRONG THỜI HIỆN TẠI

 
Hoằng pháp là nghĩa vụ thiêng liêng của người con Phật: bởi vì hoài vọng của đức Phật “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người”. Do đó, giáo pháp của đức Phật là phương pháp sống thực tiễn, không thể tách rời con người; nếu không đem chánh pháp hoằng truyền cho chúng sanh thừa hưởng, thì Phật giáo chỉ là món đồ cổ trưng bày xem chơi chớ chẳng có ích lợi gì. Mà chánh pháp muốn được lan rộng cho chúng sanh thừa hưởng thì phải nhờ những sứ giả của Như lai hoằng truyền. Hơn 25 TK qua các nhà truyền giáo PG đã thực hiện hoài vọng của Phật, làm cho mạng mạch Phật pháp được sống mãi ở thế gian. Trong sự thành công vẻ vang đó, những người làm sứ mạng hoằng pháp gặp không ít khó khăn, đòi hỏi họ phải kiên nhẫn, sáng suốt trong mọi lãnh vực thì mới mong vượt qua những chướng ngại đầy chông gai, gian khổ này.
Phật pháp là dòng chảy linh động nên không bị bế tắc và hạn cuộc trong bất cứ khuôn khổ nào. Vì vậy, cũng là giáo pháp Phật, nhưng giáo pháp của 2500 năm trước và ngày hôm nay nó đã được thay đổi rất nhiều, cho dù là giáo lý nguyên thuỷ cũng không còn là Nguyên thuỷ, tất cả chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của từng thời đại. Đó chính là tinh thần tuỳ duyên trong đạo Phật.
Ngày hôm nay, với sự tiên tiến khoa học, văn minh con người đã vượt quá những gì từng là sản phẫm của niềm tin, con người muốn giải toả tất cả những nghi vấn còn nằm trong bế tắc, mà nhất là trong niềm tin tôn giáo. May thay giáo pháp của đức Phật không phải là niềm tin suông, sự mặc khải của thần thánh, mà là chân lý vũ trụ và nhân sinh, thực tiễn, được diễn tiến một cách vi diệu nơi mỗi con người,mỗi thời đại.
Nhằm làm toả sáng hơn về niềm tin chân lý Phật đà, người hoằng pháp chúng ta trong thời hiện tại cần phải làm gì để phát huy chân lý đó? Đó chính là câu hỏi cần được đặt ra và tìm lời giải đáp chân  xác, thiết thực nhất ở mỗi hành giả hoằng pháp của chúng ta.
I/ Thực trạng tín đồ Phật giáo Việt Nam hiện nay:
1.       Số lượng tín đồ:
Phật giáo có mặt trên đất nước Việt nam rất sớm, khoảng đầu thế kỷ thứ II TL, các nhà truyền giáo Phật giáo đầu tiên đã đặt chân lên đất nước Niệt nam như: Ma ha kỳ vực, Mâu bác, Khương tăng hội, Chi khương lương … Các Ngài đã khéo léo hội nhập được giáo lý đạo Phật với nền văn hoá dân tộc. Một trong những giáo lý được mọi người đón nhận sâu sắc và có niềm tin nhất đó là giáo lý Nhân quả. Vì vậy những mẫu chuyện cổ tích, các giai thoại Việt sử thời xưa, phần lớn đều xây dựng trên nền tảng giáo lý Nhân quả:vừa mang tinh thần giáo dục, vừa là giáo lý thực tiễn ở mỗi con người.
Gần 20 thế kỷ có mặt trên đất nước Việt nam, Phật giáo đã hoà quyện trong nền văn hoá dân tộc, đã trở thành mạch sống dân tộc, được biểu hiện qua những câu ca dao như :
“ Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Hay những vầng thơ như :
“ Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng gữa tháng, có chùa quanh năm”…
Có những thời Phật giáo đã trở hành quốc giáo, các vị thiền sư là quốc sư, nắm giềng mối chính trị, làm cố vấn cho Vua, góp phần bảo vệ sự bình an cho non sông xãtắc, như các thời Đinh, Lê, Lý, Trần … Cho nên đối với người dân Việt nam không ai không biết đến Phật giáo. Đó là những lợi thế cho các những người làm nhiệm vụ truyền giáo của chúng ta.
Nhưng hiện nay, được thống kê gần nhất, số lượng tín đồ Phật giáo chiếm khoảng 48% trên tổng số dân Việt nam, tức khoảng 38 triệu người trên tổng số dân cả nước  khoảng 80 triệu. Thực tế này quá phủ phàng so với bề dày lịch sử mà Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt nam. Đây là vấn đề trăn trở cho các bậc lảnh đạo Phật giáo Việt nam hiện nay, và là nhiệm vụ chung của những người đang mang sứ mạng hoằng pháp. Chúng ta cần phải suy tư sâu sắc : vì sao Phật giáo Việt nam, về hình thức dường như phát triển tốt, nhưng sâu vào bên trong lại có chiều hướng suy giãm như thế. Đây là vấn đề cần được đặt ra?
2.      Niềm tin :
Đạo phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Niềm tin của đạo Phật không dựa vào sự mặc khải của thượng đế … mà niềm tin dựa trên cơ sở trí tuệ, củahiểu biết đúng đắn. Đức Phật đã từng tuyên bố rằng: “Ai tin ta mà không hiểu ta là huỷ báng ta”. Như vậy trong đạo Phật không có giáo điều. Đạo Phật rất tôn trong tinh thần tự do: tự do ngôn luận, tự do phê phán, tự do nhận thức … Trong kinh Tăng chi, đức Phật từng dạy nhóm người Kalama: “Đừng vội tin theo điểu gì người ta cứ lập đi nhắc lại mãi. Đừng vội tin theo điều gì dù nó là một tập tục cổ truyền. Đừng vội tin theo điều gì dù nó được người ta đồn đãi, nhắc đến luôn. Đừng vội tin theo điều gì dù nó là bút tích thánh nhân để lại … Đừng vội tin theo điều gì dù nó được nói ra từ ông thầy đầy quyền uy… Hãy suy tư xác định coi cái gì hợp với lý trí rồi hãy tin theo”. Thế thì một niềm tin đầy lý trí và khách quan, đạo phật không có bắt buộc,  gò bó, hay có tính cách nhồi sọ để tín đồ tin theo một cách mù quáng. Nhưng xét trên thực tế, số lượng người tin theo Phật giáo bằng lý trí thật quá ít so với số người tin theo tín ngưỡng, tôn thờ đức Phật như một thần linh, mặc dù có những người được quí thầy giáo dục rất kỹ.
Do đó, khi mà Phật giáo chuyển mình theo đà phát triển văn minh nhân loại, những đường lối tu hành tín ngưỡng xưa  cũ dường như bị phá vỡ, thì số người bình dân lần lần họ cũng bắt đầu tách rời đạo Phật. Họ cãm thấy đức Phật không còn bảo hộ được mình nữa, nên số người ấy tìm nơi nương tựa tinh thần như: ông lên bà xuống, núi Sam núi Sập, hoặc theo Thiên chúa để được cứu rỗi … Như vậy, giáo dục tín đồ với niềm tin thuần lý trí, mặc dù đúng với chân lý, nhưng cũng khó bề truyền bá rộng khắp được. Đây là những vấn đề khéo léo và tế nhị của những người làm nhiệm vụ hoằng pháp, làm sao để Phật pháp ngày càng được phổ cập khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân … Làm sao độ tận chúng sanh – đó là lý tưởng tối thượng của người con phật. Trong kinh Ưu bà tắc, đức Phật dạy: “Bồ tát tri dụng Thanh văn, Duyên giác Bồ đề giáo hoá chúng sanh, chúng sanh bất thọ, tắc dĩ  nhơn thiên thế lạc giáo chi, thị danh lợi tha”.
3.      Sự khuynh đảo tinh thần:
Nhà truyền giáo Phật giáo đôi khi rất chủ quan cho rằng phần lớn người Việt nam đều theo đạo Phật, nên đôi khi hời hợt trong việc giáo hoá tín đồ, bởi vì “làm chơi mà ăn thiệt”. Chúng ta luôn tự cho mình ( PG) là chân chánh, là hợp khoa học, là văn hoá dân tộc, nhưng đó chỉ là bề mặt nổi, còn sự thật và bên trong chiều sâu của nó, chúng ta là một “thể cây sơn”, bị các tổ chức khác làm sâu mọt ăn lòn ở bên trong ruột mà mình không hề hay biết. Ở nhà trưởng thì các học sinh, sinh viên bị nhân viên xét lý lịch: khi ghi tôn giáo là tín đồ Phật giáo thì bị tra hạch đủ điều, làm khó làm dễ, hoặc bảo phải ghi là không tôn giáo mơí chịu nhận hồ sơ, còn ghi thiên chúa thì được dễ dàng. Làm việc kiểu áp chế lộ liểu như vậy, nhưng không biết ai là kẻ đứng sau lưng xúi dục? Những học sinh, sinh viên gặp tình trạng như thế: một số thì nín lặng ghi không tôn giáo để được học; một số không chấp nhận thì bị gây khó khăn. Đó là những vấn đề cần được triển khai ở các nhà truyền giáo PG giúp thêm kiến thức cho tín đồ,  hoặc trực tiếp thông qua với các cơ quan chức năng nhà nước, kịp thời can thiệp, vì đã vi phạm đến tinh thần tự do tín ngưỡng của công dân.
Đối với thôn quê, thì những người là PG hoặc không phải PG đa phần bị mê hoặc bởi tinh thần cứu rỗi: họ gán cho PG là mê tín, là vô thần … không thể cứu độ được mọi người. Người Phật tử vì thiếu điều kiện đến chùa để nghe pháp, học tu, hoặc một số thầy bảo thủ tín đồ theo kiểu quê dốt: thà chấp nhận cho tín đồ theo thiên chúa, còn bao nhiêu thì còn, chớ rước mấy ông giảng sư về giảng đạo thì mình bị mất uy tín hoặc theo mấy ổng hết … Đó là những tư tưởng hủ bại nhằm đẩy  phật giáo đi vào chỗ hạn cuộc, bế tắc. Đây là một số vấn đề căn bản mà ngành hoằng pháp chúng ta cần phải có nhiều phương hướng triển khai thiết thực,  bảo hộ và chỉ thị mạnh dạn, rõ ràng, phá vỡ những thành kiến hũ lậu, giúp các sứ giả Như lai  hoàn thành sứ mạng, làm cho ánh sáng Phật đà được soi tỏ khắp muôn nơi.
II/ Sự xuất hiện hoằng pháp:
1.      Hoằng pháp thời đức Phật:
Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, đức Phật liền muốn nhập Niết bàn, vì Ngài thấy giáo pháp của mình quá cao siêu, chúng sanh khó bề tiếp nhận, rồi sanh tâm xem thường mang tội huỷ báng chánh pháp. Nhờ sự thỉnh cầu của Phạm thiên, và căn cứ theo phương thức giáo hoá của bảy đời đức Phật trước, Thế tôn bèn nghĩ đến việc truyền bá chánh pháp. Tức là sứ mạng hoằng pháp được đức Thế tôn bắt đầu từ đó. Bước chân Ngài đã dạo khắp các vùng Aán độ dù là chốn đô hội thị thành hay các miền thôn dã, tuỳ phương tiện mà hoá độ khắp tất cả chúng sanh bình đẳng không phân biệt, dù cao sang quyền quí hay nghèo cùng khốn khổ. Đây là chỗ đặc thù nhất trong Phật giáo chúng ta. Ý này được diễn tả trong kinh Pháp hoa phẫm Dược thảo dụ: “ Giáo pháp của Ngài như trận mưa lớn, tất cả các loại cỏ cây đều được thấm nhuần”. Cho nên thật nghĩa của hòăng pháp là làm sao cho tất cả chúng sanh đều được giác ngộ, lìa khổ được vui.
 
2.      Hoằng pháp sau   thời kỳ Phật nhập Niết bàn:
Như chúng ta đã biết, sau khi Phật nhập Niết bàn, giáo đoàn của Phật bước vào thồi kỳ phân chia bộ phái, nhiều khuynh hướng, nhiều tư tưởng được xuất hiện ra đời. Những khuynh hướng tư tưởng này có ý muốn độc lập, tự cho rằng giáo thuyết của mình là đúng đắng nhất. Những tư tưởng chính trong thời kỳ này đó là: tư tưởng nguyên thuỷ( thượng toạ bộ) và tư tưởng phát triển(đại chúng bộ) . Sau này được hình thành rõ nét ở trung hoa trên căn bản của mười tông phái, gồm hai tông phái tiểu thừa( Thành thật tông và Câu xá tông), tám tông phái đại thừa( Thiền tông, Tịnh độ tông, Hoa nghiêm tông, Pháp hoa tông, Luật tông, Mật tông, Tam luận tông, Duy thức tông). Mỗi tông phái đều xiển dương theo tông chỉ của mình, hầu tìm người hữu duyên quay về tu học. Phật pháp trở thành vườn hoa đa dạng, đầy hương sắc khiến cho những người không phải PG cũng phải gấm ghé nhìn và thưởng ngoạn. Đây là một trong những lợi thế của Phật giáo nhằm qui nạp mọi trình độ căn cơ chúng sanh quay về theo chân lý  Phật đà. Cho đến hôm nay, một số tông phái vẫn đang thạnh hành và phát triển lớn mạnh như Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông … Và một số tông phái cũng bị mai một vì không còn phù hợp với quần chúng, do khô cứng hoặc không có người thừa kế truyền bá.
III/ Sứ mệnh hoằng pháp trong thời hiện tại:
1.      Vai trò và sứ mệnh của giảng sư:
Sở dĩ bao thế kỷ qua, mọi người được hiểu đạo và hướng về Phật pháp là do công hoằng hoá của các bậc Tổ đức từ bao đời trước. Quí Ngài đã tận tâm, tận lực, cạn lời giáo hoá chúng sanh đời ngũ trược cang cường, nên họ mới chịu qui hướng theo con đường Phật pháp, tu hành.
Hôm nay đây trong hoàn cảnh xã hội tương đối ổn định về mọi mặt, các vị giảng sư không còn phải vất vã trên con đường làm Phật sự, niềm tin mọi người đã có sẵn, như một mãnh đất mầu mỡ, chỉ cần các vị sứ giả Như lai khéo gieo giống Bồ đề. Phương tiện hành đạo thì có đầy đủ, nào xe cộ đi lại, tiền bạc chi dùng, cơ sở vật chất làm phương tiện truyền đạt được thiết lập khắp mọi nơi trong nước … Có thể nói ngày hôm nay mọi phương tiện hoằng pháp đều được đầy đủ, chỉ cần tâm đức của người hoằng pháp. Tâm đức hoằng pháp là gì: phải nghĩ đến chúng sanh đang sống trong vòng vô minh đau khổ, nếu không tiếp nhận được giáo lý Phật đà thì chắc chắn đời đời họ không thoát ra được cuộc sống mê muội ngục tù này. Phải quán chiếu để thấy rõ trên thế gian còn quá nhiều người chưa đủ duyên lành để tiếp cận được giáo lý đạo Phật, hoặc có người nắm bắt được chút ít nhưng nhận thức lệch lạc do tâm tà kiến còn quá sâu dày, hoặc một số người hướng dẫn quần chúng tu học chưa thật đúng với chánh pháp… Với lòng từ bi của người xuất gia học đạo, vì hạnh nguyện độ sanh, chúng ta sẳn sàng dấn thân cứu độ họ, giúp họ hiểu đúng chánh pháp, đem lại lợi ích thiết thực.
Giảng sư không được cống cao ngã mạn, khi thấy mình ngồi trên mọi người, được mọi người cung kính. Không nên sân si khi bị nạn vấn, hoặc nghe những lời bàn tán vu vơ của thiên hạ về mình – vì họ là chúng sanh mà!
Phải luôn nghĩ đến sự phát triển của đạo pháp, lợi ích quần sanh, không nên lợi dụng nghiệp vụ của mình hầu trục lợi cá nhân , hoặc tìm cách tiến thân trên con đuờng công danh địa vị. Đó là những quan điểm sai lầm của người hành đạo mô phạm. Nếu nghĩ tu học để mong được làm chức gì, để có được danh vọng là sai đi với chủ ý của đức Phật khi rời bỏ hoàng cung tìm đạo, tức là sai đi tôn chỉ của đạo Phật, sai đi mục đích của người hoằng pháp; mà hãy làm tất cả bằng tâm huyết, bằng tấm lòng vì đạo, vì chúng sanh, thì địa vị dẫu có, là do mọi người tôn xưng đưa lên, chớ không phải do chúng ta mong cầu hoặc tìm cách này cách khác để có được. Trong kinh Tứ thập nhị chương, Phật dạy: “Ta xem địa vị vương hầu như bụi qua kẻ hở, xem những vàng ngọc quí báu như ngói gạch, xem y phục lụa là như đồ giẻ rách …”. Là người tu hành chúng ta cần phải quán chiếu lời dạy chân sát này!
Đã chấp nhận vào con đường hoằng pháp, là một ước mơ cao đẹp, là con người có lòng phục vụ đạo pháp và chúng sanh, thì bản thân chúng ta cần phải khép mình theo khuôn khổ giới luật, bỏ những nhu cầu xa xí không cần thiết thì khả dĩ lời nói mình mới đủ sức thuyết phục quần chúng: chẳng hạn, giảng sư tuyệt đối không được hút thuốc, không được tuỳ tiện vào quán, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Giảng sư không nên tiếp khách bừa bãi, cần phải chỗ nơi, giờ giấc hăûn hò; không nên xem ti vi những chương trình không cần thiết, không nên bày tỏ đời sống sung túc của mình trước bàng dân thiên hạ… Đó là những điều tối cần thiết giúp cho giảng sư được quần chúng tín nhiệm, có cảm tình , dễ gần gũi, họ sẽ dễ dàng chấp nhận những lời thuyết giảng của ta. Đừng vì thời cuộc mà nhất thời quên đi lý tưởng cao đẹp của mình là hỏng cả đời. Chúng ta cùng nhau suy gẫm lời dạy của hoà thượng Trưởng ban HPTW: “Quên mất bản tâm  mà chạy theo thời cuộc thì chúng ta sẽ bị thời cuộc cuốn trôi đi”.
Hãy phát huy truyền thống cao đẹp của ngành hoằng pháp, phải là những sứ giả Như lai chân chính, đem pháp mầu hoá độ khắp muôn nơi. Hãy trọn đời cúng dường thân tâm này cho đạo pháp, đừng thấy mình là người hy sinh gì cả, đừng so sánh với những đồng đạo thiếu lương tâm; có như thế chúng ta mới hết lòng vì sự nghiệp chung của giáo hội. Tổ Qui sơn đã dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Hãy làm tiếng rống của sư tử cho chánh pháp được lan truyền khắp chốn, đừng làm dã can đội lốt sư tử là sai đi sứ mạng của người hoằng pháp. Lời của Vĩnh gia huyền giác, vẫn còn hằng vang mãi trong lòng của mọi người con Phật chúng ta:
“Giống sư tử sinh ra con nòi sư tử
Ba tuổi năm gầm vang động núi rừng xanh
Bầy chó hoang vờn theo dấu chân đấng Pháp vương
Trăm năm sủa vẫn là tiếng ngâu ngâu đáng ghét”.
2.      Vận mạng Phật giáo:
Mạch sống của Phật giáo là suối nguồn tuôn chảy bất tận. Và có thể nói:bao giờ không còn một chúng sinh trên cõi đời này, thì khi đó mới không còn Phật pháp hiện hữu ở thế gian. Các vị Bồ tát đã từng thệ nguyện độ tận chúng sanh, như Ngài Địa tạng nguyện “địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề”. Ngài A nan cũng từng tiên thệ với đức Phật:
“Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
Như nhất chúng sanh vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ Nê hoàn…”
 Như vậy, đời càng đau khổ, chúng sanh càng cang cường, địa ngục càng nhiều người sa đoạ, thì khi đó, còn nhiều vị Bồ tát thệ nguyện độ chúng sanh. Do đó mạng mạch Phật pháp không thể cùng tận được. Nhưng người viết muốn nói mạng mạch là muốn nhằm vào thực trạng của PG Việt nam hiện nay. Phật pháp đang nằm trong tay chúng ta, không riêng vì ngành hoằng pháp, mà mỗi người con Phật đều phải tích cực đóng góp vào ngôi nhà chánh pháp. Mỗi cá nhân phải thể hiện được tinh thần của mình, vì giáo hội, vì chúng sanh để làm sao Phật giáo được phát triển đồng bộ khắp trong cả nước. Thế gian thường nói “một cánh én không làm nên mùa xuân”; cũng thế, cá nhân trong một tổ chức dù có tài giỏi cách mấy, một mình, cũng không thể làm phát triển đồng bộ được, mà đòi hỏi sự khéo léo lảnh đạo cùng với sự đồng tình của một tổ chức thì không việc gì mà không thành.
Chư  Tăng Ni chúng ta phải thấy mình là anh em chung một nhà, con một cha, thì không vì bất cứ lý do gì mà bảo thủ, chỉ trích, chia rẻ với nhau. Không vì tín đồ mà làm nội bộ mất đoàn kết. Nội bộ không đoàn kết thắt chặt tay nhau trên con đuờng hành đạo, đó là cơ hội để bị kẻ xấu lợi dụng quấy rối và làm suy yếu sức mạnh của PG. Điều đáng tiếc, người con Phật để bị cái danh, cái lợi làm ảnh hưởng chung cho đạo là việc đáng hỗ thẹn !
Cho nên, mạng mạch Phật pháp luôn nằm trong tay chúng ta: nếu mọi người con phật cùng đồng lòng với nhau trên mọi lảnh vực, biết bỏ qua mọi thành kiến cá nhân, quyết tâm vì sự nghiệp chung của giaó hội, làm cho ngôi ngà Phật pháp càng ngày càng được hưng thịnh thêm hơn. Sự hưng thịnh này không dành riêng cho một ai mà nó la sự ảnh hưởng đồng nhất: “Tốt chị tốt em, tốt nem tốt lá”. Đó là việc hiển nhiên!
Các vị sứ giả Như lai( nhân viên hoằng pháp) được BHP phái đến đâu thì phải được Tăng Ni nơi trú xứ đó nhiệt tình ủng hộ, vận động quần chúng tích cực hưởng ứng ham học, ham tu. Riêng các vị giảng sư đi đến nơi nào phải với tâm nguyện là tiếp tay cho trụ trì làm Phật pháp nơi ấy được hưng thịnh, quần chúng nơi đó có thêm nhiều người phát tâm hưởng ứng hướng về đạo pháp, đừng làm nổi cho riêng mình. Đó là mục đích cao cả của ngành hoằng pháp, hoằng pháp chân chính.
IV/ Những bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới nghiệp vụ hoằng pháp:
Như chúng ta đều biết, từ ngàn xưa cho đến trãi qua các thời kỳ phát triển PG(trước khi thống nhất PG), ngành hoằng pháp không phải là một hệ thống hoằng pháp nhất quán, có tổ chức, có sự chỉ đạo, có đội ngũ cán bộ … mà là sự hoạt động riêng lẻ của từng vùng, từng cá nhân. Một vài thời kỳ mai mắn được các vị vua chúa là Phật tử biết kính Phật trọng Tăng, nên Phật giáo có uy thế mở mang rộng lớn, được nhiều người quy hướng về, nhưng phần lớn có tính cách xu hướng chớ chưa phải thật sự   giác ngộ. Do đó, chỉ khi nào mọi người được diện kiến trước pháp sư, được thấm nhuần mưa pháp, rồi quy hướng Tam bảo, đó mới là điều đáng mừng.
Kể từ khi GHPGVNTN ra đời, thuở ấy ngành hoằng pháp còn mang danh là Viện Hoá đạo, do Hoà thượng Thích Thiện Hoa làm viện trưởng, lúc bấy giờ ngành hoằng pháp bắt đầu có hệ thống, có nhân sự được đào tạo chuyên môn với tên gọi là: Như Lai Sứ Giả. Đến năm 1981, GHPGVN được thành lập, ngành hoằng pháp là một trong sáu ban ngành chính, do HT Thích Trí Quảng làm trưởng ban( lúc đó HT đang là Thượng Toạ).
Hơn 20 năm làm trưởng đầu ngành hoằng pháp trong cả nước, học theo gương các bậc thầy đi trước, HT đã tận tâm, tận lực xây dựng và phát triển PG nước nhà. Cũng từ đó, ngành hoằng pháp Việt nam có những bước chuyển mình đáng kể: năm 1993 lớp giảng sư TW đầu tiên ra đời vơí tên gọi là khoá Thiện Hoa. Đến năm 1995 – 1997 khoá II được ra trường với tên gọi là khoá Trí Thủ. Sau đó, trong ba năm liền (98, 99, 2000), trước khi vào Hạ, BHPTW đều có tổ chức khoá bồi dưỡng giảng sư ngắn hạn cho các đơn vị tỉnh thành khắp trong cả nước. Sau những khoá bồi dưỡng này ngành hoằng pháp trong cả nước được phát triển đồng bộ và gặt hái được nhiều kết quả khả quang. Đặc biệt, vào năm 2001, HT tiếp tục mở khoá đào tạo cao cấp giảng sư, là lớp có tầm cỡ trong hệ thống giáo dục chuyên ngành  của PGVN. Đây là bước tiến nhảy vọt của đầu thiên niên kỷ mới, là sự trưởng thành thật sự của thế hệ hoằng pháp kế thừa. Mặc dù chưa tốt nghiệp ra trường, nhưng với số lượng gần 200 giảng sinh cao cấp, chắt có le,õ cũng làm an lòng phần nào cho các vị tôn túc lảnh đạo giáo hội. Đó là dấu hiệu tốt đẹp cho ngành hoằng pháp của thế kỷ mới, thế kỷ đầy hứa hẹn.
V/ Những ý kiến đóng góp cho ngành hoằng pháp hiện nay và tương lai:
Với cái nhìn thiển cận của hàng hậu học, thì chắt không thể là cái nhìn thấu đáo được. Nhưng đây lại là những điều trăn trở, khi trước mắt luôn diễn ra những điều đáng nghi ngờ để đặt dấu hỏi, hỏi tận lươn g tâm, thưa hỏi cùng các bạc thầy đi trứơc.
Sau đây bút giả xin được mạn phép đệ trình lên một vài ý kiến đóng góp, nếu có điều gì  mạo phạm xin quí Ngài từ bi lượng thứ cho.
1.      tránh sự giảng thuyết tuỳ tiện:
Phật pháp chúng ta tuy đa dạng nhưng luôn được quy nạp theo tinh thần của hai hệ thống giáo lý chính, đó là giáo lý Nguyên thuỷ và giáo lý Phát triển( Đại thừa). Cho nên khi giảng dạy, dẫu chúng ta có khai triển rộng hẹp khác nhau nhưng phải căn cứ vào hai hệ thống giáo lý này làm nền tảng căn bản, không nên trên pháp toà, cao hứng tuỳ tiện quá mức. Kết quả sau mỗi buổi giảng như thế làm cho Tăng Ni, Phật tử hoang mang ngớ ngẩn nhiều vấn đề, hoặc căn cứ vào những lời giảng dạy đó họ lại huyên thuyên nói rồng nói rắn(tam sao thất bổn) với người khác, với cả quí thầy trưởng thượng. Đây là vấn đề không được tốt đẹp cho phật pháp.
2.      Trụ trì cũng là hoằng pháp:
Không hẳn đi giảng dạy mới là hoằng pháp, mà biết cách quản lý cơ sơ, giáo dục tín đồ ngoan đạo cũng là hoằng pháp. Thời gian qua Phật giáo bị giảm thiểu uy tín cũng tại vì nhiều vùng trụ trì thiếu trình độ căn bản về Phật học, trở thành người giữ chùa, sống bằng việc quản lý hương quả mà mọi người hữu sự đem cúng chùa, hoặc nhận thù lao nhờ đi tụng đám. Vì vậy nên đôi khi quần chúng thấy việc tu hành bình thường quá, dẫn đến sự nhàm chán khinh lờn. Còn trụ trì nào có trình độâ Phật học khả dĩ, có chút ít kỹ năng giảng pháp, thì nơi ấy được sung thạnh, tín đồ ngoan đạo, các vị giảng sư đến thuyết giảng đều rất thoải mái và hoan hỷ với cung cách của tín đồ nơi trú xứ ấy. Giả như không có được giảng sư đến thuyết pháp, thì đạo pháp nơi đó vẫn phát triển bình thường chớ không có trở ngại gì. Còn như trụ trì không quản giáo được tín đồ của mình, mà giảng sư có tới lui thuyết pháp, thì cũng như trận mưa rào trên sa mạc, thấm ướt có là bao? Cho nên nếu cần, các vị giảng sư cũng có thể lảnh chùa làm trụ trì để hoằng pháp từng trú xứ. Vẫn tốt!
3.      Hoằng pháp không nên nhắm vào phật tử thuần thành:
Sở dĩ Phật ra đời chính là vì cuộc đời quá nhiều đau khổ. Đức Phật là bậc đại lương y, tuỳ bệnh cho thuôùc để chúng sanh lìa khổ được vui. Như vậy, gạo cơm cần cho người đói thiếu, nghèo khổ, chơ ùai đem cho người dư ăn bao giờ. Bác sĩ cho thuốc bệnh nhân, chớ người lành mạnh họ không cần thuốc. Do đó, người hoằng pháp phải nhắm vào người chưa được thuần thục, những người chưa biết Phật pháp, tạo phương tiện gần gũi, khéo  dùng phương tiện để dẫn dắt họ quay về với chánh pháp, lìa khổ được an vui. Đó là nhiệm vụ căn bản của sứ giả Như lai.
Một số tu sĩ, khi thấy Phật tử thuần thành ngoan đạo, dễ nghe, dễ hoá độ, rồi tìm cách giữ chân, an phận quay quần với một nhóm Phật tử đó thì bao giờ phật pháp mới được lan rộng. Những Phật tử thuần thành như người khoẻ mạnh, đâu cần uống thuốc hay dìu dắt. Còn vô số chúng sanh nghèo đói, bệnh tật đang cần lương y, đang cần những nhà hảo tâm như chúng ta ra tay cứu giúp!
Đây là vấn đề đòi hỏi lương tâm, lòng kiên nhẫn, chịu khó vì phật pháp của người làm nhiệm vụ hoằng pháp !?
4.      Nữ giảng sư (Ni) cần chọn phương thế hoằng pháp thích hợp.
Người nữ xuất gia không thích hợp lắm trong việc đi đó đây hoằng pháp, do còn có nhiều mặt hạn chế hơn nam giới. Cho nên chúng ta cần phải thực tế một chút trong việc “chọn người,chọn việc”. Nữ xuất gia thích hợp trong việc trụ trì giáo hoá đồ chúng, công tác từ thiện, y tế, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn … Họ là những người đang rất cần đôi bàn tay chăm sóc, những tiếng nói êm dịu thân thương  của các cô. Trong những môi trường đó ít ai chịu dấn thân, mà chúng ta nguyện lao vào, tuỳ phương tiện hướng dẫn mọi người biết tội phước, biết làm lành lánh dử …Đó cũng là phương thức hoằng pháp, đúng với đạo từ bi: cứu người, giúp đời.
Tóm lại: cuộc đời còn đau khổ (sanh, lão, bệnh, tử …) thì Phật pháp còn cần thiết để hiện hữu trên thế gian này. Vì thế chúng ta cũng đừng nên suy nghĩ hạn cuộc của hai chữ HOẰNG PHÁP – thuyết pháp giảng kinh.
Bằng tấm lòng nhiệt quyết, vì đạo pháp, chấp nhận khép mình thanh tu, siêng học, chắt chắn chúng ta sẽ đầy đủ cơ duyên hoằng hoá chúng sanh, lợi đạo, ích đời.
Tất cả những người con Phật, nguyện đồng lòng chung sức quyết tâm phục vụ đạo pháp, xây dựng Tăng đoàn, loại trừ các thành phần xấu chen vào làm suy giãm sức mạnh của Phật giáo. Tăng Ni chúng ta làm sao phải hoà hợp như nước với sữa thì mọi Phật sự đều được viên thành. Điều đó còn đòi hỏi nơi tâm đức của mỗi người con Phật chúng ta!
Cuối cùng, người viết xin nguyện cầu: Phật pháp xương minh, Tăng già hoà hợp, chúng sanh dị độ.

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vande/hoangphap.htm

 


Vào mạng: 1-7-2004

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang