Sự phát triển của ngành khoa học
ky thuật, công nghệ thông tin trong vài thập niên cuối thế kỷ 20 và
những năm đầu thế kỷ 21 đã tạo ra những bước đột phá vô cùng quan
trọng, thật sự có ý nghĩa trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Quả thật,
thành tựu của chúng đã mang lại nhiều tiện ích cho đời sống con người.
Thông qua phương tiện này, mối tương giao giữa các nền văn hóa và văn
minh trên thế giới cũng được rộng mở. Một mặt, sự giao thoa - tương
tác này đã thu hẹp dần khoảng cách giữa các lãnh thổ, quốc gia, khiến
cho mọi người có cơ hội học hỏi, hiểu biết, trao đổi những tinh hoa,
đặc thù về sinh hoạt, tập quán, ngôn ngữ... với nhau. Nhưng mặt khác,
tinh thần vật chất và tính thực dụng của nó cũng khiến cho giới lãnh
đạo các quốc gia và tôn giáo trên thế giới lo ngại, vì khuynh hướng
này thật sự đe dọa đến bản sắc văn hóa và truyền thống tâm linh tốt
đẹp của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các nước có nền văn
minh cổ xưa như Việt Nam chúng ta.
Đứng trước thực trạng này,
giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, cụ thể là Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam và Học Viện Phật giáo Việt Nam, mong muốn nghiên cứu, tìm
hiểu vị thế của Phật giáo trong một bối cảnh văn hoá đặc thù như thế
nhằm hoạch định phương sách hoạt động cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Bên cạnh ấy, Viện cũng nỗ lực tìm kiếm những giải pháp khả thi mà đạo
Phật có thể đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa
đặc thù của Việt Nam, Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế
giới nói chung. Để đạt đến mục tiêu trên, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Phật giáo trong thời đại
mới: Cơ Hội và Thách Thức” vào các ngày 15-17/07/2006.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/hoithao_gioithieu.htm