-
- Quan cảnh phiên
hợp trù bị thứ nhất BTC quốc tế Đại lễ Phật đản quốc tế 2007
Lời toà soạn:
Cuộc họp trù bị Đại lễ Phật đản của Liên Hợp Quốc (LHQ) 2007 vừa được diễn
ra tại trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn, Bangkok, Thái Lan,
trong hai ngày 29-30/7/2006. Có khoảng 60 thành viên, đến từ 20 nước tham
dự. Phóng viên Báo Giác Ngộ, đại đức Giang Phong, đã phỏng vấn đại đức
Thích Nhật Từ, thành viên của Ban Tổ chức quốc tế (BTCQT) năm 2006 và
2007. Để giúp bạn đọc tường tri diễn tiến và nội dung của buổi họp, GN
trích đăng một phần phỏng vấn.
Hỏi: Chỉ sau gần 3 tháng kể từ
ngày tổ chức đại lễ Phật đản của LHQ 2006 kết thúc, BTCQT đã triệu tập
cuộc hợp trù lần thứ nhất cho đại lễ năm sau. Chắc hẳn không phải không có
lý do?
TNT: Đúng vậy. Vì là đại lễ
Phật đản của LHQ, BTCQT của đại lễ phải chuẩn bị gần một năm để tránh
những điều sơ thất ngoài ý muốn. Cuộc hợp trù bị lần 1 vừa qua xoáy vào
hai trọng tâm. Thứ nhất, điểm lại thành quả tổ chức của năm 2006, rút ra
những bài học kinh nghiệm về những điểm đã đạt và chưa đạt để làm tốt hơn
cho năm 2007. Thứ hai, đại lễ Phật đản lần này trùng với sự kiện toàn dân
tộc Thái Lan tổ chức mừng sinh nhật lần 80 đức vua Bhumibol Adulyadej của
Thái Lan, vị vua tại vị lâu nhất hiện nay và cũng là vị vua Phật tử mẫu
mực nhất về sự ứng dụng Phật pháp trong quản trị quốc gia. Theo Thượng toạ
GS.TS. Dhammakosajan, Viện trưởng Đại học Mahachulalongkorn kiêm Trưởng
BTCQT, đây là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng Thái Lan, dưới sự chứng
minh của Hội đồng Tăng thống Thái Lan và sự bảo trợ của chính phủ Thái Lan,
tổ chức đại lễ Phật đản của LHQ. Vì thế, lần tổ chức này sẽ chu đáo và
hoành tráng hơn các lần tổ chức trước, để đánh dấu những giá trị đạo đức
và tâm linh mà đức Phật đã cống hiến cho nhân loại và tất cả chúng sinh.
Hỏi: Trong khi đúc kết những
thành tựu của đại lễ, BTCQT có quan tâm gì đến việc ứng dụng các nội dung
mà nghị quyết gồm 13 điều đã đề ra cho đại lễ Phật đản 2006 không?
TNT: Nguyên ngày làm việc thứ
nhất, tức 29-7-2006, BTCQT thảo luận rất chi tiết các ứng dụng nhằm triển
khai nghị quyết 13 điều của năm 2006. Có vài điều của nghị quyết thuộc về
chính sách hợp tác các trường phái và giáo phái Phật giáo lâu dài. Cũng có
vài điều trong nghị quyết cần sự triển khai và thực hiện nay. BTCQT tập
trung vào 3 nội dung chính:
1)
Dự án biến Buddhamonthon trở thành trung tâm Phật giáo thế giới. Dự
án này bao gồm: a)Trung tâm thực hành tâm linh, b) Trụ sở của trường Đại
học Phật giáo quốc tế, c) Thư viện Phật giáo thế giới, d) Viện bảo tàng
Phật giáo, nơi lưu trử và triển lãm các di sản văn hoá Phật giáo, e) Trung
tâm hội thảo Phật giáo thế giới, f) Khách sạn và nhà nghỉ cho du khách
Phật giáo khắp thế giới v.v…
2)
Dự án thư viện điện tử Phật giáo thế giới: a) Lưu trữ Đại tạng kinh
Phật giáo bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm luôn Pali và Sanskrit, b) Các sách
nghiên cứu về Phật giáo và Phật học, c) Các tạp chí và các bài khảo cứu về
Phật giáo, d) Các từ điển bách khoa và từ điển ứng dụng Phật học, e) Các
truyền thống và hành trì Phật giáo, f) Hình ảnh, âm thanh, video Phật giáo
v.v…
3)
Biên tập và ấn tống quyển “Kinh Thánh Phật Giáo:” Bằng 5 ngôn ngữ
chính của Liên Hợp Quốc, với các tiêu chí: a) Nguồn gốc lịch sử đạo Phật,
b) Cuộc đời và đóng góp của đức Phật, c) Ba trường phái Phật giáo và các
hành trì chính (Thượng toạ bộ, Đại thừa và Kim Cang thừa, d) Giáo pháp căn
bản của đức Phật được trình bày trong ba trường phái Phật giáo, được bố
cục theo chủ đề, ứng với các vấn nạn của thời đại, để hỗ trợ giải pháp cho
người ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống. Sau đó, quyển kinh thánh Phật
giáo này sẽ được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và ấn tống rộng rãi.
Hỏi: Để làm những công việc
chuyên môn như vừa nêu, chắc hẳn BTCQT phải nghĩ đến việc tìm kiếm các
chuyên gia về các lãnh vực liên hệ? Chư tôn đức Việt Nam có được mời vào
các ban này không?
TNT: Thành phần BTCQT năm 2006
chỉ có 37 thành viên. Năm 2007, BTCQT đã mời thêm nhiều thành viên mới,
nâng tổng số thành 61 vị. Số lượng này có thể gia tăng tuỳ theo nhu cầu
thực tế. BTCQT sẽ thành lập ba uỷ ban gồm các nhà chuyên môn về lãnh vực
để tiến hành thực hiện ba dự án vừa nêu. Để công việc được tiến hành một
cách có hiệu quả, BTCQT phân làm hai uỷ ban chính: a) Uỷ ban giải quyết
các vấn đề cần làm, b) Uỷ ban thư ký quốc tế. GS. Lê Mạnh Thát được mời
làm thành viên của uỷ ban a) và chúng tôi (Thích Nhật Từ) được cử làm phó
chủ tịch uỷ ban b). HT. Thích Thiện Tâm, đại diện Nam tông Việt Nam, được
mời làm thành viên của BTCQT. Trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại, TT.
Thích Quảng Ba được mời vào uỷ ban a), TT. Thích Như Điển (Đức) và TT.
Thích Thiện Tâm (Canada) được mời bổ sung vào BTCQT, nâng tổng số 6 thành
viên người Việt Nam trong số 61 thành viên của BTCQT.
Hỏi: Chức năng của uỷ ban thư
ký quốc tế là gì?
TNT: Chức năng chính của uỷ ban
thư ký quốc tế là nhằm thiết lập chương trình và nội dung đại lễ Phật đản
của Liên Hợp Quốc, cũng như lên kế hoạch thực hiện các dự án gần và xa
được đề ra. Công việc chính của uỷ ban này bao gồm:
1)
Kế hoạch tiền hội thảo và đại lễ: a) lên kế hoạch chương trình tổng
quát, b) danh sách khách mời, c) quan hệ thông tin báo chí và quần chúng,
d) kế hoạch tiếp đón và nơi ăn chốn ở, e) kế hoạch sự kiện và biên tập các
văn kiện, f) xuất bản tài liệu đại lễ và hội thảo.
2)
Quản trị hội thảo: Tiến hành thực hiện từng bước các diễn tiến của
Hội thảo và đại lễ Phật đản như đã được hoạch định trong kế hoạch tiền hội
thảo, ứng với thời gian đã định, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề
phát sinh trong thời gian thực hiện.
3)
Báo cáo tổng kết sau hội thảo và lên kế hoạch tổ chức đại lễ năm kế
tiếp: Bên cạnh việc nghiên cứu và báo cáo diễn tiến với những điểm ưu và
khuyết của đại lễ và hội thảo, uỷ ban này còn tiến hành biên tập các văn
kiện để in ấn tài liệu hội thảo.
Để công việc được hiệu quả, uỷ
ban thư ký quốc tế được chia làm ba tiểu ban: Tiểu ban biên tập, tiểu ban
thư mời và giao tế, tiểu ban thực hiện kế hoạch. Ba tiểu ban này hoạt động
nhịp nhàng và hỗ trợ lẫn nhau.
Hỏi: Đại đức vừa cho biết đại
lễ Phật đản của LHQ năm 2007 sẽ chu đáo và hoành tráng hơn các năm trước.
Sự hoành tráng đó có tương thích về mặt chủ đề và nội dung của Hội thảo?
TNT: Dĩ nhiên hoành tráng và
chu đáo ở đây được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất là về mặt hình thức, bao
gồm ba phương diện: a) Học thuật (tức các hội thảo chuyên đề), b) Hoạt
động văn hoá Phật giáo (biểu diễn nghệ thuật văn hoá Phật giáo và triển
lãm văn hoá Phật giáo) và c) Hoạt động tôn giáo (gồm các nghi lễ truyền
thống của các trường phái và giáo phái Phật giáo ca ngợi sự đóng góp vô
tiền khoáng hậu của đức Phật và các nghi thức cầu an cho đức vua Thái Lan,
nhân sinh nhật lần thứ 80.
Thứ hai là phương diện nội
dung. Đại lễ Phật đản năm 2007, BTCQT quyết định lấy chủ đề chính là “Đóng
góp của Phật giáo trong hệ thống quản lý nhà nước và phát triển con người”
(Buddhist Contribution to Good Governance and Human Development).
Bên cạnh đó còn có sáu nhóm thảo luận chuyên đề: 1) Phật giáo và quản trị
nhà nước tốt (Buddhism and Good-Governance), 2) Phật học và sự
thích ứng của nó với xã hội hiện đại (Buddhist Studies and Its
Relevance to Modern Society), 3) Hoằng pháp qua kỹ thuật hiện đại (Dissemination
of Buddhism through Modern Technology), 4) Giữ gìn và phát triển nghệ
thuật Phật giáo (Preservation and Promotion of Buddhist Arts), 5)
Thiền định Phật giáo và sự phát triển con người (Buddhist Meditation
and Human Development), 6) Sự hợp tác Phật giáo về cách tổ chức đại lễ
Phật đản của LHQ (Buddhist Collaboration on Celebration of UN Day of
Vesak).
Hỏi: Xin đại đức cho biết thời
gian dự kiến tổ chức Đại lễ Phật đản và hội thảo năm 2007
TNT: Lễ khai mạc dự kiến diễn
ra vào ngày thứ Bảy 26-5-07 tại trung tâm Phật giáo quốc tế Buddhamonthon.
Ba ngày hội thảo Phật giáo quốc tế các chủ đề chính và chuyên đề phụ như
vừa nêu sẽ diễn ra tại hội trường của Liên Hợp Quốc, Châu Á Thái Bình
Dương, vào ngày chủ nhật và thứ hai 27-28/5/07. Song song với ba ngày là
các hoạt động biểu diễn nghệ thuật Phật giáo và triển lãm văn hoá tại
Buddhamonthon. Tối ngày 29-5-07 là diễu hành đốt nến cầu nguyện hoà bình.
Song song với ba hoạt động nghiên cứu học thuật, văn hoá và tôn giáo tại
trung tâm LHQ và Buddhamonthon, tại các trung tâm chính ở Bangkok các hoạt
động văn hoá và tôn giáo tương tự sẽ được tiến hành hoành tráng, dành cho
Tăng Ni và Phật tử Thái Lan. Số lượng khách quốc tế đến dự khoảng 3000
người và vài chục ngàn Phật tử tại thủ đô Bangkok.
Chân thành cảm ơn đại đức.
http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/