Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Để tiện cho việc viết bài tham luận của các tác giả, Ban Tổ chức xin cung cấp một số thông tin về tiểu sử và hành trạng của ngài Thích Tố Liên sau đây:

LIỆU VỀ HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN

Nguyễn Đại Đồng sưu tầm và biên soạn từ 1.12 - 31.12.2006

Hòa Thượng Thích Tố Liên

(1903 - 1977)

Hòa thượng tên đời là Nguyễn Thanh Lai, sinh năm 1903 (Quý Mão) tại làng Quỳnh Lôi, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hai Bà Trung, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình Nho học, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Định và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Đào.

Ngài xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Hương Tích, là đệ tử của tổ Thích Thanh Tích. Mặc dù được chọn làm người kế vị chùa Hương Tích nhưng Ngài quyết tâm du phương tham học các nơi đạo tràng danh tiếng như Đào Xuyên, Vĩnh Nghiêm, Tế Xuyên, Bằng Sở.

Năm 1934 Giáp Tuất

Ngày 6.11 nhà cầm quyền Bắc Kỳ ký Nghị định số 4283 cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Ngày 18.11, Đại hội đồng họp dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Năng Quốc bầu Ban Quản trị chính thức và quyết định ngày 23.12.1934 tức ngày 17.11 âm lịch - ngày vía đức Phật A Di Đà là ngày Hội Phật giáo Bắc Kỳ ra mắt nhân dân.

Ngày 25.12.1934, Ban Trị sự Trung ương Hội PGBK họp bầu Ban Cố vấn, gồm 4 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Hòa thượng Thích Thanh Tích trụ trì chùa Hương được cử làm ủy viên dự khuyết. Hội cũng thỉnh sư ông Nguyễn Thanh Lai hiệu Tố Liên - đệ tử trưởng của Tổ Hương Tích ra giúp việc.

Năm 1935 Ất Hợi

Năm 1935, Sư ông Tố Liên làm việc tại Ban Giáo dục tăng ni rồi sang Ban Biên tập Tập Kỷ yếu và báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội do ông Trần Trọng Kim làm trưởng ban Biên tập.

Năm 1936 Bính Tý

Ngày 30.5.1936, các ông Từ Đạm, Nguyễn Can Mộng, Tổ Trung Hậu và sư ông Tố Liên về dự lễ khánh thành Ban Đại lý CHPG huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 6.7.1936, các ông Lê Dư, Dương Bá Trạc, tổ Trung Hậu và sư Tố Liên về dự lễ thành lập Ban Đại lý CHPG xã Tây Lạc, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Trên báo Đuốc Tuệ số 30 ra 7.7, Sa môn Tố Liên viết bài Trí và ngu

Báo Đuốc Tuệ số 34 ra 4.8 đăng bài Thanh niên tăng chúng với Phật học của Sa môn Tố Liên.

Ngày 17.8 (1.8 âm lịch) Hội cử Thượng tọa Tố Liên vào Huế tham cứu các chương trình Phật học. Thượng tọa đã đàm đạo với ông Lê Đình Thám Phó Hội trưởng Hội Phật học Trung Kỳ, rồi đến chùa Tây Thiên Di Đà tức trường Đại học, Trung học của Hội. Từ hôm sau cứ 2 buổi tham học ở chùa Tây Thiên, 1 buổi nghe sách ở chùa Trúc Lâm trường Tiểu học, một buổi nghe sách ở trường Ni chùa Từ Đàm và thêm 1 buổi theo học khóa lễ đại chúng. Trường Trung học Trúc Lâm có 50 người, trường Ni có 40 người chương trình học cũng như trường Tăng, chỉ có dạy thêm những công việc nữ công, phụ hạnh.

Ngày 1.9, Đuốc Tuệ số 36 đăng bài Cái thuyết Chấp không cùng nhân quả trong đạo Phật của Sa môn Tố Liên.     

Ngày 20.9, Thượng tọa Tố Liên đi Huế về, viết: tôi nghe nói trường Phật học ở Huế có dạy cả triết học Đông Tây, nếu ngoài Bắc ta có mở trường Phật học cũng nên theo chương trình Phật học ở Huế, rồi tùy cơ châm chước mà giáo huấn thì Phật học hiện hữu mới được tiến đạt.

Đuốc Tuệ số 42 ra ngày 29.9 đăng bài Cái buồn chung của Tăng giới thiếu niên trụ trì của Sa môn Tố Liên.

Ngày 20.10, Thượng tọa Tố Liên viết bài Đi tham cứu trường Phật học ở Huế đăng báo Đuốc Tuệ số 45 “... Chuyến đi hết 20$00 của Hội mà chỉ được mấy tờ chương trình Phật học và ít câu chuyện góp không biết có phải là hư phí của thập phương tam bảo không? Nhưng sách có nói: “thực lòng làm việc Phật pháp thì một ngày ăn đến lạng vàng cũng có thể tiêu được.

Ngày 14.12 (1.11 âm lịch), lễ khai giảng trường Phật học tại chùa Quán Sứ. Tổ Cồn khai mạc, sư Tố Liên đọc chúc từ, cụ Chánh đốc giáo ủy sư ông Thanh Tường đọc đáp từ Hội trưởng động viên.

Năm 1937 Đinh Sửu

Báo Đuốc Tuệ số 53 ra 15.01.1937, đăng Phật học Bảo trợ điều lệ gồm 12 điều và danh sách Ban Phật học quản trị:

1. Trưởng ban: cụ Giám viện TƯ Hà Nội tổ Trung Hậu quí hiệu là Nguyễn Thanh Ất;

2. Trưởng ban Tài chính kiêm thủ quỹ: cụ giám Hương Tích Nguyễn Thanh Tích.

3. Sung Ban Bảo trợ: sư cụ Bát Mẫu, sư cụ Ngũ Xã, sư ông Thanh Lai hiệu Tố Liên kiêm thư ký, sư ông Trí Hải, cư sĩ Nguyễn Hữu Kha.

Báo cũng đăng Thông bạch của Tổ Hương Tích:

Kính bạch chư tôn chúng

Thưa các giáo hữu. Tôi vì trụ trì chùa Hương Tích vừa xa vừa bận, nên không thể ở lâu Hội quán được. Vậy các việc về phận sự tôi phải làm, tôi xin giao cho một vị đệ tử là Thanh Lai hiệu Tố Liên biên tập ở tòa soạn Đuốc Tuệ chùa Quán Sứ Hà Nội. Người nào sẵn lòng giúp tiền vào trường Phật học Bắc Kỳ xin cứ gửi cho M. Nguyễn Thanh Lai, chùa Quán Sứ 73 Richaud Hà Nội cũng được.

Thủ quỹ Ban Thuyền học kính cáo.

Đuốc Tuệ số 56 ra 1.3.1937 đăng bài Cái công đức cúng giàng bố thí của Sa môn Tố Liên.

Đuốc Tuệ số 68 và số 69 ra ngày 1 và 15.9 đăng bài Mục đích Chấn hưng Phật giáo của Thượng tọa Tố Liên.

Đuốc Tuệ số 70 ra 1.10.1937, đăng bài Câu chuyện Hải thần trong sách Phật của Sa môn Tố Liên.

Ngày 16.10 (16.9 âm lịch), Hòa thượng Trung Hậu yêu cầu cụ Chánh Hội trưởng triệu tập chư Tăng họp phiên bất thường tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Hội nghị đã Bầu Ban Tốc thành Sư phạm chư tăng để lấy người đi làm giám thụ các trường Tăng học địa phương; Trưởng ban là HT Trung Hậu. Thượng tọa Tố Liên được bầu làm hội viên giúp việc.

9 giờ ngày 28.11 (26.10 âm lịch), Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, ông Nguyễn Trọng Thuật, sư cụ Bằng Sở Trưởng ban Tài chính kiêm Chánh trụ trì chùa Sở, sư cụ Tế Cát, sư cụ thủ quỹ trụ trì chùa Hương Tích, sư cụ Cồn Đương gia chùa Quán Sứ, cụ Ngũ Xã kế toán, cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, giám sát cụ Bát Mẫu, thư ký Tố Liên đã họp tại chùa Quán Sứ, để bàu thêm Ban Trị sự Phật học Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội đồng bầu Ban Chuyên trách đi khuyến hoá cả thập phương chùa cùng các thiện tín ở địa phương nữa, gồm: cụ Chánh giám trường, sư ông Phù Tải ở Kim Thành, Hải Dương, sư ông Thanh Yên ở Nam Sang, Hà Nam, sư ông Hà Mặc ở Bình Lục, Hà Nam, thư ký Tố Liên (Nguyễn Thanh Lai), sư ông Thanh Thư ở xã Vĩnh Am, sư ông Vô Phóng tự Thanh Mai đệ tử sư tổ chùa Muống, Hải Dương.

Về địa điểm, cụ Giám Hương Tích nói trường Sư phạm nên đặt tại chùa Quảng Bá, sư Tố Liên (Nguyễn Thanh Lai) nói: nơi đó không tiện cho Ban Tài chính làm việc. Sư ông Đỗ Trân Bảo nói nên đặt ở trường Bồ Đề. Hội đồng nhất trí. Hội trưởng nói: “kết liễu việc mở trường cốt có lương thực, trường cùng giáo sư nay đã được 2 việc rồi. Còn việc giáo sư để tôi cùng các cụ xét tìm xem được vị nào kỳ sau sẽ hội đồng bầu giáo sư”.

Năm 1938 Mậu Dần

Thượng tọa Tố Liên theo học lớp trung học Phật học tại chùa Quán Sứ.

Đuốc Tuệ số 84 ra ngày 1.5.1938 đăng bài Tam bảo và Tam qui của Sa môn Tố Liên.

Ngày 1.10 báo Đuốc Tuệ số 94 đăng bài Tâm sự cùng tăng lữ thanh niên của Sa môn Tố Liên.

Báo Đuốc Tuệ số 95 và 96 ra ngày 15.10 và 15.11 đăng bài Tảo sách chú và Hạ đan chú của Thượng tọa Tố Liên.

Năm 1939 Kỷ Mão

Chiều ngày 01.7 (15.5 âm lịch), Ban Thuyền học Hội PGBK làm lễ khánh thành Thư viện chùa Quán Sứ, Hà Nội. Thư viện đặt ở phòng bên nhà Tiền đường, lấy tên là Đại phương thư viện. Tổng số đã được non 1000 bộ sách. Thư  viện mở cửa phục vụ bạn đọc 3 buổi: sáng, chiều, tối.

Tham dự lễ khánh thành thư viện có Hội phó Trần Văn Đại, các hội viên BQT: Trần Trọng Kim, Nguyễn Quang Oánh, Lê Toại, Trần Văn Giáp, Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Kha, Trần Tuấn Khải, các sư: Tố Liên, Trí Hải, Đỗ Trân Bảo.       

Năm 1940 Canh Thìn

Từ ngày 24 - 26.3 Tổ Tế Cát, tổ Cồn, Thượng tọa Thái Hòa và Thượng tọa Tố Liên về dự lễ khánh thành chùa Tích Phúc, làng Viên Nội, Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Sau khi tổ Tế Cát thuyết pháp mấy câu thiết yếu của đạo Phật, Sa môn Tố Liên diễn thuyết trước hơn 200 nam phụ lão ấu về “Phật giáo đối với nhân sinh”.

Ngày 2.12, sư cụ Trịnh Mạnh Đinh giám viện chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương cúng cho Hội Phật giáo Bắc Kỳ ngôi chùa Côn Sơn - nơi phát tích của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang. Hội đồng Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Bắc Kỳ nhất trí cử Thượng tọa Tố Liên về chủ trương chùa Côn Sơn và trông nom khai thác 50 mẫu ruộng xung quanh chùa. (chỉ cấy được 20 mẫu ruộng, còn lại là hoang thảo phải khẩn điền khai sơn mà cầy cấy trồng trọt).

Ngày 15.12, Hội đồng Ban Thuyền học họp bàn việc làm Tùng lâm (trường Tiểu học) Côn Sơn:

- Hội đồng nhất trí cử Hòa thượng Bằng Sở sung Chánh trụ trì, Hòa thượng Triều sung Phó trụ trì, cụ Cồn sung Chánh thủ tọa, sư cụ Thọ trụ trì chùa Ngái sung Chánh Duy na.

- Thượng tọa Thanh Đinh (trụ trì chùa Côn Sơn cũ) sung Phó Duy na kiêm Tri khách, Đại đức Thanh Đỗng là Thư ký kiêm Tri tạng, Đại đức Thanh Hạnh làm Phó Giám tự, Thượng tọa Tố Liên làm Phó Phó tự.

Năm 1941 Tân Tỵ

Tháng 01 năm 1941 (Tân Tỵ), Thượng tọa Tố Liên là Đương gia chùa Côn Sơn và Phó phó tự trường Tiểu học Côn Sơn, Hải Dương. Ngày 25.5, Ngài về chùa Quán Sứ, Hà Nội dự Đại hội đồng thường niên của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

Năm 1942 Nhâm Ngọ

Thượng tọa Tố Liên là trụ trì chùa Côn Sơn, Hai Dương và làm Pho tự tùng lâm Côn Sơn.

Ngày 12.6, Ban Đạo sư đã họp phiên hội đồng tại chùa Quán Sứ  dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Doãn Hài - trụ trì chùa Quán Sứ, thư ký hội nghị là Sa môn Tố Liên (Nguyễn Thanh Lai). Hội đồng đã tiến hành bầu Chánh Đốc giáo và Trưởng ban Thuyền học; bầu Chánh phó Hưng công, Chánh phó Đốc công kiến trúc chùa tự viện TƯ.

Ngày chủ nhật 13.9 (4.8 âm lịch), Thượng tọa Tố Liên tham dự Đại hội đồng  thường niên của Hội Phật giáo Bắc Kỳ tại Hội quán TƯ (chùa Quán Sứ) số 73 phố Richaud.

Năm 1943 - 1944, Thượng tọa Tố Liên làm trụ trì chùa Côn Sơn, Hải Dương

Năm 1945 Ất Dậu

Cuối thành 12.1944 - tháng 01.1945, Ban Quản trị Hội Phật giáo Bắc Kỳ thỉnh Thượng tọa Tố Liên từ chùa Côn Sơn, Hải Dương về  giúp việc Hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Sang tháng 2 (tức tháng Giêng năm Ất Dậu) nạn đói ngày càng trầm trọng. Thấy việc chỉ giúp quần áo mùa đông thôi là ch­ưa đủ mà phải cứu đói nữa, Thư­ợng tọa Trí Hải (đại diện Hội Phật giáo tại Ban Cứu tế mùa đông) cùng với Th­ượng tọa Tố Liên và c­ư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng hội Cứu tế. Tổng hội họp ra mắt ở chùa Quán Sứ, đư­ợc các thành viên Ban Cứu tế mùa đông cộng tác và sự ủng hộ của các trí thức và nhà từ thiện khắp Bắc Kỳ. Tổng hội Cứu tế do ông Nguyễn Văn Tố một thành viên sáng lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo làm Hội   trư­ởng, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Tổng hội đã tổ chức quyên góp giúp đỡ những ngư­ời đói khổ, lập Cô nhi viện tại trư­ờng Phổ Quang nuôi hơn 200 trẻ thất lạc, bơ vơ trong nạn đói. Tổng hội cũng lập một trại nuôi đồng bào bị đói ở Ngã T­ư Vọng - Giáp Bát (Hà Nội) cứu đói cho hàng nghìn ngư­ời.

Trong tháng 11.1945, đại biểu Tăng già các tỉnh thuộc Bắc Bộ cùng đại biểu 3 hội: Phật giáo Cứu quốc, Phật tử Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã họp đại hội nghị và đã quyết nghị lập tại Bắc Bộ, trư­ớc khi đi đến chỗ đại hội nghị toàn quốc, một ủy ban chấp hành Tăng già Phật giáo Việt Nam.1 ủy ban này có nhiệm vụ liên hiệp hết thảy các sơn môn, các hội Phật cùng chung một chủ nghĩa “Từ bi cứu khổ” của đức Phật Thích Ca để thực hiện việc:

1.                    Hoằng dư­ơng Phật pháp và phụng sự Tổ quốc;

2.                    Cứu khổ cứu nạn.

Danh sách các vị trong ủy ban:

Chánh Chủ tịch: Thích Mật Ứng, chùa Quảng Bá, Hà Nội;

Phó chủ tịch: Tố Liên, chùa Quán Sứ, Hà Nội;

Thư ký: Mật Chiếu, chùa Phổ Giác, Hà Nội;

Tài chính: Thanh Thước, chùa Dư Hàng, Hải Phòng;

Giám sát: Thái Hòa, chùa Hương Hải, Hải Dương; Thanh Kinh, chùa Hương Sơn, Hà Đông;

Trưởng ban Nội, Ngoại vụ: sư ông Vĩnh Quang, chùa Phổ Giác, Hà Nội;

Phó ban Nội, Ngoại vụ: sư ông Tâm Chính, chùa Quán Sứ;

Cư sĩ tham dự: Văn Quang Thùy, Lê Ngọc Tiến.

Trụ sở ủy ban đặt tại chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ, Hà Nội

Ngày 6.11.1945, ủy ban Tăng già Phật giáo Việt Nam đề nghị các Phật tử và những người thờ Phật lập bàn thờ ở nhà hoặc đến chùa lễ Phật để cầu nguyện cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc. Đúng 8 giờ sáng tất cả các chùa khu vực Hà Nội đều thỉnh chuông trong 15 phút.

Báo Cứu Quốc số 113 ra ngày 10.12.1945 đăng danh sách 43 vị ứng cử đại biểu quốc hội khóa 1 ở Hà Nội có ông Nguyễn Thanh Lai tức Tố Liên chùa Quán Sứ Phật giáo hội, Nguyễn Hữu Thuyết bác sĩ số nhà 10 phố Hàng bè, phó Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam, bác sĩ Trần Duy Hưng ở 73 Thợ Nhuộm, một Phật tử.

Năm 1946 Bính Tuất

Ngày 8.5.1946, Báo Diệu Âm cơ quan truyền bá Phật pháp của ủy ban Tăng già Bắc Bộ ra số đầu tiên. Diệu Âm ra đời sau khi Đuốc TuệTinh Tiến đình bản, mỗi tháng Diệu Âm ra một kỳ (nguyệt san). Nội dung gồm 2 phần:

1.                    Phần xuất thế gian: chuyên nghiên cứu về Phật pháp, lấy chỉnh đốn Tăng gia, cổ vũ Tăng đoàn, tuyên dương chính pháp tôn chỉ;

2.                    Phần thế gian: chuyên nghiên cứu giáo dục, y tế, v.v... để lợi tế quần sinh

Mỗi số đều có Tin tức Phật giáo, đăng tin hoạt động của Phật giáo tại các tỉnh ở Bắc Bộ.  

Trụ sở tòa báo tại số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội.

Chủ nhiệm: Nguyễn Thanh Chân

Chủ bút: Nguyễn Thanh Lai hiệu Tố Liên

Quản lý: Nguyễn Văn Thuận, hiệu Mật Chiếu

Ngày 25.6.1946, Hội Phật giáo Việt Nam ra Thông Bạch về việc muốn tránh những việc vô đạo đối với chư Tăng Ni, chủ các chùa:

Muốn tránh những việc vô đạo đối với các chư Tăng Ni, chủ các chùa, vậy xin yêu cầu ngài nào có đủ tài liệu chứng cứ về những việc đó, xin báo cáo cho Trưởng ban giám sát Hội Phật giáo Việt Nam biết để tìm phương ủng hộ. Nên đề phòng rất ngặt các thứ cờ bạc ở các chùa vì đã có lệnh của Chính phủ nghiêm cấm.

Xét thấy có nhiều kẻ giả mạo Tăng Ni đi giao dóng đường tức là họ bán rẻ Phật pháp, bêu xấu Trung ương. Vậy xin vị nào chẳng may ở phải chùa nghèo cũng nên nhớ lời Phật dậy: “An bần, lạc đạo” cho trọn đời thanh tu chứ không nên đi giao dóng, ngõ hầu mới khỏi đồng tội với kẻ giả mạo trừ khi được Chính phủ cho phép lạc quyên về tu bổ kiến trúc.

Trưởng ban Kiểm soát Hội Việt Nam Phật giáo

Tố Liên

Trong bài Tăng già muốn nâng cao trình độ thời phải nhiệt liệt tham gia vào việc Bình dân học vụ đăng trên nguyệt san Diệu Âm - cơ quan hoằng pháp của Ủy ban Tăng già Bắc Bộ, Thượng tọa Tố Liên viết: Các chiến sĩ quyết hy sinh tính mệnh ra nơi chiến địa, chiến đấu với quân thù để giữ vững non sông đất nước, thì đằng này các giáo viên hy sinh hết tâm lực thì giờ để tiễu trừ giặc dốt cho quốc dân, hai đường đều có công ân cứu quốc cả. Riêng tôi, thì tôi nhận thấy việc BDHV còn mật thiết hơn.... toàn cõi Việt Nam mỗi chùa đều lập 1 trường BDHV, trường học đó lại là trụ sở tuyên truyền báo chí, đó là một phương pháp cải tổ nhân tâm rất giản dị mà có rất nhiều hiệu quả. Hầu khắp nước Việt Nam, làng nào cũng có chùa, vị sư chủ chùa nào cũng gắng gỏi cũng nhiệt liệt với công cuộc BDHV như vậy thì chẳng cần phải bỏ bút mặc chiến bào mà vẫn thành công tiễu trừ giặc dốt xóa cái nạn dân ngu như vậy chả là một biện pháp cứu quốc có hiệu lực ư.

Trên báo Diệu Âm số 6 ra ngày 25.7, trong bài Công cuộc cứu tế là bổn phận của đoàn thể Phật tử, Thượng tọa Tố Liên kêu gọi: cách tổ chức Hội cứu tế như sau:

1.                    Lập ở mỗi huyện 1 hội do toàn thể tăng ni chủ sự. Ở các chùa và các nhà từ thiện trong huyện tổ chức và đoàn kết. Nếu phủ huyện nào cũng có hội thì tức là toàn tỉnh toàn bộ, toàn quốc đều có để kiểm soát lẫn nhau;

2.                    Mỗi hội sẽ có mở nhiều viện cứu tế cho nhi đồng, người già yếu tàn tật. Song buổi đầu chỉ tổ chức 2 viện: 1 viện đồng ấu nam, 1 viện đồng ấu nữ.

Về nền tài chính của Hội: đối với 1 người thì đó là việc to, nhưng đối với toàn thể đồng bào hằng tâm hằng sản thì đó là chỉ là một việc dễ dàng. Các hình thức tạo nền tài chính như sau: 1. Tiền vào Hội. 2. Thóc quyên. 3. Tiền lạc quyên. 4. Tiền trợ cấp và thu được bằng các cuộc vui.

Từ năm 1947 - 1948, Thượng tọa Tố Liên về dưỡng bệnh tại chùa Côn Sơn, Hải Dương

Tháng 10 năm 1948, Thượng tọa Tố Liên trở về chùa Quán Sứ, Hà Nội cùng một số vị như Lê Toại, Trần Văn Đại, Nguyễn Đình Dương, Văn Quang Thùy ... vận động tái thành lập Hội và đề nghị thành phố giúp đỡ Phật sự.

Năm 1949 Kỷ Sửu

Từ 01.02.1949, nhờ sự vận động của Thượng tọa Tố Liên, phủ Thủ hiến Bắc Việt trợ cấp cho trường GDBTND tại chùa Quán Sứ mỗi tháng 5000$00.

Từ 01.5.1949, mỗi tháng phủ Thủ hiến Bắc Việt trợ cấp cho trường BTGDND của Hội tại chùa Quán Sứ 10.000$00.

Ngày 18.5.1949 một thời gian chuẩn bị Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt ra đời. Một Ban chấp hành lâm thời đ­ược thành lập do Th­ượng tọa Tố Liên làm Hội trư­ởng, Hội quán đặt tại chùa Quán Sứ.

Cùng thời gian này Hội Việt Nam Phật giáo tái thành lập do cư sĩ Bùi Thiện Cơ (Bào huynh Phó Hội trưởng Bùi Thiện Căn trước đây) làm Hội trư­ởng,Thượng tọa Tố Liên làm Phó Hội trưởng, Thư­ợng tọa Viên Quang làm Tổng Thư­ ký, Hội quán cũng đặt tại chùa Quán Sứ. Ngày 22.5, Hội Việt Nam Phật giáo nhóm họp hội đồng, ưng thuận để­ Hội Tăng Ny Bắc Việt đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Ngày 9.8.1949 (15.7 âm lịch), bán nguyệt san Ph­ương Tiện của Hội Tăng Ni Bắc Việt ra số đầu tiên. Báo Phương Tiện là cơ quan tuyên truyền giáo lý đạo Phật tới các tín hữu Phật giáo, mỗi tháng ra hai kỳ vào ngày mồng một và rằm do Thư­ợng tọa Tố Liên - Hội trưởng làm Chủ nhiệm và s­ư cụ Tâm Nguyệt, giảng s­ư Hội Phật giáo Việt Nam làm Chủ bút; Quản lý là Thư­ợng tọa Trần Trí Định. Trụ sở tờ báo đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Ngày 20.8.1949, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt đã nhóm họp Đại hội đồng lần thứ nhất để công bố bản Điều lệ của Hội đồng thời bầu Ban chấp hành chính thức. Đại hội đồng bầu s­ư cụ Nguyễn Chu Sỹ (Tâm Nguyệt) vào ghế chủ tịch, sư­ cụ Tâm Thủy làm giám sát và sư­ ông Thanh Quảng làm thư­ ký phiên họp. Ngoài số hơn 100 vị Tăng Ni khắp nội ngoại thành, đến dự có ông Nguyễn Đình Tri đại diện ngài thị tr­ưởng và lại là Chủ tịch Hội đồng đình chùa Hà Nội. Các vị trong Hội Việt Nam Phật giáo nh­ư Bùi Thiện Cơ, Viên Quang, Lê Toại, Nguyễn Quang Tiến ... cũng đến dự. Trư­ớc những đề nghị chính đáng của Đại hội đồng Tăng Ni, ông Tri phải tuyên bố “sẽ trả lại quyền quản trị cho Hội những chùa cảnh thuộc phạm vi tôn giáo”.

Đại hội đồng cũng giành thời gian thảo luận về các hoạt động nhằm thực hiện mục đích của Hội là: đoàn kết để gánh lấy trách nhiệm trùng hư­ng Phật giáo, chỉnh đốn nội bộ tăng ni, hư­ớng dẫn thập phư­ơng thiện tín để tẩy trừ hủ tục mê tín dị đoan... là khôi phục cái chủ nghĩa đại chúng hòa hợp của đức Phật Tổ đã dạy.

Sau đó Đại hội đồng tiến hành bầu Ban chấp hành mới. Thư­ợng tọa Tố Liên Tr­ưởng Ban Trị sự lâm thời trình trư­ớc phiên họp: “Ủy ban chấp hành lâm thời làm việc từ ngày 18.5.1949 đến nay là hết nhiệm vụ, chúng tôi xin từ chức”. Sau cuộc trao đổi ý kiến, Đại hội đồng yêu cầu Ban chấp hành lâm thời chuyển thành ủy ban chấp hành chính thức. Đại hội đồng cũng nhất trí đổi tên Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt thành Hội Tăng Ni Bắc Việt.

Ngày 23.9 (2.8 âm lịch), Trư­ờng Tăng học bậc tiểu học dạy theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục mang tên Khuông Việt đư­ợc thành lập theo quyết nghị của ủy ban chấp hành Hội Tăng Ni Bắc Việt đặt tại chùa Quán Sứ (trên gác) do ông Nguyễn Ngọc Quỳnh là một vị hội viên làm Hiệu trưởng. Hòa thư­ợng Tuệ Tạng - Tâm Thi (tổ Cồn) làm Đốc giáo đã làm lễ khai giảng.

Ngày 27.9 (6.8 âm lịch), Tr­ường Ni học mang tên Khuông Việt đặt tại chùa Vân Hồ (nay thuộc phư­ờng Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trư­ng) Hà Nội đư­ợc thành lập làm lễ khai giảng. Ni sư Đàm Đậu - Phó ủy viên Giáo dục Ni học đọc diễn văn khai trường. Thượng tọa Tổ Liên, Hội trưởng Hội Tăng Ni cùng nhị bộ thanh chúng đã về dự. Tr­ường do Ni sư­ Đàm Soạn làm Giám học và Quản chúng (năm 1951 bà mời Ni sư­ Đàm Đậu thay mình để bà chuyên lo việc giảng dạy). Hòa thượng Tuệ Tạng và các Thư­ợng tọa Tố Liên, Trí Hải đã đư­ợc mời làm giảng s­ư của tr­ường, ngoài ra tr­ường còn mời một số Ni s­ư trong Huế ra dạy. Ch­ương trình học ngoài nội điển còn có tiếng Hán, khoa học phổ thông và tiểu công nghệ. 

Tháng 10, Hội bầu ra Ban Cứu tế do Th­ượng tọa Tố Liên làm Trư­ởng ban thu nhận các trẻ mồ côi không nơi nư­ơng tựa về chùa Quán Sứ.

Ngày 1.12, Thượng tọa Tố Liên Hội trưởng Hội TNBV và lại là Phó hội trưởng Hội VNPG đã cùng Thủ quỹ Ban Cứu tế xã hội Hội VNPG Nguyễn Quang Tiến khởi hành đi Sài Gòn và rồi sẽ trở ra Huế. Mục đích chuyến đi là để liên lạc với chư Tăng và các Hội Phật mong một ngày gần đây sẽ có được một sơ quan tổ chức duy nhất về việc hoằng dương phật pháp.

Cuối năm 1949 đến năm 1954, theo g­ương phong trào Gia đình Phật tử của Phật giáo miền Trung, dư­ới sự hư­ớng dẫn của các Thư­ợng tọa Tố Liên và Trí Hải, tổ chức Gia đình Phật hoá phổ đ­ược thiết lập nhanh chóng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận ở Bắc Bộ và đạo Phật ở Việt Nam hồi đó không còn là đạo riêng của những ng­ười lớn tuổi nữa.     

Sau đó ít lâu, theo chỉ thị của Ban Trị sự hội Việt Nam Phật giáo lập một ban gọi là Gia đình Phật hoá phổ (viết tắt là GĐPHP). Các cư­ sĩ Lê Văn Nhã, Lê Văn Lâm, Vũ Thị Định, Lê Vinh, Đặng Văn Khuê, Trần Thanh Hiệp, ni cô Hải Triều Âm là những ngư­ời đầu tiên hoạt động trong phong trào giáo dục thanh thiếu niên Phật tử ở Bắc Bộ

Mục đích của GĐPHP là đào tạo thanh thiếu niên những Phật tử chân chính xây hạnh phúc gia đình, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. GĐPHP là một phổ gồm có một gia đình hay nhiều gia đình Phật tử họp lại để tu học theo đạo Phật, các phổ viên là toàn thể các con cháu hay là các bạn trẻ thân thích của gia đình ấy.

Năm 1950 Canh dần

Ngày 27.4.1950 (11.3 âm lịch), nhận lời mời của Phật giáo Ấn Độ một đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam do Thư­ợng tọa Tố Liên làm tr­ưởng đoàn đã vào Sài Gòn đáp tầu thủy sang Ấn Độ.

Ngày 3.5.1950, Phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Tố Liên làm trưởng đoàn rời Sài Gòn sang Ấn Độ. Khi đi chính phủ cho biết Hội nghị Phật giáo quốc tế khai mạc vào ngày 10.5, nhưng sang đến Ấn Độ mới biết đích là họp vào ngày 26.5 đến ngày 6.6, vì thế Đoàn ở lại thăm Phật giáo Ấn Độ.

Hoạt động của Phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Ấn Độ:   

Từ ngày 3 - 10.5.1950, ngoài 6 ngày đầu tụng niệm, lễ bái, Thượng tọa đã tiếp xúc với Hội Ma ha Bồ đề và Hội Nghiên cứu Phật học của xứ Bengal, còn hàng ngày vẫn trụ ở Hội quán Ma ha Bồ đề. Ngài Tổng Thư ký Hội hướng dẫn Thượng tọa vào yết kiến ngài Thủ hiến xứ Bengal. Ông tiếp đoàn trong 20 phút toàn bằng lịch sử Phật giáo Việt Nam với Ấn Độ. Ông tỏ ra là một người rất có thiện cảm với dân tộc ta.

Từ ngày 10 - 20.5.1950, đoàn đi chiêm bái các nơi Phật tích do một cư sĩ của Hội hướng dẫn.

Ngày 21.5.1950, Thượng tọa Tố Liễn diễn giảng về Lịch sử Phật giáo Việt Nam với Ấn Độ (đã được dịch ra Anh văn) tại Hội quán Hội MHBĐ.

Ngày 26.5.1950, các tổ chức Phật giáo Việt Nam ủy nhiệm Th­ượng tọa Tố Liên đi dự Đại hội thành lập “Thế giới Phật giáo liên hữu" tức Hội Phật giáo Thế giới (Hội PGTG) tổ chức tại Côlômbô (thủ đô XriLanca) từ ngày 26.5 đến 7.6.1950. Đại biểu 26 nư­ớc Phật giáo nhất trí bầu Ban Tổng Quản trị do Bác sĩ G. P. Malalasekera làm chủ tịch, ông J. G. Fernando làm Tổng Thư­ ký; lá cờ 6 màu lấy theo màu hào quang của đức Phật đư­ợc chấp thuận là Phật kỳ. Các nư­ớc có đại biểu tham dự đều trở thành các trung tâm địa ph­ương (TTĐP) của Hội Phật giáo thế giới.

Từ ngày 8.6 - 22.6.1950 phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Tố Liên dẫn đầu thăm Sri Lanka.

Ngày 23.6.1950, Thượng tọa Tố Liên cùng phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang thăm Ấn Độ. Đoàn đã được Tổng thống Ấn Độ là bác sĩ Prasad Rajendra và ông Birlan, một nhân vật nổi tiếng trong giới thương mại và kỹ nghệ Ấn Độ tiếp.

Chiều ngày 26.6.1950, phái đoàn đã về tới Sài Gòn.    

Chiều ngày 27.6.1950, Thượng tọa Tố Liên trưởng phái đoàn Phật giáo Việt Nam đã nói chuyện trên đài phát thanh quốc gia Sài Gòn về cuộc hành trình của phái đoàn sang Ấn Độ và Sri Lanka.

Ngày 29.6.1950, Thượng tọa Tố Liên đáp máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội về tới chùa Quán Sứ. Toàn thể chư Tăng giáo hữu và học sinh trường Khuông Việt, trường Bảo Trợ Giáo Dục Nhi Đồng đã đón chào Thượng tọa. Hội trưởng Bùi Thiện Cơ thay mặt Hội VNPG đọc lời chúc mừng và tán thán công đức Thượng tọa trong chuyến đi thăm Ấn Độ và dự hội nghị thành lập Hội Phật giáo Thế giới.

Sau chuyến đi Th­ượng tọa Tố Liên đã cho xuất bản cuốn Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ kể lại chuyến hành h­ương về đất Phật của đoàn.

Ngày 6.8.1950, quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo Dụ số 10, nội dung coi các tôn giáo như các hội quần chúng bình thường. Nhưng đặc biệt các Hội truyền giáo đạo Thiên chúa được đặt ra ngoài quy định của Dụ. Phật giáo không được công nhận là tôn giáo, không được hưởng quy chế tôn giáo như Thiên chúa giáo.

Ngày 28.8 (7.7 âm lịch), Thượng tọa Tố Liên, Phó Hội trưởng Trần Văn Đại, sư ông Thanh Kiểm, hai ông Tô Văn Đức và Đỗ Thiện là 2 vị Thư ký của Ban Quản trị Trung ương về thăm CHPG Hải Phòng và Hải Dương. Thượng tọa Tố Liên đã nói chuyện với các vị hội viên và nhân dân 2 nơi về tình hình Phật giáo thế giới và Hội nghị Phật giáo tại Colombo.

Ngày 9.9.1950 (27.7 âm lịch), ch­ư Tăng Ni ở các sơn môn đã về họp hội nghị tại chùa Quán Sứ, do Thư­ợng tọa Tố Liên-Hội tr­ưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt chiêu tập.

Tới dự Hội nghị có s­ư tổ pháp danh Thông Minh, chùa H­ương Tích là nguyên lão Chứng minh Đạo sư của Hội VNPG, Hòa thư­ợng Mật Ứng trụ trì chùa Quảng Bá nguyên Chủ tịch Ủy ban Tăng già Bắc Việt, Hòa thư­ợng Thanh Đắc trụ trì chùa Ngũ Xã, cố vấn Hội Việt Nam Phật giáo, Hòa thư­ợng Tuệ Tạng, trụ trì chùa Quán Sứ, cựu Hội trư­ởng Hội VNPG. Ông Bùi Thiện Cơ, Hội trư­ởng Hội VNPG, cùng các Th­ượng tọa, ch­ư Tăng nội ngoại thành Hà Nội với chư­ Tăng chùa Quán Sứ là 102 vị và các cụ các sư­ bên Ni chúng nội, ngoại thành 44 vị, tổng cộng là 146 vị. Trong số tăng ni đến dự có đủ mặt thành viên UBCH Hội Tăng ni Bắc Việt.

Thư­ợng tọa Tố Liên-Hội tr­ưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt khai mạc hội nghị, sau đó Ngài tuyên bố ủy ban chấp hành Hội TNBV rút lui để hội nghị cử chủ tọa mới điều khiển hội nghị. Hội nghị mời s­ư tổ chùa H­ương Tích làm chủ tọa, Th­ượng tọa Ngọc Bảo làm thư­ ký, s­ư cụ Thanh Chỉnh, Thư­ợng tọa Vĩnh Tường làm giám sát.

Trả lời câu hỏi của Hòa thư­ợng Tuệ Tạng thời gian qua Hội TNBV đã làm đư­ợc nhiều việc ích chung, vì cớ gì nay lại phải cải tổ? Thư­ợng tọa Tố Liên trình bày:

1. Vì phải theo với mục đích của Hội Phật giáo quốc tế là thống nhất lực lư­ợng Phật giáo theo đà tiến triển thì phải thống nhất lực l­ượng từng xứ sở sẽ lại đi đến thống nhất Phật giáo toàn quốc để gia nhập cơ quan thống nhất Phật giáo quốc tế;

2.   Vì nếu cứ để danh từ Hội Tăng Ni Bắc Việt, đã gọi là Hội ai muốn vào hay không cũng đu­ợc. Nay đã lập Phật giáo thế giới nó sẽ không còn trong phạm vi một Hội nữa mà sẽ là cơ quan lãnh đạo Phật giáo đồ của cả một xứ, bấy giờ nếu Tăng Ni nào không theo hệ thống Tăng già sẽ không đư­ợc công nhận vào Tăng tịch, hơn nữa vị Pháp Chủ và Hội đồng Tổng Trị sự có quyền cảnh cáo khai trừ nếu vị nào phạm đến giới luật của Phật, gián hoặc làm những việc tổn thư­ơng đến kỷ luật Tăng già.

Th­ượng tọa thư­ ký đọc bản Qui ư­ớc của Giáo hội Tăng già Bắc Việt hội nghị thảo luận sửa đổi hồi lâu rồi quyết định duyệt y.

Về việc suy tôn ngôi Pháp Chủ hội nghị nhận thấy rằng:

Kể từ ngày Tổ Vĩnh Nghiêm - Thanh Hanh qua đời từ năm 1937 đến năm 1950 Phật giáo Bắc bộ vẫn để trống ngôi Thiền Gia Pháp Chủ, nay tình hình thực tế đòi hỏi phải có một vị cao tăng đức cao đạo vọng xứng đáng suy cử lên ngôi vị đó để tập hợp lực l­ượng Phật giáo toàn xứ Bắc.

Hòa thư­ợng Tuệ Tạng đề nghị thỉnh Hòa thư­ợng Mật Ứng sung ngôi Pháp Chủ đó. Hòa thượng Mật Ứng cố chối từ lấy lý do sức yếu và còn nhiều vị tài đức hơn. Sư­ tổ H­ương Tích, ông Bùi Thiện Cơ Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo rồi đến các Th­ượng tọa Tố Liên, Trí Hải, Vĩnh Tường lần l­ượt đứng dậy thuyết phục. Hòa thư­ợng Mật Ứng sau nhiều lần chối từ đã đứng dậy xúc động cảm ơn Hội nghị đã quá yêu quý, rồi dõng dạc tuyên bố:

Tôi xin phát nguyện chỉ nhận ngôi Pháp Chủ Phật giáo TGBV với một thời gian rất ngắn, đư­ợc thấy chư­ Tăng Ni thực hiện đư­ợc mấy điều của tôi yêu cầu nh­ư sau này:

1.       Toàn thể Tăng Ni từ nay phải thống nhất ý chí vào việc xây dựng lại nền Phật giáo đ­ương bị sa sút, vỡ lở cả về tinh thần lẫn hình thức;

2.       Chư­ Tăng Ni thanh niên phải chịu khó học tập tu hành để rửa cái nhục thất học sẽ lại nối đư­ợc Tuệ mệnh của Phật Tổ;

3.       Từ nghi thức tụng niệm cho đến mầu sắc phục sức của chư­ Tăng Ni cần phải cải tổ cho đư­ợc nhất thể trong một thời gian rất ngắn.

4.       Các Tăng chế mỗi khi đã ban bố cần phải triệt để thi hành.

Trong 4 điều đó nếu không đư­ợc triệt để thi hành như­ lời tôi yêu cầu, lúc đó tôi sẽ xin từ chức.

Ch­ư Tăng Ni đều đứng dậy chắp tay niệm Phật lĩnh giáo1.

Hòa thư­ợng Pháp Chủ trịnh trọng thỉnh Thư­ợng tọa Tố Liên sung ghế chủ tịch Tổng trị sự và ủy nhiệm thành lập Hội đồng Tổng Trị sự. Tân chủ tịch liền đứng dậy xuất trình ngôi Pháp Chủ cùng hội nghị bản danh sách các cụ, các Thư­ợng tọa, ch­ư tăng ni đã nhận lời mời vào Hội đồng Tổng Trị sự:

Sự thống nhất Phật giáo Bắc Trung Nam trên nguyên tắc cũng như trong hành động đã trở nên một điều cần thiết kể từ ngày 8.6.1950 là ngày Việt Nam chính thức làm hội viên Hội Phật giáo Thế giới, nhờ sức vận động của Thượng tọa Tố Liên Phó Hội trưởng Hội PGBV và trưởng phái đoàn Việt Nam ở hội nghị Phật giáo quốc tế đã họp tại Colombo (Xrilanca) từ 25.5 - 7.6.1950.

Ngày 6.10.1950 (25.8 âm lịch), Thượng tọa Thanh Khánh, đại diện đức Pháp Chủ Tăng già Bắc Việt, Thượng tọa Tố Liên, sư cụ Giảng sư Tâm Nguyệt, sư ông Trí Không đã xuống Hải Phòng cùng với Thượng tọa chủ sự chùa Dư Hàng làm lễ truyền thụ qui giới cho các vị hội viên mới vào CHPG Hải Phòng. 

Ngày 15.10.1950, Thượng tọa Tố Liên nhân danh Phó Hội trưởng Hội VNPG đã mời chư Tăng và một số đông giáo hữu đến chùa Quán Sứ trụ sở Hội họp hội đồng để thảo luận và ấn định chương trình thành lập Gia đình Phật hóa phổ tại Bắc Việt, có 52 vị đến dự buổi họp. Hội đồng nhất trí thành lập Ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa phổ Bắc Việt lâm thời. Thượng tọa Tố Liên được bàu làm Trưởng ban danh dự; Trưởng ban chấp hành: ông Nguyễn Văn Nhã.

  Đầu tháng, ông Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thế giới gửi thư cho Thượng tọa Tố Liên, Trưởng phái đoàn Phật giáo Việt Nam, kèm theo Hiến chương Hội Phật giáo Thế giới.

  Ngày 01.11.1950, Thượng tọa Tố Liên gửi thư số 9/VP/PGTG tới Hội Phật học Nam Việt và Trung Việt báo tin thành lập Hội PGTG và ý định thành lập Trung tâm điểm địa phương Việt Nam.

  Ngày 20.11.1950, Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt gửi thư phúc đáp Thượng tọa Tố Liên, biểu thị tán thành ý kiến của TT Tố Liên và đồng tình với việc đặt trụ sở Trung tâm điểm địa phương Việt Nam tại Hà Nội.

  Ngày 9.12.1950 (2.11 âm lịch) nhân ngày giỗ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng đệ nhất tổ Trúc lâm, Thượng tọa Tố Liên nhân danh Đại diện Ban chấp hành PGTG tại Việt Nam chiêu thỉnh các bậc tôn đức, trí thức ... tới chùa Quán Sứ thảo luận một chương trình tiến hành việc thành lập một Trung tâm Phật giáo Thế giới tại Việt Nam. Hội đồng đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu Điều lệ Hội PGTG. Trưởng ban là Thượng tọa Phạm Đức Nhuận.

  Các hội viên: Phạm Gia Thụy, Bác sĩ Phan Huy Quát, Tam Lang, Mai Ngọc Thiện, Vũ Như Trác, Lê Văn Thu, Thượng tọa Viên Quang.

Năm 1951 Tân Mão

Đúng 15 giờ ngày 15.01, Hội Việt Nam Phật giáo họp Đại hội đồng thường niên tại chùa Quán Sứ - Hội quán Trung ương. Các đại biểu gần 60 CHPG ở Bắc Việt và các hội viên ở Hà Nội đến họp rất đông. Sau phút mặc niệm các hội viên quá cố, Hội đồng đã nghe các tờ trình của Hội trưởng Bùi Thiện Cơ, của ông Tổng Thủ quĩ và ông Trưởng Ban Kiểm soát Tài chính. Hội đồng đều hoan hỷ và cảm ơn Ban Quản trị trong lúc khó khăn này đã chẳng quản công khó nhọc, chẳng ngại mất thì giờ, tận tâm làm việc nên mới có kết quả khả quan như vậy. Ông Hội trưởng thay mặt cả Ban Quản trị đứng lên cảm tạ hội đồng và xin từ chức, để Đại hội đồng bầu Ban Quản trị mới. ĐHĐ cử ông Nguyễn Huy Xương làm chủ tịch phiên họp, ông Nguyễn Văn Hách làm Thư ký và hai ông Nguyễn Bá Thảo, Tô Văn Lượng làm Giám thị hội đồng. Sau một hồi lâu đề cử và tranh luận, Thượng tọa Tố Liên đứng lên nói: “Trong Phật giáo chả có gì hồ nghi, công việc Ban Quản trị làm chẳng có chi là hồ đồ, mà chẳng có ai là độc tài. Cách đề nghị của Ban Quản trị (cách đây nửa tháng, muốn dò ý kiến các hội viên ở Hà Nội, đã phải bầu kín thử một Ban Quản trị) là hợp lý, nên hội đồng xét ai xứng đáng thì bầu, cứ nói mãi chỉ mất thì giờ thôi”. Ông Đỗ Công Chân, Đại biểu CHPG tỉnh Hải Dương nói: “Trong lúc khó khăn này mà công việc làm luôn trong 6 năm trời (1945 - 1950), được trôi chảy như vậy thật cũng quí hóa và đáng ngợi khen. Hiện nay Ban Quản trị cũ đang quen việc hội đồng nên giữ lại cả giúp việc cho Hội, thế là hay hơn hết”. Cả hội đồng đều giơ tay tán thành và hoan nghênh Ban Quản trị Trung ương khóa năm 1951 - 1952 - 1953:

1.   Hội trưởng: cụ Bùi Thiện Cơ, Tổng đốc trí sĩ, 107 đường Quán Thánh, Hà Nội;

1.                    Phó Hội trưởng A: Thượng tọa Tố Liên, chùa Quán Sứ, Hà Nội;

2.                    Phó Hội trưởng B: cụ Trần Văn Đại, Tuần phủ trí sĩ, 50 phố Hàng Bông, Hà Nội;

3.                    Tổng Thư ký: Ông Viên Quang, chùa Quán Sứ, Hà Nội;

....

Tháng 02.1951, để tiến tới thống nhất các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, một Ban Vận động đư­ợc thành lập gồm các đại diện Phật giáo ba miền (bên Tăng già và bên tại gia): Thượng tọa Tố Liên, cư­ sĩ Bùi Thiện Cơ, sư­ ông Mật Nguyện, c­ư sĩ Trung Định, sư­ ông Đạt Tu và cư­ sĩ Nguyễn Văn Thọ. Ban Vận động đã tổ chức nhiều phiên trao đổi, bàn bạc giữa các tập đoàn Phật giáo và soạn thảo các văn bản cần thiết.

Tính tới 15.02.1951, sau 3 tháng, nhờ sự chỉ đạo của Thượng tọa Tố Liên, sư ông Trí Không, sự nhiệt thành và trí sáng suốt nhận xét của các đạo hữu Lê Quang Đạt, Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm và toàn thể các đạo hữu trong Ban Hướng dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ, đã chính thức thành lập được 2 Phổ:

-                      Phổ Liên Hoa tại chùa Chân Tiên (phố Bà Triệu, Hà Nội) có hơn 100 em;

-                      Phổ Thiện Tuệ tại chùa Quán Sứ có hơn 200 em.

Mỗi Phổ có Phổ trưởng đứng đầu. Ban Hướng dẫn dự định cho thành lập các Phổ tại các tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng v.v...

Ngày 19.02, Thượng tọa Tố Liên - Đại diện Ban chấp hành Hội PGTG tại Việt Nam đã lên đường đi dự hội nghị bất thường Hội PGTG tại Colombo, XriLanka để đặt chương trình và thảo luận phương pháp kiến tạo hòa bình.

Ngày 24.2, Thượng tọa Tố Liên thừa lệnh quốc trưởng Việt Nam tặng Hội PGTG 2000 rupi (10.000 đồng Việt Nam) để cúng vào việc xây dựng Hội quán.

Thượng tọa yêu cầu Hội PGTG giúp đỡ cho các học sinh tăng Việt Nam được dễ dàng sang học Phật, Pháp tại XriLanka, Ngài dự định gửi ngay 3 Tăng sinh sang một lúc sau khi dàn xếp xong. Nguyên lão nghị viên Justn Kotelawala hứa sẽ phát tâm cúng hàng tháng 75 Rupi để cúng dàng 3 vị học sinh Tăng này về việc ăn học. TT Tố Liên tỏ lời cảm ơn và ngài ước định gửi ngay số Tăng học sinh ấy trong thời gian gần nhất.

Ngày 14.3.1951, Thượng tọa Tố Liên vừa đi dự hội nghị Colombo về đã không quản mệt nhọc lại lên đường cùng các nhân viên Gia đình Phật hóa phổ vào dự lễ Tổng hội Thanh niên Phật giáo toàn quốc họp tại Huế. Đồng thời Ngài sẽ hoạt động xúc tiến Phật giáo toàn quốc.     

Ngày 10.4, sau một thời gian công tác trù bị hoàn tất,  Pháp Chủ Mật Ứng đại diện Phật giáo Bắc Việt, Pháp Chủ Tịnh Khiết, đại diện Phật giáo Trung Việt và  Hòa thư­ợng Đạt Thanh trụ trì chùa Giác Ngộ, đại diện cho Phật giáo Nam Việt đã ký vào lời hiệu triệu thống nhất Phật giáo gửi tới Sơn môn Tăng già Trung Việt, Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật giáo Trung Việt, Hội Phật học Nam Việt, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt.       

Ngày 21. 4, tại chùa Quán Sứ Hội Việt Nam Phật giáo họp đại hội đồng bất thường. Chư­ơng trình nghị sự gồm:

1.                    Xét bản dự thảo Điều lệ Phật giáo toàn quốc;

2.                    Sửa lại bản Điều lệ Hội Việt Nam Phật giáo;

3.                    Cử đại biểu đi dự đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo toàn quốc tại Huế vào ngày 06.5.1951.

Ngày 22.4, dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Tố Liên và Thượng tọa Trí Hải lễ suy tôn Hòa thượng Thích Mật Ứng lên ngôi Pháp Chủ đ­ược cử hành trọng thể tại chùa Quán Sứ. Tới dự có c­ư sĩ Bùi Thiện Cơ - Hội trư­ởng Hội Việt Nam Phật giáo, Th­ượng tọa Thích Trí Thủ - Hội trư­ởng Hội Phật học Trung Việt, đại diện Hội Phật học Nam Việt, đại diện chính quyền và hàng trăm Tăng Ni, Phật tử.

8 giờ ngày 6.5.1952, Hội nghị Phật giáo thống nhất toàn quốc Việt Nam cử hành lễ khai mạc tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) với 51 đại biểu Phật giáo 3 miền. Đoàn đại biểu Phật giáo Bắc Việt có 16 vị: các Hòa thư­ợng: Mật Ứng, Thanh Đoan, các Th­ượng tọa: Tố Liên, Trí Hải, Vĩnh T­ường, các sư­ ông: Tâm Châu, Tuệ Viễn và Thanh Cung (Kim C­ương Tử), các c­ư sĩ: Bùi Thiện Cơ, Lê Toại, Viên Quang, Nguyễn Hữu Tâm, Nguyễn Đình Quế, Nguyễn Văn Sách, Đỗ Công Chân, Đỗ Đình Cảnh. Họp luôn trong 4 ngày (từ 6 - 9. 5. 1951), kết quả Hội nghị đã nhất trí thông qua bản Điều lệ và Nội quy của Hội và bầu đư­ợc Ban Tổng Trị sự (Ban Quản trị Trung ­ương) nhiệm kỳ 3 năm gồm:

1.        Hội chủ: Hòa thư­ợng Thích Tịnh Khiết, trụ trì chùa Tư­ờng Vân (Huế);

2.        Phó Hội chủ: Th­ượng tọa Trí Hải và cư­ sĩ Chơn An Lê Văn Định;

1.                    Tổng Th­ư ký: cư­ sĩ Trang Định;

Hội lấy tên là Tổng hội Phật giáo Việt Nam trụ sở đặt tại Thuận Hóa (Huế) và lấy ngày Phật đản làm ngày kỷ niệm thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam.

Mục đích của Hội:

1.      Thống nhất lực l­ượng, ý chí và hành động của Phật tử Việt Nam;

2.      Hư­ớng dẫn Phật tử Việt Nam theo đúng tinh thần Phật pháp;

3.      Đào tạo Tăng tài có đủ khả năng để hoằng d­ương Phật pháp;

4.      Sách lệ và hộ trì Tăng Ni nghiêm trì giới luật;

5.      Tu tạo và bảo tồn các tu viện, các cơ quan văn hóa xã hội giáo dục của Phật giáo;

6.      Giao thiệp hay liên lạc với tất cả các tổ chức Phật giáo trên thế giới nếu tổ chức ấy theo đúng chính pháp.

Hòa th­ượng Mật Ứng và Hòa thư­ợng Tuệ Tạng đư­ợc bầu vào Ban Chứng minh

Đạo sư­ (gồm 6 vị); Th­ượng tọa Tố Liên làm ủy viên Nghi lễ; ông Lê Toại làm ủy viên Tài chính.

Tổng hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo có tính thống nhất, quy mô, tập hợp Tăng Ni và Phật tử của 6 tập đoàn Phật giáo Phật giáo lớn trên cả 3 miền đất n­ước và có khả năng thu hút các tập đoàn Phật giáo còn lại.     

Ngày 13.5 (8.4 âm lịch), Văn phòng Trung tâm Địa phương của Hội Phật giáo Thế giới tại chùa Quán Sứ (do Thượng tọa Tố Liên làm đại diện) Lễ thư­ợng kỳ (cờ) Phật giáo thế giới được cử hành lần đầu tiên ở Việt Nam.

Ngày 16.6, lớp Huấn luyện ủy viên Gia đình Phật tử do Ban Quản trị Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại Hội quán Tổng Trị sự Hội Việt Nam Phật học.

Ngày 05.10.1951, báo Tin tức Phật giáo (phụ trư­ơng của báo Phư­ơng Tiện do Thượng tọa Tố Liên làm chủ nhiệm) xuất bản hàng tuần, ra số đầu tiên để kính tặng thập phư­ơng giáo hữu cho ai nấy đều biết rõ tình hình Phật giáo hiện tại ở trong n­ước cũng như­ ngoài nư­ớc.

Năm 1952 Nhâm Thìn

Ngày 6.5, tại chùa Quán Sứ Hội Việt Nam Phật giáo tổ chức lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Thượng tọa Tố Liên, nhân danh Chủ tịch Tổng trị sự Tăng già Bắc Việt tuyên bố khai mạc; Hội trưởng Hội VNPG giới thiệu đạo hữu Tổng Thư ký đọc bản diễn văn của Ban Quản trị Tổng hội Phật giáo Việt Nam và nhắc lại lời thề nguyền của Phật giáo Việt Nam thống nhất.

15 giờ 30 ngày 12.5, thày Trí Quang ủy viên Giáo lý Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã từ Huế ra Hà Nội thỉnh Hòa thượng Pháp chủ và Thượng tọa Tố Liên vào Huế để thảo luận mấy vấn đề liên quan đến sự thống nhất nền Phật giáo Việt nam về giáo lý cũng như về tổ chức Tổng hội Tăng già toàn quốc và nhát là những đề nghị cần phải đưa ra trước Hội nghị Phật giáo Thế giới. Hòa thượng Pháp chủ do bận nhiều việc trong khi chư Tăng Bắc Việt đang an cư nhập Hạ nên đã ủy cử Thượng tọa Tố Liên thay mặt GHTG Bắc Việt vào Huế.

Sáng ngày 22.5, Thượng tọa Tố Liên cùng thày Trí Quang đáp máy bay vào Huế, họp hội nghị trù bị GHTG Việt Nam.

Ngày 29.5, Thượng tọa Tố Liên trở về Hà Nội sau khi trao đổi ý kiến với Ban Quản trị Tổng hội Phật giáo Việt Nam các vấn đề quan trọng trước khi đi dự hội nghị Phật giáo Thế giới.

Ngày 12.6, Giáo hội Tăng già Nam Việt đồng ý về nội dung cuộc Hội nghị trù bị Giáo hội Tăng già Việt Nam họp ở Huế và nhường GHTG Bắc Việt tổ chức cuộc Tổng hội đồng GHTG Việt Nam.

Ngày 20.6, GHTG Bắc Việt quyết định thành lập Ban Tổ chức Hội nghị Tăng già toàn quốc gồm:

+ Trư­ởng ban: Th­ượng tọa Tố Liên;

+ Phó Trư­ởng ban: Th­ượng tọa Trí Hải và cư­ sĩ Trần Văn Quí;

+ Th­ư ký: Thư­ợng tọa Thanh Tùng;

+ Phó th­ư ký: các s­ư ông Quảng Hoằng, Thanh Kiểm và Tâm Châu;

+ Thủ quỹ: sư­ cụ Thành Trụ và sư­ ông Thanh Kiểm (giúp việc sổ sách);

+ Kiểm soát Tài chính kiêm Kế toán: cư­ sĩ Nguyễn Hữu Tiến;

+ Kiểm soát và Điều động: Th­ượng tọa Vĩnh Tư­ờng;

Các chuyên ban:

-          Nghiên cứu lễ nghi (Tố Liên);

-           Hiệu lệnh (sư­ ông Tâm Giác);

-           Duy Na;

-          Khánh tiết: s­ư ông Thanh Cát, s­ư ông Thanh Hoàn và các đạo hữu Văn Khuê, Văn Chức;

-          Nghênh tống: Thư­ợng tọa Trí Hải, các cư­ sĩ Trần Văn Quí, Viên Quang, Nguyễn Văn Nhã.

-     Phim ảnh: các đạo hữu Nguyễn Văn Đức, Đặng Khuê, Hải Đư­ờng.

-   Phát ngôn và điều khiển ch­ương trình: Th­ượng tọa Trí Hải và cư sĩ Viên Quang.

Ngày 27.6, Văn phòng Hội Việt Nam Phật giáo đã sao gửi các CHPG Bắc Việt Thông tri số 163/PTH/HC2/TT ký ngày 25.6.1952 về việc dùng kỳ hiệu Phật giáo. Chính phủ ngày 23.5.1952 đã cho phép treo cờ Phật giáo ở các chùa và trụ sở Hội Phật giáo trong những ngày lễ về Phật giáo. Còn các tín đồ Phật giáo chỉ được treo cờ Phật giáo ở trong nhà.

8 giờ tối ngày 28.6, tại nhà Tế sinh phố Ngỗ Sĩ Liên, Hà Nội, gia đình Phật hóa phổ Minh Tâm tổ chức một buổi lửa trại trọng thể gắn cấp hiệu cho các Phật tử đã trúng tuyển những kỳ thi lên cấp. Các gia đình Liên Hoa, Phả Quang, Hải Triều đã đến dự. Các Thượng tọa Tố Liên và Trí Hải đã đến dự

Ngày 6.7, sau một thời gian trao đổi thư từ giữa Văn phòng Đại diện PGTG tại Việt Nam với Tổng hội PGVN và các tập đoàn Phật giáo trong nước, Thượng tọa Tố Liên gửi danh sách xin giấy phép xuất ngoại, gồm:

1.                    Thượng tọa Tố Liên, Đại diện Ban chấp hành Hội PGTG tại Việt Nam - Trưởng phái đoàn;

2.                    Pháp sư Trí Quang, ủy viên hoằng pháp PGVN, Đại biểu Phật giáo Trung Việt;

3.                    Pháp sư Quảng Minh, Hội trưởng Hội PHNV, Đại biểu Phật giáo Nam Việt;

4.                    Đạo hữu Viên Quang, Tổng Thư ký Hội VNPG, Đại biểu Phật giáo Bắc Việt;

5.                    Đạo hữu Nguyễn Ngọc Bảo, Thư ký Văn phòng Đại diện PGTG tại Việt Nam - thông ngôn Anh ngữ;

6.                    Đạo hữu Nguyễn Xuân Kha, Thư ký Ban Cứu tế xã hội, Hội Việt Nam Phật giáo - thông ngôn Nhật ngữ;

7.                    Đạo hữu Vũ Văn Thu, Hội viên Hội Việt Nam Phật giáo - quan sát viên và chụp ảnh;

8.                    Đạo hữu Hoàng Xuân Yên, Hội viên Hội VNPG, quan sát viên và quay phim;

9.                    Đạo hữu Cao Xuân Lữ, Hội viên Hội PHTV, quan sát viên, đại biểu dự khuyết Trung Việt;

10.                 Đạo hữu Nguyễn Thị Quế tức bà Nguyễn Hữu Pha, Hội viên Hội Phật học Nam Việt, Hội trưởng Hội Phụ nữ Phật tử Nam Việt, quan sát viên;

11.                 Đạo hữu Hồ Thị Cô tức bà Nguyễn Văn Lượng, Hội viên Hội PHNV, quan sát viên.

Tuy nhiên cho tới ngày sắp lên đường chỉ có 7 người được phép xuất ngoại:

TT Tố Liên; PS Trí Quang, PS Quảng Minh, các Đạo hữu Vũ Văn Thu, Hoàng Xuân Yên, Viên Quang, bà Nguyễn Hữu Pha. Bà Hồ Thị Cô tự ý không muốn đi, Đạo hữu Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Xuân Kha, Cao Xuân Lữ do giấy tờ chậm trễ nên không đi được.

Ngày 9.7, Hội đồng trù bị họp lần 2, ấn định những vấn đề cần thiết trong việc tổ chức tổng hội nghị Tăng già toàn quốc: về nghi lễ, về Tăng sự, ấn tín (của Ngài Thượng thủ GHTG Việt Nam hình vuông, khuôn dấu của Tổng trị sự hình tròn), việc mời các vị chính thức dự Tổng hội nghị, Văn kiện (chung, riêng), Tăng chế.    

Ngày 13.8, đoàn đại biểu PGVN do Thượng tọa Tố Liên, đại diện Ban chấp hành Hội PGTG tại Việt Nam làm trư­ởng đoàn đi dự Đại hội PGTG lần thứ hai tại Tôkyô, Nhật Bản gồm các vị sau đây:

1.                    S­ư ông Trí Quang, ủy viên Giáo lý Tổng hội PGVN;

2.                    Sư ông Quảng Minh, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt;

3.                    Đạo hữu Viên Quang, Tổng thư ký Hội Việt Nam Phật giáo;

4.   Đạo hữu Nguyễn Thăng Thái làm việc tại văn phòng Ban Quản trị TƯ.

Ngày 6.9.1952, các đại biểu về dự Tổng hội nghị Tăng già toàn quốc đã tới Hà Nội;

Ngày 7.9 (19.7 âm lịch), các đại biểu thăm phòng triển lãm của các Gia đình Phật hóa phổ Bắc Việt trưng bày tại chùa Quán Sứ. Từ 9 - 11 giờ các đại biểu tiếp các đoàn đại biểu Phật giáo Bắc Việt và quí khách; 11 giờ đi thăm trại của GĐPHP Bắc Việt tổ chức tại Văn Miếu; 12 giờ thụ Ngọ tại chùa Quán Sứ do Ban Hộ niệm Hội Việt nam Phật gióa cúng dàng; 15 giờ lễ phát nguyện; 16 giờ Hòa thượng Pháp Chủ Bắc Việt đọc diễn văn khai mạc, tiếp đọc diễn văn Tổng hội Phật giáo Việt Nam và của 6 tập đoàn Tăng già, cư sĩ 3 phần Việt Nam; 19 giờ dự cuộc trưng bày của trẻ em trường Bảo trợ giáo dục nhi đồng tại nhà Tế sinh; 19 giờ 30 dự lửa trại của GĐPHP Bắc Việt tại nhà Tế sinh

Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 8 đến ngày 14.9.1952 các đại biểu1 của Tăng già Bắc, Trung, Nam đã tề tựu tại chùa Quán Sứ, Hà Nội để họp đại hội đồng thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc. Đại hội đồng đã thông qua bản Qui chế của Giáo hội, bầu ra Hội đồng Pháp Chủ gồm ba vị Pháp Chủ ở ba miền, có nhiệm vụ chứng minh và ủng hộ về mọi công việc do vị Thư­ợng Thủ cùng Tổng Trị sự đảm nhiệm, suy tôn vị Thư­ợng Thủ đứng đầu Giáo hội và bầu ra Tổng Trị sự (nhiệm kỳ là 2 năm) cùng các chuyên Ban để thực hành các công việc của Giáo hội.

Vị Thư­ợng Thủ đ­ược suy tôn đầu tiên là Hòa thư­ợng Tuệ Tạng - Thích Tâm Thi.   

Hội đồng Tổng Trị sự gồm:

1.                    Trị sự trư­ởng: Thư­ợng tọa Trí Hải;

2.                    Trị sự phó kiêm Trì tạng: sư­ ông Tâm Châu;

3.                   Tổng Th­ư ký: Thư­ợng tọa Tố Liên;

4.                    Phó Th­ư ký: s­ư ông  Hải Ninh;

5.                    Trư­ởng quĩ: Th­ượng tọa Viên Tu;

6.                    Tr­ưởng ban Giám luật kiêm Nghi lễ: Th­ượng tọa Đôn Hậu;

7.                    Tr­ưởng ban Giáo thụ: Thư­ợng tọa Thiện Hòa;

8.                    Trư­ởng ban Hoằng pháp: sư­ ông Thiện Siêu;

9.                    Trư­ởng ban Tăng tích: s­ư ông Thanh Tùng.

Ba vị dự khuyết là các Thư­ợng tọa: Vĩnh Tư­ờng, Mật Hiển, Mật Nguyện.

Giáo hội lấy tên là Giáo hội Tăng già Việt Nam, trụ sở đặt ở khắp Bắc, Trung, Nam tùy theo vị Hòa th­ượng Thư­ợng Thủ ở.

Mục đích của Giáo hội Tăng già Việt Nam:

1.                    Phụng sự Phật giáo;

2.                    Chỉnh lý Tăng già theo giới pháp Lục hòa;

3.                    Sách tiến Tăng Ni nghiêm trì tịnh giới;

4.                    Đào tạo Tăng ni có đủ tài đức để hoằng dư­ơng Phật pháp lợi ích chúng sinh làm các việc từ thiện văn hóa xã hội.

Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam ra đời nhằm mục đích thiết lập một cơ chế lãnh đạo nhất quán để hoạt động Phật sự hữu hiệu hơn; trên cơ sở đó tạo mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức Phật giáo trên thế giới nhất là đối với Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới mà Phật giáo Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập tổ chức này.     

Ngay sau khi thành lập, Giáo hội Tăng già Việt Nam đã tiến hành một số việc lớn sau:

+ Công nhận Ban chấp hành Chi hội Phật giáo Thế giới tại Việt Nam;

+ Can thiệp với chính quyền bãi bỏ việc bắt các sư­ từ 18 - 45 tuổi phải tòng quân;

+ Cử các nhà sư trẻ sang tu học ở nước ngoài;

+ Quy định thống nhất phẩm phục của ch­ư tăng toàn quốc.

Ngày 16.9, Hội Việt Nam Phật giáo lại quyết định mở Trư­ờng nữ Trung học Khuông Việt có từ Đệ Nhất đến Đệ Tứ do cụ Nguyễn Gia Tư­ởng tốt nghiệp Cao đẳng S­ư phạm nguyên giáo sư­ trung học làm hiệu tr­ưởng. Ban Giám đốc gồm Cử nhân Vật lý Bùi Phương Chi - giảng viên trường Đại học Hà Nội; Bùi Xuân Uyên hiệu trưởng trường Trí Tri; Nguyễn Dương Đôn, cử nhân toán, bà Nguyễn Gia Đức giáo sư Gia chánh.

Ngày 20.9, hầu hết chư Tăng trong Ban Tổng Trị sự GHTG Bắc Việt, Ban Quản trị TƯ Hội VNPG và đông đảo đạo hữu trong Hội đến chùa Quán Sứ tiễn đưa Phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Tố liên làm Trưởng đoàn lên đường đi dự Hội nghị PGTG lần thứ 2 tại Nhật Bản:

Ngày 21.9, Đoàn rời Hồng Hông bay sang Nhật Bản, nghỉ tại chùa Sojiji (Tổng Tri Tư) thuộc tỉnh Yokohama.

Ngày 23.9:

-                      Đoàn dự lễ rước Xá lợi Phật do Đoàn Phật giáo Tích Lan tặng Phật giáo Nhật Bản từ cảng Yocohama về chùa Sojiji;

-                      Phái đoàn PGVN đi thăm hoàng thành, trụ sở quốc hội Nhật Bản và những công viên ở miền này.

9 giờ 15 ngày 25.9, Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 2 khai mạc tại chùa Honganji (Bản Nguyên tự). Có 170 đại biểu chính thức cùng quan sát viên 21 nước (1 Australia, 2 Brazil, 10 Mianmar, 4 Cao Mên, 31 Tích Lan, 9 Trung Hoa, 1 Pháp, 8 Hawai, 4 Hồng Kông, 9 ấn Độ, 3 Lao, 2 Korea, 6 Nepan, 1 Ôkinawa, 18 Penang, 6 Philippin, 8 Singapore, 10 Thái Lan, 9 Mỹ, 1 Ti Bét, 8 Việt Nam (gồm cả thầy Lê Phụng Xuân đại diện Phật giáo Tiểu thừa ở Sài Gòn) và hơn 500 đại biểu của Phật giáo Nhật Bản tham dự.

Ngày 13.10, tại Hội nghị PGTG lần thứ 2 Tokyo, Nhật Bản Thượng tọa Tố Liên được bầu làm Phó Hội trưởng Hội PGTG.

Ngày 23.10, phái đoàn PGVN do Thượng tọa Tố Liên lãnh đạo đi dự Hội nghị PGTG lần thứ 2 ở Tokyo Nhật Bản đã về tới Hà Nội. Chư Tăng Ni, Ban Quản trị TƯ và các Phật tử đã mở tiệc trà đón chào đoàn tại chùa Quán Sứ. Thầy Quảng Minh Hội trưởng Hội PHNV và bà Nguyễn Hữu Pha cũng đã đáp máy bay về Sài Gòn. Đạo hữu Vũ Văn Thu cố vấn Ban Văn Mỹ Nghệ Phật giáo còn ở lại Tokyo 1 tháng để sưu tầm các tài liệu về mỹ thuật.

Ngày 7.11 (17.9 âm lịch), trên 100 vị sư­ của gần 100 chùa nội ngoại thành Hà Nội tới dự cuộc họp của hội đồng bàn về việc cứu tế nạn nhân bị bão lụt tàn phá tại Trung và Nam Việt. Th­ượng tọa Tố Liên chủ tịch Tổng trị sự Hội Tăng già chủ tọa phiên họp. Th­ượng tọa Vĩnh Tư­ờng đề nghị những vị có mặt tại hội nghị ủng hộ tiền tại chỗ còn chùa nào mà đại biểu vắng mặt sẽ cử một ban tài chính tới tận chùa quyên sau. Số tiền cúng đư­ợc bao nhiêu sẽ đăng trên báo Tin Tức Phật giáo và gửi tới ủy ban cứu tế đồng bào bị bão để phân phát cho các nạn nhân.

Hòm công đức “Quyên giúp dân bị bão” đặt tại chùa Quán Sứ và văn phòng Hội VNPG.

Sau khi nhà cầm quyền vùng tạm chiếm ra quyết định động viên cả giới tăng sĩ Phật giáo, Thượng tọa Tố Liên đã đến gặp thủ hiến Bắc Việt phản đối kịch liệt quyết định này.

Ngày 8.11, hội đồng hàng tháng của Ban Quản trị TƯ họp tại chùa Quán Sứ dưới sự chủ tọa của Hội trưởng Bùi Thiện Cơ. Hội đồng thông qua thư cám ơn Hội VNPG của HT Thượng Thủ và nghe báo cáo của phái đoàn đi dự lễ cung nghinh xá lợi tại Cao Mên và đi Nhật bản dự Hội nghị PGTG lần thứ 2. Thượng tọa Tố Liên Phó hội trưởng trình thư của Hội Ma ha Bồ đề Ấn Độ mời sang dự lễ nhập tháp xá lợi của 2 vị thánh tăng và dự hội nghị Văn hóa PGTG lần thứ nhất tại San Chi xứ Bhopan, Ấn Độ.

Ngày 16.11, TT Tố Liên Chủ tịch Tổng trị sự GHTG Bắc Việt gửi thư cho Hội VNPG cùng số tiền 9900$00 trong tuần lễ lạc quyên các chùa ở Hà Nội để giúp đồng bào bị bão lụt tại Trung và Nam Việt.

Ngày 18.11, TT Tố Liên đã gửi thư bạch Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Tổng hội thông tư cho các tập đoàn Phật giáo trong nước cùng biết việc Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ 2 họp ở Tokyo đã quyết định tất cả các Hội viên Hội Phật giáo thế giới nên cùng theo Phật lịch từ năm 1952 là năm 2496 Phật lịch để tỏ tinh thần thống nhất ý chí của Phật tử Việt Nam với Phật tử thế giới.

Chiều ngày 29.11, Thư­ợng tọa Tố Liên tham dự Hội nghị Văn hóa Phật giáo thế giới lần thứ nhất cử hành tại Sanchi thuộc xứ Bhopal (Ấn Độ) sau khi xá lợi Phật đư­ợc đư­a từ Cancútta tới nơi cử hành lễ nhập tháp xá lợi.

Ngày 29.11, Hội đồng Pháp Chủ đã họp với Ban Tổng Trị sự GHTG Bắc Việt thỉnh Hòa thượng Cao Đà sung chức Trưởng tòa Giáo lý thay Hòa thượng Tuệ Tạng xin từ chức vì bận nhiều việc của GHTG Việt Nam. Cụ Sủi trụ trì chùa Thiên Phúc, cụ Tâm Nguyệt giảng sư chùa Quán Sứ được thỉnh sang Tòa Giáo lý, Thượng tọa Tố Liên và thầy Bình Minh nhận chức Thư ký và Phó Thư ký Ban Hoằng pháp. Hội đồng còn ủy Thượng tọa Tố Liên được tùy tiện thỉnh thêm chư tăng có học lực vào Ban Hoằng pháp.

17 giờ ngày 30.11, sau khi chủ tọa các buổi họp của Tổng Trị sự GHTG Việt Nam, Hòa thượng Thượng Thủ đã tiếp các nhân viên Ban Quản trị Hội Việt nam Phật giáo tại chùa Quán Sứ và trao quyết định của Hội đồng Tổng Trị sự GHTG Việt Nam cử Thượng tọa Tố Liên làm Chánh trụ trì chùa Quán Sứ kế chân tổ Tế Cát vì già yếu và hiện nay làm nguyên lão của GHTG và Thượng tọa Trí Hải làm Phó trụ trì thay thế Hòa thượng Tuệ Tạng đã được GHTG toàn quốc suy tôn ngôi Thượng Thủ. Hội trưởng Bùi Thiện Cơ tỏ ý hoan nghênh quyết định này và cụ sẽ trình bày việc này với Hội đồng Ban Quản trị trong phiên họp thường nguyệt sắp tới để Hội đồng được rõ.

17.30, ngày 05.12, tại chùa Quán Sứ Ban Cứu tế xã hội đã họp phiên bất thường dưới sự chủ tọa của Thượng tọa Tố Liên để:

1.                    Thỉnh thêm 3 vị cố vấn: Cụ giáo Nguyễn Đình Quế, bà Nguyễn Thiện Thuật, bà Nguyễn Khắc Kham.

2.                    Thỉnh 3 vị kiểm soát: Ông Tô Lan Khoa, Nguyễn Xuân Kha, bà Lê Hữu Lý.

3.                    Thỉnh 2 vị huấn giới: Thượng tọa Tố Liên đề nghị mời Đại đức Thanh Uyên và Đại đức Quảng Hoằng làm Huấn giới.

4.                    Hội đồng khảo lại bản Nội qui trước khi trình Hội đồng Ban Quản trị TƯ duyệt y;

Ngày 16.12.1952:

-   Nhận thấy GHTG Bắc Việt cần phải có Ban Giám luật kiêm Duy na nên Hòa thượng Pháp Chủ đã ủy Thượng tọa Tố Liên thỉnh Hòa thượng Thích Đức Nhuận chùa Đồng Đắc (Kim Sơn, Ninh Bình) sung chức Trưởng tòa Giám luật. Hòa thượng Pháp Chủ lại cử sư cụ chùa Nhất Trụ (Một Cột) làm Chánh, Thượng tọa chùa Tràng Tín làm Phó ban Duy na. Từ nay Ban Giám luật kiêm Duy Na đương nhiên điều khiển cả các vị tuần chúng theo quyết định của Pháp Chủ.

Ngày 18.12, một số hội viên nữ Hội Việt Nam Phật giáo đã thành lập Ban Ưu Bà Di học Phật có mục đích mở những lớp học Phật pháp để cùng nhau học tập và nâng đỡ những chị em Phật tử muốn tu học để trở nên những người có đức hạnh. Một số ban viên đã chung góp được một số tiền để xuất bản những kinh sách thiết yếu về sự tự học và dự định lập một viện tu học riêng có các vị ni sư làm giảng sư. Đây là một công cuộc đáng được khuyến khích và nâng đỡ.

Năm 1953 Quí Tỵ

Ngày 2.01, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội Thượng tọa Tố Liên phối hợp với ông Bùi Thiện Cơ - Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo tổ chức lễ Cầu Hộ quốc an dân trong 21 ngày từ 2.01 (17.11 âm lịch) tới ngày 23.01 (tức ngày 7.12 âm lịch) tức tới ngày đức Phật Thích Ca thành đạo (8.12 âm lịch).

Ngày 3.01, Tuần báo Tin Tức Phật giáo phụ trương của nguyệt san Phương Tiện do Thượng tọa Tố Liên (Hội Tăng già Bắc Việt) làm chủ bút đình bản (số 66) chuyển sang cho ông Bùi Thiện Cơ - Hội Việt Nam Phật giáo làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Từ tháng 2 đến tháng 6, ngoài công việc trụ trì chùa Quán Sứ và đại diện Hội Phật giáo thế giới, Thượng tọa Tố Liên còn giành nhiều thời gian tập trung chỉ đạo các hoạt động của Gia đình Phật hóa phổ ở Hà Nội, Hải Phòng như cử đại đức Tâm Giác đi thăm các GĐPHP Thiện Tuệ, Minh Tâm, Minh Đạo, Phả Quang... (Hà Nội), Liên Hoa ... (Hải Phòng); mở trại huấn luyện Minh Đạo tại chùa Quán Sứ đào tạo một số đoàn trưởng cho các GĐPHP còn thiếu huynh trưởng.

Ngày 8 tháng 7, chính quyền vùng tạm chiếm ký Nghị định số 45 MI/DĐP chính thức công nhận và cho phép Tổng hội Phật giáo Việt Nam (được thành lập từ tháng 9 năm 1951) hoạt động trên khắp quốc gia (Nam Bộ).

Tháng 11, Thượng tọa Tố Liên và Thượng tọa Trí Hải cùng Hội trưởng Bùi Thiện Cơ quyết định khởi công xây dựng trường Vạn Hạnh trong khuôn viên chùa Hàm Long (Hà Nội)  

Từ năm 1954 - 1977

Năm 1954, đất nước bị chia cắt, Ngài cùng các Hòa thượng đồng chí hướng như Tuệ Tạng, Trí Hải, Vĩnh Tường kiên quyết ở lại Hà Nội để làm cột trụ vững chắc trong việc truyền thừa Phật sở đã có từ năm 1949.

Từ 1954 - 1958 Hòa thượng Tố Liên tiếp tục làm trụ trì chùa Quán Sứ.    

Đến năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất ra đời, với nội dung và nhân sự mới, kế thừa sự nghiệp của Ngài trong giai đoạn mới. Vì bệnh duyên và tuổi ngày một thêm cao. Ngài phải nghỉ dưỡng bệnh tại chùa Quán Sứ và một số nơi khác ở miền Bắc như chùa Quỳnh Chân, bệnh viện Phú Thọ.

Tháng 3 năm 1977, Ngài chống thiền trượng đi gặp và đàm đạo cùng chư Tăng tại chùa Quán Sứ để tạ từ. Chiều ngày 13 tháng 2 năm Đinh Tỵ (1.4.1977). Ngài an nhiên viên tịch tại chùa Quán Sứ, trụ thế 75 năm, hoằng pháp độ sinh 45 năm. Bảo tháp của ngài được tạo dựng tại chùa Sùng Phúc, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bảo hiệu là Chân Không tháp.

Ngài đã viết gần một trăm bài báo cho các tờ bán nguyện san Đuốc Tuệ (1935-1945) và hậu thân của Đuốc Tuệ là nguyệt san Diệu Âm (1946), bán nguyệt san Phương Tiện (1949-1954) và tuần báo Tin Tức Phật giáo.

Về trước tác, Hòa thượng còn để lại những tác phẩm:

-                      Tấm gương quy y

-                      Sự lý lễ tụng

-                      Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Sri Lanka....  

Hòa thượng Thích Tố Liên là một người có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà và đưa đạo Phật Việt Nam góp mặt với Phật giáo thế giới. Ngài là tấm gương sáng cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử vì đã trọn đời cống hiến cho Phật sự.

 


 

1 Báo Cứu Quốc số 106 ra ngày 1.12.1945

1 Phương Tiện số ra rằm tháng 8 năm Canh Dần (1950).

1 Thành phần đại biểu dự đại đội đồng nh­ư sau:

-          6 vị Hòa thư­ợng trong Ban Chứng Minh Đạo S­ư;

-          3 vị Pháp Chủ giáo hội Tăng già ba miền;

-          12 đại biểu Giáo hội Tăng già (mỗi miền 4 ng­ời);

-          6 đại biểu Tổng hội Phật giáo Việt Nam (mỗi miền 2 ngư­ời)

ngoài ra Đại hội còn mời các vị trong ban Trị sự Tăng già Bắc Việt cùng các Trị sự trư­ởng của Tăng già Bắc Việt các tỉnh, đại biểu các Hội Phật giáo, Phật học ở ba miền nh­ng chỉ là quan sát viên.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/ht_ToLien_tulieu.htm

 


Vào mạng: 1-2-2007

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang